Tổng Lược Tông Huấn
"Niềm Vui của Tin Mừng"
Tổng Lược Tông Huấn "Niềm Vui của Tin Mừng".
Vatican (VIS 26-11-2013) - "Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu"; đó là lời mở đầu của Tông Huấn "Evangelii Gaudium" mà trong đó Ðức Thánh Cha Phanxicô trình bày chủ đề về công bố Tin Mừng trong thế giới hiện đại, được rút ra từ, trong số các nguồn khác, sự đóng góp của việc làm của Thượng Hội Ðồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 về chủ đề "Tân Phúc Âm hóa để truyền thụ đức tin". Văn bản mà Ðức Thánh Cha trao cho một nhóm ba mươi sáu tín hữu sau Thánh Lễ bế mạc Năm Ðức Tin hôm Chúa Nhật vừa qua là tài liệu chính thức đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài, từ khi thông điệp "Lumen Fidei" được viết với sự hợp tác với đấng tiền nhiệm, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ðức Thánh Cha nói tiếp "Tôi muốn khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của việc truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi vạch ra những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội Thánh trong những năm tới". Ðó là một lời mời gọi chân thành gửi đến tất cả những ai đã được rửa tội để đem tình yêu của Ðức Kitô đến cho những người khác, "hãy thường trực ở trong tình trạng truyền giáo", chinh phục "nguy cơ lớn trong thế giới ngày nay" là sự "tàn phá và đau khổ" gây ra bởi cá nhân chủ nghĩa.
Ðức Thánh Cha mời gọi độc giả "phục hồi sự tươi mát ban đầu của Tin Mừng", tìm "những con đường mới" và "những đường lối mới của óc sáng tạo", mà không giam hãm Chúa Giêsu trong "những loại mô hình nhàm chán" của chúng ta. Có một nhu cầu cho một "chuyển hướng trong mục vụ và truyền giáo, mà không thể để sự thể như hiện nay", và một "sự canh tân" những cơ cấu của Hội Thánh để chúng có thể "quy hướng về truyền giáo hơn". Ðức Thánh Cha cũng kể đến "một sự chuyển hướng của chức vụ giáo hoàng", để làm cho tác vụ này "trung thành hơn với ý nghĩa mà Ðức Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho nó và với các nhu cầu hiện đại của việc Phúc Âm hóa". Ngài nói ngài hy vọng rằng các Hội Ðồng Giám Mục có thể đóng góp vào việc "thực hiện cụ thể tinh thần Giám Mục Ðoàn" là điều "chưa được thực hiện cách đầy đủ". Một sự "phân quyền lành mạnh" là điều cần thiết. Trong việc cánh tân này, Hội Thánh không nên sợ phải xét lại "một số tục lệ không liên hệ trực tiếp với trọng tâm của Tin Mừng, ngay cả một số trong những tục lệ ấy có nguồn gốc lịch sử sâu xa".
Một dấu hiệu của sự cởi mở của Thiên Chúa là "cánh cửa nhà thờ của chúng ta lúc nào cũng phải rộng mở" để những người tìm kiếm Thiên Chúa "sẽ không tìm thấy một cánh cửa đóng kín"; "cũng không nên đóng các cánh cửa Bí Tích đơn thuần vì bất cứ lý do nào". Bí Tích Thánh Thể "không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo nhưng một liều thuốc mạnh và lương thực cho người yếu đuối". Những xác tín này có những hậu quả mục vụ mà chúng ta được mời gọi để xem xét với sự thận trọng và táo bạo". Ngài lặp đi lặp lại rằng ngài thích "một Hội Thánh bị bầm tím, bị tổn thương và nhơ bẩn vì ra ngoài các đường phố, hơn là một Hội Thánh... chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. Nếu có một điều gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng... đó là một thực tại rằng nhiều người trong anh chị em của chúng ta đang sống mà không có... tình bằng hữu của Ðức Chúa Giêsu Kitô".
Ðức Tháhn Cha vạch ra rằng "những cám dỗ ảnh hưởng đến những người làm mục vụ" là "chủ nghĩa cá nhân, một cuộc khủng hoảng về căn tính và làm cho lòng nhiệt thành bị nguội đi". Mối đe dọa lớn nhất là "chủ nghĩa thực dụng màu xám của cuộc sống hàng ngày của Hội Thánh, trong đó tất cả có vẻ tiến hành bình thường, mà trên thực tế đức tin đang bị mệt mỏi". Ngài cảnh báo chống lại "tinh thần chủ bại", thôi thúc các Kitô hữu trở thành những dấu chỉ của niềm hy vọng, mang lại một "cuộc cách mạng của dịu hiền". Cần phải tìm cách loại bỏ "hạnh phúc tâm linh... bị tách ra khỏi trách nhiệm đối với anh chị em của mình" và đánh bại "tinh thần thế tục" bao gồm "việc tìm kiếm vinh quang và hạnh phúc của con người mà không phải vinh quang của Chúa". Ðức Thánh Cha nói về nhiều người "cảm thấy trổi vượt hơn những người khác" vì " họ còn khăng khăng trung thành với một kiểu Công Giáo riêng biệt trong quá khứ", theo đó "thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác" và những người có "một bận tâm phô trương về phụng vụ, về học thuyết và uy tín của Hội Thánh, mà không một chút quan tâm đến việc Tin Mừng có tác động thực sự" đến nhu cầu của dân chúng hay không. Ðây là "một sự hủ hóa vĩ đại ngụy trang như một điều tốt lành.... Xin Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục với tinh thần bề ngoài và những cạm bẫy mục vụ!"
Ngài kêu gọi các cộng đồng Hội Thánh đừng rơi vào tình trạng ghen ghét và ganh tỵ: "Có bao nhiêu cuộc chiến tranh diễn ra giữa dân của Thiên Chúa và trong những cộng đồng khác nhau của chúng ta!". "Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai nếu đây là cách chúng ta hành động?" Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cổ võ cho sự phát triển trách nhiệm của giáo dân, là những người thường không được tham gia "vào việc đưa ra những quyết định" vì "một chế độ giáo sĩ trị quá đáng". Ngài nói thêm rằng có một nhu cầu cho "những cơ hội còn rộng lớn hơn cho sự hiện diện sâu sắc hơn của phụ nữ trong Hội Thánh", đặc biệt "trong những khung cảnh khác nhau mà ở đó những quyết định quan trọng được đưa ra". "Những đòi hỏi rằng quyền lợi chính đáng của phụ nữ phải được tôn trọng... không được thể nhẹ nhàng tránh né". Những người trẻ phải "đóng vai trò lãnh đạo quan trọng hơn". Ðối với tình trạng khan hiếm ơn gọi ở nhiều nơi, ngài nhấn mạnh rằng "các chủng viện không thể chấp nhận các ứng viên dựa trên bất kỳ động lực nào".
Ðối với chủ đề hội nhập văn hóa, ngài nhận xét rằng "Kitô giáo không chỉ đơn thuần là một cách diễn tả văn hóa" và rằng khuôn mặt của Hội Thánh là khuôn mặt "đa dạng". "Chúng ta không thể đòi hỏi dân chúng của tất cả các châu lục, trong việc diễn tả đức tin Kitô giáo của họ, phải bắt chước cách diễn tả mà các nước châu Âu khai triển ở một thời điểm nhất định trong lịch sử của họ". Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng "việc đạo đức phổ thông cơ bản... là một sức mạnh tích cực của việc truyền giáo" và khuyến khích việc nghiên cứu của các nhà thần học, nhưng nhắc nhở họ rằng "Hội Thánh và thần học hiện hữu để rao giảng Tin Mừng" và thôi thúc họ đừng "mãn nguyện với một nền thần học bàn giấy".
Ngài tập trung "hơi tỉ mỉ vào bài giảng", vì "có nhiều quan tâm về tác vụ quan trọng này mà chúng ta không thể đơn thuần bỏ qua". Bài giảng "cần phải ngắn gọn và không giống hình thức của một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình", phải là một "sự truyền thông giữa hai tâm hồn" và tránh giảng "thuần túy về luân lý hay giáo điều". Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị: "một nhà thuyết giảng không chuẩn bị thì không phải là người 'có đời sống tâm linh', người ấy bất lương và vô trách nhiệm". Bài giảng phải luôn luôn tích cực để luôn "đem lại hy vọng" và "không để chúng ta bị mắc kẹt trong sự tiêu cực". Phương pháp loan báo Tin Mừng cần phải có đặc điểm tích cực: "có thể đến gần được, sẵn sàng đối thoại, kiên nhẫn, ấm áp và chào đón mà không xét đoán".
Trong tương quan với những thách đố của thế giới hiện đại, Ðức Thánh Cha lên án hệ thống kinh tế hiện nay là "bất công tận gốc". "Một nền kinh tế như thế giết chết" vì luật "ai thích hợp nhất thì sống sót" đang chiếm ưu thế. Văn hóa hiện tại của việc "có thể bị bỏ đi" đã tạo ra "một điều gì mới" là "những người bị loại ra không phải là 'những người bị khai thác' nhưng là những người bị ruồng bỏ, là đồ thừa". "Như thế vừa phát sinh một chế độ chuyên chế, vô hình và thường tiềm ẩn", một "sự tự động của thị trường", trong đó "việc đầu cơ tài chính" và "tham nhũng tràn lan" và "việc trốn thuế vì ích kỷ cai trị". Ngài cũng lên án "cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo" và "cuộc bách hại mới chống lại các Kitô hữu.... Ở nhiều nơi, là vấn đề lan tràn của sự thờ ơ và thuyết tương đối". Ðức Thánh Cha tiếp tục rằng gia đình "đang trải qua một cuộc khủng hoảng văn hóa trầm trọng". Khi nhắc đến những đóng góp không thể thiếu được của hôn nhân đối với xã hội, ngài nhấn mạnh rằng " cá nhân chủ nghĩa của thời đại hậu hiện đại và toàn cầu hóa của chúng ta cổ võ một lối sống... bóp méo mối liên hệ gia đình".
Ngài lại nhấn mạnh đến "mối dây liên hệ sâu đặm giữa việc truyền giáo và thăng tiến con người" và quyền của các mục tử "để đưa ra những ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến cuộc sống con người". "Không ai có thể đòi buộc tôn giáo phải rút lui vào nơi thiêng liêng bên trong của đời sống cá nhân, mà không có quyền đóng góp ý kiến về những biến cố có ảnh hưởng đến xã hội". Ngài trích lời ÐTC Gioan Phaolô II, khi nói rằng Hội Thánh "không thể và không được tiếp tục đứng ngoài lề cuộc đấu tranh cho công lý". "Ðối với Hội Thánh, việc chăm lo cho người nghèo chủ yếu là một loại thần học" chứ không phải là một loại xã hội học. "Ðó là lý do tại sao tôi muốn có một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta". "Bao lâu mà những vấn đề về người nghèo không được giải quyết cách triệt để... thì sẽ không tìm thấy giải pháp nào cho những vấn đề của thế giới này". Ngài khẳng định rằng "Chính trị, mặc dù thường bị miệt thị, vẫn là một ơn gọi cao cả và một trong những hình thức cao nhất của việc bác ái". Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta thêm các chính trị gia thực sự biết lo lắng cho... đời sống của những người nghèo!" Ngài thêm một lời khuyên: "Bất kỳ cộng đồng Hội Thánh nào", nếu tin rằng nó có thể quên người nghèo, thì sẽ có nguy cơ "bị xụp đổ".
Ðức Thánh Cha kêu gọi người ta chăm sóc cho các thành viên yếu đuối nhất của xã hội: "những người vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn, thổ dân, những người già cả đang ngày càng bị cô lập và bị bỏ rơi" và những người di cư, mà đối với họ Ðức Thánh Cha khuyên rằng chúng ta phải có "một tinh thần cởi mở đại lượng". Ngài nói về những nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức mới của chế độ nô lệ: "Mạng lưới tội ác khét tiếng hiện nay cũng được thành lập ở các thành phố của chúng ta, và nhiều người có những bàn tay bị dính máu là kết quả của sự đồng lõa qua việc không quan tâm và im lặng của họ". "Nghèo gấp đôi là những phụ nữ đang chịu đựng hoàn cảnh bị loại trừ, ngược đãi và bạo lực". "Trong số những người yếu thế mà Hội Thánh muốn chăm sóc bằng tình yêu và quan tâm đặc biệt là những trẻ em chưa sinh ra, những người không có chút khả năng tự vệ và vô tội nhất giữa chúng ta. Ngày nay có những nỗ lực được thực hiện để khước từ nhân phẩm của các em". "Ðừng mong Hội Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này.... Hội Thánh không "cấp tiến" để cố gắng giải quyết những vấn đề bằng cách loại bỏ một mạng sống của con người". Ðức Thánh Cha đưa ra một lời kêu gọi tôn trọng mọi tạo vật: chúng ta "được mời gọi để chăm sóc và bảo vệ thế giới mong manh mà chúng ta đang sống".
Ðối với chủ đề của hòa bình, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng "phải nói lên một tiếng nói ngôn sứ" chống lại các nỗ lực hòa giải giả tạo để "im lặng hoặc xoa dịu" những người nghèo, trong khi những người khác "từ chối từ bỏ đặc quyền của họ". Ðể xây dựng một xã hội "trong hòa bình, công lý và tình huynh đệ", ngài đưa ra bốn nguyên tắc: "Thời gian lớn hơn không gian" có nghĩa là làm việc "chậm nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh với kết quả ngay lập tức". "Hiệp nhất phải trên xung đột" có nghĩa là "một sự hiệp nhất ban sự sống và đa dạng". "Thực tại quan trọng hơn những ý tưởng nghĩa là tránh né giảm chính trị hay đức tin xuống thành thuật hùng biện". "Toàn thể lớn hơn từng phần" nghĩa là đem "sự toàn cầu hóa và địa phương hóa" lại với nhau.
Ðức Thánh Cha tiếp tục, "Việc Phúc âm hóa cũng liên quan đến con đường đối thoại", là điều mở Hội Thánh ra để hợp tác với tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa. Ðại kết là "một con đường không thể thiếu để rao giảng Tin Mừng". Phong phú hóa lẫn nhau là điều quan trọng: "chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ nhau!", chẳng hạn "trong cuộc đối thoại với anh chị em Chính Thống của chúng ta, chúng ta, người Công Giáo có cơ hội để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của Giám Mục Ðoàn và kinh nghiệm của họ về Thượng Hội Ðồng Giám Mục"; "cuộc đối thoại và tình bằng hữu với con cái Israel là một phần của cuộc sống của các môn đệ của Chúa Giêsu"; "đối thoại liên tôn", là điều phải được thực hiện "một cách rõ ràng và vui vẻ trong bản sắc riêng của mình", là "điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới" và không làm lu mờ việc rao giảng Tin Mừng; trong thời đại chúng ta, "mối quan hệ của chúng ta với những người theo Hồi Giáo có một tầm quan trọng vĩ đại". Ðức Giáo Hoàng "khiêm tốn" xin các quốc gia theo truyền thống Hồi Giáo đảm bảo sự tự do tôn giáo cho các Kitô hữu, cũng "trong ánh sáng tự do mà những người Hồi Giáo vui hưởng ở các quốc gia phương Tây!". "Ðối diện với những cảnh rối loạn về bạo lực do chủ nghĩa cơ bản gây ra", ngài thúc giục chúng ta "tránh hận thù một cách tổng quát, vì Hồi Giáo chân chính và bài đọc của kinh Koran chống lại mọi hình thức của bạo lực". Và chống lại nỗ lực tôn giáo tư nhân trong một số hoàn cảnh, ngài khẳng định rằng "Việc tôn trọng vì sự bất khả tri hay vì một thiểu số những kẻ không tin, không được độc đoán áp đặt một cách nào đó để im lặng những xác tín của đa số những người tin, hoặc bỏ qua sự phong phú của truyền thống tôn giáo". Rồi ngài lặp đi lặp lại tầm quan trọng của việc đối thoại và liên minh giữa các tín hữu và người không tin.
Chương cuối cùng được dành cho "những người rao giảng Tin Mừng đầy thần khí", họ là những người "mở lòng ra cho tác động của Chúa Thánh Thần một cách không sợ hãi" và những người có "can đảm để công bố tính mới mẻ của Tin Mừng với sự táo bạo (parrhesía) ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả khi bị chống đối". Ðây là những "nhà truyền giáo cầu nguyện và làm việc", trong sự hiểu biết rằng "truyền giáo cùng một lúc là một nhiệt tình đối với Chúa Giêsu và nhiệt tình đối với dân của Người" : " Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm đến sự đau khổ của con người, chạm vào da thịt đau khổ của tha nhân". Ngài giải thích rằng "Trong việc giao dịch của chúng ta với thế giới, chúng ta được dạy là hãy đưa ra lý do của niềm hy vọng của mình, nhưng không như một kẻ thù phê phán và lên án". "Chỉ có những người cảm thấy hạnh phúc khi tìm kiếm những điều tốt lành của người khác, khi mong muốn hạnh phúc cho họ, mới có thể là một nhà truyền giáo", "nếu tôi có thể giúp đỡ ít nhất một người có một cuộc sống tốt hơn, điều ấy đã biện minh cho việc hy sinh cuộc đời của tôi". Ðức Thánh Cha kêu gọi chúng ta đừng nản lòng trước những thất bại hay không mấy kết quả, vì "việc sinh hoa kết quả thường vô hình, khó nắm bắt và đo lường"; chúng ta phải biết "chỉ quyết tâm dấn thân của mình là điều cần thiết". Tông Huấn kết thúc bằng một lời cầu nguyện với Ðức Mẹ Maria, "Mẹ của Phúc Âm hóa". "Có một kiểu Maria cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Mỗi khi chúng ta nhìn lên Ðức Mẹ Maria, chúng ta một lần nữa lại tin vào bản chất cách mạng của tình yêu và sự dịu hiền".
Tải Tông Huấn " Evangelii Gaudium " trên trang web Vatican:
Tải phiên bản PDF, cũng từ trang web Vatican:
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét