Trang

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Sự Dữ, Một Vấn Đề (4)

Sự Dữ, Một Vấn Đề (4)

 
Sự Dữ, Một Vấn Đề

Nguyễn Minh Sơn, OP.

Phần 4. MỘT LỐI HÓA GIẢI SỰ DỮ KHÁC


1. Giáo Hội nghĩ gì về sự dữ ?

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con nguời ngày nay, nhất là của nguời nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ[1].

Do đó Giáo Hội có trách nhiệm đem đến cho con người lời giải đáp về sự dữ. Lời giải đáp đó vừa là lý thuyết vừa là hành động.

Tuy nhiên Giáo Hội không chỉ có bổn phận lý giải và đưa ra những giải pháp cụ thể đối với sự dữ, nhưng còn phải minh chứng về niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Đó là một Thiên Chúa nhân ái, toàn năng, toàn thiện. Thiên Chúa nhân ái đã tạo dựng nên con người. Trước biết bao tai ương, khổ đau của cuộc sống, con người đã không ngừng đặt ra những vấn nạn: nếu Thiên Chúa nhân ái tại sao Người lại để con người đau khổ? Nhìn vào thực tế, khi mà con người dù ở bất cứ nơi đâu, ở địa vị nào, người ta đều có thể thấy được ít nhiều sự đau khổ của họ. Đau khổ là một thảm kịch bi đát nặng nề đối những người đang sống trong cảnh chiến tranh, bệnh tật, mất mùa, đói khát và nhất là khi những nạn nhân đó là trẻ em. Còn Thiên Chúa toàn năng ư? Vậy tại sao Ngài lại không loại trừ sự dữ mà cứ để nó tự do hành hạ nhân loại “là hình ảnh của Thiên Chúa”?

Thiên Chúa đã dựng nên con người và trao ban cho con người khả năng cao quý nhất và cũng nguy hiểm nhất, đó là sự tự do. Tự do tự nó không tốt cũng không xấu. Nó tốt khi con người biết dùng nó để làm những việc tốt lành và xấu khi nó bị sử dụng để làm những điều xấu. Ta có thể so sánh cách loại suy về tự do, nó có thể được ví như một con dao. Trong tay người nội trợ, con dao sẽ góp phần làm nên những bữa ăn ngon lành; trong tay người khắc tượng, nó góp công làm ra những tác phẩm đẹp, có giá trị; nhưng khi con dao ở trong tay kẻ cướp, một kẻ giết người, nó sẽ là hung khí gây án. Trong mọi trường hợp, dù để làm nên điều tốt hay điều xấu, con dao nó không thể bị gọi là tốt hay xấu, nó chỉ tốt hay xấu là do mục đích của người sử dụng. Tự nó cũng thế, chính do hành động chọn lựa của con người sẽ đưa đến kết quả tốt hay xấu. Chính chủ nghĩa cá nhân sẽ làm biến dạng giá trị cao quý của tự do. Tự do “là một ân huệ lớn lao của Đấng Tạo Hoá bởi vì sự tự do được dùng để phục vụ con người và hoàn thành con người do chính việc tự hiến và tiếp nhận tha nhân; trái lại, khi chiều kích cá nhân chủ nghĩa được tuyệt đối hoá, thì tự do sẽ mất đi ý nghĩa đầu tiên của nó, rồi chính ơn gọi và phẩm giá của nó cũng bị chối bỏ”[2]

Tự do vốn là khát vọng cơ bản của con người. Tự do cũng là phạm trù đa diện nhất trong ngôn ngữ loài người. Ai cũng tranh đấu cho sự tự do, ai cũng tự hào mình có tự do và có lẽ mỗi người hiểu tự do theo một nghĩa riêng biệt. Nói đến tự do, dĩ nhiên con người phải nghĩ đến bao nhiêu thứ tự do: tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do của ý muốn, tự do chính trị và xã hội…Lịch sử nhân loại là lịch sử của những cuộc đấu tranh giành tự do về nhiều mặt. Con người mất tự do khi những quyền cơ bản của con người không được tôn trọng hoặc bị chà đạp.

Đối với Đức Giêsu, Ngài không gọi hành động tự hủy hay tội lỗi là hành động tự do, mà là nô lệ. “Hễ ai phạm tội, người đó làm nô lệ”. Tội lỗi là hình thức nô lệ nền tảng nhất dẫn đến mọi thứ nô lệ khác.

Như vậy, sự thật cơ bản mà Đức Giêsu muốn con người nhận biết, đó là sự thật về tội lỗi của con người. Sự thật về tình trạng nô lệ mà con người đang bị trói buộc vào. Muốn hiểu thế nào là tự do, dĩ nhiên con người phải biết thế nào là tội. Nhưng bản tính kiêu ngạo và cố hữu, con người rơi vào tình trạng mù quáng, không nhận ra tình trạng nô lệ của mình.

2. Nguồn gốc và tình trạng sự dữ được ghi lại trong Kinh Thánh

Khi con người có ý thức, suy nghĩ về chính bản thân và những gì mình có hay nhất là lúc con người biết có hạnh phúc và đau khổ. Các tác giả viết Thánh Kinh theo thời kỳ và văn hoá đặc thù của mình, cũng đã có những cách trình bày, lý giải về sự dữ. Tất nhiên, quan điểm của họ về sự dữ là quan điểm tôn giáo chứ không đơn thuần là triết lý hay khoa học

a. Theo Cựu Ước

Ngay từ những chương đầu của sách sáng thế, Kinh Thánh đã nói về sự dữ, về đau khổ của con người. Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người và ban cho con người một đời sống hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng, do chính sự tự do lựa chọn của mình, con người đã không vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa khi ăn trái cấm, để rồi phải nhận lấy biết bao nhiêu tai ương. Như thế, ngay từ đầu, Kinh Thánh cho thấy sự dữ xảy đến là do con người muốn tự mình định đoạt về cuộc đời mình, muốn loại trừ chủ quyền của Thiên Chúa nơi đời mình. Sự dữ đã có mặt vì con người đã phá đổ tương quan thân nghĩa của mình với Thiên Chúa. Từ đó, tương quan giữa con người với nhau và với mọi loài thụ tạo khác đã trở nên khắc nghiệt đối với con người.

Đó là theo sách Sáng Thế, còn theo một số vài tác giả sách ngôn sứ, thì sự dữ, với mọi hình thức khác nhau mang tính trừng phạt, răn dạy, thử thách của Thiên Chúa dành cho những ai bất trung với Người, hay cho những người được Thiên Chúa yêu thương với mục đích muốn thử thách lòng tin của họ.

Con cái Israel đã làm sự dữ trước mắt Yavê và họ đã phụng thờ các thần Baal. Họ đã bỏ Yavê, Thiên Chúa của cha ông họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập. Họ đã theo các thần khác thuộc hạng thần của các dân ở xung quanh họ; họ đã thờ lạy chúng và chọc tức Yavê và phụng sự Baal và các Astartê. Và nộ khí Yavê bốc cháy trên Israel, Người phó nộp họ trong tay quân cướp và chúng đã cướp bóc họ; Người đã bán họ trong tay thù địch xung quanh và họ đã không thể cự lại được trước mắt địch thù[3].
Chúng đã chối bỏ Yavê, chúng nói: “Người không có trên ta, tai hoạ sẽ tràn đến, loạn lạc đói kém ta sẽ không hề phải thấy! Các tiên tri? Chúng khờ đấy thôi, nơi họ, sấm ngôn chẳng có!”. Cho nên, Yavê Thiên Chúa các cơ binh phán thế này: vạ đó sẽ xảy đến trên chúng vì chúng đã nói ra lời ấy, thì này nơi miệng ngươi, Ta đặt các lời ta làm lửa, dân ấy là củi và lửa sẽ thiêu chúng[4].

Tuy nhiên, dù có những lý giải tích cực hay tiêu cực, Cựu Ước vẫn bị bế tắc trong việc tìm ra một lý giải thoả đáng cho vấn nạn sự dữ, nhất là đối với cái chết. Lời lý giải thoả đáng nhất chỉ có nơi Đức Giêsu.

b. Tân Ước

Trước lập trường cổ điển: đau khổ, bệnh tật là hình phạt của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ bác bỏ. Theo Người, đó không phải hình phạt là điều kiện để “công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện”. Chúa Giêsu đã biểu lộ tình thương của Người đối với đau khổ của con người và đã trợ giúp họ: Người đã chữa lành nhiều bệnh tật, làm cho người chết sống lại… hành động đó của Đức Giêsu không chỉ đơn thuần nói lên tình yêu của Người đối với nhân loại trong mọi hoàn cảnh sống của họ mà còn biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự dữ, ngay cả sự dữ lớn lao nhất là cái chết.

Trong niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ và Giáo Hội không cho rằng sự dữ là một án phạt nữa, nhưng nó đã trở nên phương thế để con người được nên một với Chúa Giêsu và đạt được vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những ai trung tín với Người.

Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa; mà nếu là con thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng chịu cam khổ (với Ngài), để rồi cùng chia phần vinh phúc (với Ngài). Quả thế, tôi quyết rằng những đau khổ đời này không đáng là gì, so với vinh quang hằng tỏ hiện trên ta[5].

3. Thiên Chúa quan phòng theo định luật tự nhiên

Dưới thời Cựu Ước và Tân Ước, người ta rất tin tưởng ở những phép lạ mà Thiên Chúa đã làm vì dân người. Ngài đã ngăn đôi biển đỏ cho dân bước qua, đã điều khiến mưa xuống tưới mát mùa màng theo lời cầu nguyện của một người công chính. Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ: hoá nước thành rượu, người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, bệnh tật bị đẩy lui, Lazarô sống lại từ cõi chết. Tất cả những biến cố lạ thường Chúa đã thực hiện minh chứng rằng Thiên Chúa yêu thương và săn sóc cho dân Người. Ngài sẵn sàng thay đổi và cản ngăn những định luật thiên nhiên và tự nhiên để cứu độ nhân loại.

Thế kỷ hai mươi mốt, với sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, người ta không chỉ còn tin tưởng những phép lạ theo kiểu ngày xưa. Sự hiện hữu của Thiên Chúa được minh chứng, không phải bằng nhiều phép lạ trái luật tự nhiên, nhưng qua những định luật tự nhiên và thiên nhiên không hề thay đổi. Ngày xưa, nhân loại tin Chúa qua những sự kiện lạ thường, ngày nay chúng ta tin Chúa qua những sự kiện rất bình thường tự nhiên. Có nhiều khoa học gia phải chứng nhận có một bàn tay nhiệm mầu của Thiên Chúa can thiệp. Bởi vì họ đã thấy Ngài qua việc tạo dựng một vũ trụ trật tự, với những quỹ đạo, những xoay vòng chuyển động, tiếp diễn trong một khuôn khổ định sẵn. Trái đất, với định luật thiên-tự-nhiên rất đáng tin cậy, những mầm sống phải vươn lên khi hạt giống được chôn vùi xuống đất, khí hậu thay đổi bốn mùa căn bản, mùa xuân hoa nở, mùa thu lá rụng, mùa đông lạnh lẽo, mùa hạ nắng ấm; những thế hệ con người tiếp nối, bình minh và hoàng hôn mặt trời lên xuống mỗi ngày. Thân xác con người cũng là là những phép lạ, không phải vì nó đã vâng lời tuyệt đối luật tự nhiên. Đôi mắt phải nheo lại khi nắng gắt, bàn tay phải rụt về lúc đụng phải bàn ủi nóng. Những sự kiện phi thường vẫn xảy ra hàng ngày theo định luật tự nhiên chính là những phép lạ tỏ tường nhất của Thiên Chúa.

4. Chấp nhận định luật thiên tự nhiên

Tuy vậy, nếu những định luật thiên tự nhiên không thay đổi đã giúp ích rất nhiều cho đời sống, thì cũng chính nó có thể gây ra một số vấn nạn đáng tiếc. Sức hút trái đất rất cần thiết để con người có thể xây dựng nhà cửa, trồng trọt cây trái, chăn nuôi gia súc an cư lạc nghiệp. Không có hấp lực đó, chúng ta suốt ngày nhởn nhơ trong không gian. Tuy thế, nếu sức hút trái đất làm mọi vật từ trên cao rơi xuống, thì đôi khi nó đã rơi xuống đầu một người, đôi khi nó là nguyên nhân của những cái chết tự tử từ lầu cao nhảy xuống, từ biển sâu dìm dần. Chúng ta mong mỏi một ngày nắng ấm đẹp trời, nhưng cũng chính ánh nắng ấy đã thiêu đốt kẻ lữ hành đơn độc dặm trường giữa cơn khát sa mạc. Những hạt mưa là những viên ngọc trời ban khi mùa màng hạn hán, nhưng mưa gió phũ phàng cũng là nguyên nhân của lũ lụt bão táp cuốn trôi tất cả. Chúng ta không thể sống nếu không có hấp lực trái đất, không có nắng mưa, bởi vậy, chúng ta đành phải chấp nhận những hiểm nguy mà nó có thể gây ra. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể ngăn cản được phần nào thiên tai gây ra nếu chúng ta giữ gìn và bảo vệ môi trường lành mạnh. Về bệnh tật cũng vậy, ngành y học có thể đẩy lùi nhiều căn bệnh trầm kha.

5. Tất cả đều bị chi phối, không có luật trừ dành riêng cho bất cứ ai

Định luật tự nhiên, rất tiếc, không có luật trừ dành riêng cho những người lương thiện. Nếu mọi người đều được lãnh nhận những lợi ích của nó, thì mọi người đều phải chịu đựng những bất lợi nó đã gây ra. Nếu ai sống trong một căn nhà đang có bệnh dịch, người đó có thể bị lây, không cần biết họ là ai, vua chúa hay thường dân, người lương thiện hay kẻ gian ác, vi trùng dịch tả không biết phân biệt. Từ lúc viên đạn rời khỏi nòng súng, định luật tự nhiên sẽ dẫn dắt nó bay thẳng theo hướng nhắm bắn của tên sát nhân, Lee Harvey Oswald, để trúng đầu cố tổng thống Mỹ John Kennedy. Định luật tự nhiên không cần biết Kennedy, Ngô Đình Diệm là ai, không cần lưỡng lự xem cái chết của họ nên hay không nên, không cần biết lịch sử thay đổi như thế nào nếu họ còn sống.

6. Thiên Chúa vẫn tôn trọng định luật tự nhiên

Định luật tự nhiên chi phối toàn thể nhân loại, ai cũng như ai, nó không thể bảo vệ riêng người lương thiện. Một vụ khủng bố, một gã say rượu lái xe đâm vào bất cứ người nào qua đường, vi trùng HIV/AIDS không biết ai là người liều lĩnh khờ dại, ai là nạn nhân di truyền, nó cứ tỉnh bơ xâm nhập khi thuận tiện. Đó là những lý do những người hiền lành vẫn có thể gặp vô vàn tai họa khốn khó. Thiên Chúa đã sáng tạo định luật tự nhiên, Ngài phải tôn trọng nó, Ngài không thể lúc nào cũng nhúng tay vào để can thiệp những hành động của tự nhiên, dù là thiên tai khổ ải. Bởi thế, Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của những tai ương đau khổ và Ngài cũng không thể ngăn cản những tai họa đó đừng xảy ra được. Nếu trách Ngài tại sao đã sáng tạo định luật tự nhiên, thì cũng giống như chúng ta lên án những phát minh của con người: giá như đừng có điện thì con tôi không bị giật, giá như đừng có computer games thì tôi không thi rớt. Chúng ta hãy nghĩ tới những ích lợi của điện năng và máy vi tính điện tử.

7. Tại sao Thiên Chúa không ra tay ngăn cản?

Chắc chắn rằng Thiên Chúa dư quyền năng để can thiệp và cản ngăn tai họa, nhưng chúng ta không hiểu đời sống của chúng ta sẽ thế nào nếu chuyện gì Ngài cũng nhúng tay vào. Hãy tưởng tượng rằng Thiên Chúa cương quyết bảo vệ tất cả những người lành thánh, nhất định sẽ không để họ gặp phải bất cứ tai họa nào. Nếu kẻ sát nhân ám sát tổng thống, không cần biết nó nhắm kỹ độ nào, Chúa sẽ như cao thủ võ lâm, búng tay làm trệch đường viên đạn. Nếu máy bay hết xăng giữa phi vụ, Chúa sẽ biến nước thành xăng để phi cơ đáp an toàn. Nếu những người con riêng thánh thiện hiền lành của Chúa được cẩn thận che chở gìn giữ, còn những đứa tội lỗi thì mặc kệ tụi nó ra sao cũng được, hỏi rằng thế giới ngày nay với hai giai cấp cách biệt như vậy, sẽ trở nên tốt hơn hay tệ hơn? Hãy giả sử như, tôi là một tín hữu ngoan đạo, trung tín giữ luật yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, và nhờ vậy, Ngài sẽ bảo vệ tôi tuyệt đối. Mùa đông trời lạnh tôi nhong nhong cởi trần mà không bị bệnh, tôi đi qua đường khi thiên hạ ào ạt phóng xe mà không bị tai nạn, chờ thang máy lâu quá, tôi liền nhảy qua cửa sổ từ lầu thứ mười xuống đất mà vẫn bình thường, súng đạn như mưa, bom nổ ầm ầm mà tôi vẫn cứ hiên ngang đi giữa chiến tranh nhưng vẫn không hề hấn gì. Nếu thế giới có những người “con ông cháu cha” được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi như thế, hỏi rằng chúng ta còn muốn tôn thờ một Thiên Chúa ích kỷ thiên vị riêng tư như vậy hay không?

Những thiên tai lũ lụt động đất, giết chết hàng triệu người vô tội không thể là hành động sửa phạt của Thiên Chúa, nhưng chính là hành động của định luật tự nhiên, nó không biết luân lý, đạo đức, nó chỉ tuân theo luật lệ của riêng nó đã được sắp sẵn. Hành động của Thiên Chúa không phải là thiên tai, nhưng chính là sự can đảm của những người xây dựng lại những đổ vỡ do thiên tai gây nên và là những chia sẻ hăng say độ lượng của những người vội vã cứu giúp từng nạn nhân đau khổ vì mất mát tiền của, công sức mồ hôi nước mắt và ngay cả những người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi.

(TSTH th 3.2010)

 

________________________________________
[1] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.
[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp TIn Mừng về sự sống, số 19.
[3] Thp 2,11-15
[4] Yr 5,12-14
[5] Rm 8,16-18

Nguồn: daminhvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét