Trang

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ Chia sẻ 21-26

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ 
Chia sẻ 21-26


 Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 21
ĐÀO SÂU LINH ĐẠO LÀM CON THẢO

 

Như đã nói, dạy giáo lý không chỉ là truyền đạt những hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình tình thương của Ngài, nhưng là dẫn vào một nếp sống mới, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, tức là sống theo linh đạo của người làm con Thiên Chúa. Nói một cách giản dị, đó là sống theo Kinh Lạy Cha.
Ngày nay ở Việt Nam dường như sự phục hưng tinh thần gia tộc, với việc xây dựng từ đường, tôn tạo mồ mả cha ông đi đôi với sự phát triển những tin tưởng về phong thủy. Ngoài việc xem phương hướng, coi ngày giờ, người ta còn dùng những đồ vật trấn phong thủy như la kinh, la bàn, đá phong thủy đồ thị, đồng tiền cổ của các đời vua, xương thú vật, cẩm thạch, đá thạch anh, bùa chú, châu sa thần sa… Các cửa hàng phong thủy lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở các thành phố, với những món hàng giá lên đến vài chục triệu đồng, cũng có những món hàng cao cấp lên đến tiền tỉ. Nhưng phần lớn các món hàng phổ thông được bán với giá vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng là bán chạy nhất và nhiều người ưa chuộng hơn cả. Trước đây việc phát huy Tây học, cuộc vận động của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả cùng thời cũng như ảnh hưởng Kitô giáo qua môi trường giáo dục đã đẩy lùi các tin tưởng và thực hành phong thủy, nhưng vài chục năm trở lại đây người ta lại đua nhau chạy theo phong thủy, mong nhờ đó mà mình và con cháu làm ăn phát đạt.
Thách đố lớn trong việc loan Tin mừng cho người cùng Dòng họ, là nêu lên được tính lừa dối của quan niệm phong thủy. Chính các con cái Chúa phải bước đi vững vàng trong tinh thần siêu thoát và giúp các tín hữu mới bước đi như thế, thoát khỏi não trạng ham mê tiền bạc vật chất. Muốn vậy, cần giúp họ xác tín và sống mãnh liệt các ý lực của Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha giúp người tín hữu thoát ra khỏi chính mình. Những ý nguyện nơi phần thứ nhất của kinh này dạy ta đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Ý nguyện của phần thứ hai nhắc ta sống phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Chính trên những cơ sở ấy mà ta có thể sống yêu thương, hiệp thông, tha thứ và quên mình vì ích chung (x. Mt 6,25-34).
Để chữa lành bệnh dịch bạo lực và gian dối đang lan tràn hiện nay, cần phải giúp mọi người nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao và là anh em của mọi người. Nếu không biết đến vị Cha Chung đầy nhân ái của muôn loài, Đấng thấu suốt cõi lòng và ân thưởng cả những điều quảng đại bé nhỏ nhất (x. Mt 10,41-42) thì quả là khó mà quảng đại quên mình vì ích chung. Ích chung đòi phải quên lợi riêng, cho nên ai cũng ngại. Nhờ nhận biết mình là con Thiên Chúa, người tín hữu sẽ quả cảm sống tinh thần vì ích chung, bắt đầu từ chính mình. Chính tinh thần vì ích chung sẽ giúp ta dám sống công bằng và chân thật, là những giá trị đang trở nên hiếm hoi giữa một xã hội đang quay cuồng chạy theo vật chất.
Muốn xây dựng một thế hệ hào hùng, thượng võ và quả cảm quên mình vì đồng loại, trước hết cần dạy cho họ biết hiếu thảo với Cha Cả trên trời, Đấng đang liên lỉ ngỏ lời với con cái mình cách thầm lặng nơi lương tâm họ. Việc giáo dục này chúng ta có thể thực hiện được bằng cách cố gắng thêm một chút để sống trọn lý tưởng hiệp thông của Tin mừng và chia sẻ với các tín hữu mới lý tưởng chính chúng ta đang sống. Đây là vấn đề và thách đố đặt ra không phải cho những người đồng tộc nhưng là cho cộng đồng tín hữu Công giáo, ở bình diện giáo xứ cũng như giáo phận. Với kinh nghiệm bản thân về giáo hội Việt Nam, tôi nghĩ rằng đó là điều có thể làm được.
Tôi đã giữ được một kỷ niệm rất êm đềm và thánh thiện về Đà Lạt, là đã được sống tại đó trong thời gian giáo phận này được chuyển mình triệt để nhờ mọi người cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tập sống theo khôn mẫu Giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi. Hiệp thông, quả là Nước Trời giữa trần gian, dĩ nhiên là đang còn bất toàn với bao đấu tranh cần thiết. Tiếp đó, cuối năm 1990, được về Bắc Ninh và Phát Diệm, rồi những năm sau đó được trải qua một vài tuần chầu lượt tại Giáo phận Vinh, tôi được nhìn thấy thêm một phiên bản thực hành, không cần lý thuyết.
Về sau, tôi còn được nhìn thấy sự thể hiện tình hiệp thông tuyệt vời tại đơn vị hàng xóm: Giáo phận Kontum. Tại những nơi tôi có dịp sống và làm việc như Nha Trang, Sài Gòn, cũng như tại Giáo phân mẹ Qui Nhơn, tôi vẫn luôn được đầy an ủi do tình hiệp thông của bề Trên cũng như của anh em chung quanh. Tuy nhiên, cung cách thể hiện của cộng đoàn Công giáo tại Kontum, như tôi được nghe và được thấy, quả là một bảo chứng để khẳng định rằng lý tưởng hiệp thông trong Công vụ Tông đồ là điều khả thi ngay ở thời đại này và theo cách của thời đại này. Tôi chỉ được thấy Đức Cha Paul Seitz một vài lần. Tôi chỉ được gặp gỡ nói chuyện với Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung một vài lần, còn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và anh em linh mục Kontum thì nhiều lần hơn. Điều khiến tôi xúc động là qua đó khuôn mẫu của các vị Thừa Sai nghèo, quên mình cho Tin mừng và cho Dân chúng vẫn còn được “sao y bản chánh” cho đến nay. Hiệp thông và hiệp nhất, quả là sức hút và chất men của Nước Trời.


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 22
NHÂN HÒA – ĐỊA LỢI - THIÊN THỜI

Tới đây, tôi xin phép được chia sẻ một vài kinh nghiệm rất riêng, để anh chọ em đồng đạo có thêm chất liệu cụ thể, tiện đối chiếu, suy tư và tìm kiếm trong lãnh vực dòng họ.
Ngày đất nước thống nhất, tôi được 28 tuổi. Việc thống nhất tạo thuận lợi cho việc đoàn tụ nhiều gia đình và gia tộc. Tôi quan tâm tìm sao chép lại bản gia phả đã được cụ trưởng tộc phiên âm sang chữ Quốc ngữ và cất giữ, thì được biết đã bị mối mọt ăn hư mất. Tôi tiếc ngẩn ngơ và mong sớm có ngày được về quê để đến kính viếng từ đường của Dòng họ nằm ở làng ngoài Công giáo gần bên và xin tham khảo bản gia phả. Trong lúc chờ đợi, tôi vào thư viện tìm đọc và sao chụp những trang sách có nói về họ Võ và lịch sử họ Võ... Đọc được một số sách và bài có nói về nguồn gốc dòng họ Võ ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương cũng như ở Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tôi càng háo hức sớm có dịp về Bắc tìm kiếm. Mãi mùa thu 1990, mộng mới thành.
Cha Giuse Lê Viết Phục, Dòng Chúa Cứu Thế, lúc ấy đã 70 tuổi, là một người cha và một người anh tôi hằng ngưỡng mộ. Biết được ước nguyện của tôi, ngài đã mời tôi theo ngài hành hương Giáo hội phía Bắc trong vòng 3 tuần. Ngài hứa đưa tôi thăm hầu hết các Tòa giám mục phía Bắc và đặc biệt sẽ đưa tôi về làng quê An Nhiên và về gốc tổ Mộ Trạch. Quả là một món quà hết sức bất ngờ.
Sáng ngày 11-09-1990, chúng tôi về tới làng quê nơi tôi sinh trưởng là An Nhiên. Xế chiều tôi tìm đến thăm cụ tộc trưởng họ Võ huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ở làng bên để thắp hương bái tổ. Sau ngót ba trăm năm xa cách về mặt tinh thần, tôi phập phồng không biết sẽ nói năng làm sao. Thế nhưng tôi đã được cụ tộc trưởng và con trai cụ là một nhà giáo dang rộng vòng tay đón nhận. Nhà giáo này nhanh nhẹn thu xếp mọi sự để chiều hôm sau tôi dâng thánh lễ cầu bình an cho dòng họ tại sân nhà cụ tộc trưởng.
Cuối thế kỷ 17, cụ tổ đời thứ sáu của họ Võ ở Thạch Hà là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh được ơn tin Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô và dọn nhà sang sinh sống tại làng Công giáo, cách khoảng một cây số đường chim bay. Người em trai út của ông là Cường Lộc Hầu Võ Tá Trọng đã đưa vai cáng đáng việc từ đường, nhờ đó mà việc tế tự truyền thống vẫn kéo dài mãi đến nay.
Cuộc chia tay để lại vết thương khó lành trong tâm khảm. Con đường từ thị xã Hà Tĩnh xuống cảng Hộ Độ gần như là ranh giới chia đôi, những làng Công giáo ở phía Bắc và những làng lương dân ở phía Nam. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến hai bên trở thành xa lạ với nhau, rất ít khi giao thiệp. Thế mà chiều ngày 12-9-1990, khi tôi cử hành thánh lễ tại sân nhà cụ tộc trưởng Võ Tá Quê, thì có đến gần một trăm người cả lương lẫn giáo cùng tham dự. Chưa đầy hai ngày ở quê nhà, tôi được Thiên Chúa cho thấy bức tường vô hình đã sụp đổ.
Sau thánh lễ, tất cả cùng ngồi lại ăn bánh ngọt chia sẻ tâm tình. Tôi đã dự tính về xin tham chiếu gia phả nhưng tôi không còn kịp hỏi han gì đến chuyện ấy vì có một cái gì ở trên vừa ập xuống còn lớn lao hơn nhiều. Nhà giáo Võ Tá Tương cảm tác một bài đường luật bát cú ghi nhớ cuộc "sum họp". Bài thơ ấy đã mở màn cho cuộc xướng họa "sum họp". Đất nước thống nhất là địa lợi, lòng người cùng khắc khoải tìm kiếm như nhau là nhân hòa; và hơn thế nữa, còn có cả thiên thời. Vâng, nhờ ơn Chúa, đúng một tuần sau hôm dâng lễ ở từ đường, tôi tìm được ngôi mộ ông nội của vị tổ thế kỷ thứ IX mà cha tôi và các chú tôi thường nhắc đến, trên cánh đồng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Trong cùng một buổi chiều ấy, hết sức bất ngờ, tôi còn tìm được cả những trang gia phả hơn 800 năm trước tại nhà một vị trưởng lão có tên là Thiên Hựu – Trời xếp đặt. Tôi gửi các bài họa của tôi cùng với hình chụp ngôi mộ và bản đồ chỉ đường  đến đó. Những chi tiết ấy đã tạo thêm cảm hứng cho nhiều người. Có đến gần 40 bài họa của nhiều anh em các nhánh họ Võ khác nhau tại Hà Tĩnh, Nghệ An và cả Hà Nội. Những bài thơ này được chép tay, đánh máy, photocopy, phát tán không riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn lan đến một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam, góp phần làm dậy nên sức sống cho tình đồng tộc...
Kinh nghiệm ở đây, từ chuyện xướng họa thơ Đường giữa những người luống tuổi, tôi muốn gợi ý với các bạn trẻ sử dụng những phương tiện truyền thông ngày nay vào việc xây dựng tình đồng tộc và loan báo Tin mừng: email, chat, nhắn tin, nhạc chờ, blogs, facebook...
Chuyện thiên thời đối với tôi còn có nghĩa là những ơn lạ, lặp đi lặp lại nhiều lần trên hành trình tìm về nguồn cội, giúp tôi tìm ra được cả những manh mối nối liền được một số nhóm bị đứt đoạn về gia phả suốt mấy trăm năm qua, như tôi đã kể lại ở cuối quyển Về Với Cội Nguồn. Tôi có cảm tưởng những ơn ấy là những tín hiệu siêu nhiên muốn nhắn nhủ rằng việc nối kết dòng họ đang được Thiên Chúa chúc lành như một nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng.



LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ  23
HƯỚNG TỚI THẾ HỆ TRẺ

Loan Tin mừng qua con đường dòng họ không chỉ là chuyện có tính giai đoạn nhân kỷ niệm 50 năm huấn thị “Plane compertum est”. Lệnh truyền của Chúa là loan báo Tin mừng đến tận cùng thế giới, từ thế hệ này qua thế hệ khác cho tới ngày Chúa lại đến. Như thế, vai trò các thế hệ trẻ rất quan trọng.
Nơi phong trào tìm nguồn cội của người lương cũng như người giáo, thoạt đầu, chỉ những người về hưu mới quan tâm. Nay giới phụ huynh trẻ 35-45 tuổi bắt đầu nhập cuộc nhiều. Những người trẻ hơn thường ít bận tâm hơn. Do đó, cần nỗ lực đào tạo ý thức cội nguồn cho thế hệ trẻ.
Trước tình cảnh sự học sa sút, năm 1990, chúng tôi đã thiết lập việc khuyến học trong phạm vi gia tộc, lấy ngày giỗ ông nội làm "ngày truyền thống gia tộc" đồng thời cử hành ngày này theo dương lịch cho các bạn trẻ dễ nhớ.
Một số phụ huynh trẻ thấy chương trình khuyến học khá hữu ích, tích cực theo đuổi và việc phát thưởng nhân "ngày gia tộc" vẫn tiếp tục cho tới ngày nay. Trong ngày này chúng tôi ưu tiên quy tụ các cháu nhỏ, không mời người ngoài, chỉ tập trung lo xây dựng trong nội bộ. Giá trị vật chất của các phần thưởng không đáng kể nhưng vẫn là một cái gì háo hức đối với các cháu mẫu giáo và các lớp nhỏ. Ngày gia tộc cũng lôi cuốn với các học sinh lớn nhờ đó là dịp để các cháu đi chơi. Do chúng tôi không có từ đường, ngày này được tổ chức lưu động tại bất cứ gia đình nào đăng cai tổ chức. Cả những gia đình trẻ và cả những cháu ngoại cũng được quyền đăng cai tổ chức. Nhà nào lo giỗ năm sau sẽ rước di ảnh Ông Bà về lo hương khói trong một năm. Bù lại trong năm mọi người được nhắc nhở cầu nguyện cho gia đình ấy. Như thế chúng tôi có một từ đường lưu động hằng năm, đi theo di ảnh Ông Bà. Các gia đình trong dòng tộc chúng tôi ở tại ba tỉnh miền Trung và cả ở Sài Gòn, hằng năm các cháu đều có dịp quy tụ ở những địa phương khác nhau. Hơn nữa, dù tổ chức ở đâu, ngoài thánh lễ, buổi phát thưởng và bữa ăn gia tộc, còn có chương trình dã ngoại hoặc du lịch tham quan. Thêm vào đó, vì không có ruộng hương hỏa hoặc một nguồn lợi tức nào để chi dùng cho việc gia tộc, chúng tôi xây dựng quỹ hương hoa bằng sự quyên góp hằng năm, ngay trong ngày gia tộc. Một phần được giữ lại cho quỹ học bổng, một phần được giao cho gia đình đăng ký tổ chức ngày gia tộc năm sau.
Trong cuộc họp mặt đầu tiên về gia phả dòng họ năm 1996 tại hội trường Viện Sử Học Hà Nội, nhiều đại biểu cũng tỏ ra đồng cảm với điều tôi chia sẻ. Tôi lưu ý mọi người rằng tìm lại quá khứ là để phục vụ tương lai. Trong thâm tâm những người nhiệt thành với nguồn cội, ai cũng biết rằng công việc của mình trước hết là nhằm ích lợi tinh thần cho con cháu. Xu thế suy thoái đạo lý trên thế giới thật đáng lo ngại: Phim ảnh bạo lực và tình dục cộng với bao nhiêu tệ nạn khác của văn minh hưởng thụ sẽ càng lúc càng phá hỏng những nền móng của đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Việc dựng lại gia phả, nêu cao tình gia đình và gia tộc là một phương thế có thể góp phần hữu hiệu vào việc giáo dục đạo lý cho con cháu. Từ góc nhìn của một linh mục, tôi thấy ngày nay muốn chấn hưng đạo đức cho lớp trẻ, chỉ riêng nỗ lực của gia tộc hoặc của tôn giáo thôi không đủ, cần có sự hợp tác của cả đôi bên. Chính vì thế mà tôi tham gia nghiên cứu về gia phả dòng họ. Dù chưa thu thập được đầy đủ các chi tiết cần thiết, dù còn bất toàn và đầy hạn chế, bản gia phả vẫn là một phương tiện có tác dụng rất lớn trong việc đào tạo lòng biết ơn tiền nhân, gây ý thức tự trọng và tạo tinh thần cầu tiến.
Gia tộc chúng tôi cũng tìm cách để biến gia phả thành một phương tiện thu hút sự chú ý của các cháu nhỏ và đào tạo tình gia tộc cho các cháu. Xưa tại Việt Nam, chỉ những người đã khuất mới được ghi vào gia phả. Nay chúng tôi ghi vào gia phả cả những cháu nhỏ mới sinh. Hiện chúng tôi đang thí nghiệm phiên bản CD của gia phả, đã thực hiện cách nay năm năm. CD này sẽ cập nhật năm năm một lần, có hình từng gia đình và từng cháu, các cháu có thể bấm tìm như trên một website. Qua thử nghiệm, các cháu nhỏ tỏ ra rất thích thú khám phá nhiều điều về dòng họ, gia tộc và họ hàng trên màn ảnh vi tính. Chúng tôi cũng mong tìm người thiết kế một trò chơi điện tử về gia phả và dòng họ để đưa vào CD này cho các cháu nhỏ thêm hào hứng.
Việc đào tạo ý thức về Đạo Hiếu còn được thực hiện qua việc hành hương về nguồn cội. Năm 2005, kỷ niệm 50 năm cuộc di cư, chúng tôi đã đưa các cháu về cử hành ngày gia tộc tại gốc tổ Hà Tĩnh. Một vài vị cao niên, một số phụ huynh trẻ và một linh mục trong gia tộc dẫn đầu đoàn hành hương về phát thưởng tại một gia đình ngoài ấy, dâng lễ tại nhà thờ xứ và thắp hương niệm tổ tại từ đương bên làng lương.


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 24
ĐẾN VỚI LƯƠNG DÂN

Hiện nay có nhiều gia đình và gia tộc Công giáo đang cố gắng tiếp tục triển khai một bản gia phả còn may mắn giữ được hoặc đang gom góp tư liệu để dựng lại gia phả. Đó là sáng kiến quý và là một khởi đầu tốt. Với viễn tượng loan báo Tin mừng, việc này không nên dừng lại trong nội bộ những gia đình đã theo Chúa nhưng cần quyết tâm mở rộng tới anh chị em ngoài Công giáo. Nhiều trường hợp đôi bên còn giữ được liên hệ qua việc giỗ chạp. Anh chị em lương dân thường khá kỹ lưỡng trong việc lưu truyền gia phả. Ta có thể nhờ đó mà tìm lại được thông tin về những thế hệ xưa.
Việc mời nhau trong dịp giỗ chạp nay đã bình thường. Những ngày truyền thống từng gia tộc tại các nhà thờ Công giáo là dịp để mời anh chị em đồng tộc bước tới nhà Chúa, và cũng là dịp để họ đáp lễ bằng cách mời ta đến thăm từ đường của họ trong các dịp giỗ. Đức Thánh Cha Phanxicô thật chí lý khi nhấn mạnh đến viếng thăm và gặp gỡ.  Chính sự gặp gỡ sẽ hóa giải những hiểu lầm.
Ở quê tôi, trước kia hai làng lương và giáo rất ít qua lại, thậm chí còn tránh mặt nhau. Thế nhưng sau thánh lễ cử hành tại từ đường bên làng lương tháng 9-1990, người dân hai bên dần dần trở nên thân thiện. Ngày giỗ Thanh Minh, khi được mời đến dự, bà con đồng tộc Công giáo đem theo hương đèn, hoa quả (Thật ra chỉ mấy năm đầu khi mới tái lập quan hệ mới cần mời, về sau, việc về thắp hương và đóng góp trong ngày giỗ không phải đợi ai mời nhưng là một bổn phận).
. Khi tôn tạo từ đường, anh chị em Công giáo cũng đóng góp tiền bạc. Bù lại, khi giáo xứ xây dựng nhà thờ mới, anh chị em lương dân quan tâm thăm hỏi, đóng góp. Ngày khánh thành nhà thờ xứ, có một đoàn bên làng lương đến mừng. Một gia đình ở đó còn công đức cả hệ thống âm thanh và đèn cao áp cho nhà thờ mới.
Sự gặp gỡ cảm thông giúp thay đổi cái nhìn. Bài ca tế Thanh Minh trước kia nhận định rằng “Đức Hiển Dương vốn dòng trưởng chánh, việc từ đường vắng tạnh khói hương”, nay đã đổi thành: “Hiển Dương Hầu ở ngôi cháu trưởng, đổi sang đường tín ngưỡng Kitô”. Thay vào sự phiền trách là  sự ghi nhận khách quan, có phần trân trọng. Có thể nói theo Đạo Chúa không còn là bỏ Ông bỏ Bà.
Sự có qua có lại này ngày càng thắm thiết. Bản thân tôi là linh mục cũng cố gắng để khắc sâu mối thân tình. Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi đều dành thời giờ thăm vị Tộc trưởng và người bạn tâm giao là nhà giáo Võ Tá Tương. Tôi đến thắp hương ở từ đường và khi có điều kiện, tôi dâng thánh lễ ở đó. Dù xa xôi ngàn dặm, hàng năm đến giỗ Thanh Minh, vị tộc trưởng đều gọi điện mời tôi. Một vài lần tôi đã vượt khó khăn để về dự. Một số lần khác, tôi đã gọi điện về xin cha xứ hiện diện thay tôi. Cha Phêrô Nguyễn Đại, khi là chính xứ An Nhiên, đã hai lần đến thắp hương tại từ đường Hà Hoàng và được mời phát biểu trước hàng mấy ngàn người về dự đại tế.
Sự nhập cuộc của các linh mục được anh chị em người lương quý chuộng cách riêng. Vì thế, mỗi khi bắt liên lạc được với một dòng họ nào, tôi đều cố gắng giới thiệu một cha thuôc dòng họ ấy. Tại Lý Sơn, cha Phạm Đức Thanh DCCT đã cùng tôi đến thắp hương ở từ đường họ Phạm; tại Qui Nhơn, cha Văn Ngọc Anh đã cùng tôi đến thăm nhà cụ trưởng lão họ Văn đang hoàn thiện bản gia phả dòng họ.
Đã có những linh mục ghi nhớ ngày giỗ dòng họ mình và tích cực đến hiệp thông, thắp hương. Tại Hải Dương, hằng năm tới ngày lễ hội họ Vũ, Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên vẫn có lẵng hoa gửi về. Trong năm 2012, có lần ngài đã cùng với 18 anh em linh mục mang họ Vũ về tổ đường này dâng thánh lễ đồng tế.
Đức Giám Mục Hải Phòng dâng lễ tại nhà khách dòng họ Vũ Võ ở Mộ Trạch.
Với những người đã tham dự ngày truyền thống dòng họ tại nhà thờ giáo xứ, ta nên quan tâm lui tới thăm viếng. Mỗi giáo xứ thường có sẵn những nhóm anh chị em lo thăm viếng, cụ thể là các anh chị Legio Mariae, vẫn thường thăm người neo đơn, bệnh tật, vv…  ta nên liên kết nhờ họ cùng đi thăm để việc thăm viếng được nhịp nhàng đều đặn hơn. Những người cao niên thường nghĩ nhiều về đời sau, và cũng không còn vướng mắc xã hội, ta nên mạnh dạn chia sẻ về đức tin và cầu xin Chúa mở lòng cho họ. Ngày giờ của họ càng lúc càng ngắn ngủi, cần được ta quan tâm giúp hoàn tất cuộc đời đúng như Chúa mong chờ cho họ. Khi một vị lão thành tin nhận Chúa, con cháu người ấy sẽ dễ hướng lòng về Chúa hơn.
Cần lưu ý rằng việc loan Tin mừng của anh em Tin Lành kết quả nhiều là nhờ họ thăm viếng nhiều. Có một đôi bạn từ Trung Quốc theo học một Đại học Công giáo tại Mỹ để nghiên cứu về Kitô giáo. Khi ra trường, họ bày tỏ nỗi ngạc nhiên:
- Tại trường Đại Học này, có rất nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu Công giáo, nhưng hơn ba năm ở đây không có bất cứ một ai đến thăm chúng tôi, ngược lại mỗi ngày Thứ Sáu đều luôn có người Tin Lành đến nói về Kinh Thánh cho chúng tôi nghe.
Có lẽ câu nói ấy phải khiến chúng ta tự vấn nhiều trước anh em và trước nhan Chúa.


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 25
KHÓ KHĂN VÌ GIÁN ĐOẠN PHẢ LIỆU - NHỮNG ĐƯỜNG DẪN CO DÃN



Khi mở rộng vòng giao lưu tới anh chị em đồng tộc ngoài Công giáo, ta sẽ thấy khó khăn trong việc phục hồi gia phả là chuyện chung của các gia tộc hiện nay, không riêng gì lương hay giáo.
Bản gia phả chi tộc chúng tôi đã được chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ khoảng năm 1950. Tiếc thay nó đã bị mối mọt phá hủy. Sự kiện ấy giúp tôi đồng cảm với những nhóm mất hẳn gia phả, do chiến tranh, nghèo đói, không được đi học...
Hiện nay ở huyện quê nhà của tôi có nhiều gia đình Công giáo mang cùng họ và cùng chữ lót với gia tộc chúng tôi, chưa kể nhiều gia đình cùng họ nhưng khác chữ lót, cũng bị mất gia phả như chúng tôi. Mỗi nhóm chỉ có thể quy tụ quanh những vị tổ gần đây hiện còn biết được nhưng khó mà xác định liên hệ thế thứ giữa vị tổ nhóm mình với những vị tổ các nhóm khác. Về mặt tâm tình đồng tộc, họ không ngần ngại nhận mình phát xuất từ cùng một vị trưởng tộc đã theo Công giáo cách nay khoảng 300 năm, là Hiển Dương Hầu Võ Tá Cảnh, nhưng do thiếu phả liệu nên không sao nối kết thành một hệ thống chung.
Từ đó, tôi đề ra khái niệm "đường dẫn co dãn", có nghĩa là những gia đình nào muốn đều có thể tiếp tục viết bản gia phả của chính mình, bằng cách nối một đường dẫn co dãn từ tổ Võ Tá Cảnh đến vị tổ cao nhất mà gia đình ấy hiện còn biết được. Ví dụ nơi gia phả phía cha tôi, đường dẫn ấy sẽ nối từ tổ Võ Tá Cảnh cho đến tổ Võ Tá Dinh (tôi là cháu đời thứ năm), còn phía họ Võ của các cậu tôi và mẹ tôi đường dẫn sẽ nối thẳng từ tổ Võ Tá Cảnh đến tổ ngoại tôi là cụ Luca (tôi là cháu đời thứ tư).
Khi tôi mới nêu giải pháp này vào năm 1997, nhiều người còn ngần ngại. Thế nhưng, dịp tế Thanh Minh 2010, hầu hết các nhánh họ Võ tại giáo xứ quê tôi đều đã có mặt tại từ đường đại tôn (do bà con người lương đảm nhiệm) ở Hà Hoàng.
Nếu mỗi gia đình hiện nay đều có thể tự mình nối một đường dẫn co dãn như thế để tiếp tục viết gia phả, thì ai có thẩm quyền thừa nhận rằng gia đình ấy đúng là người trong họ? Theo tinh thần anh em về họp mặt trong những năm qua, sẽ không ai đặt vấn đề thừa nhận, ngược lại ai nấy đều vui mừng mỗi khi có thêm những anh em đồng cảm cả trong tâm tình đối với tổ tiên và tâm tình đối với hậu thế. Nói cách khác, bên cạnh những nỗ lực tìm ghi lại quá khứ, hiện còn có một xu thế coi trọng một gia phả tinh thần ít ra cũng ngang hàng với một gia phả bằng chữ viết.
Thật vậy, nếu phục hồi được những chứng liệu về một chuỗi liên hệ huyết thống đầy đủ và xác thực thì quý biết bao. Thế nhưng có lẽ đó không phải là mục đích duy nhất của việc thực hiện gia phả và, đàng khác, nhiều khi đó là điều không thể làm được. Ta liên kết là để thêm tình thêm nghĩa, chứ chẳng có gì để gọi là quyền lợi hay bổn phận. Nếu cứ khăng khăng phải tìm cho được chứng liệu liền mạch, chắc hẳn sẽ đến lúc người ta đành phải chia tay vì không thể nào còn giữ được những chứng liệu như thế.
Ngày nay, ai cũng hiểu rằng chuyện một mẹ trăm con chỉ là huyền thoại chứ không phải là gia phả thật. Công dụng của câu chuyện là tạo cơ sở để bất cứ gia đình nào cũng có quyền nối chính mình vào cội nguồn Âu Lạc.
Đường dẫn co dãn là chuyện bình thường trong gia phả học Kinh Thánh. Tại Trung Đông, xã hội du mục hơn 3000 năm trước đây đòi các bộ lạc phải nương vào nhau để sinh tồn. Các bộ lạc yếu tìm liên kết với các bộ lạc mạnh. Người ta thường khẳng định liên hệ giữa hai bộ lạc bằng một đường dây gia phả nào đó. Nghiên cứu kỹ, người ta khám phá ra rằng nhiều bản gia phả có phần nhập đề rất giả tạo, mối dây liên kết các bộ lạc trong thời điểm viết gia phả rất lỏng lẻo. Dù vậy, mối dây ấy cần thiết để biện minh cho sự liên kết và để tạo cho thành viên đôi bên cái tâm lý "máu loãng còn hơn nước lã" và thật sự quan tâm đến nhau.
Vấn đề trước mắt của chúng ta là với những mảnh vụn gia phả còn may mắn giữ được, làm sao để tìm ra những mối liên hệ thân tình giữa các nhánh cùng dòng họ? Và hơn nữa, làm sao có thể nối kết khi người ta chẳng còn một mảnh vụn nào? Trong thực tế, tại những thôn xã có từ đường một dòng họ nào đó, ngay bên cạnh từ đường có thể vẫn có những gia đình đồng tộc đã gián đoạn liên lạc không biết từ bao giờ, lại cũng có những gia đình đồng tộc từ đâu khác mới đến được vài ba đời... Có nơi người phụ trách từ đường đã chủ động đến thăm và mời những gia đình lẻ loi như thế cùng đến dự tế hiệp, vì dù nhiều hay ít, cách này hay cách khác, vẫn có một liên hệ đồng tộc.
Nếu giấy trắng mực đen còn đó và chỉ một số ít gia đình nối được tên mình vào chuỗi gia phả thì số ít này dễ gặp nguy cơ kiêu hãnh, tự hào mình là “của thật”, những anh em khác là “của giả”. Nay cái giấy trắng mực đen kia thành cát bụi, mọi người đều lạc mối như nhau thì cũng đều có thể tự nối với gốc tổ một cách bình đẳng và đồng thời cũng là một cách khiêm nhường, theo tình chứ không theo lý.
Những liên hệ có tính tương đối như thế sẽ giúp người trong cuộc tự hỏi tại sao không đi xa hơn, nối tiếp những đường dẫn co dãn cho tới con người đầu tiên của lịch sử, cho tới nguyên tổ Ađam để gặp được Cội Nguồn tuyệt đối là Cha Cả trên trời?
Như thế ta có thể tìm được ở đây thêm một minh họa cho học thuyết của các vị Tiến sĩ Hội thánh thuộc Dòng Cát Minh về sự thanh tẩy chủ động và sự thanh tẩy thụ động. Ông Abraham đã tự nguyện lìa bỏ quê cha đất tổ, lên đường theo tiếng Chúa gọi và gặp được Thiên Chúa là Cội Nguồn và Đích Điểm. Ông tự nguyện thanh tẩy khỏi những vấn vương trần thế. Còn chúng ta, dù tha thiết với những cội nguồn nhân loại đến mấy cũng không sao tìm lại được; Thiên Chúa đã dùng ngoại cảnh, cắt đứt chúng ta với những cội nguồn ấy, rồi khi ta đang hụt hẫng bơ vơ thì Ngài lại soi sáng cho ta nhận biết Ngài là Cội Nguồn đích thật. Chính Thiên Chúa thanh tẩy và tước đoạt. Nếu ta thuận tình chiều theo sự dẫn dắt ấy của Ngài, Ngài sẽ đích thân đưa ta về với Ngài. Nhu thế, cả thái độ tự nguyện lẫn thái độ thuận tình đều giúp nhận được đức tin.


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 26
MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ KINH NGHIỆM SINH HOẠT LIÊN KẾT DÒNG HỌ

 

Năm 2009, cụ Võ Huề ghé thăm tôi. Cụ là hậu duệ của tiền hiền Võ Lực, mộ hiện ở nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi chia sẻ với cụ về sinh hoạt liên kết họ Võ hiện nay ở khắp trong nước và hải ngoại. Cụ thấy ngay đó là một nỗ lực rất tích cực có thể góp phần giáo dục hữu hiệu cho lớp trẻ. Do đó, cụ đã năng nổ liên lạc và vận động để có được cuộc họp mặt một số bà con Công giáo họ Võ vào dịp sinh nhật Tổ Võ Hồn, ngày mùng 8 tết Canh Dần, 2010.
Cuộc họp mặt đã đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo tỉnh Bình Định, chuẩn bị cho những cuộc họp mặt về sau. Thế rồi chúng tôi đã có ngày Võ Tộc Công Giáo Bình Định lần thứ hai, vào mùng 8 tết Tân Mão, 2011 và lần thứ ba vào mùng 8 tết Nhâm Thìn, 2012.
Trong cuộc sinh hoạt lần thứ hai, trước các đại biểu cả người giáo và người lương, ông Trưởng ban Liên lạc Võ tộc Công giáo tỉnh Bình Định đã nêu lên những mục tiêu rất thiết thực của việc liên kết dòng họ:
- Mục tiêu thứ nhất là để động viên nhau sống tốt, không làm ô danh tổ tiên. Đây là điều quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh giáo dục đầy khó khăn ngày nay.
- Mục tiêu thứ hai là để nhắc nhau xây dựng tình gia đình và gia tộc thật ấm cúng đậm đà. Đây cũng là điều rất quan trọng. Do ảnh hưởng văn minh tiêu thụ, chạy theo tiền bạc, nhiều gia đình dễ tan vỡ. Cùng với lời dạy và sự nâng đỡ tinh thần của Hội Thánh, chính các gia tộc phải tích cực nhắc nhở nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn để bảo đảm hạnh phúc gia đình.
- Mục tiêu thứ ba là để gia tăng tình thân ái với các anh chị em đồng tộc trong cũng như ngoài Hội Thánh Chúa, để từ chỗ chu toàn đạo hiếu dưới đất với tổ tiên, chúng ta sống trọn đạo hiếu thảo với Cha Cả trên trời là Cha chung của hết mọi người. Trước kia, người Công giáo bị gián đoạn việc thờ cúng Ông Bà theo cách cổ truyền, suốt hơn 200 năm, khiến nhiều người lương hiểu lầm rằng theo Đạo là bỏ ông bỏ bà. Nay những khó khăn đã qua, Giáo Hội đã cho phép người Công giáo Việt Nam lập lại việc thờ cúng cổ truyền, ta cần giao lưu gặp gỡ để giải tỏa sự ngộ nhận đáng tiếc.
Theo hướng ấy, chúng tôi đề xuất những điểm sau đây để chúng ta cùng trao đổi cho sáng rõ thêm.
1. Trong năm nay, cố gắng giới thiệu sinh hoạt của chúng ta tới bà con đồng tộc trong giáo xứ. Cụ thể là mượn sổ của giáo xứ, lọc ra một danh sách các gia đình Võ tộc.
2. Gặp riêng từng người, kể về sinh hoạt của chúng ta hôm nay và cùng thảo luận hướng tới tương lai.
3. Xin photocopy tờ hướng dẫn làm gia phả và phát cho các gia đình. Qua chiến tranh, gia phả hầu hết bị thất lạc và gián đoạn. Mỗi gia đình nên chủ động xây dựng lại gia phả, sớm ngày nào hay ngày đó, vì càng để lâu, các bô lão qua đi, ta sẽ không biết hỏi ai.
4. Anh chị em Võ tộc cùng giáo xứ nên xin cha sở một thánh lễ cầu cho kẻ sống và kẻ chết trong Võ tộc địa phương mình, rủ nhau đi thật đông.
5. Sau thánh lễ ấy, có thể gặp gỡ sinh hoạt và bầu ra một ban đại diện. Ban đại diện nên chọn người trẻ, có uy tín nhờ khả năng và tư cách đạo đức.
6. Chú ý mời gọi lớp trẻ tham gia sinh hoạt Võ tộc tại giáo xứ cũng như liên xứ. Chính lớp trẻ sẽ là tương lai của dòng họ.
7. Có nhiều chị em con gái và con dâu họ Võ rất nhiệt tình với sinh hoạt dòng họ. Xin đặc biệt lưu tâm và mời những người ấy giúp việc chung của dòng họ.
8. Gặp gỡ người phụ trách từ đường Võ tộc tại địa bàn giáo xứ, tại xã hoặc huyện mình, không phân biệt lương hay giáo, để xin sao chụp gia phả, phiên dịch và tham khảo để tìm nguồn cội.
Tại mỗi giáo xứ, hằng năm nên có một ngày sinh hoạt, tốt nhất là vào ngày lễ một vị thánh trong dòng họ. Nên mời tất cả các gia đình đồng tộc trên địa bàn giáo xứ, cùng con dâu và con rể. Nên mời cả bà con đồng tộc ngoài Công giáo cùng tham gia, đồng thời cũng nên tích cực nhận lời mời tham gia các sinh hoạt đồng tộc của các anh chị em ngoài Công giáo.
Nội dung chính là thánh lễ và giờ gặp gỡ trước hoặc sau thánh lễ.
Nhiều làng có hương ước, nhiều nhánh tộc họ có tộc ước. Các quy ước thành văn có cái hay của nó nhưng cũng có lắm điều phức tạp. Sinh hoạt của chúng ta chỉ giản dị là động viên lòng hiếu thảo và hiếu học, vì thế nên tránh viết thành nội qui với những điều lệ rắc rối. Cần giữ cho sinh hoạt luôn mang tính tự do, không ràng buộc.
Chỉ cần đề cử một ban liên lạc để tổ chức và nhắc anh chị em tham gia. Ban liên lạc làm việc với tinh thần tự nguyện, vô vụ lợi.
Không nên gây quỹ. Mỗi lần sinh hoạt sẽ xin bà con đóng góp tùy hảo tâm. Nếu bị hụt thì xin thêm cho đủ, nếu dư thì ban liên lạc sẽ quyết định sử dụng vào việc gì có ý nghĩa nhất, trong thời gian sớm nhất, không giữ lại.

PHỤ LỤC
CÁCH KHỞI THẢO GIA PHẢ


Đời 1

































Đời 2

































Đời 3

































Đời 4

































Đời 5

































Đời 6

































Đời 7
















BẢN HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG GIA PHẢ
Bước đầu
Xin lưu ý:
Bản hướng dẫn này giúp bạn thực hiện phần chính yếu trong gia phả của bạn, tức là phần trực hệ (cha, ông nội, ông cố, ông can,…). Sau khi có kinh nghiệm, bạn sẽ bổ sung các phần bàng hệ (chú, bác…)
Nếu bạn muốn lập gia phả phía mẹ bạn, thì phải làm một bản khác (mẹ, ông ngoại, ông cố ngoại, ông can ngoại…).
Các bước thực hiện:
1. Ghi các tổ phụ (nam giới) hàng dọc từ cha của bạn trở lên, cho tới vị trên cùng mà bạn biết được. Nếu vị này có những anh chị em mà bạn biết tên tuổi, còn thân phụ của các vị bạn không rõ họ tên, bạn sẽ gọi vị tổ cao nhất này là vị tổ khuyết danh.
2. Ghi tên vị tổ cao nhất (hoặc vị “khuyết danh”) đã tìm thấy vào ô đậm ở hàng “đời 1”. Bạn không còn biết vị này có anh em hay không, cho nên trước tên của vị này không ghi số thứ tự nhánh. Hàng “đời 1” chỉ có một ô là vì thế.
3. Các vị tổ đời thứ hai trở đi, mỗi vị có mấy anh em trai thì đời ấy có mấy nhánh. Bạn ghi tên các anh chị của vị tổ vào các ô bên trái, các em trai và em gái của vị ấy vào các ô bên phải, theo thứ tự. Sau đó bạn đánh số thứ tự các nhánh vào trước tên những người nam.
4. Tên phu nhân các vị tổ sẽ bổ sung sau.
5. Bạn vạch những mũi tên từ mỗi vị tổ đến các người con của họ, rồi xóa những ô trống.
6. Phần gia phả của các nhánh khác ở mỗi đời sẽ bổ sung sau. Tốt nhất, bạn giao phần của mỗi nhánh cho người phụ trách nhánh đó, rồi cuối cùng sẽ tổng kết lại.
7. Bạn trao đổi với những người có kinh nghiệm trong vùng để tiến hành những bước tiếp theo.
8. Tại các nhà sách, có một số bản mẫu sổ gia phả – Khi đã có số liệu, bạn có thể tham khảo những sách ấy để trình bày theo cách nào bạn thấy tiện nhất.

 


Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét