. SUY NIỆM CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ VÀ SỐNG SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI.
[Bài của Lm Giuse Đinh lập Liễm, Giáo xứ Kim Phát/ Đà Lạt]
Trong năm phụng vụ chỉ có ba lễ mừng Sinh nhật. Đó là giáng sinh của Đức Giêsu (25/12), sinh nhật của Đức Maria (8/9) và sinh nhật của Gioan Tẩy giả.
Như vậy, ngoại trừ Đức Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ có thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh được mừng vào ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế : các đấng khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày chết. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24/6, có nghĩa là 6 tháng trước ngày sinh nhật của Chúa Cứu Thế. Ngoài ra ngài còn được mừng một ngày nữa vào ngày 29/8 tức là ngày ngài bị chém đầu.
I. THÂN THẾ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Thánh Gioan Tẩy giả có nhiều điều kỳ diệu mà chúng ta biết được do Kinh Thánh còn ghi lại. Phải chăng đây là một con người sẽ mang lấy một sứ mạng đặc biệt mà Thiên Chúa sẽ ban cho?
1. Sinh nhật của Gioan
Gioan được sinh ra một cách đặc biệt. Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của con trẻ :”Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14).
Hai ông bà Zacharias và Elizabeth là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không có con, vì bà Elizabeth là “người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên” (Lc 1,6-7).
Vậy bà đã sinh con “Bà sinh hạ một con trai, nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57-78).
Trong Cựu ước cũng có những bà sinh con kỳ diệu như thế, ví dụ bà Sara mẹ của Isaác (St 11,30; 21,17), bà Rebecca mẹ của Esau và Giacóp (St 25,21-26), bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30, 22-24), bà Anna mẹ của Samuel (1 Sm 1,2-20)…
2. Đặt tên cho Gioan
Gioan sinh được 8 ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Zacharias, nhưng bà Elizabeth lên tiếng:”Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc, vì trong họ hàng của bà không ai có tên đó cả. Khi ông Zacharias viết tên Gioan lên tấm bảng, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm và nói lại được như trước kia” (Lc 1, 59-65).
Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra Gioan :”Quả thật, vì có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66). Như vậy, sinh nhật kỳ diệu của Gioan cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.
3. Ý nghĩa của tên Gioan
Theo tiếng Do thái, Gioan có nghã là Thiên Chúa là Đấng thương xót. Nơi Gioan, Thiên Chúa đã thể hiện rất rõ lòng thương xót của Ngài. Gioan được sinh ra khi cha mẹ son sẻ lại đã già rồi, như món quà đặc biệt được Thiên Chúa ban cho.
Và tên đặc biệt này do thiên thần bảo phải đặt (Lc 1, 13). Như thế, Gioan Tẩy Giả là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ trong bụng mẹ, để trở thành tiên tri loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
II. SỨ MẠNG CỦA GIOAN
Ơn gọi làm tiên tri, làm chứng nhân của Đấng Cứu Thế đã được loan báo trước trong Cựu ước và được thực hiện trong Tân ước.
- Tiên tri Isaia loan báo: “Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm hãy san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.
- Tiên tri Malakia tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đến để lòng cha ông quay về với con cháu”(Ml 3,1-24; Mt 1,10; Lc 1,17; 7,27). Lời tiên tri Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
- Sứ thần truyền tin xác nhận : Sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với ông Zacharias, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp sinh ra là Gioan Tẩy giả: “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa (Lc 1,17).
- Sứ thần truyền tin xác nhận : Sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với ông Zacharias, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp sinh ra là Gioan Tẩy giả: “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa (Lc 1,17).
- Thân phụ Zacharias: Dưới tác động của Thánh Thần, Zacharias đã hát lên bài ca chúc tụng Benedictus về ơn gọi của người con của mình: “Hài nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, báo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).
- Khẳng định của Gioan: Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy tại Enon, gần Salem thuộc miền Giuđê, chính Gioan đã xác định ơn gọi của mình: “Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: ”Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” (Ga 3,28).
Để chuẩn bị tâm hôn cho mọi người đón nhận Đấng Cúu Thế, ông đã rao giảng sự sám hối, thanh tẩy và tha tội. Chính ông đã làm nghi thức thanh tẩy cho Đấng Cứu Thế trong nước sông Gio-đan. Ông giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Khi môn đệ rời bỏ mình đi theo Chúa Giêsu, ông không buồn. Khi người ta bỏ ông kéo nhau đi nghe Chúa giảng, ông mãn nguyện nói: “Người cần phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Thấy ít người còn quyến luyến, tưởng ông là Đấng Cứu Thế, ông đã thành thật thanh minh: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, Đấng đến sau tôi, có trước tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”, nghĩa là không đáng làm đầy tớ của Người.
Ông đã làm chứng cho Ngài bằng một cái chết đặc biệt: Ông dám can ngăn vua Hêrôđê không được lấy vợ anh mình, nên bị vua tống giam. Đặc biệt là bà Hêrôđia vợ tiểu vương Philipphê anh vua, muốn lấy Hêrôđe, rất căm giận ông Gioan. Dịp may đã đến, hôm đó vua Hêrôđê tổ chức mừng sinh nhật mình, có đủ bá quan văn võ được mời tới tham dự. Con riêng nàng Hêrôđia vòa nhảy múa giúp vui. Trước điệu múa duyên dáng và quyến rũ của thiếu nữ, Hêrôđê hứa sẽ ban cho cô bất cứ điều gì cô muốn. Cô gái về hỏi mẹ. Mẹ cô thản nhiên đáp: Đầu của Gioan trên đĩa. Ít phút sau, đầu của Gioan được để trên đĩa, và cô gái đem về trao cho mẹ nó!
Ơn gọi của Gioan là làm chứng. Ông là một chứng nhân của Chúa Cứu Thế. Nếu lời giảng của ông chưa đáng tin thì cuộc sống của ông có đầy sức thuyết phục và nếu cuộc sống của ông chưa thuyết phục thì cái chết của ông sẽ là chứng tá hùng hồn nhất.
III. SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA
Nhân ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cùng kiểm điểm lại xem chúng ta đã làm chứng cho Chúa như thế nào.
Có người Kitô hữu nào lại không được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô? Và làm sao có thể làm chứng nhân cho Chúa Kitô, nếu không kiên trì sống chết cho Đấng mình rao giảng. Nếu Gioan Tẩy giả cũng như các tiên tri đã nhận một ơn gọi rõ rệt và trực tiếp của Thiên Chúa, thì mỗi người chúng ta sinh vào đời và được tái sinh làm con Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, đều có chung một ơn gọi, một sứ mạng như các ngài, là loan báo Chúa Kiitô cho mọi người và dọn đường chuẩn bị cho mọi người đến với Chúa Kitô bằng một đời sống âm thầm cầu nguyện, khiêm tốn phục vụ và nhiệt thành trong hoạt động tông đồ.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng: sứ mạng tiên tri thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị tiên tri làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đanh vào thập giá. Các thánh Tử đạo cũng làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Thánh Gioan Tẩy giả được sinh ra và lớn lên trong bàn tay của Thiên Chúa đã sống đúng vai trò tiên tri dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.
Trong vai trò làm chứng nhân cho Chúa, chúng ta phải biết quên mình để chỉ tìm vinh quang Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho anh chị em đồng loại, làm cho Chúa lớn lên trong mọi người. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta đều phải nhằm mục đích làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa, cho sự giải phóng của con người. Điều này có nghĩa là phải làm sao cho mỗi hành động của chúng ta làm nổi bật lên khuôn mặt của Chúa Kitô, chứ không phải tư lợi, hư danh hay uy tín của bản thân.
Thi sĩ Nguyễn công Trứ là một người có chí khí hào hùng, thúc giục thanh niên phải phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, phải lấy cái danh làm đích để ngắm, phải tạo lấy cái danh để lại cho hậu thế, đừng để uổng phí cuộc đời mình. Chính thi sĩ đã phải vật lộn với cuộc đời mình, từ ông quan đã phải xuống làm lính, rồi phấn đấu lại trở thành ông quan, mở mang ruộng đất giúp cho dân chúng miền Tiền Hải có một đời sống ấm no. Ông đã thành công. Danh của ông đã được vinh hiển và còn lưu lại mãi nơi người dân. Ông đã khẳng định:
Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Nguyễn công Trứ)
Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Nguyễn công Trứ)
Trong việc phụng sự Chúa, chúng ta không cần làm vinh danh mình mà chỉ cần làm vinh danh Chúa. Thánh Inhaxiô Loyola, ông tổ của dòng Tên, đã nêu lên một khẩu hiệu rất ý nghĩa cho các tu sĩ của Dòng mình bằng mấy chữ viết tắt: A.M.D.G. (ad majorem Dei gloriam): làm cho Chúa được vinh hiển hơn.
Trong khi rao giảng Chúa cho người khác, chúng ta phải giới thiệu chính Chúa cho anh chị em, chứ không phải để phô trương bản thân mình. Để được như vậy, đòi hỏi nơi chúng ta nhiều can đảm, kiên trì và hy sinh. Phải sẵn sàng sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận. Gioan Tẩy giả chính là gương mẫu của người làm chứng và người dọn đường cho Chúa Kitô, gương mẫu của mỗi người Kitô hữu, của toàn thể Giáo hội trong vai trò làm chứng và rao giang Đức Kitô của mình.
[Nguồn: web/simonhoadalat]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét