KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP CỦA THÁNH LỄ
Lm. William P. Saunders
Thánh Lễ là hành vi đẹp nhất để thờ lạy Chúa Tối Cao và là kho tàng của Giáo hội Công giáo. Để đánh giá đầy đủ, cần phải hiểu lịch sử phát triển của Thánh Lễ. Nguồn gốc của Thánh Lễ là Bữa Ăn Tối cuối cùng, bữa ăn Lễ Vượt Qua. Ở đấy, Chúa và các tông đồ đọc Kinh Thánh, và rồi lần đầu tiên Ngài cầm lấy bánh và rượu, đọc lời hiến thánh, trao Mình Máu Ngài cho họ. Mọi hành động trong Thánh Lễ đầu tiên này phải được hiểu trong toàn bộ bối cảnh cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa. Và từ lúc ấy trở đi, Giáo Hội đã dâng Thánh Lễ như một thực tại kéo dài của Bữa Tối Cuối Cùng cũng như cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh, thông phần vào sự hiện diện qua mọi thời.
Cứ cho là Thánh Lễ có tiến triển qua từng thời đại nhưng những yếu tố chính và cấu trúc của Thánh Lễ thì không. Ba tham chiếu quan trọng nhất nói về Thánh Lễ trong thời kỳ đầu của Giáo Hội là cuốn Didache (Giáo huấn của Mười Hai Tông Đồ - khoảng năm 80), cuốn First Apology (Hộ giáo đầu tiên - khoảng năm 155) của Thánh Giustinô Tử Đạo, và cuốn Apostolic Tradition (Truyền Thống Tông Đồ - khoảng năm 215) của Thánh Hippolytô. Những tham chiếu này chứng nhận cho truyền thống sống động của Thánh Lễ. Hình thức Thánh Lễ mà ta có hiện nay đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn vào năm 1969.
Thánh Lễ gồm 4 phần chính: Nghi thức Nhập lễ, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể, và Nghi thức Kết lễ. Phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể “liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chỉ một hành vi thờ phượng duy nhất” (Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 56). Hơn nữa, “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (Hiến chế Tín lý về Mạc Khải, số 21). Tóm lại, Thánh Lễ diễn biến như một hành động duy nhất.
Nghi thức Nhập lễ có một mục đích rõ ràng, chính xác là “giúp cho các tín hữu đã tập họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành Thánh Lễ cho xứng đáng” (Hướng dẫn tổng quát sách lễ Rôma, số 24). Từ rất xa xưa trong Giáo Hội, dân chúng hội họp vào Ngày của Chúa (Didache, số 14). Khi hội họp thì họ đọc các Thánh vịnh để chuẩn bị cho Thánh Lễ.
Ngay từ thời kỳ đầu, Thánh Lễ có một khởi đầu rõ ràng là nghi thức tiến vào khi mà linh mục đến với cộng đoàn để đọc lời nguyện đầu tiên. Dần dà, linh mục tiến vào với sự phụ hoạ của ca đoàn. Những truyền thống khác được thích ứng sau đó bao gồm việc xông hương và rảy nước thánh. Nghi thức xông hương xuất phát từ phương Đông. Làn khói thánh tượng trưng và đánh thức cảm giác thanh tẩy và thánh hoá. Người ta hát Thánh vịnh 50, Miserere (Kinh Xót Thương). Hãy nhớ rằng vào thời Cựu Ước, hương được dùng để đuổi quỷ và thanh tẩy hiến lễ dâng cho Chúa.
Rảy nước thánh tương đương với việc xông hương. Rảy nước thánh cũng nhắc các tín hữu về Bí tích Rửa Tội và việc tái sinh trong Chúa. Một lần nữa, kinh Miserere cũng thường được đọc lên. Cả việc xông hương và rảy nước thánh đều nhắc các tín hữu về tội lỗi của mình và vị linh mục cầu xin tha thứ tội lỗi của chính mình cũng như cho cả cộng đoàn.
Lời chào trịnh trọng bắt đầu thánh lễ được ghi lại trong cuốn “Thành trì của Chúa” (The City of God) của Thánh Augustinô. Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, Thánh Lễ bắt đầu bằng Dấu Thánh Giá. Tertullianô (k. 250) tả lại việc thường xuyên sử dụng Dấu Thánh Giá: “Khi đi đường hoặc di chuyển, khi vào trong nhà hay ra ngoài, khi mang giày, vào nhà tắm, ngồi vào bàn, khi thắp nến, lúc nằm, ngồi, bất cứ làm việc gì, chúng tôi đều làm Dấu Thánh Giá trên trán” (“De corona” 30).
Nghi thức Thống hối được sách Didache ghi lại: “Vào Ngày của Chúa, người ta hội họp nhau, bẻ bánh và tạ ơn, sau khi xưng thú những xúc phạm để hiến lễ nên tinh sạch” (số 14). Nghi thức này gồm việc xét mình và thú tội chung trước khi cử hành Thánh Thể. Tuy nhiên, nghi thức sám hối ngày nay không nên nhầm lẫn với Bí tích Thống Hối là bí tích chính yếu để thứ tha tội trọng.
Trong hình thức Thánh Lễ hiện nay, sau lời chào, linh mục hoặc rảy nước thánh hoặc làm Nghi thức Sám hối - kinh Confiteor (Tôi Thú Nhận) được tiếp nối bằng kinh Kyrie (Kinh Thương Xót), một nghi thức sám hối ngắn, hoặc kinh Kyrie với những câu lặp lại.
Kinh Confiteor có từ thế kỷ thứ VIII, nhưng kinh mà chúng ta có hiện nay trong Thánh Lễ đã được Đức Giáo hoàng Piô V phê chuẩn (1570).
Kinh Kyrie được sử dụng khắp Giáo Hội vào thế kỷ VI, và luôn đi trước lời cầu của linh mục. Lời kinh “Xin Chúa thương xót, xin Chúa Kitô thương xót” xuất phát từ đầu thế kỷ thứ IV trong phụng vụ Antiokia-Giêrusalem. Kinh Kyrie đã được cải biên từ nhiều lời cầu xin khác nhau. Ở phương Đông có đến 42 lời cầu xin. Cho đến thế kỷ thứ VIII, kinh cầu này cứ được lặp lại mãi cho đến khi giáo hoàng (hoặc linh mục) cho dấu hiệu ngừng. Vào thế kỷ thứ IX, người ta quy định đọc 9 câu và ngày nay thì chỉ có 3 câu. Hiện nay, trong Thánh Lễ, kinh Kyrie được đọc sau kinh Confiteor.
Kinh Gloria (Kinh Vinh Danh) là bài tán tụng ca. Câu mở đầu lấy từ lời loan báo của thiên thần cho các mục đồng về sự sinh hạ của Chúa chúng ta (x. Lc 2,14). Bản Hy Lạp xuất hiện khoảng năm 380 trong sách Apostolic Constitution và trong bản Tân Ước Codex Alexandrinus (thế kỷ thứ V), cả hai đều có kinh Gloria hầu như chính xác với kinh hiện nay. Vào thế kỷ thứ VI, kinh này được dùng vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng. Người ta không đọc kinh Gloria trong Mùa Chay và Mùa Vọng để nói lên tinh thần chuẩn bị và thống hối.
Kinh Gloria nói lên vinh quang của Chúa. Cùng nhau tham dự Thánh Lễ, các tín hữu vinh danh Thiên Chúa. Kinh Gloria có 2 phần: phần đầu chúng ta ca ngợi và tạ ơn Chúa Cha đã mạc khải vinh quang cho dân Ngài trong sự sáng tạo và trong suốt lịch sử cứu độ; phần thứ hai tập chú vào Đức Giêsu không chỉ như Con Chiên hy tế nhưng còn là Đức Kitô khải hoàn. Kinh Gloria kết thúc với lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi.
Lời nguyện Nhập lễ kết thúc Nghi thức Nhập lễ. Lời nguyện này hướng về Chúa Cha, và kỷ niệm một ngày đặc biệt (lễ trọng) hoặc đề cao tinh thần của mùa phụng vụ. Lời nguyện hướng về Chúa Cha “nhờ Đức Giêsu” là Đấng trung gian (“… không ai đến được với Cha mà không qua ta - Ga 14,6), và Chúa Thánh Thần, Đấng Bào Chữa và là Trạng Sư, là sự kết hợp được nhân cách hoá giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ở đây, chúng ta kêu cầu sự trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa khi bắt đầu dâng Thánh Lễ.
Sau Nghi thức Nhập lễ, Thánh Lễ bước sang phần Phụng vụ Lời Chúa. Thời Giáo Hội sơ khai, việc chọn lựa và số các bài đọc thay đổi tuỳ theo mỗi phụng vụ. Ở phương Tây, người ta phát triển mô hình một bài đọc trích từ các thư được đọc trước bài Tin Mừng bởi vì Phục Sinh là biến cố của Tân Ước. Người ta cũng dành ưu tiên cho các sách Tiên tri. Lời tung hô “Tạ ơn Chúa” (Deo gratias) sớm được dùng vào thế kỷ thứ IV. Hơn nữa, Giáo Hội quy định rằng chỉ những sách được gán cho các Tiên tri và các Tông đồ mới được đọc trong Thánh Lễ (cf. The Muratorian Fragment, k. 155).
Ca tiến cấp hay Thánh vịnh đáp ca được chen giữa các bài đọc. Một ca viên tiến lên với sách hát Thánh vịnh (Cantatorium). Dân chúng sẽ hát phần điệp khúc. Ca viên đứng nơi bậc cấp kề với đài đọc sách. Bậc cấp này được gọi là “gradus”, vì thế mới có từ “Ca tiến cấp” (gradual).
Alleluia trước Tin Mừng cũng có mặt trong Thánh Lễ từ rất sớm. Bài ca này là lời công bố Phục Sinh.
Tin Mừng luôn chiếm chỗ danh dự. Đọc Tin Mừng phải luôn là một thành viên giáo sĩ. Trong Phụng vụ Rôma, linh mục hay phó tế cầm lấy sách Tin Mừng từ bàn thờ và rước tới giảng đài với người giúp lễ mang nến và hương. Thánh Giêrônimô thuật lại rằng theo lễ nghi triều đình người ta cũng đón rước tương tự khi một quan chức vào cung. Khoảng thế kỷ thứ IV, câu tung hô “Lạy Chúa, vinh danh Chúa” (Gloria tibi, Domini) được đưa vào lúc bắt đầu đọc Tin Mừng, và câu tung hô “Lạy Đức Kitô, ngợi khen Chúa” (Laus tibi, Christe) ở cuối Tin Mừng để nói lên niềm xác tín về sự hiện diện của Đức Kitô trong lời Tin Mừng được công bố. Vì lý do này, các tín hữu luôn đứng khi đọc bài Tin Mừng trong khi họ ngồi khi đọc các bài đọc khác. Vào thế kỷ thứ IX, lúc bắt đầu đọc Tin Mừng, các tín hữu làm dấu thánh giá trên trán, môi và ngực, có ý muốn nói rằng tâm trí được mở ra để đón nhận Lời Chúa được tuyên xưng trên môi miệng và ghi khắc vào tâm hồn.
Khi đưa ra những hướng dẫn cho việc canh tân Thánh Lễ, các nghị phụ Công đồng Vatican II đã chỉ thị: “Ðể bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn” (Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 51). Vì thế, chu kỳ 3 năm dành cho các bài đọc Chúa Nhật và 2 năm cho các Thánh lễ trong tuần đã được đặt ra. Theo chu kỳ Chúa Nhật, mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật sẽ có bài đọc thứ nhất trích từ Cựu Ước (hoặc từ sách Tông đồ Công vụ hay Khải Huyền tuỳ theo mùa phụng vụ hoặc lễ trọng), thánh vịnh đáp ca, bài đọc thứ hai trích từ các thư trong Tân Ước, và cuối cùng là một đoạn Tin Mừng. Mỗi chu kỳ sẽ trích những đoạn từ các Tin Mừng riêng biệt: Năm A là Thánh Matthêu; Năm B là Thánh Marcô; và Năm C là Thánh Luca. Các đoạn trích từ Thánh Gioan rải rác trong suốt năm, đặc biệt trong Mùa Phục Sinh và năm B.
Sau Tin Mừng, linh mục giảng lễ mà theo truyền thống thì được xem như bài hướng dẫn giáo lý. Nhiệm vụ của bài giảng là giúp các tín hữu hiểu Kinh Thánh và làm cho Lời Chúa trở nên thích hợp với thời hiện tại. Hơn nữa, nên nối kết Lời Chúa với Thánh Thể. Hiến chế Phụng vụ nói rằng: “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng vụ. Hơn nữa, trong những Thánh Lễ được cử hành những ngày Chúa Nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng” (số 52).
Lời Tuyên Xưng Đức Tin hay Kinh Tin Kính là câu trả lời cho Lời Chúa được công bố và bài giảng. Hiện nay, Kinh Tin Kính đọc trong Thánh Lễ được Công đồng Nicea năm 325 phê chuẩn (với phần cuối cùng, bắt đầu với câu “Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra…” được Công đồng Constantinople năm 381 thêm vào). Trong Giáo Hội sơ thời, Bí tích Rửa Tội được cử hành trong Thánh Lễ, sau bài Tin Mừng; vào thời ấy, người ta đọc lời tuyên xưng đức tin cơ bản, thường là trả lời cho những câu hỏi. Mặc dầu Kinh Tin Kính chính thức được đưa vào trong Thánh Lễ vào khoảng những năm 500, nhưng cũng đã được đọc trước thời gian này. Thêm vào đó, bản Kinh Tin Kính sớm hơn được gọi là Kinh Tin Kính Các Tông Đồ cũng được dùng trong Thánh Lễ.
Lời nguyện cho mọi người hay Lời nguyện các Tín hữu cũng được sử dụng vào những ngày đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Timôthê đã nói: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (2,1-2). Những lời cầu này được dâng lên theo cấu trúc gồm 3 phần: lời kêu gọi cầu nguyện, những lời cầu và lời nguyện kết thúc của linh mục. Thánh Giustinô nói rằng những lời cầu này nên nhớ đến nhu cầu của Giáo Hội, ý hướng của giám mục và hàng giáo sĩ, hoà bình trên thế giới, cầu cho được mùa, cầu cho quốc gia và nơi đang sinh sống, cho bệnh nhân, người nghèo và người túng thiếu, người chết, sự tha thứ tội lỗi, cầu chết lành. Thời gian sau đó, lời cầu bị loại bỏ ra khỏi Thánh Lễ; tuy nhiên, Công đồng Vatican II đã phục hồi Lời nguyện các Tín hữu. (Hiến chế Phụng vụ, số 53).
Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, Thánh Lễ tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể. Hành động này tập trung nơi bàn thờ trong khi Phụng vụ Lời Chúa tập trung nơi giảng đài. Theo một phong tục xa xưa, đến thời điểm này thì những dự tòng được dẫn ra khỏi nhà thờ, chỉ những người đã được rửa tội mới có thể tham dự Phụng vụ Thánh Thể.
Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với phần Dâng lễ, bánh rượu và nước được dâng lên cho linh mục. Thánh Giustinô nói: “Khi nhận của lễ, linh mục chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa Cha thay cho mọi người, qua danh hiệu Chúa Con và Chúa Thánh Thần; và chính linh mục cũng tạ ơn để tất cả những của lễ này trở nên xứng đáng” (First Apology, số 65).
Người ta cũng mang theo những của lễ khác - tiền bạc, thực phẩm, thuốc men, quần áo - tất cả sẽ được dâng lên Thiên Chúa và giao cho Giáo Hội tuỳ nghi sử dụng. Sau Thánh Lễ, những của lễ này được phân phát cho những ai đang cần. Thánh Giustinô ghi lại rằng: “Những người giàu có, những người hảo tâm, họ cho những gì tuỳ ý họ. Người ta thu lại tất cả và giao cho vị chủ toạ để ông giúp đỡ các trẻ cô nhi và quả phụ, những người mà vì bệnh tật hay những lý do khác đã bị lấy đi nguồn sinh sống, các tù nhân, người nhập cư, tóm lại, những ai có nhu cầu”. (First Apology, số 67). Vào thế kỷ XI, dâng lễ theo kiểu này đã dần biến thành việc thu tiền đơn giản hơn.
Vào khoảng năm 300, có đoàn rước dâng lễ cách trang trọng. Người ta mang bánh rượu đến bàn thờ có những người giúp lễ đi theo với hương, nến và thánh giá. Cuộc rước trang trọng này muốn nói lên rằng Đức Kitô đang tiến về hy lễ của chính mình.
Lời nguyện tiến dâng bánh và rượu được tìm thấy trong sách Didache, nhưng có nguồn gốc từ lời nguyện chúc của người Do Thái. Công thức mới “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất…” có 3 ý nghĩa: bánh và rượu là sản phẩm của cuộc sáng tạo và ban lương thực cho con người, vì thế tượng trưng cho thế giới này và cuộc sống của chúng ta; chúng cũng tượng trưng cho công việc tay chân và lao động hằng ngày của chúng ta, và vì thế cũng là lễ dâng của chính chúng ta; cuối cùng, chúng là những chất thể tượng trưng để biến thể trong Mầu nhiệm Thánh Thể.
Lời nguyện pha nước và rượu được tìm thấy trong sách các bí tích Rôma vào thế kỷ XI: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Thánh Cyprianô (k. 250) nhấn mạnh rằng hành động này tượng trưng cho Đức Giêsu là Đấng trở thành người và mặc lấy bản tính nhân loại.
Sau Lời nguyện Tiến lễ, linh mục làm nghi thức “lavabo” hay nghi thức rửa tay. Ngài đọc: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV, nghi thức “lavabo” thỉnh thoảng được làm ngay từ đầu phần Phụng vụ Thánh Thể. Nghi thức rửa tay tượng trưng cho sự thanh tẩy tâm hồn của vị linh mục muốn bước vào Mầu nhiệm Thánh.
Trong thời Giáo Hội sơ khai, linh mục đọc thầm tất cả những lời nguyện dâng lễ, bởi vì chỉ mình ngài mới được vào cung thánh ở trước nhan Chúa. Sau đó là lời kinh “Orate, fratres et sorores…” (Anh chị em hãy cầu nguyện…) mời gọi cộng đoàn tham dự từ đây. Thực hành này có từ thế kỷ thứ VIII.
Kinh Anaphora hay Kinh nguyện Thánh Thể là tâm điểm của Phụng vụ Thánh Thể và gồm có nhiều phần:
Kinh Tiền tụng (Preface) cũng xuất phát từ thời Giáo Hội sơ khai. Đối thoại dẫn nhập (i.e., “Chúa ở cùng anh chị em”, “và ở cùng Cha”, “Hãy nâng tâm hồn lên” etc.) hầu như là những lời chính xác được tìm thấy trong sách Apostolic Tradition của Thánh Hippolytô. Ngày nay, có nhiều phần dẫn nhập khác nhau tuỳ theo ngày lễ và mùa phụng vụ. Kinh Tiền tụng là lời mở đầu cho phần chính của Kinh nguyện Thánh Thể, lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa - “Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, vì tất cả công việc của Ngài: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1352). Nơi đây, Giáo Hội trên mặt đất kết hợp với Giáo Hội trên Trời, cùng với các thiên thần và các thánh, hợp chung tiếng ngợi ca.
Kinh Sanctus (Thánh, Thánh, Thánh) kết thúc phần dẫn nhập. Kinh này cũng xuất hiện trong những hình thức sớm nhất của Thánh Lễ, có thể có từ thời các Tông đồ. Một vài tài liệu thế kỷ IV và thứ V cũng ghi nhận kinh Sanctus, nhưng đáng ngạc nhiên là Kinh nguyện Thánh Thể của Thánh Hippolytô đã bỏ qua kinh này. Bài thánh ca này lấy cảm hứng từ thị kiến của Isaiah (6,2-3), đã được hội nhập vào trong phụng tự Hội đường của người Do Thái trong suốt thế kỷ thứ II sau Đức Kitô.
Kinh Benedictus (Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến…) là lời tung hô mà đám đông chào đón Đức Giêsu vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (x. Mt 21,9). Nó cũng phản ảnh lời ca ngợi “Thiên Chúa và Con Chiên” trong sách Khải Huyền (x. 5,13). Kinh Benedictus có lẽ được thêm vào kinh Sanctus vào khoảng thế kỷ thứ V. Điều thú vị là cả cộng đoàn luôn hát kinh Sanctus.
Lễ Quy (Canon - phần chính của Kinh nguyện Thánh Thể) có vài yếu tố quan trọng. Trước tiên, khi xin Thiên Chúa chấp nhận và chúc lành cho lễ dâng, Giáo Hội cầu xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần đến. Kinh cầu khẩn Chúa Thánh Thần này được gọi “epiclesis”. (Linh mục thường cầu nguyện với cánh tay và bàn tay rộng mở, khép lại và đặt trên bánh rượu, và cuối cùng chúc lành cho bánh rượu). Ngài cầu nguyện rằng nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu sẽ trở nên Mình và Máu Thánh Đức Giêsu Kitô.
Thứ hai, là Lời Hiến Thánh hay Tường Thuật việc lập Thánh Thể là lời của Đức Kitô nói trong Bữa Tiệc Ly, được ghi lại trong Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca. Đây là những lời có tính hiệu quả. Với quyền lực của Chúa Thánh Thần và nhờ Đức Kitô hành động qua vị linh mục được truyền chức thành sự, những lời thánh hiến biến đổi bản thể bánh và rượu để làm cho Thân Thể và Máu Chúa chúng ta hiện diện một cách bí tích. Ở đầu lời thánh hiến, xảy ra sự biến đổi bản thể (transubstantiation). Theo truyền thống, người ta rung chuông vào để đánh dấu biến cố kỳ diệu này. Và như lời đáp trả cho phép lạ diễn ra trên bàn thờ, linh mục kêu mời dân Chúa tuyên xưng mầu nhiệm đức tin.
Thứ ba, kinh anamnesis là kinh Tưởng Niệm. Theo nghĩa nào đó, cả Thánh Lễ là kinh anamnesis, một sự tưởng niệm về cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa. Tín hữu cũng nhớ rằng Chúa sẽ lại đến trong vinh quang. Đặc biệt ở đây, vị linh mục nhắc lại lệnh truyền Chúa phải nhớ đến Ngài, những gì Ngài đã làm, và sự trở lại vinh hiển của Ngài.
Thứ tư, Giáo Hội dâng lên Chúa Cha lễ vật của Đức Giêsu để giao hoà chúng ta với Chúa Cha. Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa nhận hy lễ lên trước bàn thờ trên trời của Ngài để những ai lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô được “đầy tràn ơn phúc bởi trời” (Kinh nguyện Thánh Thể I).
Cuối cùng, từ thế kỷ thứ IV, Kinh nguyện Thánh Thể có thêm vài lời cầu: “Chúng con cầu xin…”. Ở đây, các thánh được kêu cầu, đặc biệt là Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Tông đồ và các thánh tử đạo. Như dấu hiệu hiệp nhất khắp Giáo Hội, ý cầu cho đức giáo hoàng và giám mục địa phương cũng được nhớ đến. Cuối cùng là cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta đã lược qua cấu trúc cơ bản của Kinh nguyện Thánh Thể. Bốn Kinh nguyện Thánh Thể chủ yếu trong sách lễ: Kinh nguyện Thánh Thể I (Lễ quy Roma) hiện nay có nguồn gốc từ Thánh Lễ của Đức Piô V (1570). Trong cuộc canh tân Thánh Lễ vào năm 1969, có thêm 3 Kinh nguyện Thánh Thể nữa được chấp nhận và phân biệt như sau:
Kinh nguyện Thánh Thể II chính là kinh của Thánh Hippolytô thành Rôma, được viết vào khoảng năm 215. Có lời tiền tụng riêng, kinh này đơn giản chỉ là lời nguyện tạ ơn và ngắn gọn. Kinh nguyện Thánh Thể II không chủ ý dành cho Thánh Lễ Chúa Nhật nhưng cho các ngày trong tuần.
Kinh nguyện Thánh Thể III phản ánh truyền thống Rôma. Theo mẫu truyền thống của Lễ quy Rôma (Roman Canon), kinh này dùng nhiều lời tiền tụng khác nhau và lễ quy cố định. Lễ quy có độ dài trung bình và tập trung vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cũng như việc tập họp mọi dân tộc vào trong Giáo Hội.
Kinh nguyện Thánh Thể IV rập khuôn theo các anaphora của Tây Syrie. Có lời tiền tụng riêng, lời kinh nói lên lịch sử cứu độ, dùng nhiều hình ảnh và kiểu nói Kinh Thánh nặng nề. (cũng xin lưu ý là có những kinh nguyện Thánh Thể cầu xin ơn Hoà Giải và kinh cho các Thánh Lễ dành cho trẻ em).
Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc với tán tụng ca “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…”, được đọc hoặc hát khi nâng Bánh Rượu. Thực hành này có từ thế kỷ thứ III.
Có lẽ Đức Giáo hoàng Gregoriô Cả (k. 604) đã thêm Kinh Lạy Cha sau Kinh nguyện Thánh Thể. Được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêu (x. 6,9-13) và Luca (x. 11,2-4), Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa ban cho chúng ta. Bản chất hoàn hảo của lời kinh được xem như sự chuẩn bị tốt để rước lễ. Kinh nối tiếp Kinh Lạy Cha (embolism): “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ…” và câu “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” được tìm thấy trong sách Didache chứ không phải trong bản văn Tin Mừng.
Hình ảnh Con Chiên Thiên Chúa biểu trưng cuộc khổ nạn và chiến thắng của Đức Kitô vì Ngài là Con Chiên Vượt Qua mới, đã được Thánh Gioan Tẩy Giả xác định (x. Ga 1,29) và có trong sách Khải Huyền. Vào thế kỷ thứ VII, bài Thánh ca Chiên Thiên Chúa được hát khi bẻ bánh đã được hiến thánh.
Đến đây, vị linh mục đọc thầm lời kinh, bẻ một mẫu nhỏ Bánh Thánh và bỏ vào chén thánh. Hành động hoà lẫn này tượng trưng cho sự kết hợp Mình và Máu Đức Kitô, và sự hợp nhất của hy lễ dù cho có hai lần hiến thánh riêng biệt.
Tertullianô (k. 220) nói về Dấu Hiệu hoặc Cái Hôn Bình An trong Thánh Lễ. Ban đầu, nó nằm sau phần Phụng vụ Lời Chúa để tượng trưng cho tình huynh đệ và sự thống nhất trong cộng đoàn trước khi dâng hy lễ (cf. Mt 5,23-24). Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Innocentê I vào năm 416 đã chủ trương vị trí hiện tại. Hiện nay, Dấu Bình An được đưa vào trong Thánh Lễ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và đòi buộc chủ tế chúc bình an cho người giúp lễ[1].
Khi Hiệp lễ, các tín hữu chia sẻ Thánh Thể, liên kết họ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với mỗi người trong cộng đoàn và với Giáo Hội hoàn vũ. Thánh Giustinô quả quyết: “Chúng tôi gọi đây là lương thực Thánh Thể, và không ai có thể tham dự vào đó được trừ phi họ tin điều chúng tôi giảng dạy là thật, đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội để được thứ tha tội lỗi và sự sống mới, và sống tuân giữ những điều Đức Kitô đã dạy” (First Apology, số 66).
Sau khi cho Hiệp lễ và rửa chén thánh, linh mục dâng Lời nguyện Kết lễ. Thánh Lễ kết thúc với Nghi thức Kết lễ - gồm lời nguyện kết, lời chúc lành và giải tán.
Tóm lại, Giáo Hội chúng ta có một kho tàng quý giá và đẹp đẽ trong Thánh Lễ. Đừng ai thờ ơ với Thánh Lễ. Hơn nữa, các linh mục phải dâng lễ cách thành kính và hân hoan. Công đồng Vatican II đặc biệt nhắc nhớ vai trò của giáo dân: “Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi Lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 48).
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
(trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn, số tháng 6/2010)
----------------
[1] Luật chữ đỏ trong Sách Lễ Rôma: “Mọi người tỏ cho nhau dấu bình an và bác ái theo phong tục địa phương. Chủ tế chúc bình an cho phó tế hay cho người giúp lễ…”.
Nguồn: XBVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét