Trang

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Nhân dịp Đức Phanxicô thăm Đại Hàn, tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn

Nhân dịp Đức Phanxicô thăm Đại Hàn, tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn


Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tới Đại Hàn nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ sáu tại giáo phận Daejeon từ 14 tới 18 tháng này. Đây là lần thứ ba, vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tới đây (lần thứ nhất năm 1984 và lần thứ hai năm 1989 là của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Một vinh dự chỉ thua trưởng nữ Giáo Hội Á Đông là Phi Luật Tân, và hơn hẳn Giáo Hội Việt Nam. Lãnh nhận đức tin sau Việt Nam và tất nhiên bắt đầu bị bách hại chậm hơn Giáo Hội Việt Nam, nhưng các vị tử đạo Đại Hàn đã được phong hiển thánh sớm hơn các vị tử đạo Việt Nam, tức vào năm 1984, và được phong ngay trên quê hương, nơi các vị đổ máu đào minh chứng lòng trung thành với sứ điệp Tin Mừng của mình, một sứ điệp các vị mới vừa tiếp nhận không lâu. 

Muốn hiểu được cái vinh dự lớn lao ấy, thiển nghĩ không thể không xem qua lược sử của Giáo Hội sinh động Đại Hàn. 

I. Sự phát triển của Giáo Hội Công Giáo sơ khai tại Đại Hàn


1. Thiết lập Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn

Yi Seung-hun, người Đại Hàn đầu tiên được rửa tội tại Bắc Kinh, lấy tên là Phêrô. Từ Trung Hoa trở về, ông rửa tội cho Yi Byeok vào tháng Chín năm 1784 và thiết lập nên cộng đồng Kitô Giáo. Chính Yi Byeok đã khuyên Yi Seung-hun tiếp xúc với các nhà truyền giáo Tây Phương tại Bắc Kinh và học hỏi tín lý Công Giáo. Chính vì thế, Yi Byeok được coi là khởi điểm của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn.

Sau khi rửa tội cho Yi Byeok, Yi Seung-hun rửa tội cho Gwon Il-sin thuộc dòng dõi một gia đình bác học hàng đầu vào lúc đó và là người nghiên cứu Đạo Công Giáo qua sách vở Tây Phương bằng tiếng Trung Hoa. Ba người Công Giáo đầu tiên của Đại Hàn này, tức Phêrô Yi Seung-hun, Gioan Baotixita YI Byeok và Phanxicô Xaviê Kwon Il-sin, được gọi là Các Cha Già Sáng Lập ra Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Ba “thánh Tông Đồ” này loan truyền Đạo Công Giáo cho cả các nhà trí thức của giai cấp quí tộc lẫn các giai cấp trung và hạ lưu. 

Cộng đồng Kitô Giáo phát triển nhanh chóng nhờ sự tận tụy nồng cháy của họ đối với việc truyền giáo. Họ dịch các sách tín lý Công Giáo từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Đại Hàn cho tín hữu sử dụng. Trong giai đoạn phát triển Giáo Hội dưới sự lãnh đạo của giáo dân này, họ đã tự chọn người làm linh mục và bắt đầu cử hành Thánh Lễ và ban các bí tích. Thời này vốn được mệnh danh là “ thời ngụy phẩm trật” (pseudo-hierarchy) của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Nó được khởi diễn do ý ngay lành của các nhà lãnh đạo chỉ biết bí tích và phụng vụ qua sách vở họ nghiên cứu. Họ làm thế cũng để thoả mãn nhu cầu của một cộng đồng đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng do sự dốt nát của họ về tín lý Công Giáo.

Chẳng bao lâu sau đó, họ bắt đầu nghi nghờ tính hợp pháp trong việc thực hành và ban các bí tích của họ. Cuối cùng, họ tham khảo Giám Mục Bắc Kinh để có được sự giải thích chân chính đối với việc thực hành của họ. Và họ ngưng việc thực hành đó ngay lập tức khi hiểu ra rằng nó bất hợp pháp và họ yêu cầu gửi các linh mục qua Đại Hàn. 

2. Phát triển Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn

Khi nhận được lá thư của người Công Giáo Đại Hàn, Giám Mục Bắc Kinh rất có ấn tượng trước việc chính người Đại Hàn tự thành lập một cộng đoàn tín hữu để thực hành đức tin của mình. Để trả lời câu hỏi liên quan tới sáng kiến ban các bí tích của họ, ngài cho biết điều ấy không hợp pháp nhưng không tra vấn chi vì họ làm thế hoàn toàn vì không biết và do ý ngay lành. Rồi ngài hứa sẽ gửi một nhà truyền giáo tới Đại Hàn mà lúc đó đã có tới 4,000 tín hữu nhưng chưa có một linh mục nào. 

Do biến cố đó, Đại Hàn được đặt dưới thẩm quyền tài phán của Giám Mục Bắc Kinh và Cha James Zhou Wen-mo, một linh mục Trung Hoa của Giáo Phận Bắc Kinh đã được phái qua Đại Hàn vào năm 1794. Sau khi tới đó, Cha Zhou phải giảng dạy Tin Mừng một cách bí mật với sự trợ giúp và che chở của tín hữu Đại Hàn. Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn, vào lúc đó, được sự trợ giúp của người dân thường và một số trí thức thuộc giai cấp thượng lưu. 

Đến năm 1801, đã có khoảng 10,000 người theo đức tin Kitô Giáo, nhưng việc phát triển nhanh chóng này chẳng bao lâu gặp ngãng trở bởi các cuộc bách hại. Người Công Giáo Đại Hàn cố gắng liên lạc với Giám Mục Bắc Kinh và Tòa Thánh để tường trình tình huống của họ. Họ liên lỉ van nài Tòa Thánh phái các nhà truyền giáo tới và thiết lập cho họ một giáo phận riêng. Do đó, năm 1831, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ở Rôma đã thiết lập Đại Diện Tông Tòa Joseon. 

Hội Thừa Sai Paris (MEP) được ủy nhiệm trông coi Đại Diện Tông Tòa mới được thành lập này. Thành thử, các nhà truyền giáo Pháp đã bí mật tới Đại Hàn. Giám Mục Imbert là một trong số các vị này. Năm 1846, thầy Anrê Kim Tae-gon được thụ phong và trở thành vị linh mục đầu tiên của Đại Hàn. Đầu năm 1866, số người Công Giáo Đại Hàn lên tới khoảng 20,000 bất chấp nhiều cuộc bách hại tàn nhẫn. 

3. Đời sống các tín hữu

Người Công Giáo bị bách hại không những bởi chính phủ mà còn bởi cộng đồng làng xóm và thân thuộc của họ nữa. Trong tình huống ngặt nghèo này, họ đã phải thành lập các Làng Kitô Giáo riêng cho mình gọi là “Gyouchon” tại những địa điểm hẻo lánh, mong có nơi yên ổn để thực hành tôn giáo của mình. Đời sống của họ không ổn định và an ninh vì họ phải di chuyển hết nơi này tới nơi nọ, để tránh sự rình mò của những người bách hại. Mọi người Công Giáo thới đó đều sống trong thân phận tội phạm vì đã theo một tôn giáo bị chính phủ cấm cản. Tại các Làng Kitô Giáo, họ sinh hoạt cộng đồng dưới sự hướng dẫn của các nhà lãnh đạo giáo dân, và đôi khi chia sẻ tài sản chung giống các Kitô hữu thời các Tông Đồ. Các nhà truyền giáo người Pháp tới Đại Hàn giữa thập niên 1800 có ấn tượng sâu sắc trước lối sống của tín hữu Đại Hàn trong các làng Kitô Giáo và ngưỡng phục cho hay “Lối sống Kitô Giáo thời các Tông Đồ chưa biến hẳn nhưng đang sinh động ở Đại Hàn này”. 

Bất chấp các cuộc bách hại ngặt nghèo, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn tiếp tục phát triển và nên vững mạnh nhờ sự tận tụy tuyệt vời của các nhà truyền giáo và các lãnh đạo giáo dân. Ngoài ra, sách vở Công Giáo được ấn hành bằng tiếng Đại Hàn, một thứ tiếng dễ học không như tiếng Trung Hoa vốn được các nhà trí thức thuộc giai cấp cao sử dụng. Nó đóng góp đáng kể vào việc phát triển đức tin Kitô Giáo nơi người bình dân. 

Đòi hỏi nhân phẩm và bình đẳng của người bình dân, vốn là một sức mạnh thúc đẩy xã hội tiến triển, đã tìm được đáp ứng nơi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Người Công Giáo hiểu được niềm tin mới và lòng tôn kính Thiên Chúa bằng chính nền văn hóa của họ nhờ những hạn từ như “trung với vua” và “hiếu với cha mẹ”. Nhờ thế, một loại văn hóa Công Giáo Đại Hàn hết sức độc đáo đã được khai sinh. 

II. Việc bách hại Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn



1. Bối cảnh của việc bách hại

Đức tin Công Giáo va chạm với nền văn hóa cổ truyền của Đại Hàn ngay từ lúc nó được du nhập vào xứ sở này. Chính phủ thời đó không cho người dân Đại Hàn hưởng quyền tự do được tin theo tôn giáo mới vì họ coi đức tin Công Giáo là “giáo huấn bất kính” (profane teaching). Nhà cầm quyền cũng bác bỏ tín lý Công Giáo vì nó khác với tân Khổng Học, lúc đó vốn là ý thức hệ hàng đầu của chính phủ. Thí dụ, giáo huấn Công Giáo ngăn cấm thói quen thờ cúng tổ tiên trong khi phong tục của Khổng Giáo coi việc thờ cúng này là biểu thức quan trọng nói lên lòng hiếu kính con thảo đối với cha mẹ. 

Nhưng dù Đạo Công Giáo bị luật pháp ngăn cấm, nhiều người vẫn tin nhận nó một cách chân thành tuy bí mật. Thành thử, các nhà cai trị coi sự gắn bó của người Công Giáo với niềm tin của họ như một thách thức trực diện đối với thẩm quyền nhà vua. Các tín hữu thì tin vào sự tách biệt giữa đức tin và nhà nước và nhấn mạnh tới đức tin của mình. Nhưng chính phủ không thể chấp nhận một quan niệm như thế, và tự giải thích tác phong của người Công Giáo như một chống đối trực diện đối với nhà vua. Đàng khác, người Công Giáo cũng bác bỏ hệ thống phẩm trật của xã hội và sự kỳ thị phái tính vốn được dùng để duy trì triều đại nhà Yi và trật tự xã hội. Do đó, chính phủ càng có lý do hơn để bách hại người Công Giáo vì họ nghĩ rằng những người này gây rối trật tự xã hội. Các Kitô hữu cũng công khai liên lạc với Giáo Hội tại Trung Hoa và các nhà truyền giáo người Pháp trong khi chính phủ cấm hay kiểm soát gắt gao bất cứ sự liên lạc nào của người dân thường với người ngoại quốc. 

Tất cả các xử sự trên của người Công Giáo được hiểu như một thách thức trực tiếp đối với thẩm quyền nhà vua và chính sách của chính phủ. Thành thử, cuối cùng, triều đại nhà Yi đã tiến tới chỗ định nghĩa Giáo Hội Công Giáo là “giáo huấn bất kính” và bắt đầu chính thức bách hại nó.

2. Diễn trình bách hại

Cuộc bách hại người Công Giáo đầu tiên bắt đầu vào năm 1785, khoảng một năm sau khi Giáo Hội Công Giáo được thiết lập tại Đại Hàn. Cuộc bách hại này được công khai mở màn khi cảnh sát khám phá ra một cuộc tụ tập của các tín hữu. Tuy nhiên, trong giai đoạn thứ nhất của cuộc bách hại này, hình phạt tương đối nhẹ. Chỉ chủ nhà bị trừng phạt và phát vãng. Còn các tín hữu thuộc giai cấp quí tộc bị bị áp lực từ bỏ niềm tin của họ vào tôn giáo mới. Trong một xã hội lấy gia đình làm trung tâm, hình phạt do gia đình cũng có tác dụng y như hình phạt của chính phủ. 

Cuộc bách hại năm 1791 xẩy ra do các tín hữu thuộc giai cấp quí tộc làm ngơ sắc lệnh của chính phủ chống lại đức tin Công Giáo. Các tín hữu này bác bỏ việc thờ cúng tổ tiên và thắp hương trước bài vị của các vị. Các hành vi này bị chính gia đình của họ và xã hội lên án như là các vi phạm trầm trọng chống lại lòng hiếu thảo. Người Công Giáo liên lụy vào việc này bị kết án tử hình ngay tức khắc. Biến cố này dẫn tới việc nhiều tín hữu thuộc giai cấp quí tộc ra khỏi Giáo Hội. Cuộc bách hại năm 1791 tương đối nhỏ nhưng là một biến cố quan trọng về nhiều phương diện. 

Tiếp theo cuộc bách hại trên, một thái độ truyền giáo năng nổ nhằm chống lại nền văn hóa cổ truyền đã chiếm thế thượng phong trong Giáo Hội Đại Hàn thay vì một chủ trương truyền giáo nhằm tự thích ứng mình với nền văn hóa địa phương. Sự kình chống văn hóa này đã kích động nhiều cuộc bách hại gay gắt hơn. Cuộc bách hại trong các năm 1801, 1839, 1846 và 1866 dẫn tới cái chết của khoảng 100,000 tử đạo. Trong số các vị tử đạo này, có nhiều nhà lãnh đạo giáo dân xuất chúng. Ngoài ra, việc mất một nhà truyền giáo Trung Hoa và 12 nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris là một mất mát lớn đối với Giáo Hội. Trong số các vị tử đạo, 103 vị đã được Đức Gioan Phaolô II phong hiển thánh vào ngày 6 tháng 5 năm 1984 tại Yoido, Hán Thành. Và lần này, Đức Phanxicô sẽ phong chân phúc cho hơn một trăm vị khác. 

3. Tác động của bách hại

Bách hại đã tăng cường đức tin nơi các tín hữu nhưng đồng thời cũng là một trở ngại đối với việc phát triển bình thường của Giáo Hội. Máu các tử đạo luôn trở thành hạt giống đức tin và là một cơ hội để tuyên xưng đức tin của ta vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, mỏi mòn vì bách hại, Giáo Hội còn lại khá ít năng lực để truyền giáo. Bách hại cũng ảnh hưởng tới lối sống Kitô Giáo của tín hữu. Trong những ngày đầu, người Công Giáo Đại Hàn biết cách phải hòa hợp đức tin của họ ra sao với đời sống xã hội, nhưng từ khi bị ngăn cản bởi bách hại, sứ điệp của Tin Mừng gửi thế giới đã không còn được theo đuổi nữa. Bách hại cũng đã làm người Công Giáo chỉ hoài mong thế giới sắp đến mà thôi. Họ học được sự phân lập có tính nhị nguyên giữa “thế giới phàm tục” và “thế giới thánh thiện”. Trong đức tin, họ đi tìm sự sống thượng giới hay sự hoàn hảo của Kitô Giáo để tự giải thoát mình khỏi thứ thế giới đang đàn áp họ. 

Đối với giai cấp quí tộc thời đó, việc bách hại các tín hữu có nghĩa là mất hết mọi đặc quyền họ vốn được hưởng. Và do đó, Giáo Hội Công Giáo trở thành một tôn giáo của người dân thường chứ không hẳn của giai cấp ưu tuyển. Chính vì thế, nó có đặc tính của một “phong trào tôn giáo Minjung” có nghĩa là bình dân.

Kết quả là vào cuối thế kỷ 19, lúc tự do tôn giáo được cho phép, người Công Giáo tỏ ra ít quan tâm tới việc thăng tiến xã hội của mình và do dự không muốn lãnh nhận vai trò lẵnh đạo nào trong thời phát triển mau chóng. Tuy nhiên, việc bách hại Giáo Hội Công Giáo vẫn là môt biến cố quan trọng trong lịch sử Đại Hàn. Chính nhờ nó, một số nhà trí thức bắt đầu lưu tâm tới việc nghiên cứu giáo huấn của Giáo Hội và tiếp nhận đức tin Công Giáo. Cảm kích vì gương hy sinh của các tín hữu, người dân thường cũng trở nên quan tâm tới Kitô Giáo hơn và tiếp nhận đức tin Công Giáo. Xét về nhiều phương diện, đời sống tin hữu cũng là một thách thức đối với trật tự xã hội và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tự do tư tưởng và tự do lương tâm. Nhờ đó, triều đại nhà Yi buộc phải thay đổi chính sách phản hiện đại của họ trong việc kiểm soát lương tâm người ta. 

III. Tác động của đức tin Công Giáo đối với xã hội cổ truyền Đại Hàn


1. Tiền đề phân tích

Mọi tôn giáo và tín ngưỡng đều ảnh hưởng tới xã hội nơi chúng thuộc về và ngược lại chịu ảnh hưởng của các xã hội này. Tính hỗ tương này vốn hiện diện giữa xã hội cổ truyền Đại Hàn và đức tin Công Giáo ngay từ lúc du nhập vào đây vào cuối thế kỷ 18.

Sau đây là một khảo sát vắn vỏi nhằm để thấy đức tin Công Giáo đã tác động ra sao đối với xã hội cổ truyền và lịch sử Đại Hàn ngõ hầu có được một hiểu biết rõ ràng về lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại đây. 

Ta cần xem xét ba điểm sau đây: Thứ nhất, hiểu biết chính xác các đặc điểm của đức tin Công Giáo lúc được du nhập vào Đại Hàn và các xu hướng thần học vào thời đó. Thứ hai, hiểu biết ảnh hưởng của đức tin Công Giáo đối với xã hội và bối cảnh xã hội thời ấy. Thứ ba, phân tích chức năng xã hội của những người thực hành đức tin Công Giáo. Khi suy tư về ba điểm vừa kể, ta sẽ khảo sát ảnh hưởng của Công Giáo đối với xã hội Đại Hàn giữa các năm 1784, năm đức tin Kitô Giáo được du nhập vào Đại Hàn, và năm 1876, năm được coi như khởi đầu cho cuộc hiện đại hóa Đại Hàn. 

Ở đây, ta nên nhấn mạnh rằng đức tin Công Giáo mang vào Đại Hàn thế kỷ 18 có nhiều đặc điểm trung cổ. Nó không cùng nhịp với nền thần học hiện đại. Xã hội cổ truyền Đại Hàn vào lúc đó cũng đang ở một khúc rẽ sau thời trung cổ và đang trên đường tìm kiếm các giá trị hiện đại. Một số nhà trí thức đã bắt đầu tiếp nhận đức tin Công Giáo lúc ấy đang được truyền bá cho giai cấp hạ lưu. Trong bối cảnh của xã hội cuối thời trung cổ, nhiều người thuộc giai cấp hạ lưu coi đức tin Công Giáo là một hệ thống sống có giá trị. Thành thử, việc thực hành đức tin này ngụ ý một đối kháng xã hội. 

2. Phát huy nhân phẩm

Một trong các hiệu quả của đức tin Công Giáo đối với tín ngưỡng và hệ thống giá trị của người Đại Hàn là việc khẳng nhận nhân phẩm. Hệ thống giá trị trổi vượt lúc ấy là thuyết Tân Khổng Học, một thuyết biện minh cho sự hiện hữu của giai cấp thống trị. Tân Khổng Học đặt căn bản trên sự bất bình đẳng giữa người với người và do đó biện minh cho việc giai cấp trên làm chủ giai cấp dưới. Tuy nhiên, tới thế kỷ 18, lối suy nghĩ ấy bị giai cấp dưới thách thức. Quan niệm về con người nhân bản trong đức tin Công Giáo khác với cùng quan niệm này trong Tân Khổng Học. 

Giáo Hội giảng dạy sự bình đẳng và phẩm giá của mọi con người nhân bản vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Giáo Hội cổ vũ việc tôn trọng các giá trị của con người nhân bản và quyền tự do của họ.

Giáo huấn của đức tin Công Giáo trên gây ngỡ ngàng cho phần lớn các nhà trí thức thời đó. Cuối cùng, nó dẫn họ tới chỗ khám phá lại các giá trị của nền hiền triết Á Châu liên quan tới việc tôn trọng con người nhân bản. Thí dụ, Jeong Yak-yong (1762-1836), một triết gia nổi tiếng, chịu ảnh hưởng của sách vở Công Giáo, đã nhấn mạnh khá nhiều tới phẩm giá con người, không như các hiền giả Tân Khổng Học. Dựa vào quan niệm mới mẻ này về những con người nhân bản, và được viễn ảnh Công Giáo gợi hứng, người ta bắt đầu suy nghĩ về phương pháp cai trị và cơ cấu xã hội. Kết quả là, người ta ý thức được sự bình đẳng giữa người với người, ý thức được quyền lợi phụ nữ và phẩm giá trẻ em, coi chúng như những vấn đề xã hội quan trọng. Đức Tin Công Giáo đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc phát huy phẩm giá con người vào lúc ấy.

3. Cổ vũ bình đẳng giữa mọi người

Xã hội cổ truyền Đại Hàn là một xã hội bất bình đẳng dựa trên hệ thống gia trưởng. Giống nơi nhiều xã hội cổ truyền khác, có một sự kỳ thị phái tính đối với phụ nữ và trẻ em bị đánh giá thấp. Trong bối cảnh xã hội như thế, sự đóng góp của đức tin Công Giáo vào việc phát triển xã hội, bằng cách nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nguyên tắc bình đẳng giữa người với người, hết sức đáng kể.

Ngay từ khi Giáo Hội du nhập vào Đại Hàn, người Công Giáo đã tạo nên một cộng đồng đức tin mới, vượt quá nguồn gốc gia đình và địa vị xã hội. Thực vậy, họ bác bỏ hệ thống giai cấp vốn phân chia người ta thành quí tộc, trung lưu và hạ lưu, và họ gọi nhau là “bằng hữu trong đức tin” (Gyou). Tuy nhiên, xã hội dựa trên hệ thống giai cấp chặt chẽ không chấp nhận hiện tượng này.

Một số người thuộc giai cấp thượng lưu, khi chịu phép rửa, đã giải phóng các đầy tớ nam nữ của họ vì họ học được rằng mọi con người nhân bản đều bình đẳng, bất chấp giai cấp và địa vị xã hội. Với quan điểm Kitô Giáo này về con người nhân bản, người thuộc giai cấp hạ lưu thấy mình như sống trong “thiên đàng hạ giới”. Xã hội Đại Hàn coi mối liên hệ nam nữ như một liên hệ hàng dọc chủ tớ. Nhưng Giáo Hội Công Giáo cổ vũ sự bình đẳng giữa nam và nữ và cố gắng cổ vũ địa vị xã hội của người đàn bà, và một xã hội hiện đại dựa trên sự bình đẳng giới tính. 

4. Ý thức văn hóa mới

Trong bối cảnh xã hội cổ truyền của Đại Hàn, Giáo Hội nâng cao một ý thức văn hóa mới và đem nó ra thực hành. Trong khi xã hội Đại Hàn lấy Tân Khổng Học làm trung tâm, coi nó như hệ thống văn hóa duy nhất có thể chấp nhận được, thì Giáo Hội cổ vũ việc tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên văn hóa và nhấn mạnh tới tính khai phóng của văn hóa. Trong phương diện này, sự đóng góp của Giáo Hội vào xã hội cổ truyền Đại Hàn và vào lối hiểu văn hóa hiện đại, bao gồm việc tiếp cận với các trào lưu của thế giới, đã được thừa nhận cao độ. 

Giáo Hội cũng đóng góp nhiều vào việc nghiên cứu và sử dụng “Hangeul", tức mẫu tự Đại Hàn. Sách về tôn giáo được viết bằng Hangeul, chứ không phải bằng chữ Trung Hoa. Các sách văn phạm và từ điển Đại Hàn được Giáo Hội ấn hành. 

Dù bị bách hại, Giáo Hội vẫn cố gắng nâng đỡ các trẻ mồ côi với sự phụ giúp của hội “Các Thánh Anh Hài” và thận trọng cố gắng phát triển một hệ thống học đường hiện đại. 

Như đã nhắc trên đây, tác động của Giáo Hội đối với xã hội cổ truyền Đại Hàn rất đáng kể. Bị bách hại gắt gao, chức năng của Giáo Hội trong việc cổ vũ tiến bộ xã hội tại Đại Hàn chỉ có tính tiềm năng hơn là động năng. Ấy thế nhưng, điều không còn hoài nghi là Giáo Hội đã thực hiện được sự đóng góp tích cực vào lịch sử Đại Hàn và dự phần vào diễn trình hiện đại hóa đất nước. 

IV. Thời khám phá mới


1. Bối cảnh thời gian

Đại Hàn vốn duy trì liên hệ ngoại giao với Trung Hoa và Nhật Bản trước cuối thế kỷ 14 khi triều đại Joseon được thiết lập. Tuy nhiên, các liên hệ ngoại giao vào lúc đó chỉ có tính qui ước và, trong thực hành, rất khác với các qui ước hiện đại. 

Năm 1876, Đại Hàn bắt đầu các liên hệ ngoại giao, theo lối hiện đại, với các nước bên ngoài. Hiệp Ước Thương Mại và Hữu Nghị với Nhật Bản đã được ký kết cùng với các Hiệp Ước ký với Hiệp Chúng Quốc, Anh, Đức, Nga và Pháp. Thời kỳ này được gọi là “Thời Chính Sách Mở Cửa” trong khi thời từ 1876 tới lúc triều đại Joseon sụp đổ năm 1910 được gọi là “Thời Chính Sách Mở Cảng” trong lịch sử Đại Hàn.

Đại Hàn đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa của mình trong “thời Chính Sách Mở Cảng”. Trong diễn trình này, một số học giả Khổng Học cổ truyền cực lực chống đối các cải tiến. Tuy nhiên, dòng lịch sử đã xoay chiều, hướng tới một thế giới mới và nhiều nhà trí thức Đại Hàn lấy hệ thống và nền văn minh Tây Phương làm kiểu mẫu cho việc hiện đại hóa đất nước. Từ đó trở đi, thái độ kiêu hãnh qua đó dân Đại Hàn coi nền văn minh Tây Phương là man rợ hoặc chậm tiến đã từ từ thay đổi. Hậu quả là thái độ tiêu cực đối với Đạo Công Giáo, trước đây coi nó như đạo Tây Phương, nay đã thay đổi và các nhà truyền giáo ngoại quốc được chấp nhận. Giáo Hội tại Đại Hàn cố gắng dùng đà này để được tự do tôn giáo.

2. Tự do tôn giáo

Nhiệm vụ khẩn cấp nhất đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo thời Chính Sách Mở Cảng là bảo đảm được tự do tôn giáo. Thực ra, kể từ lúc được du nhập vào Đại Hàn năm 1784, quan tâm lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo vẫn là được tự do thờ phượng Thiên Chúa trong bình an. Tuy nhiên, trong hơn một trăm năm, quyền tự do này đã bị từ khước và các tín hữu chịu bách hại nặng nề. Việc tử đạo của các tín hữu là tiếng kêu than nói lên khát vọng được tự do tôn giáo và tự do thờ phượng Thiên Chúa của họ. Cuối cùng, khi tự do tôn giáo được công bố, nó được coi như một chiến thắng của các hy sinh và sự tử đạo của các tín hữu.

Các cố gắng chính thức để có tự do tôn giáo bắt đầu có sau thời Chính Sách Mở Cảng và cuối cùng đã đem lại kết quả. Có thể xét diễn trình này qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là chính phủ ngấm ngầm bằng lòng cho phép thực hành tôn giáo. Thực vậy, từ năm 1882, tự do tôn giáo hầu như đã được ban cấp dưới lốt khoan dung. Lẽ dĩ nhiên, các luật lệ ngăn cấm đức tin Công Giáo vẫn còn đó và phong trào của các học sĩ Khổng Học chống lại Đạo Công Giáo vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dù biết có sự hiện hữu của Giáo Hội Công Giáo và hoạt động của các nhà truyền giáo, chính phủ vẫn không bách hại thêm nữa. 

Giáo Hội lợi dụng tình thế trên để thiết lập các trường học tại Hán Thành nhằm giáo dục tín hữu và các học sinh khác. Tuy nhiên, hoạt động công khai như thế chỉ có thể có được với sự cho phép của chính phủ. Cho nên, năm 1882 được coi là năm khởi đầu chính sách khoan dung của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo.
Đàng khác, năm 1886, Đại Hàn ký với Pháp một Hiệp Ước Thương Mại và Hữu Nghị. Thành thử, hoạt động của người Pháp tại Đại Hàn được bảo đảm. Nhờ thế, các nhà truyền giáo người Pháp có chiếu khán được tự do đi lại trong xứ dù luật lệ vẫn còn ngăn cấm đức tin Công Giáo. Chính phủ Đại Hàn khoan dung cho các nhà truyền giáo người Pháp hoạt động và để cho các tín hữu Công Giáo được thực hành đức tin. 

Sau thời gian khoan dung, hoạt động của Giáo Hội Công Giáo được chính phủ Đại Hàn chính thức cho phép năm 1895. Sau đó không lâu, chính phủ còn ban hành một sắc lệnh ân xá cho một số tín hữu thuộc giai cấp thượng lưu chết vì đạo năm 1866. Hoàng Đế Gojong cho phép Giám Muc Mutel, Đại Diện Tông Tòa tại Đại Hàn, được triều kiến. Dịp này, hoàng đế còn phát biểu ý kiến về tự do tôn giáo và tỏ ý ân hận về việc đã bách hại Giáo Hội Công Giáo. Với nghĩa cử này của Hoàng Đế, chính phủ Đại Hàn chính thức thừa nhận tự do tôn giáo. Năm 1899, Chính Phủ Đại Hàn và Giám Mục Mutel ký Hiệp Ước Tôn Giáo và Nhà Nước. Hiệp ước này sau đó đã được bổ túc bằng Hiệp Ước Truyền Giáo năm 1904. 

Chính Sách Mở Cảng, vốn là một đáp ứng hợp thời, đã đóng góp rất nhiều vào việc chính thức cho phép người Công Giáo được hưởng tự do tôn giáo. Tuy nhiên, nó cũng là kết quả của nhiều cố gắng trì chí nơi các tín hữu và các nhà truyền giáo trước thời Chính Sách Mở Cảng. Cùng với việc tuyên bố tự do tôn giáo, các hạn chế đối với việc thực hành Phật Giáo cũng đã được bãi bỏ và Giáo Hội Thệ Phản cũng dấn thân trọn vẹn vào sứ vụ truyền giáo của họ. Xét chung, phong trào đòi tự do tôn giáo do người Công Giáo theo đuổi đã đóng góp rất lớn vào việc cổ vũ dân quyền của nhân dân Đại Hàn. 

3. Đời sống tín hữu thời Chính Sách Mở Cảng

Người Công Giáo thời Chính Sách Mở Cảng tập trung các cố gắng của họ vào việc giành tự do tôn giáo trong khi vẫn tiếp tục việc truyền giáo của họ. Nhờ thế, số tín hữu tăng từ 13,625 người năm 1885 lên tới 73,517 người năm 1910, hay 7 phần trăm mỗi năm. Trong hoàn cảnh này, từ năm 1882, Giáo Hội bắt đầu thiết lập các giáo xứ tại Hán Thành và các thành phố lớn và cử các nhà truyền giáo cai quản các giáo xứ này. Từ năm 1885, họ thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục Đại Hàn và bắt đầu tích cực tìm tòi tư liệu trong đời sống các vị tử đạo Đại Hàn để thiết lập truyền thống tử đạo của Giáo Hội tại Đại Hàn. 

Trong số các tân tòng Công Giáo, người ta thấy một số trí thức tuyệt vời thành tâm tìm cách hiện đại hóa Đại Hàn. Tuy nhiên, đa số các tân tòng là nông dân nghèo và một số không ít đến với Giáo Hội với hoài mong thóat được nanh vuốt bóc lột của các viên chức tham nhũng. Một số tín hữu khác từng ẩn trốn thời bách hại nay cố gắng phục hồi địa vị xã hội cũng như sự giầu có họ vốn bị mất thời bách hại. Chính vì thế, tin hữu thời này đôi khi đụng chạm với các viên chức và nhà cầm quyền. Chính phủ gọi diễn trình này là 'gyoan' qua đó, người Công Giáo có thể mở rộng quyền tự do tôn giáo và phát huy địa vị xã hội của họ. Thời 'gyoan', các nhà truyền giáo và các viên chức chính phủ thường hay đối kháng với nhau. 

Các nhà truyền giáo Thệ Phản bắt đấu tới Đại Hàn năm 1884. Họ khai triển một việc truyền giáo hết sức năng động ngay từ năm 1895 và con số người theo trong năm 1907 vượt quá số người Công Giáo vốn có hơn một trăm năm lịch sử. Nhờ tham dự vào giáo dục và các dịch vụ y khoa, các Giáo Hội Thệ Phản đã có thể thành công trong một khoảng thời gian ngắn ở Đại Hàn. Giáo Hội Thệ Phản cũng có những nguồn tài nguyên về người và vật chất để truyền giáo hơn các nhà truyền giáo người Pháp ở phía Công Giáo rất nhiều. Người Công Giáo bắt đầu tranh luận với người Thệ Phản về các vấn đề tín lý và các vấn đề liên quan tới kiến trúc thánh đường. Từ lúc đó trở đi, các liên hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo và Thệ Phản càng ngày càng tệ đi. 

VI. Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn và Phong Trào Quốc Gia


1. Đương đầu với các thay đổi của thời đại

Thời kỳ từ cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, trong lịch sử Đại Hàn, được gọi là thời xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với Chính Sách Mở Cảng, Đại Hàn buộc phải mở các cảng biển của mình do áp lực của các cường quốc bên ngoài và sự xâm lăng của các lực lương quân sự ngoại quốc, dẫn tới việc Nhật xâm lăng và sát nhập Đại Hàn vào năm 1910.

Dưới sự chiếm đóng của Nhật, nhân dân Đại Hàn chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của mình bằng cách thành lập phong trào chống chủ nghĩa đế quốc bằng cả phương pháp bất bạo động lẫn kháng chiến có vũ trang. Các sử gia Đại Hàn tin rằng các phong trào này bắt nguồn từ chủ nghĩa quốc gia Đại Hàn.

Nhiều nước Tây Phương nhìn chủ nghĩa quốc gia một cách tiêu cực vì mối liên hệ của nó với chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc và các cuộc xâm lược của các lân bang vốn tạo ra các tranh chấp về lãnh thổ. Giáo Hội Công Giáo, vào cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, cũng nhìn chủ nghĩa quốc gia một cách tiêu cực. Nhưng đối với các nước yếu kém, chủ nghĩa quốc gia mang một ý nghĩa khác hẳn. Nó cung cấp cho họ một sức mạnh tinh thần trong cuộc chiến đấu duy trì độc lập hay để giành tự do khỏi các cường quốc Tây Phương và chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ. 

2. Các phong trào quốc gia theo viễn ảnh bất bạo động

Từ thời Chính Sách Mở Cảng, phong trào quốc gia đã được báo chí và giáo dục tích cực cổ vũ một cách hòa bình. Trong quá trình này, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết phải nghiên cứu phương cách bảo vệ chủ quyền quốc gia và phải thực hiện các cố gắng cụ thể để thực hiện cho bằng được mục tiêu này. Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn vào thời này chấp nhận các phong trào bất bạo động trên nguyên tắc và hỗ trợ chúng. Nhiều người Công Giáo can dự vào các phong trào công dân đòi độc lập. Thực vậy, Giáo Hội và các cá nhân Công Giáo đã đóng góp đáng kể vào sự tiến triển của chủ nghĩa quốc gia Đại Hàn.

Công cuộc giáo dục là một trong các phong trào quốc gia bất bạo động, trong đó, Giáo Hội Công Giáo đã tham gia một cách tích cực. Hệ thống giáo dục hiện đại lần đầu tiên có hình dạng là ở giai đoạn này. Năm 1882, Giáo Hội Công Giáo mở Trường Inhyeon ở Hán Thành, một việc vốn được coi như bước đầu tiến tới việc khởi diễn hệ thống giáo dục hiện đại tại Đại Hàn. Giáo Hội Công Giáo điều hành tới 124 ngôi trường trên khắp đất nước ngay từ thập niên đầu tiên 1900. Các ngôi trường này dạy các học sinh về giáo huấn Công Giáo và đưa ra các cố gắng nhằm khôi phục chủ quyền của họ. Tuy nhiên, phần đông các trường này đã bị đóng cửa vì chính sách giáo dục áp chế của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và vì các khó khăn tài chánh. 

Một phong trào quốc gia khá mạnh nhằm cứu đất nước cũng đã được báo chí khởi xướng. Để sánh bước với phong trào này, Giáo Hội lập ra một tờ tuần san lấy tên là “Gyeonghyang Sinmun". Đây là tờ tuần san do giáo quyền và một số giáo dân Công Giáo có liên hệ tới các phong trào quốc gia như “Hiệp Hội Độc Lập” điều khiển. Tờ tuần san “Gyeonghyang Sinmun” lúc đó là một trong các tuần san có ảnh hưởng nhất trong xã hội Đại Hàn, nhưng chẳng bao lâu sau, bị đóng cửa vì áp lực của chính phủ thực dân Nhật Bản. 

Một phong trào quốc gia bất bạo động khác trong Giáo Hội là các buổi tụ tập cầu nguyện. Năm 1904, giới trẻ Công Giáo tại Hán Thành tổ chức một cuộc tụ tập để cầu nguyện tại Nhà Thờ Chánh Tòa Myeongdong nhằm chống lại mưu toan của chính phủ Nhật muốn cưỡng đoạt đất đai quốc gia. Cầu nguyện để bảo vệ xứ sở của mình vốn là một hành vi tự nhiên đối với người Công Giáo Đại Hàn. Trong khi đó, vào năm 1907, một chiến dịch thanh thỏa nợ nần của quốc gia với Nhật Bản đã được phát động. Mục tiêu của phong trào này là bảo vệ đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản bằng cách trả lại các khoản tiền quốc gia đã vay. Nhân dân Đại Hàn vào thời này nghĩ rằng chủ quyền của họ bị lâm nguy vì các khoản nợ Nhật Bản. Những người cổ vũ cho chiến dịch lừng danh này là Seo Sang-don, một người Công Giáo nhiệt thành tại Daegu. Chiến dịch này được thi hành tích cực trong Giáo Hội. Nhưng sụp đổ khi Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật năm 1910.

3. Kháng chiến có vũ trang

Từ giai đoạn đầu cuộc chiếm đóng của Nhật, các phong trào kháng chiến có vũ trang đã xuất hiện khắp trong nước. Cuộc chiến đấu quốc gia chống chủ nghĩa thực dân Nhật ác liệt đến độ đã có tới 50,000 người Đại Hàn hy sinh từ tháng Tám năm 1907 tới tháng Chín năm 1909. Bất chấp chủ trương chính thức của Giáo Hội Công Giáo là ủng hộ chế độ thực dân, rất nhiều người Công Giáo Đại Hàn đã tham gia phong trào kháng chiến có vũ trang. Những người Công Giáo này theo tiếng lương tâm của họ để tích cực tham gia các chính nghĩa quốc gia. 

Tôma An Jung-geun là một trường hợp điển hình. Dấn thân đầu tiên của anh cho đất nước là trong lãnh vực giáo dục, nhưng sau đó, anh chuyển hướng và tham gia kháng chiến vũ trang giành công lý. Khi An Jung-geun ám sát Ito Hirobumi, viên cai trị Đại Hàn của thực dân Nhật, tại nhà ga xe lửa Harbin ở Trung Hoa ngày 26 tháng Mười năm 1909, anh trở thành biểu tượng của lòng ái quốc anh hùng đối với nhân dân Đại Hàn. 

Năm 1910, nhà cầm quyền Nhật khám phá ra một phong trào quốc gia sau khi nhận được tin mật từ một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo. Năm 1911, một số người Công Giáo Đại Hàn tích cực tham gia phong trào giành độc lập. Điều này được xác nhận bởi chính những người Công Giáo bị bắt thuộc Phong Trào Giành Độc Lập Một Tháng Ba. Một số người Công Giáo tham gia Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn ở Thượng Hải. Ở Chien-tao, Trung Hoa, một nhóm kháng chiến có vũ trang đã được các người Công Giáo thành lập, và cùng với Phong Trào Giành Độc Lập Đại Hàn, họ đã chiến đấu anh dũng chống lại quân đội Nhật. Nhiều người Công Giáo tham gia phong trào kháng chiến trên bình diện cá nhân cho tới tận lúc Đại Hàn được độc lập năm 1945. 

Tuy nhiên, giáo quyền minh nhiên chống đối cuộc kháng chiến có vũ trang của người Công Giáo Đại Hàn nhằm chống lại người nhật vì các ngài cho rằng chế độ thực dân và việc xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc là điều có thể chấp nhận được. Hàng giáo phẩm Công Giáo nhấn mạnh tới việc phân lập giữa Giáo Hội và nhà nước và nhìn chủ nghĩa quốc gia phần lớn theo viễn tượng chính trị. Bởi thế, giáo quyền từ khước không ban bí tích hòa giải và rước lễ cho An Jung-geun. Các ngài cũng đã tuyệt thông một nhà ái quốc Công Giáo, người từng bị cảnh sát Nhật tra tấn dã man vì “tội” tham gia phong trào quốc gia. Trong các hoàn cảnh khó khăn như thế, các người Công Giáo ái quốc vẫn không ngưng hoạt động, vì cho rằng đức tin vào Thiên Chúa của họ và tình yêu quê hương có thể cùng hiện hữu. 

4. Kết luận

Đại Hàn liên tục bị chủ nghĩa đế quốc gây hấn suốt từ năm 1876 tới năm 1945. Trong quá trình này, Giáo Hội cho thấy rõ ý định của mình là ủng hộ chủ nghĩa quốc gia bất bạo động và cổ vũ ý thức quốc gia. Tuy nhiên, Giáo Hội phản đối kháng chiến có vũ trang chống người Nhật, vì thừa nhận chế độ thực dân Nhật tại Đại Hàn là hợp pháp, và không ủng hộ việc tín hữu can dự vào phong trào giành độc lập. Bất chấp chủ trương chính thức này, một số rất đông người Công Giáo Đại Hàn không màng nguy hiểm tới tính mạng đã tham gia các phong trào giành độc lập. Giáo Hội đã thất bại trong việc trở nên một với nhân dân Đại Hàn. Hậu quả của thất bại này sẽ thấy rõ trong việc giảm thiểu đáng kể con số tân tòng và hiện tượng bị các nhà trí thức cũng như xã hội nói chung cô lập. Tác dụng xã hội của chủ trương chính thức thời chế độ thực dân của Giáo Hội đã có những hiệu quả tiêu cực sau ngày độc lập khi Giáo Hội có nhiệm vụ định vị mình trong lòng xã hội Đại Hàn. 

VI. Tình huống Giáo Hội Công Giáo thời thực dân


1. Bối cảnh thời gian

Năm 1910, Đại Hàn bị Nhật xâm lăng và trở thành một khu khai khẩn của Nhật. Kể từ lúc đó cho tới lúc giải phóng năm 1945, người Đại Hàn liên tục chiến đấu chống chế độ thực dân của Nhật ngõ hầu bảo vệ chủ quyền của mình. Trong các phong trào giành độc lập hồi đó, quan trọng nhất là Phong Trào Giành Độc Lập Một Tháng Ba xuất hiện năm 1919. Phong trào này thúc đẩy việc thành lập Quân Đội Độc Lập Đại Hàn tại Mãn Châu và Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn tại Thượng Hải là tổ chức đã dẫn tới Phong Trào Giành Độc Lập cho Đại Hàn. 

Trong quá trình trên, Nhật càng tăng cường chế độ thực dân của họ tại Đại Hàn. Các nhà cấm quyền Nhật hứa hẹn tự do tôn giáo cho các nhà truyền giáo Tây Phương, nhưng họ thường xuyên vi phạm quyền tự do này bằng cách đàn áp và hạn chế hoạt động truyền giáo của các ngài. Thời kỳ này, Đại Hàn trở thành bàn đạp để Nhật xâm chiếm các nước Á Châu khác. Hậu quả là nhân dân Đại Hàn chịu đủ mọi hình thức bóc lột. Giáo Hội Đại Hàn đã phải thi hành công việc truyền giáo của mình trong những điều kiện khó khăn như thế.

2. Chủ trương của các nhà lãnh đạo Giáo Hội về chế độ thực dân

Khi Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật năm 1910, có tất cả 73,517 người Công Giáo, và đa số hàng giáo sĩ đều là các nhà truyền giáo ngoại quốc kể cả vị Đại Diện Tông Tòa tại Đại Hàn. Các nhà truyền giáo này tạo thành giới lãnh đạo Giáo Hội lúc sát nhập vào Nhật. Nấp đàng sau nguyên tắc phân lập Giáo Hội và các nhà cầm quyền thực dân, các ngài cố gắng giập tắt tiếng nói của người Công Giáo Đại Hàn đang chiến đấu cho chủ quyền của họ. Do đó, các nhà truyền giáo, cả Thệ Phản lẫn Công Giáo, đều sẵn sàng chấp nhận bất cứ tình huống chính trị nào miễn là tự do tôn giáo được bảo đảm. Nhà cầm quyền Nhật, bằng mọi phương tiện, cố gắng hòa hoãn với các nhà truyền giáo ngoại quốc tại Đại Hàn ngõ hầu ngăn chặn công luận quốc tế khỏi chống lại việc họ sát nhập Đại Hàn. Thành thử, các nhà truyền giáo ngoại quốc kết cục đã tin tưởng nhà cầm quyền Nhật vì họ hứa hẹn bảo đảm tự do tôn giáo, và chấp nhận chế độ thực dân của Nhật áp đặt lên nhân dân Đại Hàn. Các ngài sợ rằng việc can dự của người Công Giáo Đại Hàn vào các phong trào quốc gia sẽ gây ra một cuộc bách hại đối với Giáo Hội. Tuy nhiên, một số nhà truyền giáo ngoại quốc vẫn phát biểu nhiều tâm tư chống Nhật của mình và cương quyết chống chế độ đàn áp của thực dân. Một số linh mục Đại Hàn đã liên lạc với Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn ở Thượng Hải và hỗ trợ họ một cách gián tiếp. Như đã nhắc trên đây, những người Công Giáo này coi thường việc cấm cản của Giáo Hội và đã tiếp diễn các hoạt động của mình dựa trên quan điểm lương tâm. Tình huống này tiếp diễn tới tận ngày giải phóng Đại Hàn khỏi chế độ thực dân Nhật vào năm 1945.

3. Tình hình truyền giáo của Giáo Hội

Từ ngày sát nhập Đại Hàn vào Nhật năm 1910, chính phủ thực dân đưa ra chính sách hai mặt đối với các sinh hoạt của Giáo Hội: hòa hoãn và đàn áp. Họ kiểm soát Giáo Hội một cách gián tiếp, cho tới năm 1915, qua việc qui định về giáo dục, truyền thông và văn hóa. Họ lập “các qui định về tôn giáo” để kiểm soát các sinh hoạt của giáo xứ một cách hữu hiệu hơn. Theo các qui định này, mọi nhà truyền giáo, giáo sĩ và nữ tu, bao gồm luôn các nhà lãnh đạo các địa điểm truyền giáo, buộc phải có phép của nhà cầm quyền Nhật mới được thi hành công việc truyền giáo. Các ngài không được lập nhà thờ hay các địa điểm truyền giáo mới nếu không có phép của nhà cầm quyền Nhật. Giấy phép chỉ được ban cấp khi nhu cầu cần xây dựng nhà thờ hay địa điểm truyền giáo mới, và chứng cớ có nguồn tài chánh vững chắc, được xác nhận. Quân cảnh Nhật thường xuyên lui tới các nhà thờ để thanh tra việc tuân thủ các qui định về truyền giáo, đồng thời xách nhiễu giáo sĩ và giáo dân. 

Các qui định về truyền giáo được thu hồi vào thập niên 1920 nhờ Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba, nhưng các nhà cầm quyền thực dân tiếp tục kiểm soát và can thiệp vào các vấn đề riêng của Giáo Hội mãi tới lúc Đại Hàn được giải phóng năm 1945. Thời Thế Chiến II, chính phủ Nhật tống xuất nhiều nhà truyền giáo ngoại quốc và đàn áp hàng giáo sĩ địa phương và các nhà truyền giáo còn ở lại Đại Hàn. Các vị giám mục Pháp bị buộc phải từ chức, không được làm bản quyền các giáo phận.

Khi chính phủ Nhật chính thức thừa nhận tự do tôn giáo, Giáo Hội cố gắng tổ chức lại giáo phận, hy vọng nó sẽ phát triển. Năm 1911, Tông Toà Đại Diện Taegu được lập thêm và một vị thừa sai người Pháp đã được cử cai quản tòa mới. Tuy nhiên, sau khi chia giáo phận, đà phát triển của Giáo Hội bị chậm lại một cách đáng kể. Mức gia tăng người Công Giáo hàng năm từ năm 1910, năm Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật, tới năm 1919, năm Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba diễn ra, chỉ còn là 2.1, chậm so với mức 6.9 gia tăng hàng năm thời Chính Sách Mở Cảng, cuối thế kỷ 19, và gần tương đương với mức tăng dân số vào lúc đó. Ta có thể thấy cỗi nguồn của việc nguội lạnh lòng nhiệt thành tôn giáo này trong việc sát nhập Đại Hàn vào Nhật, trong chính sách đàn áp Giáo Hội Công Giáo của nhà cầm quyền thực dân và trong thái độ thỏa hiệp của Giáo Hội. Từ năm 1919 tới năm 1944, Giáo Hội cho thấy một mức tăng hàng năm khá thấp vào khoảng 3 phần trăm. 

Từ ngày có Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba năm 1919 cho tới ngày giải phóng năm 1945, Giáo Hội tiếp tục tiến triển, bất chấp bầu khí đen nghịt, nhờ các nhà truyền giáo ngoại quốc, các dòng tu và các nhà lãnh đạo Công Giáo Đại Hàn. Các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres tới Đại Hàn năm 1888, Dòng Biển Đức Othilien đến Đại Hàn năm 1909. Năm 1920, Dòng Biển Đức Othilien được trao cho việc cai quản tông toà đại diện Wonsan. Tông tòa đại diện Yenki được tách khỏi tông toà đại diện Wonsan năm 1937. Năm 1940, Đan Viện Độc Lập Dokson và Tông Tòa Đại Diện Hamheung ra đời. Một phủ doãn tông tòa Maryknoll được thiết lập năm 1927 và các cha Dòng Columban được trao cho phủ doãn tông tòa Ch’unchon và Kwangju lần lượt trong các năm 1937 và 1939. Trong các thập niên 1920 và 1930, nhiều nhà truyền giáo nói tiếng Anh đã tới Đại Hàn. 

Thời này được đánh dấu bằng việc hàng giáo sĩ Đại Hàn đóng góp vào việc phát triển Giáo Hội. Việc huấn luyện trọn vẹn hàng giáo sĩ Đại Hàn bắt đầu ngay từ năm 1895, nhờ vậy, tới năm 1900, Đại Hàn đã có 12 linh mục người bản xứ. Năm 1910, con số này lên tới 15, và tới năm 1944, có tất cả 132 giáo sĩ Đại Hàn toàn tâm toàn lực phục vụ Giáo Hội. Con số này cao hơn con số 102 giáo sĩ ngoại quốc đang phục vụ Giáo Hội Đại Hàn vào lúc đó. Năm 1937, phủ doãn tông toà Chonju ra đời dưới sự cai quản của hàng giáo sĩ Đại Hàn. Phủ doãn này dọn đường cho việc chuyển giao quyền kiểm soát các giáo xứ do các nhà truyền giáo ngoại quốc săn sóc cho hàng giáo sĩ địa phương. Năm 1942, giám mục Đại Hàn đầu tiên được cử làm Giám Quản Tông Tòa Hán Thành. 

Cùng với sự gia tăng con số các tông tòa đại diện, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn cũng thực hiện nhiều sinh hoạt sùng kính, văn hóa và xã hội khác nhau, dù với phạm vi hạn chế. Lòng sùng kính Đức Mẹ, Phép Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu mà người Đại Hàn vốn thực hành từ những ngày bị bách hại nay được tăng cường. Với việc phong chân phước cho 79 vị tử đạo Đại Hàn, lòng sùng kính các vị tử đạo cổ truyền lâu đời nay được rực sáng lên. Đồng thời, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn cố gắng gia tăng các công trình phúc âm hóa của mình ngõ hầu lên sinh lực mới cho Giáo Hội. Các cố gắng lớn lao được đưa ra nhằm cổ vũ việc xuất bản các tập san định kỳ và các sách vở có thể đóng góp vào việc phát triển Giáo Hội. 

4. Kết luận

Sau cuộc sát nhập Đại Hàn vào Nhật năm 1910, việc phát triển Giáo Hội bị chậm lại hẳn. Các nhà truyền giáo Pháp cảm thấy có cuộc khủng hoảng truyền giáo nên đã cố gắng mời các nhà truyền giáo của các nước khác để phát huy công việc truyền giáo. Thái độ của Giáo Hội tại Đại Hàn đối với chủ nghĩa quốc gia phần nào có trách nhiệm đối với đà phát triển chậm này. Thực vậy, đa số người Công Giáo ở Đại Hàn khát khao được độc lập, nhưng giáo quyền thì lại đứng đàng sau nguyên tắc phân lập Giáo Hội và nhà cầm quyền thực dân, để ra lệnh cho tín hữu phải dửng dưng với các khát vọng quốc gia của nọ. Thành thử, người dân Đại Hàn ít lưu tâm tới các cố gắng truyền giáo của Giáo Hội. 

Tuy thế, Giáo Hội vẫn tiếp tục thực hiện nhiều tiến triển nhờ các cố gắng của hàng giáo sĩ Đại Hàn và các nhà truyền giáo ngoại quốc. Ngoài ra, Giáo Hội còn phát huy các việc sùng kính cổ truyền trong đời sống tín hữu. Các việc sùng kính này là động lực duy trì đức tin của họ và giúp họ vượt qua việc đàn áp và can thiệp của các nhà cai trị thực dân. 

VII. Giáo Hội Công Giáo và Xã Hội Đại Hàn dưới ách cai trị thực dân (1)


1. Bối cảnh thời gian

Giai đọan giữa năm 1910 và năm 1945 được đánh dấu bằng nhiều thay đổi xã hội tại Đại Hàn vì nay nó đã trở thành một xã hội đa tôn giáo dưới sự cai trị thực dân của Nhật. Chính từ bối cảnh lịch sử này, ta có thể hiểu được lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn và lịch sử của nước này vào lúc đó. 

Bề ngoài, các nhà duy đế quốc Nhật thừa nhận tự do tôn giáo và tự do biểu lộ đức tin cho người Đại Hàn. Chính vì lý do này, phần lớn các nhà truyền giáo Kitô giáo đã khoan dung chấp nhận chế độ thực dân Nhật tại Đại Hàn. Tuy thế, các nhà cai trị thực dân đòi một phân lập nghiêm nhặt giữa Giáo Hội và nhà nước nhằm hạn chế phạm vi của tôn giáo vào đời sau mà thôi. Trên thực tế, họ muốn kiểm soát tôn giáo và can thiệp vào mọi vụ việc tôn giáo của người dân Đại Hàn chỉ vì chính sách thực dân của họ. Nhưng họ không thể bách hại tôn giáo một cách bừa bãi vì đã cho phép tự do tôn giáo. 

Trong tình huống trên, Khổng Giáo, vốn là tôn giáo hàng đầu của Triều Đại Joseon, đã liên tục thịnh trị. Cả Phật Giáo nữa, tôn giáo này từng bị bách hại thời Joseon, nay bắt đầu được truyền lan trở lại. Dưới ảnh hưởng của Phật Giáo Nhật, một số bộ phận trong Phật Giáo Đại Hàn cũng đã chấp nhận chính sách thân Nhật. Ngoài ra, nhiều tôn giáo bản địa đã nở rộ trở lại, trong đó có Daejong-gyo, thờ Dangun, người, theo dã sử, vốn lập ra Đại Hàn, và Cheondo-gyo (Đạo Trời) được thành lập vào giữa thế kỷ 19. Một số đạo này bị nhà cầm quyền thực dân bách hại vì đã trở thành các lực lượng tranh đấu cho độc lập quốc gia. Trong Giáo Hội Thệ Phản, các giáo phái cực đoan giữ một vai trò tích cực trong hoạt động truyền giáo.

2. Các liên hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo khác

Sau Thời Chính Sách Mở Cảng, là thời bảo đảm tự do tôn giáo, cùng với người Thệ Phản, người Phật Giáo và tín hữu các tôn giáo bản địa khác, người Công Giáo cũng được tự do phát biểu đức tin của mình. Thực thế, nhiều tôn giáo mới bắt nguồn từ xã hội Đại Hàn trong thời này và đem lại nhiều đặc điểm cho một xã hội đa tôn giáo. 

Tuy nhiên, trong quá trình này, Giáo Hội Công Giáo, vì xác tín ý niệm "Extra ecclesia, nulla salus" (bên ngoài Giáo Hội, không có cứu rỗi), nên đã sống tách biệt với các tôn giáo khác và bác bỏ việc thông đạt với họ. Giáo Hội coi Phật Giáo như đạo thờ tà thần. Rõ ràng vì cuộc tranh cãi tại Trung Hoa năm 1742 liên quan tới việc tham dự các lễ nghi tôn kính tổ tiên, Tòa Thánh đã ngăn cấm người Công Giáo không được thực hành việc dâng cúng tổ tiên theo nghi lễ, một việc mà người dân Đại Hàn rất trân qúi như một phong tục truyền thống và tin rằng đây là các biểu lộ tự nhiên lòng hiếu kính con thảo đối với các bậc cha ông. Tới tận năm 1939, Giáo Hội vẫn còn coi việc thờ cúng tổ tiên này là mê tín, nhưng sau đó, đã cho phép tín hữu tham dự với một số hạn chế. 

Ngăn cấm thờ cúng tổ tiên có nghĩa: người Đại Hàn phải từ bỏ các giá trị và phong tục truyền thống riêng của họ. Các nhà trí thức Đại Hàn truyền thống đương nhiên phản ứng bằng cách quay lưng lại với Đạo Công Giáo và coi Giáo Hội như là đồng lõa với những kẻ xâm lăng ngoại quốc. 

Để làm gia trọng tình thế, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn còn mở rộng cuộc khủng hoảng với các Giáo Hội Thệ Phản nữa. Thệ Phản được du nhập lần đầu vào Đại Hàn khoảng năm 1884, một thế kỷ sau Đạo Công Giáo và người Công Giáo được cảnh giác về các giáo phái này từ năm 1840. Tại một số nơi, người Công Giáo và người Thệ Phản chạm trán nhau vì các vấn đề truyền giáo. Tới năm 1907, số người Thệ Phản vượt hẳn số người Công Giáo dù Giáo Hội Công Giáo du nhập sớm hơn nhiều và đã hiến cho xứ sở nhiều vị tử đạo. Các Giáo Hội Thệ Phản cũng phát triển nhanh hơn Công Giáo thời thực dân và cho tới nay, vẫn vượt con số người Công Giáo. 

Có một số lý do tốt đẹp hơn cho sự thành công của người Thệ Phản. Thứ nhất, Giáo Hội Thệ Phản, song song với việc phúc âm hóa trực tiếp, đã đặt nặng các việc truyền giáo gián tiếp như giáo dục và chăm sóc y tế. Những công việc gián tiếp này khiến người ta trở lại đức tin Thệ Phản cách dễ dàng hơn. Đàng khác, Giáo Hội Công Giáo chỉ có thể tiếp xúc với một số người có giới hạn qua việc phúc âm hóa trực tiếp của mình nhờ số ít các linh mục và các nhà truyền giáo Đại Hàn.

Thứ hai, Giáo Hội Thệ Phản thành công trong việc huấn luyện thành phần ưu tú Đại Hàn. Nhờ thế, họ có khả năng đào tạo được một số mục sư Đại Hàn có trình độ cao. Dù họ được lãnh đạo bởi các nhà truyền giáo ngoại quốc, nhưng các mục sư người Đại Hàn này thực hiện được nhiều công trình truyền giáo rất có hiệu năng và đóng góp lớn lao vào sự phát triển của Giáo Hội Thệ Phản. 

Thứ ba,các mục sư và tín hữu Thệ Phản thành thực dấn thân vào việc phát triển xã hội và các chính nghĩa quốc gia. Gương sáng của họ có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quảng đại quần chúng Đại Hàn hơn là các nhà lãnh đạo Công Giáo mà ảnh hưởng chỉ quanh quẩn diễn ra bên trong Giáo Hội. 

Thứ tư, người Thệ Phản có nguồn tài nguyên về người và về vật tư để yểm trợ công cuộc truyền giáo của họ hơn Giáo Hội Công Giáo. 

Các nhân tố trên gây tác động đáng kể đối với sự gia tăng về thống kê của Giáo Hội Thệ Phản và việc phát triển của nó. Do bầu khí cạnh tranh và sự thất bại của Công Giáo không theo kịp Thệ Phản, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn đã cắt đứt mọi liên hệ với Giáo Hội Thệ Phản và các tôn giáo khác cũng như quyết định đi theo đường riêng của mình, do đó, đã tự cô lập mình. 

Cắt đứt đối thoại với các tôn giáo cổ truyền và Giáo Hội Thệ Phản là khía cạnh nổi bật nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn thời thực dân. Lúc đó, chỉ nhờ có tôn giáo, người ta mới tổ chức hay thiết lập được tình liên đới với người khác. Đó là cách thuận tiện nhất để người Đại Hàn đến với nhau vì các viên chức thực dân cấm người Đại Hàn không được thiết lập các hiệp hội dân sự. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhờ lên tiếng trong tình liên đới với người khác, có ảnh hưởng lớn trên công luận. 

Giáo Hội Công Giáo, đã tự cô lập với các tôn giáo khác và từ khước bất cứ liên hệ nào với họ, còn hạn chế ảnh hưởng của mình hơn nữa trong xã hội Đại Hàn. Thí dụ, Giáo Hội Công Giáo là tôn giáo lớn duy nhất không có đại diện trong ban lãnh đạo của Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba; phong trào này là phong trào độc lập chống sự cai trị của Nhật quan trọng nhất của Đại Hàn; nó là một phong trào do các nhà lãnh đạo tôn giáo tổ chức và điều hành trước nhất. 


VIII. Giáo Hội Công Giáo và xã hội Đại Hàn dưới ách cai trị thực dân (2)


1. Bối cảnh thời gian 

Từ khi sát nhập Đại Hàn năm 1910, Nhật tăng cường nền cai trị khắc nghiệt bằng quân sự đối với nước này. Tuy nhiên, sau Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba năm 1919, Nhật nới lỏng đôi chút sự kiểm soát của mình. Nhưng từ thập niên 1930, trong thời xâm lăng toàn diện Trung Hoa, Nhật lại gia tăng sự kiểm soát quân sự gắt gao của mình đối với Đại Hàn, biến nó thành căn cứ quân sự của mình. 

Dưới ách cai trị thực dân, các phong trào quốc gia chống chủ nghĩa thực dân tiếp tục gia tăng, tiếp theo Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba. Điều đáng ghi nhận là phong trào cộng sản là một trong các phong trào độc lập Đại Hàn vào lúc đó. Phong trào này khởi đầu ở Đại Hàn thập niên 1920 và lãnh đạo nhiều chiến dịch nhằm giành độc lập quốc gia và giải quyết các tranh chấp giai cấp, một cách riêng rẽ đối với các người quốc gia khác từng chiến đấu cho chính nghĩa quốc gia từ cuối thế kỷ 19. Các tay thực dân Nhật đã đàn áp cả các phong trào quốc gia lẫn cộng sản của Đại Hàn. 

Thế giới Công Giáo, vào lúc đó, chịu ảnh hưởng của Công Đồng Vatican I và nhấn mạnh tới các giáo huấn truyền thống. Cũng trong thời gian này, nhiều biến cố quan trọng diễn ra trên thế giới như Cách Mạng Nga năm 1917, quốc hữu hóa mọi tài sản của Giáo Hội bởi chính phủ Mễ Tây Cơ năm 1927, và Nội Chiến Tây Ban Nha năm 1938. Việc liên tiếp diễn ra các biến cố này, cộng với việc bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, đã khiến người ta cảm thấy một khủng hoảng nào đó trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Trong một bầu không khí như thế, các vị giáo hoàng đã ban hành nhiều tông thư lên án Cộng Sản và tỏ rõ chủ trương của Giáo Hội. 

Chủ nghĩa phát xít cũng trở thành một lực lượng mạnh trong thập niên 1930 trong khi tại Đông Á, Nhật bắt đầu xâm lấn toàn diện các nước láng diềng Đông Á của họ và tăng cường việc bóc lột người dân Đại Hàn. Trong Thế Chiến II, nhiều người dân Đại Hàn, trong cuộc chiến đấu giành độc lập của họ, đã tham gia nhiều cuộc chiến quân sự chống lại Nhật. Cuối cùng, Nhật bị đánh bại vào ngày 15 tháng Tám năm 1945 và Đại Hàn được giải phóng. 

2. Giáo Hội và chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ở Đại Hàn như một phong trào quốc gia giành độc lập thời thực dân, và Đảng Cộng Sản Đại Hàn được thành lập năm 1925. Từ đầu, Đảng này đã công bố nhiều quan điểm phản tôn giáo, coi tôn giáo như mê tín và là thuốc phiện ngu dân. Đàng khác, thế giới Công Giáo, vì bị sức mạnh chính trị mỗi ngày một lớn của Đảng Cộng Sản thách thức nặng nề, nên đã nhấn mạnh tới chủ nghĩa chống cộng nhằm tự bảo vệ mình. Chủ trương này ảnh hưởng rất lớn đối với Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Chính phủ phát xít Nhật lợi dụng tình thế này bằng cách dùng sự đe dọa bành trướng của Cộng Sản làm cớ cho việc xâm lăng Trung Hoa và áp đặt chính sách chống cộng riêng của họ. Họ cũng biện minh việc đàn áp các người quốc gia của Đại Hàn đi theo đường lối cộng sản. 
Trong tình thế trên, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn cũng có chủ trương chống cộng mạnh mẽ và trình bày chủ trương của mình qua nhiều sách vở và ấn phẩm. Các văn kiện chống cộng của Đức Giáo Hoàng đã được dịch sang tiếng Đại Hàn... Một số nhà lãnh đạo Giáo Hội ủng hộ cả chính sách chống cộng của Nhật, một chính sách thực ra chỉ là lớp sơn bề ngoài che đậy việc họ xâm lăng Trung Hoa, bằng cách đồng hóa nó với chủ trương chống cộng của Giáo Hội. Trong một mức độ nào đó, sự lẫn lộn này đã làm tê liệt khả năng của Giáo Hội trong việc phê phán chính sách xâm lược của Nhật trong Thế Chiến II. Bị khích động bởi động thái này, nhiều người Công Giáo, vốn dửng dưng đối với các chính nghĩa quốc gia, đã ủng hộ phong trào chống cộng. Một số người tả khuynh thì phê phán những người Công Giáo này là thân Nhật. 

Ý thức hệ chống cộng được Giáo Hội đưa ra vào lúc đó tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn ngay cả sau năm 1945. Giáo Hội Miền Bắc, nơi đồn trú của quân đội Nga, chịu ảnh hưởng vì chủ trương chống cộng này. Sau Chiến Tranh Triều Tiên, Giáo Hội bị xóa sạch tại Bắc Triều Tiên. 

3. Vấn đề thờ Thần Đạo

Một trong chính sách xâm lược của Nhật là cưỡng bức việc “nhật hóa” người Đại Hàn và một trong các phương pháp để đạt mục tiêu này là buộc người Đại Hàn phải thờ phượng tại Đền Thờ Thần Đạo, một nghi thức tôn giáo truyền thống của Nhật. Trong quá trình hiện đại hóa nước Nhật, chính phủ nhấn mạnh tới thần đạo, coi nó như nền tảng của tinh thần quốc gia. Do đó, việc thờ phượng theo thần đạo chứa đựng một khía cạnh của nghi lễ quốc gia của Nhật. Thành thử, những tên quân phiệt buộc người Nhật cũng như mọi dân tộc dưới quyền cai trị của họ phải thực hành việc thờ thần đạo ngõ hầu thu phục được sự hỗ trợ của dân đối với dự án chiến tranh của họ và để tiêm nhiễm nơi dân một ý thức hệ phò chiến tranh. 

Năm 1925, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn ấn hành cuốn “Các Chỉ Thị Cho Các Giáo Lý Viên” lên án việc thờ thần đạo, coi nó là lạc giáo và cấm tín hữu không được tham dự nghi lễ này. Một số học sinh Công Giáo bị đuổi khỏi các trường công lập khi từ khước không chịu tham dự nghi lễ thần đạo vì tuân theo các chỉ dẫn trên. Người Công Giáo Đại Hàn nói chung từ khước không tham dự vì cùng một lý do. Trong khi Giáo Hội và chính phủ Nhật giằng co về việc thờ thần đạo này, thì Giáo Hội Công Giáo tại Nhật lên tiếng hỏi chính phủ của họ xem việc thờ này có phải là một nghi lễ tôn giáo hay chỉ là một nghi thức dân sự để tỏ lòng ái quốc. Chính phủ trả lời rằng đây là một nghi thức dân sự. Khi trả lời như thế, chính phủ Nhật muốn tránh tranh chấp giữa thần đạo và các tôn giáo khác.Thành thử, sau đó, vào năm 1936, Tòa Thánh có gửi một chỉ thị cho sứ thần tòa thánh tại Nhật cho phép người Công Giáo tham dự nghi thức thần đạo, trên cơ sở quan điểm của chính phủ Nhật về việc này. Chỉ thị này áp dụng cho cả người Công Giáo Đại Hàn nữa. 

Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn biết rõ nghi lễ thần đạo có bao hàm việc thờ các thần truyền thống của Nhật. Do đó, đa số người Đại Hàn phản đối việc này. Cha John Morris, M.M., đứng đầu phủ doãn tông tòa Bình Nhưỡng, đã phải từ nhiệm vì từ khước không tham dự nghi lễ thần đạo. Bất chấp chỉ thị của Vatican, nhiều người Công Giáo Đại Hàn chọn theo lương tâm và từ khước việc tham dự việc thờ thần đạo. Một số linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt và chịu bách hại trong tay nhà cầm quyền Nhật vì từ khước không làm việc thờ phượng này. Tuy nhiên, so với sự đối kháng của Giáo Hội Thệ Phản, sự đối kháng của Công Giáo yếu hơn. Chính vì thế, người Công Giáo bị các đối tác Thệ Phản của mình phê phán nặng nề. 

4. Kết luận

Về cuối thời thực dân, cuộc bách hại Giáo Hội của Nhật trở nên khắc nghiệt hơn. Một số thánh thi và thánh ca bị cấm viện cớ là lời lẽ của chúng có tính phá hoại. Cảnh sát Nhật bắt giam các Kitô hữu nào dám cầu nguyện cho hòa bình, kết tội họ là tuyên truyền ý thức hệ bài chiến tranh. Giáo Hội bị ra lệnh phải ấn hành các sách vở bằng tiếng Nhật mà thôi và bị buộc lập ra các tổ chức nhằm ủng hộ chính sách chiến tranh của Nhật. Tuy thế, giữa các khó khăn này, người Công Giáo Đạo Hàn vẫn tiếp tục cầu nguyện cho việc giải phóng đất nước và cho hòa bình thế giới. 

IX. Việc giải phóng Đại Hàn và Giáo Hội


1. Bối cảnh thời gian

Đại Hàn thoát khỏi sự cai trị của chủ nghĩa đế quốc Nhật vào ngày 15 tháng Tám năm 1945. Việc giải phóng quốc gia là khởi điểm cho lịch sử hiện đại của Đại Hàn cũng như lịch sử hiện đại của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Ngay sau cuộc giải phóng, Lực Lượng Đồng Minh đã trú đóng tại Đại Hàn dưới danh nghĩa giải trừ quân sự Nhật Bản. Lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, quân đội Xô Viết trú đóng ở miền Bắc, quân đội Hoa Kỳ trú đóng ở miền Nam. Thoạt đầu, dân Đại Hàn coi họ như những người giải phóng. Tuy nhiên, Lực Lượng Đồng Minh định nghĩa người Nam Hàn như là người được giải phóng nhưng vẫn sống trên lãnh thổ thực dân của một đế quốc bại trận. Bởi thế, họ thi hành chính sách chiếm đóng trên bán đảo Đại Hàn.

Thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bắt đầu với việc chấm dứt Thế Chiến Hai. Cái khung đối đầu giữa Hoa Kỳ và Nga Xô Viết gây ảnh hưởng tới tình huống chính trị tại Bán Đảo Đại Hàn đang bị chiếm đóng, và vĩ tuyến 38 trở thành đường ranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Đại Hàn cương quyết duy trì độc lập và các phong trào quốc gia cố gắng tranh đấu để ngăn ngừa việc chia đôi đất nước. Tuy nhiên, các cố gắng của họ đã vô vọng. Vì cuối cùng, hai chính phủ biệt lập đã được tạo dựng trên bán đảo Đại Hàn như là hậu quả của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô Viết. Một số chính trị gia của cả Nam lẫn Bắc Đại Hàn đã lợi dụng tình thế này: Nam thì dựa vào hệ thống tư bản, Bắc thì dựa vào chủ nghĩa xã hội. Việc thành lập hai chính phủ trong bối cảnh ý thức hệ hoàn toàn khác nhau này đã khuyến khích khả thể nội chiến giữa người Đại Hàn với nhau. Cuối cùng, chiến tranh Triều Tiên đã bùng nổ vào năm 1950.
Từ năm 1945 tới năm 1950, Giáo Hội đã chia sẻ nỗi vui buồn của cả nhân dân Đại Hàn trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng. 

2. Cuộc giải phóng và Giáo Hội tại Nam và Bắc Đại Hàn

Lúc được độc lập, Giáo Hội Nam Hàn có 5 đại diện tông tòa, 3 phủ doãn tông tòa và một đan viện độc lập với khoảng 180,000 tín hữu (khoảng 50,000 ở miền Bắc và 110,000 ở miền Nam và 20,000 ở Giáo Phận Yenki thuộc Mãn Châu) hay 0.7 phần trăm dân số. Có 169 nhà truyền giáo ngoại quốc, 139 linh mục Đại Hàn và 400 nữ tu. Các cơ quan giáo dục và phục vụ xã hội do người Công Giáo điều khiển rất ít. Giáo Hội Công Giáo không có được bất cứ nhân vật lãnh đạo nào trong cuộc tranh đấu giành độc lập. Do đó, ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong xã hội Đại Hàn lúc được độc lập quả không đáng kể chút nào. 

Tuy nhiên, độc lập vẫn là một biến cố vĩ đại đối với Giáo Hội Đại Hàn vì Giáo Hội này hy vọng rằng nó sẽ kết liễu sự can thiệp và áp chế của người Nhật đối với mình. Giáo Hội coi việc giải phóng quốc gia là một hồng ơn của Trinh Nữ Diễm Phúc Maria vì độc lập xuất hiện vào đúng ngày Lễ Mông Triệu của ngài. Các Thánh Lễ tạ ơn và nhiều cử hành đặc biệt mừng ngày giải phóng quốc gia và hòa bình thế giới đã được tổ chức khắp trong nước. 

Tháng Chín năm 1945, Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ đổ bộ lên Đại Hàn và TGM Spellman tới Hán Thành. Ngài thăm Nhà Thờ Chính Tòa Myeongdong tại Hán Thành và an ủi người Công Giáo Đại Hàn từng đau khổ dưới ách cai trị thực dân. Một Thánh Lễ và một buổi chào mừng Lực Lượng Đồng Minh đã diễn ra trong Nhà Thờ Chính Tòa Myeongdong cũng như chào mừng những người đã chiến đấu cho nền độc lập quốc gia. Mặt khác, Quân Đội Xô Viết trú đóng miền Bắc chính thức bảo đảm tự do tôn giáo. Khiến Giáo Hội miền Bắc hân hoan cử hành việc giải phóng quốc gia và cố gắng dùng nó làm bàn đạp thực hiện các tiến bộ mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Giáo Hội này đã phải chịu nhiều khó khăn nghiêm trọng vì các thành kiến cố hữu của người cộng sản chống lại tôn giáo.

Giáo Hội hai miền Nam Bắc cùng chia sẻ niềm vui độc lập của đất nước. Nhưng, Giáo Hội đã không khiêm hạ tự vấn lương tâm về quá khứ khoan dung đối với chính sách chiến tranh của Nhật hay hợp tác với Nhật dù đây chỉ là miễn cưỡng. Thực vậy, thời Nhật chiếm đóng, Giáo Hội rất ít có thế lực để ảnh hưởng tới công luận của xã hội Đại Hàn vì các tên đế quốc chủ nghĩa người Nhật đã buộc được Giáo Hội này hợp tác với chính sách chiến tranh của chúng. Các giám quản tông tòa người Pháp bị các giám mục người Nhật thay thế. Trong bối cảnh này, Giáo Hội gây bối rối lương tâm cho nhiều người Công Giáo khi yêu cầu họ tham dự việc thờ thần đạo. Tự vấn lương tâm về những lầm lỗi này là điều kiện tiên quyết cho các tiến bộ mới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã không muốn chính thức nhìn nhận lỗi lầm của mình. 

Trong hoàn cảnh leo thang Chiến Tranh Lạnh, việc tự vấn lương tâm của Giáo Hội, vốn thuộc cánh hữu, càng trở nên khó khăn hơn vì một tác phong như thế sẽ là một động lực khuyến khích cánh tả tấn công cánh hữu. 

3. Các đặc điểm của lịch sử Giáo Hội

Trong thời kỳ phân chia đất nước, Giáo Hội Đại Hàn cảm thấy đau khổ vì cảnh phân chia này. Các đại diện tông tòa Bình Nhưỡng, Hamhung và Đan Viện độc lập Dokwon nằm dưới sự cai trị của cộng sản miền Bắc do Liên Bang Xô Viết lãnh đạo. Tỉnh Hwanghae, vốn trực thuộc đại diện tông tòa Hán Thành, nay cũng thuộc lãnh thổ miền Bắc. Từ ngày giải phóng quốc gia, tại các khu vực vừa kể thuộc miền Bắc, các hoạt động tôn giáo được tiến hành một cách tích cực. Tại Bình Nhưỡng, chẳng hạn, người Công Giáo đã dám xây dựng một nhà thờ chính tòa và ở một số nơi, họ còn dấn thân vào các phong trào chính trị và gia nhập các đảng phái chống cộng như Đảng Dân Chủ Đại Hàn. Trong quá trình này, Giáo Hội Công Giáo Bắc Hàn gặp ngay sự chống đối của chính phủ cộng sản, là chính phủ đã thành lập ra Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Đại Hàn năm 1948. Người Công Giáo cũng chứng kiến diễn trình chuẩn bị Chiến Tranh Triều Tiên, trong đó, họ và các hoạt động tôn giáo của họ bị đàn áp thẳng tay. Cho tới tận lúc Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ, phần lớn các giáo sĩ Bắc Hàn đã bị bắt, các nhà thờ đã bị đóng cửa và các cộng đồng tôn giáo bị ra lệnh phải giải tán. Lúc đó, nhiều người Công Giáo miền Bắc đã di chuyển xuống miền Nam để được tự do tôn giáo. 
Mặt khác, đa số tín hữu của giáo phận Yenki, Mãn Châu, đều là thường trú dân của Đại Hàn. Cuối Thế Chiến II, khi Trung Hoa phục hồi được chủ quyền của họ đối với Mãn Châu năm 1946, Tòa Thánh ở Rôma đã tách giáo phận Yenki ra khỏi Giáo Hội Đại Hàn và sát nhập nó vào Giáo Hội Trung Hoa. Việc này đem lại một số thay đổi trong Giáo Hội Đại Hàn. Cuối thời cai trị của thực dân, các giáo sĩ Nhật được chỉ định làm Đại Diện Giáo Hạt (vicariate forane) của tông tòa đại diện Taegu và Kwangju, nhưng sau đó, họ lập tức bị thay thế bởi các giáo sĩ Đại Hàn ngay khi đất nước được độc lập.

Năm 1910, khi bắt đầu chế độ cai trị của thực dân, Nhật ngăn cấm việc ấn hành tờ Gyeonghyang Sinmun của Công Giáo và sau đó, mọi tờ báo định kỳ của Giáo Hội cũng cùng chung số phận. Ngay sau ngày độc lập, Giáo Hội miền Nam lập tức cho tái tục tờ Gyeonghyang Sinmun, là tờ báo đã bén rễ sâu vào xã hội Đại Hàn và là một trong các tờ báo gây nhiều ảnh hưởng hơn cả. Giáo Hội dùng nó như một cỗ xe chuyên chở các quan điểm và ý kiến của mình liên quan tới đường hướng mà xã hội Đại Hàn nên tuân theo. Với việc tái bản tờ Gyeonghyang Sinmun, mọi ấn phẩm khác do Giáo Hội điều khiển, trước đây bị thực dân đóng cửa, thì nay đều đã được tái bản. Với nền độc lập quốc gia, Giáo Hội Đại Hàn đã tích cực thực thi công cuộc truyền giáo của mình. 

Giáo Hội cũng tích cực tham gia việc đẩy mạnh giáo dục của xứ sở, bằng cách thành lập trường học và các hiệp hội giáo dục, các bệnh viện, các bệnh xá, các viện mồ côi và các viện dưỡng lão khắp xứ. Giáo Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động Công Giáo bằng cách thành lập ra “Liên Đoàn Công Giáo Đại Hàn” năm 1949. Các cố gắng dành cho các phong trào sùng kính, trong đó có việc sùng kính các tử đạo Đại Hàn, vẫn tiếp tục triển nở. 

Từ ngày độc lập, Tòa Thánh ở Rôma hết sức quan tâm tới Giáo Hội Đại Hàn, nên đã gửi Khâm Mang Tòa Thánh tới Đại Hàn năm 1947 trước cả việc thành lập Chính Phủ Nam Hàn. Năm 1948, Tòa Thánh là quốc gia thứ nhất thừa nhận chính phủ Nam Hàn vừa được thành lập. Hội Đồng Công Giáo Đại Hàn (HĐCGĐH) cũng đã được tổ chức để việc thực thi công cuộc phúc âm hóa được hữu hiệu. HĐCGĐH là cơ quan tòan quốc của các giám mục nhằm tổ chức và điều hợp các hoạt động của Giáo Hội trên bình diện quốc gia như giáo dục, dịch vụ y tế và các công tác xã hội. 

4. Kết luận

Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn không đóng góp trực tiếp vào nền độc lập của đất nước và đã khoan dung đối với chính sách gây hấn của Nhật dù bị cưỡng bức. Nếu muốn phúc âm hóa nhân dân Đại Hàn sau ngày độc lập, Giáo Hội phải thành thực tự vấn lương tâm về các sai lầm trong quá khứ, nhưng Giáo Hội đã không làm như vậy. 

Giáo Hội Đại Hàn đã gặp rất nhiều trở ngại trong lúc thi hành sứ mệnh của mình vì sự phân chia đất nước. Giáo Hội miền Nam có thể phát triển công cuộc truyền giáo của mình dưới sự bảo vệ của Quân Đội Hoa Kỳ, nhưng Giáo Hội này vẫn gặp rất nhiều khó khăn gây ra bởi tình hình xã hội và sự chống chọi giữa phe hữu và phe tả. Trong một tình huống phức tạp như vậy, Giáo Hội miền Nam tiếp tục thực hiện nhiều cố gắng để thực hiện cách hữu hiệu công trình truyền giáo của mình. Con số tín hữu từ từ gia tăng vá các cơ quan giáo dục và xã hội do Giáo Hội quản trị tiếp tục phát triển. Nhờ các ấn phẩm gây nhiều ảnh hưởng, Giáo Hội đã có thể nói lên các quan điểm của mình về nền tảng của tân quốc gia. Nhờ cách này, Giáo Hội đã vươn tay ra với nhân dân và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trong xã hội Đại Hàn. 

Ngay sau ngày độc lập quốc gia, Giáo Hội miền Nam đã làm nhiều cố gắng thành công trong việc phúc âm hóa. Trong khi ấy, Giáo Hội miền Bắc kinh qua rất nhiều khó khăn dưới chế độ cộng sản. Sự trợ giúp thiêng liêng và tinh thần của Tòa Thánh và của người Công Giáo các nước ngoài đã đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn. Tuy nhiên, liên quan tới việc phân chia đất nước, Giáo Hội đã không tích cực tham gia việc phản đối sự phân chia này. 

Vũ Văn An8/11/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét