BẢN GHI NHỚ: NHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ - Điều 3
BẢN GHI NHỚ
NHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ
(tiếp theo)
YÊU CẦU I
Nhìn lại nội dung của việc dạy giáo lý: vai trò riêng biệt của việc dạy giáo lý là tỏ cho biết Chúa Giêsu Kitô là ai – về đời sống và mầu nhiệm của Người – cũng như trình bày đức tin Công Giáo như là việc bước theo Người (HDTQ 41).
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 120-123
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “điểm quy chiếu để giáo lý viên trình bày một cách chính thống nội dung đức tin” (120), vì sách giáo lý này “trình bày một cách có hệ thống và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của đạo lý công giáo về mặt đức tin cũng như về mặt luân lý, dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và toàn bộ Truyền thống của Hội Thánh” (121). Sách này “xoay quanh bốn chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu: tuyên xưng đức tin, cử hành phụng vụ, đời sống luân lý theo Tin Mừng và việc cầu nguyện” (122). Bốn chiều kích này đều phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô “là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), đường dẫn chúng ta tới đời sống mới trong Ba Ngôi Thiên Chúa (123).
TH.NVTM 164
Trên môi miệng người dạy giáo lý, lời rao giảng tiên khởi phải không ngừng vang to: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn.” Lời rao giảng đầu tiên này được gọi là “đầu tiên” không phải vì nó xuất hiện lúc ban đầu và rồi có thể bị lãng quên hay thay thế bằng một cái gì quan trọng hơn. Nó là đầu tiên theo nghĩa phẩm tính vì nó là lời rao giảng chính, lời rao giảng mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, phải loan báo bằng cách này hay cách khác trong suốt tiến trình huấn giáo, ở mọi cấp độ và mọi thời điểm... Vị trí trung tâm của Lời rao giảng đầu tiên đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta; nó không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúc âm.
TIÊU CHÍ
- dạy tín lý
- dạy phụng vụ
- dạy luân lý
- dạy cầu nguyện
- dạy cả bốn nội dung trên.
Nhìn lại mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý: tiếp xúc và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 80-81
Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. Kết hợp nhờ biết rõ hơn về CGS, về mầu nhiệm, giáo huấn và sứ vụ của Ngài; yêu mến, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, và nhờ Ngài, kết hợp với Ba Ngôi.
TH.NVTM 7
Tôi không bao giờ thấy chán khi lặp lại lời của Đức Bênêđictô đưa chúng ta vào chính tâm điểm của Tin Mừng: “Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.
TIÊU CHÍ
- gắn bó với CGS nhờ hiểu biết đức tin,
- gắn bó với CGS nhờ cầu nguyện và tham dự phụng vụ,
- gắn bó với CGS nhờ tuân giữ các giới răn,
- gắn bó với CGS nhờ tham gia đời sống cộng đoàn,
- gắn bó với CGS nhờ tham gia sứ vụ truyền giáo.
Nhìn lại vai trò khai tâm của việc dạy giáo lý, bao gồm việc dẫn vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ và đời sống bác ái cũng như tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.
GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 51, 55, 59.
Những người được ân sủng thúc đẩy và quyết định đi theo Chúa Giêsu thì “được dẫn vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ, và đời sống bác ái của Dân Thiên Chúa. Hội Thánh thực hiện nhiệm vụ này, chủ yếu nhờ việc dạy giáo lý, kết hợp chặt chẽ với các bí tích khai tâm mà họ đã hay sẽ lãnh nhận (51).
Đức tin bao hàm một sự thay đổi đời sống, một “metanoia”, nghĩa là một biến đổi sâu xa lòng trí dẫn người tin đến “một cách hiện hữu mới, một cách sống mới, một cách sống chung mới mà Tin Mừng đã khởi xướng”. Sự thay đổi này được biểu lộ trên mọi lãnh vực của đời sống người kitô hữu, trong đời sống nội tâm là tôn thờ và đón nhận thánh ý Chúa; trong sự tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh; trong đời sống hôn nhân và gia đình; trong đời sống nghề nghiệp; trong mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội (55).
Việc dạy giáo lý, nằm trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh và được coi là “thời điểm” chính yếu, nó kín múc trong việc Phúc Âm hóa động lực truyền giáo đã đem lại cho nó sự phong phú nội tại và căn tính đặc thù. Nên tác vụ giáo lý là việc phục vụ căn bản của Hội Thánh trong việc hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu” (59).
TIÊU CHÍ
- dẫn người ta đến việc gắn bó với CGS và ước muốn đi theo Ngài: hoán cải - chọn lựa căn bản của người môn đệ,
- dẫn người ta đến việc tuyên xưng đức tin, nghĩa là giúp họ nhận biết đức tin và tập sống đời kitô hữu: thay đổi dần não trạng và thói quen, biết từ bỏ và phấn đấu, thưởng nếm niềm vui Tin Mừng Chúa ban,
- dẫn người ta đến việc tuyên xưng đức tin sống động, minh nhiên và hiệu quả: sống động nhờ học biết Chúa Giêsu và kế hoạch của Chúa Cha bằng cách trau dồi kiến thức Thánh Kinh và Thánh Truyền; minh nhiên nhờ tích cực tham gia phụng vụ và tuân giữ các điều răn (85); hữu hiệu nhờ tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh,
- dẫn người ta đến sự trọn lành: tìm cách làm cho ước muốn của CGS thành của mình “Hãy nên trọn lành như Cha các ngươi ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48),
- dẫn người ta đến việc tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh: biết hiện diện với tư cách là người Kitô hữu trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội, đồng thời dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng và hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác (x. HDTQ 56 & 86).
Tác giả: Ban Giáo lý Toàn quốc
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét