Tấm Gương Do Thái
(PHẦN 4)
Vietsciences-PĐT- Hàn Lệ Nhân
1) Dân tộc Do Thái 2) Bước đường lưu vong 3) Kỳ thị tôn giáo 4) Kỳ thị chủng tộc 5/ Phục Quốc 6/ Xin lưu ý: 7/ Kiến Quốc 8/ Chiến thắng sa mạc 9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999 10/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006 11/ Cuộc chiến Israël và Hezbollah 12/ Tấm gương Do Thái
9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999
Quốc gia Israël được thành lập ngày 14/05/1948, thủ tướng đầu tiên là David Ben Gourion (đảng Mapia). Ngay hôm sau,15/05, Liên Đoàn Ả Rập (được thành lập từ 1945: Egypte, Liban, Syrie, Irak, Transjordanie và Bắc Yémen) đồng loạt tấn công Israël những mong tiêu diệt tân quốc gia nấy trong trứng nước song dù quân số đông gấp mấy chục lần quân Israël, họ đã thất bại trước sự khôn khéo và nhất là trước quyết tâm của Israël. Thoả ước đình chiến được ký năm 1949 tại Rhodes (Hy Lạp). Sau trận chiến đầu tiên nầy, Israël chiếm được thêm nhiều đất. Cuộc chiến tạo ra 750.000 người tị nạn Palestine và 600.000 người tị nạn Do Thái.
Trước cuộc khủng hoảng, có khoảng 870.000 người Do Thái sống trong các xứ Ả Rập với nhiều cộng đồng có bề dày lịch sử trên 2.500 năm. Trong thời gian chiến tranh, nhiều vụ thảm sát (pogroms) Do Thái đã xảy ra tại Aden, Libye, Egypte, Irak và Syrie, do đó 600.000 người Do Thái tại các nơi nầy đã phải chạy về Israël và được chấp nhận trở thành công dân Israël !
1948-1952 - Phong trào di cư tập thể của người Do Thái từ các xứ Ả Rập và Âu Châu về Israël, đơn cử chiến dịch Thảm Bay (tapis volant) từ Yémen và chiến dịch Ezra & Néhémie từ Irak. - 11/05, 1949: Israël gia nhập Liên Hiệp Quốc.
1950 - Quốc Hội Israël biểu quyết luật Hồi Hương (Aliyah).
1954 - Thủ tướng Ben Gourion từ chức. Moshé Sharett (đảng Mapia) lên thay.
1955 - Vì chính sự nhiễu nhương, Ben Gourion trở lại làm thủ tướng đến 1963 thì vĩnh viễn rút ra khỏi chính trường (1). Ông mất năm 1973, thọ 87 tuổi.
1956 - Khủng hoảng kênh đào Suez tạo cơ hội cho Egypte (thời TT Nasser) quốc hữu hoá kênh nầy, cấm tàu của Israël qua lại. Pháp, Anh và Israël bí mật ký hiệp ước để kiểm soát kênh Suez. Tháng 10/1956 Israël xâm chiếm vùng Sinaï, tiếp theo là cuộc đổ bộ của Anh và Pháp vào cảng Saïd. Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh ngưng chiến, liên quân Anh-Pháp-Israël trao quyền kiểm soát lại cho lính mũ xanh của LHQ năm 1957, đổi lại nhận được sự bảo đảm quyền sử dụng kênh Suez như trước.
1956-1962 -Thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho các xứ ở Bắc Phi, dân Do Thái tại Maroc, Algérie và Tunisie dắt díu nhau chạy về Israël, thành lập nhiều tỉnh thành rất phát triển.
1959 - Tháng 6/1959, người Do Thái gốc Bắc Phi chủ xướng một cuộc biểu tình rộng lớn, phản đối bất công xã hội trong khu Wadi Salib tại thành phố Haïfa.
1960-1962 - Mật vụ Israël bắt cóc được đồ tể Đức Quốc Xã Adolf Eichmann tại Argentine, đưa về Israël xử án và hành quyết ngày 31/05/1962.
1962 - Hoa kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Israël.
1963 - Thủ tướng David Ben Gourion rút khỏi chính trường và về ở ẩn tại hợp tác xã Sdei Boker trong sa mạc Neguev (1).
- Lévy Eshkol (đảng Mapia) lên thay.
1964 - Hội nghị thượng đỉnh các xứ Ả Rập tại Caire, thủ đô Ai Cập và Tổ chức Giải Phóng Palestine (OLP / PLO) ra đời tại Đông-Jérusalem, chủ trương kiệt liệt chống Israël.
1965 - Khủng hoảng kinh tế tại Israël: thất nghiệp, bất công xã hội và sự suy thoái của đất nước (Yeridah).
1966 - Nhà văn Shmuel Yossef Agnon (công dân Israël) lãnh giải Nobel Văn Chương.
1967 - Cuộc Chiến Sáu Ngày (05 - 10/06/1967) và việc thống nhất Thánh Địa Jérusalem.
- Tháng 05/1967: Lực lượng mũ xanh của Liên Hiệp Quốc rút ra khỏi vùng Sinaï , Ai Cập đưa quân vào thay thế, đồng thời đóng cửa eo biển Tiran và vịnh Akaba vốn là yết hầu vận chuyển đường biển của Israël.
- Ngày 05/06/1967: Trước sự tấn công rộng lớn của liên quân Ả Rập, với hậu thuẫn của khối Liên Sô, và những cuộc oanh tạc của Syrie từ đồng bằng Golan, Israël, dưới sự lãnh đạo của tướng Moshé Dayan, phản công chớp nhoáng Egypte đồng thời yêu cầu Jordanie giữ thế trung lập. Jordanie từ chối và tấn công Israël bằng khí giới nặng, nhắm thẳng vào Tây-Jérusalem và Tel Aviv.
- Israël đệ đơn khiếu nại lên Hội Đồng Bảo An LHQ nhưng Liên Sô dùng quyền phủ quyết (veto), sự việc coi như không.
- Ngày 08//06/1967: Quân đội Israël đánh bại quân Jordanie, chiếm luôn vùng Judée và Samarie.
- Không quân Jordanie, Syrie và Egypte bị không quân Israël tiêu diệt vỏn vẹn trong một ngày. Trận chiến chớp nhoáng 6 ngày đã mang về cho Israël các vùng đất Cisjordanie, Gaza, Golan, bán đảo Sinaï và Đông-Jérusalem. Nhưng kênh Suez bị đóng cửa mãi đến năm 1975.
1968 - Bắt đầu hàng loạt bản án ngoạn mục chống Do Thái (refuzniks) tại Liên Bang Sô Viết, do đó mới có phong trào hồi hương từ đó về Israël.
Xin nhắc lại: Trong việc người Do Thái mưu cầu lập quốc, Liên Bang Sô Viết đã hậu thuẫn thành lập Israël với hậu ý tạo được thêm một quốc gia cộng sản nằm trong quỉ đạo của mình, ai dè Israël vốn đặt nền tảng trên tư tưởng Sionisme (chủ nghĩa Do Thái tự trị), chống các đế quốc Ottoman, Anh và sau nầy chống luôn đế quốc Liên Sô.
- David Ben Gourion tuyên bố với ông McDonald, đại sứ Hoa Kỳ, thời tổng thống Truman: "Israël chào đón sự nâng đỡ của Nga Sô trong LHQ nhưng sẽ không độ lượng sự khống chế của Nga Sô. Không những Israël có định hướng thân tây phương mà dân tộc chúng tôi vốn dân chủ và nhận thấy chúng tôi chỉ có thể trở nên hùng mạnh và tự do xuyên qua sự hợp tác với Hoa Kỳ."
1969 - Bà Golda Meir (đảng Lao Động) đắc cử thủ tướng. - Mở màn cuộc chiến dọc theo kênh đào Suez. Yasser Arafat (1929-2004) nắm quyền lãnh đạo Tổ Chức Giải Phóng Palestine (OLP).
1969-1972 - Hành khách gốc Do Thái và công dân Israël trên các tuyến bay quốc tế thường xuyên bị khủng bố.
1969, tháng 12 - Trong buổi họp thượng đỉnh các quốc gia Ả Rập, tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser (1918-1970) phản đối một cuộc chiến mới giữa Do Thái và Ả Rập. (trước đó, ngày 27/05/1967, TT Nasser từng tuyên bố"mục tiêu cơ bản của chúng ta là tiêu diệt quốc gia Israël").
1970, tháng 9 Đen
1971 - Xung đột giữa nhóm Fedayin (Ả Rập Palestine) và Jordanie; giữa Jordanie và Jordanie.
1972, ngày 04/09 - 11 vận động viên Israël bị nhóm Fath (OLP / PLO) ám sát tại Thế Vận Hội Munich, dù vậy các cuộc đua tài vẫn diễn tiến bình thường.
1973 - Ngày 06/10 (cuộc chiến Kippour): Là ngày lễ Yom Kippour của Do Thái Giáo (Ngày Đại Hối: nguyện cầu và nhịn ăn), Egypte và Syrie bất ngờ tấn công Israël, với chủ đích giành lại các vùng đất bị Israël chiếm trong cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967. Lúc đầu Israël chới với, nhưng mấy ngày sau nhờ Mỹ không vận vũ khí, họ đã đẩy lui được kẻ thù. Liên Hiệp Quốc lại áp đặt lệnh ngưng chiến ngày 22/10/1973, chiến cuộc ngưng hai ngày sau (25/10/1973). Sau cuộc thất bại nầy, các xứ Ả Rập tăng giá dầu thô và ngưng xuất cảng dầu qua các xứ ủng hộ Israël: Đó là cuộc khủng hoảng dầu hoả năm 1973.
- Nhóm Fath bị giải tán.
1974 - Tổ Chức Giải Phóng Palestine (OLP / PLO) của Yasser Arafat được Liên Hiệp Quốc công nhận tính cách đại diện cho dân tộc Palestine.
1975, ngày 17/10 - Liên Hiệp Quốc biểu quyết một khế ước ngụ ý đồng hoá chủ nghĩa Do Thái tự trị (Sionisme) với chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Chiến tranh dân sự bùng nổ tại Liban. Hai năm xung đột: 100.000 người chết.
- Kênh đào Suez được mở cửa trở lại, chấp thuận đón tiếp tàu bè của Israël.
1977 - Tháng 5: Bầu cử tại Israël: Lần đầu tiên đảng Likoud chiếm đa số, Menahem Begin lên làm thủ tướng.
Ngày 20/11 - Tổng thống Ai Cập, Anouar El-Sadate (1918-1981) tuyên bố chấm dứt 30 năm thù nghịch với Israël và đọc một bài diễn văn tại quốc hội Israël (Knesset tại Jérusalem), đề nghị một nền hoà bình"công bằng và bền vững": "[...] Mọi sự sống bị mất đi trong chiến tranh là sự sống của mỗi con người, dẫu là Ả Rập hay Israël. Mọi phụ nữ mất chồng là một con người có quyền sống trong một gia đình hạnh phúc, dẫu là Ả Rập hay Israël. Những đứa trẻ bị cướp đi sự chăm sóc của người cha là những đứa trẻ của mỗi chúng ta, trên đất Ả Rập hay trên đất Israël và chúng ta có bổn phận to lớn là lo toan sao cho chúng có được một hiện tại sung sướng và một tương lai tốt đẹp." "[...] Tôi nói thật với quí vị rằng, hoà bình chỉ trở thành hiện thực khi nó được đặt nền móng trên lẽ công bằng chứ không phải trên sự chiếm đóng đất đai của kẻ khác. Không thể nào chấp nhận được khi quí vị đòi hỏi cho quí vị những điều mà chính quí vị từ chối cho kẻ khác." "[...] Hoà bình không phải là xảo thuật của các biểu ngữ để biện hộ cho những thèm muốn hoặc để che giấu những tham vọng. Hoà bình, trong tinh túy của nó, thường đối lập với mọi thèm muốn và mọi tham vọng." (trích dịch từ:
1978, ngày 17/09 - Tổng thống Hoa Kỳ, Jimmy Carter, mời tổng thống Anouar El-Sadate và thủ tướng Israël Menahem Begin đến Camp David (Maryland) để điều đình hoà ước.
- Hai ông Sadate và Begin đồng nhận giải Nobel Hoà Bình.
1979, ngày 26/03 - TT Sadate và TT Begin ký hoà ước Camp David: Israël rút quân ra khỏi Sinaï, đổi lại Egypte công nhận quốc gia Israël và hứa để cho tàu bè của Israël qua lại Kênh Suez trong địa phận của mình. Nhiều cuộc xuống đường do các nhóm Hồi giáo cực đoan tồ chức khắp các thủ đô Tây Âu, đặc biệt tại Bruxelles, với biểu ngữ: Begin, Sadate, Sát nhân.
1980 - Israël tuyên bố chính thức lấy Jérusalem làm thủ đô của mình: Các nước Âu Tây không chấp nhận và vẫn giữ nguyên đại sứ quán của mình tại Tel Aviv.
1981, ngày 06/10 - Tổng thống Anouar El-Sadate bị ám sát bởi một người Ả Rập cực đoan.
1982 - Tháng 04: Thể theo hoà ước ký với Egypte năm 1979, quân đội Israël phá hũy toàn bộ căn cứ của họ trên bán đảo Sinaï đồng thời đưa tất cả những người israëliens cư ngụ ở đây về Israël. Trao trả Sinaï lại cho Egypte.
- Tháng 06: Quân đội Israël tiến thẳng vào thủ đô Beyrouth của Liban, truy lùng và triệt hạ quân Syrie và Palestine. Israël"liên minh"với Liban, đồng nghĩa với sự chiếm đóng.
- Ngày 15/09: Bộ trưởng Quốc Phòng Israël, Ariel Sharon, kinh sát một đồn chỉ huy của Israël gần các trại của người Palestine tại (Liban). Sau đó mấy giờ thì xảy ra vụ thảm sát 800 thường dân tị nạn Palestine, nghe nói thủ phạm chính là Elie Hobeika, đặc trách tình báo của Liban; sau trở thành bộ trưởng Liban thân Syrie và bị ám sát tại nhà riêng ngày 24/01/2002. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ thảm sát Sabra và Chatila trên vẫn còn là nghi vấn bao quanh nhân vật sẽ trở thành thủ tướng Israël sau nầy.
1984 - Quốc Hội Israël thành lập một chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia để giải quyết khủng hoảng kinh tế và lập chương trình rút quân ra khỏi Liban.
- Đợt hồi hương người Do Thái lần thứ nhất từ Ethiopie về Israël qua chiến dịch Moïse.
1985 - Israël rút quân ra khỏi Liban, chỉ giữ lại một số nhỏ ở phía nam Liban, giáp ranh với Israël.
1986 - Thủ tướng Yitzhak Shamir (đảng Likoud) đắc cử nhiệm kỳ 2 (kỳ đầu: 1983-1984, kỳ ba: 1988-1992)
1987 - Người Palestine khởi động chiến tranh ném đá (Intifada) lần thứ nhất để đáp lại việc Israël chiếm đóng Cisjordanie và dải Gaza. Cuộc xung đột nầy được kết thúc qua thoả ước Oslo, ký kết tại Washington ngày 13/09/1993 bởi thủ tướng Israël Yitzhak Rabin và chủ tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine (OLP) Yasser Arafat. Thoả ước nầy dự kiến thành lập Quyền Lực Palestine và sự công nhận hổ tương giữa OLP và Israël.
1988 -Yasser Arafat, chủ tịch Tổ chức Giải Phóng Palestine (OLP/PLO) công bố tại thủ đô Alger (Algérie) thành lập quốc gia Palestine độc lập, cũng quyết chọn Jérusalem làm thủ đô. Đồng thời Arafat thừa nhận quyền hiện hữu của Israël và lên án khủng bố. OLP / PLO chấp nhận sự hiện hữu 2 quốc gia: Một Do Thái và một Ả Rập trên giải đất Palestine.
1989 - Tháng 11: Bức tường Berlin xụp đổ kéo theo sự tan rả của khối Đông Âu đồng thời bắt đầu hàng loạt việc hồi hương của người Do Thái từ Liên Bang Sô Viết và các nước cộng sản cũ.
1990 - Đợt hồi hương người Do Thái lần thứ nhì từ Ethiopie về Israël qua chiến dịch Salomon.
- Ngày 2 tháng 8: Irak thôn tính tiểu quốc Koweit.
1991 - Ngày 15/01: Chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất giữa Mỹ + đồng minh và Irak: Tiểu vương quốc Koweit được giải phóng, Irak của Sadam Hussein bị phong toả.
- Ngày 30/10: Hội Nghị Hoà Bình lần thứ nhất tại Madrid giữa Israël và các nguyên thủ các xứ Ả Rập, dưới sự bảo trợ của Mỹ và Nga Sô. Đây là bước đầu của các cuộc điều đình song phương rồi đa phương trong tương lai giữa các phe có liên quan tới khủng hoảng tại Cận Đông.
- Tháng 12: Mikhail Gorbatchev tuyên bố sự cáo chung của Liên Bang Sô Viết.
1992 - Bầu cử quyền lập pháp tại Israël: Đảng Lao động trở lại cầm quyền, Yitzhak Rabin làm thủ tướng lần thứ nhì (lần thứ nhất: 1974-1976).
1993 - Ngày 13/09: Ký kết bản Tuyên Bố Các Nguyên Tắc (Déclaration de Principes = Thoả ước Oslo) giữa Israël và OLP. Buổi ký kết nầy kết thúc với cái bắt tay đi vào lịch sử giữa Yitzhak Rabin và Yasser Arafat tại công viên Nhà Trắng với sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton.
- Sau thoả ước nầy, OPL của Yasser Arafat kiểm soát một số đất đai Palestine nhưng lốm đốm, rời rạc nên được mệnh danh là lãnh thổ Da Beo.
- Ngày 14/09: Israël và Jordanie ký kết một chương trình chung về nguyên tắc cho một hiệp ước hoà bình.
1994 - Ngày 25/02: Bác sĩ người Israël, Baroukh Goldstein thảm sát 29 tín đồ Hồi Giáo tại Hébron.
- Ngày 04/05: Ký kết thoả ước về dải Gaza và Jéricho giữa Israël và OLP
- Tháng 07: Arafat đặt bản doanh Quyền Lực Palestine trong dải Gaza
- Ngày 26/10: Hiệp Ước Hoà Bình giữa Israël và Jordanie.
- Ngày 12/12: Yitzhak Rabin, Shimon Peres và Yasser Arafat đồng nhận giải Nobel hoà bình.
- 1995, ngày 04/11: Thủ tướng Israël Yitzhak Rabin bị ám sát bởi Yigal Amir, một công dân israël cực đoan. Shimon Peres được hội đồng liên hiệp quốc gia đề cử lên thay.
1996 - Ngày 24/04: Hội Đồng Quốc Gia Palestine hũy bỏ mọi điều khoản trong bản Hiến Chương của mình, liên quan tới việc công nhận sự hiện hữu của quốc gia Israël.
- Ngày 29/05: Bầu cử trước hạn kỳ tại Israël, Benjamin Netanyahu (đảng Likoud) đắc cử thủ tướng.
- Ngày 08/10: Lần đầu tiên Yasser Arafat viếng thăm Israël.
- Từ phía nam Liban nhóm Hồi Giáo cực đoan Hezbollah phóng đạn pháo qua Israël, Israël phản công dữ dội qua chiến dịch"Những trái nho của sự phẫn nộ".
1997 - Tháng giêng: Quân đội israël rời khỏi thành phố Hébron, trao quyền kiểm soát lại cho Quyền Lực Palestine của Yasser Arafat. 1998
- Từ 1996 đến 1998, các cuộc thương thuyết Oslo 2 dẫm chân tại chỗ, Israël và Quyền Lực Palestine đổ lỗi cho nhau. Mải đến tháng 10 tại Wye River (Wye Plantation, Hoa Kỳ) hai bên mới mở lại việc đàm phán. 1999
- Ehud Barak (đảng Lao Động) đắc cử thủ tướng Israël, thay thế Benjamin Netanyahu. Ehud Barak có tham vọng chấm dứt xung đột và tiến tới hoà bình với Palestine đúng y theo thoả ước và tinh thần Oslo 2. Ông đã táo bạo đề nghị bỏ qua các giai đoạn trung gian theo thoả ước để tiến thẳng tới quy chế thường trực. Phía Palestine không chịu vì sợ bị mắc bẫy.
XIN XEM PHẦN 5
| |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét