Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (29)
HỌC KINH THÁNH BẰNG ĐẦU GỐI
Khi thấy một người bước ra khỏi nhà thờ, một người đi lễ muộn tiến lại hỏi: “Cha giảng xong chưa?” Người này trả lời: “Chưa. Bài giảng đã được cha chia sẻ nhưng chưa được áp dụng.” Có thể nói rằng Lời Chúa chưa sinh hoa kết quả trong đời sống một số Kitô hữu chính bởi vì Lời ấy chưa được áp dụng vào đời sống hằng ngày của họ. Bài học đầu tiên về phương pháp học Kinh Thánh này sẽ giúp các tín hữu tìm hiểu cách áp dụng Lời Chúa.[1]
Định nghĩa
Phương pháp học Kinh Thánh bằng đầu gối gợi ý bạn chọn một đoạn Kinh Thánh rồi suy gẫm cầu nguyện dựa trên bản văn đó, cho đến khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn con đường áp dụng bản văn đó vào đời sống của bạn cách thiết thân, thực tế, khả thi và có thể kiểm chứng được. Mục đích của phương pháp này là nhấn mạnh lòng tôn kính Lời Chúa cách nghiêm túc và thực hành điều Chúa dạy. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).
Một vị thánh nói rằng các tín hữu chỉ có thể hiểu Lời Chúa cách tốt nhất khi quỳ gối cầu nguyện. Phương pháp đạo đức này được xem là căn bản cho tất cả các phương pháp khác.
Tầm quan trọng của việc áp dụng Lời Chúa
Kinh Thánh được ban cho chúng ta để chúng ta có thể sống tương quan đúng đắn với Thiên Chúa và trở nên ngày càng giống Chúa Giêsu hơn. Howard Hendricks nói: “Giải thích Kinh Thánh mà không áp dụng là phá thai!” Nhiều kiến thức mà không có hành động thì sẽ chẳng sinh ích lợi gì. Nếu không áp dụng Lời Chúa, thì dù có nhiều kiến thức, các tín hữu vẫn chưa thực sự biết Chúa Giêsu, thậm chí họ còn có thể trở nên nguy hiểm cho người khác. Những người Biệt phái, thông luật, các chuyên viên tôn giáo thời Chúa Giêsu là những ví dụ. Họ có nhiều kiến thức về Thiên Chúa, nhưng họ đã có thái độ nào với Chúa Giêsu? Trái lại, những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu như Đức Mẹ, thánh Phaolô, Mẹ Têrêxa Calcutta,… đều sống Lời Chúa bằng đời sống yêu thương cụ thể trong đời sống hằng ngày.
Những khó khăn cản trở áp dụng Lời Chúa
- Bản thân các tín hữu ngại suy nghĩ nghiêm túc.
- Bản chất tự nhiên con người thường chống lại những thay đổi.
- Xa-tan luôn ra sức chống lại bất cứ chiều hướng thay đổi tốt đẹp nào.
Các bước để tìm hiểu và áp dụng Lời Chúa
1. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để biết cách áp dụng Lời Chúa
Trước hết, cần xin Chúa giúp sẵn sàng vâng nghe Lời Chúa.
2. Suy gẫm dựa trên bản văn Kinh Thánh
Đây là bước chính để biết nên áp dụng Lời Chúa như thế nào. Lời Chúa cần được suy đi gẫm lại càng kỹ lưỡng càng tốt, càng chi tiết càng tốt, không bỏ sót điều gì. Suy đi gẫm lại kỹ lưỡng như thế giống như cách con bò tiêu hóa thức ăn của nó. Bò là một loài đặc biệt do có khả năng nhai lại. Khi nghỉ ngơi, bò có thể “ợ” thức ăn từ trong dạ dày lên miệng và tiến hành nhai lại. Trong khi suy gẫm, hãy tưởng tượng ra khung cảnh câu truyện của Kinh Thánh và đặt mình vào câu truyện đó. Hãy cá nhân hóa đoạn Kinh Thánh cho chính mình. Ví dụ: “Thiên Chúa yêu linh mục Hà Ngọc Phú DCCT đến nỗi ban Con Một” (x. Ga 3,16). Sau cùng, hãy dùng chính những lời Kinh Thánh này để nói chuyện tâm sự với Chúa với những tâm tình sau: (1) xưng thú tội lỗi nghịch với Lời Chúa dạy, (2) tuyên xưng đức tin vào những chân lý Chúa dạy, (3) nêu lên những tật xấu cần chừa bỏ hoặc những gương sáng cần noi theo, (4) quyết tâm sẽ sửa đổi bản thân, (5) tạ ơn vì những ơn Chúa đã ban.
3. Viết ra những áp dụng Lời Chúa với bốn đặc điểm sau:
Ví dụ đoạn sách Giảng viên: “Mọi nỗi khó nhọc của con người đều nhằm nuôi cái miệng. Nhưng sự thèm muốn của họ có bao giờ được hoàn toàn thoả mãn đâu!” (6,7).
- Cụ thể, thiết thân: “TÔI cần…”
- Thực tiễn: “Tôi cần GIẢM KÝ”
- Khả thi: “Tôi cần giảm 02 KÝ”
- Có thể kiểm chứng: “Tôi cần giảm được 02 ký VÀO CUỐI THÁNG SAU”
4. Ghi nhớ đoạn Lời Chúa chính yếu
Thiên Chúa có thể muốn chúng ta suy gẫm Lời Chúa và thực hành một nhân đức trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng. Sự thay đổi đời sống không phải luôn luôn xảy ra ngay lập tức cách dễ dàng. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ câu Lời Chúa chính yếu để suy đi gẫm lại trong lòng. Đây chính là một tiến trình tăng trưởng thiêng liêng. Đặc biệt, cần lưu ý Chúa thường đặt các tín hữu vào những hoàn cảnh hoặc phải sống với những con người trái ngược với sở thích, mơ ước, tính tình của chúng ta, để chúng ta tập nhân đức.
Kết luận
Bài kiểm tra duy nhất và sau cùng của phương pháp học Kinh Thánh bằng đầu gối chính là con người Chúa Giêsu. Các tín hữu nên tự hỏi: “Tôi đã áp dụng Lời Chúa vừa học chưa và những áp dụng đó có giúp tôi trở nên giống Chúa Giêsu không?”
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Wordcủa Rick Warren, tác giả của tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích), 33-43.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét