Những truyền thống về Lễ Phục Sinh
(EMTY) - Lễ Phục Sinh là dịp tưởng niệm việc Chúa Giêsu sống
lại và đây cũng là lễ hội quan trọng nhất của người tín hữu. Tương tự như Lễ
Giáng Sinh, ý nghĩa của ngày Lễ Phục Sinh không thể bị làm lưu mờ bởi những
truyền thống được lưu truyền từ những dân ngoại thuở xưa.
Tờ báo Sun Herald đã thăm dò dư luận về ý nghĩa của ngày Lễ
Phục Sinh và kết quả được công bố theo thứ tự sau: sôcôla hình quả trứng Phục
Sinh (54%), một kỳ nghĩ cuối tuần dài (39%), buổi trình diễn Phục Sinh trang
trọng (21%), một sự kiện tôn giáo (20%).
Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Sydney đã kêu than: “Nhiều người cho rằng Lễ
Phục Sinh không hề mang một ý nghĩa tôn giáo trang trọng nào cả, nó chỉ là một
lễ hội trường kỳ không có gì thiêng liêng”.
Một biểu tượng con thỏ Phục Sinh chăng? Rất nhiều sôcôla?
Những cuộc thi tìm trứng? Tất cả những thứ đó bắt nguồn từ đâu?
Môt vài học giả tin rằng từ “Easter” (Phục Sinh) có nguồn
gốc từ “Eastre”. Đây là tên theo tiếng Ănglô Xắcxông của nữ thần thuộc dân tộc
Giecmanh¹ tượng trưng cho mùa xuân và mùa vụ bội thu. Ngày lễ mừng nữ thần này
được cử hành vào ngày xuân phân (ngày 21-3). Thỏ là loài vật sinh sản nhanh nên
được coi là biểu tượng của mùa vụ bội thu. Những quả trứng màu sắc sặc sỡ tượng
trưng cho ánh nắng mùa xuân trong lễ hội sẽ được đem tặng hay sử dụng trong
cuộc thi lăn trứng. Quả trứng được lăn bởi một người khác, trứng nào lăn lâu
nhất và không bị nứt vỡ sẽ thắng cuộc.
Mặc dù có nhiều truyền thống ngoại đạo, nhưng ngày nay vẫn
còn rất nhiều truyền thống đầy ý nghĩa của lễ Phục Sinh được cử hành nhiều nơi
trên thế giới.
Những đứa trẻ Hy Lạp chính thống thường được thấy cùng với
những quả trứng rỗng nhuộm đỏ. Một đứa bé nói: “Đấng Cứu Thế trỗi dậy”, và đứa
khác đáp lại: “Đúng vậy, Ngài đã thực sự trỗi dậy!”
Ở vùng Bêlem, Pensivania, Mỹ, ban kèn trompon thuộc Moravian
chơi những bài thánh ca một vòng quanh thành phố trước lúc rạng đông của ngày
Lễ Phục Sinh để kêu gọi giáo dân tham dự nghi thức đón bình minh tại nghĩa
trang cổ thuộc Moravian. Tại buổi lễ, những cây kèn trompon được chơi với vũ
điệu vui nhộn khi mặt trời bắt đầu ló dạng.
Lễ Phục Sinh có liên hệ chặt chẽ với mùa xuân ở vùng bắc bán
cầu². Vào mùa này, nơi nơi đều có rất nhiều cành non đâm chồi. Tôi nhớ đến vẻ
đẹp của những bụi cây dogwood (cây sơn thù du) và hoa mộc lan nở rực rỡ, hương
thơm ngọt ngào của chúng lan toả khắp nơi vào Mùa Phục Sinh.
Ở Nhật Bản, tôi trông thấy rất nhiều những cây hoa loa kèn
mọc lên nơi những cánh đồng hoang trong suốt mùa xuân. Hoa loa kèn là loại hoa
tượng trưng cho Lễ Phục Sinh rất được ưa chuộng và thường được sử dụng để trang
trí vào dịp này. Những bông hoa trắng thanh khiết nở rộ nhắc nhớ đến việc Chúa
Giêsu đã cứu chúng ta ra khỏi nơi đầy bùn nhơ và Ngài đã rửa sạch chúng ta như
thế nào. Giống như những cây hoa loa kèn đâm chồi sau một mùa đông kéo dài,
Đấng Cứu Thế ban cho chúng ta cuộc sống mới thông qua nguồn hy vọng của sự sống
lại của Ngài.
Những cây nến được đốt trong suốt những buổi Lễ Phục Sinh. Ở
Nga, những tín hữu Chính thống tổ chức những buổi canh thức cầu nguyện vào đêm
Vọng Phục Sinh. Ngọn nến cháy sáng trên bàn thờ tượng trưng cho Đức Giêsu chính
là ánh sáng thế gian.
Nhiều dân tộc trên thế giới đã dựng biến cố Phục Sinh thành
những vở kịch về “cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu”. Có lẽ vở kịch nổi tiếng nhất
nói về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là vở kịch được dàn dựng bởi dân làng
Ôberamarau ở miền Nam nước Đức. Nó được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1634
bởi dân làng để tỏ lòng biết ơn khi họ được cứu thoát khỏi sự tiêu diệt của
dịch bệnh. Vở kịch được trình diễn mỗi 10 năm một lần kể từ năm 1680, chỉ có 3
lần ngoại lệ.
Ở những nước Đông Âu, chiên là biểu tượng quan trọng trong
dịp Lễ Phục Sinh. Rất nhiều người dùng chiên để thiết đãi trong Lễ Phục Sinh,
hoặc có thể làm những loại bánh theo hình con chiên. Rất nhiều lần trong Kinh
Thánh Tân Ứơc, Đức Giêsu được coi là Con Chiên của Thiên Chúa.
Một điều rất ngạc nhiên là đúng vào ngày Đức Giêsu bị đóng
đinh, chiên Vượt qua được hiến tế tại Đền thờ Do Thái. Chiên Vượt Qua dùng để
hiến tế phải là “không tì vết” (Xh 12,5). Những người tín hữu xác tín rằng Đức
Giêsu vô tội và Ngài đã chết để đem lại sự tha thứ và ơn cứu độ cho tất cả
những ai tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Khi nhìn thấy Đức Giêsu tiến về phía
mình, Gioan Tẩy Giả liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội
trần gian” (Ga 1,29). Vì Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết, nên chúng ta cũng được
hứa sẽ có sự sống đời đời trên Thiên Đàng sau khi chết.
Phục Sinh là dịp để chúc mừng những sự khởi đầu mới. Hãy để
Chúa Giêsu tác động đến cuộc sống của bạn nếu bạn vẫn chưa đón nhận Ngài. Ngài
sẽ không chỉ ban cho bạn Thiên Đàng trong tương lai nhưng Ngài còn ban cho bạn
sự khởi đầu mới thật kỳ diệu ngay ở đời này.
Và như thế, cái chết trên thập giá của Đức Giêsu không phải
là sự kết thúc, mà chính là sự bắt đầu.
-----------------
1. Tức là Ăng-lô-xắc-xông, Hà Lan, Đức và Bắc Âu.
2. Phục Sinh được cử hành vào ngày Chúa Nhật đầu tiên kể từ
sau ngày trăng tròn sau ngày 21-3 - có nghĩa là bất cứ ngày nào từ ngày 22-3
đến ngày 25-4. Đối với Giáo hội Chính thống phương Tây, Lễ Phục Sinh được cử
hành trễ hơn.
AN NHIÊN
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét