Tấm Gương Do Thái
(PHẦN 2)
Vietsciences-PĐT- Hàn Lệ Nhân
1) Dân tộc Do Thái
2) Bước đường lưu vong
3) Kỳ thị tôn giáo
4) Kỳ thị chủng tộc
5/ Phục Quốc
6/ Xin lưu ý:
7/ Kiến Quốc
8/ Chiến thắng sa mạc
9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999
10/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006
11/ Cuộc chiến Israël và Hezbollah
12/ Tấm gương Do Thái
5/ Phục Quốc
Bao lần quật khởi đẩm máu, người Do Thái vẫn không tránh được cảnh nước mất nhà tan, người người phân tán trên khắp địa cầu. Ở đâu họ cũng bị hất hủi, khủng bố, tàn sát cho nên lòng hoài hương của họ trong suốt 2.000 năm lúc nào cũng đau đáu trong lòng. Nỗi khổ của họ đã làm thi sĩ Anh Cát Lợi Byron buột miệng than"Dân Do Thái khổ hơn những con thú không có hang".
Dù ở Moscou, Paris, New York, Rome, Berlin, Londre ... người Do Thái luôn luôn hướng về thánh địa Jérusalem và xứ Israël, mảnh đất thiên đường mà, nghe nói, Thượng Đế đã đặc ban cho họ, một dân tộc, cũng nghe nói, được Chúa trời chọn. Bất cứ gặp nhau ở nơi nào, họ đều chúc nhau: Sang năm về Jérusalem.
Nói đến công cuộc phục quốc của người Do Thái mà không nói tới Théodore Herzl thì quả là một thiếu sót lớn. Vì nếu không có cuốn sách nhỏ mang tựa đề "Quốc Gia Do Thái" (L'Etat Juif) của Herzl, chẳng biết ngày nay thân phận hậu duệ ông Jacob đã đi đến vực thẳm khổ nhục nào rồi.
Théodore Herzl sinh năm 1860 tại Budapest (Hung Gia Lợi), viết báo, soạn kịch và hành nghề ký giả. Nhân vụ án Alfred Dreyfus, một sĩ quan gốc Do Thái-Alsace trong quân đội Pháp, làm sôi nổi dư luận Âu Châu năm 1894, Herzl được toà báo Neue Freie Press (tân Tự Do) phái tới dự thính vụ xét xử và lột lon Dreyfus (ngày 15/01/1895) trước công chúng Pháp để viết bài tường thuật. Sĩ quan Dreyfus bị Bộ Quốc Phòng Pháp ngờ cho là gián điệp của Đức, bị toà xử tội đày. Dreyfus một mực kêu oan. Nét mặt ông khi ra toà tại Rennes thật thảm thương, chân thành, gây lòng trắc ẩn cho một số người trong đó có văn hào Emile Zola (1840-1902) và ký giả Théodore Herzl.
Nghiệm thấy chứng cớ xử tội Dreyfus không đứng vững và tin rằng Dreyfus bị hàm oan, Emile Zola bèn can đảm viết loạt bài bất hủ nhan đề "Tôi Buộc Tội" (J'accuse) trên tờ l'Aurore (01/1898) để buộc chính phủ Pháp xét lại trường hợp của Dreyfus. Bảy năm sau, có đủ tài liệu chứng minh sự vô tội của Dreyfus, toà phá án và tha bổng Dreyfus. Song sau 12 năm nằm tù một cách oan uổng, Dreyfus đã hoá ra con người bỏ đi.
Chính nỗi bất công mà Dreyfus phải hứng chịu đã thay đổi hẳn một người đồng chủng của ông là Théodore Herzl. Nỗi oan uổng đó đã làm Herzl gậm nhấm rằng "chỉ vì lỡ sinh ra là người Do Thái như mình mà Dreyfus phải bị tội oan". Cái án Dreyfus ám ảnh ông khôn nguôi và non một năm sau, ông viết một cuốn sách nhỏ tựa đề "Quốc Gia Do Thái", xuất bản tại Vienne (Áo) năm 1896. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong sách có đoạn viết "người Do Thái nào muốn có một quốc gia của mình thì sẽ có một quốc gia và xứng đáng được có quốc gia". Ấy vì "chỉ có mình mới tự cứu mình được thôi, và vấn đề Do Thái phải do người Do Thái giải quyết lấy".
Herzl hoạt động hăng say không tiếc sức. Chu du khắp nơi, gặp gỡ hết thảy các nhân vật có thẩm quyền lúc bấy giờ. Năm 1903, người Anh muốn tặng ông xứ Ouganda ở trung bộ Phi Châu, đảo Chypre ở Địa Trung Hải để thành lập quê hương Do Thái, nhưng các người Do Thái ở Nga - đặc biệt Chaïm Weizmann, sau nầy thành vị tổng thống đầu tiên của Israël - nhất định không chịu, kiên quyết đòi về đất Palestine cho bằng được.
Quá lao tâm lao lực ngày đêm tranh đấu thuyết phục các chính quyền, liên lạc với đồng bào trên thế giới, Herzl kiệt sức và qua đời tại Vienne (Áo) năm 1904 hồi mới 44 tuổi.
Năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ. Đồng minh trông cậy rất nhiều vào Anh quốc vì bấy giờ Anh làm bá chủ trên biển. Nhà cầm quyền nước Anh lúc đó vô cùng bối rối vì các nguyên liệu chế tạo thuốc nổ của họ thiếu một chất cốt yếu, đó là chất acétone. Trong những ngày khủng hoảng đó, nhà bác học Anh gốc Do Thái Chaïm Weizmann (1874-1952) đã sáng suốt nắm lấy cơ hội, chế biến được chất acétone nhân tạo giúp đồng minh đánh bại Đức năm 1918. Đế quốc Ottoman sụp đổ. Thực dân Anh cưỡng chiếm Palestine.
6/ Xin lưu ý:
Palestine không phải là một quốc gia mà là một vùng đất mênh mông thuộc đế quốc Ottoman, 1453-1917. Đệ nhất thế chiến chấm dứt năm 1918, thực dân Pháp "được ủy nhiệm "vùng Bắc Phi" (Maroc, Algérie, Tunisie, Libye) và bắc Cận Đông (Syrie và Liban). Palestine nằm dưới sự "ủy nhiệm" của thực dân Anh, nơi đây gồm các tộc Ả Rập Hồi, Thiên Chúa Giáo và Do Thái được gọi chung là Palestiniens (cư dân vùng Palestine).
Để thưởng công ông, thủ tướng Anh Lloyd George tặng ông một chi phiếu ký tên nhưng để trống số tiền. Ông từ chối và nói "xin thủ tướng hứa với tôi là sẽ dùng hết uy quyền của thủ tướng để cho đất Palestine được trả lại cho người Do Thái chúng tôi".
Quê hương Do Thái được thành lập vào năm 1922 nhưng bị đặt dưới quyền bảo hộ của Anh, tức là có tiếng mà không có miếng (Tuyên ngôn Balfour ngày 02/11/1917) (**).
Năm 1938, trước khi chấm dứt thế chiến thứ 2 (1939), thực dân Anh đề nghị chia khoảng 30% lãnh thổ Palestine thành hai quốc gia: Một Ả Rập và một Do Thái, nhưng sự việc không thành.
Phải đợi đến cuối thập niên 1940 quốc gia Do Thái mới thành một thực tại độc lập. Trong thế chiến thứ hai, một lần nữa người Do Thái đã anh dũng chiến đấu phía đồng minh, đặc biệt bên cạnh Anh (1) mặc dù người Anh đã một lần xảo quyệt phụ rẫy công lao của họ (cho đất mà không cho quyền tự trị).
Khi chiến sự kết liễu, hy vọng độc lập của người Do Thái lại bay theo khói súng. Công chung sức diệt Đức Quốc Xã của họ không được Anh đếm xỉa tới. Sự kiện nầy trách Anh là chuyện thừa vì sự thành lập một quốc gia Do Thái độc lập ảnh hưởng đến lẽ sống chết của Anh: các mỏ dầu hỏa của Anh nằm hết bên các xứ Ả Rập – Ai Cập, Syrie, Ả Rập Séoudite, Cisjordanie - những quốc gia tử thù truyền kiếp với Do Thái.
Nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc, ngày 29/11/1947, tán thành giải pháp chia đôi toàn bộ lãnh thổ Palestine thành hai quốc gia: Một Do Thái (56,47%) và một Palestine (43,53%). Thánh địa Jérusalem có một quy chế đặc biệt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Khối Ả rập không chịu, đặc biệt người Palestine, viện cớ không được tham vấn trong việc phân chia.
Dầu vậy, ngày 14/05/1948, dưới sự lãnh đạo của David Ben Gourion (1886-1973), quốc gia Do Thái được thành lập. David Ben Gourion đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập:
"Đất Israël là nơi sinh ra dân tộc Do Thái". Chính nơi đó đã đặt nền móng cho bản sắc tâm linh, tín ngưỡng và dân tộc của người Do Thái. Chính nơi đó dân tộc Do Thái đã thực hiện nền độc lập của mình và đã tạo nên một nền văn hoá có ý nghĩa quốc gia và phổ biến. Chính nơi đó họ đã soạn ra bản Thánh Kinh và đã cống hiến cho thế giới.
Bị bức bách phải lưu xứ, tản mác trong mọi quốc gia khác, dân tộc Do Thái vẫn thủy chung với vùng đất Israël, chưa bao giờ họ ngưng nguyện cầu và ngưng hy vọng trở về để tái lập nền tự do quốc gia của mình.
Thúc đẩy bởi sự liên hệ lịch sử đó, người Do Thái đã đấu tranh qua bao thế kỹ để được trở về trên mảnh đất của tổ tiên và tìm lại xứ sở của mình. Qua mấy thập niên gần đây, người Do Thái đã trở về hàng loạt, khai khẩn các vùng đất hoang, tái sinh ngôn ngữ, xây dựng các thành phố, các thôn làng và sắp đặt một cộng đồng năng động và tràn đầy phát triển, có đời sống riêng về kinh tế và văn hoá. Họ cầu tìm hoà bình đồng thời sẵn sàng để tự vệ. Họ đã mang lại nhiều lợi ích trong tiến bộ cho mọi cư dân trong xứ và đã được chuẩn bị cho nền độc lập tối cao.
Năm 1897, hội nghị Sionisme [chủ nghĩa người Do Thái tự trị] lần thứ nhất, cảm hứng từ dự phóng một quốc gia Do Thái của Théodore Herzl, đã công bố quyền của dân tộc Do Thái trong mùa xuân mới dân tộc trên chính quê hương của họ.
Quyền đó đã được bản Tuyên Ngôn Balfour công nhận ngày 02 tháng 11 năm 1917 (**) và được Hội Quốc Liên [Liên Hiệp Quốc] tái xác định, do đó đã thành sự công nhận quốc tế chính thức về mối liên hệ lịch sử của dân tộc Do Thái với vùng đất Palestine và quyền tái lập quê hương của họ.
Thảm hoạ Shoah (1) đã tiêu diệt hàng triệu người Do Thái tại Âu Châu, thêm một lần nữa chứng minh nhu cầu phải giải quyết vấn đề thiếu tổ quốc và độc lập của dân tộc Do Thái bằng sự tái lập quốc gia Do Thái hầu mở cửa cho mọi người Do Thái và trao cho họ một quy chế bình đẳng trong lòng cộng đồng các quốc gia.
Những người sống sót trong cuộc thảm sát tại Âu Châu cũng như những người Do Thái từ các quốc gia khác không hề buông bỏ sự cố gắng của họ để tìm về Israël, bất chấp mọi khó khăn, mọi trở ngại, mọi tai ương; và họ không ngưng đòi hỏi quyền có một đời sống có phẩm cách, có tự do và có công ăn việc làm liêm chính trên mảnh đất của tổ tiên họ.
Trong thế chiến thứ 2, sát cánh với các quốc gia yêu chuộng tự do, cộng đồng Do Thái Palestine đã đóng góp trọn vẹn phần mình trong chiến đấu chống lại ách Đức Quốc Xã. Với những hy sinh của quân sĩ và những cố gắng của họ trong chiến tranh, người Do Thái xứng đáng được có mặt giữa những quốc gia sáng lập Liên Hiệp Quốc.
Ngày 29 tháng 11 năm 1947, Hội Đồng LHQ đã tán thành một nghị quyết về việc tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine.
Hội Đồng đã yêu cầu cư dân trong xứ dùng mọi phương sách cần thiết để thực thi nghị quyết đó. Sự công nhận của LHQ về quyền của dân tộc Do Thái được phép tạo dựng một quốc gia độc lập cho họ [là sự công nhận] không thể vãn hồi.
Đó là quyền tự nhiên của dân tộc Do Thái, cũng như mọi quốc gia khác đã làm, hướng tới một hiện hữu độc lập trong đất nước tối thượng của họ.
Vì thế, chúng tôi, các thành viên trong Hội Đồng Quốc Gia, đại diện cho cộng đồng Do Thái Palestine và phong trào Sionisme Thế Giới, họp mặt trong đại hội long trọng hôm nay – ngày chấm dứt sự ủy nhiệm của người Anh tại Palestine - bằng vào quyền tự nhiên và lịch sử của dân tộc Do Thái và chiếu theo nghị quyết của Hội Đồng LHQ, chúng tôi công bố việc thành lập một quốc gia Do Thái tại Palestine, [quốc gia đó] sẽ có tên là Israël.
Chúng tôi tuyên bố rằng kể từ khi chấm dứt sự ủy nhiệm, vào nửa đêm ngày 14 tháng 05 năm 1948, và cho đến khi các cơ quan nhà nước thường trực được bầu chọn đúng theo bản hiến pháp sẽ được hoàn chỉnh bởi một hội đồng từ nay cho đến ngày 01 tháng 10 năm 1948, Hội Đồng Quốc Gia sẽ hành động với tư cách Hội Đồng Tham Chính Lâm Thời và nền hành chính trong nước sẽ thi hành nhiệm vụ của một chính phủ lâm thời của quốc gia Do Thái tên gọi là Israël.
Quốc gia Israël (QGI) sẽ mở cửa đón nhận mọi con dân Do Thái tản mác trên thế giới; QGI sẽ lưu tâm đến sự phát triển đất nước vì phúc lợi của mọi cư dân trong xứ; QGI sẽ được đặt nền tảng trên các nguyên tắc của Tự Do, Công Bằng và Hoà Bình đúng theo những gì mà các vị tiên tri Israël đã cưu mang; QGI sẽ bảo đảm sự bình đẳng toàn diện về xã hội và chính trị cho mọi công dân, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay giới tính; QGI sẽ bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục và văn hoá; QGI sẽ bảo đảm việc bảo vệ các thánh địa của mọi tôn giáo và sẽ tôn trọng những nguyên tắc trong Hiến Chương LHQ.
QGI sẵn sàng hợp tác với các tổ chức và đại diện của LHQ để thực thi nghị quyết đã được biểu quyết bởi Hội Đồng ngày 29 tháng 11 năm 1947 và dùng mọi phương sách cần thiết hầu đặt để sự Liên Kết Kinh Tế trên toàn lãnh thổ Palestine.
Chúng tôi yêu cầu LHQ giúp đỡ dân tộc Do Thái tạo dựng đất nước họ và thừa nhận Israël trong gia đình các quốc gia.
Là nạn nhân của sự công kích đặc trưng, tuy vậy chúng tôi yêu cầu các cư dân Ả Rập [sinh sống] trên đất nước Israël hãy dự phòng những đường hướng hoà bình và đóng góp vai trò của mình vào việc phát triển đất nước trên căn bản công dân đầy đủ và bình đẳng và tư cách thích đáng trong các cơ quan và học viện – lâm thời và thường trực - của xứ sở.
Chúng tôi dang tay, với biểu hiện hoà bình và láng giềng tốt, hướng tới mọi quốc gia và dân tộc bao quanh chúng tôi và chúng tôi kính mời họ đến hợp tác với quốc gia Do Thái độc lập vì điều tốt đẹp chung cho tất cả. QGI sẵn sàng góp phần mình vào sự tiến bộ của Cận Đông và trong toàn thể.
Chúng tôi yêu cầu con dân Do Thái trên thế giới hãy sát cánh với chúng tôi trong trọng trách hồi cư và phát triển cũng như hãy giúp chúng tôi trong cuộc tranh đấu thực hiện lại giấc mơ của bao thế hệ đã trôi qua: Chuộc lại Israël.
Vững tin vào đấng vĩnh hằng toàn năng, chúng tôi ký bản Tuyên Ngôn nầy trong phiên họp của Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời, trên bờ cõi của tổ quốc, trong châu thành Tel Aviv, rạng ngày lễ Shabbat, 5 Iyar 5708 tức ngày 14 tháng 05 năm 1948."
(Hàn Lệ Nhân tạm dịch theo bản tiếng Pháp, mong các bạn hoàn chỉnh cho)
XIN XEM PHẦN 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét