Trang

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Thứ sáu tuần thánh - Ngắm nhìn thập giá




Thứ sáu tuần thánh - Ngắm nhìn thập giá
Ngày thứ sáu tuần thánh, chúng ta ngắm nhìn một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu.
Chết là hết. Sự thường là vậy. Sau cái chết mọi sự sẽ nguôi ngoai. Không gì tồn tại và bền lâu. Thế nhưng sau cái chết của Chúa Giêsu thì không vậy. Lời các ngôn sứ đã nói từ xưa: “Họ sẽ ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu qua”. Ai sẽ ngắm nhìn. Nhân loại của thời đó hay nhân loại hôm nay? Phải chăng họ ngắm nhìn một thây ma trơ trụi trên thập giá ? Chắc là không. Vì thây ma chỉ làm người ta khiếp sợ. Thế mà hơn 2000 năm nay họ vẫn đang ngắm nhìn. Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu. Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu.  Ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu, để giục lòng ăn năn sám hối. Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa. 
Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến: đó là cái nhìn của Mẹ Maria. Mẹ nhìn con đau khổ. Mẹ cảm thương nỗi đau của con. Thân xác con tan nát. Trái tim Mẹ lại se thắt từng cơn, nuốt nghẹn đến tận tâm can. Máu con tuôn rơi trên cây thập tự. Nước mắt Mẹ tuôn rơi trên đồi Calvê. Mẹ đã dâng nỗi đau của mình nên một với nỗi đau của con để làm hiến tế tôn vinh Chúa Cha. Ngày hôm nay cũng có biết bao người đang đau khổ, đang nhìn lên thập giá Chúa để tìm sự nâng đỡ ủi an. Đón nhận đau khổ như Đức Giêsu và Mẹ Maria là đón nhận thập giá của bổn phận, của trách nhiệm trong hy sinh, tự hiến cho gia đình, xứ đạo và cộng đồng nhân loại.
Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu: Đó là cái nhìn nuối tiếc của các môn đệ. Tiếc nuối vì cả một đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan đã bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng. Nhìn để làm lại cuộc đời. Nhìn để chuộc lại lỗi lầm, để dám chết cho niềm tin của mình. Điển hình là Phêrô. Dù ông muốn bỏ chạy vì sự truy sát của Nêron, nhưng ông đã kịp quay trở lại thành để chịu tử đạo, vì nhìn thấy Thầy một lần nữa vác thập giá vào thành. Ngày nay có biết bao người vẫn đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ. Mặc cảm vì một lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân. Hãy ngước nhìn lên Chúa để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm. Hãy đền đáp tình yêu bằng trao tặng tình yêu của mình cho tha nhân.
Ngắm nhìn để giục lòng ăn năn: đó là cái nhìn của đám đông dân chúng bị mua chuộc, xúi giục la ó “đóng đinh nó vào thập giá”. Đó là cái nhìn thống hối của Philatô. Một người có chức có quyền nhưng hèn nhát, thiếu bản lĩnh, và nhu nhược đã để đám đông lấn áp đến nỗi chẳng dám nói một câu bênh đỡ cho người công chính khỏi án chết bất công. Dù  ông biết rõ “người này vô tội”. Ngày nay cũng có biết bao người đang đóng đinh cuộc đời nhau vì xu thời, hèn nhát, thiếu trách nhiệm đã và đang dầy xéo cuộc đời anh chị em mình. Liệu rằng có mấy ai biết nhìn lại để cúi mình ăn năn? Vì tội lỗi tôi mà Chúa mang thảm sầu. Vì lối sống thiếu trách nhiệm của tôi mà gia đình tan nát, xào xáo, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt chăng?
Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa. Đó là cái nhìn của viên đội trưởng Rôma, của các người phụ nữ, của các môn đệ. Trong cái chết nhục hình, họ đã nhận ra một sụ chiến thắng của Chúa Giêsu. Thập giá đã không còn là biểu tượng của tủi nhục mà là dấu chỉ một tình yêu. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu dám tha thứ cho cả kẻ hành hạ, giày xéo cuộc đời mình cho đến chết. “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Một tình yêu bằng lòng chịu chết để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần những con người dám hy sinh cho nhau, dám quên đi sự an nhàn bản thân để hiến thân cho bạn hữu của mình. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần một tình yêu thứ tha để có thể giải hoà những đổ vỡ, những ngăn cách đang làm cho các gia đình đau khổ, đang làm cho xã hội bất an vì những thù oán nhỏ nhen.
Ngắm nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu. Chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình đang tiếp tục làm khổ Chúa, làm khổ nhau? Khi ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu chúng ta có áy náy lương tâm hay vẫn dửng dưng bàng quang như khách qua đường tại thành Giêrusalem? Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.
Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét