MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 19 (Chương kết)
19
SỨ ĐIỆP
CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VỀ LỜI CHÚA
SỨ ĐIỆP
CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VỀ LỜI CHÚA
Tháng mười năm 2008, các nghị phụ Thương Hội Đồng, kết thúc Đại Hội thường lệ lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, quy tụ quanh Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, để suy nghĩ về chủ đề Lời Chúa trong cuộc sống và trong sứ vụ của Giáo Hội, đã công bố một sứ điệp nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của Lời này trong đời sống của mọi ki-tô hữu.
Trong bản văn rất phong phú này, Thượng Hội Đồng đã bắt bầu bằng cách nhắc lại lời kêu gọi xưa kia: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành” (Đnl 30, 14). “Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ” (Ed 3, 10).
Một lời từ khởi đầu tạo dựng và lịch sử nhân loại
Trong giai đoạn thứ nhất, các nghị phụ Thượng Hội Đồng, trở về hừng đông cuộc tạo dựng vũ trụ và lịch sử dân Chúa, nhắc nhớ việc Chúa đã tự mạc khải mình qua một lời sáng tạo, Người đã xé tan sự thinh lặng của hư không để làm nên vũ trụ như thế nào: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng” (St 1, 1.3); “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1.3)…
Lời này của Chúa cũng là nguồn gốc của nhân loại. Từ khi người nam và người nữ xuất hiện, được dựng nên “theo hình ảnh và giống Chúa” (St 1, 27), có khả năng đi vào đối thoại với Đấng Tạo Hóa của mình hoặc tách rời xa Người, Lời Chúa đi vào dòng lịch sử … Nhờ sự hiện diện của Thánh Linh, Lời này của Chúa, hữu hiệu, sáng tạo và cứu độ, đi vào lòng người để qua các biến cố biện phân ý định tình yêu của Chúa, Đấng muốn cứu độ con người.
Một giai đoạn đã được vượt qua với Lời đã được viết ra, sự xuất hiện Kinh Thánh dưới hình thức văn tự là “chứng từ” của Lời Thiên Chúa. Kinh Thánh là ghi nhớ theo qui điển, lịch sử và văn chương đã xác nhận biến cố Mạc Khải. Như vậy Lời này của Chúa đi trước và vượt trên Kinh Thánh… Đức tin của chúng ta không chỉ dựa trên một cuốn sách nhưng trên một lịch sử cứu độ và, cuối cùng, một Con Người, Chúa Giê-su Ki-tô, Lời của Thiên Chúa làm người. Một lịch sử, nguồn mạch của Truyền Thống được linh hứng, được đọc lại, được giải thích “trong ánh sáng của Thánh Linh” và Giáo Hội là người canh giữ được linh hứng.
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
Khuôn mặt của Lời: Chúa Giê-su Ki-tô
“Ngôi Lời (Logos) đã làm người”… Đó là tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Lời hằng hữu và của Thiên Chúa đi vào trong không gian và trong thời gian, nhận lấy một khuôn mặt và chấp nhận căn tính nhân loại. Chúa Ki-tô là “Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa”. Người là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1, 15). Nhưng Người cũng là Giê-su Na-da-rét… nói một ngôn ngữ địa phương và sống theo một phong hóa nhất định, phong hóa của người Do-thái. Như thế Lời Thiên Chúa đã trở nên một con người mỏng manh và có thể chết, trở nên lịch sử và nhân loại. Người là Đấng mạc khải vị Thiên Chúa mà chưa hề một ai thấy (x. Ga 1, 18: Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ).
Truyền thống Ki-tô giáo thường đặt song đôi Lời Chúa trở thành người và cũng chính Lời này trở thành “Sách”. Thân mình của Con là Kinh Thánh được chuyển trao cho chúng ta”. Quả thực, Kinh Thánh cũng là “thịt”, là “chữ”: được diễn đạt trong những ngôn ngữ riêng, trong những hình thức văn chương và lịch sử, trong những khái niệm có liên hệ tới một nền văn hóa: Kinh Thánh bảo tồn những biến cố thường rất đau thương, các trang Kinh Thánh ghi đầy máu và bạo lực; vang vọng tiếng cười của nhân loại, tràn đầy nước mắt, qua đó lời cầu của những người bất hạnh, niềm vui của những người yêu nhau vang lên.
Truyền thống Ki-tô giáo thường đặt song đôi Lời Chúa trở thành người và cũng chính Lời này trở thành “Sách”. Thân mình của Con là Kinh Thánh được chuyển trao cho chúng ta”. Quả thực, Kinh Thánh cũng là “thịt”, là “chữ”: được diễn đạt trong những ngôn ngữ riêng, trong những hình thức văn chương và lịch sử, trong những khái niệm có liên hệ tới một nền văn hóa: Kinh Thánh bảo tồn những biến cố thường rất đau thương, các trang Kinh Thánh ghi đầy máu và bạo lực; vang vọng tiếng cười của nhân loại, tràn đầy nước mắt, qua đó lời cầu của những người bất hạnh, niềm vui của những người yêu nhau vang lên.
Chiều kích “thân xác” này đòi cần phải có một phân tích lịch sử và văn chương qua các phương cách và cách tiếp cận của khoa chú giải Kinh Thánh. Tất cả độc giả của Sách Thánh, dù là những người đơn sơ nhất, đều phải có một kiến thức nào đó về bản văn thánh, bằng cách nhớ rằng Lời đã mặc lấy những lời cụ thể mà Lời phải lệ thuộc vào và thích ứng với những lời cụ thể đó để nhân loại có thể nghe được và hiểu được…
Đó là một công việc cần thiết: nếu gạt bỏ nó, người ta sẽ rơi vào chủ thuyết cơ yếu là chủ thuyết thực tế chối bỏ sự nhập thể của Lời Thiên Chúa trong lịch sử, và không nhận rằng Lời này được diễn tả trong Kinh Thánh theo ngôn từ nhân loại, là thứ ngôn từ cần phải được tìm tòi, học hỏi và hiểu biết; và chủ thuyết này không biết rằng sự linh hứng của Thiên Chúa không xóa bỏ căn tính lịch sử và cá tính riêng của các tác giả nhân loại. Tuy nhiên Kinh Thánh cũng là Ngôi Lời vĩnh cửu và thần thiêng và chính vì thế Kinh Thánh đòi hỏi phải hiểu cách khác do Chúa Thánh Thần ban cho để khám phá ra chiều kích siêu việt của Lời Thiên Chúa, hiện diện trong các lời con người.
Do đấy cần phải có “Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội” và đức tin để hiểu được Sách Thánh cách thống nhất và trọn vẹn. Nếu người ta chỉ dừng lại ở “nghĩa chữ”, Kinh Thánh sẽ chỉ là một tài liệu của quá khứ… Đàng khác, nếu gạt bỏ sự Nhập Thể, người ta sẽ rơi vào sự hàm hồ của chủ thuyết cơ yếu hoặc rơi vào một thứ chủ thuyết duy linh hoặc tâm lý mông lung. Do đấy sự hiểu biết về chú giải phải được lồng vào trong truyền thống thiêng liêng và thần học một cách chặt chẽ để thống nhất về thiên tính cũng như nhân tính nơi Chúa Giê-su và Sách Thánh không bị phá vỡ.
Trong sự hài hòa được tìm lại này, khuôn mặt của Chúa Ki-tô rạng ngời trọn vẹn và sẽ giúp chúng ta khám phá ra một tính thống nhất khác sâu xa và mật thiết hơn của Sách Thánh… trong chỉ một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong ý định duy nhất của ơn cứu độ. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Hr 1, 1-2).
Theo cách đó, Chúa Ki-tô soi chiếu ánh sáng của Người trên dòng lịch sử cứu độ và mạc khải sự liên kết, ý nghĩa của lịch sử. Người là dấu ấn, “An-pha và Ô-mê-ga (Kh 1, 8), của một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Người được công nhận trong Kinh Thánh. Chính trong dấu ấn chung kết này mà “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).
Nhà của Lời: Giáo Hội
Như trong Cựu Ước, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã xây dựng nhà mình trong thành trì nhân loại (x. Cn 9, 1: Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình”), cũng thế Lời Chúa có nhà của mình trong Tân Ước: đó chính là Giáo Hội có mẫu mực trong cộng đoàn mẹ tại Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội được xây trên nền móng Phê-rô và các tông đồ và hôm nay, nhờ các giám mục hiệp thông với đấng kế vị của thánh Phê-rô, tiếp tục là người canh giữ, loan truyền và giải thích Lời. Thánh Lu-ca, trong Công Vụ Tông Đồ, đã vạch ra bốn cột trụ lý tưởng: “Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện” (Cv 2, 42).
Trước hết, đó là sự rao giảng tông đồ về Lời Chúa. Từ Giáo Hội, tiếng của vị thủ lãnh đề nghị với hết mọi người, lời rao giảng đầu tiên và nền tảng của chính Chúa Giê-su lúc khởi đầu sứ vụ công khai: “Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Các tông đồ loan báo sự khai mạc của triều đại Thiên Chúa, và như vậy, rao giảng về sự can thiệp quyết định của Chúa trong lịch sử nhân loại, rao giảng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô… Tiếp đến, trong Giáo Hội vang lên việc dạy giáo lý, nhằm giúp ki-tô hữu tìm hiểu sâu xa “về mầu nhiệm Chúa Ki-tô”, theo ánh sáng của Lời.
Nhưng đỉnh điểm của việc rao giảng nằm ở bài giảng, mà ngày nay đối với nhiều ki-tô hữu, vẫn còn là lúc quan trọng để gặp gỡ với Lời Chúa. Trong công việc này, thừa tác viên cũng phải biến đổi mình thành ngôn sứ. Quả vậy, nhờ một ngôn từ rõ ràng, quả quyết và chính yếu, ông phải loan báo những công việc lạ lùng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, qua việc đọc rõ ràng và sinh động bản văn Kinh Thánh được phụng vụ đề nghị. Ông cũng phải cập nhật những công việc này, tùy theo thời buổi và khung cảnh sống của những người đang lắng nghe, đồng thời khơi dậy trong lòng thính giả thao thức hối cải và dấn thân đích thật: “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Ðồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2, 37).
Vậy việc loan báo, dạy giáo lý, rao giảng đòi hỏi phải đọc, hiểu, cắt nghĩa và giải thích: có sự ràng buộc cả tâm lẫn trí. Như vậy trong việc rao giảng đòi phải có hai tác động. Tác động thứ nhất là phải tìm về cội rễ của các bản văn thánh, những biến cố, những trình thuật làm nên lịch sử cứu độ, để hiểu đúng nghĩa và hiểu được sứ điệp của nó. Tác động thứ hai đi xuống hiện tại, cuộc sống đời thường của người nghe và đọc, luôn luôn theo ánh sáng của Chúa Ki-tô, là sợi dây sáng ngời nối kết Sách Thánh… Chính đó là điều mà phó tế Phi-líp-phê đã làm ở Ga-da trên đường về Giê-ru-sa-lem với ông quan người Ê-thi-óp:
“Ngài có hiểu điều ngài đọc không? Ông quan đáp: Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8, 30-31).
“Ngài có hiểu điều ngài đọc không? Ông quan đáp: Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8, 30-31).
Điểm tới là cuộc gặp gỡ trọn vẹn với Chúa Ki-tô trong bí tích. Cột trụ thứ hai chống đỡ tòa nhà Giáo Hội, Nhà của Lời Chúa, được trình bày như thế.
Câu chuyện Em-mau (x. Lc 24, 13-35) được lập lại khi, mọi ngày trong các nhà thờ của chúng ta, trên bàn thờ, việc bẻ bánh thánh thể nối tiếp lời giảng của Chúa Giê-su về Mô-sê và các ngôn sứ. Đó là thời khắc đối thoại thân tình của Thiên Chúa với dân Người; đó là việc ký kết Giao Ước Mới trong máu Chúa Ki-tô (x. Lc 22, 20). Đó là công việc cuối cùng của Ngôi Lời hiến mình thành của ăn nhờ thân xác Người được hiến tế; đó là nguồn mạch, là chóp đỉnh của cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội.
Chính vì lý do này mà Công Đồng Vaticanô II, trong một đoạn văn rất xúc tích, đã tuyên bố: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu” …
Cột trụ thứ ba của tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội, nhà của Lời, được thiết lập bởi kinh nguyện, gồm – như thánh Phao-lô đã nhắc đến – “những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3, 16). Đó là vị trí ưu việt của Phụng Vụ các Giờ Kinh, kinh nguyện tuyệt vời của Giáo Hội, hòa điệu với ngày, mùa của năm phụng vụ Ki-tô giáo, đặc biệt với các thánh vịnh cống hiến cho giáo dân một thức ăn thiêng liêng hằng ngày.
Rồi Thượng Hội Đồng ca ngợi về Lectio divina. Ngoài Phụng Vụ các Giờ Kinh và cử hành Lời Chúa trong cộng đoàn, Truyền Thống đã đưa vào việc thực hành Lectio divina, đọc lời Chúa trong Chúa Thánh Thần với tư thế cầu nguyện, có thể mở ra cho tín hữu kho tàng Lời Chúa và, nhờ đó, tạo nên cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô, Lời sống động của Thiên Chúa.
Tiếp đến Thượng Hội Đồng nêu lên như mẫu gương cho người đọc dùng Lời Chúa để cầu nguyện, khuôn mặt của Mẹ Ma-ri-a, Mẹ của Chúa, là người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19; x. 2, 51)… Người ta cũng có thể trình bày cho tín hữu đọc Kinh Thánh, thái độ của Ma-ri-a, em gái Mác-ta, là người ngồi bên chân Chúa để nghe Chúa nói (x. Lc 10, 38-42).
Lời, nguồn của hiệp thông huynh đệ
Cuối cùng chúng ta đang đứng trước cột trụ cuối cùng nâng đỡ Giáo Hội, ngôi nhà của Lời: sự thông hiệp huynh đệ (koinonía). Như Chúa Giê-su đã nhắc nhở, để trở thành anh chị em của Người, cần phải là “những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Lắng nghe chân thực, đó chính là: tuân phục và làm nảy sinh trong cuộc sống của mình đức công bình và tình yêu; trong cuộc sống của mình và trong xã hội luôn cống hiến một chứng từ hợp theo lời mời gọi của các ngôn sứ, chứng từ này luôn kết hiệp Lời Chúa và cuộc sống, đức tin và lòng ngay thẳng, phụng tự và dấn thân hoạt động xã hội.
Đó là điều Chúa Giê-su đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, sau lời căn dặn thời danh trong bài giảng trên núi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu” (Mt 7, 21)! Lời trở thành cuộc sống phải thấy ngay được và đọc được trên mặt và trên đôi tay của người tin, chứng nhân của Lời Chúa. Trong ngôi nhà của Lời, chúng ta cũng gặp được các anh chị em thuộc các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội khác, dù còn có những cách biệt, cũng chia sẻ với chúng ta về niềm tôn kính và yêu mến Lời Chúa, là nguyên lý và nguồn mạch của sự hiệp nhất đầu tiên và đích thật, cho dù chưa tròn đầy.
Những con đường mới của Lời: sứ vụ
Trong thành phố tân tiến, đã bị tục hóa, trong các công viên và trên các đường phố, dường như có một hơi thở ẩn kín, một hy vọng đang nảy mầm, một rên rỉ đợi chờ. Như chúng ta đọc thấy trong sách ngôn sứ A-mốt: “Ðây sắp đến những ngày - sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng - Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Ðức Chúa” (Am 8, 11). Chính sứ vụ rao giảng tin mừng của Giáo Hội muốn đáp ứng cái đói này.
Chúa Ki-tô phục sinh, kêu gọi các tông đồ, còn do dự, đi ra khỏi những hạn giới được bảo toàn trong chân trời riêng của các ông: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Tất cả Kinh Thánh có đầy những lời kêu gọi “đừng nín lặng”, “hãy hô to”, “loan báo Lời lúc thuận tiện cũng như lúc bất tiện”, trở thành những lính canh xé tan sự thinh lặng dửng dưng.
Ngày nay, sự thông giao liên lạc, rất rộng mở, bao trùm toàn trái đất. Và lời kêu gọi của Chúa Ki-tô có một sắc thái mới: “Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 27)… Tiếng của Lời Chúa cũng phải vang dội qua sóng truyền thanh, truyền hình, mạng lưới “internet”, qua các CD, DVD, MP3 v.v…, tiếng Chúa phải xuất hiện trên các màn ảnh TV, trong rạp chiếu bóng, trên báo chí, trong các cuộc hội thảo, các biến cố về văn hóa và xã hội…
Trong việc loan truyền về Nước Chúa, ngôn từ của Chúa Giê-su không bao giờ lướt qua trên đầu những người nghe, qua việc dùng một thứ ngôn từ mơ hồ, trừu tượng và huyền hoặc; trái lại Người thu hút cử tọa của Người, từ chính mảnh đất mà chân họ đang chôn chặt, để dẫn họ từ cuộc sống đời thường đến việc mạc khải cho họ về Nước Trời.
Trong việc loan truyền về Nước Chúa, ngôn từ của Chúa Giê-su không bao giờ lướt qua trên đầu những người nghe, qua việc dùng một thứ ngôn từ mơ hồ, trừu tượng và huyền hoặc; trái lại Người thu hút cử tọa của Người, từ chính mảnh đất mà chân họ đang chôn chặt, để dẫn họ từ cuộc sống đời thường đến việc mạc khải cho họ về Nước Trời.
Chúa Ki-tô rảo bước dọc theo những con đường của phố thị chúng ta và dừng chân tại cửa nhà chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Gia đình là một không gian nền tảng mà Lời Chúa phải đi vào.
Vậy mỗi gia đình phải có cho được sách Kinh Thánh, giữ gìn cẩn thận, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện; các thế hệ mới, các trẻ em và người trẻ, phải được giáo huấn hợp tầm và chuyên biệt, để say mê cảm nhận được khuôn mặt của Chúa Ki-tô, mở cửa trí khôn và con tim của họ…
Một Lời được gieo trong những mảnh đất khó
Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng có những mảnh đất khô cằn, sỏi đá, và đầy gai góc bóp nghẹt (x. Mt 13, 3-7). Ai mạo hiểm lao mình trên đường đời cũng khám phá ra đầy đau khổ và nghèo khó, nhục nhã và áp bức, khai trừ và cùng khốn, bệnh tật thể xác và tinh thần, cô đơn. Nhiều người còn cảm thấy sự thinh lặng, sự vắng bóng bên ngoài và sự dửng dưng của Chúa đè nặng trên họ. “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ vẫn còn ngoảnh mặt làm ngơ?” (Tv 13, 2). Và để kết thúc, mỗi người đều có trước mắt mầu nhiệm sự chết.
Tiếng thở than đau thương vĩ đại này bay từ đất lên thấu trời cao đã được trình bày liên tục trong Kinh Thánh, chính là điều đòi hỏi một đức tin có lịch sử và nhập thể. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, điều trổi vượt nhất vẫn là khuôn mặt Đức Ki-tô, Đấng đã khai mở sứ vụ công khai của mình bằng một loan báo đầy cậy trông cho những người cuối rốt trên cõi đất này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19)…
Ki-tô hữu có sứ vụ loan báo Lời Chúa đầy hy vọng này qua việc chia sẻ với người nghèo khổ, qua chứng từ niềm tin của mình đối với những lời của Đức Ki-tô: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Lời, đối thoại với Ít-ra-en và các truyền thống tôn giáo
Trên những nẻo đường trần thế, Lời Thiên Chúa sinh ra cho các ki-tô hữu chúng ta, một gặp gỡ nhiệt thành với dân tộc Do-thái mà chúng ta liên kết rất mật thiết với nhau, bởi có cùng nhận thức và yêu mến đối với Kinh Thánh Cựu Ước và bởi vì từ nơi Ít-ra-en “Chúa Ki-tô đã sinh ra theo xác thịt”. Kinh Thánh Hípri này cho phép chúng ta hiểu trọn vẹn khuôn mặt Chúa Ki-tô là Đấng đã nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Kinh Thánh tạo nên những con đường đối thoại với dân được Chúa chọn và “đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa” (Rm 9, 4), và cho phép chúng ta được làm giàu việc giải thích Kinh Thánh với những nguồn phong phú của truyền thống Do-thái.
Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4). Là ki-tô hữu, xuyên suốt những nẻo đường trần thế, chúng ta cũng được mời gọi tôn trọng, đối thoại, với tất cả mọi người, nam cũng như nữ, thuộc các tôn giáo khác, là những người trung tín lắng nghe và thực hành những hướng dẫn trong các sách thánh của họ, khởi đi từ Hồi giáo là tôn giáo cho chúng ta chứng tá về một niềm tin chân thành nơi một Thiên Chúa Duy Nhất, “biết cảm thương và nhân hậu”
Vả lại, ki-tô hữu còn thấy liên hệ với những truyền thống tôn giáo lớn của Đông Phương, qua các văn bản thánh thiêng của họ, đã dạy chúng ta biết tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, thinh lặng, đơn sơ, từ bỏ, như thấy trong Phật giáo. Hoặc, như trong Ấn giáo, ca tụng cảm thức về sự thánh, hy sinh, hành hương, chay tịnh, là những biểu tượng linh thánh. Hoặc như trong Khổng giáo, dạy về sự khôn ngoan và những giá trị thuộc gia đình, xã hội. Đồng thời chúng ta cũng muốn chú tâm đến các tôn giáo truyền thống, với các giá trị thiêng liêng được diễn tả trong các nghi thức và trong văn hóa truyền khẩu, chúng ta cũng muốn nối kết với họ một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh.
Ta cũng phải hoạt động với những người không tin nơi Chúa, nhưng cố gắng “thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6, 8) nhằm tạo lập một thế giới công bình và an hòa hơn; và chúng ta cũng phải làm chứng, qua đối thoại, để Lời Chúa có thể mạc khải cho họ những chân trời mới và cao cả của chân lý và tình yêu.
Thượng Hội Đồng cũng nhắc nhở Lời Chúa hôm nay vẫn còn là nguồn linh hứng cho nghệ thuật như thế nào. Lời Chúa có thể thanh luyện và làm cho phong phú các nền văn hóa khác, như lời Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố với Hội Đồng Giám Mục Kenya trong chuyến tông du tại Châu Phi năm 1980: “Sự hội nhập văn hóa quả thực là một phản ánh của việc Ngôi Lời nhập thể khi một nền văn hóa, được biến đổi và tái sinh nhờ Phúc Âm, sẽ sản sinh ra trong chính truyền thống của họ những biểu hiện chân chính về sự sống, việc cử hành và suy tư mang tính chất Ki-tô giáo”.
KẾT LUẬN
“Rồi tiếng tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo: "Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất". Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: "Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong". Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh 10, 8-10).
Để kết luận, Thượng Hội Đồng mời gọi chúng ta, tất cả và mỗi người, tiến đến gần bàn tiệc Lời Chúa, để chúng ta được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc này, vì Lời Chúa “ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19, 11)., và “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105), tuy nhiên Lời Chúa cũng như “lửa” (Gr 23, 29). Lời Chúa như mưa sa tắm gội đất đai và làm cho đất được phì nhiêu, làm sinh hoa kết trái, như thế cũng sẽ làm cho hoang mạc thiêng liêng khô cằn của chúng ta được nở hoa (x. Is 55, 10-11).
“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4, 12).
Giờ đây chúng ta hãy giữ thinh lặng để lắng nghe, cho Lời Chúa có hiệu quả, và hãy tiếp tục giữ thinh lặng sau khi đã lắng nghe, để Lời này có thể tiếp tục ở lại, sống và nói với chúng ta. Chúng ta hãy làm cho Lời vang vọng ngay từ đầu ngày sống của chúng ta để Thiên Chúa có lời đầu tiên. Và hãy giữ Lời đó ở lại trong chúng ta cho đến chiều, để lời cuối cùng của ngày cũng là Lời của Chúa.
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét