Trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

GIÁO LÝ TRONG VIỄN TƯỢNG LOAN BÁO TIN MỪNG


GIÁO LÝ TRONG VIỄN TƯỢNG LOAN BÁO TIN MỪNG



Việc nghiên cứu về lịch sử giáo lý góp phần hữu hiệu vào việc định nghĩa căn tính của giáo lý. Thật vậy, để hiểu giáo lý là gì, chúng ta phải lưu tâm đến hoạt động của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ qua, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong bài này, trước hết chúng ta nhìn lại hành trình dạy giáo lý của Giáo Hội trong suốt hai mươi thế kỷ, để thấy những nét đặc thù của từng thời kỳ, từ đó chúng ta sẽ tìm ra bản chất và ý nghĩa của việc dạy giáo lý khi đặt nó trong viễn tượng loan báo Tin Mừng.

I.  HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CĂN TÍNH

Giáo lý là một hoạt động lâu đời cũng như sự hiện diện của Giáo Hộitrên thế giới này. Nhưng xuyên suốt lịch sử hoạt động của Giáo Hội, giáo lý đã có nhiềuhình thức và phương thếrất khác nhau, vì thế người ta thường đặt vấn đề đâu là bản chất đích thực và nét đặc thù của giáo lý. Vấn đề này trở nên cấp thiết khi công đồng Vatican II thực hiện một bước ngoặt quyết định làm thay đổi những truyền thống lâu đời trong việc dạy giáo lý của Giáo Hội. Để tìm được lời giải đáp, thiết tưởng chúng ta phải nhìn lại một cách hệ thống chiều dài lịch sử của việc dạy giáo lý.

1. Trong những thế kỷ đầu tiên

Từ môi trường dân ngoại, muốn trở thành Kitô hữu, người ta được mời gọi “thay đổi cuộc sống” tận căn, “hoán cải”, từ bỏ đời sống cũ để Chúa Giêsu Kitô hướng dẫn đi vào đời sống mới. Thời kỳ này, người ngoại giáo gia nhập Giáo Hội & trở thành phần tử của cộng đoàn Giáo Hội không được luật pháp công nhận trái lại còn bị hành hạ tù đày (x. Cv 5,17. 40; 6,8-15; 7,55-60; 9,20-25).

Vì những lẽ đó mà cộng đoàn Kitô giáo yêu cầu người xin lãnh bí tích Rửa tội cần phải chuẩn bị với tinh thần trách nhiệm cao cho một hành trình, một thời gian đầy đủ của việc khai tâm đó là việc học giáo lý dự tòng trong khoảng một vài tháng về Lời Chúa, về kiến thức đức tin, thi hành việc thanh tẩy cá nhân và thực hiện một số cử hành. Đỉnh cao của thời kỳ dự tòng là đêm canh thức Vọng Phục sinh với việc cử hành các bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.

2.   Thời hoàng kim Kitô giáo (tk VI-XV)

Trong thế kỷ IV, Giáo Hội chuyển tiếp từ thời kỳ bách hại sang thời kỳ được Nhà nước nhìn nhận. Trong thời kỳ này Giáo Hội và chính quyền làm việc rất hòa hợp và ăn ý. Đây là một thời vàng son của “Kitô giáo” vì tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn xã hội. Thời kỳ này không còn dự tòng nữa vì bí tích rửa tội được ban cho trẻ sơ sinh và các Kitô hữu từ lớn đến bé đều được nuôi dưỡng và lớn lên trong niềm tin nhờ sự nâng đỡ của môi trường với lòng đạo đức bình dân, với những cử hành phụng vụ, những nền nghệ thuật, những cuộc hành hương, sự gia tăng tâm thức về sự thánh thiêng cũng như sự trực thuộc vào Giáo hội địa phương…

Việc dạy giáo lý trong những thế kỷ này xảy ra đồng thời với việc thực hành đời sống Kitô hữu.

3. Thời thủ bản giáo lý (sách giáo lý) (tk XVI-XIX)

Cuộc cải cách của Tin Lành và Công giáo thời Công đồng Trentô dẫn đến một sự dấn thân mạnh mẽ trong lãnh vực giáo lý. “Sách giáo lý” đã ra đời để đáp ứng nhu cầu cấp bách của việc giáo dục tôn giáo trong thời kỳ này.

Sách giáo lý được hiểu như việc học về tôn giáo một cách có hệ thống, rõ ràng, cơ bản, thường là hình thức hỏi-thưa, nhằm làm cho mọi người hiểu rằng điều cần thiết cho đời sống đức tin chính là điều bảo đảm cho ơn cứu độ đời đời.

Sách giáo lý chính là một bản tóm lược đức tin Kitô giáo.

Trong số những sách giáo lý nổi tiếng và phổ biến, ta thấy có sách giáo lý của Lutero và sách giáo lý của Đức Hồng y Roberto Bellarmino.

Năm 1912, Sách Giáo lý của Đức Piô X được xuất bản (tại Ý). Cấu trúc sách giáo lý này gồm 3 phần: Đức Tin (Kinh Tin Kính), Luân lý (Giới luật), Ân sủng (Bí tích). Ngôn từ dùng trong sách này thật đơn giản và rõ ràng, đó là một kiểu đối thoại, hỏi và thưa (433 công thức). Tính đến Công đồng Vatican II thì sách giáo lý này là bản văn cơ bản duy nhất để dạy về đạo và chuẩn bị lãnh các bí tích Giải tội, Thánh Thể và Thêm sức.

4.  Thời kỳ hiện đại: việc dạy giáo lý giản lược vào việc “dạy thủ bản giáo lý”

Toàn bộ thời hiện đại, từ thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XX, việc dạy giáo lý chú tâm vào việc dạy thủ bản hay toát yếu giáo lý Kitô giáo(compendium), thủ bản trở thành công cụ ưu việt của việc dạy giáo lý.

Suốt thời hiện đại, đã có những ghi nhận về việc sử dụng và tầm quan trọng của những sách giáo lý truyền thống từ thời công đồng Trentô đến sách giáo lý của ĐTC Piô X, trong số đó, có những sách rất phổ biến như Canisio, Bellarmino, Astete, Ripalda, Deharbe, vv. Đã từ lâu việc dạy giáo lý được hiểu như việc ghi nhớ, giải thích và áp dụng vào cuộc sống những bản tóm tắt hay toát yếu giáo lý Kitô giáo này; chúng được biên soạn cách rõ ràng, cô đọng, dưới hình thức hỏi thưa, bao gồm những chân lý đức tin cần thiết cho ơn cứu độ, những giới luật hoặc nguyên tắc thực hành và những phương tiện hay công cụ siêu việt như ân sủng và bí tích.

Suy tư về giáo lý nghiêng về phương tiện ưu việt này và về mô hình sư phạm nghịch lại mô hình mục vụ. Bên cạnh những ưu điểm và lợi ích không thể phủ nhận, có thể đưa ra không ít những giới hạn của nó: chú trọng đến thần học nhiều hơn sư phạm của sứ điệp, sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, sự nghèo nàn về Kinh Thánh và phụng vụ, quy trình diễn giải, sư phạm kiểu “lên lớp” và “hộ giáo”, vv. Không chỉ như thế, việc dạy giáo lý bị đồng hóa với việc “dạy thủ bản” cũng xuất hiện trong dòng lịch sử gắn với thời mà phần lớn “Kitô giáo” vẫn còn duy nhất và thuần nhất. Có thể nói rằng, trên nhiều bình diện, giáo dục tôn giáo tìm được trong môi trường gia đình và xã hội nhiều kênh truyền thông và ảnh hưởng bổ khuyết phần nào cho những thiếu sót của phương pháp dạy giáo lý này.

Thời gian trôi qua, việc bỏ đạo gia tăng, sự bất mãn và bận tâm cũng tăng lên; người ta thấy cần phải suy nghĩ lại thành phần của những hoạt động giáo lý khác nhau. Phong trào giáo lý nảy sinh và phát triển từ đó.

5.  Thời tiền công đồng: từ việc “dạy thủ bản giáo lý” đến việc “dạy giáo lý”

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, một sự xoay chuyển lớn về ý tưởng và những sáng kiến được phát triển dẫn đến việc canh tân và khuếch trương giáo lý trong Giáo Hội được gọi là “phong trào giáo lý”.

Một chuỗi gợi ý và chỉ dẫn mang tính chính thức của phong trào được ghi nhận bắt nguồn từ Rôma, sau đó ảnh hưởng tới những quốc gia và các Giáo Hội địa phương khác. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến công trình tiên khởi của ĐTC Piô X, với thông điệp “Acerbo Nimis” (1905) và những sách giáo lý mang tên ngài (1905 và 1912), bản tuyên ngôn “Provido Sane” năm 1935 và Hội nghị Giáo lý Quốc tế ở Rôma năm 1950. Trong các quốc gia, chúng ta thấy có những hội nghị giáo lý khác nhau, nỗ lực soạn thảo sách giáo lý cấp quốc gia, những công trình không biết mỏi mệt của những nhà khai sáng khác nhau trong việc canh tân giáo lý.

Phong trào giáo lý cũng tìm được một số quốc gia làm nơi thuận tiện để xem xét lại hoạt động giáo lý dưới ảnh hưởng của nền thần học và sư phạm đương thời cũng như việc sử dụng những phương thế phân tích và giải thích mới. Trong ý hướng này, phải tuyên dương đặc biệt các nước Đức, Áo và Pháp. Nhìn chung về phong trào giáo lý ở châu Âu, người ta có thể phân biệt ba ảnh hưởng mang tính quyết định đó là sư phạm, phụng vụ và thần học-mục vụ.

a)   Ảnh hưởng sư phạm

Ảnh hưởng đầu tiên (từ cuối thế kỷ XVIII đến thế chiến thứ hai) phát xuất từ mối bận tâm về phương phápdạy môn tôn giáo và từ ảnh hưởng của những ý tưởng lớn về sư phạm và tâm lý (O. Willmann, J.F. Herbart, J. Dewey, G. Kerschenstainer, A. Ferrière, vv.). Bận tâm chính là tìm ra cách dạy giáo lý tốt hơn, đặc biệt là điều kiện và cách học của trẻ em. Điều này nhắc ta nhớ đến ảnh hưởng của “phương pháp đan sĩ (Monaco)” và công trình không mỏi mệt của những người tiên phong trong việc canh tân giáo lý như H. Stieglitz, A. Weber, W. Pichler, M. Pfliegler, C. Quinet, M. Fargues, F. Derkenne, M. Montessori, J.M. Dingeon, vv…

b)   Ảnh hưởng phụng vụ

Ảnh hưởng phụng vụ phát xuất từ việc canh tân phụng vụ, đặc biệt từ cách giải thích mục vụ (B. Beaudin, Hội nghị Malines 1908 và Monserrat 1915). Nỗ lực canh tân này đưa những yêu cầu và phương thức phụng vụ như bài hát, cử hành, biểu tượng, cử chỉ, vv…vào trong giáo lý.

c)  Ảnh hưởng thần học-mục vụ

Ảnh hưởng thần học-mục vụ xảy ra giữa thế chiến thứ hai và CĐ Vatican II, phát xuất từ vấn đề nội dung hoặc sứ điệp của giáo lý là “kerygma”. Người ta phản đối cấu trúc trừu tượng và giáo điều của sách giáo lý truyền thống và tán thành việc trở lại với “kerygma” của các tông đồ cũng như với truyền thống giáo lý chân thực của Giáo Hội. Người ta khám phá lại tính quy Kitô của giáo lý, trọng tâm của lịch sử cứu độ, chiều kích Kinh Thánh và phụng vụ của sứ điệp Kitô giáo, khái niệm giáo lý như là việc giáo dục đức tin. Một vài khuôn mặt đáng nhớ về ảnh hưởng này: J.A. Jungmann, F.X. Arnold, G. Delcuve, J. Colomb, F. Schreibmayr, K. Tilmann, J. Hofinger.


6.   Bước ngoặt công đồng Vatican II: duyệt xét lại toàn bộ việc dạy giáo lý

Công đồng Vatican II có ảnh hưởng sâu rộng và quyết liệt trên việc dạy giáo lý. Có thể nói Công Đồng đã khép lại “thời đại dạy thủ bản giáo lý” và mở ra công cuộc rà soát lại nền tảng của việc dạy giáo lý. Mặc dù Công Đồng không đề cập trực tiếp đến giáo lý, nhưng toàn bộ công trình của Công Đồng buộc ta phải thay đổi cách hiểu về nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, qua việc xem xét lại một số điểm căn bản về việc dạy giáo lý như Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội.

Thời hậu Công đồng là một thời kỳ đầy chấn động về giáo lý cũng như về các vấn đề khác trong đời sống Giáo Hội, một thời kỳ thật phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Phong phú vì có nhiều công trình nghiên cứu những đường lối mới, đầy nhiệt thành và sáng tạo. Người ta soạn thảo nhiều sách giáo lý mới với những bản văn và tài liệu hỗ trợ, lập ra những Học viện và Trung tâm Huấn giáo. Nỗ lực suy tư về giáo lý dẫn đến nhiều bình diện hay chiều kích mới trên bình diện thực hành như đòi hỏi về nhân học, trọng tâm Kinh Thánh, chiều kích chính trị và xã hội, ưu tiên cho người lớn, ảnh hưởng của truyền thông và cách riêng của truyền thanh và truyền hình, tầm quan trọng của cộng đoàn, vv… Những thúc đẩy và tác động lớn lao này có khả năng phác họa một khuôn mặt thực sự mới mẻ về hoạt động giáo lý.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có một thời kỳ thực sự bất ổn và phức tạp không thể kiểm soát được do những biến đổi và những sự mới mẻ gây ra. Thông thường một hoàn cảnh bất ổn và phức tạpnhư thế sẽ làm cho toàn bộ hoạt động giáo lý bị khủng hoảng về nội dung, phương pháp, môi trường, đối tượng, nhân sự, vv... đồng thời tạo ra xung đột và rối loạn, tranh cãi và căng thẳng, khủng hoảng về nhân sự và tổ chức, những cố gắng không chuyên môn và những kinh nghiệm chín muồi tỏa sáng. Chúng ta không được quên rằng tận sâu thẳm của mọi biến đổi đều có những nguy cơ và những khó khăn; đây là cái giá phải trả cho mọi nỗ lực canh tân nghiêm túc.

7.  Sự đóng góp của Huấn quyền về việc dạy giáo lý (sau Công Đồng Vatican 2)

Trong thời hậu Công đồng, cũng có rất nhiều chỉ dẫn giúp canh tân giáo lý một cách đúng đắn và có trật tự. Chúng ta nhớ đến những văn kiện và tài liệu của Giáo Hội phổ quát như:

1)  Hướng dẫn giáo lý tổng quát 1971Trình bày những nguyên lý, quy tắc, tiêu chuẩn và những nội dung cơ bản cho việc canh tân giáo lý trong toàn Giáo Hội Công giáo và cho việc chuẩn bị các sách giáo lý của các nước.

2)  Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn 1972: Trình bày các nghi thức dự tòng theo từng giai đoạn; nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn; nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn trong lúc nguy tử; nghi thức nhập đạo của trẻ nhỏ đã đến tuổi học giáo lý…

3)   Evangelii Nuntiandi 1975: Loan báo Tin Mừng và Giáo lýLoan báo Tin Mừng vàThăng tiến nhân bản.

4) Ad Populum Dei nuntius Cum jam exitum de catechesi hoc nostro tempore tradenda praesertim pueris atque iuvenibus 1977Giáo lý trong thời đại chúng ta. Sứ điệp của Thượng Hội Đồmg Giám Mục về giáo lý.

5)  Catechesi Tradendae 1979:Giáo lý không chỉ là việc giảng dạy nhưng còn là việc giáo dục.

6)  Bộ giáo luật 1983: (điều 773-780): Dạy giáo lý đồng hóa với việc dạy giáo huấn; kinh nghiệm đời sống kitô hữu, cho một đức tin sống động, minh nhiên, tích cực.

7)  Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio - 1990)

8)  Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997:
-   “Công cụ của phương pháp luận” để áp dụng cụ thể Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
-    Có một sự tái lượng giá đáng kể tổng quát về Sách Giáo lý.
-    Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 1997 vẫn duy trì cấu trúc cơ bản của bản văn 1971, được sắp xếp như sau:

Lời mở đầu đưa ra những chỉ dẫn giúp cho việc giải thích và hiểu biết các hoàn cảnh của con người và của Hội Thánh, theo ánh sáng đức tin và sự tin cậy ở sức sống của hạt giống Tin Mừng. Đó là những định hướng ngắn gọn nhằm vào sứ mệnh truyền giáo.

Phần thứ nhất [1] gồm ba chương và chú trọng đến việc dạy giáo lý theo Hiến Chế Dei Verbum(Mạc Khải), đặt việc dạy giáo lý vào trong khung cảnh Phúc Âm hóa đã được giới thiệu bởi các Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng) và Catechesi Tradendae (Dạy Giáo Lý). Phần này cũng đã làm sáng tỏ bản chất của việc dạy giáo lý.

Phần thứ hai [2] gồm hai chương: Chương thứ nhất, có tựa đề là “Những quy tắc và những tiêu chuẩn cho việc trình bày sứ điệp Tin Mừng trong việc dạy giáo lý”: với một kết cấu mới và trong một viễn tượng phong phú, đã thu thập toàn bộ nội dung của chương này trong bản văn năm 1971. Chương thứ hai, làm mới hoàn toàn, dành cho việc trình bày giáo lý của Hội Thánh Công Giáo như bản văn quy chiếu cho việc truyền thông đức tin qua việc dạy giáo lý và cho việc soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Chương này cũng đã cung cấp những nguyên tắc cơ bản nhằm soạn thảo những sách giáo lý cho các Giáo Hội địa phương và các Giáo Hội cấp vùng.

Phần thứ ba [3] trình bày một vấn đề liên quan đến thần học và khoa học nhân văn, dưới một hình thức khá mới mẻ, bằng cách đưa ra những đường nét chủ yếu về sư phạm đức tin dựa trên sư phạm của Thiên Chúa.

Phần thứ bốn [4] có tựa đề: “Những người thừa hưởng việc dạy Giáo lý”. Trong năm chương ngắn ngủi, phần này duyệt xét những hoàn cảnh rất khác nhau, về những người mà việc dạy giáo lý nhắm tới, về những khía cạnh liên quan đến hoàn cảnh xã hội, tôn giáo và đặc biệt là về vấn đề hội nhập văn hóa.

Phần thứ năm [5] xem Giáo Hội địa phương là trọng tâm của việc dạy giáo lý; bổn phận chủ yếu của Giáo Hội là cổ vũ, tiên liệu, gìn giữ và bố trí các sinh hoạt giáo lý. Ở đây, người ta đặc biệt chú ý đến việc miêu tả những vai trò riêng biệt của những tác nhân khác nhau (những tác nhân đó luôn luôn quy chiếu vào vị chủ chăn của Giáo Hội địa phương), cũng như những đòi hỏi phải huấn luyện theo từng trường hợp.

Phần kết kêu mời chúng ta tăng cường hoạt động giáo lý trong thời buổi hiện tại, kết thúc suy tư và những phương hướng trên bằng việc mời gọi tín thác vào hoạt động của Chúa Thánh Thần và vào hiệu quả của Lời Chúa được gieo vãi trong tình yêu.


8) Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (1992) gồm 4 phần chính:
- Phần thứ nhất: Tuyên xưng đức tin;
Phần thứ hai: Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo;
Phần thứ ba: Đời sống trong Đức Kitô;
Phần thứ tư: Kinh nguyện Kitô giáo.

9) Toát yếu sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (2005) theo dạng hỏi thưa, gồm 598 câu.

Bên cạnh những chỉ dẫn đại thể này, còn có những tài liệu hướng dẫn không kém phần quan trọng và ý nghĩa của các Giáo Hội địa phương, chẳng hạn tài liệu của các Giáo Hội châu Mỹ la tinh: MedellínDirectório general para la catequesis (1998), Brasil Directório Nacional de Catequese(2006), Ecuador: Directório Nacional para la Evangelización y Catequesis (1982); Bắc Mỹ: Hoa Kỳ Sharing the Light of Faith (1979), National Directory for Catechesis(2005); châu Âu: PhápDirectoire catéchétique national de l’Eglise en France, (1964); Italia: Il Rinnovamento della Catechesi (1970); châu Á: Philippines The National Catechetical Directory for the Philippines(1983).

Cần có sự minh định

Dạy giáo lý là một trong những hình thức thực thi sứ vụ rao giảng Lời Chúa hoặc thừa tác vụ Ngôn sứ của Giáo Hộibên cạnh các hình thức khác như Loan báo Tin Mừng đầu tiên, giảng dạy trong phụng vụ, suy tư thần học, vv… Vì thế, việc dạy giáo lý chỉ có thể tìm lại căn tính của mình trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng (LBTM). Việc đề cao tính ưu việt của LBTM trong sứ mạng của Giáo Hội có vẻ làm mờ nhiều chức năng truyền thống của việc dạy giáo lý, chí ít buộc chúng phải được xem xét lại. Cặp từ “LBTM và Giáo lý” thường xuất hiện trong các văn kiện và chương trình mục vụ mà trước đây những tài liệu ấy chỉ nói đến giáo lý. Người ta cũng nói đến “giáo lý phúc âm hóa”, “giáo lý truyền giáo” vv… và ưu tiên chọn LBTM đến độ hoạt động giáo lý chừng như biến mất hay bị lu mờ.Do đó, thiết nghĩ cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.

Một khó khăn khác nảy sinh từ việc giáo lý có rất nhiều hình thức khác nhaunhư lộ trình dự tòng, chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, các nhóm suy tư, các khóa huấn luyện, đọc Kinh Thánh, vv…, và hoạt động giáo lý cũng có nhiều tên gọi khác nhaunhư dạy đạo, giáo dục đức tin, dạy giáo lý, dạy tôn giáo, huấn luyện đạo đức, vv… Khi nói đến giáo lý, người ta cũng nói đến những hoạt động rất đa dạng nhưcử hành phụng vụ, cầu nguyện và chiêm niệm, các nhóm linh thao, sống & chia sẻ, các hiệp hội và phong trào, vv… Như thế, “giáo lý” dường như có mặt ở mọi nơi mọi chỗ, do đó, đánh mất ý nghĩa và căn tính của nó trong sự hòa hợp các chức năng khác nhau của cộng đoàn Kitô hữu. Như vậy, một lần nữa, cần phải làm sáng tỏ và đào sâu ý nghĩa của việc dạy giáo lý.

II. GIÁO LÝ TRONG VIỄN TƯỢNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Với những lý do trên đây, khi xét đến bản chất và ý nghĩa của việc dạy giáo lý, cần phải đặt nó trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng cũng như trong khuôn khổ sứ vụ của Giáo Hội, tức thừa tác vụ Lời Chúa.

1.  Loan báo Tin Mừng là gì?

Thuật ngữ “loan báo TM”, trong CĐ Vatican II vẫn chưa được xác định rõ, nhưng sau CĐ thuật ngữ này đã được biết đến, nhất là trong những thập niên ’70, một bùng nổ thời sự đích thực. Điều này có thể thấy trong các văn kiện, tài liệu, hội nghị và chương trình mục vụ có ảnh hưởng một cách nào đó đến Thượng HĐGM năm 1974 và tiếp sau đó là tông thư của ĐTC Phaolô VI Evangelii nuntiandi (1975). Từ những thập niên ’80 và ’90 trở đi xuất hiện lối diễn tả “Tân Phúc Âm hóa”, áp dụng đặc biệt cho hoàn cảnh châu Âu và bối cảnh nước Mỹ.

Một bước ngoặt quan trọng: LBTM, từ xa xưa được xem như nhiệm vụ giới hạn trong những vùng gọi là “địa hạt truyền giáo”, và được hiểu đó là sứ mạng cốt yếu của toàn thể Giáo Hội:

“Chúng Tôi cảm thấy thật an ủi và vui mừng, nhân dịp kết thúc thượng Hội đồng GM thế giới tháng 10/1974, đây là những lời minh xác: Chúng tôi muốn tái khẳng định rằng việc sai đi LBTM cho muôn dân làm nên sứ mạng chủ yếu của Giáo Hội”, nhiệm vụ và sứ mạng này không giảm thiểu tính khẩn thiết của nó trong một xã hội nhiều chuyển biến to lớn và sâu xa. Thật vậy, việc LBTM là ân sủng và ơn gọi thiết yếu, và là bản chất sâu xa nhất của Giáo Hội” (EN 14).

Trong Tân Ước

Trong Tân ước đã xuất hiện sự biến động về nghĩa của động từ “loan báo” (euanghelìzesthai). Nhiều chỗ trong Tân Ước, từ này chỉ việc công bố “kerygma” theo nghĩa hẹp, công bố có nghĩa là công khai long trọng tuyên bố ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người trong CGS Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Nhiều chỗ khác, từ này chỉ toàn bộ hoạt động của Giáo Hội, qua lời nói và đời sống, làm cho ơn cứu độ thành hiện thực.

Trọng tâm của việc LBTM luôn luôn là “Phúc Âm/Tin Mừng”, cũng chính là Tin Mừng cứu độ, việc công bố Nước Trời, mạc khải “mầu nhiệm” được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, loan báo cuộc Vượt qua của Đức Kitô, mạc khải siêu việt của Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi trong lịch sử.

Công Đồng Vatican II

Trong các văn kiện CĐ Vatican II, thuật ngữ “LBTM” chuyển từ nghĩa hẹp, như loan báo TM cho người chưa tin theo nghĩa hoán cải, đến nghĩa rộng hơn, đó là LBTM trong toàn bộ hoạt động ngôn sứ của Giáo Hộihoặc ngay cả trong toàn bộ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Grasso tóm lại trong nghiên cứu của ông về thuật ngữ này trong các văn kiện CĐ như sau:

“Chúng ta có thể kết luận rằng việc khảo sát thuật ngữ “LBTM” trong các văn kiện CĐ cho phép chúng ta phân biệt ba ý nghĩa: hoặcđơn giảnchỉ là truyền giáo (Ad gentes 6,26), hoặc toàn bộ thừa tác vụ lời (Lumen gentium 3,18; Christus Dominus 6,10; Gaudium et Spes44,13; Apostolicam Actuositatem 2,20, vv.), hoặc toàn bộ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes 23,6; 27,15, vv.)”

Thời hậu công đồng

Các văn kiện trong Thượng HĐGM 1974 về việc LBTM được định hướng một cách rõ ràng, không hiểu hạn hẹp là loan báo truyền giáo theo nghĩa hẹp, chỉ ngỏ lời với những người chưa tin, nhưng được hiểu là toàn bộ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, trong bất kỳ hình thức nào mà nó được thực hiện. Tông huấn Evangelii nuntiandi đã khẳng định nghĩa rộng của thuật ngữ này, ứng dụng nó trong cái nhìn phức hợp (EN 17) và sự phong phú của mọi chiều kích (EN 18-24).

“Chúng tôi đã tuyên bố, LBTM là một tiến trình liên hợp từ mọi yếu tố khác nhau: canh tân nhân loại, làm chứng, loan báo minh bạch, gắn kết tâm hồn, hội nhập cộng đoàn, chấp nhận những dấu chỉ, những sáng kiến tông đồ” (EN 24).

Nghĩa rộng của thuật ngữ này cũng được Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý1997chấp nhận:

“Loan báo, làm chứng, giáo huấn, các bí tích, yêu tha nhân, thâu nạp môn đệ: tất cả những sắc thái ấy đều là những con đường và phương tiện cho việc truyền đạt Phúc Âm và cấu thành những yếu tố của việc RGTM […]. Những thừa tác viên của việc LBTM phải biết hành động với một “cái nhìn tổng thể” về chính việc LBTM và đồng hóa nó với toàn bộ sứ mạng của GIÁO HỘI” (HDTQ46).

“Vì thế, việc LBTM phải được quan niệm như tiến trình mà qua đó Hội Thánh loan báo và phổ biến TM cho toàn thế giới dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần” (HDTQ48).

Vì thế có thể kết luận rằng, trong ý thức hiện tại của Giáo Hội, LBTM có thể được định nghĩa như là việc loan báo và làm chứng cho Tin  Mừng từ phía Giáo Hội, qua tất cả những gì Giáo Hội nói, Giáo Hội làm và Giáo Hội là.

LBTM bao gồm toàn bộ hoạt động của Giáo Hội nhắm đến việc loan báo và làm chứng Tin Mừng Nước Trời. Có thể nói định nghĩa này đánh dấu một bước ngoặt trong công cuộc Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Giáo Hội sẽ “không có nghĩa gì nếu như nó không trở thành chứng tá, khơi lên lòng cảm phục và hoán cải, khi giảng dạy và loan báo Tin Mừng” (EN 15). Ý nghĩa của thuật ngữ LBTM giúp chúng ta xác định căn tính của việc dạy giáo lý, ngay trong tác vụ Lời Chúa.

2.  Tiến trình Loan báo Tin Mừng

Bổn phận loan báo Tin Mừng (LBTM) của Giáo Hộiđược thực hiện cách cụ thể trong toàn bộ một chuỗi những lãnh vực hoặc môi trường mà từ đó, theo truyền thống hình thành sự năng động hoặc tiến trình của mọi hoạt động. Đó là những thời điểm khác nhau mà Hướng dẫn 1997 gọi là “tiến trình LBTM”.

“Tiến trình LBTM được tổ chức theo từng giai đoạn hay vào những “thời điểm chính yếu”: hoạt động truyền giáo cho những người chưa tin và cho những người sống dửng dưng với tôn giáo; hoạt động giáo lý khai tâm cho những người đã lựa chọn sống theo TM và cho những ai cần bổ sung hay tái sắp xếp đời sống khai tâm của mình; và hoạt động mục vụ cho những kitô hữu đã trưởng thành trong lòng cộng đoàn kitô hữu” (HDTQ49).

Cho nên đây là nhịp độ diễn tả và định tính sức năng động lý tưởng của hoạt động Giáo Hội trong thực tế. Chúng ta có thể nhận ra những bước trong tiến trình Loan báo Tin Mừng như sau:

a)  Hoạt động truyền giáo: là bước đầu tiên trong tiến trình LBTM và nhắm đến người chưa tin cũng như những ai sống trong sự thờ ơ với tôn giáo (HDTQ 49), bằng những hình thức hiện diện, phục vụ, đối thoại, làm chứng,…cho đến khi việc loan báo TM đầu tiên được thực hiện.

b) Hoạt động dự tòng: được hiểu là toàn bộ những hoạt động trực tiếp với những người quan tâm đến đức tin và những người muốn trở thành hoặc tái tạo đời sống kitô hữu và kết nối với những thời điểm khác nhau trong việc phục vụ khai tâm kitô giáo: đón tiếp, đồng hành, giáo lý khai tâm, nghi thức và các bí tích khai tâm. Hoạt động dự tòng, trước hết liên quan đến một thể chế, diễn đạt một chức năng cơ bản của đời sống Giáo Hội, là sự bày tỏ tình mẫu tử của Giáo Hội(HDTQ,48).

c)  Hoạt động mục vụ: là môi trường có tính truyền thống của toàn bộ hoạt động “nội tại” của cộng đoàn Giáo Hội, qua việc thực hiện những chức năng mục vụ: thờ phượng, cử hành, các bí tích, giảng dạy, giáo lý, đời sống cộng đoàn, phục vụ bác ái, vv.

d)  Sự hiện diện và hoạt động trong thế giới: cần được quan tâm đặc biệt, bởi vì thường bị xao lãng, đây là ngõ ra thông thường của hoạt động Giáo Hội trong các hình thức khác nhau về việc làm chứng TM trong xã hội: thăng tiến nhân bản, hoạt động xã hội và chính trị, biến đổi xã hội, hoạt động giáo dục và văn hóa, cổ võ hòa bình, dấn thân môi trường. Đó là những môi trường Giáo Hội hiện diện, nơi mà Giáo Hội được mời gọi thoát ra khỏi hàng rào nội bộ của mình để phục vụ Nước Thiên Chúa trong thế giới.

3.  Loan báo Tin Mừng: một bước ngoặt và một thách đố

Việc Giáo Hội quyết định đặt trọng tâm mọi hoạt động của mình vào việc LBTM là một chọn lựa cho phép chúng ta nói đến bước ngoặt lịch sử.

Thật vậy, khi đặt Giáo lý trong viễn tượng LBTM có nghĩa là chúng ta chấp nhận những thách đố của sự tục hóa, của sự cứng lòngcủa sự đa dạng và đa nguyên về văn hoá cũng như tôn giáo. Nó cũng có nghĩa là muốn khắc phục sự khủng hoảng cứng lòng trầm trọng của Giáo Hội đương thời. Cho nên cần thiết một nỗ lực làm chứng và tính xác thực kitô hữu, sao cho việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời trở nên khả tín, điều mà trong một vài thời điểm Giáo Hội không thực hiện được.

Việc LBTM đòi hỏi toàn thể Giáo Hội một nỗ lực chú trọng vào điều cơ bản và tái khám phá bản chất kitô hữu bằng những ngôn từ có ý nghĩa và hợp thời. Chính Giáo Hội được mời gọi tái khám phá và rà soát lại sứ mạng của mình, như thể “lời” biểu lộ tính mới mẻ của Nước Trời. Điều này giả thiết việc chấp nhận sự can đảm phục hồi khởi đi từ Lời Chúa, để nhận được sức mạnh đến từ “Lời”, chứ không từ cách vận động công khai bằng những phương tiện truyền thông và những phương sách quyền lực của con người.

LBTM phải đem Giáo Hội ra khỏi chính mình, để Giáo Hội trở nên như “tôi tá nhân loại”, với toàn bộ hoạt động hướng đến việc loan báo Đấng Cứu Độ, chứ không như một loại “hoạt động phục hồi”, theo nghĩa tái thiết, nhằm may lại chỗ rách của miếng vải Giáo Hội, hoặc để chinh phục những uy tín hay những ảnh hưởng đã mất; hoặc phục hồi tuyên truyền, theo cách chiêu dụ, để tăng số những người theo đạo.

Có thể kết luận rằng, đối với các kitô hữu tái khám phá việc LBTM có một tầm quan trọng như thực chất sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Cần phải có một sự động viên toàn bộ và một kế hoạch đổi mới tận căn, có khả năng thay đổi ý nghĩa sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới. Dựa trên nền tảng định hướng này, mọi thời điểm hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được suy nghĩ lại, cũng là suy nghĩ lại việc dạy giáo lý.

4.  Bản chất của việc dạy giáo lý

Truyền thống Giáo Hội cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các hoạt động được diễn tả bằng thuật ngữ“dạy giáo lý” hoặc các thuật ngữ tương đương. Trong mỗi thời đại, các thuật ngữ này diễn tảcác hoạt động khác nhau như:dự tòng thời cổ đại, khai tâm bí tích, dạy đạo cho người lớn và trẻ em, dạy tôn giáo trong nhà trường, vv. Thuật ngữ“dạy giáo lý” ngày nay, theo giáo huấn của Giáo Hội, khi đặt trong viễn tượng loan báo Tin Mừng được hiểu theo nghĩa rộng và xác thực hơn.

Dạy giáo là gì?
                    
Trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội có rất nhiều định nghĩa về việc dạy giáo lý; chẳng hạn như Công Đồng Vaticanô II nói đến “việc dạy giáo lý” nhằm“khơi dậy đức tin nơi mọi người và làm cho đức tin ấy, nhờ đạo lý soi dẫn, trở nên sống động, dứt khoát và tích cực» (CD 14); hoặc định nghĩa của THĐGM năm 1977:

«Công việc này… bao gồm việc giáo dục đức tin có tổ chức, phát triển và thống nhất với một tiến trình trưởng thành đức tin vững chắc».

Một định nghĩa khác trong Hướng dẫn Tổng quát 1971:

«Trong lãnh vực hoạt động mục vụ, giáo lý là hoạt động Giáo Hội dẫn dắt các Kitô hữu và các cộng đoàn đạt tới một đức tin trưởng thành» (HDTQ 21).

Trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997, “dạy giáo lý là một trong những thời điểm chính yếu của tiến trình Loan báo Tin Mừng… Thời điểm của việc dạy giáo lý là thời gian để hình thành cuộc trở lại với Chúa Giêsu” (s.63) và “đặt nền tảng cho tòa nhà đức tin” (s.64), “là sự khai tâm có tổ chức và hệ thống hướng về Mặc khải” (s.66). Đặc biệt việc dạy giáo lý khai tâm được diễn tả như “một sự đào tạo có tổ chức và có hệ thống về đức tin” (s.67), hơn hẳn việc giảng dạy truyền thống:

«Việc đào tạo có tổ chức và có truyền thống này còn hơn là một sự giảng dạy: đó là một cuộc tập luyện toàn bộ đời sống Kitô giáo, “một sự khai tâm Kitô giáo trọn vẹn” dẫn đến cuộc sống đích thực theo chân Đức Kitô, tập trung vào Ngôi vị của Người. Thực vậy, đó là việc giáo dục để nhận biết và sống đức tin sao cho qua những kinh nghiệm sâu sắc của mình, con người toàn diện tự cảm thấy mình phong phú nhờ Lời Chúa» (HDTQ 67).

Dẫu có những diễn tả khác nhau, nhưng hiện nay Giáo Hội vẫn thống nhất ý kiến trong việc nhận ra căn tính của giáo lý xoay quanh 3 trục chính: Lời Chúa, Đức tin Giáo HộiCó thể tóm tắt như sau:

-   Dạy giáo lý là tác vụ Lời Chúa; vì dạy giáo lý là phục vụ Tin Mừng, là thông truyền sứ điệp Kitô giáo và loan báo Đức Kitô;

-   Dạy giáo lý là giáo dục đức tin; trong công cuộc giáo dục này, Giáo Hội giữ vai trò trung gian nhằm giúp cho đức tin nảy sinh và tăng trưởng nơi từng người cũng như nơi mỗi cộng đoàn;

-   Dạy giáo lý là hoạt động của Giáo Hội; hoạt động này diễn tả thực tại và sứ mạng chính yếu của Giáo Hội.

KẾT LUẬN

Khi đặt Giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng, chúng ta thấy rõ hơn Giáo lý là một trong những thời điểm chính yếu của tiến trình Loan báo Tin Mừng, trong đó, giáo lý giúp hình thành cuộc trở lại với Chúa Giêsu” (s.63), “đặt nền tảng cho tòa nhà đức tin” (s.64) và “là sự khai tâm có tổ chức và hệ thống hướng về Mặc khải” (s.66). Nói một cách ngắn gọn, dạy giáo lý là việc Giáo Hộiphục vụ Lời Chúa nhằm mục đích làm cho từng người và từng cộng đoàn trưởng thành trong đức tin.

          Md Phạm Thúy
Soạn theo Emilio ALBERICH, La catechesi oggi. Manuale di catechetica fondamentale
(Giáo lý ngày nay. Thủ bản nghiên cứu giáo lý căn bản), Elledici, TO, 2001, 61 – 77.



[1]Tương ứng với phần Hai của HDTQ (1971).
[2]Có cùng mục tiêu như phần Ba của HDTQ (1971).
[3]Có cùng mục tiêu như phần Bốn của HDTQ (1971).
[4]Có cùng mục tiêu như phần Năm của HDTQ (1971). Cho dù một số người, sau khi đưa những lý do đầy ý nghĩa, đã đề nghị xếp đặt phần này lên trước phần nói về sư phạm, chúng tôi vẫn thích, xét về cấu trúc mới của phần Ba, để duy trì thứ tự của bản văn 1971. Như vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc quan tâm đến đối tượng học giáo lý là một hiệu quả của chính khoa sư phạm thần linh, của « sự hạ mình » (DV 13) của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, sự thích nghi của Mạc Khải vào điều kiện nhân loại.
[5]Lưu ý đến tất cả các yếu tố trong phần Sáu của HDTQ (1971).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét