ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN - VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ VỀ TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI
Thế nào là tiền định? Tội lỗi là gì?
VẤN ĐỀ 20 A:
Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ lại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin mọi sự xảy ra đều do Chúa định, mà không cố gắng vượt qua số phận để đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.
GIẢI ĐÁP :
1. Ý nghĩa của hai chữ “Chúa định” là gì ?
Người Công Giáo thường nói: “Mọi sự đều do Chúa định”. Vậy phải chăng con người không có tự do quyết định vận mệnh của mình ? Phải chăng con người sẽ trở thành nô lệ cho một vị Thiên Chúa độc đoán, và họ chỉ còn biết ỷ nại vào sự định đoạt của Thiên Chúa, mà không có thể vượt qua số phận bất hạnh gặp phải, hầu đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ?
1) Thế nào là “Chúa định”: Chúa định hhông đồng nghĩa với tất định như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là biết trước, thấy trước những gì xảy ra.
Nếu thực sự Thiên Chúa định đoạt tất cả mọi việc lớn nhỏ trong vũ trụ thiên nhiên, định đoạt số phận của nhân loại và cá nhân mỗi người… mà dù muốn dù không chúng ta buộc phải chấp nhận, thì khi ấy con người không khác chi một cái máy vô hồn, hoặc như thú vật hoạt động hoàn toàn theo bản năng hay như một trẻ thơ ấu trĩ chỉ biết hoàn toàn cậy nhờ vào sự bao bọc của cha mẹ… đúng như có người đã chỉ trích nói trên.
Nhưng trong thực tế, ai trong chúng ta cũng đều ý thức về sự tự do của mình: tự do làm hay không làm một việc nào đó, tự do quyết định làm một việc tốt hay làm điều xấu. Ai cũng cảm thấy mình có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời của mình chứ không phó mặc hoàn toàn cho số phận may rủi. Vậy hai chữ “Chúa định” chỉ có nghĩa là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và hằng quan tâm săn sóc để chúng tồn tại và tiến hóa theo các định luật thiên nhiên như Ngài đã an bài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra không gian và thời gian trong vũ trụ, nên Ngài không ở trong không gian và thời gian, cũng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian ấy. Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là hiện tại. Thiên Chúa nhìn thấu suốt mọi sự đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sắp xảy ra trong tương lai trong một cái nhìn “hic et nunc” (ở đây và bây giờ). Ngài nhìn thấu suốt vận mệnh của nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người chúng ta trong một cái nhin. Ngài hằng quan tâm săn sóc, ban ơn giúp đỡ như một người cha yêu thương con cái để ban ơn cứu độ cho họ như thánh Phao-lô đã viết trong thư Ti-mô-thê: Trước hết tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khấn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tuy nhiên, dù muốn cứu độ hết mọi người nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do quyết định làm hay không làm, làm điều tốt hay điều xấu, nên họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Cho nên thánh Âu-gút-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần sự cộng tác của chúng ta; nhưngNgài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác với Ngài”.
2) Thiên Chúa quan phòng tiền định theo sách Tin mừng:
Trong Tin mừng, Đức Giê-su nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha hằng quan tâm săn sóc tất cả mọi tạo vật nhất là loài người là dưỡng tử của Ngài:
a) Thiên Chúa yêu thương săn sóc mọi loài:
- “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6, 26-30).
- “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29).
- Đức Giê-su đáp: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
b) Thiên Chúa đặc biệt săn sóc loài người:
- “Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,30-31).
- “Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Như vậy, người tín hữu tin “Chúa định” cũng là tin “Chúa biết trước”: Ngài hằng săn sóc mọi loài mọi vật do ngài đã dựng nên, đặc biệt là loài người chúng ta. Một khi tin chắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ thêm lòng tin cậy mến, thể hiện qua thái độ năng tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để được cứu độ.
Tuy nhiên, có người lại đặt vấn đề: Phải chăng tin có Thiên Chúa tiền định, quan phòng biết trước như thế sẽ làm cho con người trở thành ỷ lại, không muốn làm việc để làm chủ thiên nhiên, vượt qua vận mệnh của mình để đạt tới một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ?
2. Đức tin không tiêu diệt sự làm việc và ý chí tự do của con người:
Tin vào sự quan phòng, biết trước của Thiên Chúa không những không làm cho con người ỷ nại vào sự sắp xếp của Thiên Chúa, nhưng trái lại, còn thúc đẩy con người cố gắng làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình như sau:
a) Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh:
- Con người được tạo dựng khác hẳn mọi loài khác: Mở sách Sáng thế, ta đọc thấy: Thiên Chúa đã ưu đãi con người, chỉ tạo nên con người sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: Dựng nên vũ trụ để làm chỗ cho con người trú ẩn; Dựng nên các sinh vật như thảo mộc hoa mầu để làm thức ăn nuôi sống và dựng nên muôn thú vật để làm bạn với con người; Vũ trụ và muôn vật phải tuân theo định luật hay bản năng thiên nhiên (St chương 1 và 2), đang khi con người được phú cho linh hồn thiêng liêng với hai tài năng là trí khôn suy nghĩ và ý chí tự do vượt trổi mọi loài vật khác: “Chúa phán: Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn vào thì ngươi sẽ phải chết” (St 2,7; 2,16). Con người có trí khôn hiểu biết sự lành sự dữ, đồng thời còn có ý chí tự do quyết định: làm hay không làm, chọn làm lành để được phúc và chọn làm ác sẽ phải chết.
- Các khả năng khác: Ngoài trí khôn và ý muốn nói trên, con người còn được Thiên Chúa ban cho có tay chân với khả năng làm việc hữu hiệu dưới sự điều động của trí khôn hơn mọi loài. Ngài cũng trao cho con người quyền làm bá chủ vũ trụ vạn vật như sách Sáng thế ghi lại: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy” (St 1,28-30).
Qua đó, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và đặc biệt ưu đãi đối với con người. Ngài ban cho họ có tay chân và hai tài năng siêu việt là lý trí suy luận và ý chí tự do là nhằm khuyến khích họ hãy làm việc, chứ không khoanh tay ngồi chờ, ỷ nại vào Thiên Chúa, giống như loài thú vật hoạt động theo bản năng, hoặc như vũ trụ vô tri vô giác, hoàn toàn tuân theo các định luật thiên nhiên cách máy móc.
b) Dựa vào sự hợp lý:
Một tín hữu tin có Thiên Chúa, tin rằng sau cuộc sống trần gian hôm nay vẫn còn một cuộc sống khác tồn tại vĩnh hằng… thì chắc chắn ngay từ cuộc sống hiện tại đã phải cố gắng làm việc, phải ăn ở lương thiện hơn những người bất tín, không chấp nhận có Đấng Tạo Hóa sẽ phán xét công minh, cũng không tin có sự thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục đời sau… Vì người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ có động lực thúc đẩy hăng hái làm việc, có lòng mến yêu và sự ao ước được về với Thiên Chúa sau khi chết, đang khi người vô tín sống không có lý tưởng, hoặc nếu có thì chỉ nhắm những mục đích mang tính vụ lợi ích kỷ… họ chỉ biết làm ra nhiều tiền, rồi lại dùng tiền ấy để thỏa mãn những đam mê lạc thú tầm thường mà thôi.
TÓM LẠI: Tin có Thiên Chúa không những không làm cho con người lười biếng, ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm bên ngoài, mà trái lại, chính niềm tin ấy lại là động lực thúc đẩy người tín hữu làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên, và cố gắng sống lương thiện ăn ngay ở lành để hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng đời sau. Trái lại, những người không tin có Thiên Chúa sẽ chỉ biết hưởng thụ, chỉ đi tìm lợi lộc vật chất cho mình dù phải sử dụng phiương thế bất nhân thất đức. Họ sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm cho xã hội, vì không tin có sự thưởng phạt đời sau. Na-pô-lê-ông Đại Đế cũng nói tương tự: “Một dân tộc không có niềm tin tôn giáo sẽ phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực !”
PHÚT HỒI TÂM:
- LỜI CHÚA:
Đức Giê-su nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6,26-30).
- LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã dựng nên muôn vật muôn loài để chuẩn bị trước khi dựng nên loài người chúng con. Cha lại còn an bài để mọi tạo vật có thể tồn tại trong trật tự và ngày một tiến hóa theo thánh ý Cha. Đặc biệt Cha đã thương yêu săn sóc loài người là dưỡng tử của Cha và trao quyền làm chủ mọi loài. Rồi khi nguyên tổ phạm tội phải chịu án chết, Cha lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Giê-su Ki-tô. Xin giúp chúng con tin vào Con Cha là Đức Giê-su và noi gương Người sống tình con thảo với Cha và tình huynh đệ với nhau, đồng thời quyết tâm theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, hầu sau này được về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Người. A-MEN.
LM ĐAN VINH - HHTM
VẤN ĐỀ 20 B:
Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.
GIẢI ĐÁP :
1. Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?
Giáo lý Công giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.
Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:
- Là một hành động phản nghịch: một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa cũng có tội với Ngài như vậy, vì chống lại thánh ý của Ngài.
- Là một hành vi bất hiếu: cũng như con cái không vâng lời cha mẹ dạy dỗ… là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.
2. Những hành vi nào là có tội?
Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).
Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tuy nhiên, cả những tội bất hiếu với Thiên Chúa, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài mà tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa. Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29).
Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như Đức Giê-su sẽ phán với những kẻ ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).
PHÚT HỒI TÂM:
LỜI CHÚA:
Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).
LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn". Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét