Trang

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Giải đáp phụng vụ: Các tín hữu có buộc làm dấu Thánh giá kép trước bài Tin Mừng không?

Giải đáp phụng vụ: Các tín hữu có buộc làm dấu Thánh giá kép trước bài Tin Mừng không?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Mới đây tôi đã nghe rằng một số cộng đoàn tu sĩ, chẳng hạn Dòng Cát Minh, không làm dấu Thánh giá kép trên trán, trên miệng và trên ngực khi thưa lời “Lạy Chúa, vinh danh Chúa, Gloria tibi, Domine", trước khi nghe đọc bài Tin Mừng trong Thánh lễ. Lý do là luật Dòng của họ xuất hiện trước khi người ta đưa việc làm dấu thánh giá vào phụng vụ. Trong luật chữ đỏ hiện nay của Novus Ordo, chỉ có linh mục hay thầy phó tế, bất cứ ai tuyên đọc Tin Mừng, được hướng dẫn làm dấu Thánh giá mà thôi. Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM) chỉ nhắc đến việc làm dấu Thánh gia ở ba số: số 134, khi một linh mục cử hành Thánh lễ mà không có thầy phó tế, hướng dẫn các tín hữu làm dấu Thánh giá. Số 175, khi một phó tế tuyên đọc Tin Mừng, không hướng dẫn các tín hữu làm dấu Thánh giá. Số 262, khi linh mục cử hành Thánh lễ chỉ có một người giúp, không nhắc đến việc làm dấu Thánh giá. Yếu tố cuối cùng của câu khó này: các từ ngữ mà chúng con được dạy nói kèm theo cử chỉ (ngoài chữ "Gloria tibi, Domine") là "Xin cho lời Tin Mừng ở trong tâm trí con, trên môi con, và trong trái tim con". Các chữ ở giữa, "trên môi con", có vẻ thích hợp về phụng vu cho thừa tác viên công bố Tin Mừng, nhưng liệu nó có thích hợp về phụng vụ cho cộng đoàn không? Liệu sự qui chiếu không là vào tai của các người nghe Tin Mừng sao? Liệu cử chỉ làm dấu Thánh giá này có là cần thiết cho cộng đoàn không, nếu không, tại sao chúng ta lại làm? - T. D., Madison, bang Wisconsin, Mỹ.


Đáp: Trong khi tôi không thể xác nhận từ sự hiểu biết riêng của mình về sự thực hành của các tu sĩ Cát Minh. Không có gì là bất thường khi các Dòng tu cổ có vài tập tục phụng vụ hợp pháp, vốn là khác với sự thực hành chung.

Như bạn đọc của chúng ta nêu ra, số 134 của Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma nhắc rằng các tín hữu làm dấu Thánh giá cùng với linh mục. Xin trích dẫn:

"134. Tại giảng đài, vị tư tế mở sách và chắp tay đọc: "Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum", dân chúng đáp: "Và ở cùng Cha, Et cum spiritu tuo", vị tư tế đọc tiếp: "Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Lectio sancti Evangelii.", đưa ngón tay cái làm dấu trên sách và trên mình, nơi trán, miệng và ngực, mọi người khác cũng làm như thế. Dân chúng tung hô nói: "Lạy Chúa, vinh danh Chúa, Gloria tibi, Domine ". Rồi vị tư tế xông hương sách Tin Mừng, nếu có xông hương (x. các số 277-278). Sau đó, vị tư tế công bố bài Tin Mừng, và cuối bài thì tung hô: "Ðó là Lời Chúa, Verbum Domini ", dân chúng đáp: "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa, Laus tibi, Christe". Vị tư tế hôn sách và đọc thầm: "Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, Per evangelica dicta " (bản dịch Việt ngữ của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Sự chỉ dẫn làm dấu Thánh giá bị bỏ qua, khi nói về thầy phó tế trong số 175, không có nghĩa là dân chúng cũng bỏ qua việc làm dấu Thánh giá. Nó chỉ có nghĩa rằng không cần phải lặp lại một chỉ dẫn vốn đã rõ ràng rồi.

Đối với trường hợp một linh mục cử hành Thánh lễ chỉ có một người giúp, số 262 nói: " Ðoạn vị tư tế cúi mình đọc "Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy, Munda cor meum", rồi đọc bài Tin Mừng. Kết bài ngài nói: "Ðó là Lời Chúa, Verbum Domini ", người giúp thưa: "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa, Laus tibi Christe ". Vị tư tế hôn sách và đọc thầm: "Nhờ những lời Tin Mừng, Per evangelica dicta" (bản dịch như trên).

Phải thẳng thắn nói rằng thật là chưa rõ ràng liệu đoạn này ngụ ý rằng linh mục đơn giản đọc Tin mừng theo cách bình thường đã được mô tả hai lần trước đó, hoặc liệu ngài phải bỏ qua việc làm dấu kép trước khi đọc Tin Mừng. Việc giải thích thứ hai chắc là xa lạ, vì các lời chào ít ý nghĩa hơn với người giúp lệ lại được đưa vào. Tương tự như vậy, không có chỉ dẫn về cách thức bắt đầu bài Tin Mừng như thế nào mà không có việc làm dấu Thánh giá kép. Sẽ là ngớ ngẩn khi người đọc sách đọc “Trích sách ngôn sứ X…”, còn linh mục bỏ qua lời dẫn vào Tin Mừng. Do đó, tôi cho rằng linh mục cứ vẫn đọc câu dẫn vào Tin Mừng bình thường, và làm dấu Thánh giá kép.

Thật đáng nêu ra rằng việc số 134 chỉ dẫn cho dân chúng làm dấu Thánh giá kép là một điểm mới của ấn bản thứ ba của Sách lễ Rôma. Nó không được tìm thấy trong số 95 tương ứng của Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma trong thập niên 1970, mà trong đó cử chỉ làm dấu Thánh giá chỉ qui định cho thừa tác viên đọc Tin Mừng mà thôi. Khi nêu ra chỉ dẫn này, Sách Lễ chỉ đơn giản nhìn nhận một tập quán vốn đã trở thành phổ biến nơi các tín hữu trong nhiều thế kỷ.

Nguồn gốc của việc làm dấu Thánh giá trên trán và trên ngực là do người Frank hoặc người Đức, và nó có thể du nhập vào phụng vụ Rôma trong khoảng giữa các năm 800 và 1000. Việc làm dấu Thánh giá trên môi được đưa vào trễ hơn, nhưng không rõ là khi nào cách này trở thành một sự thực hành tiêu chuẩn.

Người ta có thể bắt đầu bắt chước cử chỉ của linh mục hay thầy phó tế ở một số điểm. Dường như không ai biết là nó diễn ra từ khi nào, nhưng tôi mạo muội đoán rằng chỉ sau khi phụng vụ Rôma được hoàn toàn thống nhất tiếp theo sau Công đồng Trentô. Sự thực hành này có thể được củng cố bởi các giáo lý viên dạy cho thiếu niên các cử chỉ trong Thánh lễ.

Do lịch sử như thế, bất kỳ ý nghĩa thiêng liêng nào gắn liền với các cử chỉ là cũng có nguồn gốc trễ hơn. Điều này không có nghĩa rằng chúng là tưởng tượng hay không có cơ sở trong sự thật, nhưng nó có nghĩa rằng chúng không nhất thiết là các giải thích duy nhất có thể được. Chúng cũng chia sẻ trong ý nghĩa chung của dấu Thánh giá, như là việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và việc cứu chuộc qua Thánh Giá.

Một ý nghĩa được gợi ý bởi các lời cầu nguyện, mà linh mục đọc trước và sau khi tuyên đọc Tin Mừng. Trước khi đọc Tin Mừng, linh mục cúi mình trước bàn thờ và thầm thỉ cầu nguyện: " Lạy Thiên Chúa Toàn năng, xin tẩy sạch tâm hồn và miệng lưỡi con, để con có thể công bố Tin mừng của Chúa cho xứng đáng” (bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc HĐGMVN). Các ý này cũng có trong việc chúc lành cho thầy phó tế: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và miệng lưỡi con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin mừng của Chúa, nhân Danh Cha, + và Con, và Thánh Thần” (bản dịch như trên). Sau bài Tin Mừng, linh mục hay thầy phó tế hôn sách Tin Mừng và cầu nguyện: "Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con” (bản dịch như trên).

Bằng cách này, khi làm dấu Thánh giá kép, các tín hữu xin Thiên Chúa chúc phúc cho tâm trí và trái tim họ, để họ sẽ chấp nhận, ôm trọn sứ điệp Tin mừng vừa được tuyên đọc bởi linh mục hay thầy phó tế, và đến phiên họ, họ sẽ tự công bố sứ điệp qua đôi môi và đời sống của họ.

Dấu Thánh giá cũng là một lời tuyên xưng đức tin rằng lời chúng ta đã tiếp nhận là thật sự lời của Chúa Kitô. Thật vậy, chính Chúa Giêsu nói với chúng tôi, và chúng ta muốn rằng ngài chiếm hữu toàn thể con người ta, tư tưởng, lời nói, tình cảm và việc làm chúng ta.

Có thể có các diễn giải khác cho cử chỉ làm dấu Thánh giá này, nhưng như thế là đã đủ để cho thấy rằng ngay cả một cử chỉ đơn giản như việc làm dấu Thánh giá có thể chứa ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc hơn. (Zenit.org 26-8-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét