Trang

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Giải đáp phụng vụ: Linh mục rước lễ trước hay sau các tín hữu?

Giải đáp phụng vụ: Linh mục rước lễ trước hay sau các tín hữu?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, giáo xứ con đang dùng một điều gọi là "mô hình phục vụ” trong việc Rước lễ. Đó là linh mục và các thừa tác viên Thánh thể sẽ rước Mình và Máu Thánh Chúa, sau khi giáo dân đã rước lễ xong. Linh mục nói rằng điều này là đúng hơn với cách thức Chúa Kitô cử hành Bữa Tiệc Ly, và đó là việc mà một người chủ nhà lịch sự và hiếu khách sẽ làm, khi mời khách đến nhà mình dùng bữa. Linh mục cũng nói rằng Công đồng Vatican II chỉ "nồng nhiệt và thương yêu" (SC #55) đề nghị sự thực hành về việc các linh mục rước lễ trước; và trong khi huấn thị Redemptionis Sacramentum đề cập đến nó như là một sự vi phạm, huấn thị không liệt kê nó là một lạm dụng nghiêm trọng, vốn cần phải được sửa chữa ngay lập tức. Con nghĩ rằng “mô hình phục vụ" này không phải là hoàn hảo, do bản chất hiến tế của Thánh lễ. Liệu việc rước lễ của linh mục là khác trong mục đích và bản chất so với việc rước lễ của giáo dân không? -M. B., Columbia, Maryland, Mỹ.


Đáp: Trước tiên, hãy để cho tôi nói rằng "mô hình phục vụ" đích thực là rằng các thừa tác viên phục vụ giáo dân, bằng cách cung cấp cho họ phụng vụ của Giáo Hội, như Giáo Hội đã thiết lập. Nói thêm hay nói bớt điều này, và gọi đó là sự phục vụ, thì chỉ là một phát minh rỗng. Tôi chắc chắn rằng một số thừa tác viên có thể là hành động trong đức tin tốt, nhưng đây là một hành động đáng tiếc, và dường như không sản sinh hoa trái tốt.

Bản văn của Hiến chế Sacrosanctum Concilium về phụng vụ, số 55, nói: "Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó” (Bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt) 

Bản văn này không nói thêm gì với lời khuyên giáo dân rước lễ sau linh mục. Đây chỉ đơn giản là một sự việc giả định. Điểm được văn kiện Công đồng nói chỉ đề xuất rằng các tín hữu rước Mình Thánh Chúa được truyền phép trong cùng một thánh lễ, và không chỉ đơn giản rước Mình Thánh được lưu giữ trong nhà tạm. Việc dùng bản văn này để bênh vực sự lạm dụng nói trên là ít là một lạm dụng nước đôi, và là một ngụy biện yếu.

Đó là một sự bênh vực kỳ lạ cho một giáo xứ Công Giáo, khi cố ý chấp nhận một thực tế bất hợp pháp, bởi vì nó không được liệt kê như là một lạm dụng nghiêm trọng. Không nên có sự lạm dụng cố ý nào tại bất kỳ giáo xứ Công Giáo nào xứng với danh xưng của mình.

Nếu vấn đề đã không được rõ ràng, Tòa Thánh đã có các bước đi gần đây để làm rõ thêm nữa. Trong một "Responsa ad Dubia Proposta" (Trả lời cho một sự hồ nghi) chính thức, Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích đã trả lời câu hỏi như sau. Chúng tôi cung cấp ở đây một bản dịch gần đúng với bản gốc Latinh chính thức, được công bố trong Notitiae 45 (năm 2009), trang 242-243:

“Liệu có là hợp lệ khi linh mục cử hành Thánh lễ rước lễ, sau lúc toàn thể giáo dân đã rước lễ xong, hoặc khi cho giáo dân rước lễ và rước lễ cùng lúc với họ không?

"Trả lời: Cả hai đều không hợp lệ".

Sau câu trả lời chính thức, có một lời giải thích ngắn gọn cho lý do đằng sau nó. Tóm tắt lập luận này là:

Tất cả các nghi thức truyền thống và sẵn có của Giáo Hội tiên liệu rằng Giám mục hoặc linh mục rước lễ trước tiên. Sau khi vị cử hành đã rước lễ, các thừa tác viên khác tùy theo phẩm chức của mình lần lượt rước lễ, và sau đó đến giáo dân.

Linh mục rước lễ trước tiên, không phải vì một phép xã giao của con người, nhưng là do phẩm chức và bản chất của thừa tác vụ của ngài. Ngài hành động nhân danh Chúa Kitô, vì mục đích sự toàn vẹn của bi tích, và vì ngài chủ tọa buổi cử hành với sự tham dự của giáo dân: "Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu” (Presbyterorum Ordinis, số 13, Bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt).

Cả Sách lễ hiện nay và hình thức ngoại thường đều nói là linh mục rước lễ trước, mặc dầu có vài sự thay đổi trong các công thức và thứ tự của các nghi thức. 

Cuối cùng, bản văn nhắc lại qui định chính xác của huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 97: "Mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ, vào lúc do Sách Lễ ấn định. Ngược lại, các vị đồng tế phải rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa. Linh mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ đợi dân chúng rước lễ xong để mình mới rước lễ (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Thật khó có bản văn nào là rõ ràng hơn thế nữa. (Zenit.org 3-12-2009)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét