MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI- CHƯƠNG 7
CHƯƠNG 7
ĐỨC KITÔ-LỜI,
LÀ NGƯỜI GIEO VÀ LÀ HẠT GIỐNG
LÀ NGƯỜI GIEO VÀ LÀ HẠT GIỐNG
Sự tăng trưởng khó khăn của Lời
trên thửa đất lòng người
trên thửa đất lòng người
“Ðức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ” (Mc 4, 1).
Ở đây, chiếc thuyền của Phê-rô được dùng làm nơi giảng dạy. Thánh Mác-cô nói rõ là Thầy Giê-su “ngồi” trên thuyền để giảng dậy. Đó là thái độ tự nhiên của luật sĩ khi giảng dạy Luật, họ ngồi trên “tòa của Mô-sê” (x. Mt 23, 2). Mác-cô còn muốn cho độc giả của mình hiểu rằng Luật của Giao Ước mới, kể từ nay đã được công bố trên một tòa khác với tòa giảng của các luật sĩ và biệt phái. Và vì chiếc thuyền này là thuyền của các môn đệ Thầy, nên hiển nhiên là Thầy Giê-su “nói” cách tự do, với uy quyền của Thầy, ở một địa điểm và môi trường mới: đó là cộng đoàn các tín hữu.
“Toàn thể đám đông ngồi trên bờ.” Tư thế của Thầy ngồi giảng trên thuyền, cũng nêu rõ một “khoảng cách” nào đó đối với đám đông ngồi chen chúc trên bờ. Rất có thể Mác-cô muốn ám chỉ cách kín đáo đến Đức Ki-tô Phục Sinh “ngồi bên hữu Chúa Cha”. Vì là “Thầy”, ngày nay cũng như xưa kia, Đức Giê-su Ki-tô tiếp tục giảng dạy Lời Sự Sống cho đám đông đang trông chờ trên mọi bến bờ của thế giới, về mặt địa dư cũng như văn hóa.
Biển hồ Ga-li-lê cũng là ranh giới giữa Ít-ra-en và các dân ngoại, nên bờ biển này còn tượng trưng cho một sự “đứt đoạn”, một khởi đầu mới cho cuộc hành trình ra khơi, đến những miền đất xa xăm. Lời của Thầy Giê-su, Tin Mừng là lời mời gọi tháo dây buộc thuyền, hướng đến tương lai với niềm tin, cắt đứt với những cách sống và tư duy của ta, để dám lên thuyền đi đến một địa điểm mới.
Đám đông ở lại trên “đất” liền, một từ quan trọng đối với Mác-cô, vì ông đã lặp lại chín lần liên tiếp (Mc 4, 1.5.8.20.26.28.31), có thể Mác-cô muốn trả lời cho nhiều câu hỏi của cộng đoàn ông:
- Làm sao thửa “đất” người tiếp nhận hạt giống Lời để sinh hoa trái?
- Làm sao thửa “đất” người tiếp nhận hạt giống Lời để sinh hoa trái?
- Tại sao thửa “đất” người lại khó mở cửa cho mầu nhiệm Giê-su, và cho Vương Triều Thiên Chúa mà Thầy Giê-su muốn tỏ lộ?
“Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: "Các người nghe đây!” (Mc 4, 2-3a).
“Giảng dạy” đúng là sứ vụ chính yếu của Thầy. Mác-cô nhấn mạnh bằng cách dùng động từ này ba lần trong hai câu (4, 1.2: “Ðức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều”) và còn lặp lại tám lần động từ “nói” (Mc 4,2.9.11.13.21.24.26.30). Thầy Giê-su giảng dậy “bằng dụ ngôn”. Dụ ngôn là lối so sánh giữa một kinh nghiệm cụ thể với một thực tại tâm linh vô hình. Lời mà Đức Giê-su thường dùng nhất trong khi giảng dạy là “Hãy nghe đây!”. Mác-cô cho nó một vẻ trịnh trọng khi mở đầu bài giảng đầu tiên này, được Thầy triển khai cách rộng rãi. Lời mời gọi “Hãy nghe!” dĩ nhiên là tiếng vọng của việc tuyên xưng niềm tin độc thần của dân Giao Ước: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en!” (x. Đnl 6, 4 tt) và lời kêu gọi không ngừng của các ngôn sứ: “Hãy nghe!” Thầy Giê-su dùng chính lời kêu gọi khẩn khoản này của Thiên Chúa Giao Ước.
“Kìa người gieo giống đi ra gieo giống” (Mc 4, 3b) Thầy tự giới thiệu mình, vừa như “người gieo giống” đi ra gieo hạt, vừa như chính hạt giống được gieo xuống đất chờ được nẩy mầm, mọc lên. Đây đúng là sứ vụ của Thầy.
“Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm" Rồi Người nói: "Ai có tai để nghe thì nghe” (Mc 4, 4-9)!
“Việc xảy ra là…” Cái gì đã xảy ra? Mác-cô dùng động từ “xảy ra” ở đây để chỉ một sự kiện bất ngờ: Việc “xảy ra” là hạt giống – Lời Giê-su – không dễ dàng đi sâu vào thửa đất lòng người! việc tăng trưởng của nó bị cản trở. Đây chính là một sự kiện gây ra vấn đề! Trong dụ ngôn này, Thầy lôi kéo sự chú ý của ta đến công việc lâu dài và khó nhọc: gieo hạt giống xuống thửa đất lòng chúng ta. Và không phải tình cờ nếu Mác-cô đặt bài giảng bằng dụ ngôn này trong một bối cảnh của sự đụng độ và đối kháng. Trong chương trước, khi cho ta thấy sự xung đột giữa Thầy với những người biệt phái, những người đồng hương và với cả những người trong gia đình Thầy, Mác-cô đã ngụ ý cho ta thấy những sức kháng cự đối với Lời Giê-su.
Ngay cả nhóm môn đệ cũng bị hụt hẫng trước sự thay đổi tình thế đáng lo ngại, qua những sự kiện này. Đứng trước vẻ bên ngoài như chiều thất bại, và bầu khí chống đối mỗi ngày thêm nặng nề, niềm tin của họ vào Thầy và Tin Mừng của Thầy như cũng bị lung lay. Chắc chắn để trấn an môn đệ mình, Đức Giê-su mới kể dụ ngôn này. Thầy nhìn thấy rõ những thất bại đó và không tìm cách che đậy. Thầy nhận thấy sứ điệp của mình đang vấp phải sự bất đồng cảm của con người. Nhưng nếu Thầy Giê-su đã quảng diễn cách tỉ mỉ những trường hợp bất lợi cho hạt giống, thì cuối cùng Thầy đã kết luận bằng một trường hợp thật bất ngờ, với cảnh bội thu đầy hứa hẹn.
Như thế, Đức Giê-su muốn nói lên niềm tin vào sứ vụ của mình, lòng hy vọng vào tương lai, để khích lệ, củng cố đức tin và niềm hy vọng của các môn đệ. Bất chấp mọi trở ngại gặp phải trên “thửa đất lòng người”, Thầy bảo đảm chắc chắn rằng kế hoạch yêu thương của Cha đã uỷ thác cho Thầy mạc khải, sẽ được kiện toàn. Chỉ vì lý do đơn giản là “Người gieo giống đã đi ra gieo hạt”.
Chính Thầy, người gieo giống là nhân vật chính trong dụ ngôn này, dù sau đó như biến mất khỏi trình thuật, nhưng chính Thầy là người khởi xướng đi ra gieo hạt. Và trong Thầy Giê-su, là chính Thiên Chúa đang tác động cho việc gieo mầm một dân tộc mới, một nhân loại mới và cũng chính Người bảo đảm cho việc tăng trưởng và cho mùa gặt.
Chính Thầy, người gieo giống là nhân vật chính trong dụ ngôn này, dù sau đó như biến mất khỏi trình thuật, nhưng chính Thầy là người khởi xướng đi ra gieo hạt. Và trong Thầy Giê-su, là chính Thiên Chúa đang tác động cho việc gieo mầm một dân tộc mới, một nhân loại mới và cũng chính Người bảo đảm cho việc tăng trưởng và cho mùa gặt.
Với một nhóm môn đệ ít ỏi, tuy sợ sệt, nhưng họ luôn trung thành với Thầy, dù chỉ là dấu chỉ khiêm tốn, yếu ớt, nhưng hiện thực giữa lòng thế giới khép kín trong thái độ chối từ. Thầy diễn tả trong dụ ngôn này niềm tin không lay chuyển của Thầy nơi Cha, là Đấng đã sai Thầy, cũng như niềm tin của Thầy nơi các môn đệ, trước tiên là cho chính họ, những người “bạn hữu” thiết nghĩa của Thầy.
Chúng ta đang đứng trước một dụ ngôn của niềm Tin và Hy Vọng. Đức Giê-su nói với chúng ta: “Hãy tin”, triều đại của tình yêu đã đến với chúng ta rồi. Nó không từ con người mà đến, nhưng từ Thiên Chúa là Đấng khởi xướng. Và mùa gặt sẽ thu hoạch được nhiều hơn lòng mong đợi của con người. Để cộng tác cho mùa gặt này, Thiên Chúa chỉ yêu cầu chúng ta một điều duy nhất: hãy là đất tốt để đón nhận Lời.
Đối với ki-tô hữu, tin và hy vọng trước hết là “lắng nghe”, là để cho Lời Sự Sống của Đức Ki-tô được gieo vào lòng mình. Niềm hy vọng của chúng ta bắt đầu bởi một hành động của niềm tin yêu nơi Thầy. Hy vọng là tin vào quyền lực dũng mãnh của Lời Thầy Giê-su, tin vào tình yêu sinh động của Thầy cho con tim loài người của chúng ta. Tất cả còn đang trong giai đoạn phôi thai, nẩy mầm, tuy nhiên tất cả đã có đó trong hiện thực, như cây sồi đã có sẵn trong quả sồi, như mọi trái cây đều tiềm ẩn trong mỗi hạt giống rồi. Đây chính là nền tảng của niềm hy vọng ki-tô hữu: Điều mà Cha đã khởi sự trong việc Nhập Thể và Nhập Thế của Giê-su, Con Một của Cha, chắc chắn sẽ được thực hiện trong viên mãn. Bất chấp mọi phiêu lưu bất ngờ của lịch sử con người. Mùa gặt đã được bảo đảm trong Đức Ki-tô Khải Hoàn.
Trong dụ ngôn này, Thầy Giê-su mô tả các công đoạn của việc gieo giống cách tỉ mỉ, hạt giống có khi bị thất thoát, héo khô hay bị chết nghẹt, cũng có khi được nẩy mầm rồi sinh hoa kết quả trong lòng người sẵn sàng đón nhận. Thầy đem đối chiếu giữa hai nghịch cảnh: ban đầu hạt giống bị thất thóat vô hiệu quả, nhưng sau cùng thì mùa gặt bội thu vượt trên mọi mong chờ ức đoán và hy vọng của con người. Thửa “đất tốt” sản xuất từ 30, 60 và 100 cho mỗi hạt giống được gieo! Mặc dù thời đó mức thu hoạch trung bình chỉ vào khoảng 10 đến 20 cho mỗi hạt giống thôi!
Lời Thầy, hạt giống sự sống, chỉ có thể nẩy mầm, sinh hoa kết quả nếu thửa đất lòng người biết mở cửa đón nhận.
Thánh Mác-cô kết thúc dụ ngôn, cũng như khi bắt đầu, với lời mời gọi mọi người lắng nghe bằng chính con tim của mình: “Ai có tai để nghe thì hãy lắng nghe!” Lời kết nhấn mạnh điểm tế nhị của bài giảng huấn trong dụ ngôn, đó là lời kêu gọi rất trịnh trọng: “Hãy mở” lòng, mở tâm trí để lắng nghe Lời Chúa trong niềm tin. Đó là ơn Chúa mà người môn đệ phải đón nhận để tìm hiểu ý nghĩa Lời Thầy và làm nẩy sinh hoa trái trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của mình.
Mầu nhiệm được vén mở qua dụ ngôn
“Khi còn một mình Ðức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn” (Mc 4, 10).
Sau dụ ngôn đầu tiên này, dường như Thầy và các môn đệ muốn giữ một khoảng cách nào đó đối với đám đông (4, 26). Ta thấy quang cảnh được thay đổi cách đột ngột. Có gì xảy ra ở đó? “Ở nơi thanh vắng”. Mác-cô không nói rõ hơn, vì ông không mấy bận tâm đến nơi chốn. Ở đây, ông chỉ muốn cắt nghĩa tại sao lại dùng dụ ngôn, cũng như tại sao Lời Thầy Giê-su và cả Hội Thánh của Thầy lại gặp thất bại. Giảng huấn của Thầy hình như được chia làm hai phần: một phần dành cho đám đông còn phần kia dành cho nhóm môn đệ của Thầy (x. Mc 4, 10-25 và 33-34)
Chính Thầy Giê-su, và theo Mác-cô, cả cộng đoàn ki-tô hữu non nớt của ông, đều nhận thấy rằng các dụ ngôn thường vẫn còn khó hiểu đối với đại đa số thính giả. Họ như chỉ được nghe kể một câu chuyện hay, lý thú, mà không nắm bắt được ý nghĩa tâm linh sâu xa của nó. Thật ra, sứ điệp của dụ ngôn chỉ được hé mở từ từ, và cần được chú ý lắng nghe cách đặc biệt mới có thể khai mở được những ám hiệu để đi xuống chiều sâu của vấn đề.
Ở đây, thánh Mác-cô diễn tả như kiểu một “bài học cơ bản” mà Thầy Giê-su muốn giảng dậy cho nhóm Mười Hai và những “người chung quanh Thầy”, những người tìm riêng Thầy để hỏi về ý nghĩa dụ ngôn. Điều rõ ràng là họ đã không hiểu gì hơn đám đông! Nhưng nhóm người này của cộng đoàn được phân biệt với những người “ở ngoài kia”, chính vì họ dám hỏi Thầy về “dụ ngôn”, để có thể đào sâu hơn ý nghĩa của nó.
Mác-cô đã dùng từ “dụ ngôn” ở số nhiều, tuy Thầy mới chỉ kể một dụ ngôn này lần đầu! Điều này chứng tỏ cuộc đối thoại có tính cách chung chung, ám chỉ nhiều dụ ngôn khác nữa trong giáo huấn của Thầy. Niềm tin là một đón nhận từ từ một mầu nhiệm luôn vượt quá mọi tầm mức quan niệm của loài người. Niềm tin luôn là một thi công không ngừng.
“Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (Mc 4, 11).
Thầy Giê-su như muốn phân định rõ giữa các môn đệ của Thầy: “Phần anh em” là những người nghe và đón nhận, còn với những “người kia”, họ ở ngoài Mầu Nhiệm, nên chỉ nghe được bằng ẩn dụ. Đối với Mác-cô, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (được dùng ở số ít) ám chỉ chính con người của Thầy. Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa vô hình đến cứu chuộc con người; Giê-su là chính sự vén mở của mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngay lúc Giê-su xuất hiện, lập tức Vương Triều của Thiên Chúa đã được cưu mang, nhưng chỉ sau biến cố Vượt Qua, Phục Sinh Khải Hoàn, lúc Đức Giê-su Ki-tô thực sự “Đăng Quang” trên Ngai Đấng Cứu Thế, mới là lúc Triều Đại của Thiên Chúa được khai trương đích thật.
Đối với Mác-cô, việc phân định giữa các môn đệ và “những người ở ngoài” không mang ý nghĩa kỳ thị, chia rẽ giữa hai thành phần “được chọn” và “không được chọn”. Vì thật ra, chính chất lượng của việc nghe và đón nhận mầu nhiệm Giê-su, mầu nhiệm của Lời Thầy, chính niềm Tin đã cho phép chúng ta đi từ nhóm này sang nhóm khác, “vào trong” hay “ra ngoài”; thuộc “đám đông” nghe mà không hiểu, hay vào số “các môn đệ”, là những người lắng nghe và đón nhận Ơn của Lời Thầy. Vì nơi Giê-su, mầu nhiệm được “trao ban” cho mọi người.
Mác-cô đối chiếu tâm trí, trí hiểu của con tim sẵn sàng cởi mở, với trí tuệ, trí thông minh chai cứng, khép kín trong những chủ thuyết triết lý, thuần lý, và cả thuần tôn giáo. Như những đoán xét của các nhà luật sĩ tố cáo Thầy Giê-su là đồng đảng với Sa-tan, và thái độ của những người “bà con” của Thầy đang đứng “ở ngoài” (x. Mc 3, 22.31-34). Một bên vì tự phụ, tự mãn trong mớ kiến thức chai cứng của họ, một bên vì sợ mà không thể đón nhận sự canh tân mới mẻ của Lời Giê-su.
Thái độ không đón nhận Giê-su và Sứ Điệp của Thầy còn là một vấn đề cho cộng đoàn ki-tô hữu mới được khai sinh. Nên thánh Mác-cô cũng muốn giải thích ở đây, bằng cách trích một câu trong sách ngôn sứ I-sai-a (x. Is 6, 9-10), nói rằng: mặc dù xem như có thất bại, có sự cứng lòng – các ngôn sứ đã nếm thử - nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa trong lịch sử cứu độ, trong chương trình của Thiên Chúa.
“Để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ” (Mc 4, 12).
Đoạn này trích từ trình thuật về ơn gọi của ngôn sứ I-sai-a, đã không được giới hữu trách thấu hiểu, họ bịt tai trước những lời kêu gọi của ngôn sứ. Tuy nhiên sự cứng lòng này đã không làm ông nản chí, cũng không ngăn cản ông tiếp tục sứ vụ do Thiên Chúa trao phó. Rất có thể là Thầy Giê-su đã ứng dụng trích đoạn này cho mình, để minh hoạ những khó khăn của chính Thầy khi không được dân chúng “nghe lời”.
Ta phải thấy rõ rằng Thiên Chúa đã mạo hiểm vô cùng khi để Lời của Người nhập thể, vì con người không những có thể từ chối không nghe Lời, mà còn đùa giỡn hay làm cho Lời sai lạc đi! Trong lịch sử Hội Thánh, đã chẳng có nhiều lần giáo huấn của Thầy Giê-su bị khinh rẻ, hoặc đã có một sự chênh lệch vô cùng lớn lao giữa những điều Thầy muốn mạc khải, và những gì con người nắm bắt được đó sao? Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể tinh luyện việc “lắng nghe Lời Thầy” của mình cho cân xứng được!
Là một nhà mô phạm mẫu mực, luôn tôn trọng tự do con người, Thầy Giê-su không bao giờ cưỡng ép, mà chỉ khơi gợi niềm tin vào Lời. Thầy chỉ từ từ vén mở bức màn nhiệm mầu, để con người dần dần có đủ ánh sáng mà tìm hiểu hơn nữa, rồi bước theo Thầy, chứ không cưỡng bách, tước bỏ quyền tự do của chúng ta. Chính vì thế mà ta có thể nói rằng nghi nan hầu như đã là một thành phần cơ bản của mầu nhiệm đức tin rồi.
Thầy Giê-su đã không nhất thiết xếp con người vào giữa “những kẻ ở ngoài” và “nhóm môn đệ ở trong”. Thầy mong ước cho ơn cứu độ đến với mọi người. Thật ra, ranh giới nằm trong lòng mỗi người chúng ta. Mắt thường của ta không dễ nhận ra sự lớn mạnh của mầu nhiệm Nước Chúa, của Tình Yêu; chỉ những ai biết để cho Lời Thầy tác động làm thửa đất lòng mình nên trù phú, và được soi sáng bởi Thần Khí, mới trải nghiệm được thực tại này trong cuộc sống hàng ngày của mình.
“Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” (Mc 4, 13).
“Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” (Mc 4, 13).
Mác-cô mô tả ở đây dấu chỉ đầu tiên của sự kém hiểu biết nơi các môn đệ. Một đề tài mà ông đã nói đến 10 lần trong Tin Mừng của ông. Để nhấn mạnh rằng ngay các môn đệ cũng không nắm bắt được cách mau lẹ mầu nhiệm mà Thầy Giê-su muốn vén mở cho các ông, họ đã không dễ dàng đi từ “bên ngoài” vào “bên trong” các dụ ngôn! Mối bận tâm của Mác-cô là bầy tỏ cho cộng đoàn các tín hữu cũng như độc giả biết rằng chìa khóa để diễn giải các dụ ngôn chính là Đức Tin. Tin là đón nhận mầu nhiệm Giê-su, Người là “Dụ Ngôn sống động”, là chìa khóa của Vương Triều Thiên Chúa. Dụ ngôn người gieo giống này đã chẳng tóm lược trọn vẹn hình ảnh về sứ vụ của Thầy Giê-su, đã từng gặp những tấm lòng tin tưởng, cởi mở tiếp nhận, cũng như khép kín, từ chối không đón nhận sứ điệp của Thầy đó sao?
Diễn giải dụ ngôn Người gieo giống
Mác-cô cũng như các thánh khác, khi viết Tin Mừng, đều phải cố gắng hiện thực hóa dụ ngôn này, để trả lời cho tình trạng hoang mang nơi các cộng đoàn mới mẻ của họ. Thầy Giê-su đã đặt trọng tâm của dụ ngôn vào việc gieo giống, vào một mùa gặt bội thu của sứ vụ, mặc dù những thất bại gặp phải nơi thửa đất lòng người.
Trong cách diễn giải của Mác-cô, ông đã đặt dấu nhấn trên thái độ của những “người đã được gieo cấy Lời” , trên sự chuẩn bị nội tâm của người nghe, trên chất lượng của việc đón nhận. Chúng ta đi từ câu chuyện gieo giống đến câu chuyện “thửa-đất-lòng-người”, tượng trưng cho từng thái độ đối với Lời.
Lối diễn giải mới này chỉ đơn thuần là vấn đề nhấn mạnh một khía cạnh, chứ không liên quan gì đến việc trung thành với mạc khải của Thầy, được Thần Khí bảo đảm và linh hứng cho các tác giả Tin Mừng. Lời Chúa là một kho tàng bất tận, mỗi thế hệ luôn có thể kín múc những ánh sáng mới, đáp ứng cho những vấn nạn của mình. Trong phần giải thích dụ ngôn, được biến thành ẩn dụ, một thể văn dễ dàng mang lại ý nghĩa cho từng phần của trình thuật, Mác-cô mô tả cho chúng ta bốn loại “đất-thính-giả” tiêu biểu.
“Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xatan liền đến cất lời đã gieo nơi họ” (Mc 4, 14-15).
Xa-tan có thể làm cản trở việc nghe Lời (đối phương, kẻ thù của người gieo giống đến gieo cỏ lùng, trong Mt 13, 25). Các cộng đoàn Giáo Hội sơ khai đã có những kinh nghiệm đau buồn về việc loan báo Lời Tin Mừng, thường bị những sức mạnh của đối phương đe doạ, mà người ta dễ dàng nhận diện Xa-tan, kẻ cố tình cất Lời ra khỏi lòng người.
“Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay” (Mc 4, 16-17).
Lý do thứ hai của việc không đón nhận Lời là sự hời hợt của con người. Lời gieo vào cần được đón nhận trong thâm sâu lòng người, để được bén rễ trong đó hầu tránh khỏi mọi nguy hiểm, thử thách tất yếu phải xảy đến trong mọi cuộc sống của con người. Đối với Mác-cô, những nơi “sỏi đá”, có ý ám chỉ sự cứng lòng của người nghe, cũng như những cuộc “bách hại”, những vụ tai tiếng làm lung lạc lòng người.
“Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì” (Mc 4, 18-19).
Lý do thứ ba của việc không đón nhận Lời, của sự kiện Lời không nẩy sinh hoa trái, là vì bị chết nghẹt bởi “trăm công, nghìn việc”, bởi những lo lắng thái quá về của cải vật chất đời này, bởi những quyến rũ giàu sang. Đây chính là loại đối thủ lừa đảo nguy hiểm nhất, chúng ẩn hiện ở ngay trong cộng đoàn các tín hữu (x. Gc 2, 1-4; 5, 1-6).
“Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm” (Mc 4, 20).
Sau cùng là đất tốt, tượng trưng cho tất cả “những ai lắng nghe” Lời, cho Lời sinh hoa kết quả. Người lắng nghe bằng con tim, được Thần Khí Chúa tác động để có được một trí thông minh của đức tin. Lời sẵn có sinh lực riêng của mình, đó là suối nguồn của sự cảm thông mới mẻ, của sự thẩm định và cam kết dấn thân. Chỉ cần ta đừng gây trở ngại. Thành quả mỹ mãn của cuộc sống con người tuỳ thuộc vào mức độ đón nhận Lời trong đời mình.
Sau cùng là đất tốt, tượng trưng cho tất cả “những ai lắng nghe” Lời, cho Lời sinh hoa kết quả. Người lắng nghe bằng con tim, được Thần Khí Chúa tác động để có được một trí thông minh của đức tin. Lời sẵn có sinh lực riêng của mình, đó là suối nguồn của sự cảm thông mới mẻ, của sự thẩm định và cam kết dấn thân. Chỉ cần ta đừng gây trở ngại. Thành quả mỹ mãn của cuộc sống con người tuỳ thuộc vào mức độ đón nhận Lời trong đời mình.
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét