Trang

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Bài 20 : Lên Jerusalem lần thứ hai

Bài 20 : Lên Jerusalem lần thứ hai


Bài 20 : Lên Jerusalem lần thứ hai

Chúng ta tìm hiểu về lần thứ hai thánh Phaolô lên Giêrusalem.

Lần thứ hai lên Jerusalem, theo Phaolô kể trong thư Galata, là dịp đại hội Jerusalem nhóm họp để giải quyết vấn nạn về những người ngoại gia nhập giáo hội, khoảng năm 49 (Gal 2:1).

Theo Công Vụ Tông Đồ, khi Phaolô ngụ lại ở Antioch sau chuyến hành trình đầu tiên (khoảng năm 46-49), có nhiều dân ngoại tin theo Chúa Kitô, một số đến từ vùng Judea (Cvtd 15:1-3). Khi những người ngoại gia nhập hội thánh, vấn nạn được đặt ra là họ có phải giữ những luật mà người Do Thái đang giữ hay không: luật cắt bì và luật kiêng khem trong ăn uống.

Bối cảnh hội thánh lúc đó là đa số những Kitô hữu tiên khởi là người Do Thái. Những người này, dù tin vào Đức Giêsu Kitô nhưng họ không tách mình ra khỏi Do thái giáo. Họ nhìn Đức Giêsu Kitô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (Messiah) và sai đến để giải phóng dân họ. Nói cách khác, theo Chúa Giêsu Kitô lúc đó chưa hẳn là theo một tôn giáo mới, nhưng là tin rằng những gì Thiên Chúa đã hứa cho dân Israel giờ đây được thực hiện.

Với niềm tin đó, họ (những người Do thái tin vào Chúa Kitô) không có lí do gì để từ bỏ lề luật Môisê. Họ giữ phép cắt bì, kiêng ăn những thức ăn bị xem là dơ bẩn (như thịt còn dính máu) và giữ luật thanh tẩy trước khi ăn v.v…

Vì thế, khi những người ngoại (Hi lạp, Roma…) gia nhập hội thánh, một số những người gốc Do thái đòi hỏi dân ngoại giữ những luật trên.

Khi vấn nạn còn đang tranh cải, chưa được giải quyết, Phaolô và vài người khác lên Jerusalem để tham khảo ý kiến của các tông đồ.

Chi tiết của đại hội được kể trong sách Cvtd (15:1-20) và trong thư Phaolô viết cho Galata (2:1-10) có phần khác nhau về diễn biến của buổi họp, nhưng quyết định cuối cùng của đại hội thì hoàn toàn giống nhau: là dân ngoại theo Chúa Giêsu Kitô không cần phải chịu cắt bì.

Ta có thể tóm hai diễn biến trong hai nguồn liệu như sau:

Trước hết, theo Công Vụ Tông Đồ, sau khi một vài người theo phái Pharisiêu thắc mắc việc cắt bì của người ngoại theo Chúa Giêsu, cộng đoàn Antiokia gởi Phaolô và Barnaba cùng đem theo Titô (một người ngoại tin theo Chúa Kitô) lên Jerusalem để tìm câu trả lời. Tại đại hội, sau khi nghe Phêrô trình bày đừng tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho anh em (Cvtd 15:7-10), đến Phaolô và Barnaba trình bày những thành quả truyền giáo với dân ngoại (Cvtd 15: 12), thì Giacôbê, nhân danh người lãnh đạo cộng đoàn Jerusalem, đã quyết định là dân ngoại theo Chúa Giêsu không phải chịu phép cắt bì (Cvtd 15: 20). Về việc kiêng khem thịt và thức ăn cúng, Giacôbê khuyên: “viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.” (Cvtd 15:20).
Trong thư gởi Galata, Phaolô kể là Ngài và Barnaba cùng đem Titô lên Jerusalem. Phaolô đã gặp riêng với các tông đồ. Ngài cũng cho biết rằng việc đòi hỏi dân ngoại chịu cắt bì là do một số thành phần quá khích đòi hỏi (Gal 2:4). Sau khi gặp những vị hữu trách có thế giá (lúc đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan) và trình bày sự việc, không có vị nào bắt Titô (một người ngoại) phải chịu cắt bì. Phaolô còn xác nhận rằng quyết định của các vị đó là tôn trọng việc Phaolô được Thiên Chúa chọn đi truyền giáo cho dân ngoại, và Phêrô truyền giáo cho người Do Thái (Gal 2:1-10).

Đại hội Jerusalem là một ví dụ điển hình về hình thức sinh hoạt của giáo hội khi gặp những khúc mắc về luân lí hay đức tin. Các vị hữu trách (các tông đồ ngày xưa, và các giám mục ngày nay) họp lại để tìm ra thánh ý Thiên Chúa mặc khải trong giáo hội qua các công đồng.

Đại hội Jerusalem còn là một bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử truyền giáo của giáo hội khi tin mừng được giới thiệu đến với dân ngoại vì (a) mở cửa để hình thành một tôn giáo mới, tách biệt khỏi Do thái giáo, là Kitô giáo ngày nay, và (b) tạo điều kiện cần thiết để Tin Mừng thật sự được rao giảng “trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cvtd 1:8).

NB: Đây là hai lần thánh Phaolô thăm viếng Jerusalem với tính cách mục vụ: hoặc để học hỏi, hoặc để hội họp. Lần sau cùng Ngài ghé qua Jerusalem (khoảng 58/59) và bị bắt thì không kể vào những lần thăm viếng mục vụ này.
Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét