Trang

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Bản Bẩy Mươi trong việc khai sinh ra nền thần học sơ khai

Bản Bẩy Mươi trong việc khai sinh ra nền thần học sơ khai
Timothy Michael Law

Theo Timothy Michael Law, tác giả cuốn When God Spoke Greek: The Septuagint and the Making of the Christian Bible (Khi Thiên Chúa Nói Tiếng Hy Lạp: Bản Bẩy Mươi và Việc Làm Ra Thánh Kinh Kitô Giáo), có một số lý do khiến các Kitô hữu ngày nay lưu tâm tới Bản Bẩy Mươi.

Thứ nhất, khi một độc giả hiện đại thấy Thánh Phaolô trích dẫn Isaia, rồi mở sách Isaia trong một bản dịch tiếng Anh, hẳn sẽ thấy trích dẫn này khác hẳn. Tại sao? Vì việc dịch Cựu Ước của hầu hết các bản Thánh Kinh tiếng Anh hiện đại đều dựa vào Thánh Kinh Hípri, nhưng các soạn giả Tân Ước và Giáo Hội sơ khai hầu hết lại sử dụng Bản Bẩy Mươi Hy Lạp. Thánh Augustinô và các vị khác suốt trong lịch sử từng chủ trương rằng nếu các soạn giả Tân Ước đã sử dụng Bản Bẩy Mươi, thì Giáo Hội cũng phải khẳng định thế giá của bản này.

Thứ hai, Bản Bẩy Mươi, chứ không phải Thánh Kinh Hípri, minh nhiên lên khuôn phần lớn nền thần học Kitô Giáo sơ khai. Thí dụ, chính phiên bản Bẩy Mươi của Isaia, chứ không phải phiên bản Thánh Kinh Hípri, đã lên khuôn cho tác phẩm sâu sắc nhất về thần học trong lịch sử Kitô Giáo là Thư Gửi Tín Hữu Rôma của Thánh Phaolô. Tính nhất đẳng của Bản Bẩy Mươi tiếp diễn sau thế kỷ thứ nhất, khiến người ta không thể tưởng tượng được việc có chuyện khai triển tín lý chính thống mà lại không cần tới bản này. Không điểm nào trong khai triển này có ý nghĩa đáng kể nếu Bản Bẩy Mươi chỉ là bản dịch từ tiếng Hípri; vì dù thế nào, tại nhiều chỗ, Bản Bẩy Mươi chứa một sứ điệp rất khác. Đôi khi các dịch giả của Bản Bẩy Mươi tạo ra cả những ý nghĩa mới trong cách dịch của họ, nhưng cũng có một lý do nữa khiến Bản Bẩy Mươi đôi lúc ra khác.

Một hình thức thay thế, đôi khi cổ xưa hơn, của Bản Hípri vẫn thường nằm phía sau Bản Hy Lạp. Nên khi các Nhà Cải Cách cũng như những người đi trước họ nói tới chuyện phải trở về nguyên bản Hípri (ad fontes!), và khi các Kitô hữu hiện đại nói tới việc nghiên cứu Bản Hípri vì nó là “nguyên bản”, họ đã mắc nhiều sai lầm trong giả thuyết. Bản Thánh Kinh Hípri hiện đang được sử dụng thường lại không phải là hình thức cổ xưa nhất, và đôi lúc Bản Bẩy Mươi là phương thế duy nhất để ta vươn tới hình thức cổ xưa hơn kia.

Vậy điều gì thúc đẩy các Giáo Hội Kitô giáo buổi đầu chuyển từ việc chuộng Bản Bẩy Mươi qua việc chuộng Bản Hípri làm Thánh Kinh của họ?

Law cho rằng ta cần thận trọng cả trong việc gọi Bản Bẩy Mươi là “Thánh Kinh” vì ta không có hồ sơ nào về toàn bộ Cựu Ước cho mãi tới vài thế kỷ sau trong thời đại Kitô Giáo. Trước đó, các Kitô hữu sử dụng các phần riêng rẽ của bộ sau này trở thành Cựu Ước. Thí dụ, Ngũ Kinh hay Thánh Vịnh hoặc những cuốn cá thể khác. Qua thế kỷ thứ tư, ta mới có chứng cớ về những bộ Thánh Kinh trọn vẹn, trong đó, có cả Tân Ước; quan trọng hơn nữa, trong đó, có cả những phần Cựu Ước mà nay ta gọi là “ngụy thư” (Apocrypha).

Với một thận trọng như thế, ta thấy không một thời điểm nào Giáo Hội Phương Tây quyết định bác bỏ “Thánh Kinh” đầu tiên của mình. Hiện nay, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp vẫn sử dụng nó, và một vài Giáo Hội Chính Thống Phương Đông khác vẫn sử dụng các bản dịch từ Bản này. Diễn trình chuyển đổi rất tiệm tiến và kéo dài nhiều thế kỷ, nhưng nó lên cao điểm trong công trình của một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của Phương Tây cổ thời. Đó là Thánh Giêrôm.

Ngài quyết định dịch Thánh Kinh Hípri sang tiếng La Tinh và nhờ đó, đã tác động hết sức lớn lao trên lịch sử Thánh Kinh. Đến cuối thế kỷ thứ tư, Thánh Kinh La Tinh, dùng ở Phương Tây, là bản hiện nay được gọi là Bản “La Tinh Cổ”. Gọi như thế, vì nó là bản được sử dụng trước khi Thánh Giêrôm tạo ra bản mới. Bản La Tinh Cổ được dịch từ Bản Bẩy Mươi, nghĩa là ngay trong các Giáo Hội trong đó tiếng Hy Lạp phải nhường chỗ cho tiếng La Tinh, các Kitô hữu vẫn còn tiếp xúc với Bản Bẩy Mươi qua các bản dịch.

Thánh Giêrôm không hài lòng với các bản dịch La Tinh Cổ; ngài coi chúng không chính xác và tệ hơn nữa, thiếu thống nhất trong truyền thống chép tay (manuscript). Mỗi lần ngài cầm một bản chép tay La Tinh Cổ lên, thì đều thấy nó khác với bản ngài vừa đọc. Ngài cũng thường quan hệ với các học giả Do Thái và có vẻ như khá bối rối trước sự kiện Giáo Hội sử dụng một Thánh Kinh khác hẳn.

Thánh Giêrôm một phần tỏ ra là người yếu đuối, chịu áp lực của môi trường xã hội, nhưng phần khác lại cương quyết tạo ra một di sản không tài nào phá đổ được cho riêng mình. Ngài muốn làm một điều gì thật triệt để, nên đã đi thẳng vào Thánh Kinh, bỏ qua truyền thống, để tạo ra một bản dịch La Tinh mới từ bản Hípri.

Phong trào Thệ Phản thế kỷ 16 đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của Bản Bẩy Mươi đối với Phương Tây. Họ theo luận lý học của Thánh Giêrôm, tin rằng bản văn Trung Cổ của Thánh Kinh Hípri thực là bản nguyên thủy nhất của Sách Thánh. Rất ít người nghĩ khác, như Zwingli, chẳng hạn, nghĩ rằng phiên bản Bẩy Mươi của Isaia thì hay hơn phiên bản Hípri. Còn nói chung, Thánh Giêrôm và các nhà Cải Cách được coi là đã chôn sống Bản Bẩy Mươi tại Phương Tây.
Law cho rằng phạm vi nghiên cứu thích thú nhất đối với ông là thời kỳ từ Thánh Giêrôm tới đầu thời cận đại. Và ông nghĩ ta chỉ có thể hiểu rõ Phong Trào Thệ Phản qua việc khảo sát hiện tượng nay gọi là chủ nghĩa Duy Hípri Kitô Giáo (Christian Hebraism). Đây hẳn phải là đề tài cho một cuốn sách khác, chứ chưa được đề cập tới trong cuốn hiện nay của ông.

Trong cuốn này, ông lưu ý nhất tới ngôn ngữ và nền thần học khai triển trong thời Giáo Hội sơ khai, vốn dẫn khởi từ Bản Bẩy Mươi. Nói như nhiều người rằng Bản Bẩy Mươi là bản Thánh Kinh thứ nhất của Giáo Hội là một chuyện; nhưng nói như thế vẫn còn khá mơ hồ. Khi thấy ngôn ngữ thần học của Kitô Giáo sơ khai đã được dẫn khởi ra sao từ Bản Bẩy Mươi, và hiểu rằng cũng cùng những tuyên bố như thế đã được đưa ra trong nền thần học Kitô Giáo đương thời, bạn mới thấy Bản Bẩy Mươi quan trọng như thế nào trong lịch sử Giáo Hội.

Trong sách 18 của cuốn Kinh Thành Thiên Chúa, Thánh Augustinô cố gắng giải thích sự khác biệt giữa bản văn Hy Lạp và bản văn Hípri của câu truyện Giôna. Trong bản Hípri, vị tiên tri này nói rằng Ninivê sẽ bị hủy diệt trong 40 ngày, nhưng trong Bản Bẩy Mươi, ông bảo: thành này sẽ bị hủy diệt trong 3 ngày. Thánh Augustinô cảnh giác người đọc “đừng coi nhẹ thế giá của cả hai phiên bản”. Ngài giải thích rằng cả hai đều đúng vì cả hai con số này đều làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã ở trong mồ 3 ngày giữa lúc chết và lúc sống lại, nhưng sau đó, đã hiện diện 40 ngày với các môn đệ giữa lúc sống lại và lúc lên trời.
Ta có thể không đồng ý, nhưng đó là cách Thánh Augustinô hòa hợp các phiên bản. Và đây chính là điển hình lớn của truyền thống giải thích Thánh Kinh, vẫn thường có trong Giáo Hội, tận đến thời hiện đại. Hiện nay, các nhà giải thích Kitô Giáo nào nghiêng về bảo thủ hơn thường quên điều này: họ chịu ảnh hưởng xiết bao bởi sự xuất hiện của nền học thuật phê bình lịch sử. Cả hai đều theo đuổi việc nghiên cứu Thánh Kinh một cách rất khoa học. Đọc các tác phẩm chú giải Kitô Giáo thời sơ khai và thời trung cổ, ta thấy ta đã bước vào một thế giới khác hẳn.

Law có dành một chương trong sách của mình để nói về cuộc tranh luận của Thánh Augustinô với Thánh Giêrôm về thế giá của Bản Bẩy Mươi. Những người thuật lại câu truyện này thường chú mục vào các chi tiết tương hợp giữa hai vị, chứ không chịu hỏi xem hai học giả thánh nhân này đã chịu ảnh hưởng ra sao bởi ngữ cảnh xã hội tôn giáo của các ngài.

Law có bàn tới vấn đề đó trong sách, và cho biết tóm tắt như sau. Tại Palestine, Thánh Giêrôm thường xuyên giao tiếp với các bậc thầy Do Thái Giáo, nên đã học hỏi được các phương pháp giải thích của họ. Ngài lại là người hết sức thông thạo truyền thống chép tay của người La Tinh, từng tham dự nhiều cuộc tranh cãi giữa Kitô hữu và người Do Thái Giáo về bản văn Thánh Kinh. Bởi thế, một áp lực bên ngoài không ngừng đẩy ngài về hướng Hípri. Ta phải xem sét tham vọng của Thánh Giêrôm muốn lên khuôn Thánh Kinh Cựu Ước Kitô Giáo theo Sách Thánh của hội đường dưới ánh sáng này.

Về phần Thánh Augustinô, ngài sống ở Bắc Phi, khá cách xa đối với các quan tâm trên. Đã đành tại Bắc Phi, không thiếu người Do Thái, nhưng khung cảnh xã hội hoàn toàn khác đối với Thánh Augustinô, và do đó, ngài không chịu áp lực phải theo bản văn Hípri. Ngài vẫn có thể tiếp tục sử dụng Bản La Tinh Cổ, dẫn khởi từ Bản Bẩy Mươi, mà không bị một thách thức chi. Và trong tâm trí ngài, tại sao phải đi ngược lại các soạn giả Tân Ước và truyền thống Giáo Hội vốn đã thành hình rồi?

Law vẫn cho rằng việc tạo hình cho Cựu Ước là một diễn trình phức tạp, nên ta không thể kết luận với bất cứ sự nghiêm túc nào rằng ta có được một “nguyên bản”. Trong nhiều thế kỷ, ta tưởng: nhờ các bản chép tay Hípri thời trung cổ, ta đã nắm được nguyên bản Cựu Ước. Nay, ta biết rõ: nhờ khám phá ra các Sách Cuộn tại Biển Chết, và nhờ lưu tâm mới đối với Bản Bẩy Mươi, ta chỉ mới có các chứng tá đối với nguyên bản mà thôi, chứ thực ra sẽ không bao giờ ta tìm được nguyên bản cả. Đây là lý do tại sao thay vì vứt bỏ cả Bản Bẩy Mươi lẫn Thánh Kinh Hípri, điều có lợi hơn về phương diện thần học là chào đón cả hai như là Thánh Kinh.

Ngoài việc điều hòa phương pháp lịch sử và văn phạm với cách tiếp cận của Thánh Augustinô, Law cho rằng còn hai thách đố đáng lưu ý nữa. Thứ nhất là phạm vi ít được khảo sát nhất trong việc Giáo Hội sơ khai sử dụng Bản Bẩy Mươi, nhất là câu hỏi sau: đâu là ý nghĩa của việc Giáo Hội xây dựng các biểu thức thần học đầu tiên của mình trên nền Bẩy Mươi Hy Lạp chứ không trên nền Thánh Kinh Hípri? Hiện ở Pháp, đang có loạt Thánh Kinh Alexandria (La Bible d’Alexandrie), rất tốt để thăm dò câu hỏi này. Nhưng các nhà bỉnh bút của loạt bài này chỉ mới đề cập hời hợt tới vấn đề mà thôi. Rất nhiều khảo luận và sách chuyên đề đã viết về việc các giáo phụ sử dụng Bản Bẩy Mươi ra sao; hay về một số chủ đề thần học từng dựa vào việc đọc Bản Bẩy Mươi rồi được các tác giả khác nhau phát biểu ra; hay về tác động của các khác biệt này trên khoa chú giải v.v...

Phạm vi thứ hai là niềm mong chờ được thấy các thần học gia Kitô Giáo nghiêm chỉnh lấy Bản Bẩy Mươi làm một chứng tá khác cho Thánh Kinh. Nếu nền thần học Kitô Giáo lấy Sách Thánh làm một trong các khởi điểm của mình, thì thiết tưởng họ nên lưu tâm tới Bản Bẩy Mươi, coi nó như Sách Thánh Kitô Giáo, như là một trong các khởi điểm kia. Nhưng thực tế, chịu ảnh hưởng của Cải Cách, phần lớn các thần học gia Kitô Giáo Phương Tây lấy Thánh Kinh Hípri làm khởi điểm để thăm dò Thánh Kinh. Trong Chỉ Nam Oxford về Bản Bẩy Mươi (đang hoàn thành), đã có lời yêu cầu viết một bài về việc thần học Kitô Giáo hiện đại sẽ hưởng nhờ ra sao nếu chịu đọc kỹ hơn Bản Bẩy Mươi. Dù sao, đây mới chỉ là một bài báo, cả một cuốn sách may ra mới bàn thấu đáo được vấn đề này.

Law cũng mong các nhà thuyết giảng Kitô Giáo và nói chung những người giảng dạy đức tin Kitô Giáo chịu lồng vào nội dung bài nói hay bài viết của mình các trích dẫn thẳng từ Bản Bẩy Mươi. Ước mong này hình như chưa thích hợp bao nhiêu với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội vốn khuyến khích các bản văn phụng vụ nên dựa vào Bản Phổ Thông của Thánh Giêrôm hay Bản Tân Phổ Thông gần đây hơn. Tuy nhiên, việc học hỏi và khuyến khích đọc Bản Bẩy Mươi không hẳn là đi ngược lại tinh thần Công Giáo hiện nay. Vì tuy không muốn gán cho nó bất cứ thế giá thiêng liêng nào, ít nhất ta vẫn có thể nhận ra giá trị của nó, khi đưa ra nhiều giải thích có thể soi sáng cho ý nghĩa của một số câu Thánh Kinh.


Vũ Văn An11/18/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét