CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(phần II)
C
Sách Tiên Tri Isaia 22, 19-23; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 11,33-36
và Phúc Âm Thánh Matthêô 16, 13-20
I. Giáo Huấn P.Â.:
Tông đồ Chúa phải tuyên tín rằng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên chúa hằng sống!”
Ơn Chúa ban cho người biết nhìn nhận Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Giáo Hội xây dựng trên người tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên chúa.
Chúa chỉ trao quyền cầm buộc và tháo gở cho tông đồ tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống.
Giáo Hội trường tồn vì xây dựng trên niềm tin vào Thiên chúa là Đấng trường tồn.
II. Vấn nạn P.Â.
Ý nghĩa bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia 22,19-23 nói về việc Thiên chúa tước quyền Sepna và trao cho Engiakim ?
Theo Bách Khoa tự điển: Shebna là tổng trưởng tài chánh của Giuđa thời vua Hezekiah. Vì tính kiêu căng ngạo mạng nên Chúa đã truất phế Ông và đặt Eliakim, con của Hilkiah thay Ông. Bài đọc I có ý nói rằng: quyền bính nằm trong tay Chúa. Chúa thiết lập dân Chúa theo triều đại vua Đavít. Nên chỉ những ai có tâm huyết với chương trình của Chúa và triều đại Đavít mà sau nầy Đấng Cứu Thế sinh ra mới sẽ được trao quyền lãnh đạo.Bài Phúc Âm Thánh Matthêô nói về việc Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu là Con Thiên chúa, thuộc dòng dõi vua Đavit. Nên Phêrô được trao chìa khoá mở cửa nước trời và làm thủ lãnh Giáo Hội Chúa ở trần gian.
Quyền lãnh đạo được trao cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và phục vụ vương quốc Chúa ở trần gian là Giáo Hội. Nên quyền bính trong Giáo Chúa không để mang lợi cho cá nhân hay thao túng, nhưng để phục vụ.
“Phêrô con là Tảng Đá, trên tảng đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Chúa có liều lĩnh quá không khi xây Giáo Hội trên Phêrô?
Chính là Chúa Kitô – Chúa Kitô đã từng chiến thắng tà thần ngay từ buổi đầu truyền đạo. Thoạt đầu, ai cũng phải nhìn nhận Chúa liều lĩnh khi xây Giáo Hội trên Phêrô. Vì Ông nầy, gốc dân thuyền chài, chắc chắn không có chữ nghĩa bao nhiêu. Cũng không hiểu chương trình của Chúa. Khi Chúa nói “lên Giêrusalam để chịu đau khổ” thì Ông can ngăn, đến nỗi Chúa mắng “Satan, lui ra đàng sau Ta!” được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 8, 33.
Phêrô cũng là người chối Thầy ba lần và đã không dám có mặt dưới chân Thánh Giá khi Chúa chết. Sự kiện nầy được ghi nhận trong cả bốn Phúc Âm: Matthêô 26:34; Marcô 14:30; Luca 22:34 và Gioan 13:38. Nhưng bản văn Kinh Thánh cho chúng ta thấy hai điều:
Chúa xây dựng Giáo Hội trên Phêrô có nghĩa là Tảng Đá. Nên Chúa không xây dựng Giáo Hội trên con người mang tên Phêrô, nhưng trên tảng đá kiên vững. Chúa luôn gìn giữ Giáo Hội. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” Chúa còn thách thức rằng “dù quyền lực tử thần cũng không thắng nỗi!” Những yếu tố nầy làm cho Giáo Hội trường tồn: Xây trên tang đá – Chúa luôn gìn giữ Giáo Hội – Giáo Hội
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc, dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Như vậy là Chúa theo nquyết định của Giáo Hội chăng?
Chúng ta có cảm tưởng như Chúa khoán trắng hay giao Giáo Hội hoàn toàn cho Phêrô và những người kế vị Ông. Các Ông tha hồ thao túng, muốn cầm buộc hay tháo gở tuỳ ý. Thật sự đây là chuyện trao quyền thừa hành dưới sự chỉ đạo của tối cao của Chúa. Chúng ta sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn khi hiểu từ “chức linh mục thừa tác”, tức người thừa hành chức linh mục của mình trong sự chia sẻ với chức linh mục sung mãn của Chúa Kitô. Nên khi một linh mục được bổ nhiệm làm Cha Sở, Đức Giám Mục đến đặt vị linh mục trên ghế chủ toạ phụng vụ, trao chìa khoá nhà tạm, trao sách thánh và những quyền khác… Tân Cha Sở được trao quyền lãnh đạo giáo xứ, ban bí tích và giảng dạy… dưới quyền của Giám Mục địa phận. Đó gọi lả quyền thừa hành. Hành xử quyền bính dưới danh nghĩa của người trao quyền. Chúa Giêsu trao chìa khoá nước trời cho Phêrô, tức quyền thừa hành quyền bính tối cao của Chúa. Người thừa hành có quyền ra luật lệ, chúng ta hiểu là quyền cầm buộc. Nhưng nói đúng ra chỉ là làm trọn vẹn hay cụ thể hoá luật Chúa mà thôi.
Thí dụ: Luật Chúa dạy điều răn thứ ba là : Giữ ngày của Chúa tức ngày Chúa Nhật.
Giáo Hội thừa hành quyền cầm buộc ở chỗ ấn định: Phải đi lễ ngày Chúa Nhật, ai không đi vì làm biếng sẽ mắc tội trọng… Đúng ra Giáo Hội không hề ra luật buộc phải đi lễ Chúa Nhật, nhưng Giáo Hội thừa hành việc Chúa buộc giữ ngày của Chúa bằng cách qui định rằng: Ai không giữ ngày của Chúa là có tội trọng. Hơn nữa chúng ta thấy rằng: Muốn hành xử quyền tháo gở nầy, Phêrô đã phải tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được trao quyền làm thủ lãnh Giáo Hội, tức phải hy sinh sống chết vì Giáo Hội và phải giữ Giáo Hội trường tồn. Nên quyền tháo gở không là quyền tuỳ ý thao túng cho quyền lợi cá nhân mình , nhưng là mưu ích cho phần rỗi các linh hồn và cho Giáo Hội Chúa.
III. Thực hành P.Â.:
Trưng dẫn về lòng trung thành của một Giám Mục Việt Nam:
Đức Cha Giacôbê Nguyễn ngọc Quang Giám Mục Cần Thơ.
Nguồn: Web GPCT
Đức cha Nguyễn Ngọc Quang sinh ngày 23-07-1909 tại họ đạo Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa. Thụ phong linh mục ngày 21-09-1935. Năm 1940 được Đức cha Ngô Đình Thục, Giám mục giáo phận Vĩnh Long gửi qua Pháp du học, đỗ Cử nhân Lịch sử và Địa lý. Năm 1946, cha trở về Việt Nam phục vụ giáo phận Vĩnh Long. Trong thời gian 1946-1960, cha đảm trách các nhiệm vụ: Giám đốc Tiểu chủng viện Vĩnh Long, cha sở họ Chính tòa Vĩnh Long, Tổng Đại diện kiêm Giám đốc Công giáo Tiến hành giáo phận.
Ngài được thụ phong Giám mục ngày 05-05-1965, và nhận giáo phận ngày 06-05-1965 với chức vụ Giám Mục phó. Năm 1968 khi Đức cha Nguyễn Kim Điền chính thức trở thành Tổng Giám mục Huế thì Đức cha Nguyễn Ngọc Quang cũng chính thức trở thành Giám mục Chính tòa Cần Thơ. Ngài là vị Giám mục thứ ba của giáo phận kể từ khi giáo phận được thành lập.
Năm 1966, Đức cha mở Tiểu Chủng viện “Á Thánh Quý” ở Cái Răng.
Cũng năm 1966, Đức cha được bầu giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam, nhiệm kỳ 1966–1970.
Năm 1967, Đức cha thành lập Dòng Con Đức Mẹ ở làng Bình Thủy.
Năm 1970-1975, Đức cha được tín nhiệm giữ chức Chưởng ấn Viện Đại học Đà Lạt.
Ngày 20 tháng 06 năm 1990, lúc 07 giờ 40 phút, Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang qua đời tại Cần Thơ, thọ 81 tuổi với 25 năm Giám mục Chính tòa Cần Thơ.
Khi nói về “Chân dung linh mục” có lẽ chúng ta không nên nghĩ rằng mình đang nói về nhũng vị thánh nhưng là những con người “rất người” mà có khi chúng ta đã từng quen biết, tiếp cận với nhiều kỷ niệm vui buồn, các ngài đã sống trong thiên chức linh mục của mình với tất cả những nỗ lực và để lại những bài học đáng trân quý cho chúng ta.
Đức cha Giacôbê đã là một con người như thế. Ai đã từng sống gần gũi ngài đều thấy ngài có những đức tính nhân bản nổi bật như:
Đúng giờ: Luôn chính xác trong các giờ chung đến từng phút giây, Cha thư ký của ngài cho biết vào cuối đời ngài yếu bệnh, đi xuống nhà cơm phải nghỉ một lúc, nên ngài đã đi sớm hơn để đến nhà cơm đúng giờ. Trong các cuộc đón rước giám mục, nếu tài xế chạy nhanh đến sớm sẽ được dạo phố vài vòng để có thể đưa Đức cha đến nơi đúng giờ không sớm không muộn.
Ý chí: Có một chuyện vui là sau năm 1975 các giám mục không còn đi xe hơi nên ngài tập chạy xe Honda, nhưng tập mãi mà không được, có người nói chắc ngài nản chí nên bán chiếc xe Honda 50 cho cha Antôn Vũ Huy Chương (bây giờ là Giám mục Hưng Hoá). Tuy nhiên không phải vậy, ngài đã kiên trì và đã thành công. Ngài vẫn chạy chiếc Honda lên nhà dòng Bình Thủy dâng lễ cho các Soeur.
Khó nghèo, cần kiệm và tự lập: Đức cha Giacôbê tự giặt quần áo, khâu vá hay tự lo cho những nhu cầu tiêng tư của mình. Đức cha chỉ có ba chiếc quần dài màu đen và ba chiếc áo vải trắng. Chúng tôi quen gọi là đồ bà ba. Nhưng thực sự đó chỉ là đồ mặc trong nhà. Ngài mặc áo dòng dường như cả ngày, nhất là khi ra khỏi phòng. Nên áo dòng nhiều hơn áo thường. Có đến gần 10 chiếc, kể cả áo có viền đỏ, phẩm phục giám mục và loại đơn giản của linh mục. Sau này khi phải mặc quần tây và áo sơ mi để chạy xe Honda đi dạy học trong Chủng viện, dòng Bình Thuỷ hay dòng Chúa Quan Phòng… ngài mới nhờ thợ may người công giáo ở khu Toà Giám Mục Cần Thơ sắm cho Ngài hai bộ đồ: quần tây và áo sơ mi. Nếu ai có ý quan sát thì sẽ thấy ngay đây là loại vải rẻ tiền nhất vì nó nhăn nheo và bị co rút ngắn dần. Chúng tôi thường nói đùa: “quần chó táp ba ngày không tới!”
Không bao giờ Đức cha sai ai quét dọn phòng ốc hay sắp xếp vật dụng cho ngài. Ngài quán xuyến hết mọi chuyện! Đức cha tự làm bao thư bằng cách lấy giấy quay ronéo một mặt và sử dụng mặt còn lại. Những giấy nháp hay ghi chú không bao giờ là tờ giấy mới nguyên. Hoa kiểng, cây cối trong Toà Giám Mục, một mình ngài cắt tỉa, vun quén, tháp ráp hay chỉ bảo người khác phụ giúp. Toà Giám Mục Cần Thơ có chuối ăn tráng miệng quanh năm, có xoài cát ngon trái chín oằn cây… tất cả đều do sự xếp đặt rất tiết kiệm của Đức cha Giacôbê theo chủ trương “cây nhà lá vườn.”
Kiến thức: Ngài thích tìm hiểu và có kiến thức bách khoa. Ngài đã từng làm bài phú mừng Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng năm 1933, và cũng không phải tình cờ mà ngài được mời làm chưởng ấn Viện Đại Học Đà Lạt.
Trung thực nhưng biết thông cảm lắng nghe: Quý cha Cần Thơ đều có kinh nghiệm về một chiêu thức đặc biệt của ngài: đó là “đánh phủ đầu” nhưng sau đó ngài lắng nghe quý cha trình bày và rất thông cảm nếu quý cha trình bày rõ ràng và thành thật. Ngài sống rất lý trí nhưng cũng giàu tình cảm đúng như câu “thấu tình, đạt lý”. Các cha, các thầy gặp khó khăn ngài tạo điều kiện giúp đỡ dến nơi đến chốn. Có một cha luôn kẹp ảnh Đức cha Giacôbê trong sách PVGK để cầu nguyện cho ngài vì cha nói ngài đã giúp cha “khỏi một bàn thua trông thấy”.
Phục thiện: Có một thay đổi lớn trong tính tình của ngài, đó là trước đây ngài rất nóng nảy, la rầy lớn tiếng, có khi đập bàn… nhưng sau này có lẽ từ 1975 trở đi ngài trở nên rất hiền lành, nhẫn nại, nhỏ nhẹ… như một người cha nhân từ.
Lòng yêu mến Hội Thánh: Ưu tư lớn nhất của Đức cha Giacôbê là vấn đề đào tạo linh mục. Từ khi mới làm Giám mục Cần Thơ, ngài đã tập trung mọi công sức cho việc xây dựng cơ sở Tiểu chủng viện Cái Răng.
Với tầm nhìn ngôn sứ ngay từ đầu năm 1975, tất cả 80 đại chủng sinh giáo phận Cần Thơ học ở ba Đại chủng viện Đà Lạt, Long Xuyên và Vĩnh Long đều được Đức cha chuẩn bị tinh thần cho biến cố lớn lao của đất nước. Sau biến cố 30-4-1975, ngài phân chủng sinh thành nhiều nhóm nhỏ, tự lập sinh sống trong các họ đạo, làm nhiều nghề nuôi thân và phục vụ họ đạo. Trong hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp cũng có nhiều chủng sinh tìm cách “vượt biên”. Ngài nói với các chủng sinh khi dạy môn Giáo sử: “Các nhà thừa sai ngày xưa thì vất vả ‘nhập biên’ để truyền giáo, còn các thầy bây giờ thì lại muốn ‘vuợt biên’ để trốn tránh gian khổ!” Phương pháp gắn bó với họ đạo như vậy đã đào tạo những linh mục rất gần với dân và rất nhập cuộc: biết đồng hành với dân tộc và biết cảm thông với người khác, biết “khóc với người đau khổ và cười với nguời vui!” Phải nói đây là thế hệ linh mục rất đúng nghĩa linh mục do Đức cha Giacôbê đào tạo.
Năm 1988, Đại chủng viện Thánh Quý được chính thức khai giảng. Ngôi nhà chính của Chủng viện được sửa sang, sơn phết khang trang cho kịp ngày khai giảng nhưng có mấy ai biết là Đức cha Giacôbê đã bán chiếc Peugeot 404 để lo công việc này.
Không ai biết rõ gia đình hay thân nhân ruột thịt của Đức cha Giacôbê như thế nào. Cũng không bao giờ nghe ngài nói đến là ba mẹ ngài mất hồi nào, còn bao nhiêu anh chị em và họ đang ở đâu. Con cháu thế nào và làm gì ở đâu. Ngài đúng là người đã cầm cày và không bao giờ quay lại phía sau.
Viết về một người cha thì có lẽ bao nhiêu cũng chẳng đủ nhất là nếu thu thập dữ liệu của tất cả những người con. Chỉ xin gợi lên vài nét đặc trưng về một “chân dung linh mục” đã được chính các linh mục giáo phận Cần Thơ trong tuần tĩnh tâm linh mục đầu năm 2010 bình chọn và giới thiệu, để góp phần làm phong phú những chân dung linh mục Việt Nam và cũng để mỗi người chúng ta suy nghĩ và rút ra những bài học cho cuộc sống của mình, nhất là trong Năm Linh Mục này.
Lm Pet Trần Thế Tuyên
Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ vẫn còn vang dội tới ngày hôm nay, và trong giây phút này dường như Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, Ngài cũng đặt câu hỏi với từng người, trước hết là câu: "Người ta và những kẻ khác, theo quan niệm trần tục của con người thì họ nghĩ Thầy là ai?".
Chúa Giêsu Kitô là một thực tại, một con người lịch sử đã sống thật trên mặt đất này tại vùng Palestina cách đây hơn 2.000 năm. Đây là một thực tại đầy mầu nhiệm, những kẻ sống đồng thời với Ngài, họ cũng nhìn thấy những việc lạ Chúa đã thực hiện, trước đó là phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều, nhưng họ không thể nhìn nhận ra thực tại Thần Linh của Chúa là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Họ nhìn vào Chúa Giêsu như một tiên tri, một E?lia, một Gioan Tẩy Giả, một người chuẩn bị nhân loại cho Thiên Chúa, nhưng chưa phải là Thiên Chúa. Những kẻ khác thời Chúa Giêsu, trên quan điểm trần tục không được Thiên Chúa soi sáng, như Phêrô đã không nhận ra Chúa Giêsu Kitô là ai? Và các Tông Đồ đã kể lại cho Chúa nghe về các nhận xét của dân chúng xung quanh. Nhưng những kẻ khác, những kẻ ngoại chưa tin Chúa, không nhận ra Chúa, điều đó cũng chưa quan trọng đối với Ngài cho bằng chính những người mang tên là người đồ đệ của Chúa, là người Kitô mà lại không nhận ra Ngài.
Câu hỏi thứ nhất: "Người ta nghĩ Thầy là ai?", chỉ là một câu hỏi phụ, câu hỏi nhập đề để gợi ý thức nơi các đồ đệ. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Mỗi người phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của mình đối với Chúa. Điều Chúa muốn không phải là một câu trả lời suông, ngoài môi miệng như một học trò trả bài giáo lý cho thầy giáo trong lớp: "Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế muôn dân". Câu trả lời suông ngoài môi miệng như câu trả lời thuộc lòng bài giáo lý thì tương đối dễ, nhưng điều Chúa nhắm đến là lòng xác tín bên trong. Đức tin chân thật như là hồng ân từ Thiên Chúa Cha trao ban cho, ví như câu trả lời được ơn Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn Phêrô đã mạnh mẽ trả lời với sự linh ứng của Thiên Chúa Cha: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống".
Chúa Giêsu xác nhận không phải xác thịt nhưng là Cha trên trời đã ban cho con, đã soi sáng cho con. Chính thái độ xác tín đức tin này là điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Thái độ xác tín đức tin đó là hồng ân của Chúa Cha ban cho: "Không ai đến được với Thầy, nếu không được ơn Thiên Chúa Cha soi sáng và lôi kéo họ đến" (Jn 6,43.45). Chính thái độ xác tín đức tin này là khởi đầu và nền tảng của mọi sứ mạng Kitô. Thánh Phêrô đã nhận được sứ mạng: "Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy". Phêrô đã nhận được sứ mạng đó sau khi đã tuân phục ơn soi sáng của Thiên Chúa Cha và mạnh mẽ tuyên xưng: "Thầy là Con Thiên Chúa".
Mỗi người chúng ta đều cần có niềm xác tín này để có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho, là làm chứng cho Chúa trên trần gian này giữa anh chị em xung quanh. Sứ mạng đã khó nhưng niềm tin xác tín nơi mỗi người lại khó hơn hết, vì nơi mỗi người cũng có thể nói là có hai con người, một con người trần tục và một con người mới. Con người mới này được ân sủng thánh hóa, soi sáng hướng dẫn. Con người cũ có những thói hư tật xấu, suy tưởng theo những lý luận trần tục, xa rời chương trình của Thiên Chúa, khó mà tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, khó mà trung thành với đức tin tuyên xưng này.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được kinh nghiệm đức tin này nơi chính bản thân, nên đã thốt lên: "Tôi không làm điều tốt mà tôi ưa thích, nhưng lại làm điều xấu mà tôi không muốn". Cuộc giằng co giữa ân sủng và tội lỗi, giữa tin và không tin đã làm cho ngài đôi khi mệt mỏi và xin Chúa hãy can thiệp cất đi điều ngài không muốn. Nhưng Chúa Giêsu đã nâng đỡ Phaolô: "Ơn Ta đủ cho ngươi, đừng lo". Chính vì thế hơn ai hết, thánh Phaolô Tông Đồ đã trình bày cuộc sống trong ơn nghĩa Chúa như là một chiến đấu, một cuộc chạy đua, một cố gắng không ngừng cộng tác với ân sủng Chúa để mặc lấy con người mới, từ bỏ con người cũ để tuyên xưng đức tin, để trung thành với đức tin.
Trở lại với bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy thêm một điều nữa là, mặc dầu Phaolô đã có đôi lần sống theo con người cũ, con người trần tục, nhưng Chúa Giêsu không thay đổi chương trình, Ngài đã chọn Phaolô: "Ơn Ta đủ cho ngươi". Ơn Chúa luôn luôn ban xuống tràn đầy, Chúa không hủy bỏ chương trình Ngài muốn thực hiện nhờ qua mỗi người, mặc dù đôi khi chúng ta không đáp lại hết lòng ân sủng của Chúa. Chúa muốn nhắn nhủ Phêrô, nhắn nhủ mỗi người "khi nào con trở lại hãy nâng đỡ củng cố anh em con". Lời nhắn nhủ của Chúa cho Phêrô hãy biết thông cảm nâng đỡ cho anh em, vì chính ông cũng đã được Chúa thương tha thứ và nâng đỡ.
Thêm một bài học nữa cho mỗi người chúng ta là hãy cố gắng sống thánh thiện nơi chính bản thân mình và nâng đỡ những bất toàn, những sa ngã, những tội lỗi của anh em, xin Chúa gìn giữ chúng con trong đức tin và trung thành với Tin Mừng: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống".
R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Lectio Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 24 Tháng 8, 2014
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Người. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 16:13-14: Chúa Giêsu muốn biết ý kiến của dân chúng
Mt 16:15-16: Chúa Giêsu thách đố các môn đệ, và ông Phêrô trả lời thay cho tất cả mọi người
Mt 16:17-20: Câu trả lời long trọng của Chúa Giêsu nói với ông Phêrô
b) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu đặt câu hỏi liên quan đến việc dân chúng nghĩ Người là ai: “Người ta bảo Con Người là ai?” Sau khi biết ý nghĩ của đám đông, Chúa muốn biết ý kiến các môn đệ của Người. Ông Phêrô, đại diện cho tất cả mọi người đã tuyên xưng đức tin của ông. Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của Phêrô. Trong bài đọc, chúng ta hãy chú ý đến những gì tiếp theo đó: “Lời xác tín nào Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô?”
c) Phúc Âm:
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philíphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.” 15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” 16 Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon, con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mặc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 19 Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.” 20 Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Giêsu Kitô.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Ý kiến của dân chúng về Đức Giêsu là gì? Ý kiến của các môn đệ và ông Phêrô về Chúa Giêsu là gì?
c) Ý kiến của tôi về Đức Giêsu là gì? Tôi là ai đối với Chúa Giêsu?
d) Phêrô là tảng đá theo hai nghĩa. Đó là gì? (Mt 16:21-23)
e) Tôi là loại đá nào đối với những người khác? Cộng đoàn chúng ta là loại đá nào?
f) Trong đoạn Tin Mừng có nhiều ý kiến liên quan đến Chúa Giêsu và một số cách để bày tỏ đức tin. Ngày nay, cũng có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến Chúa Giêsu. Ý kiến của cộng đoàn chúng ta về Chúa Giêsu ra sao? Từ điều này đưa ra kết luận cho sứ vụ của chúng ta là gì?
5. Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a) Bối cảnh của đoạn Phúc Âm chúng ta xuất hiện trong Tin Mừng Mátthêu:
* Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô nhận được những lời giải thích khác nhau và có khi còn trái ngược nhau trong một số Giáo Hội Kitô giáo. Trong Giáo Hội Công Giáo, đây là nền tảng cho sự ưu việt của Phêrô. Đây là lý do tại sao, không phải trong thực tế, làm giảm bớt tầm quan trọng của đoạn Phúc Âm, thật là tiện lợi để đặt nó trong bối cảnh Tin Mừng của Mátthêu, trong các văn bản khác, những phẩm chất tương tự nói về Phêrô, hầu như tất cả, được quy cho các người khác. Chúng không độc quyền thuộc về Phêrô.
* Tốt hơn là chúng ta nên nhớ rằng Tin Mừng của Mátthêu được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo sống trong khu vực xứ Galilê và Syria. Họ là những cộng đoàn chịu nhiều đau khổ và là các nạn nhân của nhiều nghi kỵ về niềm tin của họ vào Đức Kitô. Tin Mừng của Mátthêu cố gắng giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng và khẳng định với họ trong đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Người được sai đến để hoàn thành những lời hứa của Cựu Ước.
b) Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 16:13-16: Ý kiến của dân chúng và của các môn đệ về Chúa Giêsu
Chúa Giêsu hỏi về ý kiến của dân chúng và của các môn đệ liên quan đến Người. Các câu trả lời khá là đa dạng. Gioan Tẩy Giả, tiên tri Êlia, tiên tri Giêrêmia, hay một tiên tri nào đó. Khi Chúa Giêsu hỏi về ý kiến của các môn đệ, Phêrô trở thành phát ngôn viên và nói: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Câu trả lời của Phêrô có nghĩa là ông nhận ra rằng trong Đức Giêsu, lời tiên tri của Cựu Ước được viên mãn và trong Đức Giêsu, chúng ta có sự mặc khải chắc chắn của Chúa Cha cho chúng ta. Lời tuyên xưng này của Phêrô không phải là mới lạ. Trước hết, sau khi đi trên mặt biển, các môn đệ khác đã tuyên xưng cùng một đức tin: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33). Trong Tin Mừng của Gioan, Máctha đã tuyên xưng lời này giống như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã phải đến thế gian” (Ga 11:27).
Mt 16:17: Câu trả lời của Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Phêrô, con thật có phúc!”
Chúa Giêsu công bố Phêrô là “Có Phúc!” bởi vì ông đã nhận lãnh sự mặc khải từ Chúa Cha. Trong trường hợp này, phản ứng của Chúa Giêsu không phải là điều mới lạ. Trước hết, Chúa Giêsu đã công bố điều vui mừng tương tự với các môn đệ đã được thấy và nghe những điều mà trước đây không ai biết (Mt 13:16), và đã ngợi khen Chúa Cha vì Người mặc khải Con Người cho những kẻ bé mọn và không mặc khải cho những kẻ khôn ngoan (Mt 11:25). Phêrô là một trong những kẻ bé mọn này mà Chúa Cha đã mặc khải cho. Nhận thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu chẳng phải vì “từ xác thịt hay máu huyết”, đó là, nó không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng chính ra là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho những ai mà Người muốn.
Mt 16:18-20: Các thẩm quyền của Phêrô
Ông Phêrô nhận lãnh ba thẩm quyền từ Đức Giêsu: (i) Làm tảng đá hỗ trợ, (ii) Nhận chìa khóa Nước Trời, và (iii) Làm nền tảng của Giáo Hội.
i) Làm tảng đá: Simon, con ông Giôna, nhận được từ Đức Giêsu một tên mới là Kêpha, và có nghĩa là Đá. Đây là lý do tại sao ông được gọi là Phêrô. Phêrô phải là tảng đá, đó là, ông phải là nền tảng vững chắc cho Giáo Hội để các cửa của địa ngục sẽ không thắng được. Với những lời này từ Chúa Giêsu nói với Phêrô, Mátthêu khuyến khích các cộng đoàn ở Syria và Paléstine, đang chịu đau khổ và là nạn nhân của các cuộc bách hại, để thấy trong Phêrô là một người lãnh đạo người ta tìm kiếm sự hỗ trợ, để chính họ căn cứ liên quan đến nguồn gốc của họ. Mặc dù là những cộng đoàn yếu kém và bị bách hại, họ đã có một cơ sở vững chắc, bảo đảm bởi Lời của Chúa Giêsu. Tại thời điểm đó, các cộng đoàn đã có những sự gắn bó thương mến mạnh mẽ với những người đã gầy dựng, những người cùng xứ sở của cộng đoàn. Vì thế, Cộng Đoàn Syria và Paléstine nuôi dưỡng sự gắn bó hiệp nhất của họ với con người Phêrô. Cộng đoàn Hy Lạp với con người Phaolô. Một số cộng đoàn tại Á Châu, với con người của người môn đệ Chúa yêu và các cộng đoàn khác với con người Gioan của sách Khải Huyền. Tự xác định với những nhà lãnh đạo cùng xứ sở của họ đã giúp cho các cộng đoàn nuôi dưỡng căn tính và tâm linh của họ tốt đẹp hơn. Nhưng điều này cũng có thể là một nguyên nhân gây ra tranh chấp, như trong trường hợp của cộng đoàn Côrintô (1Cr 1:11-12).
Làm tảng đá như là căn bản của đức tin gợi lên Lời của Chúa gửi đến những người đang sống lưu vong ở Babylon: “Hỡi ai theo đuổi sự công chính, hỡi kẻ đi tìm ĐỨC CHÚA, hãy nghe Ta! Hãy đưa mắt nhìn lên tảng đá: từ tảng đá này, các ngươi đã được đẽo ra; hãy đưa mắt nhìn vào hầm đá: từ hầm đá này, các ngươi đã được lấy ra. Hãy ngước mắt nhìn tổ phụ Ábraham và Sara, người đã sinh ra các ngươi; vì khi được Ta gọi, Ábraham chỉ có một mình, nhưng Ta đã ban phúc lành cho nó, và cho nó trở nên đông đảo” (Is 51:1-2). Áp dụng cho Phêrô, phẩm lượng của nền tảng-đá này cho thấy một sự khởi đầu mới của dân Thiên Chúa.
ii) Chìa khóa Nước Trời: Phêrô nhận lấy chìa khóa Nước Trời để cầm buộc và tháo cởi, đó là, để hòa giải người ta với nhau và với Thiên Chúa. Này, ở đây một lần nữa cùng một quyền năng cầm buộc và cởi bỏ, được ban cho không chỉ với Phêrô, nhưng cũng cho các môn đệ khác (Ga 20:23) và cho những cộng đoàn của các ông (Mt 18:18). Một trong những điểm mà Tin Mừng của Mátthêu khẳng quyết là hòa giải và tha thứ (Mt 5:7, 23-24, 38-42-48; 66:14-15-35). Tại Syria, trong những thập niên 80 và 90, bởi vì tin vào Chúa Giêsu, đã có nhiều căng thẳng trong các cộng đoàn và chia rẽ trong gia đình. Một số chấp nhận Người là Đấng Mêssia và những người khác thì không, và điều này là nguyên nhân gây ra căng thẳng và xung đột. Mátthêu nhất quyết hòa giải. Việc hòa giải đã và tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các phối hợp viên của cộng đoàn thời bấy giờ. Bắt chước Phêrô, họ phải cầm buộc và tháo cởi, đó là, làm tất cả mọi việc có thể để có được sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, xây dựng tình huynh đệ thật sự “Bảy mươi lần bảy!” (Mt 18:22).
iii) Giáo Hội: Từ ngữ Giáo Hội, trong tiếng Hy Lạp là eklésia, xuất hiện 105 lần trong Tân Ước, hầu như độc quyền trong sách Tông Đồ Công Vụ và trong các Thư mục vụ. Chỉ ba lần trong các sách Phúc Âm, một lần duy nhất trong sách Tin Mừng của Mátthêu. Chữ này có nghĩa đen là “được mời đến” hoặc “được chọn”. Nó cho thấy người ta được mời gọi đến bởi Lời của Chúa, và những người tìm cách sống với thông điệp Nước Trời mà Đức Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Giáo hội hoặc cộng đoàn không phải là Nước Trời, nhưng là một công cụ hay một sự chỉ dấu của Nước Trời. Nước Trời thì rộng lớn hơn nhiều. Trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, điều gì sẽ xảy ra khi một nhóm người để cho Thiên Chúa ngự trị và để cho Thiên Chúa là “Chúa” của đời sống họ, là sự hiện diện của sự chịu quy phục hoặc là nên chịu quy phục dưới mắt của mọi người.
c) Phần đào sâu hơn:
i) Hình ảnh của Thánh Phêrô:
Phêrô, một ngư phủ đánh cá, đã trở thành kẻ đi lưới người (Mc 1:17). Ông đã kết hôn (Mc 1:3). Ông là một người tốt bụng, rất nhân bản. Ông là một người lãnh đạo tự nhiên trong số mười hai môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức Giêsu tôn trọng khả năng lãnh đạo này và làm cho Phêrô thành người chăm sóc cho cộng đoàn đầu tiên của Người (Ga 21:17). Trước khi tham gia vào cộng đoàn của Chúa Giêsu, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giôna (Simao Bar Jona) (Mt 16:17). Chúa Giêsu gọi ông là Kêpha hay là Tảng Đá (Ga 1:42), người sau này trở thành Phêrô (Lc 6:14).
Bằng vào bản chất và cá tính của ông, Phêrô có thể làm được tất cả mọi việc, ngoại trừ pietra – tảng đá. Ông có can đảm nói, nhưng trong lúc gặp nguy hiểm ông đã để cho mình bị chi phối bởi sự sợ hãi và chạy trốn. Ví dụ, vào thời điểm Chúa Giêsu đi trên mặt biển, Phêrô đã xin “Lạy Chúa, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Chúa Giêsu trả lời: “Phêrô, con cứ đến!” Phêrô bước ra khỏi thuyền và bước đi trên mặt biển. Nhưng ngay khi ông thấy một con sóng cao, ông đâm sợ, mất lòng tin, và bắt đầu chìm và ông la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” Chúa Giêsu đã trấn an ông và đã cứu ông (Mt 14:28-31).
Trong Bữa Tiệc Ly, Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy!” (Mc 14:31), nhưng chỉ vài giờ sau đó, trong dinh Thượng Tế, trước mặt người tớ gái, khi Chúa Giêsu đã bị bắt, Phêrô đã chối Chúa, thề rằng ông không hề có liên hệ gì với Đức Giêsu (Mc 14:66-72).
Khi Chúa Giêsu ở trong Vườn Cây Dầu, Phêrô đã tuốt gươm (Ga 18:10), nhưng cuối cùng lại chạy trốn, bỏ lại Chúa Giêsu một mình (Mc 14:50). Bằng vào bản chất, Phêrô không phải là tảng đá!
Nhưng ông Phêrô này, rất yếu đuối và rất con người, tương tự như chúng ta, trở nên tảng đá, bởi vì Chúa Giêsu cầu nguyện cho ông và nói: “Phêrô, Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất lòng tin, và một khi con đã trở lại, hãy làm cho anh em con nên vững mạnh!” (Lc 22:31-32). Đây là lý do tại sao Đức Giêsu có thể nói: “Con là Đá (Phêrô) và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16:18). Chúa Giêsu giúp ông trở thành tảng đá. Sau khi Phục Sinh, tại Galilê, Chúa Giêsu hiện ra với Phêrô và hỏi ông hai lần: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?” Và Phêrô đã thưa lại hai lần: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-16). Khi Chúa Giêsu lặp lại câu hỏi lần thứ ba, Ông Phêrô đã buồn bã. Có lẽ ông nhớ rằng ông đã chối Chúa Giêsu ba lần. Với câu hỏi lần thứ ba này ông thưa lại: “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự! Thầy biết con yêu mến Thầy rất nhiều!” Và vào lúc ấy Chúa Giêsu trao phó cho ông việc chăm sóc các chiên con của Người, nói rằng: “Phêrô, hãy chăm sóc các chiên con của Thầy!” (Ga 21:17). Với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu, độ cứng của đá tăng tiến trong Phêrô và được mặc khải vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô mở cửa căn phòng nơi mà tất cả mọi người tề tựu, đã bị khóa kín vì lo sợ người Do Thái (Ga 20:19), ông thu hết can đảm và bắt đầu công bố với dân chúng về Tin Mừng của Chúa Giêsu (Cv 2:14-40). Và ông đã không ngừng nghỉ làm việc ấy! Nhờ vào sự rao giảng can trường về biến cố Phục Sinh này, ông đã bị tống ngục (CV 4:3). Trong khi xét xử, ông đã bị cấm không được công bố Tin Mừng (Cv 4:18), nhưng ông Phêrô đã không tuân theo lệnh cấm này. Ông nói: “Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm!” (Cv 4:19; 5:29). Ông đã bị bắt một lần nữa (Cv 5:1826). Ông đã bị đánh đòn (Cv 5:40). Nhưng ông đã nói: “Cám ơn. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục!” (xem Cv 5:42).
Tông truyền nói rằng vào cuối cuộc đời ông, tại Rôma, ông Phêrô đã bị bắt và bị kết án tử hình, và xử chết treo trên thập giá. Ông đã yêu cầu được đóng đinh ngược đầu xuống đất. Ông tin rằng ông không xứng đáng được chết như Chúa Giêsu. Phêrô đã trung tín với chính mình cho đến chết!
ii) Kết thúc bối cảnh: Mt 16:21-23
Phêrô đã thú nhận: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Ông đã tưởng tượng một Đấng Thiên Sai vinh hiển, và Chúa Giêsu đã sửa ông: “Thật là cần thiết cho Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ và chết tại Giêrusalem.” Bằng cách nói “thật là cần thiết”, Người cho thấy rằng sự đau khổ đã được ứng trước trong các lời Ngôn Sứ (Is 53:2-8). Nếu ông Phêrô chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia và Con Thiên Chúa, ông cũng phải chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai tôi tớ, Đấng sẽ bị giết chết. Không những chỉ là sự chiến thắng vinh quang, mà cũng là cuộc hành trình tiến về thập giá! Nhưng ông Phêrô không chấp nhận việc chỉnh sửa và tìm cách ngăn cản Người.
Phản ứng của Chúa Giêsu thất đáng ngạc nhiên: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Con đang là một trở ngại trên con đường Ta đi bởi vì những gì con đang suy nghĩ không phải là lối suy nghĩ của Thiên Chúa mà là như người phàm”. Satan là một trong những kẻ ngăn cách chúng ta khỏi con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Nói theo nghĩa đen, Chúa Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta” (Hãy xéo đi!). Phêrô đã muốn đặt mình ở phía trước và định chỉ hướng đi. Chúa Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta!” Người cho thấy rằng Đấng định hướng đường đi và chỉ đạo không phải là Phêrô, mà là Chúa Giêsu. Môn đệ phải theoThầy. Ông phải sống trong sự chuyển đổi liên tục.
Lời của Chúa Giêsu cũng là một nhắc nhở cho tất cả những ai hướng dẫn hoặc chỉ đạo một cộng đoàn. Họ phải “theo” Chúa Giêsu và không đặt mình vào phía trước Người như Phêrô đã muốn làm. Không, chỉ có họ mới có thể chỉ ra phương hướng hoặc đường đi. Nếu không, giống như Phêrô, họ không phải là tảng đá hỗ trợ, nhưng họ trở thành tảng đá cản đường. Vì thế, một số các nhà lãnh đạo của cộng đoàn vào thời Mátthêu, đầy rẫy những mơ hồ. Không những thế, thậm chí ngày nay điều này cũng đang xảy ra giữa chúng ta!
6. Thánh Vịnh 121
Chúa là Đấng hỗ trợ tôi
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Israel,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Israel,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét