Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 18


MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 18


MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 18


HIẾN CHẾ TÍN LÝ
VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
Hiến Chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), được Công Đồng Va-ti-ca-nô ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965, đã không gây chú ý cho các tín hữu công giáo bằng Hiến Chế về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes). Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Hiến Chế này lại được coi như là linh hồn của Công Đồng, qua việc trở về nguồn mạch của đức tin: sự mạc khải của Thiên Chúa.
Và nếu bản văn này vẫn chưa thực sự trả lời cho những vấn nạn mà Luther nêu lên vào thế kỷ XVI về Mạc Khải và việc thông truyền mạc khải, thì cũng đã có một khúc quanh nhất định. Và sự trở về với nguồn mạch của Mạc Khải này sẽ làm sống động tất cả các chiều kích khác của đời sống dân Chúa: mục vụ, chú giải, thần học, phụng vụ, sứ vụ và ngay cả vấn đề đại kết.
Mạc Khải là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa
và con người hơn là một bài thuyết trình về tín lý
Ngay từ vào đề, Hiến Chế viết:
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (…). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ chia sẻ cuộc sống của chính Ngài (…). Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau” (số 2).
Như vậy, trong Hiến Chế tín lý này Công Đồng rời bỏ một loại ngôn từ khép kín và quá chuyên về ý niệm, để quyết tâm tiếp nhận một thứ ngôn ngữ năng động. Mạc Khải được xét như Lời sinh động của Chúa hằng sống, nói với Giáo Hội sống động, gồm các phần tử sống động. Mạc Khải không là một toàn bộ những chân lý trừu tượng cần tiếp nhận bằng lý trí, nhưng bằng một đối thoại liên quan tới trái tim con người hơn là trí tuệ, một cuộc đàm thoại giữa một người Cha và con cái mà Người yêu thương, cho tham dự vào sự sống vĩnh cửu của mình.
Nếu cho rằng Mạc Khải là hoạt động giải phóng của Chúa, được thực hiện trong lịch sử bởi Lời của Người, chúng ta sẽ dễ phân biệt giữa điều là “chân lý mạc khải”, và điều được Giáo Hội soạn thành tín điều.
Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể,
là hoàn thành lịch sử của Mạc Khải
Thiên Chúa không tự mạc khải mình qua một bài  thuyết trình triết lý về Hữu Thể tối cao, nhưng Người đi vào trong thông hiệp với chúng ta, trải qua lịch sử của dân Kinh Thánh, và nhất là qua biến cố Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể của Người.
“Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên Tri, nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con" (Hr 1,1-2). Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ðấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18)” (số 4).
“Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Ki-tô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (số 2).
Lịch sử theo Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa tự mạc khải mình như thế nào, Người đi vào đối thoại với dân của Người ra sao, trải qua các biến cố lịch sử của dân, đã được đọc và giải thích bởi những con người được Thánh Linh linh hứng: Áp-ra-ham, Mô-sê, các ngôn sứ.
Hiến Chế nhấn mạnh tính đồng nhất của Giao Ước Thứ Nhất và Tân Ước nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Trong Giao Ước Thứ Nhất, Thiên Chúa tự mạc khải mình cách tiệm tiến, nhất là qua các ngôn sứ:
“Thiên Chúa đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Ngài đã chọn để họ biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Ít-ra-en nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn. Vì vậy chương trình cứu độ được các thánh sử tiên báo, thuật lại và giải thích trong các sách Cựu Ước như là lời nói chân thật của Chúa. Bởi vậy các sách được Thiên Chúa linh ứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn (…). Lý do sự hiện hữu của chương trình cứu rỗi thời Cựu Ước, là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Ki-tô, Ðấng Cứu Chuộc muôn loài và ngày khai nguyên nước Thiên Sai (…) trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai. “Tuy có nhiều khuyết điểm và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa” (số 14 và 15)
Trong Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Giao Ước hóa thân làm người, Lời có một khuôn mặt. Hơn bao giờ, sự mạc khải của Thiên Chúa trước hết không là một diễn văn nhưng là một biến cố lịch sử. Chúa Giê-su Ki-tô mạc khải Thiên Chúa qua cách thế Người sinh ra, sống và chết không khác gì qua các lời Người nói. Sự Mạc Khải vừa là các sự kiện, cử chỉ, các hành động và vừa là những lời soi sáng lẫn cho nhau.
Mạc Khải trước hết không phải được coi như một sự dạy bảo về các học thuyết được huấn quyền chuyển trao, nhưng như một cuộc gặp gỡ cá nhân của Thiên Chúa Cha qua trung gian sự sống của Chúa Ki-tô và sự sống của Thánh Linh. Đó là một thay đổi quan trọng về viễn tượng để đối thoại đại kết. Bởi vì, theo sự trình bày truyền thống của thần học công giáo, người ta lẽ ra có thể chờ đợi tìm thấy (trong Hiến Chế này), trước tiên, một mục về Giáo Hội nhận và chuyển trao Mạc Khải, và chỉ sau đó mới đến một mục về niềm tin cá nhân tiếp nhận Mạc Khải.
Và thực tế, thì chính sự tiếp nhận của niềm tin cá nhân đã được bàn đến trước nhất trong Hiến Chế này. Nỗi lo, được biện minh hay không, về tính chủ quan và nghiên cứu tự     do đã trở thành quen đối với Giáo Hội Công Giáo khi nói  đến tiếp nhận Mạc Khải bằng hạn từ lụy phục quyền bính hơn là bằng hạn từ niềm tin cá nhân. Công Đồng, thoát khỏi tinh thần luận chiến đối với Tin Lành, đầu tiên trình bày ngay về niềm tin cá nhân tiếp nhận mạc khải của Thiên Chúa như thế nào:
“Phải bày tỏ "sự vâng phục của đức tin" (x. Rm 16,26; Rm 1,5; 2 Cor 10,5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. (…). Ðể được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý". Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài” (số 5).
Không còn là vấn đề tiếp nhận Mạc Khải như một toàn bộ những chân lý cần chấp nhận, nhưng như một tiếp nhận tự do và cá nhân của con người của Chúa. Bởi đức tin, con người không mù quáng khuất phục một quyền bính áp đặt mình, nhưng bởi yêu mến, với lý trí và lòng muốn, tự do tán thành, chấp nhận mạc khải này của Chúa. Tán thành chấp nhận do ơn thánh hỗ trợ trước và do Thánh Linh, Đấng duy nhất có thể giúp đỡ tôi tiếp nhận sự mạc khải này của Chúa.
Các anh em Tin Lành thường nhạy cảm về vai trò của ơn sủng và về Thánh Linh, trong việc sinh trưởng của đời sống đức tin, hoán cải con tim, cởi mở của tâm linh và việc đào sâu sự hiểu biết về Mạc Khải.
Do đấy bản tính của Mạc Khải chính yếu là cá nhân và lịch sử. Và bản văn Hiến Chế nhấn mạnh đến tính cách năng động của Lời Chúa, là Lời công bố sự sống, sự sống vĩnh cửu của Chúa Ki-tô. Chính Công Đồng cũng đặt mình trong trạng thái lắng nghe và công bố Lời Chúa. Ở đây Công Đồng cắt đứt với cách bàn đến vấn đề này của Giáo Hội Rô-ma đôi khi chỉ thuần nhất nhắm vào tín lý.
Mục tiêu của Mạc Khải chính là kết hợp con người với Thiên Chúa trong một cuộc sống thông hiệp giữa những người sống. Đó có nghĩa là nói rõ đức tin Ki-tô giáo chủ yếu đặt trên sự tiếp nhận Lời mạc khải này như thế nào. Nói như thế, ngược lại với một số ý tưởng cho rằng, Giáo Hội tông đồ và các Giáo Phụ đã không cấm giáo dân Ki-tô giáo đọc Sách Thánh. Tuy nhiên, ít ra cho tới khi việc in ấn can thiệp vào, vẫn đã có ít là hai rào cản quan trọng làm cho các ki-tô hữu khó tiếp cận Kinh Thánh: giá cả của Sách (mỗi thủ bản Phúc Âm chép tay bằng giá một con ngựa) và ngôn ngữ. Đại đa số giáo dân đều không biết đọc, và tất cả văn chương, dù là thế tục, đều được truyền thông bằng tiếng la-tinh. Do đấy chỉ có một số người được ưu tuyển và giàu có, mới đủ khả năng tiếp cận Sách Thánh được viết bằng tiếng la-tinh. Từ sự kiện này, việc học hỏi và chú thích về bản văn từ khá lâu đã chỉ  là công việc dành riêng cho hàng giáo sĩ và các đan sĩ. Chỉ  từ thế kỷ XII người ta mới bắt đầu tìm thấy ở Pháp những bản dịch các sách Phúc Âm, sách Thánh Vịnh, sách Khải Huyền và vài sách lịch sử của Giao Ước Thứ Nhất bằng tiếng phổ thông.
Chính sau cuộc cải cách của Luther và với câu nói thời danh của ông: “Sola Scriptura” (“Chỉ duy Kinh Thánh”) mà Giáo Hội la-tinh Rô-ma mới căng thẳng, khép mình lại. Và Công Đồng Tri-đen-ti-nô, đứng trước nỗi nguy giải thích Kinh Thánh cách quá tự tiện cá nhân, mới nhắc rằng Kinh Thánh không là tư sản của một nhóm, mà Kinh Thánh chỉ có thể được đọc trong Giáo Hội. Giáo quyền (giáo hoàng và các giám mục kế vị các tông đồ) là đảm bảo của việc giải thích của Giáo Hội.
Trong thực tế, bởi nỗi lo đi trệch đường và giải thích quá chủ quan, người ta đi đến việc tạo đặc quyền về Mạc Khải, và hạn chế tối đa các cá nhân ki-tô hữu tiếp cận với Kinh Thánh. Kết quả đã gây nên sự nghèo nàn và kém hiểu biết về Lời Chúa giữa lòng dân Chúa. Ông bà chúng ta trước đây chỉ nghe Lời Chúa vào ngày Chúa Nhật, và lại còn nghe cách gián tiếp và qua những chú giải, thường nghiêng về luân lý, của các linh mục trong giáo xứ, bởi vì Kinh Thánh được đọc bằng tiếng la-tinh mà tuyệt đại đa số giáo dân không thể hiểu.
Từ trước Công Đồng, nhiều cố gắng thử nghiệm đây đó trên toàn nước Pháp: đọc bản văn bằng tiếng Pháp trong thánh lễ, thích nghi phụng vụ, các nhóm học hỏi Kinh Thánh… Tuy nhiên chính Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã là động cơ quyết định cho việc canh tân thực sự trong Giáo Hội la-tinh Rôma: “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Ki-tô hữu” (MK số 22). Nếu số 22 của Hiến Chế có nhắc đến bản Septante (Bản LXX) và bản Vulgate (Phổ Thông), cũng đã thêm: “Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu cho các Sách Thánh được dịch ra các thứ tiếng cách thích hợp và đúng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản”. (Thôi, từ nay không phải chỉ được đọc bản Phổ Thông của thánh Giê-rô-ni-mô nữa).
Công Đồng còn cầu mong “mọi Ki-tô hữu có thể sử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly khai” (số 22). Chính điều này cho phép ấn bản tuyệt vời của “bản dịch đại kết của Kinh Thánh” (tiếng pháp viết tắt là TOB: Traduction OEcuménique de la Bible).
Đó sẽ là khởi động của việc gia tăng học hỏi chú giải, của phụng vụ bằng tiếng Pháp (và các ngôn ngữ khác cũng thế), trong đó Lời Chúa được công bố, được hiểu và được chú giải trở thành chính yếu. Mỗi giáo phận thành lập một trường huấn luyện Kinh Thánh cho giáo dân và nhiều giáo xứ rộ lên những nhóm Kinh Thánh, đôi khi là đại kết.
Lời Chúa, nguồn mạch đời sống Giáo Hội và sứ vụ
Lời Chúa được ủy thác cho Giáo Hội phải vang dội trong khắp hoàn cầu, theo lời thánh Au-gus-ti-nô được trích dẫn ngay ở Phần Mở của Hiến Chế: “để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến”. Mạc khải của Lời Chúa, là sự sống và thông hiệp trong Chúa Ki-tô và Thánh Linh, không phải chỉ dành riêng cho các ki-tô hữu nhưng cho mọi người.
Trải qua các thế kỷ, thần học công giáo đã có khuynh hướng, nhất là sau thời Kinh Viện, khép kín trong một học thuyết tín lý đầy khái niệm. Hiến Chế mời gọi các thần học gia trước hết và nhất là lắng nghe Lời. Hơn nữa đó lại là một con đường bảo đảm nhất để đối thoại đại kết. “Nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của Khoa Thần Học Thánh” (số 24).
Hiến Chế tha thiết mời gọi các mục tử quy chiếu vào Lời được tiếp nhận như lời mời gọi của Cha đi vào đối thoại với từng tín hữu.
“Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ” (số 21).
“Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội (…). Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm” (số 21).
Hiện giờ Thiên Chúa đang hoạt động nhờ Lời trong Kinh Thánh. Hướng dẫn mục vụ mới này chắc hẳn đã canh tân cuộc sống của cộng đồng ki-tô hữu.
“Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (số 21).
Nhận thức rõ nét này về chỗ ưu việt của Lời Kinh Thánh là rất quan trọng bởi vì, trong các bản văn chính thức, các thông điệp của các vị Giáo Hoàng mới đây luôn có nhiều trích dẫn Kinh Thánh, như thấy rõ trong những ngày chính Công Đồng nhóm họp, qua các chú thích của nhiều lược đồ được đề nghị cho các nghị phụ tranh luận.
Thông truyền mạc khải của Thiên Chúa
Rõ ràng rằng sự chống Cải Cách, đặc biệt công đồng Tri-đen-ti-nô, thay vì suy nghĩ về những vấn đề Luther đã nêu ra liên quan đến việc thông truyền Mạc Khải, đã phản kháng và lại còn nhấn mạnh hơn đến vai trò của Huấn quyền trong việc thông truyền mạc khải của Thiên Chúa.
Hiến Chế trở lại lý thuyết thời danh về “hai nguồn”, theo đó Mạc Khải được thông truyền, song đôi và đồng hạng, trong Kinh Thánh và trong Thánh Truyền, với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.
Truyền Thống này đến từ các tông đồ và tiếp nối trong Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp:
“Bởi vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết, phối hiệp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một duy nhất (...). Thực vậy, Thánh Kinh là lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn lời Chúa, mà Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh Truyền lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài (…). để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng. Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải” (số 8 và 9).
Tuy nhiên kết luận chương này về việc thông truyền, Hiến Chế đã nói rằng:
“Nhiệm vụ chú giải chính thức lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội, và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên Quyền Giáo Huấn này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa (…) với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa (số 10).
Và trong bản văn này sự kiện không ấn định mối liên hệ “Kinh Thánh – Truyền Thống” mở ra viễn tượng mới rất tích cực cho đối thoại đại kết. Giáo Hội Rô-ma và các Giáo Hội Cải Cách hôm nay có thể lại cùng bàn đến vấn đề tế nhị này của Truyền Thống.
Người ta có thể tiếc rằng bản văn đã không xác định rằng huấn quyền sống động của Giáo Hội không chỉ có Giáo Hoàng nhưng còn là tập đoàn các Giám Mục. Tuy nhiên khái niệm về một Giáo Hội có công đồng tính mới vừa chớm nở. Và nếu Kinh Thánh từ nay được coi là nền tảng chung của các Giáo Hội, Hiến Chế vẫn còn quá luẩn quẩn với “Truyền Thống của Giáo Hội sơ khai” và những “truyền thống riêng của Giáo Hội Rô-ma và của giáo quyền Rô-ma. Chứng từ lịch sử của các tông đồ và của cộng đoàn tiên khởi chưa được nêu rõ lên như là “qui luật phán đoán” đối với việc thực hành và đối với cuộc sống của Giáo Hội Rô-ma hôm nay.
Vị trí trung tâm của Chúa Thánh Thần
Bản văn của Công Đồng – và đó là điều rất quan trọng – tìm lại vị trí và vai trò chính yếu của Chúa Thánh Thần là ký ức luôn tỉnh thức của dân Chúa. Tất cả các Sách Thánh đều đã được soạn thảo dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần bởi “những người Thiên Chúa đã chọn và sử dụng khả năng cũng như các phương tiện của họ”. Thánh Linh linh hứng con người nhưng không chiếm vị trí của con người. “Thánh Linh kết hợp với thần trí chúng ta”, thánh Phao-lô nói như thế.
Hiến Chế nhấn mạnh đến việc chuyên cần tìm kiếm điều mà tác giả Kinh Thánh đã thực sự muốn nói “bởi vì Thiên Chúa, trong Kinh Thánh, đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh tác giả thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ (số 12).
Điều đó bảo đảm công việc chú giải trước đây và gạt bỏ cách đọc các bản văn theo chủ nghĩa cơ yếu. Hiến Chế mời gọi chúng ta giải thích Kinh Thánh với lưu ý đến những thể văn chương khác nhau của các tác giả được linh hứng, đến những hoàn cảnh và nền văn hóa của họ.
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hứng các tác giả này và là Đấng linh hứng các người tin tiếp nhận các bản văn của họ hôm nay. Do vậy chính Người, Thánh Linh, đã làm nên tính đồng nhất và liên kết của Mạc Khải. Và cuối cùng, chính Giáo Hội, trong đặc tính tập đoàn, là người bảo toàn tất cả sự giải thích về Lời Chúa.
Hiến Chế thán phục Đấng Khôn Ngoan vĩnh hằng đã thích ứng với ngôn ngữ loài người. Công Đồng đã không ngần ngại so sánh việc thông truyền Mạc Khải trong ngôn ngữ nhân loại với việc tự hạ của Chúa Ki-tô trong sự nhập thể của Người. “Vì lời nói của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ nhân loại, được đồng hóa với tiếng nói loài người, cũng như xưa lời nói của Chúa Cha Hằng Hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt” (số 13).
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét