Trang

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Sự Dữ, Một Vấn Đề (2)

Sự Dữ, Một Vấn Đề (2)

Phần 2: NHỮNG NỖ LỰC HÓA GIẢI SỰ DỮ
BẰNG HUYỀN THOẠI VÀ TRIẾT HỌC

Nguyễn Minh Sơn, OP.


1. Hóa giải bằng huyền thoại

Ngược với điều bấy lâu nay người ta vẫn tưởng, huyền thoại không hẳn là những câu chuyện nho nhỏ dễ thương dành cho trẻ con. Qua những hình thức rất đa dạng, những trình thuật có vẻ hoang đường này muốn mang đến một lời giải thích cho các vấn đề căn bản của con người liên quan đến sự hiện hữu của thế giới và của chính họ, chẳng hạn như những huyền thoại về nguồn gốc con người, về tạo dựng, về sự dữ có mặt trong thế giới và trong con người…

Bên ngoài những câu chuyện này (thời đại nào cũng có, kể cả thời đại chúng ta ngày nay với những chuyện như “siêu nhân”,…) có vẻ ngây ngô và trẻ con, nhưng kỳ thực chúng rất thú vị. Vì nếu không mang lại được một lời giải đáp cho các vấn đề thì ít ra chúng cũng cung cấp được những chỉ dẫn hết sức quan trọng về chính con người và những ước vọng của họ. Điều đó đặc biệt thấy rõ nơi những trình thuật đề cập đến hai vấn đề: sáng tạo và sự hiện hữu của sự dữ, của đau khổ.

Trong những huyền thoại liên hệ đến sự dữ, ta luôn tìm thấy những yếu tố sau đây: Xưa kia, con người sống hạnh phúc với Thượng Đế hay với các thần linh trong một thế giới lý tưởng và tuyệt diệu, nơi đó không hề có sự dữ lẫn đau khổ và cái chết: đó là thiên đàng. Rồi sau đó vì nhiều lý do, đã xảy ra một sự đoạn tuyệt giữa con người và Thượng Đế hay các vị thần này. Từ đó sự hài hoà bị đổ vỡ. Cùng với sự đổ vỡ đó là sự xuất hiện của đau khổ, đau đớn thể lý, sự dữ, nỗi âu lo sợ hãi, thời gian, sự chết. Con người lúc nào cũng nhớ nhung cái thiên đàng đã mất đó và sống trong hy vọng sẽ tìm lại được thiên đàng ấy để đến trú ẩn cho qua những thực tế cay nghiệt và khó khăn của cuộc sống.
 

“Huyền thoại kể rằng vào buổi ban đầu có một thế giới khác với thế giới với thế giới này và một thời kỳ trước thời kỳ này, lúc đó mọi người đều rất hạnh phúc, không bị đau đớn, không phạm sai lầm và không bị chết, nghĩa là thoát khỏi sự dữ dưới mọi hình thức… Rồi đến giai đoạn sau… sự dữ thâm nhập vào thế giới trên cao, có trước cuộc sống này… thần thánh giao chiến với nhau; một số thiên thần biến thành ma quỷ và những hữu thể siêu nhiên nhúng tay vào những đam mê và công việc của loài người, làm cho sự dữ càng trở nên sâu sắc. Hai giai đoạn này, như một phản đề trong các trình thuật huyền thoại, được thấy rõ nhất nơi các huyền thoại kể về thiên đàng đã mất”[1]…và nơi những trình thuật Kinh thánh về sáng tạo ở chương I và III sách Sáng Thế[2].

Nhưng dù có mang nhiều ý nghĩa đến đâu đi nữa, lối giải thích của huyền thoại cũng khó làm ta thỏa mãn, vì thật ra nó không giải thích gì hết! Đặc biệt là những huyền thoại đề cập đến vấn đề sự dữ. Đó là lý do tại sao ta không dừng lại với các huyền thoại, như Thánh Kinh đã làm là sau khi sử dụng các huyền thoại để “diễn tả điều không thể diễn tả được”, Kinh Thánh đã mau mắn bỏ kiểu làm việc đó để dùng một cách khác đào sâu những thực tại huyền nhiệm ấy, những thực tại dệt thành cuộc sống con người. Vì thế con người đi tìm những hướng đi khác, đặc biệt là suy tư triết học.

2. Suy tư triết học và vấn đề sự dữ

Thực tế, nhiều triết gia đều quan tâm đến vấn đề sự dữ. Dù cách thức tiếp cận vấn đề có thể rất khác nhau nhưng (ngoại trừ thuyết Manikê có vẻ là suy tư bằng sự giác ngộ hơn là bằng triết học thực sự), ta có thể phân thành năm loại chính. Trước hết là những người cho rằng con người phải tùng phục tất cả những gì xảy ra, bằng cách luôn giữ sự bình tâm trước sự dữ và đau khổ, đây là thuyết khắc kỷ. Kế đến là những người nghĩ rằng dù có sự dữ, đau khổ và sự chết, thế giới vẫn là một tổng thể khá hài hòa, sự dữ và đau khổ chỉ là những thực tại mà ta phải đấu tranh, điển hình như Héraclite và nhất là Leibniz. Trong khi có những người không bằng lòng chỉ đấu tranh với chúng mà còn từ chối và lên tiếng phản đối chúng, như Camus chẳng hạn. Và cuối cùng là trường phái duy tâm và duy vật.
 

a. Hãy gắng chịu những gì không phụ thuộc mình (thuyết khắc kỷ)

Vì ước ao tìm được sự nguôi dịu khi đứng trước sự dữ, đau đớn và thống khổ, các triết gia Khắc kỷ đã tìm cách tuyên truyền cho thái độ tùng phục nhiều hơn là giải thích sự dữ. Đối với họ, khôn ngoan là hãy chăm lo phát triển những gì thuộc quyền mình và can đảm gánh chịu những điều khác, đúng như lời chỉ bảo của Épitète, một trong những triết gia lớn nhất của trường phái này: “chớ đòi hỏi những gì xảy ra như phải xảy ra, và bạn sẽ được hạnh phúc”[3]. Ta cần phải làm chủ những ước muốn và đam mê của mình, phải giữ bình thản, đặc biệt trước sự dữ và đau khổ, hầu tìm được sự bình tâm thực sự; thái độ đó được tóm tắt trong khẩu hiệu nổi tiếng sau đây của phái Khắc kỷ: “Sustine et abstine”, “chịu đựng (những gì không phụ thuộc mình) và tránh bớt (các đam mê)”.

“Đứng trước sự dữ, phái Khắc kỷ có thể có hai thái độ đối nghịch. Một đàng là thái độ của kẻ duy ý chí đôi khi tới mức kiêu ngạo: nghiến răng lại để chứng tỏ mình vượt trên đau khổ, đàng khác là thái độ của người cam chịu tới mức hết sức buồn tẻ”[4]

Khuynh hướng khắc kỷ (stocism) còn cho rằng thông qua ý thức, con người có thể đạt tới hạnh phúc. Họ cho rằng không có sự dữ tự thân, chỉ có sự dữ do một cách nhìn, một thái độ nào đó của con người. Những giai thoại chung quanh các triết gia khắc kỷ thường nói lên điều đó, như giai thoại về Épictète, nô lệ của Êpaphrodite. Một hôm Êpaphrodite đùa giỡn bằng cách vặn chân Épictète thì Épictète lạnh lùng bảo trước người chủ: “Nếu cứ tiếp tục, ông sẽ làm gẫy chân tôi đấy”. Người chủ càng bẻ mạnh hơn và làm gãy chân Épictète thật, nhưng Épictète vẫn thản nhiên nói: “Tôi đã bảo mà”.

Còn Chrysippe thì cho rằng: cần điều chỉnh ý thức mình cho ăn khớp với thiên nhiên, với môi trường và hoàn cảnh là hết vấn đề: khi sắp làm gì, bạn hãy nghĩ tới điều bạn sẽ làm. Chẳng hạn bạn đi tới hồ bơi thì hình dung sẵn những gì thường xảy ra tại đó, như có thể họ ném bạn xuống nước, nhận chìm bạn, ăn cắp đồ của bạn…Bạn sẽ vững tâm hơn khi tới đó nếu bạn tự nhủ rằng tôi muốn bơi, nhưng tôi cũng muốn giữ ý chí tôi phù hợp với thiên nhiên và hoàn cảnh. Và bạn sẽ không đạt tơi điều ấy nếu bạn bực bội vì những chuyện xảy đến.

Tuy nhiên, thực tế nhiều khi không phải ý thức tiêu hao được sự dữ, mà chính sự dữ có khi nuốt trôi ý thức.

Đàng khác, nhiều khi ý thức luân lý không cho phép rập khuôn với hoàn cảnh và môi trường chung quanh như vậy.

Thái độ triết học của phái khắc kỷ này đã có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử tư tưởng Phương Tây, nhất là trong lịch sử kitô giáo. Kitô giáo thường có khuynh hướng lấy đó làm thái độ của mình…mà đôi khi quyên rằng điều đó ngược với Tin Mừng tận căn bản: Đức Giêsu không bao giờ rao giảng một thái độ tùng phục hay cam chịu khi đứng trước sự dữ và đau khổ, mà đúng hơn, Người đề nghị một sự phản kháng tích cực.

b. Dù bên ngoài thế nào, thế giới vẫn là một tổng thể hài hòa.

* Với Héraclite, thế kỷ V trước CN

Theo Héraclite, người ta thường chỉ nhìn một khía cạnh của sự vật, còn nếu nhìn thực tại trong toàn bộ, họ sẽ thấy thế giới thật hài hòa. Thế giới biến chuyển không ngừng và chính trong dòng sông bất tận đó luôn có một sự đối kháng giữa thiện và ác. Nhưng trong những sự đối kháng luôn luôn nảy sinh đó, cuối cùng rồi bao giờ cái thiện cũng thắng. Héraclite quả quyết: “Thiện và ác rồi ra chỉ là một”[5]

Nếu đối chọi thiện và ác, đó là bởi chúng ta có cái nhìn quá chật hẹp và cục bộ. Còn kỳ thật cả hai liên kết với nhau một cách hết sức hài hòa. Hiểu như thế thì “lùi là báo trước tiến bộ, bất công là chuẩn bị cho công bình, chết là tiên báo sự tái sinh. Hoàng hôn luôn luôn được thưởng lại bằng bình minh”[6]. Tóm lại, sự thiện luôn luôn thắng[7].

* Với Leibniz, thế kỷ XVIII

Trong suốt dòng lịch sử, tư tưởng của Héraclite đã đều được lặp lại bằng nhiều cách thức khác nhau. Đặc biệt hơn cả, vào thế kỷ XVIII, Leibniz cũng muốn xoa dịu con người bằng cách làm cho Thượng Đế vô tội trong việc này, đây cũng là điều quan trọng nhất đối với Leibniz. Và cũng là toàn bộ nội dung “thần lý học” của ông. Để được thế, ông đặt sự dữ vào trong trật tự của vũ trụ.

Trước hết, Leibniz không chối bỏ sự dữ là một thực tại bi thảm. Ông nhấn mạnh nếu sự dữ hiện hữu thì đó là vì Thượng Đế không thể tạo dựng một thế giới hoàn hảo được. Bằng không, Người sẽ tự mâu thuẫn, vì tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo, chẳng khác nào biến thế giới ấy thành một Thượng Đế khác, như thế là vô lý vì Thượng Đế chỉ có một. Không thể đồng thời có hai sự hoàn hảo tuyệt đối, hay nói cách khác, không thể cùng lúc có hai Thượng Đế.

Vì được tạo dựng nên thế giới nhất thiết phải có giới hạn và vì thế tất nhiên phải có sự dữ trong thế giới đó. Tuy nhiên, trong tất cả những thế giới tốt nhất mà Người đã chọn. Thế giới mà Người đã chọn để tạo dựng ắt phải có nhiều sự thiện nhất và ít sự dữ nhất. Thượng đế đã có thể tạo dựng một thế giới không có Nêrô, vị hoàng đế La mã nổi danh là “bạo chúa khát máu”, nhưng Người đã không làm như vậy, có thể là vì một thế giới không có Nêrô ắt sẽ có những bất toàn khác, những sự dữ khác còn trầm trọng hơn những bất toàn và những sự dữ đã xuất hiện vì có ông.
 

Đối với Leibniz, lấy lại ý tưởng của Héraclite, vấn đề vẫn là do con người ta chỉ thấy một phần của thực tại. Nếu thấy được thực tại trong toàn bộ của nó, ta sẽ nhận ra rốt cục tổng thể vẫn luôn luôn hài hòa, sự thiện vẫn luôn luôn thắng. Sự dữ cần có trong thế giới như những khoảng tối trong một bức tranh cần để làm nổi bật những chỗ sáng, hoặc những hợp âm chói tai đã được khéo léo đưa vào một hài hòa của một bản giao hưởng. Sự dữ đáng sợ và kinh khủng thật, nhưng chấp nhận nó thì sẽ tránh được những sự dữ tệ hơn, cũng như sẽ hướng ta đến sự thiện.
 

Lẽ đương nhiên lập luận này không thỏa đáng. Chẳng những không thỏa đáng vì không biện minh được cho sự vô tội của Thượng Đế, mà còn là “một xì-căng–đan đúng nghĩa” đối với những đau khổ hết sức thật và cụ thể do sự dữ gây lên. Sự dữ luôn luôn là sự dữ và không bao giờ có thể biện minh cho nó dù bằng cách nào. Vì thế, lối giải thích này cần phải bị gạt bỏ hẳn.

c. Phản kháng

Thái độ phản đối một cách tự nhiên và bình thường khi đứng trước sự dữ là thái độ của đại đa số các triết gia, đặc biệt của đông đảo triết gia kitô giáo. Có một triết gia vô thần diễn tả thái độ ấy một cách khác đặc biệt là Albert Camus.

Trực giác cơ bản của Camus là trực giác về tính bi đát của cuộc đời, mà biểu hiện đau đớn nhất là nỗi đau khổ của trẻ em, một hình ảnh man rợ nhất của sự dữ. Đối với ông, đó chính là chứng cớ Thượng Đế không có. Sự dữ và Thượng Đế là hai điều mâu thuẫn nhau.

Tuy nhiên, đối với Camus, không phải vì đâu đâu cũng có sự dữ mà ta chấp nhận thái độ thoái thác hay tệ hơn, ta tự sát, ngay cả khi ta thấy đau khổ và chết chóc (vì là sự dữ) thật là phi lý[8]. Ngược lại, chính vì sự dữ có mặt khắp nơi mà “con người phản loạn” của ta càng phải nỗ lực hơn để không ngừng tiêu diệt nó.

Đứng trước sự dữ, chẳng những không chút thối chí mà với một sự sáng suốt, con người chỉ có một thái độ duy nhất là chống đối và nỗ lực không ngừng làm giảm những bất công cũng như những đau khổ xung quanh mình, theo gương Sisyphe, một nhân vật truyền thuyết của thần thoại Hy lạp, bị các thần linh kết án phải vác một tảng đá to lớn lên đỉnh núi nhưng cứ mỗi lần leo tới nơi tảng đá ấy lại rơi xuống[9].


Albert Camus hẳn cũng biết rằng cả khi con người xóa sạch hết được mọi sự dữ do mình gây ra, vẫn luôn còn những đau khổ do chính thân phận bị giới hạn và vô thường của mình. Như thế, cho dù y khoa có tiến bộ kỳ diệu tới đâu, con người cũng không bao giờ tránh khỏi bị thương tổn về thể lý và tâm lý. Do đó phải đương đầu với bệnh tật và cái chết là điều không thể tránh được và không bao giờ tránh hết được. “Con người có thể làm chủ nơi mình tất cả những gì cần được làm chủ. Họ phải tu sửa trong vũ trụ này tất cả những gì có thể tu sửa được. Nhưng sau đó, cả trong những xã hội hoàn bị nhất, trẻ con vẫn luôn luôn phải chết một cách bất công…Bất công và đau khổ vẫn còn mãi, và dù có bị hạn chế được đến đâu, chúng vẫn mãi là một xì-căng-đan”[10]

Nói thế có nghĩa là ta không bao giờ được từ bỏ đấu tranh chống lại đau khổ và sự dữ. Cuộc chiến này, đặc biệt là cuộc đấu tranh dai dẳng để bảo vệ những người nghèo khổ và hèn hạ nhất, đòi ta phải có một “tấm lòng quảng đại đến điên cuồng” và một “tình yêu đến lạ lùng”. “Vinh dự của con người là không tính toán gì hết, là phân phát hết cho cuộc sống hiện tại và cho những anh em đang sống…chính qua đó, cuộc sống nổi loạn của chúng ta sẽ làm chứng rằng nổi loạn là chính sự sống đang chuyển động, không thể sống mà phủ nhận cuộc nổi loạn ấy…Sống là phải sinh sôi triển nở hoặc chẳng phải sống nữa”[11]
 

Camus cho rằng người kitô hữu cũng có phần trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ. Đứng trước sự dữ, dù niềm tin của mỗi người mỗi khác, nhưng không gì có thể biện minh được cho thái độ thoái thác trách nhiệm. Trong lúc trao đổi với các tu sĩ Dòng Đa Minh ở Latour-Maubourg, Camus tuy thẳng thắn nhìn nhận rằng mình không có cùng một niềm tin hy vọng như họ, nhưng vẫn khẳng định: “Tôi với các ngài cùng có chung nỗi kinh hoàng về sự dữ”. Rồi sau đó, ông quả quyết chính vì đức tin của mình, các kitô hữu không thể tự cho phép mình miễn tham gia vào cuộc chiến đấu này.

“Các bạn mà không giúp chúng tôi đấu tranh thì còn ai nữa trên thế giới này”[12]? Đại đa số tín hữu không ngừng hưởng ứng lời kêu gọi bi thương ấy của Camus (may mắn thay không chỉ có các tín hữu!) và điều đó hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng. Họ làm điều đó nhân danh chính niềm cậy trông của mình, để góp phần hữu hiệu nhất vào cuộc đấu tranh dai dẳng chống lại sự dữ. Đứng trước sự dữ khó chịu ấy, các kitô hữu chỉ có thái độ tích cực duy nhất, là cực lực chống lại và tìm cách hành động để loại trừ chúng.

Điều duy nhất họ không đồng ý với Camus là Camus đã vì sự dữ mà kết luận thế giới này là phi lý và Thượng Đế không hiện hữu. Đành rằng đối với họ cũng như đối với Camus, dù có nỗ lực bao nhiêu để giải thích, huyền nhiệm sự dữ vẫn cứ còn đó với tất cả nét bi thương và khôn dò của nó. Tuy nhiên không phải vì thế mà họ sẽ chối từ Thượng Đế.


* Với duy tâm thuyết
 

Nhãn quan duy tâm cho rằng chỉ từ khi có ý thức, con người mới nói đến sự dữ và đau khổ. Vật chất không biết đến đau khổ. Một cuộc động đất tự nó không tốt cũng không xấu. Đó chỉ là hiện tượng vận động của trái đất. Nó chỉ trở thành sự dữ khi đối diện với ý thức con người, thông qua những tàn phá nó gây nên. Do đó, họ giản lược sự dữ thành một sản phẩm thuần tuý của ý thức và từ đó cũng hoá giải sự dữ bằng ý thức. Nếu đau khổ là của ý thức, thì ý thức cũng có khả năng vô hiệu hóa đau khổ bằng cách coi nó như không có hoặc điều chỉnh ý thức cho ăn khớp với môi trường hay hoàn cảnh chung quanh.
 

* Nhãn quan duy vật

Có lẽ khó tìm thấy nơi các nhà tư tưởng Marxist cũng như chính nơi Marx một chuyên đề về sự dữ, vấn đề kể như không có đối với họ. Đối với họ, chỉ có vấn đề kinh tế, xã hội, lịch sử. Có thể nói rằng, đối với Marx, tính bi đát của thân phận con người là tính bi đát thuộc bình diện kinh tế xã hội. Đó là sự bóc lột con người bởi con người. Chấm dứt được sự bóc lột đó thì cũng chấm dứt bi kịch cuộc sống con người. Mọi giằng co, căng thẳng đều thuộc bình diện kinh tế và xã hội chứ không có tính chất hiện sinh hay siêu hình.

Để hoá giải bi kịch cuộc sống, đối với họ, cần vận dụng sức lao động và thay đổi mối tương quan xã hội.

(TSTH Th3.2010)


________________________________________

[1] É. Borne, mục “Mal” trong “L’Encyclopédie universalle”, t. IX, 1985, tr. 536.
[2] C.Montenat, L. Plateaux, P. Roux, “Pour lire la création dans l’évolution”, tr. 87-92, mục “Mal”
[3] Épitète, “Manuel” VIII.
[4] F. Bousquet, “ Le scandal du mal”, Paris, Mame, Coll. “Premìere bibliothèque de connaissances religieuses”, 1987, P.23
[5] Héraclite, “Fragments” số 58: “bệnh tật cho ta biết sức khoẻ là niềm vui: sự dữ đối với sự thiện, đói khổ đối với no đủ, nhọc nhằn đối với nghỉ ngơi cũng vậy (Ibid, số 125).
[6] É. Borne, “Le problème du mal”, op. cit. p. 73.
[7] Trong lịch sử tư tưởng nhân loại vẫn luôn có người đi tìm sự xoa dịu này. Và với một cái nhìn chịu ảnh hưởng sâu đậm của phái khắc kỷ, các kitô hữu cũng hay bị cám dỗ đi tìm sự xoa dịu ấy bằng cách cho rằng nhìn chung, rồi ra sự thiện cũng sẽ thắng. Ta có thể thông cảm với thái độ này, nhưng đó không phải là giải pháp tốt vì thường đẩy ta tới chỗ bằng lòng cam chịu.
[8] Tuy cho rằng không thể tìm thấy ở thế giới bên kia một giải đáp cho vấn đề này, Camus vẫn không vì thế mà thiếu lạc quan đối với sự thay đổi của thế giới. Sự lạc quan ấy bắt nguồn từ niềm xác tín rằng con người sẽ không ngừng đấu tranh để vũ trụ của họ nên khá hơn, và cũng vì lạc quan như thế mà năm 1948, khi có dịp trao đổi với các tu sĩ Dòng Đa Minh, ông đã dám khẳng định: “Tôi bi quan về định mệnh nhân loại, nhưng tôi lạc quan về con người” (A. Camus, L’incroyant et les chrétiens”, những góp nhặt từ bài thuyết trình tại tu viện Đa Minh ở Latour Maubourg năm 1948, được tái xuất bản trong “Actuelles Chroiques” 1944-1948, nxb. Gallimard, 1950, p.216- 217.
[9] Id. “Le Mythe de Sisyphe”, Gallimard, 1942.
[10] A. Camus, “L’homme révolté”, Gallimard, 1951, p. 374.
[11] Ibid. p. 375-376
[12] “l’incroyant et les chrétiens”, op. cit. p.213-219.
[13] Xc. Nguyễn Tuân, “Chùa đàn”.
________________________________________


Nguồn: daminhvietnam
[13]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét