3. Tội Nguyên Tổ Thay Đổi Cội Nguồn Nhân Loại
Trình thuật về tội nguyên tổ trong Chương III Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy rõ ràng hơn tính cách trong sáng của công trình tạo dựng và việc ban ân sủng. Do những ân sủng này, Thiên Chúa tạo dựng con người trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy. Trình thuật này nói về (hinges on) việc vi phạm lệnh Thiên Chúa truyền không được ăn “trái cây tri thức (thiện ác).” Trình thuật này phải được giải thích dựa trên nội dung và đặc biệt là văn thể của áng văn cổ xưa đó. Tuy nhiên, khi lưu tâm tới đòi hỏi có tính cách khoa học trong việc nghiên cứu cuốn thứ nhất bộ Sách Thánh, chúng ta phải nhìn nhận rằng có một yếu tố bất khả nghi xuất hiện trong trình thuật chi tiết về tội lỗi. Sách Thánh mô tả biến cố đó là một sự kiện, mà theo mạc khải thì đã xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử con người. Vì thế cuốn thứ nhất bộ Sách Thánh cũng trình bày một yếu tố khác nữa, được gọi là hàm ẩn quan trọng và quả quyết về tội lỗi trong mối liên hệ của con người với Thiên Chúa, và cách tổng quát là mối liên hệ giữa con người với thế giới.
Qua những hình thức mô tả sinh động, sự kiện thực sự quan trọng là bản chất luân lý được in vào cốt tủy tinh thần nhân loại. Sự kiện đó làm thay đổi căn cốt thân phận con người. Con người bị đẩy ra khỏi tình trạng công chính nguyên thủy và lâm vào hoàn cảnh tội lỗi (status naturae lapsae). Tội lỗi tồn tại trong tình huống này, mà dấu ấn của nó là xu hướng về tội lỗi. Từ lúc đó, toàn thể lịch sử nhân loại bị hoàn cảnh này chồng chất đè nặng. Thực ra con người đầu tiên (nam và nữ) đã được Thiên Chúa ban ơn thánh hóa không phải chỉ cho riêng họ, nhưng là người khởi lập gia đình nhân loại, mà còn cho toàn thể hậu duệ của con người. Bởi tội lỗi đặt con người vào thế đối nghịch với Thiên Chúa, mà con người bị thất sủng và di lụy tới toàn thể hậu duệ là toàn thể nhân loại. Theo giáo huấn của Giáo Hội căn cứ trên mạc khải thì bản chất tội nguyên tổ nơi chúng ta là di sản về tình trạng mất ân sủng của tổ phụ gắn liền với bản tính con người.
Chúng ta sẽ hiểu rõ ràng hơn bản chất di sản trên đây bằng cách phân tích lời tường thuật về tội nguyên tổ như ghi trong Chương III Sách Sáng Thế. Trình thuật đó bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa tên cám dỗ, dưới hình thức một con rắn, và người phụ nữ. Đây là điều hoàn toàn mới. Cho tới lúc đó, Sách Sáng Thế không nói gì về sự hiện hữu trong thế giới thụ tạo những hữu thể thông minh và tự do khác, khác biệt với người nam và người nữ (nguyên thủy). Trình thuật về công cuộc tạo dựng trong các Chương I và II Sách Sáng Thế liên quan tới thế giới “thụ tạo hữu hình”. Kẻ cám dỗ thuộc về thế giới “những hữu thể vô hình,” hoàn toàn thiêng liêng, dẫu rằng trong suốt cuộc đối thoại Sách Thánh đã mô tả kẻ cám dỗ là một hữu hình. Chúng ta cần phải xem xét kỹ càng lần xuất hiện đầu tiên này của thần dữ trong Cựu và Tân Ước. (Chúng ta đã nói về điều này trong những bài giáo lý trước.) Điều cần phải ghi chú đặc biệt là theo Sách Khải Huyền (cuốn chót bộ Sách Thánh) thì “khủng long đã bị liệng xuống địa cầu, con rắn già (đây là dẫn chiếu rõ ràng trong Sách Sáng Thế, Chương III), kẻ bị gọi là Ma Quỉ và Satan, kẻ dối gạt toàn thể vũ trụ” (Kh 12:9). Vì nó “dối gạt toàn thể vũ trụ”, ở nơi khác (trong Sách Thánh) nó cũng bị gọi là “cha sự dối trá” (Jn 8:44).
Chương III Sách Sáng Thế cho biết tội lỗi nhân loại vào lúc khởi đầu lịch sử là tội nguyên tổ đã xảy ra dưới ảnh hưởng của hữu thể này. “Con rắn già” cám dỗ người phụ nữ: “Có phải Thiên Chúa phán, ‘Ngươi không được ăn trái tất cả mọi cây trong vườn?’” Người phụ nữ đáp: “Chúng tôi được phép ăn trái của tất cả mọi cây trong vườn; nhưng Thiên Chúa phán, ‘Các ngươi không được ăn trái cây ở giữa vườn, các ngươi cũng không được đụng chạm tới nó, kẻo các ngươi phải chết.’” Nhưng con rắn nói với người phụ nữ: “Các người sẽ không chết đâu. Vì Thiên Chúa biết khi các người ăn trái cây đó mắt các người sẽ mở ra, và các người sẽ trở nên giống Thiên Chúa, biết lành biết dữ” (St 3:1-5).
Trong văn bản này (Chương III Sách Sáng Thế), Chúng ta nhận ra dễ dàng những vấn đề căn bản của cuộc sống nhân loại giấu ẩn dưới một hình thức bề ngoài có vẻ đơn giản. Ăn hoặc không ăn trái của một cây nào đó dường như tự nó chẳng có gì quan trọng cả. Nhưng thực ra vấn đề căn bản trong đời sống nhân loại lại liên quan tới nó. Tên cám dỗ (con rắn) biết rất rõ điều này, vì nó nói: “Khi các người ăn trái cây đó ... các người sẽ giống như Thiên Chúa, biết lành biết dữ.” Bởi thế cây đó tiêu biểu cho giới hạn không thể vượt quá đối với nhân loại và đối với bất cứ thụ tạo nào, cho dù toàn thiện đến đâu. Thụ tạo luôn luôn chỉ là một thụ tạo, và không phải là Thiên Chúa. Hiển nhiên thụ tạo đó không thể tuyên xưng “giống như Thiên Chúa,” “biết điều lành điều dữ” như Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn căn mọi hữu thể, chỉ một mình Thiên Chúa là Chân Lý và Đấng Tốt Lành tuyệt đối, căn cứ vào đó mà điều lành và điều dữ được đo lường và từ đó điều lành phân biệt với điều dữ. Chỉ một mình Thiên Chúa là nhà lập pháp đời đời, từ Ngài phát xuất mọi lề luật nơi thế giới thụ tạo, và đặc biệt là lề luật của bản tính nhân loại (lex naturae). Là một thụ tạo có lý tính, nhân loại biết luật này và phải tuân thủ trong cách cư xử của mình. Con người không thể tự mình đòi hỏi thiết lập luật luân lý, cũng không thể tự mình quyết định điều gì tốt xấu, mà không phụ thuộc vào Đấng Hóa Công, kể cả việc chống lại Ngài. Con người không có thể và cũng chẳng một thụ tạo nào khác có thể tự đặt mình vào địa vị Thiên Chúa, tự cho mình chủ quyền về vấn đề luân lý. Điều này trái nghịch với cấu trúc bản thể riêng của tạo vật, bản thể đó phản ánh trong lãnh vực đạo đức tâm lý bởi những phán định căn bản của lương tri, và vì thế là căn bản cách hành sử của con người.
Theo trình thuật trong Sách Sáng Thế về một âm mưu ẩn dưới một chiêu bài rõ ràng không thích hợp, chúng ta nhận thấy vấn đề căn cốt của nhân loại nối liền với chính hoàn cảnh con người là thụ tạo. Con người là một hữu thể có lý tính cần phải để cho mình được hướng dẫn bởi “Đệ Nhất Chân Lý” về chính sự hiện hữu của mình. Con người không thể tự mình thay thế Đệ Nhất Chân Lý hoặc tự đặt mình ngang hàng với nó. Nếu nguyên lý này bị nghi vấn thì nền tảng “sự công chính” của thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa bị lay động tới tận gốc rễ hành động của con người. Tên cám dỗ “cha sự dối trá” đưa ra câu hỏi về tình trạng sự công chính nguyên thủy qua hàm ý hoài nghi đối với chân lý về mối liên hệ với Thiên Chúa. Bởi chịu khuất phục trước tên cám dỗ, con người phạm tội riêng mình và gây ra hoàn cảnh tội nguyên tổ trong bản thể nhân loại.
Theo trình thuật Phúc Âm, chúng ta nhận thấy tội lỗi con người không có căn cốt trong tâm thức (và nơi lương tri) nhân loại từ nguyên thủy. Tội lỗi không xuất hiện do sự tự nhiên tự phát của con người. Theo một ý nghĩa nào đó thì tội lỗi (của con người) là phản ánh và hậu quả của tội đã xảy ra từ trước trong thế giới hữu thể vô hình. Tên cám dỗ, “con rắn già,” thuộc về thế giới vô hình này. Trước đó, các hữu thể vô hình, được ban cho sự hiểu biết và tự do, đã bị “thử thách” ngõ hầu có thể chọn lựa tương xứng với bản tính thuần linh của mình. Theo tường thuật ở Chương III Sách Sáng Thế, nơi các hữu thể (vô hình) đó đã có “sự hoài nghi” mà, tên cám dỗ nói bóng gió để gieo (sự nghi ngờ của chúng) vào cho nguyên tổ chúng ta. Các ngài đã đặt Thiên Chúa vào tình trạng khả nghi và đáng lên án, nhưng thực ra Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, là nguồn duy nhất mọi sự tốt lành ân ban cho tất cả mọi thụ tạo, và đặc biệt cho các thụ tạo thuần linh. Các thụ tạo phản loạn đã phản bác chân lý về sự hiện hữu của chúng vốn đòi mọi thụ tạo phải lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng Tạo Thành. Chân lý đó bị thay thế bởi lòng kiêu ngạo nguyên thủy đưa chúng tới quyết định đặt ý riêng làm nguyên lý và quy luật tự do. Chúng là những kẻ đầu tiên tuyên xưng dành quyền “biết lành biết dữ giống như Thiên Chúa.” Chúng đã tự chọn ở trên Thiên Chúa, thay vì chọn ở “trong Thiên Chúa,” theo những đòi hỏi về hiện hữu của chúng là thụ tạo, vì “người nào giống như Thiên Chúa?” Bởi nghe theo lời khuyến dụ của tên cám dỗ, con người đã trở nên nô lệ và là tòng phạm của bè phản thần!
Theo Chương III Sách Sáng Thế thì tại chỗ gần “cây tri thức” (thiện ác) nguyên tổ đã nghe những lời hàm chứa toàn thể mọi âm mưu công kích mà ma quỉ có thể gây ra nơi ý chí tự do của thụ tạo đối với Đấng Tạo Thành. Ngài là căn nguyên mọi hữu thể và mọi sự thiện hảo. Bản chất của Ngài là Đấng tuyệt đối vô tư, đích thực là hiền phụ đầy yêu thương và ước muốn ân ban cho mọi thụ tạo! Đặc ân tình yêu của Đấng Tạo Thành gặp phải sự chống đối, phản bác và khước từ. Thánh Augustine diễn giải rất rõ ràng về sự kiện này là thụ tạo đó đã tự ý muốn trở nên “bằng Thiên Chúa” và nhận thức một cách rõ rệt thái độ “tự ái của nó đến độ coi thường Thiên Chúa” (tc. De Civitate Dei, XIV, 28; PL 41, 436). Đây có lẽ là lời giải thích khả dĩ chính xác nhất ý niệm về tội lỗi lúc khởi đầu lịch sử, sở dĩ có sự kiện đó là vì con người nghe lời dụ dỗ của ma quỉ mà coi thường Thiên Chúa (contemptus Dei), khước từ Thiên Chúa, khinh ghét tất cả mọi sự liên hệ với Thiên Chúa hoặc từ Thiên Chúa mà ra.
Rủi thay đó không phải là biến cố duy nhất vào lúc khởi đầu lịch sử. Biết bao lần chúng ta phải đương đầu với những sự việc, hành động, lời nói và những hoàn cảnh của cuộc sống trong đó di sản tội nguyên tổ thì hiển nhiên!
Sách Sáng Thế kể tội này liên quan với Satan, và sự thật về “con rắn già” mà sau này được công nhận ở nhiều nơi khác trong Thánh Kinh. Tại sao tội lỗi của nhân loại lại được trình bày dựa trên căn bản này? Chúng ta cũng đọc trong Chương III Sách Sáng Thế: “Bởi thế người đàn bà thấy trái cây đó ăn ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng khát vọng vì trái cấm đó làm cho người ta nên khôn ngoan, bởi thế bà đã hái trái cây đó mà ăn; và bà cũng đưa cho ông chồng, và ông ấy cũng đã ăn nữa” (St 3:6).
Về chi tiết thì trình thuật này tiết lộ điều gì? Trình thuật đó làm chứng rằng con người đầu tiên (nguyên tổ Adam) đã hành động chống lại ý Đấng Tạo Thành, theo ảnh hưởng của lời tên cám dỗ bảo đảm rằng “những trái cây này giúp đạt được sự hiểu biết.” Việc đó không hẳn rằng nguyên tổ đã hoàn toàn chấp nhận tính cách toàn vẹn sự khước từ và lòng thù ghét Thiên Chúa hàm chứa trong những lời của tên là “cha sự dối trá.” Trái lại, nguyên tổ chấp nhận lời xúi giục lợi dụng một tạo vật trái với điều Đấng Tạo Thành ngăn cấm, vì cho rằng ông – nhân loại – cũng có thể trở nên “giống (bằng) Thiên Chúa, biết lành biết dữ.”
Theo Thánh Phaolô, tội nguyên tổ cốt ở sự bất tuân phục Thiên Chúa (tc Rom 5:19). Phân tích Chương III Sách Sáng Thế và suy niệm trên văn bản sâu sắc tuyệt vời này, chúng ta thấy cách thức “sự bất tuân phục” đó có thể xảy ra và phát triển theo chiều hướng nào nơi ý chí nhân loại. Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói: tội “vào lúc khởi đầu” (tội nguyên tổ), mô tả trong Chương III Sách Sáng Thế, bao gồm “khuôn mẫu” căn cốt của mọi thứ tội lỗi nhân loại có thể mắc phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét