Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (31)
TÌM HIỂU TÍNH CÁCH NHÂN VẬT
Một cậu bé mở quyển Kinh Thánh cũ của gia đình. Từng ngón tay cậu thích thú lật giở từng trang sách cũ. Bỗng nhiên, cậu dừng lại, tròn xoe mắt chăm chú nhìn một chiếc lá ép khô giữa hai trang sách. Cậu bé gọi to: “Mẹ ơi, xem con tìm thấy gì này!” Người mẹ âu yếm hỏi: “Có gì vậy, con yêu?” Không giấu nổi sự thích thú và tự hào, cậu bé trả lời mẹ: “Con đã tìm thấy chiếc quần của ông A-đam!”
Cậu bé trong câu truyện vui tìm thấy “chiếc quần” của ông A-đam, còn bạn, bạn có thể tìm thấy cái gì khác của con người A-đam không? Bạn có thể học hỏi được gì từ tính cách của ông hay không? Kiêu ngạo? Nghi ngờ Chúa? Đổ trách nhiệm cho người khác?,… Nội dung bài này sẽ trình bày việc tìm hiểu tính cách các nhân vật trong Kinh Thánh. (Còn phân tích cuộc đời các nhân vật như một bức tranh hoàn chỉnh thì sẽ được bàn ở phương pháp sau).[1]
Định nghĩa
Phương pháp tìm hiểu tính cách là tìm hiểu tính cách đó được trình bày ra sao trong Kinh Thánh, để sau đó các tín hữu biết áp dụng tính tốt và tránh tính xấu trong đời sống cụ thể của họ, nhờ đó họ có thể trở nên giống Chúa Giêsu hơn.
Tiến trình học hỏi và sống gồm bảy bước như sau
1. Chọn tính cách: Mỗi bài chỉ nên tìm hiểu một tính cách, đừng chọn nhiều một lúc. Sau đó, tra từ điển để tìm nghĩa chính xác của tính cách này.
Ví dụ: “Can đảm” có nghĩa là “có dũng khí để không sợ nguy hiểm, đau khổ.” Trong cái nhìn Kinh Thánh, “can đảm” là sự hiên ngang, tin tưởng để tiến đến cùng Chúa và tha nhân.
2. Tính cách đối lập: Kể ra những tính cách đối lập và tra từ điển tìm nghĩa chính xác.
Ví dụ: Trái ngược với “can đảm” là “sợ hãi”, “hèn nhát,” “rụt rè.”
3. Nghiên cứu từ: Đây là bước đào sâu thêm một chút, bằng cách tìm hiểu xem từ diễn tả tính cách đó được sử dụng như thế nào trong Kinh Thánh, tác giả nào dùng nhiều nhất và trong những quyển nào. Sau đó, mở các từ điển Kinh Thánh hoặc từ điển bách khoa Kinh Thánh để tìm hiểu xem từ này đã được sử dụng với hướng nghĩa nào vào thời đó.
Ví dụ: Từ “khiêm nhường” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “bẻ gãy cái gì đó và khiến nó phải đầu phục.” Từ này thường được dùng để chỉ việc thuần hóa những con ngựa quý, để bắt nó chịu tuân phục chủ nó. Con ngựa đó vẫn còn nguyên vẹn sức mạnh xưa, nhưng giờ đây sức mạnh đó nhằm để phục vụ chủ của nó. Vì vậy, “khiêm nhường” khác với yếu ớt. Trong đức tin, khiêm nhường là đặt sức mạnh của mình dưới uy quyền của Chúa Kitô.
“Can đảm” trong tiếng Híp-ri là בָּטַח (batah) có nghĩa là “cảm thấy an toàn, tự tin”. Sách Châm ngôn trong Cựu Ước: “Quân gian ác chạy trốn khi chẳng ai theo đuổi, người công chính vững tâm như sư tử con” (28,1) (Cha NTT). (x. NPD/CGKPV “đứng vững”). Tiếng Hy-lạp trong Tân Ước có θαρρέω (tharreo) nghĩa là “tin tưởng, can đảm, dạn dĩ.” “Chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” (Hr 13,6) (NPD/CGKPV). (x. Cha NTT “hiên ngang”).
4. Đối chiếu từ: Nghĩa là tìm xem từ diễn tả tính cách này được sử dụng thêm ở đâu trong Kinh Thánh và có những sắc thái nghĩa nào, nhờ đó, bạn sẽ hiểu thêm tính cách này. Hãy sử dụng sách bản tra đối chiếu (concordance), hoặc sách nghiên cứu Kinh Thánh theo chủ đề hoặc từ vựng, để tìm những câu có từ này. Sau đó, trả lời những câu hỏi: Tính cách này mang lại lợi ích / tai họa nào cho tôi? Cho người khác? Chúa dạy hoặc hứa hẹn gì về tính cách này?
Ví dụ: Chúa Giêsu can đảm trước các kẻ chống đối: “Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả” (Ga 7,26). Các Tông Đồ cũng can đảm: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn” (Cv 4,13). Các tín hữu có thể an tâm trước tòa phán xét nếu sống yêu thương: “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét” (1Ga 4,17).
5. Nhân vật tiêu biểu: Hãy chọn một nhân vật tiêu biểu nào đó và tìm hiểu tính cách này trong cuộc đời của họ; cụ thể hãy tìm xem những điều gì cho thấy nhân vật này có tính cách đó, tính cách đó ảnh hưởng đời sống họ ra sao, nó giúp họ trưởng thành như thế nào và đem lại những kết quả nào cho đời sống của họ.
Ví dụ: Thánh Phaolô là một nhân vật điển hình về lòng can đảm trong sứ vụ Tông Đồ.
6. Ghi nhớ: Hãy tìm một câu nào đó đã để lại ấn tượng trong lòng bạn và ghi nhớ câu đó.
Ví dụ: “Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” (Hr 13,6).
7. Áp dụng: Tìm một hoàn cảnh cụ thể, con người cụ thể, để thực hành tính cách này.
Ví dụ: Tôi sẽ can đảm làm dấu thánh giá khi ăn uống với người không Công giáo.
Kết luận: Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở nên giống Chúa Giêsu. Bài kiểm tra duy nhất của bài học này đó là Chúa Giêsu. Hãy trả lời câu hỏi: “Tôi có trở nên giống Chúa Giêsu khi thực hành tính cách này không?”, “Tôi có tính tiêu cực nào cần thay đổi thành tích cực không?”. Tính tiêu cực cũng có giá trị thanh luyện. Bạn nghĩ sao câu nói “Ai không sai lầm sẽ không bao giờ đổi mới” (Mark Twain)? “Tôi có thể chia sẻ cách Chúa đã thay đổi đời tôi không?” Sau cùng, đừng quên chỉ có quyền năng Chúa Thánh Thần mới có thể đem lại sự đổi mới. Vì vậy, hãy cầu nguyện không ngừng!
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 61-70, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét