Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

KHÁM PHÁ SỰ PHONG PHÚ CỦA LỜI CHÚA

KHÁM PHÁ SỰ PHONG PHÚ CỦA LỜI CHÚA


Khi đi dạy Kinh Thánh hoặc giảng tĩnh tâm ở các Dòng tu hoặc giáo xứ, tôi thường “bị” hỏi làm sao để đọc Kinh Thánh không chán, đúng hơn là làm sao để có thể say mê đọc Kinh Thánh, vui sướng khám phá ra mình cũng được Chúa Giêsu chúc phúc như cô Maria quê làng Bêtania năm xưa: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42); được Chúa Giêsu chúc phúc vì có niềm tin tưởng vào giá trị và thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh trong đời sống đức tin và phong hóa của Hội Thánh cũng như của chính bản thân mình.

Thiên Chúa nói với con người nơi và qua bản văn Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, các tín hữu bước vào một cuộc đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Họ “lắng nghe” Lời Chúa bằng cách xác định tính cách hoặc văn thể của đoạn Kinh Thánh, và “đáp lại” Lời Chúa bằng cách có tâm tình cũng như lối sống phù hợp.[1]

1. Thể văn trình thuật: Bộ Kinh Thánh (gồm 73 quyển: 46 trong Cựu Ước và 27 trong Tân Ước) có nhiều chỗ được viết bằng thể văn trình thuật, cách riêng là các sách từ Sáng Thế đến Étte, các sách Tin Mừng và Công Vụ. Thể văn trình thuật cho thấy Kinh Thánh như những chứng từ đức tin của Dân Chúa, dân Israel thời Cựu Ước cũng như Hội Thánh thời Tân Ước. Một số người coi Kinh Thánh như một “câu truyện tình” giữa Thiên Chúa và loài người. Câu truyện này mời gọi các tín hữu mọi thời hãy tin tưởng rằng những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người trong quá khứ thì cũng làm cho họ. Vì vậy, các tín hữu hãy vững lòng tin tưởng nơi Chúa. 

Thể văn trình thuật thường chuyển tải những chân lý nền tảng của đức tin và thái độ các tín hữu cần có đó là đồng ý, tin tưởng và vâng phục. Nhưng những chân lý này không chỉ giới hạn vào những diễn từ mà còn ngang qua những sự kiện lịch sử, vì Thiên Chúa không chỉ nói mà còn dùng cả những sự kiện lịch sử để hướng dẫn Dân Người, ví dụ: các sự kiện trong sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua.

2. Thể văn giáo huấn: Ví dụ Mười Giới Răn, các giới luật trong sách Lêvi, các giáo huấn trong các sách thuộc văn chương khôn ngoan, các lệnh truyền trong Bài Giảng Trên Núi, lời dạy của các Tông Đồ trong các thư. Các tín hữu cần có thái độ hoàn toàn vâng phục khi đọc những trang Kinh Thánh này.

Thể văn giáo huấn cho thấy Kinh Thánh như một quy điển có thẩm quyền trên cách ăn nết ở của các tín hữu và đòi buộc họ bước trên những con đường đó.

3. Thể văn ngôn sứ: Cụ thể là các sách ngôn sứ. Ngang qua các ngôn sứ, Thiên Chúa nói với con người (x. Hr 1,1). Các ngôn sứ kinh nghiệm tác động của Thần Khí Thiên Chúa khiến họ nói lời Thiên Chúa (x. 2Pr 1,21). Ơn linh hứng đảm bảo cho lời Chúa nói với người đọc hoặc người nghe theo những cách thức thích hợp. Đoạn 2Tm 3,16 khẳng định tất cả sách thánh (Cựu Ước) được linh hứng.

Thể văn ngôn sứ cho thấy Kinh Thánh như những lời được Chúa Thánh Thần linh hứng để dạy con người chân lý mang lại sự sống đời đời. Vì vậy, thái độ của các tín hữu là kính cẩn lắng nghe Lời Chúa và quyết tâm sống theo Lời Chúa.

4. Thể văn lời hứa: Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều lời hứa của Thiên Chúa, như một cách thế cho thấy sự dấn thân của Người vào trong từng sự kiện lịch sử loài người. Qua các lời hứa, Thiên Chúa đảm bảo sự hiện diện cũng như tình thương cứu độ của Người. Khi đọc những trang Kinh Thánh này, các tín hữu cần tin tưởng tín thác tuyệt đối. Thiên Chúa không thất hứa, không bỏ rơi chúng ta bao giờ.

4. Thể văn diễn tả kinh nghiệm: Hạn như sách Thánh Vịnh, các thánh thi, thánh ca, than vãn,… Thể văn này cho thấy Kinh Thánh như một mạc khải gần gũi với những kinh nghiệm của con người, cả những gì cao thượng tốt đẹp cũng như tội lỗi xấu xa. Thái độ các tín hữu cần có đó là nương tâm hồn theo những tâm tình mời gọi trong từng trang Sách Thánh đó, để cùng chia sẻ cũng như tham dự vào lời ứng đáp gương mẫu trong các sách đó, nhờ vậy, các tín hữu có thái độ ứng đáp phù hợp với mạc khải và vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải thì Thiên Chúa đã thương dạy bảo chúng ta. Chỉ bằng cách đó lời cầu nguyện của chúng ta mới đẹp lòng Chúa.

5. Những khó khăn trở ngại: Thiên Chúa nói với chúng ta trong và qua Kinh Thánh, nhưng một số yếu tố khó khăn, tạm gọi là “tiếng ồn”, có thể cản trở chúng ta lắng nghe Lời Người.

“Tiếng ồn” căn bản thường là những đoạn Kinh Thánh khó hiểu về khoa học lịch sử. Có người chỉ công nhận thẩm quyền Kinh Thánh dạy chân lý trong các lãnh vực đức tin và phong hóa, còn trong lãnh vực khoa học lịch sử thì có những sai lầm. Lập trường này không đúng vì tách biệt đức tin khỏi các lãnh vực khác của cuộc sống, thậm chí coi chúng đối kháng nhau. Thật ra, đức tin của Dân Chúa gắn liền với mọi lãnh vực cuộc sống hằng ngày. Nếu Kinh Thánh thật sự là lời mạc khải của Thiên Chúa được ghi chép thành văn thì không thể tách biệt thẩm quyền của Kinh Thánh khỏi cuộc sống. Có một sự duy nhất trong mạc khải của Thiên Chúa. Nhấn mạnh thẩm quyền thì không có gì sai hoặc phi lý, vì nhìn nhận mình giới hạn cũng như nhìn nhận người khác có sự hiểu biết tốt hơn thì vẫn là điều rất hợp lý.   

“Tiếng ồn” thứ hai đó là những khác biệt về văn hóa xã hội, ví dụ lễ toàn thiêu thú vật, luật hôn nhân buộc anh hay em của người chết phải cưới người vợ góa, ăn thịt cúng…. Nhưng vì Thiên Chúa đã tự mạc khải chính Người trong lịch sử, nên để có thể hiểu đúng Kinh Thánh, cần tìm hiểu kỹ những bối cảnh lịch sử đó.   

“Tiếng ồn” thứ ba là việc giải thích Kinh Thánh. Niềm tin vào tính trung thực của Kinh Thánh không đương nhiên làm cho các tín hữu hiểu đúng Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, con người rất có thể giải thích không đúng ý nghĩa. Vì vậy đã có nhiều cuộc tranh cãi về ý nghĩa của một số đoạn Kinh Thánh ít nhiều quan trọng.

Sau cùng, dường như có chỗ Kinh Thánh tự mâu thuẫn nhau, khiến cho có người không nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Chúa. Thật ra, Kinh Thánh là một bộ sưu tập nhiều quyển sách khác nhau đã được viết bởi nhiều tác giả và trải dài trong nhiều thế kỷ, nên có sự khác biệt là bình thường. Nhưng những khác biệt đó càng làm sáng tỏ sự phát tiển tiệm tiến cũng như tính duy nhất trong mạc khải của Thiên Chúa, để sau cùng đạt đến mạc khải tột đỉnh và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, Lời duy nhất của Thiên Chúa.   

Kết luận

Các thể văn trên chỉ có thể khái quát Kinh Thánh mà thôi, vì nếu chúng ta phân tích chi tiết thì sẽ thấy trong Kinh Thánh còn nhiều thể văn khác nữa, ví dụ gia phả, dụ ngôn, thư, bài giảng,… Hiểu các thể văn giúp bạn đọc Kinh Thánh tốt hơn không? Loại “tiếng ồn” nào ảnh hưởng việc đọc Kinh Thánh của bạn nhiều nhất?

LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] Bài này được viết theo mục “Scripture” trong một quyển sách tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra tựa sách. Đây cũng là bài thứ 51 trong loạt bài “Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh”.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét