Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CÓ CHẮC CHẮN VỀ NHỮNG LỜI CỦA CHÚA GIÊSU? Thắc Mắc Kinh Thánh5

CÓ CHẮC CHẮN VỀ NHỮNG LỜI CỦA CHÚA GIÊSU?




Hỏi: Có thể nào chúng ta biết chắc về những lời của Chúa Giêsu đã nói khi Người còn ở thế gian không?

Trả lời: Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown. 

Chúng ta có thể chắc chắn về những lời mà các thánh sử Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan đã viết. Đó là những gì Chúa Thánh Thần linh ứng và những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Khi chúng ta tìm cách ngược trở về xa hơn là những gì được viết trong Phúc Âm để tái xây dựng lại khung cảnh ban đầu, đúng là chúng ta đang thể hiện sự hiếu kỳ; nhưng chúng ta phải nhận thức rằng, trong sự quan phòng, Thiên Chúa không cho chúng ta biết những giai đoạn ban đầu đó. Vì vậy, việc tái xây dựng sẽ luôn luôn trở ngại vì những giới hạn của các dụng cụ nghiên cứu.

Để tôi đưa ra hai nhận xét tích cực để bạn đừng thất vọng vì những trở ngại vừa nói. Nhận xét thứ nhất là những thay đổi nhận thấy trong các Phúc Âm về một lời tuyên bố, cho thấy giá trị đa diện của lời giảng dậy. Lời dậy đã được phát triển trong các phương cách khác nhau chính là vì nó vốn chứa đựng khả năng áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau với sắc thái khác nhau. Tôi so sánh những thay đổi trong bốn Phúc Âm với một viên kim cương rất lớn của bảo tàng viện mà ánh sáng chiếu toả từ mọi mặt, người ta có thể thấy áng sáng của nó từ bất cứ phương diện nào. Những thay đổi mà các thánh sử duy trì, hoặc ngay cả chính họ cổ vũ, là những sự hiểu biết sâu sắc đối với cùng một lời giảng dậy của Đức Giêsu.

Nhận xét tích cực thứ hai là chúng ta hãy nhớ rằng khi Đức Giêsu nói, không phải là ai ai cũng hiểu và cũng tin như nhau. Điều chúng ta có được trong bốn Phúc Âm là một sứ điệp phát xuất từ đức tin và được thay đổi để thích nghi với người nghe. Điều này có thể giúp giải thích rằng tại sao trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần không linh ứng theo từng chữ những lời nói, hành động của Đức Giêsu nhưng đó là sự tinh lọc từ một truyền thống đang phát triển. Sự lập đi lập lại không nhất thiết đưa đến kết quả đức tin. Nhiệm vụ của thánh sử bao gồm việc bảo tồn, thích nghi, giải thích, và sắp đặt theo trật tự mới là một phần giúp cho Phúc Âm trở thành “Tin Mừng”.

Nguồn: http://www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét