Trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Đức Giêsu đã phục sinh / Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu




Đức Giêsu đã phục sinh / Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu
Nói rằng "Đức Giêsu đã phục sinh" hoặc nói rằng "Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu", cách nào đúng hơn?
Trong hai cách nói: một là "Đức Giêsu đã phục sinh", hai là "Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu", cách nói nào đúng hơn? Xin Cha giải đáp giùm. Con cám ơn Cha.
(Người gửi: Giuse <kuru0519@...> Ngày 30-3-2010)
Bạn Giuse thân mến,
Xin trả lời câu hỏi của bạn.
Cả hai cách nói “Đức Giêsu đã phục sinh” và “Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu” đều đúng cả, và đều là các kiểu nói của Tân Ước, nói chính xác, là của thánh Phaolô.
Nói “Đức Giêsu đã phục sinh” là chiêm ngưỡng Đức Giêsu như là Đức Chúa, như là Thiên Chúa. Công thức này được thánh Phaolô dùng khoảng 9 lần: xem Rm 6,9; 8,34; 1 Cr 15,4.12.13.14.16.17.20. Đức Giêsu có sức mạnh Thánh Thần của Người, nên sau khi chết, Người đã tự sống lại.
Còn nói “Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu” là chiêm ngưỡng Đức Giêsu Phục Sinh trong liên hệ với nguồn mạch của đời sống Người, tức là Thiên Chúa (Cha). Công thức này được thánh Phaolô dùng khoảng 13 lần: xem Rm 4,24.25; 6,4; 7,4; 8,11 (2 lần); 10,9; 1 Cr 6,14; 15,15 (2 lần); 2 Cr 4,14; Gl 1,1; Ep 1,20. Không có điều gì trong cuộc đời Đức Giêsu mà lại không do Chúa Cha ban cho Người. Chương trình cứu độ bằng cái chết thập giá và sống lại cũng là do Thiên Chúa (Cha) ban cho Người. Các nhà thần học đã diễn tả dí dỏm là: sau khi Đức Giêsu sống lại, Thiên Chúa có thêm một cái tên khác, đó là “Đấng-đã-làm-cho-Đức-Giêsu-sống-lại” (x. chẳng hạn 2 Cr 4,14).
Khi so sánh số lần được sử dụng của hai cách nói trên, ta thấy cách áp dụng cho Thiên Chúa (Cha) nhiều hơn. Nhưng “nhiều hơn” không có nghĩa là “đúng hơn”, mà chỉ có nghĩa thánh Phaolô thường nói đến Thiên Chúa (Cha) như là nguồn gốc của mọi sự, kể cả Đức Giêsu trong hoạt động cứu thế của Người. Nếu tìm hiểu nội dung các thư dùng các kiểu nói đó nhiều nhất (Thư Rm và Thư 1 Cr), và ngữ cảnh gần của các công thức ấy, bạn sẽ thấy điều đó.
Như vậy, công thức nào cũng đúng, tùy quan điểm. Với lại, nói theo ngôn ngữ tín lý, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, với Thiên Chúa (Cha) là một; hoạt động của Ngôi vị này cũng được đảm nhận bởi Ngôi vị kia, trừ việc Thiên Chúa là nguồn mạch tuyệt đối, còn Chúa Con thì phát xuất từ nguồn mạch ấy và Chúa Thánh Thần là sức mạnh liên kết.
Chúc bạn một lễ Phục Sinh chan hòa niềm vui và sức sống.
Lm PX Phan Long, ofm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét