Nhân tác phẩm “Hiện tượng con người” được dịch ra tiếng Việt: Giới thiệu cha Teilhard de Chardin
Chiều 20/06, tại Hà Nội, ở Hội Trường L’Espace (một cơ sở văn hóa Pháp), số 24 Tràng Tiền, nhà xuất bản Tri Thức, Nhóm Cánh Buồm và Trung Tâm văn hóa Pháp tổ chức tọa đàm, giới thiệu tác phẩm Hiện tượng con người (Le Phénomène humain) của cha Teilhard de Chardin, Dòng Tên, bản dịch Việt văn của Đặng Xuân Thảo. Giáo sư Phạm Toàn là diễn giả chính mở đầu cho cuộc tọa đàm này cùng với Giáo sư Chu Hảo. Giáo sư Phạm Toàn cũng đã có lời giới thiệu trang trọng về tác phẩm Hiện tượng con người được phổ biến trên nhiều trang mạng, bắt đầu từ trang Bauxite.
Tác phẩm của Cha Teilhard De Chardin đã xuất bản lần đầu năm 1955 ở Pháp, nhưng tới nay được giới thiệu với công chúng Việt Nam. Vào thời điểm này chúng tôi thiết nghĩ đây là một sự kiện văn hóa quan trọng, bao hàm nhiều ý nghĩa không những về nội dung tư tưởng mà đặc biệt còn về tình hình tinh thần, văn hóa, xã hội của đất nước. Với những người đồng cảm và yêu mến cha Teilhard nói chung và với cộng đồng Công Giáo nói riêng, đây lại là một dịp tốt để làm rõ một số định hướng căn bản cho tư duy và hành động. Cho đến nay, nhiều người ở Việt Nam, kể cả những người Công Giáo có học, không mấy ai biết gì nhiều về cha Teilhard de Chardin. Chúng tôi xin đươc phép giới thiệu với bạn đọc Chúa Cứu Thế về vị linh mục danh tiếng này.
Teilhard de Chardin sinh năm 1881, ông xin gia nhập Dòng Tên năm 1899, thụ phong linh mục năm 1911. Ông có năng khiếu về khoa học nên dược dòng cử đến làm việc tại Trung tâm nghiên cứu các Khoa học Tự nhiên (Museum d’Historie Naturelle) ở Paris năm 1912. Ở đây ông cộng tác thân tình với nhà cổ sinh vật học Marcellin Boule là người đầu tiên đã nghiên cứu về một bộ xương toàn vẹn của người Tiền sử Neanderthal.
Trong Thế chiến thứ nhất, ông phục vụ trong ngành quân y, tải thương ở mặt trận. Hai người anh em ruột của ông đã tử thương trong trận chiến này. Sự tiếp xúc hằng ngày với thực tế cuộc chiến cùng với những suy tư của ông sẽ được đúc kết trong các tác phẩm “Sự sống Hoàn vũ” (La Vie Cosmique, 1916) và “Tiềm năng Tâm Linh của Vật chất” (Puissance Spirituelle de la Matière, 1919). Có thể nói tư tưởng của Teilhard sau này đã nảy mầm từ những suy nghĩ đó. Ông viết nhật ký và trao đổi thư từ thường xuyên với người chị họ Marguerite Teilhard-Chambon, nữ sĩ nổi tiếng đã góp phần rất đặc sắc làm sáng tỏ tâm hồn và tư tưởng Teilhard. Những trang ông viết trong thời chiến đã được xuất bản năm 1975, dưới nhan đề Khởi Nguyên một Tư Tưởng (Genèse d’une Pensée).
Sau Chiến tranh, Teilhard trở về với công tác khoa học, sự nghiệp của ông từ đó tỏa sáng và môi trường hình thành sự nghiệp đó là Trung Quốc.
Năm 1923, Teilhard di Trung Quốc lần đầu để cộng tác với người anh em Dòng Tên là cha Émile Licent (1876-1952), cũng là một nhà bác học. Teilhard cùng với cha Licent khai quật các di chỉ tiền sử ở Cam Túc (Hoa Bắc) và Ordos ở Nội Mông. Hai vị đã phát hiện nhiều di chỉ thời Ðồ Ðá Cổ. Hồi đó tên tuổi Teilhard được biết đến nhiều nhất vì ông đã tham gia cùng với nhiều nhà bác học quốc tế (mà có lúc ông đã là trưởng nhóm) phát hiện ra Người Tiền sử Bắc Kinh (Homme de Pékin hoặc Sinanthropus) ở di chỉ Zukudian (Chu khẩu điếm) ở phía Tây Nam Bắc Kinh. Teilhard đã góp phần chứng minh sinh vật tiền sử này là người đã biết sử dụng khí cụ để đẽo đá và biết sử dụng lửa (Homo faber) . Do đó, ngày nay Sinanthropus cũng có tên khoa học là Homo Erectus Pékinensis. Ước lượng người tiền sử Bắc Kinh sống cách nay từ 600 ngàn đến 200 ngàn năm. Teilhard de Chardin đã có bài giới thiệu về phát hiện này trên tập san nghiên cứu của Dòng Tên Les Études số tháng 7 và tháng 8 năm 1937.
Trong hai thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, Teilhard đã miệt mài nghiên cứu về địa chất, cổ sinh học và người tiền sử. Ông đã lập được bản đồ địa chất tổng thể Trung Quốc. Ông tham gia các cuộc thám hiểm khoa học với các nhà bác học Mỹ ở sa mạc Gobi. Ông cũng tham gia các cuộc du thám bằng xe hơi do hãng Citroen tổ chức xuyên qua lục địa Trung Quốc từ Tân Cương về Bắc Kinh (Croisière Jaune).
Vừa lấy Trung Quốc làm địa bàn hoạt động chính, ông vừa du hành nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu bổ sung và liên lạc với các nhà khoa học trên các lục địa Á, Phi, Mỹ …
Từ năm 1939, vì tình hình sức khỏe và chiến tranh, Teilhard sống ở Pháp.
Năm 1950, Teilhard được bầu vào Hàn lâm viện khoa học của nước Pháp. Ông để lại một sự nghiệp khoa học đồ sộ. Ông được tặng thưởng nhiều huy chương và bằng tiến sĩ danh dự của nhiều đại học trên thế giới. Nước Pháp nhìn nhận sự nghiệp của ông khi Bộ Ngoại giao Pháp tặng ông Danh Dự Bội Tinh (Légion d’Honneur) năm 1946.
Ðối với Giáo Hội, đóng góp rất lớn của Cha Teilhard là từ những tiến trình và tư duy khoa học đó ông đã nhìn thấy cả một chiều kích mới của đức tin. Tầm nhìn đó khi được chia sẻ đã giúp rất nhiều tâm hồn tìm ra những viễn cảnh mới mà Thần học cổ điển Kinh viện của thời Trung cổ và Cận đại không thể cung cấp. Đơn giản là vì khi Thần học cổ điển đó được xây dựng và hình thành thì người ở các thời đại đó chưa có ý niệm gì về lĩnh vực mới lạ và rộng lớn mà kiến thức tích lũy của nhân loại những thế kỷ sau này sẽ phát hiện, tức là lịch sử hình thành và tiến hóa của nhân loại. Teilhard chỉ cho ta một tầm nhìn tín lý và thần học khiến cho người thời đại trước đây có thể cảm thấy chật chội ít nhiều trong những khái niệm giáo khoa kinh viện phát hiện được một nguồn cảm hứng bất tận khiến cho đức tin và thần học gặp nhau như buồm gặp gió xuôi và mở ra trước mắt ta một cõi phong phú mênh mông mời gọi. (Về những vấn đề khó khăn mà Teilhard gặp phải trong tương quan với cơ quan kiểm duyệt thần học của Tòa Thánh Vatican cho đến Công Ðồng Vatican II, cũng như sự công nhận của Giáo Hội từ Công Ðồng đến nay với những phát hiện của ông, chúng tôi sẽ xin trình bày trong phần III của bài này).
Sau khi Teilhard qua đời năm 1955, các tác phẩm có tầm nhìn thần học của ông lần lượt đến với công chúng: Hiện tượng Con người (Le Phénomène Humain, 1995) ; Cảnh vực Thần linh (Le Milieu Divin, 1957, tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt trước năm 1975), Khoa học và Chúa Kitô (Science et Christ, 1965), Tôi tin như thế nào (Comment je crois, 1969); Thâm tâm Vật chất (Le coeur de la Matière,1976), cùng với nhiều tiểu luận khác. Ðặc biệt phải kể những trang văn cô đọng đầy tinh thần tôn thờ, cầu nguyện, chiêm niệm ông viết ở Ordos từ năm 1923: Thánh Lễ trên Thế giới (La Messe sur le Monde), tầm nhìn rất sâu sắc về mầu nhiệm Thánh Thể Chúa Giêsu ảnh hưởng bao trùm lên vũ trụ thế nào. Những tản văn này được sưu tập trong Vũ trụ ngợi ca (Hymme de l’Univers, 1961). Cũng phải kể đến rất nhiều thư từ ông trao đổi với những thân nhân, thân tín, có thể tìm thấy ở đây tự truyện tâm linh của tác giả, từ Thâm tâm Vật chất viết năm 1950, đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô viết ít lâu trước khi ông qua đời vào Lễ Phục Sinh năm 1955.
Teilhard là người có tài viết văn. Văn ông viết rất tinh anh, có cái chính xác của nhà khoa học, nhưng khi đi vào lĩnh vực ý nghĩa và tinh thần lại như mang nguồn thi hứng dồi dào, và đến khi đi vào lãnh vực đức tin huyền nhiệm thì rất bay bổng, tỏa sáng. Khi giới thiệu bản dịch Việt ngữ của Hiện tượng con người, giáo sư Phạm Toàn cũng đã nhận định đây là một tác phẩm “có nội dung quy mô, đồ sộ và một giọng văn hết sức nhã nhặn mà thuyết phục.”
(Còn tiếp)
Vũ Khởi Phụng, CSsR
Kỳ sau: Teilhard nói gì với ta trong Hiện tượng con người?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét