Cuộc hội thảo của ký ức & thao thức
WGPSG -- Đức GM Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Ủy ban Văn hóa (Hội đồng Giám mục Việt Nam), đã định nghĩa như vậy nhân cuộc hội thảo “Kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum est về tôn kính ông bà tổ tiên” tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Hội thảo dành sự trân quí trước sự hiện diện của quí Đức GM Micae Hoàng Đức Oanh (Giáo phận Kontum), GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp (GP Vinh), GM Antôn Vũ Huy Chương (GP Đà Lạt), GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (GP Mỹ Tho), Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khải, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương. Có khoảng 300 hội thảo viên đã tham dự trong suốt hai ngày 25, 26/9/2014.
Trong phần khai từ, GM Giuse Vũ Duy Thống nêu lên sự kết hợp ba tâm tình trong cuộc hội thảo: tâm tình vui mừng khi nhìn lại cách đây 50 năm vào ngày 20/10/1964 Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam; tâm tình chia sẻ những suy tư và kinh nghiệm áp dụng hai bản thông cáo của Hội đồng Giám mục VN vào năm 1965 và năm 1974 trong mối giao thoa giữa văn hóa và Đức Tin; tâm tình thao thức trước công cuộc Tân Phúc Âm hóa, hội nhập cộng đồng dân tộc trong tâm tình hiếu thảo.
Kết thúc khai từ, GM Giuse Vũ Duy Thống đã dẫn lời của ĐTC Gioan Phao lô II: “Đức Tin mà không trở thành văn hóa là Đức Tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng. Đức Tin trở thành văn hóa là Đức Tin được đón nhận sung mãn, trọn vẹn và được sống cách trung thành nhất”.
* TÂM TÌNH VUI MỪNG
“…Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này.” (trích Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên, 14/6/1965)
|
LM Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, với bản tham luận “Hành trình hội nhập gian truân: nghi lễ thờ kính tổ tiên” (sáng 25/9), đã dẫn đưa cử tọa cùng ngược dòng lịch sử để suy ngẫm. Giai đoạn truyền giáo vào Việt Nam thuở ban đầu đã chứng kiến chủ trương hội nhập của Dòng Tên, minh chứng sự gặp gỡ giữa Ki tô giáo và quan niệm dân Việt trong cách thức thể hiện hiếu thảo với cha mẹ còn sống hoặc mới qua đời, trong việc an táng và chăm sóc mồ mả. Và còn nhiều minh chứng khác, xuất hiện trong những giai đoạn tiếp nối, như cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày” của Cha Đắc Lộ đã nhấn mạnh lòng thảo hiếu: “…Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng…”, hoặc sách bổn như cuốn “Chân đạo yếu lý” đã xác định bảy điều phải thực hành để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, trong đó có năm điều trùng với đạo hiếu của dân Việt là: 1. Kính sợ; 2. Vâng lời; 3. Phụng dượng; 4.Chăm sóc khi ốm đau; 5.An táng mồ yên mả đẹp. Và hai điều riêng cho tín hữu: 6. Khi lâm chung, phải lo liệu cho cha mẹ chịu các phép trong đạo, và đọc kinh làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho các ngài; 7. Tổ chức tống táng và giỗ chạp theo phép đạo.
Trong một lá thư gửi Cha Boiret vào năm 1798, Đức Cha Bá Đa Lộc viết: “Một điều đích thực là nghi lễ này dù có pha lẫn ít nhiều mê tín, thì tự nó chỉ là bày tỏ lòng tôn kính đối với cha mẹ như khi các ngài còn sống. Nếu người ta cất bỏ tất cả những gì trái ngược với Đức tin, như đồ cúng, lời cầu xin… thì những gì còn lại đều đáng ca tụng, hơn nữa còn cần thiết trong đất nước này”.
Tuy nhiên, hành trình hội nhập đã gặp không ít gập ghềnh. Sắc lệnh năm 1645 ngăn cấm các tín hữu cúng bái tổ tiên (Đức Innocentê X ban hành) nhưng sau đó vào năm 1656, Bộ Đức Tin công bố sắc lệnh mới cho phép kính bái tổ tiên, kèm với lời nhắc nhở “xa tránh những dị đoan”, được Đức Alexandro VII phê chuẩn. Đến năm 1742, Tông huấn Ex quo (do Đức Bênêđictô XIV ban hành) lại lên án việc tôn kính tổ tiên, phạt vạ tuyệt thông tất cả những ai bất tuân. Phải chờ đến gần hai trăm năm sau, với Huấn thị Plane compertum est (1939), mọi sự mới được khai thông.
Theo phân tích của diễn giả, “Khó khăn chính ở đây là khái niệm tôn giáo và từ ngữ. Với người Tây phương việc phụng thờ, tôn thờ, kính thờ chỉ dành cho một Thiên Chúa. Trong khi tiếng Việt, từ “thờ” được dùng chung cho nhiều trường hợp như thờ cha kính mẹ, thờ chồng nuôi con…, chỉ bao hàm nội dung chu toàn bổn phận với người đã khuất. Tương tự theo Tây phương, niềm tin người đã chết đang hiện diện và độ trì, các nghi lễ ngôn từ cầu khẩn với thần thánh và các nhân vật thuộc thế giới bên kia đều được coi là một dạng tôn giáo”.
Huấn thị Plane compertum est, do Thánh Bộ Truyền giáo ban hành ngày 8/12/1939, trong phần khởi đầu có viết: “Rõ ràng tại Viễn Đông xưa kia có một số nghi lễ gắn liền với một số nghi điển ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội”. Huấn thịPlane compertum est, vì vậy, trở thành tin vui cho các nhà truyền giáo và tín hữu châu Á, giải tỏa những khó khăn lương tâm.
Theo chiều kích luân lý, các tín hữu cử hành các lễ nghi ấy với lòng thảo hiếu, cũng là để chu toàn giới răn Chúa, nghĩa là một bó buộc lương tâm. Theo chiều kích đức tin, người tín hữu khi tiến hành thờ kính tổ tiên vẫn phải luôn hướng về Thiên Chúa là nguồn cội của tiên tổ.
“Chúng ta phải làm gì để cuộc hội nhập phát huy được những giá trị văn hóa đích thực, những giá trị luân lý và những giá trị đức tin?”, câu hỏi này được LM Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu đặt ra, như một lời mời gọi thao thức trong bối cảnh Công đồng Vatican II cổ vũ việc hội nhập văn hóa và canh tân phụng vụ.
Cuốn sách “Hội thảo kỷ niệm 50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum est về tôn kính ông bà tổ tiên” dày 428 trang, gồm ba chương: Chương I Diễn tiến về lòng tôn kính ông bà tổ tiên theo dòng lịch sử; Chương II Định hướng lòng tôn kính tổ tiên theo lối nhìn Thần học;Chương III Hướng tới những sáng kiến thực hành về lòng tôn kính tổ tiên.
Nhiều bài viết công phu, sâu sắc: Hành trình hội nhập gian truân, Một số kinh nghiệm hội nhập văn hóa, Những đặc điểm trong cuộc bách hại Giáo hội Công giáo Đại Hàn, Vai trò của các tôn giáo khác trong chương trình cứu độ, Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ, Vấn nạn trong hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, Gặp gỡ lương dân, Hội nhập văn hóa trong phụng vụ, Tổ tiên và dòng họ - khung cửa đang rộng mở, Kinh nguyện và phụng vụ Kitô giáo trong văn hóa Tây Nguyên, Một vài góp ý nghi lễ tôn kính tổ tiên, Kinh nghiệm về lòng tôn kính tổ tiên tại Nhật Bản, Nhận định về những thực hành
|
* TÂM TÌNH THAO THỨC
Có thể giải thích những gian truân, “nghịch chiều” trên đường hội nhập Đức tin (thể hiện qua nghi lễ thờ kính tổ tiên) bằng một cuộc truy nguyên sâu xa. Bản tham luận “Vai trò của các tôn giáo khác trong chương trình Cứu độ” của Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp (sáng 26/9) đem lại một tầm nhìn sâu rộng và hữu ích cho vấn đề hội nhập – và không chỉ riêng vấn đề hội nhập.
Suốt dọc hai mươi thế kỷ, mối bận tâm chính của Giáo hội cũng như của các nhà truyền giáo vẫn là vấn đề cứu độ cho những người ở ngoài Kitô giáo. Có nhiều mô hình thần học lẫn quan
điểm khác nhau về vấn đề cứu độ, trong đó mô hình “Dĩ Giáo hội vi trung” (lấy Giáo hội làm trung tâm) chi phối rất lớn trong chiều dài lịch sử Kitô giáo. Mô hình này được được đúc kết qua một công thức đã trở thành cổ điển: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).
Theo phân tích của Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: “Đây là mô hình độc tôn, loại trừvà khép kín, trở thành một quan điểm chung của Giáo hội vào thời Trung Cổ. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là mạc khải chung kết của Thiên Chúa, Ngài trao lại cho Giáo hội sứ mệnh đặc biệt; do đó tách rời khỏi Giáo hội có nghĩa là tách rời khỏi Đức Kitô và, tất nhiên, không được cứu độ.
Mãi đến năm 1949, Bộ Thánh vụ (tên cũ của Bộ Giáo Lý Đức tin) mới chính thức khai mở một lối giải thích khác cởi mở hơn. Thánh Bộ phân biệt giữa sự cần thiết phương tiện (necessitas praecepti) và cần thiết nội tại (necessitas intrinseca) để được cứu độ: những điều kiện cần thiết nội tại để được cứu độ là đức tin và đức ái; còn việc gia nhập Giáo hội hữu hình nói cho cùng chỉ là cần thiết tương đối, và không có hiệu lực trong những trường hợp bất khả kháng. Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng ra bên ngoài biên giới của Hội Thánh.“Nước Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con người biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến và phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Thiên Chúa đang thực sự hoạt động” (Liên Hội đồng giám mục Á Châu).
Một mô hình thần học khác, gọi là “Dĩ Thiên Chúa vi trung” (lấy Thiên Chúa làm trung tâm), được Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp chấm phá vài nét. Mô hình này khẳng định chỉ duy Thiên Chúa mới là “trung tâm điểm” của một tiến trình cứu độ nhiêu khê và phức tạp, khởi đi từ công cuộc sáng tạo, ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể và vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử. Hệ quả của mô hình này là Đức Kitô không còn giá trị qui phạm và cũng chẳng còn tính cứu độ phổ quát.
Chủ điểm của bản tham luận được tập chú vào mô hình “Dĩ Đức Kitô vi trung” (lấy Đức Kitô làm trung tâm). Đây là kết quả của tiến trình thần học đi từ mô hình loại trừ sang mô hình bao hàm. Nhìn trong toàn thể, Giáo hội của Đức Kitô vừa đã hiện diện như một thực tại lịch sử, vừa chưa hoàn thành như một thực tại cánh chung, bởi vì Giáo hội chưa phải Nước Thiên Chúa đã hoàn thành, mà chỉ là “mầm và khởi đầu của Nước ấy trên trần gian” (Hiến Chế “Ánh sáng muôn dân”). Đức Kitô làtrung tâm điểm của Kitô giáo, chứ không phải Giáo hội. Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại, còn Giáo hội chỉ đóng vai trò chứng tá và bí tích, trong tương quan với mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.
Theo Công đồng Vatican II, ơn cứu độ của Thiên Chúa không những “bao hàm tất cả những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa” mà còn nới rộng tới “những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa, cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm” (Hiến Chế “Ánh sáng muôn dân”). Thay cho thái độ cực đoan, loại trừ và độc tôn, niềm tin đích thực nơi Đức Kitô mời gọi dấn thân rao giảng Tin Mừng, đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác.
Trong phần kết luận (mang tên “Tác động phổ quát của Thần Khí) của bản tham luận, Đức GM Phaolô đã gợi ra những thao thức quí báu đến với toàn thể hội thảo viên. “Thần Khí của Thiên Chúa luôn hiện diện suốt dòng lịch sử nhân loại và vẫn tác động tiếp tục ở bên ngoài ranh giới của Kitô giáo. Và nói cho cùng, chức năng cứu độ của Thần Khí là chuẩn bị và dẫn đưa con người gặp gỡ Đức Kitô. Sứ vụ đặc biệt của Thần Khí, dù trước hay sau biến cố Nhập Thể, đều nhằm mục đích làm cho nhân loại tham dự hữu hiệu và phổ quát hơn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Do đó, theo Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, “Các Kitô hữu cần làm chứng đức tin và đời sống Kitô giáo, đồng thời phải nhìn nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị siêu việt, đạo đức, xã hội và văn hóa nơi những người theo các tôn giáo khác”.
* TÂM TÌNH CHIA SẺ
“50 năm thờ cúng tổ tiên”
Tập sách do LM Võ Tá Khánh (“Trăng Thập Tự”) biên soạn, gồm 6 phần với 40 bài viết giàu tâm huyết (NXB Phương Đông): Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử giáo hội Việt Nam, Một số thực hành gây ái ngại, Tránh bị ngộ nhận một lần nữa, Ngỏ lời với bạn đọc ngoài Kitô giáo, Quyển Gia lễ Công giáo hay Kinh nguyện gia đình, Đạo Hiếu trong lời nguyện phụng vụ, Đào sâu linh đạo làm con thảo, Phong trào liên kết dòng họ, Mười bài Tâm ca mùa báo hiếu, Bữa cơm chay, Bốn biển anh em một nhà…
Phát hành tại các nhà sách trên toàn quốc.
|
Trong bản tham luận vừa dẫn trên, diễn giả nhắc đến một đóng góp đặc biệt của ĐTC Gioan Phao lô II là “xác quyết sự hiện diện tích cực của Thánh Linh trong các nền văn hóa và các tôn giáo”. Cảm giác linh thánh,cảm giác thánh thiêng… cũng là những ý tưởng được chia sẻ bởi hai diễn giả đến từ Đại học Phụ Nhân (Đài Loan): Giáo sư Trần Văn Đoàn (tham luận “Đạo thờ kính tổ tiên: bài học của Giáo hội Công giáo Trung Hoa”, sáng 25/9), LM Giuse Vũ Kim Chính (tham luận “Trong bối cảnh Tam giáo, thử tìm một nền thần học về đạo Hiếu”, sáng 26/9).
LM Giuse Vũ Kim Chính cho rằng “Con người là một hiện hữu cưu mang tôn giáo tính”, và phân tích: “Nếu chỉ coi lễ nghi đối với tổ tiên là cách bày tỏ lòng hiếu để, tức là thực thi một bổn phận luân lý, thì chưa chứng minh được lý do tại sao con người đòi buộc phải thực hành luân lý như vậy. Thực ra khi các nhà truyền giáo chủ trương coi lễ nghi tôn kính ông bà thuộc phạm vi luân lý, họ tin rằng một khi đã tìm ra ý nghĩa nguyên ủy và chính yếu của lễ nghi này, họ có thể giáo dục quần chúng gọt bỏ những mê tín mọc rườm rà bên ngoài và cuối cùng có thể biến hóa những bổn phận luân lý đó cho hợp với niềm tin Kitô giáo. Như vậy, mặc dù nhấn mạnh “lễ nghi” này thuộc phạm vi luân lý, nhưng đã ngầm xác định căn bản của luân lý không thể tách rời khỏi niềm tin tôn giáo”. Trong khi đó, GS Trần Văn Đoàn nhắc đến một sự đồng qui cần thiết: “Tổ tiên chúng ta, cha mẹ chúng ta, người sinh ra, người dưỡng nuôi, người nâng đỡ giúp ta phát triển đều phải được tôn kính, tôn thờ…, nhưng sự tôn kính, tôn thờ này không thể sánh ngang với việc tôn thờ Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa mới là Đấng làm hết tất cả những công năng sinh, dưỡng, dục, phát triển, và nhất là ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu”.
Đặc biệt, hai buổi chiều 25 và 26/9 được dành trọn thời gian cho các hội thảo viên chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến thực hành. LM Võ Tá Khánh (“Trăng Thập tự”) cho biết Ban Mục vụ Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đang duyệt để chuẩn bị phát hànhSách gia lễ Công giáo, đồng thời kể về những chuyến hành hương thờ cúng tổ tiên vào dịp tết: thăm các từ đường, nhà thờ họ của lương dân ở Bình Định, xem đó như là những “cánh cửa mở rộng loan báo Tin Mừng”.
Về tác động phổ quát của Thần Khí, Đức GM Micae Hoàng Đức Oanh (GP Kontum) đã quảng diễn một sự đổi mới trong quan niệm truyền giáo của ngài, bằng cách tóm tắt một câu trong Thánh Kinh: “Đấng tôi tôn vinh là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông” (Gioan 8: 54).
Trong công việc truyền giáo, Đức GM Micae kể lại mẩu chuyện về một nhóm người lên cao nguyên: “Họ hỏi: Chúng con sẽ ở đâu?, tôi dẫn lời Thánh Kinh: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Luca 9:58). Họ lại hỏi: Chúng con làm gì?, tôi lại dẫn Thánh Kinh: Hãy đến mà xem (Gioan 1:39). Họ hỏi tiếp: Chúng con sống bằng cách nào?, tôi dẫn lời Thánh Kinh: Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo (Luca 9: 3).
Theo lời LM Giuse Trần Sĩ Tín (GP Kontum), “Cộng đồng người J’Rai ở vùng Gia Lai (Tây Nguyên) thấy linh trong mọi sự, nên họ cẩn trọng trong mọi sự. Họ kêu những vị quá cố có tên lẫn không tên trở về phù hộ con cháu, ông bà đã linh nên cây cỏ, nơi chốn mà họ từng đi qua cũng trở nên linh… Trong sứ vụ truyền giáo, trước hết, là cảm nhận được không gian linh ấy để rồi nâng cao sự linh thánh từ đức tin Kitô giáo”.
Trong buổi chiều kết thúc (26/9), một số hội thảo viên đã nêu đề nghị HĐGM Việt Nam nên có những hướng dẫn cụ thể và thống nhất, chẳng hạn về bàn thờ tổ tiên, về câu đối vừa diễn tả lòng thảo hiếu vừa diễn tả được Đức tin, các mẫu kinh chung, các bản văn đọc khi cúng giỗ, bản văn cáo gia tiên trong hôn lễ, bái chào, sử dụng cờ ngũ hành với với cây Thánh giá trong lòng cờ…
--o0o--
Đóng góp vào bầu không khí sinh động của cuộc hội thảo, ngoài phần thuyết trình và chia sẻ góp ý, còn phải kể đến các tiết mục văn nghệ (dẫn chương trình: LM Giuse Trịnh Tín Ý và cô Phaolô Têrêsa Vũ Chinh): GM Giuse Vũ Duy Thống trở thành “ca sĩ” với nhạc khúc do chính ngài sáng tác Nếu không là, Đức Hùng tự biên tự diễn nhạc khúc Một chút Việt Nam, Khắc Dũng với Biết ơn – biết yêu, ca sĩ Hiền Thục, Đoan Trang góp mặt bằng những ca khúc dịu dàng về tình mẹ. Đặc biệt vũ khúcHùng Vương lập quốc, đồng ca Hội nghị Diên Hồng gợi dậy cảm xúc dạt dào về lòng tri ân tiên tổ.
Nhạc khúc khép lại cuộc hội thảo “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã được toàn bộ hội thảo viên đồng ca. Vâng, sẽ còn phải nhớ mãi giai điệu hào hùng, lời ca bất khuất này…“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người. Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam. Làm người ngang tàng điểm mặt mày của nhân gian. Hỡi những ai gục xuống, ngoi dậy, hùng cường đi lên… Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!”.
Tác giả: Bài: Nguyễn Chương - Ảnh: Vĩnh Thân & Quốc Trấn CN, 28/09/2014 - 15:26
Nguồn: http://tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20140926/27824
Nguồn: http://tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20140926/27824
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét