Trang

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Dòng Tên trong cơn bão tố

Dòng Tên trong cơn bão tố


Sabina Pavone – Đại học Macerata
Vào ngày 21 tháng 7 năm 1773, bản tự sắc Dominus ac Redemptor (Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế) của Đức Giáo Hoàng Clement XIV đã bãi bỏ Dòng Tên, vì một số lý do như cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong Dòng hơn mười năm qua và vai trò về văn hóa và thiêng liêng của Dòng đã được thảo luận ở nhiều nơi. Mặc dù vậy, Dòng Tên vẫn đại diện cho một thực tế quan trọng không chỉ trong hiện trạng Giáo hội ở châu Âu mà còn đặc biệt trong các sứ mạng được các tu sĩ Dòng Tên khởi sự ở Tân thế giới và lục địa châu Á rộng lớn.
Để hiểu được cuộc khủng hoảng trong Dòng, nhất thiết phải quay trở lại những năm 1730 và cuộc xung đột giữa sứ mạng của các tu sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc và Ấn Độ với Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về việc các nhà truyền giáo Dòng Tên chấp nhận cho thực hành rộng rãi một số lễ nghi truyền thống của Nho giáo (Trung Quốc) và Ấn Độ giáo (Ấn Độ) như là những việc thực hành thuần túy mang tính dân sự và chính trị. Các cuộc hội nghị ở Roma đã tranh luận về tính hợp pháp và chính thống của sự dung hợp ấy, những cuộc hội nghị này kết thúc bằng sự quay trở lại với tính thực tiễn của quá trình thích nghi xét về mặt lý thuyết trong Il Cerimoniale del Giappone của Alessandro Valignano và được đưa vào thực hành bởi Matteo Ricci ở Trung Quốc và Roberto de Nobili ở Ấn Độ. Cuộc xung đột này xảy ra do những khó khăn thực sự trong việc đối thoại, nó đi đến hồi kết khi Đức Thánh Cha Benedict XIV dứt khoát lên án lễ nghi Trung Hoa vào năm 1742 và lễ nghi Malabar năm 1744.
Việc lên án các phương pháp truyền giáo của Dòng Tên ở phương Đông đã làm suy yếu sứ vụ phổ quát và như là đòn trí mạng như cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ các Giáo điểm ở Paraguay nơi đã bị cuốn vào cuộc chiến thuộc địa giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Mặc dù hiệp ước biên giới năm 1750 đã xác định cấp cho lãnh thổ của đế quốc Bồ Đào Nha đến phía đông của sông Paraguay, chính quyền Bồ Đào Nha vẫn dấn vào cuộc chiến khốc liệt chống lại bảy Giáo điểm của Dòng Tên với mục đích tiếp quản các vùng đất sứ mạng này và di dời 29.000 người dân bản xứ sống trong đó. Các tu sĩ Dòng Tên đã chống lại kịch liệt nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng thế lực của những kẻ tấn công, mặc dù được ủng hộ với niềm xác tín mong manh từ chính cơ cấu của Dòng. Cả Cha Tổng Quản Ignazio Visconti (1751-1755) và Cha kinh lý là Lope Luis Altamirano cũng không thực sự hiểu rằng cuộc chiến chống lại các Giáo điểm, giống như sự lên án của những lễ nghi, là dấu hiệu của sự xói mòn lòng tin đối với các tu sĩ Dòng Tên và là những bước đầu của một chiến lược tìm kiếm việc hủy diệt hoàn toàn Dòng Tên.
Vào giữa thế kỷ 17, Dòng Tên vẫn là một trong những dòng có số lượng đông nhất trong Giáo Hội Công Giáo, tuy tầm ảnh hưởng thấp hơn so với các thế kỷ trước. Mặc dù đã mất sự độc quyền trong việc giáo dục tầng lớp thượng lưu, các trường đại học của Dòng vẫn còn là điểm qui chiếu và ngay cả sau cuộc giải thể, các cựu tu sĩ Dòng Tên thường tiếp tục làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Cuộc tấn công của những người theo phong trào Khai sáng vào các tu sĩ Dòng Tên nhắc nhớ chúng ta rằng, trong thế kỷ 17, Dòng vẫn còn có nhiều nhà trí thức như nhà thiên văn học và toán học Ruggero Giuseppe Boscovich (1711-1787), các nhà sử văn học Francesco Antonio Zaccaria (1714-1795), Girolamo Tiraboschi (1731-1794) và Juan Andrés (1740-1817). Ngay cả một đệ tử của phòng trào Khai sáng như Pietro Verri (1728-1797) đã học tại trường đại học nổi tiếng của Parma, một trong những điểm sáng của hệ thống giáo dục Dòng Tên trong thời hiện đại. Ơn gọi làm việc trí thức của Dòng vẫn còn sống không chỉ ở châu Âu. Sứ mạng ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, mặc dù có mối tương quan ức chế giữa các Kitô hữu và các tu sĩ Dòng Tên, và tiếp tục hoàn thành vai trò uy tín trong Viện Toán học của triều đình trong suốt thế kỷ 17.
Dầu vậy trong những năm của thế kỷ 18, các tỉnh dòng riêng biệt, đặc biệt là ở châu Âu, dần dần đi đến việc kết cấu mang tính địa phương hơn: trong các tỉnh dòng Ba Lan chủ yếu là các tu sĩ Dòng Tên người Ba Lan, trong các tỉnh dòng Pháp là tu sĩ Dòng Tên người Pháp, và cứ như vậy. Không phải là ơn gọi mang tính phổ quát cả Dòng bị hao mòn hoàn toàn, nhưng chắc chắn tính di động của nó đã giảm đi rất nhiều theo thời gian.
Vào năm 1758 khi cha Lorenzo Ricci được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền, Dòng Tên có 42 tỉnh với khoảng 23.000 tu sĩ: một số lượng phù hợp với Giáo Hội hoàn vũ. Đó là năm những người con của thánh INhã chịu đau khổ trong cuộc tấn công đầu tiên từ chế độ quân chủ Bourbon.
Bồ Đào Nha, được điều khiển bởi Hầu tước Pombal, là quốc gia châu Âu đầu tiên trục xuất các tu sĩ Dòng Tên khỏi lãnh thổ của mình: họ đã bị buộc tội âm mưu chống lại vua Joseph I và nhiều người đã bị giam cầm trong các nhà tù ở Lisbon. Nổi tiếng nhất trong số đó là Cha Gabriel Malagrida, ngài đã bị thiêu trên giàn hỏa sau cuộc xét xử trước Toà án dị giáo (1761). Một nhóm gồm các cha (hơn một ngàn) đã trốn được khỏi nước này và sau đó hành trình mạo hiểm đến Ý. Cộng đoàn lớn nhất là cộng đoàn ở Rome nhưng cũng có một số lượng đáng kể tại Castel Gandolfo, Tivoli, Frascati, Urbino, Pesaro, Bologna và Ferrara.
Tại Pháp, Dòng đã bị giải thể vào năm 1764 sau vụ phá sản bê bối của cha Lavallette (1761) ở Martinique, khi Dòng bị cáo buộc ủng hộ các thương gia trong hướng tinh thần của Dòng. Quốc hội của đế quốc và đặc biệt là quốc hội Paris – trong đó có một liên minh bất thường giữa các nhóm Gallican và Jansenist – đã tìm cách nghiên cứu Hiến pháp, và đề nghị các tu sĩ Dòng Tên ký tên vào điều khoản nổi tiếng số 1682 của Gallican. Rõ ràng cả cha Tổng Quản Lorenzo Ricci cũng như Đức Giáo Hoàng không thể chấp nhận mong muốn của chính quyền; do đó các tu sĩ Dòng Tên phải đối mặt (như đã xảy ra trong quá khứ) với vấn đề này, nếu họ tuân theo chỉ thị của vua Louis XV, các chỉ thị về việc khai trừ khỏi Dòng, hoặc các chỉ thị về việc trung thành với sự quản trị trung ương của Dòng và Tòa Thánh, thì chắc chắn phải từ bỏ khả năng ở lại Pháp.
Cuối cùng nhà vua chọn giải thể Dòng trong phạm vi cả nước, Pháp theo gương Bồ Đào Nha. Một trường hợp cá biệt là sứ mạng các tu sĩ Dòng Tên Pháp ở Trung Quốc: bắt đầu vào năm 1689 khi vua Louis XIV quyết định gửi tới Celestial Empire năm linh mục Dòng Tên (còn được mô tả như là “các nhà toán học của nhà vua”) để khuyến khích các mối quan hệ và thương mại giữa hai cường quốc, và được coi là một viên ngọc trên vương miện của chế độ quân chủ. Ngay cả những người trong phái Khai sáng đấu tranh để tiêu diệt Dòng Tên cũng đã ủng hộ sự tồn tại của dòng sau cuộc giải thể năm 1773. Trong thực tế, một nhóm các tu sĩ Dòng Tên vẫn lãnh đạo cộng đoàn Pháp cho đến năm 1785 khi một nhóm các cha Lazzarist tiếp quản việc chỉ đạo các sứ vụ từ các tu sĩ Dòng Tên.
Tây Ban Nha là nước thứ ba để trục xuất các tu sĩ Dòng Tên trong năm 1767. Chính quyền, dưới sự lãnh đạo bởi các gương mặt như Nicolás de Azara, Pedro Paulo de Aranda và Pedro Rodríguez di Campomanes – đã đưa ảnh hưởng vào một loạt các hành động chính trị có tính chất pháp lý và xác định các tu sĩ Dòng Tên như là kẻ thù chính bị nhắm trong cuộc đấu tranh cho quyền của Giáo Hội. Một sự trợ giúp trong việc tăng cường sức mạnh cho phe phái này là sự việc có một phần các giáo sĩ Tây Ban Nha và tầng lớp thượng lưu được đào tạo tại các trường đại học nhỏ hơn do các giáo sĩ bình thường điều hành, đến lượt họ cũng là người chống đối tu sĩ Dòng Tên.
Trong thực tế, việc chiến thắng trước Dòng Tên cũng thể hiện mục tiêu duy nhất các nhóm cầm quyền thực sự đạt được và ảnh hưởng của Giáo Hội trên xã hội Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn còn nguyên vẹn. Sau việc trục xuất, rất đông các tu sĩ Dòng Tên đến Ý, bất chấp những nghi ngại của chính Đức Giáo Hoàng, lo lắng bởi gánh nặng kinh tế trong việc duy trì đời sống. Các cha thuộc tỉnh Castille và một số từ Mêxicô được sắp xếp vào tỉnh Bologna; những người từ tỉnh Aragon với phần còn lại từ Mêxicô và những người từ Peru đi đến Ferrara; các tu sĩ Dòng Tên từ Chilê tự lập ở Imola, những người từ các tỉnh Toledo ở Forlì, những người từ Andalusia ở Rimini, và những người từ các tỉnh của Paraguay và Quito ở Ravenna và Faenza. Những người khác tự lập ở Liguria, trong khi một số đông đã đến Rome, đặc biệt là những người có ý định rời khỏi Dòng (giữa những năm 1767 và 1773, có 777 linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha rời Dòng).
Việc thành lập nhóm các cha Tây Ban Nha trong xã hội Ý đã đạt được trong vòng một vài năm, mặc dù bị cản trở bởi các chính quyền ở Madrid và không phải luôn luôn có sự đồng ý của các tu sĩ Dòng Tên người Ý. Một số lớn các tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha đã tự tháp nhập vào đời sống trí thức của các thành phố như Roma, Bologna, Ferrara, Rimini và Genoa. Một số trở thành các giáo sư trong cơ sở giáo dục và đại học hoặc đã làm việc như giáo viên và thư ký trong các gia đình quý tộc. Những người khác đã trở thành thủ thư như Luciano Gallissà (giám đốc thư viện của Đại học Ferrara), Josef de Silva y Davila (thủ thư cho Đức Hồng Y Giuseppe Garampi tại Rimini và Rome và sau đó giám đốc thư viện công cộng của Città di Castello), Joaquín Pla (giám đốc thư viện Barberini ở Roma), và Juan Andrés y Morell (thư viện tại Mantova và sau đó giám đốc của Thư viện Hoàng gia quan trọng của Napoli cho đến năm 1815).
Tại Ý, Dòng Tên cũng bị trục xuất tương tự như vậy khỏi vương quốc Naples (1767) và Công quốc Parma (1768), nhưng có sự chờ đợi một vài năm trước khi Đức Giáo Hoàng Clement XIV cuối cùng bị đặt vào tình thế bị ép buộc từ triều đình Bourbon và phải công bố bản tự sắc Dominus ac Redemptor. Bản tự sắc được chia thành 45 chương, là một tài liệu gây nhiều tò mò, thực tế bản tự sắc ấy không phải là những lời buộc tội hay phán xét những giá trị của Dòng Tên, nhưng đúng hơn là nói về khả thể của việc giải thể Dòng do sự rối loạn tự mình gây ra trong những năm qua trong Giáo Hội (từ tranh luận thần học đến việc tham gia quá nhiều vào các vấn đề chính trị, và sự vâng phục không đủ thẩm quyền Roma trong các phạm vi sứ vụ).
Các khía cạnh tiêu cực có vẻ như nặng ký hơn những khía cạnh tích cực, và sự bình an của Giáo Hội đòi hỏi hy sinh Dòng Tên. Tuy thế, những hoa trái Tòa Thánh mong đợi từ chính cuộc giải thể ấy không được lâu dài. Nếu Roma hy vọng để làm dịu các cường quốc châu Âu và chấm dứt sự tục hóa trong xã hội, thì sự ra đời nhanh chóng của cuộc Cách mạng Pháp cho thấy rằng việc xóa bỏ Dòng của thánh Inhã là không đủ để ngăn chặn tinh thần của thời đại.
Chuyển ngữ bởi Trần Ngọc Anh Linh, S.J.

http://dongten.net/noidung/39186

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét