Trang

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Khi hôn chân Chúa bạn nghĩ về điều gì?




Khi hôn chân Chúa bạn nghĩ về điều gì?
Mùa Chay-Phục Sinh của đạo Công giáo có vài nghi thức rất đáng để nghiền ngẫm. Bao gồm các nghi thức: xức tro, Chúa rửa chân cho các tông đồ, hôn chân Chúa, thắp nến phục sinh. Trong phạm vi bài này, xin chia sẻ một số ý liên quan tới nghi thức thứ 3.
Khi hôn chân Chúa, cái quan trọng nhất không nằm ở các chuyển động cơ học: quỳ, cuối rạp xuống, chạm môi vào chân Chúa, đứng lên mà nằm ở cái thần, nghĩa là cái đang diễn ra trong đầu mỗi người trước hành vi hôn chân Ngài. Cái thần ẩn trong hành vi hôn chân Chúa giúp ta chuyển tình yêu đối với Chúa sang tình yêu đối với tha nhân, một cách nhẹ nhàng và đúng bản chất.
Những điều gợi ý từ võ đạo
Người ta bảo, cái hồn của võ thuật được nằm trong các bài quyền. Vậy quyền là gì? Quyền là tổ hợp các động tác công thủ được sắp xếp theo một trình tự khoa học, được tạo ra nhằm giả lập để giải quyết các tình huống có thể có trong thực tế. Cao siêu hơn, một bài quyền còn chuyển tải triết lý bên trong: như nhu thắng cương, ít thắng nhiều, tĩnh chế động, đơn giản hoá giải sự phức tạp... Thậm chí một bài quyền còn thể hiện cả nhân sinh quan trong nội hàm của nó như lòng khoan dung, tính quyết liệt-một mất một còn. Triết học và nhân sinh quan tổng thể của các bài quyền sẽ chuyển tải chữ Đạo trong một môn phái. Nếu quyền quan trọng như thế, làm thế nào để luyện tốt về quyền. Có một lần may mắn, tôi có trao đổi với một vị võ sư người Nhật 8 đẳng, phụ trách phần kỹ thuật Karatedo toàn châu Âu về việc này. Khi ngồi ở bàn hội đồng giám khảo, chấm một võ sinh đi quyền, người võ sư cần chấm các điểm sau: lực các đòn đánh, tư thế-kỹ thuật các đòn, độ thẩm mỹ và thần thái khi biểu diễn. Trong đó thần thái là cái khó chấm nhưng là phần quan trọng nhất của một bài quyền. Thần là gì? Thần có thể hiểu là thần kinh, chủ yếu là vỏ đại não. Thần cần phải trầm tĩnh, tư tưởng tập trung, thần phải chuyên nhất, không có tạp niệm. Thần là sự bắt nguồn, dẫn dắt mọi hành vi của một võ sĩ, thần cho ta biết cần tiến, lui, quay trái hay phải. Nó chỉ đạo công, thủ, tránh né. Và các thứ này diễn ra bên trong đầu của người diễn quyền. Đây là phần âm trong một bài quyền và người võ sinh phải lột tả nó thành dương tính để bộc lộ ra bên ngoài, trong đó chủ yếu là nhờ ánh mắt. Sự hoảng hốt, lòng kiêu hãnh, tính trầm tư... đều thể hiện qua hình dáng và màu sắc của mắt. Vậy chấm thần là chấm chủ yếu các thuộc tính liên quan đến mắt. Nên mắt là cửa số phản ánh những thứ đang diễn ra bên trong cơ thể. Mắt cũng là giác quan quan trọng nhất trong 6 giác quan thu nhận dữ liệu, thông tin từ thế giới bên ngoài chuyển về cho bộ não xử lý.
Tóm lại, Thần mang hàm ý diễn đạt ta đang nghĩ về cái gì trước mỗi hành vi khi diễn quyền. Thần là quan trọng vì nó giúp ta chuyển tiếp các tri thức trong quyền để giải quyết các tình huống thực tế, không được lập trình từ trước, một cách ổn thoả.
Cũng vậy, khi hôn chân Chúa, cái quan trọng nhất không nằm ở các chuyển động cơ học: quỳ, cuối rạp xuống, chạm môi vào chân Chúa, đứng lên mà nằm ở cái thần, nghĩa là cái đang diễn ra trong đầu mỗi người trước hành vi hôn chân Ngài. Cái thần ẩn trong hành vi hôn chân Chúa giúp ta chuyển tình yêu đối với Chúa sang tình yêu đối với tha nhân, một cách nhẹ nhàng và đúng bản chất.
Tại sao là hôn chân?
Hôn là một hành động nhằm biểu đạt tình yêu. Cũng giống như mọi thứ khác, tình yêu có thật lẫn giả. Và thật bao giờ cũng ít hơn nhiều lần so với giả, hay những thứ trông gần thật. Trong Tân ước có mô tả về 2 nụ hôn khá tương phản. Một của Giuda, một của phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm Thánh Luca (7,37)…
Trong khi Giuđa chọn điểm rơi của nụ hôn là má của Thầy để chứng tỏ đang đứng ở một khoảng cách gần trong quan hệ với Chúa Giêsu thì người phụ nữ tội lỗi lại chọn chân Thầy để biểu lộ tình yêu nghĩa là bà tự đặt mình ở khoảng cách rất xa trong quan hệ cả trong tâm hồn. Một nụ hôn của một môn đệ nạp Thầy tiềm ẩn trong thần thái và một nụ hôn của người đàn bà phàm tục chứng tỏ lòng ăn năn, quay về được chôn tận cõi lòng. Cùng một nụ hôn-tức cùng hình thức nhưng 2 suy nghĩ hoàn toàn khác biệt-tức khác về nội dung, nghĩa là khác về thần thái. 2 nụ hôn này không chỉ khác về vị trí mà quan trọng hơn là ánh mắt toát ra từ 2 nụ hôn cũng rất khác lạ. Kinh Thánh không mô tả thần thái của 2 gương mặt này trong khi hôn và chỉ có các võ sư cao đạo mới có thể đo được tình yêu của 2 nụ hôn này nếu quan sát được đôi mắt. Người võ sư ấy chính là Chúa Giêsu, người hiểu thấu tâm cang của mọi hành vi, ngay cả khi chúng ta chưa hành động.
Nhằm hiểu thêm vì sao là hôn chân? Chúng ta có thể tham khảo sách Tân ước khi mô tả Bữa Tiệc Ly, Chúa cũng đã chọn chân để rửa cho các môn đệ. Chân chiếm một vị trí thấp nhất về mặt cơ thể học, nhằm biểu diễn phần ít đáng được tôn trọng nhất.
Chọn chân để rửa hay để hôn, người hôn và người rửa nhằm chứng minh tình yêu, lòng khiêm cung hay sự bất tương xứng trong tình yêu ở cung bậc cao.
Các bức tranh tương phản và tính triết học
Ngồi trong nhà thờ những giây phút như thế này, tự dưng mình so sánh 2 biểu tượng của 2 tôn giáo lớn: Phật giáo và Công giáo. Trong khi hình tượng Đức Phật tại các Chùa trông thật thanh thản, tự tại thì hình ảnh của Chúa Giêsu trên thập tự trông rất đau khổ, ưu phiền. Vậy mà của gia bảo Ngài thường ban cho các Kitô hữu lại là sự bình an, hoàn toàn tương phản với cái hình tướng thuộc biểu trưng của cây thánh giá. Mình ngẫm nghĩ mãi cái hàm ý gì mà Chúa Giêsu đang muốn truyền tải qua sự mâu thuẫn thật khủng khiếp?
Rồi buổi tối Thứ Sáu Tuần Thánh, chợt nhận ra cái ẩn ý bị che khuất này: trong tận cùng của đau khổ mà ta vẫn thấy sự bình an. Đây mới thật sự là cảnh giới của bình an, nghĩa là thấy cả bình an trong giông bão, bình an trong thánh giá, chứ không phải đi tìm bình an trong tĩnh lặng.
Các đoạn Tin Mừng trong những ngày này mô tả Chúa chịu nạn, đã vẽ các bức tranh đầy tương phản và các bài học đậm tính triết qua những bức tranh này thật hấp dẫn.
Suốt 3 năm rao giảng, Ngài chỉ chọn 12 tông đồ, 12 học trò đời thứ nhất, vậy mà một trong số đó đã nạp Ngài vì 30 đồng bạc - một thứ tiêu biểu cho “nước” trần gian - trong khi Ngài đang rao giảng về Nước Trời, nơi rất xa lạ với tiền của.
Người học trò được Ngài chọn là trưởng tràng, dễ dàng từ chối Thầy ngay phút giây đầu tiên khi bị thử thách, mà người thử thách chỉ là một tớ gái, và không chỉ 1 lần mà chối đến 3 lần. Trong khi Ngài vừa mới nhắc lại tình yêu thương giữa thầy trò trong bữa tiệc ly hôm trước.
Khi vác thánh giá lên đồi Gongotha và chịu chết ở đó, 12 người học trò mà Ngài ra sức dạy dỗ, yêu thương, chúng ta chỉ tìm thấy Thánh Gioan, trong khi đó Ngài truyền rằng có 2 điều quan trọng nhất trong đạo của Ngài: mến Chúa và yêu người.
Chúa Cha đã đưa người Con của mình nhập thế để cứu chuộc tội lỗi vậy mà Ngài được treo lên và chết cùng với 2 tên trộm cướp - một loại tội ác điển hình. Cái chết của Chúa cũng bắt nguồn từ các tội lỗi là những hận thù, các đanh ác của nhân loại.
Thủ phạm trong cuộc hành quyết Chúa Giêsu chính là con người, loại thụ tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Một dân tộc mà Thiên Chúa chọn cũng chính là dân tộc treo Ngài lên thập tự với những lời hò reo “đóng đinh nó đi”.
Dẫn dắt câu chuyện đến các nút thắt của sự mẫu thuẫn và trình bày cách giải quyết các mẫu thuẫn rất dễ làm người đọc cuốn hút. Một vài mẫu chuyện cần giải quyết mâu thuẫn 1-1 ta cũng thấy trong Tân ước: đoạn người đàn bà ngoại tình bị ném đá, đoạn yêu cầu Chúa Giêsu đóng thuế, đoạn Chúa Giêsu bị cám đỗ.
Trong Tây du ký, có đoạn mô tả tình huống mâu thuẫn hấp dẫn sau: Tổ sư  yêu cầu Tề Thiên đi đổ chén đờm của Tổ vào chỗ “không phải trời không phải đất”. Quá mâu thuẫn. Tề Thiên nghĩ tới, nghĩ lui rồi đổ vào luôn trong miệng. Giải quyết câu hỏi hóc xương này, Tề Thiên liền được Thầy đặt tên là Ngộ Không (ngộ nghĩa là nhận biết).
Đưa các bức tranh, màu sắc tương phản nhau, có phải chính Chúa đã dạy cho ta một bài học cao thâm: khi giải quyết được các mâu thuẫn đỉnh điểm này, chúng ta sẽ vượt qua ranh giới của sự tầm thường để đạt tới một cảnh giới khác cao hơn mà bình an là một trường hợp.
Một năm chúng ta hôn chân Chúa bao nhiêu lần?
Nếu xem cử chỉ hôn chân Chúa là cách biểu lộ tình yêu của ta với Chúa Giêsu, với thánh giá mà Ngài đang gánh chịu, vậy một năm chúng ta chỉ cần hôn chân Chúa một lần sao? Hãy cứ đếm các lần chúng ta đã hôn chân ấy cả hình thức lẫn nội dung. Và nếu nói rằng chúng ta yêu Ngài, thì biểu hiện của tình yêu đích thực với Ngài là gì?
Trước ngày chịu nạn, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và truyền dạy tôn chỉ các con hãy yêu thương nhau. Trong môt đoạn khác trong Tân ước, Chúa bảo chỉ có 2 điều quan trọng nhất - “yêu Chúa và yêu người”. Trên cây thập tự, trong khi đang chịu cực hình về cả thể xác lẫn tinh thần Ngài vẫn cầu xin với Chúa Cha hãy tha cho họ vì họ chẳng biết việc họ làm. Yêu thương đến thế là cùng. Đúng là, không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu.
Vậy khi bảo rằng ta yêu mến Chúa, thì có nghĩa chúng ta cần nhớ lại lời đầu tiên của Kinh Hoà Bình “lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.
Vấn đề đặt ra: Lấy gì để bảo chứng tình yêu của ta với Chúa là đáng tin cậy? Có một phương pháp trong lĩnh vực công nghệ phầm mềm mà ta có thể áp dụng. Muốn chứng minh chất lượng của tình yêu, tình yêu ấy phải trải qua các cuộc thử nghiệm với các mẫu dữ liệu sau đây:
1. Dữ liệu kiểm chứng phải đủ lớn: nghĩa là chúng ta có thể liệt kê số lần mà ta yêu Ngài là không đếm xuể.
2. Dữ liệu kiểm chứng phải khá đặc biệt: nghĩa là thay vì chỉ yêu người nghèo, ta còn phải yêu cả kẻ đói nhưng mang đầy mầm bệnh hiểm nghèo lây lan như HIV, lại còn là người côi cút, thậm chí trước đây chính họ đã hãm hại chính chúng ta.
3. Dữ liệu phải vét cạn hết mọi khả năng: nghĩa là các mẫu người có thể tồn tại trên thế giới này đều được đem ra để thử tình yêu của chúng ta với tất cả hình thể muôn màu muôn vẻ, mọi nơi, mọi lúc.
Mẹ Terasa là một trong các Chân phước hiện đại đã thoả các mẫu dữ liệu kiểm chứng trên. Thật ra trong hành trình tăng trưởng đức tin tình yêu với Thiên Chúa, đức tin ấy cần trải qua các cung bậc từ thấp đến cao. Phương pháp kiểm định trên chỉ phù hợp cho thứ bậc cao nhất. Các thứ bậc khác được sắp xếp để bước trước là tiệm tiến của bước ở mức cao hơn và thường được trưởng thành trong thử thách và cầu xin.
Hôn chỉ là một biểu trưng về hình tính của tình yêu, thật ra chúng ta luôn phấn đấu để tình yêu ấy không chỉ dừng ở biểu hiện bề ngoài mà nó phải thường trú mãi mãi tận trong tâm, để mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành vi của chúng ta đều xuất phát từ 2 chữ tình yêu. Đạt được như thế nghĩa là chúng ta tin rằng Chúa luôn luôn ngự trì trong tâm trí mình.
Nhưng phận người vốn mỏng dòn, yếu đuối và nhiều tội lỗi nên chúng ta cần liên lũy khiêm tốn cầu xin sức mạnh của Ngài đổ xuống và nâng đở ta từng tíc tắc trong cả đời sống. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hôn chân Chúa từng giây, từng phút trong cuộc đời con.
G. Tuấn Anh
Nguồn: truyenthongconggiao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét