Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Chặng đàng thánh giá




Chặng đàng thánh giá
Vũ Văn An 
Đối với người Công Giáo ngoan đạo, không đi chặng đàng Thánh Giá trong Tuần Thánh được kể là không tham dự Tuần này một cách đầy đủ. Chặng đàng Thánh Giá quả đã trở thành một phần thực tế của cử hành Tuần Thánh, dù không phải là một phần chính thức của phụng vụ.
Mười bốn chặng cổ điển
Chính vì thế, khi nói tới mười bốn chặng đàng Thánh Giá, không người Công Giáo ngoan đạo nào lại không biết đó là những chặng gì. Họ thuộc lòng chúng không thua thuộc lòng Kinh Tin Kính, Mười Điều Răn… Theo cuốn Phụng Ca II do các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức xuất bản năm 1986, mười bốn chặng đó như sau:
1. Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu (Lc 23:13-25)
2. Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá (Mc 15:20)
3. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá
5. Ông Ximong vác Thánh Giá đỡ Đức Chúa Giêsu (Lc 23:26)
6. Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt
7. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
8. Đức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem (Lc 23:27-31)
9. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
10. Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu (Mc 15:24)
11. Quân dữ đóng đinh Đức Chúa Giêsu (Lc 23:33, 47)
12. Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá (Lc 23:44-46)
13. Tháo đinh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó trong tay Đức Mẹ
14. Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá (Lc 23:50-54)
Sách Kinh “Thiên Chúa Thánh Giáo Nhựt Khóa” của giáo phận Sài Gòn, in năm 1965, dĩ nhiên đặt tiêu đề cho các chặng cách khác: Đức Chúa Giêsu chịu xử án, Đức Chúa Giêsu xế vai lại mà vác lấy Thánh Giá… nhưng tất cả cùng “gẫm” về các biến cố như nhau trong mầu nhiệm thống khổ của Chúa Giêsu Kitô. Vì mười bốn biến cố này đã trở thành cổ điển.
Lai lịch
Giống bất cứ hình thức đạo đức nào, chặng đàng Thánh Giá chắc chắn đã trải qua một diễn trình khai triển dài trước khi mặc lấy hình thức cổ điển như hiện nay. Người ta tin rằng, sáng kiến này phát xuất từ chính Đức Maria. Để tưởng niệm Người Con Trai duy nhất và các biến cố ngoại thường, nghịch lý, đầy mầu nhiệm của Người Con diệu kỳ này vào những ngày sau hết, Đức Mẹ đã có thói quen bước lại trọn hành trình lên Đồi Canvê của Con. Dĩ nhiên, đây là tin tưởng trong truyền thống Kitô Giáo, không có sử liệu nào nói đến gốc gác này.
Chứng tích lịch sử đầu tiên bắt đầu có từ thế kỷ thứ 4, khi khách hành hương từ muôn phương tuôn về Đất Thánh để kính viếng mảnh đất xưa kia in vết chân, mồ hôi và cả máu đào của Thầy Chí Thánh. Đứng đầu danh sách các nơi kính viếng là Nhà Thờ Mộ Thánh, được Hoàng Đế Constantinô xây năm 335 trên đỉnh Canvê và mộ Chúa.
Các cuộc diễn hành của khách hành hương tới ngôi nhà thờ này thường xuyên được tổ chức. Egeria, một nữ khách hành hương quê ở xứ Gaul, là một trong những người tham dự các cuộc diễn hành đó trong thế kỷ thứ 4. Trong cuốn nhật ký của mình, bà ghi lại quang cảnh các Kitô hữu từ khắp Đế Quốc Rôma cùng đi bộ hướng về phía tây vào Thứ Năm Tuần Thánh, từ Vườn Diệtsimani tới Nhà Thờ Mồ Thánh, nơi họ cử hành cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Theo bà, “Vào lúc gà gáy lần đầu, họ đã tiến từ Imbomon xuống, vừa đi vừa hát thánh ca, và tới nơi Chúa từng cầu nguyện, như đã được ghi trong các sách Tin Mừng: khi ấy Người đi xa khỏi họ chừng ném một hòn đá, để cầu nguyện và v.v… Tại đấy, có một nhà thờ đẹp đẽ. Đức giám mục và mọi người tiến vào, đọc kinh xứng hợp với nơi chốn và ngày giờ, rồi một thánh ca và một đoạn Tin Mừng được đọc lên ở chỗ Chúa nói với các môn đệ: hãy canh chừng, kẻo rơi vào cơn cám dỗ. Người ta đọc trọn đoạn đó và sau đó là lời cầu nguyện.
"Rồi mọi người, kể cả các em nhỏ nhất, vừa hát vừa đi bộ với vị giám mục xuống Diệtsimani. Tại đây, vì số người tham dự quá đông, mà đám đông này vốn từng mệt mỏi với các buổi canh thức cũng như vì chay tịnh hàng ngày mà ra yếu ớt, hơn nữa sườn đồi lại khá dốc, nên đoàn diễn hành đi rất chậm, miệng luôn hát thánh ca, tiến về Diệtsimani. Khoảng hơn 2 trăm cây nến nhà thờ đã được chuẩn bị để soi sáng cho mọi người.
"Khi tới Diệtsimani, đầu tiên người ta đọc một lời nguyện xứng hợp, rồi một thánh ca được hát lên, sau đó là một đoạn Tin Mừng được đọc lên tại nơi Chúa bị bắt. Nghe đoạn Tin Mừng ấy, mọi người đều tấm tức và than vãn cũng như khóc lóc, lớn đến nỗi nội thành cũng nghe thấy.
"Từ giờ đó, họ đi bộ vào nội thành, vừa đi vừa hát thánh ca, đến cổng thành thì vừa lúc người ta bắt đầu nhận rõ ra mặt nhau và từ đó, họ tiến thẳng vào trung tâm thành phố. Mọi người, không trừ ai, cả lớn lẫn nhỏ, cả giầu lẫn nghèo, ai cũng sẵn sàng tại đó, vì trong một ngày đặc biệt như thế này, không một linh hồn nào lại không dự canh thức cho tới sáng. Do đó, vị giám mục được hộ tống từ Diệtsimani tới cổng thành và xuyên qua thành phố tới Cây Thánh Giá” (Bản tiếng Anh trong Sách “Thờ Phượng Kitô Giáo” của Louis Duchesme, London 1923).
Với năm tháng, con đường diễn hành của khách hành hương nói trên, bắt đầu từ phế tích của Đồn Antonia và kết thúc ở nhà thờ Mồ Thánh, được mọi người nhìn nhận là con đường Chúa Giêsu đã bước qua để chịu chết. Người ta đặt tên cho nó là “Via Dolorosa” (Con Đường Đau Khổ). Hiện nay, nó vòng vèo xuyên qua nhiều khu dân cư đông đúc của cổ thành Giêrusalem.
Từ Đất Thánh, khách hành hương mang về Âu Châu nhiều kỷ vật: dầu từ những chiếc đèn đốt tại Mồ Chúa, đất, và các di bảo khác của Đất Thánh. Quan trọng hơn nữa, họ mang về các điều họ nhớ được về phụng vụ, lòng tôn sùng, các đền thánh họ đã đi qua. Chẳng bao lâu sau, nhiều nhà thờ và đền thánh đã mọc lên khắp Âu Châu theo mẫu các địa điểm hành hương này.
Cuộc chiếm đóng Palestine của người Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 7 lại càng góp phần vào việc xây dựng các dinh thự mô phỏng theo các đền thờ của Đất Thánh, khi các Kitô hữu, vì không còn dễ dàng lui tới đó nữa, nên buộc phải tìm các nơi hành hương gần nhà hơn. Nhờ thế mà lòng sùng kính đối với chặng đàng Thánh Giá mỗi ngày một lên cao, có hình thức như ngày nay. Công đầu phải được coi là của Dòng Phanxicô, nhất là của Thánh Leonard thành Port-Maurice (1676-1751), người đã cho dựng và cổ vũ lòng tôn sùng này tại hơn 500 nhà thờ và nơi chốn khắp Nước Ý. Công trình của ngài được các đức giáo hoàng thời ấy hỗ trợ, vì các vị thấy đây là một lòng sùng kính có tác dụng củng cố đức tin. Một vị thánh khác của thế kỷ 18 là Thánh Anphonsô thành Liguori đã viết một khảo luận về các chặng đàng Thánh Giá này, đến nay vẫn được sử dụng. Các dòng tu khác như Dòng Tên và Passionist cũng coi chặng đàng Thánh Giá là một phần trong các tuần đại phúc và buổi tĩnh tâm của mình. Qua tới thế kỷ 19, chặng đàng Thánh Giá đã trở thành “của ăn thường xuyên” trong các sách kinh khắp thế giới Công Giáo.
Nền tảng Thánh Kinh
Trong 14 chặng đàng cổ điển nói trên, chỉ có 8 chặng là có nền tảng rõ ràng trong Thánh Kinh. Các chặng 3, 4, 6, 7, 9 và 13 xem ra thiếu nền tảng ấy. Bốn sách Tin Mừng đều không minh nhiên nhắc tới các biến cố đó: Chúa Giêsu ngã xuống đất 3 lần (chặng 3,7 và 9), gặp Đức Mẹ (chặng 4), được Bà Veronica lau mặt (chặng 6), và được đặt trong tay Đức Mẹ (chặng 13).
Trong khi các chặng kia, ít nhất, cũng được suy diễn hợp lý từ Thánh Kinh thì chặng thứ 6 khó có thể suy diễn từ đó, nếu không dựa vào truyền thống và một phần vào ngụy thư “Công Vụ Philatô”. Thực vậy, sự kiện Chúa Giêsu được Ximong vác đỡ Thánh Giá cho thấy hẳn phải có lý do đủ để các lý hình áp dụng biện pháp này. Lý do chỉ có thể là Người không đủ sức vác Thánh Giá tiếp, do sự kiện hiển nhiên là vấp té nhiều lần! Việc gặp Đức Mẹ và đặt xác Chúa vào lòng Đức Mẹ còn có độ chắc chắn hơn thế nữa. Vì theo Thánh Gioan (Ga 19:25), rõ ràng Đức Mẹ hiện diện dưới chân Thánh Giá để nhận lời trối trăn của Chúa. Đức Mẹ không bỗng nhiên xuất hiện ở khúc đó mà thôi, lẽ tự nhiên và hợp nhân bản là ngài có mặt suốt hành trình khổ nạn lên Canvê của Chúa Giêsu. Gặp Chúa trên đường đó phải là một tất yếu nhân bản. Ông Giuse Arimatêa là con người có nhân có nghĩa, hẳn phải hiểu lòng mẹ thường tình của con người, không thể nào lại không đặt xác Con trong lòng Mẹ. Việc ấy cũng là một tất yếu nhân bản.
Duy có việc “Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt” là bị tranh luận nhiều hơn cả. Nhiều người cho rằng đây hoàn toàn là truyền thuyết. Lobegott Friedrich Constantin (von) Tischendorf (1815 –1874), học giả Thánh Kinh nổi tiếng của Đức, người đã giải mã bộCodex Ephraemi Rescriptus, một thủ bản Thánh Kinh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp thế kỷ thứ 5, và tái khám phá bộ Codex Sinaiticus, một thủ bản Thánh Kinh Tân Ước thế kỷ thứ 4, có sao chép một thủ bản của Milan thuộc thế kỷ 14 nói về Cái Chết Của Philatô, trong đó nói đến bà Veronica như sau: Hoàng Đế Tiberius (42BC-37AD), lúc ấy mang bệnh nặng, nghe tin về một y sĩ kỳ diệu của Giêrusalem là Giêsu, bèn sai Volusianus qua đó để dọ hỏi. Tại đây, Volusianus gặp một mệnh phụ phu nhân là Veronica, được bà này cho hay: Khi Chúa đi xa giảng dạy, bà muốn có hình của Người ở bên mình luôn. Biết thế, Chúa đã lấy tấm khăn của bà và in hình mặt Người vào đó. Tấm khăn với khuôn mặt Chúa ở trên này từ đó có sức chữa lành nhiều bệnh tật. Volusianus bèn đưa bà qua Rôma. Ở đây, tấm khăn đã chữa khỏi bệnh cho Tiberius. Chính vì thế, Philatô, người có trách nhiệm giết Chúa, đã bị bắt, bị tống ngục và chết trong tù. Một thủ bản khác thuộc thế kỷ thứ 8 tựa là Cura sanitatis Tiberii cũng có nội dung tương tự. Ngoài ra, một thủ bản thế kỷ thứ 10, tựa là Sự Trả Thù Của Đấng Cứu Thế (một tựa đề kỳ quặc), xuất phát từ Aquitaine, một thành của Libia, cũng đề cập đến truyền thuyết này với các chi tiết tương tự về bà Veronica, tấm khăn, và việc chữa bệnh cho Tiberius.
Dù Tertullianô có nhắc đến việc Hoàng Đế Tiberius có cảm tình với Kitô Giáo, từng vận động Thượng Viện (Senate) công nhận tôn giáo này chỉ mấy năm sau khi Chúa Giêsu về trời (Xem Jossa Giorgio [2006] Jews or Christians, các tr.123-126), các học giả ngày nay vẫn coi những truyện trên như dã sử, thậm chí không được liệt kê là ngụy thư (apocrypha) như “Công Vụ Philatô” mà có người định niên biểu là 100-125 A.D., nhưng đa số, trong đó có Bách Khoa Công Giáo, ấn bản đầu thế kỷ 20, cho là vào thế kỷ thứ 4. Ngụy thư này có nhắc tới bà Veronica, nhưng trong một biến cố khác hẳn, không dính líu gì tới việc “trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt”. Chương 7 sách này thuật lại việc bà, trong tư cách là người đàn bà băng huyết 12 năm được Chúa chữa lành, can đảm đứng ra làm chứng cho Người trước mặt Philatô và kỳ mục Do Thái (Xem The Ante-Nicene Fathers Vol. VIII [Grand Rapids: WM. B. Eerdmans Publishing Company, 1995 ] các tr. 466-467)
Nói tóm lại, biến cố “Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt” trên đường tới Canvê không được nhắc tới trong bất cứ bản văn Thánh Kinh nào, mà chỉ có trong truyền thuyết và ngụy thư mà thôi. Nhưng chặng đàng Thánh Giá thứ 6 có vì thế mà vô giá trị chăng? Không hẳn thế, trước nhất, theo Tin Mừng Luca 23:27, ta thấy: “Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó, có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người”. Và Người đã dừng lại nói với họ. Giữa lúc như thế, không có gì không tự nhiên nếu có phụ nữ nào đó trao khăn cho Người “lọt mặt”. Chính vì thế, dù cho rằng biến cố này không có tài liệu chứng minh, Bách Khoa Công Giáo vẫn cho rằng “không có lý gì để niềm tin cho rằng một hành động cảm thương như thế quả có xẩy ra lại không tìm được biểu thức trong lòng sùng kính nơi người được gọi là Veronica”. Nói cách khác, hành động đầy tính cảm thương “trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt” ấy được niềm tin Công Giáo tin là đã xẩy ra giữa đoàn “dân chúng đi theo Người đông lắm…vừa đấm ngực vừa than khóc Người”.
Hành trình đức tin
Đàng khác, như mục sư Dennis Bratcher nhận định (The Cross as a Journey, The Stations of the Cross for Protestant Worship, www.crivoice.org), đối với thời nay, người ta thường chỉ coi các biến cố quá khứ theo khía cạnh chúng đã xẩy ra (happenedness) trong một thời gian và trong một không gian nào đó, nghĩa là theo phương thức suy nghĩ dựa trên dữ kiện để trả lời cho các câu hỏi “what, when, who, where and how” (điều gì, khi nào, ai, ở đâu và cách nào), chứ không chú ý tới câu hỏi “tại sao?” (why). Câu hỏi sau cùng mới quan trọng, nhất là khi nói tới các biến cố của Đức Tin, các biến cố vốn không liên hệ nhiều tới sự kiện và dữ kiện cho bằng nhắc ta nhớ tới vai trò của biến cố đó đối với một câu truyện khác rộng lớn hơn và còn đang tiếp diễn, đó là truyện của Chúa và truyện của ta. Không phải vì khía cạnh “xẩy ra” không cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là “sung công” hay “tư hữu hóa” (appropriate) biến cố ấy theo ý nghĩa liên tiếp của nó đối với cộng đoàn liên tục, đối với ta.
Bratcher cho rằng suốt trong Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, dân Chúa luôn được kêu gọi tưởng nhớ (xem Tv 105). Nhưng không phải nhớ các biến cố chỉ vì chúng là các biến cố, nhưng vì các biến cố ấy đã nhập thân thành một phần con người hiện nay của họ và cả con người tương lai của họ nữa. Chính trong mẫu thức tưởng nhớ, tái hiện tại hóa các biến cố quá khứ làm một phần của câu truyện sống động chưa chấm dứt này, một câu truyện ta vẫn còn đang dự phần vào, mà các biến cố kia không còn chỉ là niên kỷ và nơi chốn nữa. Chúng đã trở thành những cột mốc của một cuộc hành trình cho những người trước đây chưa phải là một dân tộc trở thành một dân tộc (Xh 6:7; 1Pr 2:10), cho những người đang vụng về lần mò trong bóng tối bước được ra ánh sáng của Thánh Nhan Thiên Chúa (Is 9:2, Ga 8:12), cho những ai xa tít mù khơi bước gần lại Thiên Chúa và ơn thánh của Người hơn.
Hành trình Đức Tin của ta trong tư cách Kitô hữu hiện đại không phải chỉ là một hành trình xuyên qua lịch sử được đánh dấu bằng các biến cố quá khứ. Nó còn là cuộc hành trình cam kết bản thân của ta với Chúa, hành trình lớn mạnh như một cộng đồng Kitô hữu của ta và như các cá nhân đang trưởng thành dần từ những trẻ thơ chỉ biết đến mình trở thành những người phục vụ tín trung. Đó mới là cuộc hành trình ta cần tưởng nhớ càng sâu sắc và sâu xa bao nhiêu có thể khi ta tưởng nhớ cuộc hành trình của Chúa Giêsu từ dinh Philatô tới Golgotha.
Theo Bratcher, các chặng đàng Thánh Giá là phương thức phụng vụ nhằm diễn lại cuộc hành trình trên như một suy niệm thờ phượng, một hành vi sùng kính Thiên Chúa. Coi hành trình Chúa Giêsu vác Thánh Giá chỉ như một biến cố thời gian trong lịch sử là hiểu lầm vai trò của tưởng nhớ. Vì khi tưởng nhớ biến cố này bằng cách đi các chặng đàng Thánh Giá, ta không chỉ diễn lại một biến cố đã xẩy ra gần 2 ngàn năm trước, mà là đang thực hiện chính cuộc hành trình của mình…
Đàng Thánh Giá theo Thánh Kinh

Thiết tưởng đó cũng là tâm nguyện của người tín hữu miền Bắc Việt Nam khi họ cùng nhau “xin dâng lòng chúng con làm đàng Thánh Giá mà ngắm cùng in vào lòng những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu, để mà yên ủi chúng con ở chốn khách đầy này, cho ngày sau được trông cậy mười bốn nơi thương khó ấy, như bậc thang đem chúng con về thiên đàng…”. Không còn gì nói tới cuộc hành trình hiện tại và tương lai rõ hơn thế nhờ việc “ngắm đàng Thánh Giá” này.
Nhưng nói gì thì nói, các biến cố quanh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, được 4 sách Tin Mừng ghi lại, nhiều gần như vô kể, muốn trám đầy 14 chặng đàng Thánh Giá không khó chút nào. Chính vì thế mà không ít người Công Giáo thời nay muốn có 14 chặng đàng Thánh Giá dựa vào Thánh Kinh nhiều hơn. Khát vọng này chính thức được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáp ứng vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991 và được Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chính thức thừa nhận năm 2007. Người ta gọi đây là Đường Thánh Giá Theo Thánh Kinh hay Chặng Đàng Thánh Giá Theo Thánh Kinh. Cả hai vị giáo hoàng đều nói rõ: các ngài không có ý định bãi bỏ Đường Thánh Giá cổ truyền, đúng hơn các ngài muốn thêm một sắc thái mới để ta hiểu hơn cuộc thương khó của Chúa.
Mười bốn chặng đó như sau:
1. Chúa Giêsu tại Vườn Diệtsimani (Lc 22:39-46)
2. Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt (Lc 22:47-48)
3. Chúa Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái lên án (Lc 22:66-71)
4. Chúa Giêsu bị Thánh Phêrô chối bỏ (Lc 22:54-62)
5. Chúa Giêsu bị Philatô xét xử (Lc 23:13-25)
6. Chúa Giêsu bị đánh đập và đội mão gai (Lc 22:63-65; Ga 19:2-3)
7. Chúa Giêsu vác Thánh Giá (Mc 15:20)
8. Chúa Giêsu được Ximong vác đỡ Thánh Giá (Lc 23:26)
9. Chúa Giêsu gặp các phụ nữ Giêrusalem (Lc 23:27-31)
10. Chúa Giêsu bị đóng đinh (Lc 23:33, 47)
11. Chúa Giêsu hứa ban Nước Người cho kẻ trộm lành (Lc 23:33-34, 39-43)
12. Chúa Giêsu phó thác Đức Maria và Thánh Gioan cho nhau (Ga 19:25-27)
13. Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá (Lc 23:44-46)
14. Chúa Giêsu được táng trong mồ (Lc 23:50-54)
Theo Wikipedia, hàng năm, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều tham dự, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, các chặng đàng Thánh Giá theo Thánh Kinh này. Mỗi năm, một người khác nhau được mời viết bản văn suy niệm tại các chặng này. Năm nay (2012), theo Hãng Tin Catholic News Service ngày 4 tháng 4, Đức Bênêđíctô XVI đã mời hai ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi đảm nhiệm thừa tác vụ này. Ông bà Zanzuchi có 5 người con, 12 đứa cháu nội ngoại, là đồng sáng lập viên và người hướng dẫn lâu đời của Phong Trào Gia Đình Mới Focolare, một Phong Trào nối vòng tay lớn với nhiều gia đình bị phân rẽ, ly dị hay bỏ rơi. Họ coi bất trung hôn nhân và phá thai như là gánh nặng tội lỗi mà Chúa Giêsu từng phải gánh. Ngoài ra, bệnh tật, chết chóc, tài chánh khó khăn, nghèo khổ, phản bội, vô luân, bất hoà với thân nhân và thiên tai cũng được họ coi là các đau khổ Thánh Giá. Tuy nhiên, người viết không nhất thiết phải là Công Giáo. Và trong quá khứ, nhiều người không Công Giáo đã được mời vào nhiệm vụ này. Riêng đối với Đại Năm Thánh 2000, chính Đức Gioan Phaolô II đã viết các bản văn ấy.
Đại kết và chặng đàng Thánh Giá
Trên đây chúng tôi có nhắc đến mục sư Dennis Bratcher, thuộc Christian Resource Centre, Oaklahoma City, theo khuynh hướng John Wesley. Trong bài báo đã trích dẫn, Bratcher cho rằng theo lịch sử, người Thệ Phản có khuynh hướng bác bỏ bất cứ thực hành nào liên hệ tới các chặng đàng Thánh Giá, phần lớn vì chúng có liên hệ đến vấn đề ân xá. Vì quả thực, thời Trung Cổ, công phúc ân xá, một thứ thẻ mang theo để thoát khỏi hình phạt tội lỗi, quả có liên hệ với các hành vi sùng kính này. Tuy thế, vì truyền thống Công Giáo nay đã có nhiều thay đổi, nên những người Thệ Phản hiện đại không còn lưu tâm tới việc đánh phá thực hành này nữa. Và vì các áp lực của thế giới duy tục hiện đại mỗi ngày một gia tăng, nên càng ngày càng có nhiều người Thệ Phản đi tìm các phương cách mới để tái nối kết với lòng sùng kính chân chính và nhiều sinh lực, vượt lên trên chủ nghĩa xúc cảm hời hợt hiện đang trổi vượt trong phần lớn việc thờ phượng của Thệ Phản.
Ngay phái Thệ Phản Tin Lành cũng càng ngày càng tìm lại được giá trị nơi các thực hành sùng kính có tính bản thân và cộng đoàn do phụng vụ lên khuôn. Thành thử, càng ngày Thệ Phản càng lưu tâm hơn tới Chặng Đàng Thánh Giá, nhất là trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Một số giáo hội phối hợp chặng đàng Thánh Giá với các buổi Tenebrae, tức Giờ Kinh Đêm Tối vốn làm cao điểm cho Tuần Thánh trước Chúa Nhật Phục Sinh. Nhưng, tự chúng, các chặng đàng Thánh Giá càng ngày càng được sử dụng như một phương thế thờ phượng mạnh mẽ và có tính canh tân.
Tuy nhiên, phần lớn người Thệ Phản chỉ thích sử dụng 8 chặng vì các chặng này nói đến các biến cố chính trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu, được Tin Mừng nhắc đến.
Chặng 1: Philatô kết án tử Chúa Giêsu
Chặng 2: Chúa Giêsu chấp nhận Thánh Giá
Chặng 3: Ximong vác đỡ Thánh Giá
Chặng 4: Chúa Giêsu nói với các phụ nữ
Chặng 5: Chúa Giêsu bị lột áo quần
Chặng 6: Chúa GIêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá
Chặng 7: Chúa Giêsu quan tâm đến Mẹ Người
Chặng 8: Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá.
Một số người Thệ Phản mở rộng các chặng này cho phù hợp với 14 chặng cổ điển, tuy nhiên, họ chỉ bao gồm các chặng có căn bản Thánh Kinh. Họ thường bắt đầu với chặng Chúa Giêsu ở Vườn Diệtsimani:
1. Chúa Giêsu cầu nguyện một mình
2. Chúa Giêsu bị bắt
3. Thượng Hội Đồng xét xử Chúa Giêsu
4. Philatô xét xử Chúa Giêsu
5. Philatô lên án tử Chúa Giêsu
6. Chúa Giêsu đội mão gai
7. Chúa Giêsu vác Thánh Giá
8. Ximong vác đỡ Thánh Giá
9. Chúa Giêsu nói với các phụ nữ
10. Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thánh Giá
11. Hai phạm nhân nói với Chúa Giêsu
12. Chúa Giêsu quan tâm tới Mẹ Người
13. CHúa Giêsu chết trên Thánh Giá
14. Chúa Giêsu chịu táng trong mồ.
Từ ngày Đức Gioan Phaolô II phổ biến hình thức chặng đàng Thánh Giá theo Thánh Kinh trên, càng ngày càng có nhiều giáo hội Thệ Phản tiếp nhận nó. Mục sư Mark D. Roberts, thuộc Giáo Hội Trưởng Lão ở Irvine chẳng hạn, cho hay: mấy năm gần đây, một số người thuộc Nhà Thờ của ông đề nghị sử dụng hình thức của Đức Gioan Phaolô II cho việc tôn sùng trong Tuần Thánh. Linda, vợ ông, còn sáng tác 14 bức thủy mạc mô tả 14 chặng đàng Thánh Giá. Hai vợ chồng mục sư Roberts đã để mọi nơi sử dụng miễn phí 14 bức thủy mạc này. Do đó, hiện nay các bức tranh này có mặt tại hàng ngàn nơi thờ phượng khắp năm châu (www.patheos.com). Chặng đàng Thánh Giá càng ngày càng trở thành một khí cụ của đại kết, việc mà phong trào Đại Kết đáng lẽ phải chú ý từ lâu.
--
Nguồn:  NGƯỜI LỮ HÀNH HY VỌNG  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét