Tấm Gương Do Thái

(PHẦN 5)



Vietsciences-PĐT- Hàn Lệ Nhân

1) Dân tộc Do Thái
2) Bước đường lưu vong 
3) Kỳ thị tôn giáo
4) Kỳ thị chủng tộc
5/ Phục Quốc
6/ Xin lưu ý: 
7/ Kiến Quốc
8/ Chiến thắng sa mạc
9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999
10/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006
11/ Cuộc chiến Israël và Hezbollah
12/ Tấm gương Do Thái




---------------------------
Chú thích

(1) Ta có thể gọi trường hợp về vườn của Ben Gourion là trường hợp Công Thành Thân Thoái. Biết mình chỉ hữu dụng trong giai đoạn lập quốc và vụng về trong việc kiến quốc, ông đã rũ áo về sống trong sa mạc, để tiếng thơm đời đời. Tôi chợt nhớ lại giai đoạn huyền sử Phù Đổng Thiên Vương: Đuổi xong giặc Ân là biến mất trên ngọn Sóc Sơn nhưng, nhờ thế, lưu danh thiên cổ. Khác hẳn ai đó đuổi được giặc Ân rồi lại biến thành giặc Ân, do đó khắc xú vạn niên.


10 / Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006

2000
- Ngày 15/02: Đức Giáo Hoàng Jean Paul II ký một hiệp ước với Yasser Arafat trong đó Vatican hứa sẽ phản đối mọi hành động đơn phương của Israël tại Jérusalem và hợp thức hoá mọi giáo sự của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Jérusalem và trên lãnh thổ tự trị Palestine.

- Ngày 21-27/03: Chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Jean Paul II tại Jérusalem, Bethléem, Galillée. Ngài đã chính thức lên tiếng xin lỗi về những khổ đau mà tín đồ Thiên Chúa Giáo đã gây ra cho dân tộc Do Thái suốt dòng lịch sử.

- Ngày 20/06: Khám phá một hố chôn tập thể gồm 52 xác tù binh chiến tranh người Ai Cập, do quân đội Israël hành quyết trong cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967.

- Tháng 07: Hội nghị thượng đỉnh Camp David được mở ra lại nhưng thất bại.

- Ehud Barak mất đa số phiếu tại Knesset, tuy vẫn còn tại vị nhưng đã suy yếu trên mặt chính trị.

- Phần Yasser Arafat, dưới mắt người Palestine, ông không còn là nhà lãnh đạo bình dân như xưa nữa, càng ngày ông càng tỏ ra độc tài, chuyên chế và tham nhũng, do đó mất một phần tín nhiệm trong quần chúng

- Ngày 28/09: Chiến tranh ném đá (Intifada) lần thứ nhì bùng dậy ngay sau khi lãnh đạo đảng Likoud (hữu phái) Ariel Sharon bất ngờ viếng thăm các nhà thờ Hồi Giáo tại Thánh địa Jérusalem, ngụ ý khẳng định Jérusalem là thủ đô của Israël. Cuộc viếng thăm mang tính cách khiêu khích, với một vòng đai an ninh gồm 2.000 cảnh sát, thiết giáp, trực thăng, kết quả: 4.607 người chết (3570 Palestine và 963 Do Thái, theo AFP).

- Tháng 11: Thủ tướng Ehud Barak tán đồng dự án xây một"hàng rào ngăn cản các loại xe có động cơ", từ phía đông-bắc Cisjordanie đến vùng Latrun. Chủ ý là để ngăn chống các nhóm vỏ trang Ả Rập như Hamas, Hezbollah, Al Aqsa và Jihad Islamique.

- Ngày 09/12: Ehud Barak từ chức, hứa tổ chức bầu cử trước thời hạn trong 30 ngày.

- Nếu cọng cả con số thương vong 4.607 người do AFP đưa ra trên kia thì năm 2.000 cuộc xung đột đã làm trên 5.000 người thiệt mạng, con số quá sức tưởng tượng của tôi.
2001

- Ngày 06/02: Ariel Sharon (đảng Likoud) đắc cử thủ tướng Israël.

- Tháng 12: Quân đội Israël vây hãm chủ tịch Yasser Arafat trong bản doanh Quyền Lực Palestine tại Ramallah.

- Trọn một năm xung đột giữa Israël và Palestine qua sự lèo lái của hai vị lãnh đạo bất cộng đái thiên: Thủ tướng"diều hâu"Ariel Sharon và chủ tịch Yasser Arafat:

- Trên mặt chính thức ghi lại từ các nguồn truyền thông, tôi cọng lại được 125 xác chết, hầu hết là thường dân của đôi bên (không tính vô số nạn nhân thương tật khác).

2002
- Ngày 14/04: Trước những cuộc tấn công tự sát của kẻ thù, chính quyền Israël quyết định xây một rào cản chống khủng bố phiá bên nầy làn ranh, cùng lúc khởi công xây một hàng rào trong vùng Anin, khu vực Tulkarem và Jérusalem.
Thành quả của một năm xung đột: 611 xác chết, chủ yếu là thường dân (không tính vô số nạn nhân thương tật khác).

2003
- Tháng giêng:
Bầu cử quốc hội khoá 16 tại Israël, Ariel Sharon tái đắc cử chức vụ thủ tướng trong chính phủ kỳ thứ 13.

- Ngày 01/02: Phi hành gia đầu tiên của Israël, đại tá không quân Ilan Ramon, đồng tử nạn trong phi hành đoàn Colombia của Hoa Kỳ với Rick Husband, William McCool, Michael Anderson, Kalpana Chawla, David Brown và Laurel Clark.

- Thành quả của cuộc tương tranh: 187 xác chết, đa số là thường dân (không tính vô số nạn nhân thương tật khác).
2004

- Ngày 11/11: Chủ tịch Quyền Lực Palestine, Yasser Arafat qua đời vì bệnh tật tại Clamart, ngoại ô Paris, thọ 75 tuồi.

- Thành quả của một năm tương tranh: 267 xác chết, đa số là thường dân (không tính vô số nạn nhân thương tật khác).

2005
Tháng Giêng

Sau cái chết của chủ tịch Yasser Arafat, tiến trình hoà bình Israël-Palestine được mở lại giữa Ariel Sharon và Mahmoud Abbas (Abou Mazen), tân chủ tịch Quyền Lực Palestine (từ 09/01/2005), nhưng coi mòi máu sẽ chảy nhiều hơn từ cả hai phía. Hiện nay, Israël đang chuẩn bị giải toả dải Gaza, sau 38 năm chiếm đóng (1967-2005), dự định sẽ chấm dứt vào ngày 17/08/2005, và hàng ngày cộng đồng kiều dân Do Thái (colons) tại đây đang rầm rộ xuống đường chống lại quyết định của thủ tướng Ariel Sharon. Đặc biệt ngày 30/01, gần 130.000 người Do Thái đã xuống đường tại Jérusalem tỏ thái độ bất bình trước vấn đề này.

Từ 14-18/08/2005 quân đội Israël đã phải cưỡng chế cuộc giải toả hầu giữ đúng ký kết với phía Palestine, đến 12/09 vùng Gaza được chính thức trả lại cho người Palestine.

Nhưng nếu lưu ý quan sát ai cũng có thể thấy ông Sharon nhả Gaza là để giữ vững vùng Cisjordanie: Sự kiến thiết và phát triển nơi đây nhanh với tốc độ chóng mặt, nội trong 3 tháng đầu 2005 đã tăng 85 % so với 2004, riêng phần nhà cửa đã có thêm 700 ngôi. Báo giới mệnh danh vùng này là "Viễn Tây" mới của tư bản Do Thái.

Tháng 2

08/02
- Họp thượng đỉnh giữa Ariel Sharon et Mahmoud Abbas (Abbou Mazen) tại Charm El-Cheikh; Ai Cập, đi đến cam kết chấm dứt mọi xung đột giữa Israël và Palestine (!).

- Ai Cập và Jordanie lại gửi đại sứ qua Tel Aviv sau 4 năm đoạn giao.
21/02

- Chính quyền Israël thả 500 tù binh Palestine, trên số 8.000.

Tháng 3
12/03

- Nhóm võ trang Hamas tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử Lập Pháp Palestine, dự trù vào tháng 7/2005.

Tháng 5
09/05

- Thủ tướng Sharon ra quyết định thi hành lệnh giải toả, bắt đầu từ 14/08.

Tháng 6
02/06
- Israël thả thêm 400 tù binh Palestine.

26/06
- Xung đột giữa kiều dân Do Thái và quân đội có nhiệm vụ giải toả nói trên.


Từ tháng 7 đến cuối năm 2005



- Sau khi chấm dứt chiến dịch Gaza nói trên được 2 tháng, đến tháng 11/2005 thủ tướng Ariel Sharon bất ngờ giải tán Quốc Hội (Kneset) và tự thành lập đảng Kadima (Đảng Tiến Lên), chuẩn bị ra tranh cử và lập chính phủ dự trù sẽ được tổ chức vào 28/03/2006. Khuynh hướng chính trị của đảng Kadima là trung hữu, ôn hoà với tiêu chí: Chúng ta tiếp tục tiến lên.

- Tổng kết về nhân mạng trong cuộc tranh chấp, năm 2005: 155 chết và 628 bị thương.

2006

Tháng Giêng:
Cuối 2005 và đầu 2006, bất ngờ Thủ tướng Sharon được đưa vào nằm bệnh viện vì chứng đột quỵ, phải dùng tới hệ thống thở nhân tạo. Phó thủ tướng Ehud Olmert tạm đảm nhiệm việc điều hành chính phủ theo hiến định, kiêm trọng trách tạm đứng đầu đảng Kadima trong cuộc vận động cho cuộc bầu cử sắp tới.

17/01
Chính phủ Liban yêu cầu Liên Hiệp Quốc gia hạn đặc nhiệm của lực lượng mũ xanh bảo vệ trật tự tại Liban đến 31/01/2007. Lực lượng này có tên là Force Intérimaire des Nations Unies au Liban = FINUL)

20/01
Trong một bản báo cáo định kỳ (tam cá nguyệt), Tổng thư ký LHQ, Kofi Annan đã khẳng định có nhiều vi phạm đình chiến dọc biên giới Israël-Liban.

25/01
Sự kiện quan trọng đáng chú ý trong gần cuối tháng 1, đương nhiên là việc phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas chiếm đa số trong cuộc bầu cử QH. Thủ tướng Ahmed Qorei từ chức. Ismail Haniyeh lên nắm quyền thủ tướng tại vùng đất thuộc Quyền Lực Palestine, người kế vị Yasser Arafat, chủ tịch Abou Mazen coi như bị cô lập.

Hamas theo tiếng Ả rập có nghĩa nhiệt tâm, là một phong trào hồi giáo vũ trang chống Israël, do ông Ahmed Yassine hình thành năm 1987, thân nhóm Những Huynh Đệ Hồi Giáo bên Ai Cập, hiện diện cả bên Jordanie. Có thể so sánh Hamas ở Palestine với Hezbollah bên Liban vì cả hai đều bị Mỹ và đồng minh như Liên Hiệp Âu Châu, Gia Nã Đại... liệt vào danh sách đen: Khủng bố. (sẽ nói thêm trong cuộc chiến Israël-Hezbollah).

30/01
Gần 130.000 người Do Thái xuống đường tại Jérusalem chống lại quyết định giải toả dải Gaza của thủ tướng Sharon.

31/01
Hội Đồng Bảo An LHQ (HĐBA-LHQ) ra nghị quyết 1655, chỉ triển hạn sự hiện diện của lực lượng FINUL đến 31/07/2006 thay vì 31/07/2007 như yêu cầu của Liban.

Tháng 2
02/02

Lực lượng mũ xanh FINUL tìm thấy 1 xác chết người Liban ven làn ranh xanh giữa Liban và Israël, và lấy quyết định tiến hành một cuộc điều tra, đồng thời tiếp xúc với các phiá hầu dự phòng hãm việc leo thang các vi phạm tại đây.
03/02

Lực lượng vũ trang Hồi giáo, hệ Chiite, Hezbollah (nam Liban) oanh tạc các căn cứ quân sự Israël đặt gần nông trường Chebaa, ven biên xanh nói trên. Israël phản pháo, dùng không quân dội bom xuống các chung cư cũng trong phạm vi nông trường Chebaa nhưng nằm bên này làn ranh thuộc Liban. FINUL làm trung gian giải hoà, lại đình chiến.
04/02

Bộ trưởng Ngoại Giao Liban, ông Fawzi Salloukh, đệ đơn lên HĐBA-LHQ, tố cáo Israël vi phạm đình chiến.

07/02
Khoảng 2.000 người Liban thiên Hezbollah biểu tình trước trụ sở FINUL, phản đối việc báo chí Âu Châu cho phổ biến bức biếm hoạ nhà tiên tri Mahomet, giáo chủ bất khả xâm phạm của đạo Hồi. Chúng ta đừng quên là đa số phương tiện truyền thông ở Âu-Mỹ đều gián tiếp hay trực tiếp nằm trong vòng ảnh hưởng của người Do Thái

Tháng 3
Ngày 28/03 đảng Kadima giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Lập pháp tại Israël, được 28/120 ghế trong QH, Ehud Olmert lập chính phủ liên hiệp với đảng Lao Động và đảng Shass (gồm những người Do Thái Séfarade, Bắc Phi) và chính thức thành tân thủ tướng của Israël. Sức khỏe của thủ tướng Sharon coi như hết hy vọng phục hồi.

Tháng 4
07/04
Liên Hiệp Âu châu ngưng viện trợ trực tiếp cho Quyền Lực Palestine dưới chính phủ Hamas của thủ tướng Ismail Haniyeh.

Tháng 6
27/06
Hamas ký một văn bản "đồng thuận quốc gia", công nhận Israël như một quốc gia.
28/06

Lực lượng quốc phòng Tsahal của Israël mở chiến dịch "Mưa mùa hè" (pluie d'été) gồm bộ binh có không quân yểm trợ đánh phá dữ dội dải Gaza, hủy hoại nhiều hạ tầng cơ sở của người Palestine. Israël bắt 8 bộ trưởng, 10 dân biểu và nhiều cán bộ cao cấp thuộc Hamas của Palestine.

Tháng 7 : 
Đến cuối tháng 7, cuộc đụng độ giữa Israël và Hamas-Palestine làm 29 người chết, trong đó có 13 người thuộc thành phần "cực đoan" Palestine. Quân đội Israël truy kích quân Hamas lan tới gần Cisjordanie.