Trang

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 7

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 7

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO

Đề tài bẩy: Quan điểm tình yêu – đức ái của luân lí Kitô Giáo có thể giúp gì cho đời sống tình cảm và tính dục của con người hôm nay? (đạo đức học tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và 9)

Nhập đề :

Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI công bố thông điệp đầu tiên của ngài trong tư cách giáo hoàng, mang tên “Deus caritas est” (‘Thiên Chúa là tình yêu’) (biên soạn xong ngày 25 tháng 12 năm 2005). Mục đích chính của ngài mang tính thời sự rất rõ : trước làn sóng chống đối, thậm chí sát hại, một số linh mục, tu sĩ và giáo dân đang làm công tác từ thiện và bác ái tại những điểm nóng về nghèo khổ – thường đi đôi với chiến tranh, ngài muốn minh định mục đích, bản chất và phương pháp tiến hành công tác ấy luôn luôn là trong sáng vì các hoạt động bác ái ấy chỉ nhằm phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và nối tiếp một truyền thống bác ái đã liên tục kéo dài từ thời Giáo Hội sơ khai. Nhưng vượt lên trên mục đích chính yếu mang tính thời sự ấy, ngài cũng muốn cống hiến cho Giáo Hội và thế giới những cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về tình yêu – một khái niệm bị lạm dụng nhiều tới mức không còn biết đâu là ý nghĩa đúng đắn của nó – với hi vọng thế giới sẽ vãn hồi được hoà bình, hôn nhân và gia đình sẽ lấy lại sự vững vàng của mình nhờ biết sống tình yêu theo đúng nghĩa của nó. Phần hai (đề cập đến hoạt động bác ái của Giáo Hội Công Giáo qua dòng lịch sử và theo đúng bản chất của nó) là trọng tâm của thông điệp, nhưng cũng có thể được coi là hệ luận hay minh họa cho phần một (đề cập đến quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về tình yêu – nền tảng của mọi hoạt động bác ái cá nhân hay tập thể).

Khai triển :

1. Một cái nhìn đúng đắn về tình yêu con người

1.1. Từ những nhận xét của Thông Điệp về tình yêu….

- Đức giáo hoàng nhìn nhận “tình yêu” là một khái niệm được sử dụng nhiều nhất nhưng cũng mơ hồ nhất, vì một đàng người ta đã dùng chữ ‘yêu’ cho các đối tượng khác nhau mà không quan tâm phân biệt rõ ràng, chẳng hạn người ta nói ‘yêu Chúa’, ‘yêu cha mẹ’, ‘yêu thầy cô’, ‘yêu vợ chồng’, ‘yêu bạn bè’, mà cũng nói ‘yêu súc vật’, ‘yêu thiên nhiên’… Đàng khác, sau những lời phát biểu đó về tình yêu, không ai biết người ta chú ý đến khía cạnh nào nhiều hơn : sự rung động của tình cảm, sự kích thích của giác quan, sự hưng phấn của thân xác, sự khoan khoái của cả con người hay sự phát triển của hữu thể … ?

- Ngài cũng nhìn nhận người ta đã vội vàng và hồ đồ khi kết án Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tình yêu không đúng đắn vì đã loại yếu tố thân xác ra ngoài (loại bỏ khía cạnh “eros” – tình yêu tính dục) và từ đó, “đầu độc” tình yêu hay làm biến chất tình yêu : tình yêu theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo không còn là tình yêu của con người (!).Thật ra, có thể trong một thời gian nào đó, ở một số môi trường nào đó trong Giáo Hội – như vào những thế kỉ đầu tại Tây Phương và Đông Phương – một số nhà thần học và tu đức xem ra ái ngại khía cạnh thân xác và tính dục của tình yêu. Nhưng nếu không phải do ảnh hưởng của triết học Hi Lạp đang thịnh trị lúc ấy, là triết học hạ giá vật chất, thân xác và những gì có sự can thiệp nhiều của những yếu tố ấy như lao động, hôn nhân, gia đình…, thì cũng là do phải đương đầu với một xã hội đang suy đồi về luân lí, các vị ấy không thể không cảnh giác yếu tố thân xác và tính dục trong tình yêu con người, dù có muốn đề cao một tình yêu thực sự của con người gồm cả xác lẫn hồn. Ngay cả trong những thời kì hiện đại về sau – khi người ta đã có cái nhìn tích cực và quân bình về tình yêu con người – Giáo Hội cũng khó hồ hởi thái quá để chào đón tính dục khi chứng kiến biết bao lạm dụng tính dục và tình yêu, lạm dụng tới mức trở thành bệnh hoạn.

1.2. Đến quan niệm nguyên thủy của Mạc Khải

- Kỳ thực, ngay ở những trang đầu của Mạc Khải Thánh Kinh, tình yêu con người đã được ca tụng hết lời, dĩ nhiên là tình yêu bao hàm tính dục. Sự hồ hởi của Ađam khi nhìn thấy Eva cũng là sự hồ hởi của Thánh Kinh và của Thiên Chúa trước vẻ đẹp của tình yêu nam nữ. Thánh Kinh không ngại mô tả tình yêu nam nữ ấy sẽ dẫn hai người tới đâu : “cả hai sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và luyến ái với nhau để trở nên một xương một thịt”, chặt chẽ tới mức “chẳng ai có thể chia lìa hai người được”. Chính Chúa cũng đã không do dự chúc lành cho tính dục hay giới tính : “Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Ngài thấy đó là điều tốt đẹp và Ngài chúc lành cho họ”.

- Ngay cả sau này, mặc dù đã có nhiều sự lạm dụng trong tình yêu và tính dục, Thiên Chúa cũng không tiêu diệt tình yêu và tính dục của con người. Ngài tìm cách khôi phục vẻ đẹp của nó bằng cách soi sáng cho một tác giả ca tụng vẻ đẹp vừa thiêng liêng vừa rất người của tình yêu ấy trong một áng thơ tuyệt vời ca tụng tình yêu của nam nữ, mô phỏng tình yêu của Giavê với dân Israen (sách Diễm Ca). Các ngôn sứ cũng không tìm cách dèm pha hay đòi dẹp bỏ tình yêu con người dù biết rằng nó đã bị lạm dụng rất nhiều, mà tìm cách hướng con người tổ chức tình yêu của mình phỏng theo tình yêu tuyệt vời của Giavê đối với Israen (xem lại chuyện tình của ngôn sứ Hôsê).

- Khi Đức Giêsu và các môn đệ nhận lời tham dự tiệc cưới Cana và đồng ý giúp đỡ chủ tiệc trong lúc bối rối, bất kể thời cơ chưa đến, Ngài muốn cho thấy tình yêu đôi lứa và hôn nhân quan trọng thế nào trong chương trình cứu độ của mình : đó phải là một trong những đối tượng ưu tiên cần được cứu độ. Tuy không nói nhiều về tình yêu và hôn nhân, nhưng những can thiệp của Đức Giêsu trong lãnh vực này đều mang tính quyết định : tình yêu và hôn nhân phải mang tính duy nhất (hay độc chuyên : ‘exclusif’) và vĩnh viễn (hay bất khả phân li, không thể li dị) ; muốn vậy, phải có sự bình đẳng nam nữ và vợ chồng. Thậm chí, ngài còn nâng nó lên thành một ơn gọi hay bậc sống, mà phải được Chúa gọi và ban ơn, con người mới thực hiện được : “Không phải ai cũng hiểu được điều ấy (tính bất khả phân li tuyệt đối của tình yêu hôn nhân hay rộng rãi hơn, thực hiện hôn nhân theo đúng ý Chúa), mà chỉ những ai được Chúa ban ơn cho hiểu”. Trở thành ơn gọi hay bậc sống, điều đó có nghĩa là tình yêu hôn nhân không còn là chuyện thuần túy của con người – dù có nâng lên thành một định chế rất nghiêm túc, mang tính xã hội – mà đã trở thành chuyện có liên quan đến Thiên Chúa và Nước Trời. Thánh Phaolô sẽ làm rõ chân lí này trong thư gởi giáo hội Ephêxô.

- Thật ra, nếu biết khai triển ý niệm con người là hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy tình yêu con người đẹp nhất là khi nó phản ảnh tình yêu Thiên Chúa. Rất may, tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự vẽ vời của óc tưởng tượng hay sự thêu dệt của các tay mơ mộng, mà đã trở thành sự thật cụ thể trong lịch sử, đặc biệt nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi giáo lí, cuộc sống và con người của Ngài, nhất là nơi cái chết của Ngài, chúng ta có thể đọc thấy thế nào là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và thế nào là tình yêu con người đối với Thiên Chúa.

1.3. Từ tình yêu Eros đến tình yêu Agapé

- Như thế, tự gốc gác, Kitô Giáo không hề coi khinh tình yêu con người – kể cả tình yêu trong khía cạnh tính dục, thân xác hay Eros. Những minh giải trên đây đã làm chứng cho điều ấy, và ngày nay Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục biểu lộ thái độ ấy đối với tình yêu con người. Những lạc giáo Albigeois và Cathares hay bất cứ chủ trương nào đòi hỏi người kitô hữu loại trừ thân xác và tính dục hay yêu cầu một Giáo Hội chỉ gồm những người sống trinh khiết theo trọn nghĩa của nó đều bị lên án.

- Tuy nhiên, cũng như trong bất cứ sinh hoạt nào của con người, để xứng đáng là sinh hoạt của con người chứ không phải của con vật, người ta phải chấp nhận “nhân bản hoá” hay thăng hoa chúng hoặc cử hành chúng một cách văn hoá xứng với phẩm giá con người. Trong tình yêu, kể cả những sinh hoạt tự nhiên nhất của tình yêu, con người cũng phải nỗ lực “văn hoá” chúng (theo nguyên nghĩa là ‘làm cho đẹp’), nếu muốn chúng là sinh hoạt của chính con người. Nói đến việc “làm cho đẹp” các sinh hoạt tự nhiên ấy là gián tiếp nói tới những hi sinh và khổ chế cần thiết. Nhưng đó không phải là những hi sinh và khổ chế bệnh hoạn để đày đọa con người, mà là để làm cho các sinh hoạt con người ngày càng có giá trị hơn. Kitô Giáo gọi đó là nỗ lực đưa tình yêu Eros đi vào tình yêu Agapé, đưa tình yêu của con người đi vào tình yêu của Thiên Chúa – một tình yêu mang những đặc điểm như càng ngày càng tự do, rộng rãi và sâu sắc nhờ đã vượt lên trên những hạn chế của cảm xúc và hành vi thân xác, một tình yêu càng lúc càng vô vị lợi nhờ đã vươn lên trên những bận tâm riêng tư của mình để chia sẻ những bận tâm của người khác và của Thiên Chúa, một tình yêu càng ngày càng không chỉ làm con người lớn lên mà còn lớn lên gần ngang tầm Thiên Chúa.

- Có thể có người cho rằng nghĩa vụ đưa tình yêu con người đi vào tình yêu Thiên Chúa là nghĩa vụ của những kitô hữu, thậm chí là nghĩa vụ của các bậc tu hành. Thật ra, tình yêu của người độc thân hay tình yêu của trai gái và vợ chồng cũng đều là tình yêu của con người – những hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, bất cứ tình yêu nào của con người – nếu không muốn xuống cấp và muốn ngày càng tươi đẹp – đều phải đi vào lộ trình ấy, tức là ngày càng xích gần đến tình yêu của Thiên Chúa nhập thể.

Trong tất cả các thực tại của đời sống con người, tình yêu là điều dễ thoái hoá nhưng cũng dễ thăng hoa hơn hết, vì một đàng tình yêu là điều hết sức gần gũi với con người, đàng khác tình yêu có một sức mạnh rất bất ngờ. Thế nên, con người rất dễ trưởng thành lên trong tình yêu, mà cũng rất dễ sa đoạ trong tình yêu. Thần học tu đức cổ truyền thường phân biệt các chặng đường hay các trạng thái phát triển của tình yêu : ban đầu là tình yêu khoan khoái (‘amor complacentiae’ : cảm thấy thích thú với đối tượng nhưng không có một nỗ lực hay hành động nào, và vì thế tình yêu ấy đến rồi đi rất nhanh), kế đến là tình yêu chiếm hữu (‘amor concupiscentiae : đã tiến xa tới mức tìm cách giành cho được đối tượng thành của riêng mình và từ đó, người làm hết cách để gây chú ý, để chinh phục, để độc quyền…, cũng từ đó mới có những tình cảm ham muốn, dỗi hờn, ghen tuông, giận ghét…), rồi tình yêu hảo cầu (‘amor benevolentiae’ : không giành đối tượng ấy cho mình, mà tìm cách làm cho đối tượng ấy được hạnh phúc) và sau cùng là tình yêu hiến dâng (‘amor devotionis’ : không chỉ tìm điều tốt cho đối tượng mình yêu, mà sẵn sàng phục vụ đến chết vì đối tượng ấy). Ai cũng thấy rõ đỉnh cao của tình yêu là tình yêu dâng hiến, mà Đức Giêsu đã nêu gương bằng cách hi sinh mạng sống mình vì Chúa Cha và vì anh em mình.

2. Thực tập vươn tới tình yêu – đức ái (agapé)

Có hai nhân đức mà truyền thống Giáo Hội thường giới thiệu để giúp các kitô hữu đưa tình yêu – tính dục (eros) đi vào tình yêu – đức ái (agapé), ngay từ khi khả năng tính dục và yêu thương đã phát triển tương đối đủ : đó là đức đoan trang hay nết na (‘modestie’) và đức khiết tịnh (‘chasteté’ ).

2.1. Thực tập đức đoan trang

- Thay vì như nhiều người hiểu lầm, đoan trang không phải là một khuynh hướng và một khả năng dành riêng cho phái nữ, mà là một nhân đức cần thiết cho hết mọi người vì nó liên quan đến đời sống tình cảm và tính dục.

- Đoan trang là cư xử với các sinh hoạt tình cảm và tính dục của mình hay của người khác một cách thận trọng và kính cẩn, nhờ đó có thể tránh cho mình hay cho người khác những hành vi tình cảm và tính dục thái quá hay dung tục. Sự thận trọng này có thể được biểu hiện qua phản ứng rụt rè và xấu hổ (đỏ mặt và tía tai, lúng túng và vụng về, né tránh và khước từ…).

- Dĩ nhiên, sự thận trọng hay phản ứng rụt rè và xấu hổ ấy chỉ có giá trị tương đối. Có khi chính sự rụt rè và xấu hổ ấy lại ngăn cản những biểu hiện của tình yêu, gây trở ngại cho sự phát triển tình yêu, như vì rụt rè và xấu hổ thái quá mà một cặp vợ chồng không gần gũi với nhau được, khiến cho tình yêu giữa hai người ngày càng cằn cỗi khô khan. Ở một nền văn hoá, một độ tuổi, một trình độ , một bậc sống hay một giới tính nhất định nào đó, điều này có thể coi là đáng xấu hổ và vì thế, phải thận trọng, nhưng ở một nền văn hoá, một độ tuổi, một trình độ, một bậc sống, một nghề nghiệp hay một giới tính khác, điều ấy có thể không những không đáng xấu hổ mà còn tốt nữa.

- Nếu vậy, chỉ những phản ứng rụt rè và xấu hổ trước những điều liên quan đến tính dục không chính đáng hay bất hợp pháp, nhờ đó giúp đương sự tránh được những lỗi phạm, mới được coi là biểu hiện của đức đoan trang. Dù không trực tiếp xây dựng tình yêu của con người, nhưng nhờ ngăn chận những nguy hiểm, đức đoan trang cũng góp phần khá nhiều cho đời sống tính dục và tình yêu của con người, nhất là trong bầu khí xã hội hôm nay có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy lỗi phạm đến tình yêu và tính dục – một xã hội cho phép dễ dãi (‘permissive’) và hưởng thụ quá đáng.

- Nhân đức đoan trang sẽ được thể hiện trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống tình cảm và tính dục của con người, từ việc ngắm nhìn, xem phim ảnh, đọc sách báo, đến nói năng và trò chuyện, ăn mặc, thậm chí sờ mó bất cứ điều gì có liên quan đến tính dục, mà không chính đáng hay bất hợp pháp.

- Ngày nay, nhân danh sự tự do và thành thật, mà kì thực vì muốn thỏa mãn tính dục cách tùy tiện, nhiều người tỏ ra bàng quan và ác cảm với đức đoan trang và chủ trương phải được quyền biểu hiện nhu cầu tính dục một cách hết sức tự do, kể cả những biểu hiện hết sức phản cảm, thiếu văn hoá và đạo đức, hay chủ trương phải liều lĩnh, dạn dĩ và lãng mạn trong đời sống tính dục. Tình trạng này càng trở nên tệ hơn khi cả một dư luận xã hội về hùa với chủ trương ấy, khiến cho những người đoan trang bị khích bác và chê trách như một người “chậm tiến”, hèn nhát và ấu trĩ.

2.2. Thực tập đức khiết tịnh

a. Thay vì bị coi là nhân đức của giới tu hành, khiết tịnh là khuynh hướng và khả năng cần thiết cho hết mọi người vì nó liên quan trực tiếp đến tính dục của hết mọi người, giúp con người thực hành tính dục đúng với bản chất và mục đích của nó, hay đúng với quan điểm của Kitô Giáo về bản chất và mục đích của tính dục. Vì thế, không chỉ người tu hành mà bất cứ người nào, không chỉ người lớn mà ngay cả thiếu niên, cũng phải tập đức khiết tịnh.

b. Theo quan điểm Kitô Giáo, bản chất của tính dục là hướng tha và mục tiêu của tính dục là phục vụ sự sống và tình yêu.

- Hướng tha : Con người khám phá ra khả năng tính dục của mình rất sớm trong cuộc đời mình, và ngay từ đầu khả năng ấy đã hướng đến người khác (theo S. Freud, khả năng tính dục hướng đến người khác giới đã bắt đầu từ khi con người được vài ba tuổi, nhưng vì không được phép thoả mãn trọn vẹn hay phải thoả mãn trong sự ganh đua với người cùng giới, lại có quyền trên mình, nên con người mới phải dồn ép lại và dần dần biến nó thành một mặc cảm luôn tìm cách được thoả mãn lén lút hay bù trừ – gọi là mặc cảm Oedipus nếu là tình cảm của con trai với mẹ mình hay là mặc cảm Electra nếu là tình cảm của con gái với cha mình). Tuy nhiên, phải trải qua nhiều chặng đường con người mới thực hành tính dục đúng với bản chất hướng tha của nó : trước khi vào nhà trẻ hay khi vào nhà trẻ, trẻ em thường chỉ dám tìm thoả mãn tính dục với chính mình bằng cách sờ mó và ngắm nghía chính mình - tình trạng này có thể kéo dài tới tuổi dậy thì ; lúc này con người đã khám phá ra năng lực tính dục của mình nhưng chưa dám thực hành với người khác giới vì sợ rủi ro trong thế giới xa lạ ấy – trẻ em tiến từ chỗ thủ dâm sang chỗ tìm cách luyến ái với người đồng giới. Đến tuổi cập kê hay khi đã phát triển tính dục khá ổn định, thanh niên mới mong muốn và tìm cách luyến ái với người khác giới. Nhưng nếu trung thành với hướng đi của tính dục, con người càng lúc càng thấy rõ sự thiếu sót căn bản trong việc thỏa mãn tính dục giữa con người với nhau – không có quan hệ nào của con người với con người đem lại sự thoả mãn trọn vẹn và bền bỉ cho tình cảm và tình yêu của con người. Tình cảm và tình yêu phải được mở rộng và nâng cao đến mọi người và nhất là đến Thiên Chúa thì mới đạt được hết tầm vóc phát triển của nó. Dĩ nhiên, trong thực tế quá trình phát triển tình cảm và tính dục của con người không luôn luôn xuôi xắn như thế. Vì nhiều lí do, có khi một người đang ở giai đoạn phát triển tính dục này bỗng quay về lại với giai đoạn trước : đang là vợ chồng, nhưng có khi người chồng hay vợ bỗng quay về với giai đoạn tìm thoả mãn tính dục một mình (thủ dâm) hay tìm thoả mãn tính dục với một người đồng giới. Chỉ khi nào quay về lại với giai đoạn phát triển trước một cách quá thường xuyên và không có dấu hiệu nào là thoát ra được thì đó mới là tình trạng tâm bệnh - bệnh ngưng trệ và thoái bộ trong tâm lí tính dục (‘stagnation’ và ‘régression’). Như thế, một qui tắc luân lí là càng quên mình và những gì của mình, càng vì ích lợi của tha nhân và vì tha nhân quan trọng nhất là Thiên Chúa, khi thực hành tình cảm và tính dục, hành vi tình cảm và tính dục ấy càng có giá trị đạo đức.

- Phục vụ sự sống và tình yêu : sự khác biệt nam nữ hay giới tính được Tạo Hoá tạo dựng là nhằm phục vụ sự sống và tình yêu. Phục vụ sự sống theo nghĩa chặt là sinh sản, rộng hơn là nuôi dạy, rộng hơn nữa là giúp đời sống của người khác được phát triển tới mức đầy đủ và trọn vẹn nhất. Phục vụ tình yêu theo nghĩa chặt là trở nên một trong thân xác, rộng hơn là trở nên một trong tinh thần, rộng hơn nữa là trở nên một trong ơn gọi và cứu cánh của đời người. Như thế, một qui tắc luân lí nữa là càng phục vụ sự sống và tình yêu cách trọn vẹn, hành vi tình cảm và tính dục ấy càng có giá trị đạo đức.

- Có một cách khác để đánh giá về mặt luân lí một hành vi hay một đời sống tình cảm và tính dục của con người là căn cứ trên định nghĩa của đức khiết tịnh, nhưng được phát biểu một cách khác : khiết tịnh là khuynh hướng và khả năng giúp ta biết nhìn ra và tôn trọng sự khác biệt giữa con người với nhau, giữa mình với người khác, giữa mình với Thiên Chúa. (Nếu truy về gốc la-tinh của từ ‘khiết tịnh’ [tiếng Pháp và tiếng Anh là ‘chaste’], ta sẽ gặp từ ‘castus’, có nghĩa là ‘cắt đứt’, là ‘phân biệt’; ngược lại là ‘incest’ do từ la-tinh ‘incastus’, có nghĩa là không phân biệt hay ‘loạn luân’). Vì thế, một qui tắc luân lí có thể rút ra từ nhận xét này là càng biết tôn trọng sự khác biệt căn bản giữa mình với người khác và những hậu quả phát sinh từ những khác biệt ấy (mình là nam, người kia là nữ / mình là người tu hành, người kia là kẻ không tu hành / mình là người có vợ, người kia là người độc thân hay đã có chồng….) để từ đó có cách ứng xử phù hợp, hành vi tình cảm và tính dục ấy càng có giá trị đạo đức.

c. Thực hành đức khiết tịnh tùy theo ơn gọi hay bậc sống của mình :

Trên đây là những nhận định mang tính tổng quát, nhưng khi đi vào thực tế, chúng ta còn cần phải chú ý tới ơn gọi hay bậc sống của mỗi người mà quyết định mức độ và hình thức nào sẽ phản ảnh tốt nhất bản chất của tính dục, và phục vụ tốt nhất mục tiêu của tính dục. Chẳng hạn, cũng với tình cảm và tình yêu hướng tha nhưng người đã chọn nếp sống độc thân tu trì không thể nào quan hệ với tha nhân cùng một mức độ và hình thức như người không tu. Hay cũng nhằm phục vụ sự sống và tình yêu, nhưng người tu hành không thể nào thực hiện mục đích ấy theo cùng một hình thức và mức độ như người không tu hành (người tu hành sẽ tìm cách phục vụ sự sống không phải bằng cách cùng với một người khác tạo ra một sự sống của mình như con cái của mình, mà bằng cách phục vụ sự sống của mọi người – nhất là những người không được ai phục vụ, và sẵn sàng phục vụ không chỉ đời sống thân xác mà cả tinh thần và nhất là tâm linh). Rốt cuộc, người ta rất nên tham khảo cách thực hành khiết tịnh của các hạng người theo đuổi các nếp sống khác nhau để có thêm kinh nghiệm và hiểu biết. Nhưng không được phép áp đặt lối sống khiết tịnh của bên này cho bên kia. Làm như thế sẽ chẳng mang lại ích gì mà còn phả hỏng tình cảm và tình yêu của mọi bên. Người ta cũng phải dựa vào bậc sống của đương sự để đánh giá về mặt luân lí những hành vi hay đời sống tình cảm và tính dục của người ấy : một hành vi hay đời sống tình cảm và tính dục này có thể là tội nặng đối với người độc thân tu trì, nhưng có thể chỉ là tội nhẹ đối với người độc thân tạm (chờ kết hôn) và có thể không là tội đối với người đã kết hôn.

d. (Thay lời kết)

Không có giá trị nào con người đạt được mà không phải chấp nhận kèm theo những hi sinh, và giá trị càng cao và khó đạt, hi sinh phải trả càng lớn và cam go. Đúng như mầu nhiệm căn bản của Kitô Giáo : mầu nhiệm Vượt Qua hay mầu nhiệm không có phục sinh nếu không qua khổ nạn. Nhiều người cứ la hét là Giáo Hội Công Giáo hành hạ tín đồ của mình trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu, mà quên rằng Giáo Hội ấy chỉ muốn giúp con người tìm được viên ngọc quí hay kho báu lớn nhất, tức là hạnh phúc và tình yêu lớn nhất, đồng thời cống hiến cho họ những phương thế giúp tìm ra những giá trị ấy – từ những ơn thánh thật siêu nhiên đến những bài học rất thực tế, như bài học về hai nhân đức phục vụ đời sống tình cảm và tính dục (đoan trang và khiết tịnh). Người kitô hữu cũng không quên rằng chính Đức Kitô –Thầy của họ – đã từng học và tập các bài học ấy để nâng tình cảm và tình yêu của mình thành lợi khí không chỉ phục vụ hạnh phúc của mình mà còn để cứu vớt tình cảm và tình yêu của mọi

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại Chủng Viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét