5. Giáo Hội dạy về Tội Nguyên Tổ
Nhờ những bài giáo lý trước trong loạt bài hiện nay, một mặt, chúng ta có trước mắt lời phân tích về tội nguyên tổ trong lịch sử nhân loại ghi chép trong Chương III Sách Sáng Thế; mặt khác, chúng ta nhìn bao quát điều mà thiên khải dạy về tính cách đại đồng và di truyền của tội lỗi. Huấn Quyền Giáo Hội đưa ra và thường xuyên lặp đi lặp lại chân lý này, ngay cả trong thời đại chúng ta. Ở đây chúng ta phải dẫn chiếu những tài liệu của Công Đồng Vatican II, đặc biệt là Hiến Chế Gaudium et Spes, và lưu tâm đặc biệt tới Huấn Dụ Reconciliatio et Paenitentia (1984).
Nguồn gốc giáo huấn này trước hết là đoạn văn trong Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy con người, bị ma quỉ cám dỗ (“khi nào người ăn trái cây đó ... người sẽ nên giống Thiên Chúa, biết lành biết dữ”; St 3:5), “lạm dụng sự tự do của mình, con người tự đặt mình chống lại Thiên Chúa và tìm kiếm đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa” (GS 13). Khi đó “mắt cả hai người mở ra” (tức là, mắt người nam và mắt người nữ), “và họ [hai nguyên tổ] biết mình trần truồng” (St 3:7). Khi Chúa là Thiên Chúa “gọi người nam và nói với ông ta: ‘ngươi ở đâu?’ ông ta đáp: ‘tôi sợ vì tôi trần truồng, và tôi trốn’” (St 3:9-10). Đây là câu trả lời rất ý nghĩa. Con người từ nguyên thủy (ở trong tình trạng công chính nguyên thủy) nói với Đấng Tạo Thành cách thân mật và tin tưởng trong chân lý trọn vẹn của hữu thể tinh thần và thể chất của mình, (được tạo dựng) theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng lúc này con người đã làm mất căn tính bằng hữu và giao ước đó. Con người đã mất ân sủng chia sẻ sự sống của Thiên Chúa – sự tốt lành thuộc về con người và sự thánh thiện của tình bằng hữu nguyên thủy của thụ tạo và quyền làm con cái (Thiên Chúa). Nhưng tội lỗi đã tức thời hiện diện trong hiện sinh và toàn thể cách ứng xử của người nam và người nữ nguyên tổ – xấu hổ vì việc lỗi phạm của mình, hậu quả tất yếu là trở nên những kẻ mắc tội mà bởi thế sợ hãi Thiên Chúa. Phân tích mạc khải và tâm lý kết hợp ở trang Phúc Âm này mô tả “hoàn cảnh” của con người sau khi vấp phạm.
Sự chết là hậu quả của tội lỗi
Chúng ta cũng thấy một sự thực khác nữa trong các sách Cựu và Tân Ước – một thứ “xâm lăng” của tội lỗi vào lịch sử nhân loại. Tội lỗi đã trở nên số phận chung của con người, di thừa (di sản thừa kế) từ trong dạ mẹ. “Mẹ tôi đã cưu mang tôi trong tội” (Tv 51), Thánh vịnh gia thốt lên trong lúc đau đớn bất mãn vì cuộc sống, trong đó sự thống hối nhập chung với lời kêu cầu xin Thiên Chúa thương xót. Thánh Phaolô cũng thường nhắc đến nỗi đau đớn bất mãn này, như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước. Thánh Phaolô đưa ra một công thức lý thuyết cho sự thực này trong Thư gửi tín hữu Roma: “Tất cả mọi người đều ở dưới quyền lực của tội lỗi” (Rom 3:9). “Mọi người đều phải câm miệng, và mọi người trên thế gian đều đắc tội trước tòa Thiên Chúa” (Rom 3:19). “Bẩm sinh tất cả chúng ta đều đáng chịu cơn thịnh nộ” (Eph 2:3). Các học giả Thánh Kinh cho rằng toàn thể những sự kiện đáng than khóc dẫn thượng hàm ngụ và tồn tại trong bản tính con người, nếu không có sự trợ giúp của ân sủng. Những lời đó nhắc tới bản tính tự nhiên đã bị hạ thấp do tội nguyên tổ, và đó là hoàn cảnh của toàn thể hậu duệ muôn đời của các ngài (nguyên tổ).
Những văn bản Sách Thánh về tính cách phổ quát và bản chất di truyền của sự tội dẫn chúng ta xem xét trực tiếp hơn nữa giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về tội nguyên tổ. Chẳng khác gì tội lỗi có bản tính “bẩm sinh” mà mọi người lãnh nhận từ cha mẹ vào lúc bẩm thai..
Từ khởi đầu, Giáo Hội đã giảng dạy về tội nguyên tổ cách rõ ràng. Giáo huấn về tội nguyên tổ trở nên mục tiêu tuyên ngôn chính thức của Huấn Quyền trong Thượng Hội Đồng thứ 15 ở Carthage năm 418 và ở Orange năm 529, chính yếu là chống lại những sai lầm của phái Pelagius (tc DS 222-223; 371-372). Về sau, trong thời Canh Tân (the Reformation), Công Đồng Trent đã long trọng trình bày chân lý tội nguyên tổ vào năm 1546 (tc. DS 1510-1516). Sắc lệnh của Công Đồng Trent (Tridentinô) đã trình bày cách chính xác “tội nguyên tổ” là đối tượng đức tin (điều phải tin) và thuộc giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta có thể dẫn chiếu sắc lệnh trên như là nội dung căn cốt của tín lý Công Giáo về điều này.
Sắc lệnh Công Đồng Trent dẫn thượng nói: Con người đầu tiên là Adam (Primum hominem Adam), Nguyên tổ chúng ta ở trong địa đàng (và vì thế ở trong hoàn cảnh công chính và toàn thiện nguyên thủy) đã phạm tội trầm trọng, do vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa. Vì tội lỗi của mình nên các ngài mất ân sủng thánh hóa; cũng thế các ngài mất sự thánh thiện và công chính mà trong đó các ngài đựơc “tạo dựng” từ nguyên thủy, và các ngài đã tự mang lấy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết hậu quả của tội nguyên tổ là sự chết. Chúng ta cần nhắc lại ở đây những lời Chúa trong Sách Sáng Thế 2:17: “Các ngươi không được ăn trái cây biết lành biết dữ, vì khi các ngươi ăn trái cây đó các ngươi phải chết.” Trong bài giáo lý trước chúng ta đã bàn về ý nghĩa lời ngăn cấm này. Bởi kết quả của tội lỗi, Satan (đã) có thể nới rộng “quyền thống trị” của nó trên nhân loại. Sắc lệnh của Công Đồng Trent (Tridentinô) nói về “sự nô lệ dưới quyền thống trị của nó (Satan) kẻ gây ra sự chết” (tc DS 1511). Dưới “quyền lực” của Satan là mang “ách nô lệ.”
Cần phải trở lại khía cạnh này của bi kịch tội nguyên tổ để xem xét các yếu tố “làm tha hóa” con người do tôi lỗi gây ra. Đồng thời chúng ta cũng ghi chú rằng quyết định của Công Đồng Trent (Tridentinô) nhắc đến “tội Adam” vì tội đó là tội riêng cá nhân nguyên tổ (tội mà các thần học gia gọi là peccatum originale originans). Nhưng quyết định Công Đồng cũng mô tả những hậu quả thảm khốc của tội lỗi trong lịch sử nhân loại (cái gọi là peccatum originale originatum).
Đặc biệt liên quan đến tội nguyên tổ theo nghĩa thứ hai trên đây mà văn hóa ngày nay nêu lên những điểm dè dặt nghiêm trọng. Văn hóa ngày nay không thể chấp nhận ý kiến về tội có tính cách di truyền, nối kết với quyết định của một ông tổ mà không liên quan gì với con người liên hệ. Văn hóa ngày nay cho rằng quan niệm như thế nghịch với quan điểm phẩm cách của con người (the personalistic vision of man) và nghịch với những đòi hỏi phát xuất từ việc tôn trọng toàn vẹn đối với chủ thể tính của con người.
Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo Hội về tội nguyên tổ có thể có giá trị tuyệt đối cho con người thời nay. Vì chối bỏ những dữ kiện đức tin về vấn đề này, con người thời nay không còn khả năng hiểu những khía cạnh huyền nhiệm và đau khổ của sự dữ mà con người phải chịu hằng ngày. Con người thời nay kết thúc bằng lưỡng lự giữa thái độ lạc quan hấp tấp và bất công với thái độ bi quan cấp tiến cướp mất niềm hy vọng.
Trong bài giáo lý tiếp chúng ta sẽ ngưng lại để xem xét chi tiết thông điệp đức tin cống hiến cho chúng ta về một đề tài hết sức quan trọng đối với cá nhân và toàn thể nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét