ĐỐI THOẠI NĂM ĐÚC TIN - VỀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
Sự cầu nguyện có giá trị thế nào?
VẤN ĐỀ 15: Bạn là người tin có Thiên Chúa. Vậy khi bạn đau ốm mà chỉ cầu khẩn suông thì có được Chúa cho khỏi bệnh không? Hoặc khi bạn đói mà chỉ cầu nguyện thì Chúa có ban cho bạn cơm bánh không? Còn tôi, tôi chẳng cần phải tin có Chúa hay thần Phật nào cả, thế mà tôi đâu có thua gì bạn? Khi đau ốm, tôi chẳng cần cầu xin ai, mà chỉ cần uống thuốc cũng khỏi. Khi đói tôi cũng chẳng cầu khấn ai mà chỉ cần làm việc là có ăn. Như vậy, tin thờ Thiên Chúa là hành động vô ích và ngu ngốc.
Hơn nữa, cầu xin Thiên Chúa ban ơn phúc còn là một thái độ nô lệ, mất tự do, bị vong thân, và mất quyền làm chủ đời mình.
GIẢI ĐÁP:
Một số người đã quan niệm sai lầm về đức tin tôn giáo: Theo họ thì đức tin chính là một phương thế để con người dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu mà không phải vất vả nhiều. Khi muốn được Thiên Chúa ban ơn, họ chỉ cần dâng ít hoa trái, nhang đèn, tiền bạc, kèm theo lời khấn nguyện giống như niệm thần chú, là hy vọng sẽ được thỏa mãn yêu cầu. Bên cạnh những người mê tín nói trên, một số khác lại dựa vào khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và phi bác việc cầu nguyện. Theo họ, không có Thiên Chúa hay thần linh nào cả. Muốn thỏa mãn các nhu cầu, người ta chỉ cần tuân theo quy luật tự nhiên là đủ. Chẳng hạn: Muốn có lương thực, không cần phải cầu xin ai, chỉ cần lao động theo kỹ thuật và hợp thời vụ là đủ; Khi bị bệnh không cần phải cầu khấn ai mà chỉ cần uống thuốc theo toa bác sĩ sẽ khỏi… Từ đó họ đi đến kết luận: tin thờ Thiên Chúa là việc làm vô ích ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền làm chủ đời mình…
Vậy ý nghĩa đích thực của cầu nguyện là gì? Thái độ cầu xin Thiên Chúa phải chăng là một việc làm vô ích, ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền tự chủ ?
1. CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?
Cầu nguyện là một hành vi của người có đức tin. Là một cuộc nói chuyện tâm sự giữa con người với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với cha mình. Qua đó, họ ngợi khennhững kỳ công Thiên Chúa đã làm, cảm tạ những ơn lành Ngài đã thương ban, ăn nănsám hối tội lỗi đã trót phạm, phó thác cậy trông vào tình thương cứu độ của Chúa, và cuối cùng là cầu xin Chúa ban ơn lành hồn xác cho mình và tha nhân.
2. GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN:
Cầu nguyện là một hành vi cao quí và khôn ngoan của con người có lý trí. Cầu nguyện không làm cho con người bị vong thân, mất quyền làm chủ đời mình như có người lầm tưởng:
a) Cầu nguyện là một hành vi cao quí:
Cao quí vì là thái độ nhân linh: Chỉ con người mới có khả năng suy luận, mới biết đặt câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề… Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) trong tác phẩm Suy tư (La Pensées) đã đề cao giá trị của con người biết suy tư như sau: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên… Chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người vẫn cao quý vô cùng, vì con người biết suy nghĩ, đang khi vũ trụ tuy to lớn nhưng lại chẳng biết gì…”.
Cao quí vì là thái độ hiếu thảo: Chỉ con người mới có lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện, giống như con cái thưa chuyện với cha mẹ của mình.
b) Cầu nguyện là một hành động khôn ngoan:
Khôn ngoan khi biết tự lượng sức mình và biết tiên liệu: Thực vậy, trong đời sống thường ngày, mỗi khi đứng trước một công việc lớn lao, người khôn ngoan sẽ biết suy nghĩ và sẵn sàng nhờ cậy người khác trợ giúp. Cũng thế, người tín hữu khi đứng trước một công việc trọng đại vượt quá sức tự nhiên, sẽ biết khôn ngoan xin ơn Chúa giúp như Đức Giê-su đã dạy môn đệ cậy nhờ vào sự trợ giúp của Người: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c).
3. NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM VÀ NÊN TRÁNH KHI CẦU NGUYỆN:
1) Cần tránh thói lười biếng ỷ lại nhưng biết cộng tác với Thiên Chúa để làm mọi việc phù hợp với quy luật thiên nhiên do Thiên Chúa đã an bài:
- Tuy ý thức Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, nhưng các tín hữu phải tránh thái độ lười biếng ỷ lại khi chỉ biết cầu khấn suông mà không chăm chỉ làm việc để đạt được mục đích. Thiên Chúa đã dựng lên loài người có trí khôn và tay chân… không phải để họ khoanh tay đứng nhìn, nhưng để họ cộng tác với Ngài làm chủ thiên nhiên, như Ngài đã truyền cho nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).
- Loài người phải tuân theo những định luật thiên nhiên do Chúa đã an bài. Chẳng hạn: khi đau ốm phải biết tìm cách chữa trị; muốn có lương thực phải biết gieo trồng đúng thời vụ và dựa theo luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài. Thiên Chúa chỉ làm phép lạ trong một vài trường hợp thật đặc biệt nhằm để biểu lộ quyền năng hoặc củng cố đức tin cho con người mà thôi.
2) Cần tránh đòi Thiên Chúa phải đáp ứng mọi nhu cầu theo ý riêng mình, nhưng phải sẵn sàng tuân theo ý Chúa:
- Vì sẽ là điều vô lý: Giả như một người xin Chúa cho trời mưa để ruộng mới gieo giống có thể nẩy mầm, đang khi người khác lại xin Chúa cho nắng ráo để sân lúa đang phơi được mau khô… Hoặc một người bán hòm người chết xin Chúa cho bán đắt hàng, đang khi người có thân nhân đau nặng lại xin Chúa cho mau khỏi bệnh… thì khi ấy không biết Thiên Chúa sẽ phải nghe lời cầu xin của ai ?
- Vì sẽ gây mất trật tự: Nếu Thiên Chúa phải đáp ứng mọi lời cầu để thỏa mãn theo nhu cầu của con người thì mọi sự sẽ trở nên hỗn loạn: Các quy luật thiên nhiên như thời tiết nắng mưa, mùa màng… sẽ thay đổi liên tục và xã hội chắc chắn sẽ mất an toàn trật tự.
- Trong thực tế người tín hữu sẽ năng cầu xin Thiên Chúa ban ơn theo thánh ý Thiên Chúa thay vì đòi Chúa phải thỏa mãn theo ý riêng noi gương Đức Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni đã cầu nguyên như sau: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Khi đau ốm các tín hữu chúng ta hãy cầu xin Chúa cho được “gặp thầy gặp thuốc” và sẵn sàng hợp tác uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4. GIẢI ĐÁP VẤN ĐỀ:
1) Phải ưu tiên tuân theo quy luật thiên nhiên của Thiên Chúa: Con người dù tin hay không tin Thiên Chúa cũng đều phải tuân theo các quy luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài: Muốn có lương thực phải gieo trồng đúng thời vụ hợp với khoa học kỹ thuật. Muôn khỏi bệnh cần chữa trị tại bệnh viện và uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, người tín hữu còn phải cầu xin Chúa cho được gặp thày gặp thuốc để mau khỏi bệnh.
2) Thiên Chúa muốn các tín hữu vừa phải cầu xin, lại vừa phải theo các quy luật thiên nhiên: Thiên Chúa chỉ can thiêp làm phép lạ khi muốn chứng tỏ quyền năng của Ngài, hoặc để củng cố đức tin của các tín hữu mà thôi.
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ nhằm mục đích ấy như sau: Người biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới thành Ca-na để “bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11); Người truyền cho sóng gió Biển Hồ yên lặng để các môn đệ nhận biết quyền năng Thiên Chúa của Người, như các ông đã ngạc nhiên nói với nhau rằng: “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?” (Mt 8,27); Người đi trên mặt Biển Hồ trong đêm tối để mặc khải thần tính của Người qua lời Người trấn an các môn đệ: “Chính Thầy đây, đừng sợ !” (Ga 6,19-20); Người nhân bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no chỉ với năm cái bánh và hai con cáđể chứng minh sứ vụ thiên sai khiến dân chúng đã thốt lên: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (Ga 6,14);
- Đức Giê-su làm phép lạ để chứng minh sứ vụ thiên sai đã được các ngôn sứ tiên báo. Chẳng hạn: Để các đầu mục Do thái biết Người có quyền tha tội dưới đất, Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà” (Mc 2,11). Tin Mừng Mát-thêu cũng viết như sau: “Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en” (Mt 15,30-31).
3) Còn những ai vô tín: cố tình nhắm mắt trước những thực tại chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và không chịu bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn Ngài, cũng đừng vội tự mãn về thái độ vô ơn bất nghĩa của mình. Sở dĩ họ không bị thua kém những người có đức tin về phạm vi vật chất là do Thiên Chúa nhân từ vẫn đang nhẫn lại chờ đợi họ hồi tâm. Nhưng lòng nhân từ cũng có giới hạn: sẽ đến ngày vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, Ngài sẽ gọi linh hồn họ ra trước tòa phán xét, bấy giờ họ sẽkhông thể bào chữa về thái độ vô ơn bất hiếu, cố tình ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn “Mười cô trinh nữ”, chàng rể Giê-su đã nói với năm cô trinh nữ khờ dại không mang theo dầu đức tin rằng: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !" (Mt 25,12). Những kẻ vô tín, chỉ lo tìm kiếm của cải vật chất ở đời này sẽ phải nghe lời quở trách của Thiên Chúa như sau: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó, sẽ về tay ai?” (Lc 12,16-21). Thái độ vô tín ấy mới thực là ngu ngốc, bị vong thân và mất quyên làm chủ đời mình.
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét