THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ
HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Dẫn nhập
Tính dục là một chiều kích quan trọng và mầu nhiệm của đời sống chúng ta. Thời đại ngày nay người ta để nó “lộ” ra nhan nhản có khi đến mức trơ tráo và bão hòa. Nhiều nhà tư tưởng gọi tính chất của văn hóa thời nay là một thứ “phiếm tính dục” (“Pan-sexualism”), nghĩa là nhìn ở đâu cũng thấy nó xuất hiện, và xu hướng nhìn mọi sự qua lăng kính “dục tính” (libido) ngày càng gia tăng kể từ Sigmund Freud. Xem ra trong cuộc sống xã hội và văn hóa ngày nay, tính dục bị lạm dụng chỉ để phục vụ cho sự tìm kiếm khoái lạc ích kỉ. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã trả lời cách tuyệt vời cho hoàn cảnh mới đó của ngày hôm nay. Ngài đã đặt tính dục trở lại trong bối cảnh sâu rộng hơn của thần học về thân xác.Chỉ dưới ánh sáng của các kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy và các phẩm chất đích thật của thân xác con người, chúng ta mới hi vọng hiểu được ý nghĩa và giá trị của tính dục, cùng các hành động gắn liền với nó. Nếu bị bứng khỏi bối cảnh đích thực của nó, tức trong tương quan lành mạnh, bền vững và trên cơ sở một sự dấn thân nào đó, tính dục sẽ chỉ còn là một thứ đồ chơi đơn thuần.
I. Các kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy
Dựa trên hai chương đầu của sách Sáng thế, đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đưa ra ánh sáng ba kinh nghiệm nguyên thủy của con người trước cả tội nguyên tổ, là: «sự đơn độc nguyên thủy», «sự hợp nhất nguyên thủy», «sự trần truồng nguyên thủy». Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là: con người lịch sử chúng ta cũng có thể có được những kinh nghiệm này, chính vì Đức Kitô đã ban cho chúng ta. Tuy nhiên, kinh nghiệm gắn liền với tội nguyên tổ xem ra quen thuộc với chúng ta hơn, vì chúng ta đã phạm tội và vẫn còn phạm tội và nhiều thiếu sót.Thế nhưng, qua Thần học về thân xác đức Gioan-Phaolô II giúp ta hiểu rằng chúng ta có thể có được một kinh nghiệm tích cực về sự đơn độc, về sự hợp nhất, về sự trần truồng. Đó là điều Đức Kitô ước muốn cho chúng ta. Người muốn chúng ta trở về lại với cái “thuở ban đầu”, để có thể khám phá ra ý nghĩa đích thật của thân xác và tính dục con người, tức ý nghĩa của sự sống.
1. Sự đơn độc nguyên thủy: khám phá đầu tiên về “Ngã vị tính”
Sự đơn độc nguyên thủy của con người mang hai nghĩa.
Thứ nhất, con người cô độc trước Thiên Chúa, hay độc đáo trước mặt Thiên Chúa. Mối tương quan của con người với Chúa là duy nhất. Con người cũng được Thiên Chúa tạo dựng như các loài khác, nhưng chỉ con người mới có thể “nghe” và “nói chuyện” với Ngài. Chúng ta đứng trước nhan Ngài, mỗi người một cách duy nhất hiện diện trước mặt Ngài. Khác với muôn loài, chúng ta có thể quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài. Nhờ “sinh khí” của Thiên Chúa (x. St 2,7) thổi vào, con người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, trần thế và chính mình. Một số loài vật cũng có khả năng nhận biết trong chừng mực nào đó, như những con vật cưng như chó nuôi trong nhà chẳng hạn, nhưng rất giới hạn. Còn con người, với tư cách là người, chúng ta biết được rằng mình biết, tức là ta có ý thức rằng mình biết, chúng ta có khả năng suy tư trên các sự kiện và ý nghĩa của chúng. Chính từ đó, con người ý thức mình tự phát triển như những ngã vị (persons). Con người “cô đơn” vì con người là thọ tạo có xác thân duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh, họa ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26). Con người thì “cô đơn” trong thế giới hữu hình này, xét như vì mình là một ngã vị. Khi Ađam (con người) đặt tên cho các loài vật, ông cũng khám phá ra “tên” của mình, khám phá ra căn tính của mình. Ông đã đi tìm một “trợ tá”, nhưng không tìm ra “ai” cả trong số các loài vật mà ông đặt tên (x. St 2,20). Con người thì khác với các con vật. Nhưng khác ở chỗ nào? Nói cách vắn tắt, đó chính là tự do. Con người không xác định mình bởi yếu tố bản năng thân xác. Con người được tạo dựng từ “bụi đất” như các loài vật (con người có xác), nhưng họ cũng có “sinh khí” làm cho họ trở nên một sinh vật. Một xác có sinh khí không chỉ là một thân xác nhưng là một “ai đó”. Một người có thể chọn lựa tự do làm gì tùy ý đối với thân xác mình. Loài chỉ là bụi đất thì không thể làm được như vậy. Tự do được ban cho con người để biết yêu thương. Nó có thể dẫn tới hủy diệt và chia rẽ, thế nhưng nó có là để ban trao sự sống và tạo lập tình hiệp nhất. Nó là chọn lựa của chúng ta.
Thứ hai, ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy của con người còn được hiểu như là cá nhân từng con người là độc đáo nhưng còn có cái gì đó chưa ổn. “Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2,18). Chính Thiên Chúa thấy điều đó trước hết. Con người cần một “trợ tá” tương xứng với mình để có thể “biết” mình đầy đủ hơn. Con người không là một vật nhưng là một chủ thể sống tương quan. Là một chủ thể liên vị. nhận thấy rằng mình không giống các loài vật vì mình được mời gọi bước vào một “giao ước tình yêu” với chính Thiên Chúa. Chính mối quan hệ tình yêu với Chúa đó xác định sự “đơn độc” của Ađam hơn bất cứ điều gì khác. Khi nếm vị ngọt tình yêu ấy, Ađam cũng ước mong toàn thể con người mình được cùng sẻ chia giao ước tình yêu này với một ngã vị khác giống như mình vậy. Đó là lý do tại sao “con người ở một mình thì không tốt”. Bởi thế, từ trong nỗi cô đơn của mình, con người đã khám phá ra được ơn gọi hai mặt của mình: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận (Mc 12,29-31). Sự đơn độc là khám phá đầu tiên của ngã vị tính mà tương quan là một yếu tố cấu thành của nó. Là tinh thần, nhưng ngã vị lại được “kinh nghiệm” nơi thân xác. Như đức Gioan-Phaolô nói «thân xác diễn tả ngã vị (con người)»[1].
2. Sự hợp nhất nguyên thủy: hiệp thông các ngôi vị
Ađam bị mê hoặc bởi xác thân của nàng, bởi lẽ, như đức Giáo hoàng cho thấy, cái “phen này” là một thân xác biểu lộ một con người ngã vị. Mọi con vật ông đã đặt tên là những thân xác, nhưng không phải là nhân vị. Trong tiếng Hípri, “thịt” và “xương” (basar) chỉ toàn thể con người. Bởi thế, việc tạo dựng người nữ từ một trong những chiếc xương của người nam là cách diễn tả bóng bẩy của sự kiện cả hai tham dự cùng một nhân tính. Cả hai đều là những nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cả hai “đơn độc” trong thế giới theo nghĩa họ khác biệt với các loài vật (sự đơn độc nguyên thủy). Cả hai được kêu gọi để sống trong một giao ước tình yêu. «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt» (St 2,24). Kinh nghiệm kết hợp này giúp con người chiến thắng nỗi cô đơn. Sự kết hợp nên “một xương một thịt” nơi con người thuộc một thế giới khác hẳn với sự giao cấu của các loài vật. Vậy sự khác biệt chủ yếu ở điểm nào? Phải nói là, trông bên ngoài tức chỉ nhìn trên bình diện sinh học, thì hai bên giống nhau, thế nhưng sự kết hợp tình dục nơi con người không chỉ là một thực tại sinh học. Đó còn là một thực tại tâm linh vàthần học. Thân xác con người là để mạc khải và thông dự vào huyền nhiệm tình yêu thần linh. «Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần»[2]. Loài vật không có khả năng «hiệp thông tinh thần» này vì chúng không phải loài thuộc linh (spiritual). Phận “cát bụi” hay vật chất của loài vật không được “thần hứng” (in-spired) nghĩa là không có hơi thở Thần Khí. Chúng không được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Kết hợp nên “một xác thịt” không chỉ muốn nói đến sự giao cấu của hai thân xác (như các loài vật) nhưng là «một biểu lộ ‘bí tích’ của sự hiệp thông các ngôi vị»[3]. Thân xác con người là bí tích. Thân xác con người khiến mầu nhiệm Thiên Chúa vô hình, Đấng là chính sự Hiệp Thông các Ngôi Vị (Cha, Con, và Thánh Thần) và bản thể Ngài là Tình Yêu, trở nên hữu hình. Thiên Chúa không thể ban cho ái tình một mục đích và một phẩm giá nào cao cả hơn thế. Sự kết hợp vợ chồng nhằm một cách nào đó trở thành biểu tượng của đời sống nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa ! Nếu chúng ta mà hiểu được chân lí độc đáo này và suy tư về điều ấy, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn tính dục con người theo cùng một cung cách như trước. Xin hãy nhớ rằng: Thiên Chúa không bị phân giới tính. Hình bóng ở thế gian thì mờ nhạt so với những thực tại trên trời. Thế nhưng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người chúng ta lại có giới tính và kêu gọi ta đi vào hiệp thông để nên như là một mạc khải đệ nhất, theo nghĩa nguyên thủy và căn bản, cho mầu nhiệm riêng Người, ở trong thế giới tạo thành này. Đây chính là điều mà đức Giáo hoàng muốn nói khi ngài mô tả hôn nhân như là «bí tích đệ nhất». Toàn thể thực tại đời sống hôn nhân dĩ nhiên là một bí tích. Nhưng “mầu nhiệm cao cả” này không nơi nào thể hiện rõ ràng hơn khi hai người vợ và chồng nên một “xác thịt”.
3. Sự trần truồng nguyên thủy: Chìa khóa để hiểu kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa
Một người phụ nữ cảm thấy không cần phải che thân thể mình khi tắm rửa một mình trong phòng tắm. Nhưng nếu có một người đàn ông lạ đột nhiên đi vào nhà tắm, cô ta sẽ thấy xấu hổ. Tại sao vậy? “Xấu hổ” theo nghĩa này, như đức giáo hoàng giải thích, là hình thức tự bảo vệ không để mình bị biến thành một đồ vật thỏa mãn khoái cảm dục tính cho ai khác. Trường hợp của người phụ nữ này chẳng hạn, cô ấy biết rằng mình không bao giờ muốn để bị đối xử như một “đồ vật” ai muốn đá tưng đi đâu thì đá. Kinh nghiệm dạy cho nàng biết rằng những người đàn ông (do lòng thèm muốn bởi tội nguyên tổ mà ra) thường có xu hướng đối xử với thân xác người phụ nữ như một đồ vật. Bởi thế, người phụ nữ che thân thể mình lại không phải vì nó “xấu” hay “đáng xấu hổ”. Nàng che mình lại để bảo vệ phẩm giá của mình không bị xúc phạm bởi một “ánh mắt đầy dục vọng” của kẻ xa lạ - một ánh nhìn thiếu tôn trọng phẩm giá ngôi vị do Thiên Chúa ban. Ngược lại, trong tình trạng vô tội nguyên thủy Ađam và Evà có kinh nghiệm về sự trần truồng mà không biết xấu hổ. Khi ấy dục vọng (sự thèm muốn dục tình tự tìm kiếm thỏa mãn) chưa lẻn vào tâm hồn con người. Bởi thế, hai ông bà tổ tông của chúng ta dẫu trần truồng cũng cảm thấy không có cái phản vệ khi đứng trước mặt người khác, bởi lẽ cái nhìn của người kia hoàn toàn không chút đe dọa đến phẩm giá của mình. Đức Giáo hoàng diễn tả cách thơ mộng, họ «nhìn nhau và thấu hiểu nhau… với ánh mắt tâm hồn tràn đầy bình an»[4]. “Ánh mắt tâm hồn” này không chỉ là cái nhìn của một thân xác thuần túy nhưng là cái nhìn của một xác thân con người biểu lộ ra một tâm hồn mầu nhiệm. Họ nhìn thấy ý định yêu thương của Thiên Chúa khắc ghi trong xác thân trần truồng của họ và đó chính là điều mà họ khát vọng – đó là yêu thương như Thiên Chúa yêu thương trong và qua thân xác của họ. Và như thế trong tình yêu không hề có sự sợ hãi (xấu hổ). «Tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi» (1Ga 4,18). Đó là lý do ta hiểu tại sao «trần truồng mà không xấu hổ» là chiếc chìa khóa để hiểu kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc sống của chúng ta. Vì nó mạc khải chân lý nguyên thủy của tình yêu. Hiểu thấu đáo hơn nữa điều này, ta thấy rằng “thuở ban đầu” Thiên Chúa đã tạo dựng khát vọng tính dục như là chính sức mạnh để yêu thương như Ngài yêu thương, bằng cách trao ban chính mình trong sự tự do, chân thành và toàn vẹn. Đó là điều mà đôi vợ chồng đã kinh nghiệm như được mô tả trong sách Sáng thế.Khát vọng tính dục khi ấy không được sống như một xung năng hay bản năng nhằm tìm sự thỏa mãn ích kỷ của con người.
Vì người đàn ông và người đàn bà đầu tiên “hoàn toàn được phủ đầy” bởi tình yêu Thiên Chúa, nên họ hoàn toàn tự do và trở thành tặng phẩm cho nhau. Họ «tự do bởi chính cái tự do của tặng phẩm trao hiến» như đức Giáo hoàng đã nói[5]. Chỉ có người tự do không bị nô lệ cho những xung năng của dục vọng mới có thể trở nên một “tặng phẩm” thực sự cho người khác. «Tự do của tặng phẩm» bấy giờ trở thành tự do để chúc lành, là tự do không bị khống chế của xung năng (hay sự thúc bách) của tham lam chiếm hữu. Chính sự tự do này giúp đôi vợ chồng đầu tiên «trần truồng mà không thấy xấu hổ». Họ như được tham dự vào cái nhìn đó của Thiên Chúa. Họ biết sự thiện hảo của họ. Họ biết kế hoạch yêu thương tuyệt vời của Thiên Chúa. Họ thấy kế hoạch đó được ghi tạc trong thân xác của họ và họ kinh nghiệm nó nơi khát vọng của họ hướng về nhau.
Chúng ta đã đánh mất cái nhìn tuyệt vời này khi tội lỗi xuất hiện. Nhưng ta đừng quên «Đức Giêsu đã đến trả lại cho thụ tạo tình trạng tinh tuyền nguyên thủy của chúng»[6]. Điều này sẽ chưa nên trọn cho tới khi Nước Trời đến, tuy nhiên qua ơn cứu chuộc, chúng ta có thể bắt đầu phục hồi điều đã mất ngay từ đời này.
II.Các phẩm chất của thân xác nhân vị
1. Thân xác con người có tính «biểu tượng»
Nói thân xác con người có tính biểu tượng tức là nói nó có đặc tính đưa trả về thế giới bên kia thân xác. Thân xác thì hữu hình và khía cạnh thể lí và vật chất của nó có một ý nghĩa và một nội dung chắc chắn nào đó. Thân xác vật lí hữu hình của con người hướng đến bờ bến thiêng liêng và vô hình bên kia của nhân vị. Khi ta nghĩ đến một người bạn, ta không chỉ nghĩ đến thân xác người bạn ấy, mà nghĩ đến chính ngưới ấy, đến cá tính người ấy, đến khả năng trí tuệ tinh thần của người ấy,.... Nói cách khác, ta nghĩ đến thực tại thiêng liêng và vô hình của người ấy. Linh hồn là chiều kích sâu xa nhất của con người, là cái nguyên lí thiêng liêng của con người. Nó là cội nguồn của sự thống nhất hữu thể nơi ta. Nói thân xác con người có tính biểu tượng, có nghĩa là nói có một nguyên lí sự sống trong ngã vị của ta không thấy được. Chúng ta khác các con vật ở chỗ đó. Chúng ta sống trong thế giới biểu tượng, còn con vật chỉ sống trong thế giới thực chứ không sống trong thế giới biểu tượng. Con vật có xác nhưng chúng không một có linh hồn thiêng liêng như ta. Con người vừa hữu hình vừa vô hình, và chúng ta kết hợp hai chiều kích này trong cách ta tư duy, trong hành động và trong lời nói của ta, nói tắt là, trong toàn thể đời sống của ta. Con người là một «ngã-vị-với-xác-thân» (body-person). Thân xác thì ở trong thời gian và không gian, linh hồn thì ở trong vĩnh cửu. Chúng ta sống trong cả hai thế giới này. Đó là nét đặc thù của riêng chúng ta xét như là con người.
Chúng ta hằng ngày sống trong thế giới biểu tượng nhưng ít khi ý thức và suy nghĩ về điều đó. Thử xét việc sống thường xuyên nhờ các giác quan, tất cả chúng đều mang một ý nghĩa thể lí lẫn thiêng liêng hay tinh thần. Xúc giác, chẳng hạn, rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày. Không có nó ta không thể lái xe được. Nhưng cũng nhờ nó chúng ta mới có thể trao đổi tình cảm yêu thương. Những người yêu âu yếm nhau, người mẹ vuốt ve nựng con thơ đều nhờ xúc giác. Sờ chạm vuốt ve của xúc giác biểu thị tình yêu: khi một người xúc chạm một ai khác truyền cảm xúc của tình yêu, thì xảy ra một cái gì đó vô hình nhưng rất thực. Tình cảm được chuyển tải qua xúc giác. Nhờ thính giác, tai ta nghe những thanh âm ý nghĩa bởi trong thâm tâm ta quan tâm và chú ý những gì “người kia” muốn nói với ta. Đó cũng là một biểu tượng của tình yêu. Tính biểu tượng của cõi nhân gian lộ rõ hơn nữa bởi mặt kia của sự cô đơn nguyên thủy. Ađam không thấy có ai trong vô số loài trong tạo thành của Chúa mà thân xác giống như của mình. Ông không thể tạo lập được giao tiếp xã hội với chúng, mà chỉ có Eva. Cái khác biệt này là một cách khác nữa cho Ađam kinh nghiệm bản tính biểu tượng của xác thân con người. Thân xác các loài vật cũng là thân xác, nhưng chúng không thể là biểu tượng như thân xác của con người vốn làm hiện diện toàn thể ngã vị, cả phần hữu hình lẫn vô hình.
2.Thân xác con người có tính hôn phối
Thân xác đàn ông và thân xác đàn bà khác biệt nhau. Đàn ông thì cường tráng, có sức vóc mạnh mẽ hơn. Cơ thể phụ nữ thì mỏng manh, mềm yếu hơn. Họ cũng khác biệt về tính dục. Cơ quan sinh dục của đàn ông thì ở ngoài, trong khi của phụ nữ thì ở trong. Chúng được tạo dựng để dành cho nhau. Đàn ông đi vào trong cơ thể của đàn bà, đàn bà thì tiếp nhận ông. Họ nên «một xương một thịt». Khi nói thân xác con người có tính hôn phối, đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô muốn nói rằng chúng được tạo dựng nên cho tình yêu, để sống tương giao. Đó là một hệ luận của bản tính biểu tượng của thân xác con người. Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng. Như vậy, khi vợ chồng giao hoan, họ làm thế trong tư thế của thụ tạo mang tính biểu tượng. Họ âu yếm trên da thịt, trao đổi với nhau những lời yêu thương, bằng cách ấy họ thông truyền tình yêu cho nhau. Như thế, giao hoan là một hành động vừa tuyệt diệu vừa mầu nhiệm. Đó không phải là một thứ “thể thao ngẫu hứng trong nhà”. Vì xác thân con người có tính biểu tượng và hôn phối, cho nên khi một người đàn ông và một người đàn bà diễn tả tình yêu của họ trong quan hệ tình dục, đó là họ thông giao, tức là trao đổi với nhau. Nói cách khác, thân xác con người có một ngôn ngữ, quả thật, đó là ngôn ngữ của tính dục. Như đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô nói, tính dục là một dạng ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo. Tính dục là ngôn ngữ của thân xác.
Trong tình trạng trần truồng của mình, người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên đã khám phá ra điều mà Đức Giáo hoàng gọi là «ý nghĩa hôn phối của thân xác». Tình yêu hôn nhân là tình yêu hiến thân trọn vẹn. Bởi thế, ý nghĩa hôn phối của thân xác là «khả năng diễn tả tình yêu: là chính tình yêu mà trong đó ngã vị trở thành một tặng phẩm và – nhờ tặng phẩm ấy - con người thực hiện trọn vẹn chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của mình»[7]. Sự khác biệt giới tính tỏ lộ một kế hoạch không thể lầm lẫn của Thiên Chúa trong đó thân xác của người nam và người nữ có ý nghĩa là tặng phẩm dành cho nhau. Nhưng không chỉ có thế, việc họ dâng hiến cho nhau, theo tiến trình bình thường tự nhiên, sẽ dẫn đến một “kẻ thứ ba”. Như đức Gioan Phaolô II đã diễn tả, hành động «biết» dẫn đến sinh sản: «Ađam biết vợ mình và sau đó bà đã mang thai» (St 4,1). Việc làm cha và làm mẹ là chóp đỉnh và đồng thời mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tính dục. Chỉ thị đầu tiên của Thiên Chúa trong Sáng thế là «Hãy sinh sôi nảy nở» (St 1,28). Đó không chỉ là một mệnh lệnh truyền sinh, nhưng còn là tiếng gọi hãy yêu thương theo hình ảnh của Thiên Chúa và như thế «làm cho chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của chúng ta nên trọn vẹn».
3. Thân xác con người thì tự do, nhưng đồng thời cũng trong tình trạng sa ngã
Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.
Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: «Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu» (Kn 1,13-14). Một hậu quả khác của tội nguyên tổ là dục tình dâm loạn. Một người đàn ông có thể đem lòng thèm muốn một người đàn bà. Người ấy có thể chỉ xem người đàn bà như một món đồ chơi để thỏa khoái lạc dục vọng trong chốc lát, rồi bỏ. Có thể người ấy nhìn một người phụ nữ chỉ ở vẻ đẹp thể chất với ánh mắt nhục cảm, mà không chạm tới ngã vị vốn vô hình của một chủ thể. Nói cách khác, tội lỗi ngăn trở chúng ta hiểu thân xác con người thuộc phạm trù biểu tượng. Ta có thể thấy rất nhiều thí dụ minh họa cho cái nhìn phiếm diện nô lệ đó trong thế giới ngày nay. Truyền hình, báo chí, các trang mạng toàn cầu rao rảo phơi bày bao nhiêu hình ảnh – nhất là của phụ nữ - tôn vinh chỉ duy chiều kích thể lí của xác thân con người. Chúng phản bội sự thật của nhân vị.
4. Thân xác con người được cứu chuộc
Thật ra, sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cuộc sống của chúng ta trở nên còn tốt hơn cả lúc nguyên tổ chưa phạm tội. Từ nay, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử. Chúa Cha đã sai Con mình đến trần gian. Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã trở nên hữu hình. Hơn nữa, vì Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giờ đây ta có thể sờ chạm, nếm hưởng, cảm nghe được tiếng Ngài. Thật tuyệt diệu đến không thể tin được! Tội lỗi của chúng ta được tẩy sạch, cuộc sống của chúng ta được khôi phục lại và chúng ta được nâng lên sống một đời sống mới với Đức Kitô.
Tóm lại, khởi đi từ các kinh nghiệm nguyên thủy và kinh nghiệm tội nguyên tổ, chúng ta có thể hiểu được rằng thân xác con người vốn có tính biểu tượng và hôn phối, thân xác ấy vốn tự do nhưng là một thân xác đã ở trong tình trạng sa ngã nhưng đã được Đức Kitô cứu chuộc. Thân xác làm cho toàn thể ngã vị được hiện diện. Chúng ta là những tạo vật «mang tính biểu tượng». Và từ đó ta biết, thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn. Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao. Vả lại, thân xác chúng ta tự do nhưng đã bị thương tổn. Cuối cùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta ý thức sâu sắc rằng thân xác chúng ta, con người chúng ta được cứu chuộc. Biết và yêu mến Đức Kitô, cụ thể, sẽ giúp ta bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy, từ đó có thể biết bản thân mình sâu hơn và biết cuộc sống mình sẽ như thế nào.
III. Hoạt động tính dục dưới ánh sáng của Thần học về thân xác
Chính trong bối cảnh đó mà Đức Giêsu dẫn đưa các thính giả về với “thuở ban đầu”. Người tái khẳng định chân lí về hôn nhân. Theo gương Đức Kitô, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trở về với “thuở ban đầu” khi thảo ra thần học về thân xác của ngài. Khởi đi từ đó, ngài rút ra và kết nối ba kinh nghiệm nguyên thủy trước tội nguyên tổ. Những kinh nghiệm đó giúp ta nhận ra các phẩm chất cơ bản của thân xác con người. Từ đó, ta hiểu được tại sao hôn nhân là một giao ước.
1. Hôn nhân như là một giao ước và sự li dị
Giao ước mới và vĩnh cửu này được kí kết không phải bằng mực mà bằng máu. Các bên trao đổi với nhau không bằng những hiện vật nhưng bằng những nhân vị. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài và đáp lại Ngài yêu cầu chúng ta trao hiến sự sống của chúng ta cho Ngài.
Nhớ lại những lời trong sách Sáng Thế. Ađam, tức con người, khi thấy người đàn bà, thay đổi triệt để cuộc sống mình. Con người gắn bó với vợ mình. Cả hai kết hợp với nhau và nên một xương một thịt. Nói cách khác, họ thiết lập một giao ước. Họ đón nhận nhau và trao hiến bản thân cho nhau. Họ không trao đổi «một cái gì đó» mà trao ban cho nhau tất cả. Tặng phẩm trao hiến là chính bản thân họ, toàn thể ngã vị.
Chính từ đó, người chồng và người vợ thiết lập giữa họ với nhau một sợi dây liên kết không thể phân li. Hôn nhân không như một viên thuốc aspirine hòa tan, nhưng đúng hơn như một tảng đá chống chọi được trước mọi bão táp cuộc đời. Đó là một giao ước.
Giao ước mà Thiên Chúa kí kết với Dân Người gồm hai mặt chính yếu. Một mặt, dân tham dự vào giao ước. Trong Cựu ước, việc ấy làm bằng nhiều cách khác nhau, như: một hiến lễ dâng kính, một người đàn ông được cắt bì, một người nam và một người nữ kết ước hôn nhân,.... Trong Tân ước, Giao ước mới được thiết lập theo một thể thức dứt khoát. Đó là điều mà chúng ta gọi là Thánh Thể. Chúng ta hoàn toàn tham dự thực sự và tích cực vào Giao ước ấy. Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người dưới hình thức bánh và rượu, để chúng ta dự phần vào đó trong một hành động của đức tin. Mặt khác, dân Chúa, bằng chính cách sống của mình, làm hiện diện hay hiện tại hóa Giao ước đó. Khi Môsê đón nhận từ Thiên Chúa Mười Điều Răn trên núi Sinai, ông công bố lời Chúa nói rằng, nếu dân trung thành giữ Luật Mười Điều Răn, họ sẽ trở thành dân tự do. Nói cách khác, họ sẽ giống như Thiên Chúa. Như thế, bởi tự do của mình dân Israel sẽ là một dấu chỉ sống động của chính Thiên Chúa cho các dân tộc khác. Họ sẽ là một chứng từ của sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất nhờ cách sống của họ.
Cũng như thế, hôn nhân tham dự vào Giao ước mới do Đức Kitô thiết lập, và hiện tại hóaGiao ước mới này. Khi một người nam và một người nữ kết hôn với nhau, họ đón nhận các phúc lành bí tích của Giao ước mới. Thiên Chúa cho họ tham dự vào chính sự trung tín của Ngài. Họ vốn đã tham dự vào Giao ước mới khi chịu Bí tích Rửa tội xét như một cá nhântham dự vào Thân Mình Đức Kitô, là Hội Thánh. Nay, họ tham dự vào Giao ước mới trong tư cách mới như một đôi vợ chồng, một cộng đoàn Hội thánh tại gia trong cộng đoàn Hội Thánh toàn thể.
Chúng ta nhớ lại rằng trong vườn Êđen, Ađam không tìm được cho mình một người “trợ tá tương xứng” nào, Thiên Chúa đã làm cho ông đi vào một “giấc ngủ mê” (x. St 2,21). “Giấc ngủ mê” trong tiếng Hípri có ý nói Thiên Chúa tiến hành một hành động rất nhiệm mầu và ý nghĩa. Khi Ađam thức dậy, ông thấy đã xảy ra một điều rất kì diệu. Thiên Chúa dẫn đến trước mặt ông người phụ nữ, “trợ tá tương xứng” của ông, đã được tạo dựng cách huyền nhiệm, và ông ngây ngất la lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (x. St 2,23). Đây là sáng kiến của chính Thiên Chúa. Khi ấy, và chỉ khi ấy Ađam mới hành động. Đó là lúc Thiên Chúa sáng tạo nên hôn nhân, và thiết lập nó như một giao ước. Theo một nghĩa nào đó, hôn nhân giống như một đứa con mới sinh, được tạo dựng từ hư không và không bao giờ có thể bị tiêu diệt. Hôn nhân là một tạo thành của Thiên Chúa và là một tặng phẩm bởi Ngài.
Hơn nữa, tình yêu chung thủy của vợ chồng giống như một chiếc gương soi. Khi nhìn vào chiếc gương soi hôn phối này, nghĩa là chính khi ta sống hay nhìn vào cuộc sống hôn nhân thủy chung của các đôi vợ chồng quanh ta, ta nhận ra Tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Hôn nhân làm hiện diện trong thế giới Tình yêu trung thành của Thiên Chúa, Giao ước của Thiên Chúa.
Mỗi nhân vị, dù nam hay nữ, đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa. Trong tư cách đó, người ấy có thể tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian. Nhưng Thiên Chúa còn muốn hơn thế nữa. Ngài còn muốn người đàn ông và người đàn bà nên một trong hôn ước, để làm một hình ảnh phản chiếu Ngài còn rõ ràng và mãnh liệt hơn.
Chính Chúa nói con người ở một mình không tốt. Ngài muốn con người sống thành cộng đoàn hiệp nhất huynh đệ, chứ không như những cá nhân sống biệt lập, như những “ốc đảo” cô lập. Vì chính Thiên Chúa là mầu nhiệm Hiệp Thông của Ba Ngôi, Tình Yêu sâu thẳm giữa Cha, Con, và Thánh Thần. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, được gọi sống như Ngài.
Như thế, khi một người nam và một người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân, họ trở thành một hình ảnh của Thiên Chúa rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn. Khi ấy đôi bạn làm cho Thiên Chúa hiện diện theo một cách thức độc đáo, cách mà khi ở một mình họ không thể làm được. Như Đức Gioan-Phaolô II dạy rằng «con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa không chủ yếu tại yếu tố đơn độc cho bằng là ở tại sự hiệp thông»[8].
Như vậy, hôn nhân là một giao ước, vừa tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa vừa làm cho Chúa hiện diện trên trần gian. Một hôn nhân, cách chính xác, được tạo nên theo cách thức mô tả trong sách Sáng thế, cần đến hai hành động. Thứ nhất, hai người nam và nữ cam kết sống trung thành với nhau đến trọn đời, đến khi một trong hai người qua đời. Kế đến, qua quan hệ tính dục của vợ chồng hôn nhân ấy trở thành hoàn hợp (consummatum). Qua hai hành động khác biệt nhưng không tách biệt này sự kết hợp thành vợ chồng (“nên một xương một thịt”) bất khả phân li được hoàn tất. Giao ước hôn phối thành một thực tại.
2. Gian dâm (quan hệ tính dục trước hôn nhân) và sự sống chung không hôn nhân
Tính dục nhân bản không chỉ thuộc thế giới vật lí, nó còn hơn nữa thuộc về thế giới biểu tượng và thế giới của tình yêu. Tính dục không phải là một trò chơi hay một môn thể thao trong nhà không có ý nghĩa liên hệ gì. Người ta cũng không thể giản lược tính dục chỉ còn như là một hoạt động thử nghiệm. Người ta không thể «thử lửa» tình dục như thử nghiệm một chiếc xe hơi. Không thể lao mình vào thực nghiệm một mối quan hệ để xem thử nó «chạy» tốt hay không. Tính dục còn hơn thế nhiều. Nó «hoàn hợp» một mối quan hệ. Nó nâng cao một quan hệ giữa một người nam và một người nữ lên một cấp độ hoàn hảo hơn. Nó thiết lập tình yêu giữa người đàn ông và người phụ nữ trên mảnh đất thiêng thánh. Tính dục là một mầu nhiệm chính vì nó mang tính «biểu tượng» và tính hôn phối. Vì thế, nó cần phải được gìn giữ và trân trọng. Nó cần những lời lẽ cam kết được công bố ra ngày thành hôn.
Như vậy, tính dục đóng ấn cho một mối quan hệ thành toàn, chứ không phải để ghi dấu sự bắt đầu của nó. Khi hai người, đàn ông và đàn bà, quan hệ tình dục trước hôn nhân, họ có thể dễ dàng lẫn lộn thú vui tình dục với tình yêu. Họ có thể lầm lẫn tình yêu với dục vọng ích kỉ chỉ biết tìm lạc thú do người kia mang lại cho tôi. Thế cho nên, người ta hiểu được lí do tại sao có tới 60 đến 70 % các cuộc hôn nhân vốn bắt đầu bằng sự sống chung không cưới xin kết thúc bằng li dị.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tầm quan trọng cực kì của sự giao hợp tình dục đối với người phụ nữ. Cơ thể người phụ nữ sản xuất ra các hoóc-môn kết hợp («bonding hormones») ở ba loại thời kì trong cuộc sống: trong khi giao hợp tình dục, thời kì sinh con, và trong thời kì cho con bú. Từ «hoóc-môn kết hợp» này cũng khá thú vị. «Hoóc-môn» là thuật ngữ thuộc lãnh vự sinh lí học, và «kết hợp» lại tham chiếu đến phạm vi tinh thần. Đấy là một từ ngữ mang tính biểu tượng lại được dùng trong y khoa. Rõ ràng là quan hệ tình dục đòi hỏi phải được kèm theo một dấn thân sâu sắc và trung thành với nhau và cho nhau. Dấn thân ấy chính là cuộc hôn nhân.
Do đó, giao hợp tình dục trong hôn nhân dẫn đến một kinh nghiệm sâu xa của hợp nhất.
Ngược lại, khi ta quan hệ tình dục với nhiều người trước hôn nhân, mỗi lần quan hệ ta để rơi lại đó một mảnh của bản thân ta. Một phần cua ta cho người này, một mảnh của ta cho người nọ, và vân vân. Ta bị phân chia trong nội tâm, và cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn. Đức khiết tịnh giúp bảo vệ ta khỏi mối nguy hiểm này.
Dĩ nhiên, giao hợp tính dục không chỉ là hành động của tình yêu. Nó còn là một hành động của sự sống. Hành vi tính dục có ý nghĩa vừa để kết hợp tình yêu vừa mở ngỏ cho sự sống từ đó có thể hình thành. Có người đưa ra lời khuyên sau đây. Khi bạn thường xuyên gặp gỡ hẹn hò với một người bạn khác phái, hãy tự hỏi: «Có thực sự tôi muốn có con với người đàn ông (phụ nữ) này hay không? Tôi có muốn làm mẹ (cha) của đứa con của người này hay không?». Câu hỏi này rất ý nghĩa. Nó giúp ta loại trừ nhiều người mà ta cảm nhận hấp dẫn về giới tính nhưng ta lại không muốn kết hôn với người ấy.
3. Ngừa thai
Ngừa thai là một hành vi can thiệp có thể trước, hoặc trong khi, hoặc sau khi giao hợp với ý định ngăn cản thụ thai một sự sống mới[9]. Giáo hội luôn dạy rằng ngừa thai là trái phép, nhưng lí do được viện dẫn khác nhau tùy theo thời đại. Ở đây chúng tôi xin trình bày hai lí lẽ dựa trên Thần học về Thân xác.
Thứ nhất, quan hệ tình dục là hành động có thể dẫn đến một hậu quả là sự thụ thai một mầm sống con người mới. Sự kiện đó nếu có nhất thiết phải là việc Thiên Chúa tạo dựng từ hư không một linh hồn cho sinh linh mới này vốn là một nhân vị. Nói cách khác, kết hợp tính dục là không gian thiêng thánh của Thiên Chúa. Đó là nơi mà Thiên Chúa muốn tiếp tục gia ân tạo dựng. Trong kết hợp tính dục, vốn là hành vi của tình yêu, người cha người mẹ góp phần trứng và tinh trùng của họ, Thiên Chúa thì tạo dựng linh hồn. Do đó, mỗi nhân vị là tuyệt đối duy nhất và độc đáo, không chỉ về mặt di truyền, nhưng còn về phương diện thiêng liêng nữa. Tất cả mọi sự đó xảy ra trong hành động kết hợp vợ chồng. Bởi vì Thiên Chúa thực hiện một công trình sáng tạo trong khung cảnh tình yêu con người, cho nên đôi vợ chồng không thể chủ tâm loại trừ Thiên Chúa ra khỏi sự kết hợp của họ được. Do đó, họ không thể làm bất cứ hành động nào có ý hướng chống thụ thai, nhưng phải mở ngỏ sẵn sàng đón nhận một sự sống mới có thể được ban cho.
Có phải như vậy là chúng ta không được phép phát triển và sử dụng các thành quả của kĩ thuật mới hay chăng? Tại sao chúng ta không thể sử dụng các phương tiện ngừa thai để điều hòa sinh sản? Ta có thể dùng viên thuốc aspirine để chữa cơn nhức đầu. Nhưng nhức đầu là một điều xấu (thể lí), trong khi khả năng sinh sản hay phong nhiêu lại là một phúc lành. Các phương tiện ngừa thai hoàn toàn không so sánh được với thuốc thang. Thuốc thang để chữa bệnh, còn các phương tiện ngừa thai thì ngăn chặn phúc lành, là sự sống một con người đang được hạ sinh.
Hơn nữa, thân xác con người mang tính «biểu tượng», kết hợp mật thiết với thế giới tâm linh. Vì là những tạo vật mang tính biểu tượng, chúng ta không thể tách biệt thế giới vật lí khỏi thế giới tâm linh. Nếu làm thế, chúng ta đánh mất ý nghĩa cuộc sống con người. Cội nguồn của thế giới vật lí cũng như tâm linh là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể sử dụng kĩ thuật đểcủng cố thêm cho thế giới biểu tượng này, chứ không bao giờ để mà ngăn chặn hay phá hủy,điều mà các phương tiện ngừa thai đang làm.
Con người khác hẳn con vật. Tính dục con người cốt yếu ở tính biểu tượng, và chúng ta không thể tùy tiện loại bỏ đi ý nghĩa tự thân của nó. Con vật thì sản sinh ra con vật, con người thì sáng tạo thay cho Chúa một con người. Điểm dị biệt ấy rất quan trọng. Qua sự kết hợp vợ chồng, đôi bạn mở ngỏ không để sản xuất mà là để sáng-tạo-thay-thế (pro-creation). Nói cách khác, họ mở ngỏ đồng thời đón mừng một con người trưởng thành khác, vốn là một «nhân vị có thân xác», và cũng mở ngỏ với chính Thiên Chúa: Tình yêu diễn tả nơi hành vi tính dục vợ chồng của họ có thể đạt tới hiệu quả là sáng tạo nên một nhân vị mới hoàn toàn độc đáo.
Lí do thứ hai cũng liên quan đến ý nghĩa hôn phối của thân xác. Như đã nói, ý nghĩa ấy hệ tại ở chỗ thân xác con người được tạo dựng cho tình yêu. Người đàn ông, khi khám phá ra ý trung nhân, quyết định trở nên «một xương một thịt» với vợ mình. Người ấy đón nhận vợ mình và tự hiến cho nàng, và người phụ nữ cũng làm như thế đối với người đàn ông. Đó là một hành vi tương hỗ, và tự do.
Để yêu thương thật sự, người đàn ông phải đón nhận vợ mình với tất cả sự thật của bản thân nàng. Người ấy phải yêu thương nàng cách vô điều kiện. Yêu cầu nàng uống viên thuốc tránh thai, hay đặt vòng, hoặc buộc ống dẫn trứng, có nghĩa là từ chối đón nhận đầy đủ con người của cô ấy. Và như thế cũng là coi thường chiều kích «biểu tượng» của thân xác và kết hợp tính dục. Thực hiện hành vi kết hợp vợ chồng, đồng thời sử dụng các phương tiện với chủ tâm chống thụ thai, thì mâu thuẫn với ý nghĩa hôn phối của thân xác con người chúng ta. Làm như thế có nghĩa là họ «dùng» nhau như những đồ vật, chứ không phải là yêu nhau.
4. Điều hòa sinh sản tự nhiên
Hội thánh không hề đưa ra một chỉ thị nào về số con cái vợ chồng cần phải có. Vợ chồng tự do quyết định. Nếu họ có những lí do chính đáng để chưa muốn có con lần này, nghĩa là muốn trì hoãn sự thụ thai, họ được yêu cầu sử dụng các phương pháp gọi là Phương pháp Điều hòa Sinh sản Tự nhiên (PĐST). Những phương pháp này tôn trọng ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Ngược với những Phương pháp nhân tạo, PĐST bảo vệ và tăng cường các kinh nghiệm hợp nhất nguyên thủy và trần truồng nguyên thủy. Khi vợ chồng dùng PĐST, họ tự hiến cho nhau và đón nhận nhau không chút dè dặt. Họ sống và tôn trọng kinh nghiệm hợp nhất nguyên thủy. Dùng tới các phương pháp nhân tạo là phá hủy kinh nghiệm hợp nhất này vì đôi bạn không tôn trọng ý nghĩa hôn phối của thân xác như đã nói. Chống thụ thai dẫn đến chia rẽ, trong khi dùng PĐST tạo thuận lợi cho sự thân mật, hợp nhất, và yêu thương vợ chồng.
Hơn nữa, trong PĐST vợ chồng sống kinh nghiệm trần truồng nguyên thủy. Điều quan trọng là kinh nghiệm nguyên thủy giúp cho các nhân vị khám phá và thực hiện sự tự do của mình: sự tự do của tặng phẩm bản thân dành cho nhau. Trong sự trần truồng nguyên thủy, ta có thể nhận ra dấu hiệu của sự tự do trong thông giao. Đó chính là điều được tạo nên nhờ PĐST.
PĐST giúp đôi vợ chồng thông giao, trao đổi với nhau, cách hoàn toàn trong sáng và riêng tư, chuyện tình dục và sinh sản. Đàn ông thì “phong nhiêu” hai mươi bốn giờ một ngày và bảy ngày một tuần. Phụ nữ chỉ có khả năng thụ thai trong một số ngày nào đó trong chu kì kinh nguyệt của chị mà thôi. Vợ chồng sử dụng PĐST trao đổi với nhau: chị sẽ nói với chồng mình những ngày nào có thể và những ngày nào không thể thụ thai, và người chồng lắng nghe. Sự đối thoại làm gia tăng tình vợ chồng thân mật và củng cố dây liên kết hôn phối của họ. Những con số thống kê gần đây càng khẳng định thực tế này. Những cặp vợ chồng sử dụng PĐST ít có li dị, chỉ chiếm có 1%, trong khi tỉ lệ li dị hiện nay trong các nước phương tây lên đến 40 đến 50%, ở Việt Nam con số ấy cũng gần xấp xỉ. Có bốn lí do để sử dụng PĐST này khi chưa hay không muốn có con:
- khi gặp vấn đề thể lí: sức khỏe của một trong hai người, ... ;
- những lí do tâm lí: một trong hai người có thể đang trong thời kì có nhiều lo âu hay bị suy nhược, trầm cảm, ... ;
- những lí do kinh tế: khó khăn về tài chánh, ... ;
- những lí do xã hội: chiến tranh, hạn hán, căng thẳng gia đình, ....
Những lí do này phải là chính đáng, và điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng, thế nào là lí do chính đáng? Không muốn có con vì một chuyến du lịch muốn làm theo ý thích, vì muốn mua sắm một chiếc xe hay một đồ đạc tiện nghi hay máy móc điện tử gia dụng chẳng hạn, thì không là lí do chính đáng. Đó chỉ là do tính toán ích kỉ. Để biết đâu là lí do chính đáng, đôi vợ chồng phải cầu nguyện và suy nghĩ đến trách nhiệm của họ trước mặt Chúa và đối với nhau. Các cặp kết hôn phải xét đến những nghĩa vụ của họ đối với nhau. Người chồng phải quan tâm đến những nhu cầu của vợ, và vợ cũng phải quan tâm như thế đến chồng mình. Hơn nữa, cả hai còn phải chăm lo cho con cái, những đứa con hiện có. Họ cũng phải xét tới cả những nghĩa vụ đối với xã hội. Hai vợ chồng phải quyết định theo lương tâm liệu họ có những lí do có chính đáng hay không để trì hoãn sinh con. Họ có thể xin tham vấn nơi một linh mục, một người bạn hay một ai đó được cho là bậc khôn ngoan, nhưng chính họ là người cuối cùng phải quyết định. Và để cho rõ ràng, vợ chồng có thể nhờ tới PĐST để trì hoãn việc sinh con nếu họ có lí do chính đáng cho quyết định đó, nhưng không bao giờ được dùng các loại phương pháp chống thụ thai.
4. “Văn hóa” khiêu dâm và sự thủ dâm
Một người dành hầu hết thời gian để xem phim ảnh, sách báo khiêu dâm, sẽ khó mà thiết lập được các mối quan hệ thực sự với tha nhân trong đời thường. Người ấy, nếu là nam nhân, sẽ quen nhìn các chị em phụ nữ như những đồ vật để mà hưởng dùng, và ngược lại, nếu là người nữ, cũng thế. Họ chấp nhận sống thường xuyên với cái nhìn dục vọng trên thân xác người khác, và như thế họ huỷ diệt ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Thèm khát thay vì yêu thương, và ảo tưởng thay thế thực tại.
Cũng có thể nói tương tự như thế đối với hiện tượng thủ dâm. Đó cũng là sống trong thế giới huyễn tưởng của những bóng hình mờ ảo, không thực. Thủ dâm cũng xóa bỏ ý nghĩa hôn phối của thân xác. Thật vậy, Thiên Chúa ban cho mọi người nam cũng như nữ một năng lực dục tính, thường được gọi là những xung năng tình dục. Năng lực này là điều tốt, vốn là một yếu tố hấp dẫn lẫn nhau giữa người nam và người nữ, và được tham phần vào ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Bởi thế, năng lực dục tính này phải được lưu thoát ra qua ngõ tình yêu chứ không phải trong dâm ô. Năng lực dục tính hướng đến một ngã vị khác, phục vụ cho tình yêu. Đối với người đàn ông, nó được tiền định dành hướng về người đàn bà, và ngược lại. Trong hành vi thủ dâm, năng lực ấy quay hướng về chính bản thân chủ thể. Đó là một thứ khuyết tật tình dục: cái lẽ ra để cho một ngã vị khác trong tình yêu lại xoay hướng về bản thân để tìm thỏa mãn. Hành vi thủ dâm, như thế, không biểu hiện tình yêu, mà là nỗi cô đơn. Để tự giải thoát khỏi tình trạng này, ngoài việc làm chủ bản thân khi chọn đọc, xem, hoặc tiếp xúc với các phương tiện văn hóa phẩm và môi trường xã hội, người ta cần tìm cơ hội thuận tiện để phát triển các tương quan với bạn hữu đích thật.
5. Đồng tính luyến ái
Trong số những người đồng tính luyến ái, một số là đồng tính do mình lựa chọn, số khác thì không. Chúng ta cần phải phân biệt hai nhóm này. Đức hồng y george Pell, địa phận Sydney nước Úc, nói những người thuộc nhóm thứ hai là “những người cảm thấy mình như bị giam trong ngục tù mà không do chính mình xây dựng nên”. Nghĩa là, có một nguyên nhân, về văn hóa hay gia đình, hoặc từ cả hai phía, vượt ngoài tầm kiểm soát của một con người, đặt người ấy ở trong tình thế bị hấp dẫn bởi một người khác cùng giới.
Một nhận định sau đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn, đó là : chúng ta sinh ra đời với một giới tính có sẵn, là nam hay là nữ, nhưng đồng thời, nam tính hay nữ tính ấy của chúng ta vẫn còn ở phía trước chúng ta như một nhiệm vụ còn phải hoàn thành. Chủ thể nam giới có nhiệm vụ phải phát triển và nuôi dưỡng một nhân cách nam giới, và chủ thể nữ giới thì phải lo phát triển và nuôi dưỡng một nhân cách nữ giới. Vì nhiều lí do, nhiệm vụ này có thể gặp khó khăn chưa hoàn thành. Một khuyết điểm hay thất bại nào đó có thể cuối cùng dẫn tới có khuynh hướng chịu sự hấp dẫn đồng tính.
Dưới ánh sáng của Thần học về Thân xác, chúng ta hiểu rằng chịu sự thu hút giới tính từ người đồng giới là một hoàn cảnh đau thương. Thiên Chúa muốn đàn ông và đàn bà hấp dẫn nhau về giới tính. Họ được tạo dựng để cho nhau. Thân xác họ và con người họ bổ túc cho nhau. Họ tự thích ứng với nhau như thế nào đó để có thể «hợp nhất», nên «một xương một thịt».
Nhưng người đồng tính hay người chịu sự thu hút đồng giới (SSA: Same Sex Attraction) phải chịu hai nỗi thống khổ lớn. Thứ nhất, người ấy đau khổ bởi chính tình trạng mình bị hấp dẫn bởi người cùng giới. Đó thực là một nỗi đau. Trong họ có một cảm giác phân rã nào đó. Theo một nghĩa nào đó, người ấy đau đớn bởi cảm thấy như mình thiếu một căn tính cá nhân. Người ấy tự hỏi, tại sao tôi lại bị thu hút bởi người đồng giới trong khi đại đa số những người khác thì không như thế ? Thứ hai, người đồng tính đau khổ vì biết rằng hành vi tính dục đồng giới của họ không bao giờ có thể hoàn tất sự kết hợp họ «nên một xương một thịt» được. Một quan hệ tính dục đồng giới không bao giờ có thể hoàn thành được điều đó. Có hôn phối, nghĩa là sự kiện «hai người» kết hợp nên «một xương một thịt», thực sự là khi mà hai người diện đối diện, diễn tả tình yêu của họ và hợp hoan trên thân xác. Điều đó thì lại không thể xảy ra được nơi một quan hệ đồng tính. Hai người đàn ông, hay hai người đàn bà không thể đối diện với nhau, kết hợp với nhau và nên «một xương một thịt» được, vì các bộ phận sinh dục của họ không làm được chuyện đó. Đó là một dữ kiện cốt yếu, bởi lẽ, như chúng ta đã thấy, thân xác có tính «biểu tượng». Thân xác kết hợp chúng ta cả về mặt thế lí lẫn tâm linh: kết hợp thân xác diễn tả sự hiệp thông bên trong của các ngã vị.
Vì thế Hội thánh dạy rằng[11] sự nghiêng chiều về đồng tính luyến ái là «vô trật tự cách khách quan» và những hành vi vi đồng tính là tội lỗi. Hội thánh cũng lưu ý rằng đối với phần lớn những người bị bị sự thu hút đồng giới sự nghiêng chiều này là «một thử thách». Những anh chị em này, cũng như mọi người bình thường khác, phải sống khiết tịnh phù hợp biết kiêng khem các hành vi tính dục đồng giới, và nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho họ sống sự tự do nội tâm. Hơn nữa, Hội thánh còn khẳng định rõ ràng rằng họ «phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị».
Có một trị liệu pháp nào khả dĩ giúp những anh chị em này hay không? Từ hai mươi năm qua có rất nhiều những nghiên cứu và khảo sát về Đồng tính. Bài báo của Fitzgibbons không chỉ bàn về những nguyên nhân của Đồng tính luyến ái, mà còn phác thảo một viễn tượng cho sự chữa lành và hướng trị liệu hữu ích cho những người nam cũng như nữ trong lãnh vực này.
Kết luận
“Có ba hình thức sống đức khiết tịnh: một là của bậc phu phụ, thứ đến là của người góa bụa và thứ ba là của kẻ đồng trinh. Chúng ta không ca tụng hình thức này mà loại bỏ hình thức khác.... Chính ở điểm này, kỷ luật của Hội Thánh rất phong phú”[13].
THƯ MỤC
- Giovanni Paolo II, Uomo e Donna lo creò, Città Nuova Editrice, Libreria Editrice Vaticana, Ed. V, 2001.
- Percy, A., La théologie du corps décomplexée, Ed. Emmanuel, Paris 2007.
- Harvey, J. E., OSFS, Homosexuality and The Catholic Church, Ascension Press, Philipino Edition, 2007
- Fitzgibbons, R., «The origins and healing of homosexual attractions and behaviors», 2nd Pan American Conference on Family and Education, Toronto, Ontario, tháng 5 / 1996. X. http://www.catholiceducation.org/articles/homosexuality/ho0011.html.
[1] Tiếp kiến chung ngày 31/10/1979.
[2] GLHTCG, 2360.
[3] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 25/06/1980. Ở đây đức Giáo hoàng trình bày một bước phát triển trong tư tưởng thần học Công giáo. Theo truyền thống, các nhà thần học thường nói chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa hệ tại ở nơi chúng ta, xét như là những cá vị, là hồn có lý trí. Điều này đúng thôi. Nhưng đức Gioan-Phaolô II tiến thêm một bước nữa, ngài nói: «Con người trở nên là hình ảnh của Thiên Chúa không hẳn ở nơi yếu tố đơn độc cho bằng là ở nơi yếu tố hiệp thông». Nói cách khác, con người là hình ảnh của Thiên Chúa «không chỉ hệ tại ở nơi nhân tính của mình, nhưng còn bởi sự hiệp thông các ngôi vị mà người nam và người nữ tạo lập ngay từ đầu».
[4] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 02/01/1980.
[5] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 16/01/1980.
[6] GLHTCG, 2336.
[7] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 16/01/1980.
[8] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 14/11/1979.
[9] Chúng ta phải lưu ý ở đây rằng có một số cách thức được gọi không chính xác là ngừa thai, trong khi thực ra đó có thể là hành vi phá thai, vì chúng can thiệp sau khi diễn ra sự thụ tinh và như thế giết chết mầm sống mới hình thành trong cơ thể người phụ nữ. Đó là trường hợp của vòng tránh thai (IUD: Intra-Uterine Device), và trường hợp của «viên thuốc ngày hôm sau». Cho dù không có hiệu quả phá thai thực sự từng lần, thì người ta cũng đã có ý và chấp nhận hủy bỏ một sự sống nếu nó có được tạo ra.
[10] R. Fitzgibbons, «The origins and healing of homosexual attractions and behaviors», 2ndPan American Conference on Family and Education, Toronto, Ontario, tháng 5 / 1996.
[11] GLHTCG 2357-2358.
[12] GLHTCG 2348.
[13] Thánh Ambrôsiô, De viduis, 23: Sancti Ambrosii Episcopi Mediolanensis opera, v. 141 (Milano-Roma 1989) 266 (PL 16,241-242). X. GLHTCG 2349.
Tác giả: Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét