Hội Thảo về Kinh Thánh
Tác giả: Nt. Thanh Nga CND - Ngày 30/05/2012
Tác giả: Nt. Thanh Nga CND - Ngày 30/05/2012
HỘI THẢO VỀ KINH THÁNH
Hội thảo quốc tế lần thứ 6 của RRENAB (Mạng lưới Nghiên cứu Phương pháp Phân tích Thuật truyện và Kinh Thánh) đã được tổ chức tại đại học Công giáo Louvain (UCL) từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 05 vừa qua, dưới ánh mặt trời ấm áp sau những ngày mùa xuân lạnh lẻo ướt át…
RRENAB là một tổ chức quy tụ các nhà chú giải trên thế giới, từ các phân khoa Kinh Thánh của : đại học Lausanne Thụy Sĩ, học viện Thần học Tin lành Paris và Montpellier, học viện Dòng Tên Paris (Centre Sèvres), đại học Công giáo Paris, đại học Công giáo Lyon, đại học Montréal, đại học Laval - Québec, đại học Saint Paul - Ottawa, đại học Công giáo Louvain.
Ủy ban Nghiên cứu điều hành RRENAB gồm các nhà chú giải : Dirk De Geest (KU Leuven), Françoise Mies (FUNDP), Sophie Ramond (IC Paris), Jean-Pierre Sonnet (U.Grégorienne Rome), Hans Ausloos, Camille Focant, Didier Luciani, Geert Van Oyen, André Wénin (UCL).
Hai năm một lần, các cuộc hội thảo của RRENAB tạo điều kiện cho các nhà chú giải, các giáo sư, các nhà nghiên cứu và các sinh viên đang chuẩn bị luận án tiến sĩ Kinh Thánh gặp gỡ thân tình và cùng nhau trao đổi, trình bày các nghiên cứu, đào sâu bản văn Kinh Thánh. Mỗi cuộc hội thảo xoay quanh một chủ đề khác nhau. Lần này, chủ đề của RRENAB xoáy vào « ĐỘC GIẢ » và phương pháp đọc bản văn, nhằm nuôi dưỡng niềm khao khát đọc và đọc lại các bản văn Cựu Ước - Tân Ước, kín múc những ý nghĩa thâm sâu vô hạn.
Giáo sư Vincent Jouve, khoa văn chương Pháp đại hoc Reims Champagne-Ardenne, đã khai mạc hội thảo 2012 bằng bài diễn thuyết về một số nguyên tắc lý thuyết đối với việc nghiên cứu một tác phẩm văn chương. Ông đã nêu lên những câu hỏi đa dạng, gợi ý cho việc nghiên cứu tuyệt tác Kinh Thánh : ý nghĩa và giá trị của một tác phẩm có tính độc lập hay không đối với cái nhìn của độc giả ? Ba khía cạnh : văn chương, đạo đức và tri thức của một tác phẩm đóng góp gì cho « độc giả », người chịu nhiều thách đố về phương pháp và tiêu chí để đọc một tác phẩm văn chương ?
Giáo sư Vincent Jouve, khoa văn chương Pháp đại hoc Reims Champagne-Ardenne, đã khai mạc hội thảo 2012 bằng bài diễn thuyết về một số nguyên tắc lý thuyết đối với việc nghiên cứu một tác phẩm văn chương. Ông đã nêu lên những câu hỏi đa dạng, gợi ý cho việc nghiên cứu tuyệt tác Kinh Thánh : ý nghĩa và giá trị của một tác phẩm có tính độc lập hay không đối với cái nhìn của độc giả ? Ba khía cạnh : văn chương, đạo đức và tri thức của một tác phẩm đóng góp gì cho « độc giả », người chịu nhiều thách đố về phương pháp và tiêu chí để đọc một tác phẩm văn chương ?
Buổi sáng ngày kế tiếp, giáo sư chú giải Tân Ước Geert Van Oyen (UCL) đã chào đón nồng nhiệt các « độc giả » với phần trình bày « đọc Tân Ước hay là cuộc đối thoại giữa bản văn với độc giả ». Ông đã xác định vị trí của « độc giả thật - hiện nay » chính là đối tượng tối hậu của bản văn Kinh Thánh, mặc nhiên trong cách đọc Tân Ước, cũng như trong lối tiếp cận phân tích truyện kể. « Độc giả » không chỉ can dự vào bản văn khi ứng dụng cho riêng mình sau khi đọc, mà còn là nhân vật quan trọng ngay cả trước khi đọc bản văn, bởi tự bản chất bản văn đã có đối tượng « độc giả » rồi. Cần chú trọng đến vai trò của « độc giả thật - hiện nay » vì đây là điều kiện để thật sự biết chấp nhận tính cách đa dạng, đa phong cách của các độc giả khắp mọi nơi, và hiểu được giới hạn của độc giả trước những tiêu chuẩn đọc bản văn hay tiêu chuẩn của thể chế. Phương pháp đối thoại của các « độc giả thật » với cách diễn giải bản văn có thể giúp giải quyết các thách đố trên.
Vào buổi chiều cùng ngày, giáo sư chú giải Cựu Ước Jean-Louis Ska (PBI Rome) đã trình bày cho các tham dự viên bài nghiên cứu sắc sảo về một số mốc diễn tiến lịch sử chú giải quan trọng, đặc biệt trong khoa chú giải các truyện kể :
– đường hướng chú giải các truyện kể của các giáo phụ phỏng theo lối các nhà ngữ học Hy-lạp đọc tác phẩm của Homère ;
– đường hướng chú giải thời Trung đại mang sắc thái riêng biệt khi rời bỏ đường lối của Platon và chọn đọc Sách Thánh theo các phạm trù của Aristote ;
– đến thời Phục Hưng, nhờ thừa hưởng các tiến bộ trong lãnh vực ngữ học cổ điển, các nhà chú giải đã trở về nguồn, tìm đọc bản văn Kinh Thánh gốc bằng tiếng Hip-ri, A-ram và Hy-lạp ;
– bước sang kỷ nguyên Ánh sáng, các nhà chú giải đã muốn đọc Kinh Thánh « như bất kỳ một quyển sách nào khác » và ra sức tìm hiểu nguồn gốc cũng như kỹ thuật biên soạn bản văn. Và trong thời gian vừa qua, yếu tố đọc Kinh Thánh « như một tác phẩm văn chương » đã được đề xướng. Ông H. Gunkel đã khai pháo chú giải sách Sáng thế bằng các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ văn chương Đức. Một số nhà chú giải khác tiếp nối ông đã dựa theo các quy luật của một « phương pháp phê bình mới » về các ký hiệu hay cấu trúc bản văn.
Tuy nhiên diễn giả J.L.Ska cuối cùng nhấn mạnh rằng Kinh Thánh có thể đọc như một tác phẩm văn chương, nhưng phải hiểu biết thấu đáo đây là loại văn chương nào ? Và « độc giả » cần hội đủ điều kiện nào để tiếp cận ?
Vào ngày cuối cùng, cuộc hội thảo buổi sáng thay đổi bầu khí với phần trình bày bằng anh ngữ của giáo sư Richard S. Briggs (Durham University UK) về tầm quan trọng trong việc đào tạo « độc giả Kinh Thánh », ông đã sơ lược hình ảnh « độc giả » trong quá khứ và hiện tại, « độc giả thật và tiềm ẩn », « độc giả lý tưởng và độc giả theo ý thức hệ ». Ông chú trọng đến việc khơi dậy và gầy dựng ý chí ham muốn đọc Kinh Thánh nơi bất kỳ độc giả nào. Điều này giả định một sự trợ giúp hữu hiệu cho độc giả ngày nay hiểu biết thêm nhiều phương pháp đọc và chú giải, đón nhận các tiêu chuẩn giúp đánh giá cách đọc bản văn Kinh Thánh.
Hội thảo kết thúc bằng phần diễn thuyết của giáo sư chú giải Tân Ước Elian Cuvillier thuộc Học viện Thần học Tin lành Montpellier. Đề tài xác tín của ông là « Diễn giải bản văn Kinh Thánh : mồi nhử của độc giả ». Ông đã chơi chữ khi dùng hai hạn từ pháp ngữ đồng âm để trình bày vấn đề này : « Thời điểm của độc giả » (l’heure du lecteur) đối với bản văn Kinh Thánh được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây, và theo ông, đọc và diễn giải bản văn chẳng phải là « mồi nhử » cho độc giả sao ? « Mồi nhử độc giả » (leurre du lecteur) vì thế bao hàm cách diễn giải bản văn Kinh Thánh với một khoảng cách nhất định, với ý thức giới hạn tính chủ quan của bản thân. Ông Cuvillier đã dẫn vài ví dụ trong tác phẩm văn chương của Alphonse Allais với phần bình luận của ba độc giả nghiên cứu phê bình nổi tiếng là Jacques Lacan, Umberto Eco và Francis Corblin. Sau đó, ông đã dẫn chứng lối chú giải Thư Gia-cô-bê từ thời Luther đến nay, và rồi chọn đọc một số dụ ngôn trong Tin mừng Mat-thêu. Ông kết luận rằng, chúng ta cần chú tâm đến nhiệm vụ « diễn giải bản văn như một cuộc đối thoại gay go giữa bản văn và độc giả ». Diễn giải bản văn là nghiên cứu nghiêm túc các chiến thuật biên sọan và hiểu biết thông điệp bản văn của tác giả, điều này đòi buộc độc giả phải rời bỏ vị trí chủ quan của mình để không rơi vào tình trạng lầm tưởng rồi áp đặt ý nghĩa « luân lý dạy đời » nào đó. Bản văn Kinh Thánh là nơi gặp gỡ Lời, và diễn giải Lời đòi buộc giải gỡ những khoảng cách và những hiểu lầm tai hại.
Ngoài 5 buổi diễn thuyết dài với phần thảo luận sôi nổi, các tham dự viên còn được chọn đăng ký tham dự những « nhóm thảo luận phương pháp » hay « nhóm thảo luận bản văn ». Lựa chọn nào cũng phải hy sinh ít nhiều, vì nhóm nào cũng có những tiêu đề độc đáo giúp học hỏi, đào sâu việc nghiên cứu phê bình bản văn. Trong giới hạn này, người tham dự trực tiếp xin trưng dẫn hai nhóm điển hình :
Một « nhóm thảo luận bản văn » gồm ba giáo sư Dany Nocquet, Corinne Lanoir, và J.Albert Roetman đã trình bày đề tài « Độc giả trực diện với lịch sử. Nghiên cứu tóm kết các yếu tố lịch sử trong Ngũ Thư và trong văn chương lịch sử Cựu Ước ». Các diễn giả đã đề nghị đọc một số bản văn trong Ngũ Thư và các sách Giô-suê, Thủ lãnh, các Vua và Thánh vịnh để định vị « độc giả » trải qua các thời đại lịch sử kể từ thời khai nguyên, và cho thấy rằng độc giả mỗi thời đã đọc và đã viết lại theo cách của mình khi trực diện với lịch sử.
Một « nhóm thảo luận phương pháp » do giáo sư chú giải Tân Ước Massimo Grilli và giáo sư chú giải Cựu Ước André Wénin chủ tọa, đã trình bày yếu tố « tình tiết cuộc đối thoại giữa độc giả thật và độc giả tiềm ẩn » khi nhìn từ khía cạnh thực hành. Giáo sư Grilli đã nhấn mạnh đến khía cạnh « ứng dụng thực hành » của bản văn. « Tác giả tiềm ẩn » đã đan dệt bản văn bằng những sợi chỉ dẫn dụ, truyền đạt thông điệp với nhiều ký hiệu và ý nghĩa biểu trưng để gởi gắm cho « độc giả tiềm ẩn ». Với đường lối tiếp cận ứng dụng thực hành đặt trong bối cảnh lịch sử bản văn Kinh Thánh, « độc giả thật » ngày nay được thúc bách « tái hiện » lại nơi bản thân thông điệp của « tác giả tiềm ẩn » dành cho « độc giả tiềm ẩn ». Đọc bản văn Kinh Thánh theo lối tiếp cận này giúp độc giả khám phá « sự thật » của bản văn, sự thật của mối liên hệ không thể tách rời giữa « biểu hiện » và « biến đổi » (theo cách nói của Ricoeur).
Ngoài ra, ban tổ chức hội thảo còn dành một buổi cho các giáo sư hay sinh viên đang chuẩn bị luận án tiến sĩ trình bày các nghiên cứu của mình.
Và để kết thúc, năm diễn giả chính đã mời các tham dự viên trao đổi lượng giá khóa hội thảo. Tất cả các tham dự viên rất hài lòng với lần gặp gỡ này và đánh giá cao cuộc trao đổi nghiên cứu trong lãnh vực chú giải Kinh Thánh. Một vài vấn nạn, ưu tư đã được tỏ bày. Các nhà chú giải thấy cần minh định rõ ràng hơn để tránh nhầm lẫn về :
– « sự thật của bản văn » và « sự thật mang ý nghĩa thần học »
– « thế lực của bản văn » và « thế lực của độc giả »
Vấn đề truyền bá phương pháp đọc bản văn Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu cũng là điểm nhấn cuối cùng trong phần lượng giá này. Xét đến khía cạnh ứng dụng thực hành thì việc đào tạo các độc giả Kinh Thánh là cấp bách, vì « độc giả » đóng vai trò tích cực trong cách đọc và diễn giải bản văn và nói cách khác « độc giả » cũng là « đồng tác giả » bản văn Kinh Thánh xuyên suốt mọi thời đại.
Ngày 28/05/2012
Ngày 28/05/2012
Ghi chú :
– Trong cuộc hội thảo này, các nhà chú giải đã « sáng tạo » một số từ ngữ mới trong lãnh vực chú giải khi ám chỉ độc giả thật và độc giả tiềm ẩn như : lecteur empirique, modèle, croyant /// Bible’s reader : real, implied, ideal, ideological.
– Như các lần trước, RRENAB sẽ phát hành văn kiện hội thảo gồm tất cả những bài diễn thuyết, nghiên cứu của các nhà chú giải.
http://kinhthanhchomoinguoi.org/entrydetail/73
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét