BÀI THUYẾT TRÌNH 3A: VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Thuyết trình viên
Lm Antôn Trần Văn Trường (Đà Nẵng)
Dạy Giáo lý nằm trong sứ mệnh Chúa trao cho Giáo Hội, qua các Tông Đồ, đó là: Đi rao giảng Tin Mừng … làm Phép Rửa… và dạy giữ những điều Chúa truyền… (Mc 16, 15-16 ; Mt 28,24).
Có người dựa vào câu này để phân chia 3 sứ mệnh của Giáo Hội :
- Sứ mệnh Sứ ngôn
- Sứ mệnh Phụng Tự (Tư tế)
- Sứ mệnh Lãnh Đạo
Hợp với 3 tước vị của Chúa Kitô: Tiên tri, Thượng Tế và Vua. Giáo hội là Alter Christus.
Phân chia ra để tìm hiểu cho rõ thôi. Còn trong đời sống, 3 Sứ Mệnh đó liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi không thể tách rời. Cũng như 3 tước vị trên đều thuộc về một con người, Đức Giêsu Kitô. Và 3 mệnh lệnh Ngài truyền vẫn là một.
Dạy Giáo Lý là thi hành sứ mệnh này: Rao giảng Tin Mừng đưa đến Bí Tích Rửa Tội và quyết sống theo Tin Mừng. Bí Tích Rửa Tội đưa đến kết quả là “Một tạo vật mới được sinh ra” (Gl 6,15) (tái sinh bởi Nước và Thánh Thần) cho Nước trời, là Giáo Hội, mà chính Chúa Kitô đã lập.
Đối với người rửa tội rồi, thì đừng quên đời sống Công giáo là trung thành với phép Rửa tội; và các bí tích khác (chỉ được lãnh sau phép Rửa tội) có thể nói là “tiếp nối” bí tích Rửa tội, hoặc “bổ túc”, “nuôi dưỡng”… Thần học của Giáo Hội nhất là sau Vatican II, đã cho thấy “tầm vóc” của bí tích Rửa tội bao quát cả đời sống nên thánh của Kitô hữu thế nào. BHDTQ cũng phản ảnh điều đó rất rõ! Quả thật, lời hứa từ bỏ ma quỷ đi theo Chúa Kitô mà trong nghi lễ Rửa tội xưa được thể hiện không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cử điệu đang quay về phía Tây nhổ nước miếng vào ma quỷ, rồi quay hẳn về phía Đông phía mặt trời nguồn ánh sáng để tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Kitô. Cử chỉ hành vi đó phải kéo dài suốt đời sống Kitô hữu bằng một tiếng rất xưa “cuộc chiến đấu thiêng liêng”, mà giáo lý phải chỉ ra và hộ chiến.
Như vậy kết thúc việc dạy Giáo Lý là gia nhập cộng đoàn Giáo Hội, để rồi cùng Giáo Hội, trong Giáo Hội tiếp tục thi hành mệnh lệnh Chúa trao. Dạy Giáo Lý đưa đến truyền giáo là thế!
Bây giờ chúng ta thử “nhìn vào bên trong” (INSIDE)
1- Cộng đoàn dạy Giáo Lý : Giáo Hội là cộng đoàn những người tin và sống Tin Mừng, nên mỗi thành phần trong Giáo Hội đều cho trách nhiệm (dĩ nhiên là khác nhau) thi hành Mệnh Lệnh “rao giảng Tin Mừng của Chúa”. Trong đời sống thực tế của con người tín hữu từ khi sinh ra, cộng đoàn đã làm gì?
Tiếng nói đầu tiên “Lạy Chúa” là do mẹ dạy. Rồi “Lạy Chúa” cúi đầu cũng do mẹ dạy! Mẹ còn lấy tay giúp con cúi đầu cung kính.
Buổi đọc kinh đầu tiên trong gia đình. Dự lễ đầu tiên trong Giáo xứ … Buổi học Giáo lý đầu tiên do anh chị trong Giáo xứ dạy……Rồi hội đoàn…Sinh hoạt…Lãnh Bí Tích …. Học hỏi…. Hội họp… Tham gia đời sống cộng đoàn!...Tất cả đều là do Cộng đoàn.
Đời sống thực tế của con người tín hữu là sống trong và cho một cộng đoàn : gia đình, Giáo xứ, Giáo phận, Giáo hội.
2- Cộng đoàn là môi trường dạy, học và sống Đức Tin (Dạy Giáo Lý) : Ngày nay người ta nói nhiều về môi trường sống : ô nhiễm môi trường, làm sạch môi trường…
Không thể sống lành mạnh trong một môi trường bị ô nhiễm, ô nhiễm đủ kiểu : ô nhiễm mạch nước ngầm (làng ung thư) ô nhiễm do khí thải (nhà máy xả khí độc) ô nhiễm phóng xạ (nhà máy nguyên tử bị sự cố)
Đời sống Đức tin Kitô Giáo hiện nay bị đe dọa thế nào do ô nhiễm… chúng ta đã nghe.
Ở đây chúng ta chỉ muốn lưu ý đến khía cạnh: không thể dạy Giáo lý độc lập với cộng đoàn. Nói cách khác cả cộng đoàn phải tham gia vào việc dạy Giáo Lý. Vì dạy Giáo Lý là dạy sống Đức tin chứ không phải chỉ dạy một lý thuyết! Đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, tuổi dễ bị tác động bởi môi trường sống, càng cần phải lưu tâm!Lành mạnh hóa môi trường sống tức cộng đoàn, là điều thiết yếu của việc dạy Giáo Lý.
Một cộng đoàn bị ô nhiễm khi đời sống luân lý, đạo đức quá bết bát! Hay quá nguội lạnh!
Cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”: ở nhà thờ, Giáo xứ, nghe Lời Chúa, về gia đình sống hoàn toàn ngược lại!
Hay chỉ đơn giản là trong Giáo xứ không kiếm ra Giảng viên Giáo Lý vì thanh niên nam nữ quá kém cỏi. Mà giảng viên Giáo Lý ở ngoài Giáo Xứ thì làm sao biết được các em trong giáo xứ, gia đình các em… không biết các em mình dạy, thì dạy làm sao cho có kết quả ?
Vấn đề ba má đỡ đầu rửa tội, Thêm Sức cũng lâm vào ngõ cụt! Chả nhẽ cứ mãi mãi một số ít, rất ít, ông bà làm vú bọ (ba má đỡ đầu).
Tệ nhất là các tân tòng mới rửa tội, tâm hồn còn trong trắng từ giếng nước Thanh Tẩy…”bị” gia nhập vào một cộng đoàn đầy ô nhiễm!!... Vài nơi, trong những giáo xứ lớn, người ta lập một “cộng đoàn đón tiếp tân tòng” gồm một số đại diện đầy đủ, già trẻ, đàn ông đàn bà, có đời sống đạo tương đối tốt ! Thế nhưng chả nhẽ duy trì “cộng đoàn tiêu biểu” này mãi! Rồi tinh thần “Biệt phái”rình rập!!...
Tuy nhiên ô nhiễm về luân lý, đạo đức, có thể Lời Chúa nói: “Hãy nghe lời chúng nói nhân danh Maisen…, nhưng đừng bắt chước việc chúng làm”, sẽ hóa giải được! ...Hoặc những thành phần có bản lĩnh vững chắc có thể sống “độc lập” với ảnh hưởng xấu.
Điều đáng lo ngại hơn đó là chính đời sống gọi là đạo đức của cộng đoàn! Một đời sống đạo bị “dị dạng”, cái chính trở thành cái phụ! Một phần phát triển quá cỡ đến át cả toàn thể: Mũi quá to sẽ biến khuôn mặt ra dị dạng đáng sợ !!...
Điều mà Công Đồng Vatican II kêu gọi phải trở “Về Nguồn”. Nguồn Lời Chúa được ghi chép một cách vô ngộ trong Thánh Kinh ! vì theo giòng thời gian những thứ “biến dạng” …đã xâm nhập vào đời sống Giáo Hội !... Trong số đó phải kể các thứ “mạc khải tư”, những tôn sùng nặng về tâm tình tư riêng, có thể tốt cho bản thân, nhưng không tốt cho mọi người! Nhất là khi những thứ “tư riêng” đó lấn át những điều căn bản chính yếu của Lời Chúa!
Sách “Hướng Dẫn tổng quát” đã nhắc đi nhắc lại một cách tích cực, dưới nhiều phương diện điều quan trọng này qua những đoạn nói về “Phúc Âm hóa”, “việc rao giảng Tin Mừng”, “Tinh thần Giáo lý dự tòng thời Giáo Hội Sơ Khai” (số 35), nói tới cả “Lời Rao Giảng” tiên khởi (Kérygma) (số 62), đặc biệt mục nói về “Giáo Lý Khai tâm” (Số 72, 258).
3- Cộng đoàn tham gia việc dạy Giáo lý thế nào ? Sách HDTQ đã kể ra rất rõ ràng, tỉ mỉ nữa: Từ Giáo Hội hoàn vũ, đến Giám Mục Giáo phận, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Giáo dân; từ quốc tế đến quốc gia, Giáo phận, Giáo xứ, Hội đoàn, gia đình.
Nhưng đặc biệt lưu tâm đến một thành phần của cộng đoàn, do cộng đoàn: đó là các Giáo lý viên, không chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
Đối với thành phần không chuyên nghiệp (dạy một thời gian, tham gia một phần) sách HDTQ lưu ý đến nhu cầu đào tạo ít là vắn hạn nhưng thích hợp. Có thể nghĩ tới những khóa đào tạo một tuần, 10 ngày, hằng năm trong giáo xứ hay liên giáo xứ, có thể cả Giáo phận. Mời các Giảng viên trong Giáo Phận, ngoài Giáo phận đến dạy.
Rất thường các Cha xứ thường kêu gọi ngang nhiên một số thanh niên thiếu nữ đạo đức, siêng đi nhà thờ… làm Giáo lý viên. Cứ nghĩ rằng các em đó đạo đức, thế là đủ! Sách HDTQ nêu ra đủ thứ cần bồi dưỡng: Tâm lý, sư phạm, học thuyết của Giáo Hội, nhân bản… Ấy là chưa nói tới chính nền tảng Giáo lý của các em đó, có đáp lại được những điều căn bản của Lời rao giảng Tin Mừng chưa?
Giảng viên chưa nắm vững, chưa sống đúng Tin Mừng, thì làm sao dạy các em nhỏ chính xác và kết quả được. Một nhận định của “Phong trào rao giảng” (mouvement Kérygmatique) phát xuất từ Munich (Đức), khai mào cho phong trào canh tân Giáo lý trong Giáo Hội đã từng chỉ ra: Có những tín hữu (và là rất nhiều) suốt đời chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng.
Đối với Giảng viên giáo lý chuyên nghiệp.– (Một điều kiện rất cần cho việc dạy Giáo lý có thực chất và bền vững) – bản HDTQ đề cập đến các trường đào tạo chuyên nghiệp từ cơ sở đến đại học, cấp quốc gia, cấp quốc tế.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể thực tế, nếu ban bệ đủ cấp, văn phòng đủ kiểu mà không có lấy một chương trình giáo lý cụ thể, khả thi và đầy đủ, thì tất cả chỉ là lý thuyết, là cơ chế không hiệu quả! Nói theo hình ảnh Thánh Kinh: “cây vả tươi tốt, lá cành xum xuê, mà đến tìm quả thì lại không có!”
Nói một chương trình “cụ thể”, nghĩa là có thể mang ra dạy, học ngay! Tuy nhiên vẫn không phải là thứ “Giáo lý mì ăn liền” hay “Giáo lý lá cải”….
“Khả thi” bởi vì có nhiều chương trình nhìn qua thấy hay, hấp dẫn nữa! Nhưng khi đưa vào dạy, mới thấy là các em nuốt không nổi! Còn giảng viên thì thấy không thể dạy hết được, vì ôm đồm quá nhiều!… Rồi còn không có chỗ cho phần của giảng viên (!), giảng viên chỉ là một thứ “máy nói”!.... Chúng ta biết trong lớp Giáo lý, giảng viên phải là “nhân chứng” cho điều mình nói! Qua con người giảng viên, các em như được mời gọi, “lôi kéo”, sống Lời Chúa, đưa Lời Chúa vào đời sống thực tế.
“Đầy đủ”: cần phân biệt nhiều thứ đầy đủ! Đầy đủ kiểu máy móc vô hồn, khác với đầy đủ của vật sống! Chúa ví Nước Trời như hạt cải nhỏ lớn lên thành cây to! Cây cải đầy đủ từ trong hạt nhỏ, đầy đủ theo kiểu “trứng nước”, nhưng là đầy đủ! Và trăm phần trăm là cây cải chứ không phải là cây khác!
Một chương trình giáo lý đầy đủ phải có sự thuần nhất và tiệm tiến từ lớp nhỏ Mẫu giáo cho đến con người trưởng thành trong đức tin, dù người đó là nhà bác học hay nông dân.
Tin Mừng Kitô giáo là cho mọi người và mọi người đều có thể và phải sống trọn vẹn đức tin Kitô giáo (Ơn gọi nên thánh là ơn gọi cho mọi Kitô hữu)
Trở lại với ý tưởng “cụ thể”, vì nói nguyên tắc chung thì dễ và nói mãi cũng được “Cụ thể” là cái gì cầm trong tay và có thể xử dụng ngay: “dạy” và “học” theo. Chúng ta có 2 ví dụ của Giáo Hội:
* Kinh “Tin Kính Dân Chúa” của Đức Phaolô VI
* Sách Giáo lý cho toàn Giáo Hội 1992
Một bản tóm tắt chính thức và theo ngôn ngữ thời nay, những điều Giáo Hội Công Giáo tin.
Và một Sách Giáo lý đầy đủ những gì GHCG tin và sống hiện nay trong thế giới đang phát triển, thuận và không thuận này.
Đối với GHVN cũng cần hai thứ đó.
* Một quyển giáo lý hỏi thưa vắn gọn chính thức của Hội đồng Giám Mục Việt Nam kiểu như Đức Cha Nghi đã làm (sách Giáo lý Tân Định sửa đổi), điều mà GHVN đang làm .
* Một bộ giáo lý đầy đủ cho mỗi năm từ tiểu học đến hết trung học có thể gọi là giáo lý phổ thông cho mọi người tín hữu:
Tiếp theo là giáo lý cho cấp sau Trung học (sau trình độ phổ thông) mà bản HDTQ nói tới khi nói về Giáo lý cho các trường Công giáo: Giáo lý phải “thâm nhập vào môi trường, văn hóa, và liên hệ với những lãnh vực kiến thức khác… giúp hiểu biết về nguồn gốc thế giới, ý nghĩa lịch sử, nền tảng cho các giá trị đạo đức, vai trò tôn giáo trong văn hóa, định mệnh con người và tương quan với thiên nhiên” (số 73).
Nhận định của bản HDTQ làm ta liên tưởng tới cái nhìn của Cha Teilhard de Chardin: thế giới tiến hóa qua 3 bước quyết định: Cosmogénèse (phát sinh vũ trụ), biogénèse (phát sinh sự sống) noosgénèse (phát sinh trí tuệ) và bây giờ đang trong giai đoạn cuối : trí tuệ “đấu tranh” trong cuộc xô xát vĩ đại để tìm về Chân Thiện Mỹ là Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng ! Cái nhìn Teilhardienne này đã làm say mê bao nhiêu nhà trí thức đến nỗi lập cả viện cao học để nghiên cứu… và gọi Cha Teilhard là một Tiên Tri nói ngôn ngữ khoa học… Điều thật thú vị là chính Cha Teilhard thú nhận là đoạn Ep 1,3-14 đã là nguồn cảm hứng cho Ngài !!....
Một chương trình GL cho Thanh Niên Đại Học, theo gợi ý của bản HDTQ trên, rất có thể đi từ nguồn cảm hứng này.
Quả thật, có thể nói là sau Trung học, con người có ý thức về tương lai đời sống của mình trong xã hội loài người, nên cố chọn cho mình một vai trò trong xã hội bằng cách học chuyên một ngành (trong Đại học, cao học, chuyên nghiệp). Con người tự nhiên phát triển cho mình một cách “nhìn đời”, một nhân sinh quan. Giáo lý Kitô giáo phải cho họ một cái nhân sinh quan bao quát và sâu xa nhất đó là cái nhìn của chính Đấng Tạo Dựng, được mặc khải rõ ràng và dứt khoát trong Đức Giêsu Kitô. Chính lúc này là lúc mầu nhiệm của Đức Kitô phải được làm sáng tỏ đầy đủ và sâu xa nhất! Đời sống mỗi con người và qua con người đến xã hội sẽ lệ thuộc vào cái “nhân sinh quan” này! Giáo lý đúng đắn đóng vai trò quyết định.
Sau giai đoạn “học sinh” tiểu trung học, “sinh viên” (đại học, cao học chuyên nghiệp), con người bước sang giai đoạn thực hành (thực hiện những gì đã học) Giáo lý không còn “dạy” nữa mà là “cố vấn, đồng hành” ! Giáo lý không có chương trình, mà chỉ có trao đổi, giải đáp… và sẽ thực hiện công việc này cho đến mãn đời sống con người. Đúng là “học Giáo Lý” cho đến chết!
Kết: Hội Đồng Giám Mục, GM Giáo Phận lãnh đạo cộng đoàn đưa ra một chương trình vắn tắt (hỏi thưa căn bản) và một chương trình đầy đủ cho suốt thời gian phát triển đời sống con người bình thường!
Việc áp dụng cho mỗi nơi, mỗi trường hợp, sẽ linh động theo khả năng! Khả năng con người (dạy và học)! Khả năng hoàn cảnh sống (giầu nghèo, sống rải rác hay tập trung thành phố hay thôn quê v.v….).
Điều quan hệ là có “cầu” thì có “cung” và “cung” bảo đảm lành mạnh, đúng mức!
Trên đây cũng là một trình bày cụ thể và đề nghị “cụ thể”!
Xin cám ơn Đại Hội đã lắng nghe!
NGUỒN: UBGLDT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét