Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Lectio: Chúa Nhật XXX Thường Niên (C)


Lectio: Chúa Nhật XXX Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 27 Tháng 10, 2013
Dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế
Sự yên ổn của tôi dựa vào đâu?
Lc 18:1–14 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.
 2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này đặt chúng ta trước dụ ngôn về người Biệt Phái và người Thu Thuế (Lc 18:9-14).  Chúng tôi đã thêm vào dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán (Lc 18:1-8), bởi vì cả hai tạo thành một sự thống nhất nhỏ, mục đích là để giúp chúng ta khám phá ra chúng ta phải có thái độ cầu nguyện như thế nào trước Thiên Chúa.  Hai dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã có một phương cách khác để nhìn thấy những sự việc của đời sống và cầu nguyện.  Chúa đã thành công để cảm nhận sự mặc khải của Thiên Chúa ở nơi mà những người khác chỉ nhìn thấy những sự hoang tàn.  Người thấy có điều gì đó tích cực nơi người thu thuế, kẻ mà ai ai cũng nói:  “Hắn ta không biết cách cầu nguyện!”  Và nơi bà góa nghèo, người mà xã hội đã nói:  “Bà ta làm phiền và quấy nhiễu cả đến quan tòa!”  Chúa Giêsu đã sống rất hiệp nhất với Chúa Cha qua lời cầu nguyện, đối với Người mọi việc đã trở nên một biểu lộ của lời cầu nguyện.
Ngày nay, những người bình dị mộc mạc của phố chợ nói rằng họ không biết làm thế nào để cầu nguyện, nhưng biết cách để thưa chuyện với Chúa Giêsu, họ trò chuyện với Thiên Chúa mỗi ngày.  Bạn có biết người nào như vậy không?  Người ta có nhiều cách để bày tỏ lòng thành tâm và lời cầu nguyện của họ.
Trong lúc đọc bài đọc, chúng ta hãy cố gắng chú ý đến hai điều sau đây:  Đâu là mục tiêu và ai là ngườimà hai dụ ngôn nhắm đến?  Đâu là thái độ của những nhân vật được đề cập đến trong các dụ ngôn?

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 18:1:  Mục tiêu của dụ ngôn đầu tiên  
Lc 18:2:  Mô tả thái độ của vị thẩm phán
Lc 18:3:  Thái độ của bà góa trước vị thẩm phán   
Lc 18:4-5:  Phản ứng của vị thẩm phán trước bà góa   
Lc 18:6-8:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn
Lc 18:9:  Những người mà dụ ngôn thứ hai nhắm tới
Lc 18:10:  Lời giới thiệu về chủ đề của dụ ngôn
Lc 18:11-12:  Mô tả cách cầu nguyện của người Biệt Phái như thế nào
Lc 18:13:  Mô tả cách người thu thuế cầu nguyện như thế nào
Lc 18:14:  Chúa Giêsu cho biết quan điểm của Người về cả hai  

c)  Phúc Âm:

 1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông cần phải cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng:  2 “Trong thành kia có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta.  3 Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa cùng ông rằng:  ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù!’  4 Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng:  ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, 5 nhưng vì bá góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc.’ ”  6 Rồi Chúa phán:  “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói gì?”  7 Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Chúa tuyển chon hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?  8 Thầy bảo các con:  Chúa sẽ kíp giải oan cho họ.  Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?”  9Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác:  10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Biệt Phái, một người thu thuế.  11Người Biệt Phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng:  “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác:  tham lam, bất công, ngoại tình như những người khác, hay là như tên thu thuế kia.  12 Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả hoa lợi của tôi.”  13 Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mặt lên trời; nhưng đấm ngực và nguyện rằng:  “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.”  14Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không.  Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.”
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Bạn hài lòng điều nào nhất trong cả hai dụ ngôn này?  Tại sao?    
b)  Bà góa và vị thẩm phán có thái độ ra sao? Điều gì đánh động nhất trong thái độ của mỗi nhân vật? Tại sao?    
c)  Người Biệt Phái và người thu thuế có những thái độ như thế nào?  Điều gì đánh động chúng ta nhất trong thái độ của mỗi người?  Tại sao?
d)  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn này như thế nào?     
e)  Hai bài dụ ngôn này dạy chúng ta phải làm gì liên quan đến việc cầu nguyện?  

5.  Phần chú giải

Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh hôm qua và hôm nay:

Bối cảnh vào thời của Chúa Giêsu và của thánh Luca được diễn đạt trong hai câu giới thiệu nói về “cần phải cầu nguyện liên tục và đừng ngã lòng” (Lc 18:1) và “một số người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác” (Lc 18:9).  Bối cảnh của ngày nay tiếp tục giống như xưa kiabởi vì ngày nay cũng cần phải cầu nguyện luôn luôn và ngày nay cũng có những người tự hào là người công chính và khinh bỉ kẻ khác.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Lc 18:1:  Mục tiêu của dụ ngôn đầu tiên

Thánh Luca giới thiệu dụ ngôn này với câu:  “sự cần thiết phải luôn luôn cầu nguyện và đừng bao giờ ngã lòng”.  Trong các đoạn Tin Mừng khác, ông khẳng định trong cùng một cách về sự kiên trì trong cầu nguyện và về sự cần thiết tin rằng Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta và đáp ứng những lời cầu xin của chúng ta.  Niềm tin vào Thiên Chúa đáp ứng lời khẩn cầu của chúng ta là sợi chỉ đỏ tràn ngập khắp toàn bộ Kinh Thánh, nơi mà, từ cuộc xuất hành khỏi đất Ai Cập nó đã không ngừng lặp đi lặp lại rằng “Hãy nghe tiếng than van của Dân Người” (Xh 2:24; 3:7).

Lc 18:2:  Mô tả thái độ của vị thẩm phán

Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ cho những ai lắng nghe lời Người, đó là thái độ của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện của chúng ta.  Vì lý do này, khi nói về người thẩm phán, Người nghĩ đến Thiên Chúa Cha, Đấng là cùng đích của việc so sánh mà Người đang làm.  Nếu đó không phải là Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không có đủ can đảm để so sánh Thiên Chúa với vị thẩm phán “người không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta”.  Việc so sánh táo bạo này, được thực hiện bởi Chúa Giêsu, một mặt tăng cường tầm quan trọng của sự kiên trì trong cầu nguyện và, mặt khác, sự chắc chắn sẽ được Đức Chúa Cha nhậm lời.

Lc 18:3:  Thái độ của bà góa trước vị thẩm phán

Trong thái độ của bà góa trước vị thẩm phán, chúng ta biết được tình cảnh của người nghèo khó trong xã hội thời Chúa Giêsu bấy giờ.  Các góa phụ và cô nhi không có ai bênh vực và quyền lợi của họ không được tôn trọng.  Sự việc mà Chúa Giêsu so sánh thái độ của chúng ta với thái độ của bà góa nghèo khổ, không ai bênh vực bà, là người tìm cách để đòi lại quyền lợi của bà trước một vị thẩm phán không có lòng thương người, cho thấy sự đồng cảm của Chúa Giêsu đối với những người nghèo, những người quyết chí đấu tranh để dành lại quyền lợi của họ.

Lc 18:4-5:  Phản ứng của vị thẩm phán trước bà góa

Vị thẩm phán cuối cùng cũng chịu thua trước sự kiên gan bền chí của người góa phụ.  Ông ta chịu xét xử cho bà ấy không phải vì lòng yêu chuộng công lý, mà để tránh cho mình khỏi bị bà góa liên tục quấy rầy mãi.
  
Lc 18:6-8:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn

Chúa Giêsu rút ra một kết luận:  Nếu một người thẩm phán vô thần và bất lương phải quan tâm đến một bà góa là kẻ kiên trì trong sự kêu nài của bà; thì Thiên Chúa, Đức Chúa Cha, sẽ lắng nghe những ngườimà ngày đêm cầu xin Người nhiều hơn nữa, ngay cả khi Người bắt họ phải chờ đợi.  Đây là tâm điểm của dụ ngôn, được xác nhận bởi câu hỏi cuối cùng của Chúa Giêsu:  “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”  Đó là, liệu đức tin của chúng ta có sẽ được bền bỉ như của bà góa, người nhất định không nản lòng, cho đến khi bà ta có được sự đáp ứng của Thiên Chúa chăng?  Bởi vì như sách Giảng Viên đã chép:  “Thật là khó mà chống lại được sự kỳ vọng của Thiên Chúa!”   

Lc 18:9:  Những người mà dụ ngôn thứ hai nhắm tới

Bài dụ ngôn thứ hai này về người Biệt Phái và người thu thuế được giới thiệu trong câu thứ hai:  “Người nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác!”  Câu màthánh Luca đề cập cùng một lúc, vào thời điểm của Chúa Giêsu và vào thời điểm của Luca.  Kế đến, trong các cộng đoàn của thập niên 80, những người mà Luca muốn nhắm đến khi viết sách Phúc Âm của ông, có một số người cố bám víu vào truyền thống cổ xưa của Do Thái giáo mà xem thường những dân ngoại (Cv 15:1-5).  

Lc 18:10:  Lời giới thiệu về chủ đề của dụ ngôn

Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện:  một là người Biệt Phái và người kia là một người thu thuế. Không thể có một sự tương phản nào rõ ràng hơn sự tương phản giữa hai người này.  Theo quan điểm của người ta thời bấy giờ, người thu thuế thì bất xứng và không thể thưa gửi cùng Thiên Chúa, bởi vì anh ta là kẻ ô uế, khi nào người ấy còn là người thu thuế, trong khi người Biệt Phái là người đáng kính trọng và rất sùng đạo.

Lc 18:11-12:  Mô tả cách cầu nguyện của người Biệt Phái như thế nào

Người Biệt Phái đứng thẳng cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa bởi vì ông ta không giống như những người khác:  tham lam, bất trung, ngoại tình.  Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là tự ca ngợi mình và những việc ông ta làm:  ăn chay, và đóng một phần mười trên tổng số hoa lợi.  Đây là một sự tán dương các việc làm tốt lành của ông ta và khinh miệt việc làm của những kẻ khác, những người mà ông ta đã sỉ nhục, đặc biệt là người thu thuế, người đang cùng đứng với ông trong cùng một chỗ. Ông ta không coi người đó là anh em mình.

Lc 18:13:  Mô tả cách người thu thuế cầu nguyện như thế nào

Người thu thuế không dám ngước mắt lên, nhưng lại đấm ngực và nguyện rằng:  “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi!”  Anh ta không xứng đứng trước mặt Chúa.

Lc 18:14:  Chúa Giêsu cho biết quan điểm của Người về cả hai dụ ngôn

Nếu Chúa Giêsu đã hỏi dân chúng, ai là người ra về được khỏi tội, thì có lẽ tất cả sẽ trả lời:  “Người Biệt Phái!”  Nhưng Chúa Giêsu lại nghĩ khác.  Người ra về được khỏi tội (trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa) không phải là người Biệt Phái, mà là người thu thuế.  Một lần nữa, Đức Giêsu đã đảo ngược mọi chuyện.  Có lẽ sự áp dụng này của Chúa Giêsu trong dụ ngôn đã không làm hài lòng nhiều người.

c)  Phần phụ chú:


i)  Những người Kitô hữu tiên khởi giới thiệu với chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện, Đấng sống trong sự hiệp nhất vĩnh cửu với Đức Chúa Cha.  Hơi thở cuộc sống của Chúa Giêsu là làm theo thánh ý của Thiên Chúa (Ga 5:19).  Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều và đã khẳng định để cho người ta và các môn đệ của Chúa cũng phải cầu nguyện.  Bởi vì trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa mà chân lý xuất hiện và người ta sẽ tìm thấy mình trong mọi thực tế và lòng khiêm nhường.

ii)  Hai bài dụ ngôn mặc khải điều gì đó về thái độ cầu nguyện của Chúa Giêsu trước mặt Đức Chúa Cha.  Chúng mặc khải rằng ngay cả đối với Chúa Giêsucầu nguyện cũng không phải luôn luôn dễ dàng. Giống như người đàn bà góa, các bạn phải hằng kiên tâm cầu nguyện, cũng như được trông thấy trongsự cầu nguyện tại Vườn Cây Dầu (Lc 22:41-42).  Người dâng lời khẩn nguyện cho đến khi chết, Người đã không ngã lòng và Người đã được nhậm lời (Dt 5:7).  Hai dụ ngôn cũng mặc khải kinh nghiệm và sự thân thiết của Người với Thiên Chúa là Chúa Cha, Đấng đã chấp nhận tất cả, và tình yêu của Người có sự thưởng công như một dấu ấn trọng tâm.  Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không tùy thuộc vào những gì chúng ta làm cho Người.  Chúa đã yêu chúng ta trước tiên.  Người chấp nhận người thu thế. 

iii)  Thánh Luca, Thánh Sử, là người cho chúng ta biết thêm về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ông cho thấy Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện liên tục.  Sau đây là một vài thời điểm trong đó Chúa Giêsu xuất hiện với sự cầu nguyện trong Tin Mừng theo Luca:

·         Khi Chúa Giêsu được mười hai tuổi, Người đi lên Đền Thờ, đến nhà Chúa Cha (Lc 2:46-50).
·         Đang khi chịu phép rửa và lúc nhận lãnh sứ vụ, Người cầu nguyện (Lc 3:21).
·         Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người đã cầu nguyện bốn mươi ngày trong hoang địa (Lc 4:1-2).
·         Khi Đức Giêsu bị cám dỗ, Người phải đối diện với quỷ như trong lời từ Kinh Thánh (Lc 4:3-12).
·         Chúa Giêsu luôn tham dự trong các giờ cầu nguyện trong Hội Đường vào ngày Thứ Bảy (Lc 4:16).
·         Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện (Lc 5:16; 9:18).
·         Trước khi chọn mười hai Tông Đồ, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện (Lc 6:12).
·         Người cầu nguyện trước các bữa ăn (Lc 9:16; 24:30).
·         Đức Giêsu cầu nguyện trước khi tiên báo về cuộc thương khó của Người (Lc 9:18).
·         Trong lúc bối rối, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và Người đã hiển dung trong lúc cầu nguyện (Lc 9:28).
·         Khi mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, Người nói:  “Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha!” (Lc 10:21).
·         Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu linh ứng cho các Tông Đồ ước muốn cầu nguyện (Lc 11:1).
·         Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để ông khỏi mất lòng tin (Lc 22:32).
·         Chúa mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ (Lc 22:7-14).
·         Trong Vườn Cây Dầu, Chúa cầu nguyện, và mồ hôi máy chảy ra từng giọt (Lc 22:41-42).
·         Khi lâm cơn xao xuyến bồi hồi, Chúa bảo các môn đệ cùng cầu nguyện với Người (Lc 22:40-46).
·         Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, Người cầu nguyện xin tha cho những kẻ hành hạ Người vì họ không biết những việc họ đang làm (Lc 23:34).
·         Vào phút lâm chung, Đức Giêsu kêu lớn tiếng:  “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!”  (Lc 23:46; Tv 31:6)

iv)  Danh sách dài các lời trích dẫn này cho thấy tất cả mọi việc theo sau chúng.  Đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện là được hiệp nhất một cách mật thiết với đời sống, với những sự kiện cụ thể, với những quyết định Người phải làm.  Để được trung tín với kế hoạch của Chúa Cha, Đức Giêsu đã cố gắng để được sống riêng tư với Chúa Cha.  Chúa lắng nghe lời Người.  Trong những lúc khó khăn và quyết định của cuộc đời, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng các bài Thánh Vịnh.  Cũng giống như bất kỳ người Do Thái sùng đạo nào, Chúa thuộc lòng những bài này.  Nhưng đọc lên những bài Thánh Vịnh đã không làm mất đi sự sáng tạo của Người.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã tự sáng tác một bài Thánh Vịnh mà Người đã truyền dạy cho chúng ta.  Đó là Kinh Lạy Cha.  Đời sống của Người là một lời cầu nguyện liên tục: “Ta luôn sẽ làm những gì Chúa Cha muốn Ta làm!” (Ga 5:19-30).  Đối với Người, đã ứng nghiệm với điều Thánh Vịnh nói:  “Con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109:4).
                                                                                                                                                                                          
6.  Cầu Nguyện cùng Thánh Vịnh: 
Thánh Vịnh 146 (145):  Hình ảnh của Chúa chúng ta

Allêluia!  Ca tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng CHÚA,
sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.
Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế,
nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.

Họ tắt hơi là trở về cát bụi,
dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.
Phúc thay người được Chúa Trời nhà Gia-cóp phù hộ
và cậy trông CHÚA, Thiên Chúa họ thờ.
Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi
cùng muôn loài trong đó.
Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,
xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,

CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ.

CHÚA yêu chuộng những người công chính,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.
CHÚA nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét