Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

ĐỌC KINH THÁNH NHƯ TRÒ CHƠI ĐỐI THOẠI

ĐỌC KINH THÁNH NHƯ TRÒ CHƠI ĐỐI THOẠI




“Trò chơi” hoặc “game” ở đây có ý nhấn mạnh đến mối tương giao sống động xảy ra giữa người chơi và game. Triết gia Hans-Georg Gadamer (1900-2002) đề xướng một thuyết giải thích gọi là “trò chơi đối thoại”. Thuyết giải thích hoặc khoa giải thích (hermeneutics) là một nghệ thuật hoặc khoa học giải thích, cách riêng áp dụng vào các bản văn cổ điển hạn như Kinh Thánh. Gadamer tập trung vào chính hành động giải thích, thấy nó tương tự một cuộc đối thoại giữa hai người bạn: trao đổi sống động. Nó hoàn toàn khác với độc thoại hoặc to mồm “cả vú lấp miệng em” không cho người kia lên tiếng. Thuyết giải thích của Gadamer được áp dụng vào việc giải thích Kinh Thánh: để hiểu bản văn Kinh Thánh, người đọc cần có một tương quan mật thiết với bản văn, và hiểu Kinh Thánh bao gồm một tiến trình giải thích sống động xảy ra giữa người đọc và bản văn Kinh Thánh.[1]

TRÒ CHƠI

Trước khi tìm hiểu “trò chơi đối thoại” là gì, chúng ta cùng tìm hiểu bản chất của một trò chơi. Đối với một trò chơi game, điều quan trọng không phải là ý thức cái tôi của người chơi nhưng chính là thái độ của người chơi chấp nhận để cho cái tôi của mình chìm vào trong một chuyển động lui tới của chính trò chơi. Người chơi chấp nhận tôn trọng bản chất hoặc luật chơi của một trò chơi. Chỉ khi bản chất và luật chơi được tôn trọng thì chuyển động lui tới mới xảy ra. Trong bất cứ trò chơi nào, không phải đối thủ của chúng ta mà chính trò chơi tác động (“chơi”) trên chúng ta. Nếu chúng ta không hòa nhập vào trò chơi thì chuyển động lui tới không xảy ra, và chúng ta không thể chơi, hậu quả là trò chơi không còn là trò chơi nữa. Trái lại, nếu chúng ta “chịu chơi” thì chúng ta kinh nghiệm thấy rằng chúng ta bị cuốn hút vào trong chuyển động của trò chơi. Chúng ta nhận ra rằng ý thức cái tôi của mình không còn phải là điều chính yếu nữa, hơn nữa còn cảm thấy rằng đang có một cái tôi khác, một con người khác, mới lạ, sinh ra ngang qua việc chơi trò chơi này.

TRÒ CHƠI ĐỐI THOẠI

Đọc và giải thích Kinh Thánh cũng tương tự như kinh nghiệm chơi game trên đây, nghĩa là người đọc chấp nhận để cho mình bị cuốn hút vào một chuyển động lui tới của một chuỗi hợp lý những câu hỏi và trả lời, xảy ra giữa bản thân và bản văn Kinh Thánh. Nói cách khác, người đọc chấp nhận để cho mình bị cuốn hút vào chính nội dung của bản văn Kinh Thánh mình đang đọc, đó chính là con người và sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, là thời đại cánh chung, là Nước Trời mà Chúa Giêsu Kitô đem đến trần gian này, là lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Mẫu “trò chơi đối thoại” như vậy nhấn mạnh người đọc Kinh Thánh cần hết sức tập trung vào bản văn Kinh Thánh, chìm vào đó, và chỉ khi đó, người đọc mới cho phép bản văn Kinh Thánh lên tiếng nói và đòi người đọc phải đáp trả. Đó là một chuyển động lui tới của một chuỗi hợp lý những câu hỏi và trả lời. Người đọc phải lắng nghe bản văn Kinh Thánh đang nói với mình những chất vấn, hạch hỏi, phán xét, thậm chí lên án con người xấu xa của bản thân mình, cũng như những đòi buộc của bản văn bắt người đọc phải đáp trả. Như vậy, trong cuộc đối thoại này, không phải cái tôi chủ quan của người đọc áp đảo bản văn mà chính nội dung bản văn là yếu tố chính và tác động trên người đọc. Nếu người đọc không khiêm nhường “sám hối” khi đọc Kinh Thánh thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận để cho nội dung Kinh Thánh chất vấn, mổ xẻ, phán xét (hoặc an ủi, soi sáng) họ. Họ sẽ không muốn ứng đáp Lời Chúa. Hậu quả họ không thể giải thích bản văn Kinh Thánh đó một cách đúng nghĩa.

Đọc và giải thích Kinh Thánh như thế luôn luôn là một chuỗi những câu hỏi và trả lời giữa bản văn và người đọc, thậm chí bản văn Kinh Thánh đôi khi có những đòi hỏi lạ thường, “chói tai”, nhức nhối, đòi người đọc phải hy sinh, từ bỏ chính mình hoặc khó hiểu. Khoa giải thích vì vậy cho rằng nghĩa hàng đầu của một bản văn Kinh Thánh không nằm “đằng sau” bản văn (nghĩa là trong trí của tác giả viết Sách Thánh hoặc trong bối cảnh xã hội gốc hoặc đối tượng gốc), cũng không nằm “trong” chính bản văn, nhưng nằm “phía trước” bản văn, nghĩa là trong thế giới được chia sẻ chung giữa bản văn và người đọc, giữa những chất vấn đòi hỏi chung, hoặc nội dung chung, mà giờ đây bản văn phóng chiếu ra và người đọc chấp nhận bước vào đó, chìm sâu vào đó.[2] Do đó, dù việc đòi hỏi khía cạnh lịch sử của bản văn là chính đáng nhưng người đọc cũng không thể chỉ tìm kiếm hoặc lặp lại nghĩa gốc của bản văn, để hiểu và chất vấn bản văn. Đúng hơn, người đọc áp dụng tất cả những công cụ của phương pháp phê bình lịch sử trước để tìm ý của bản văn, rồi sau đó tìm cách áp dụng nghĩa đó vào bối cảnh hiện tại lúc này. Gadamer gọi đó là sự “giao thoa giữa các chân trời” (chân trời/bối cảnh của bản văn và chân trời/bối cảnh của người đọc).[3] Phương pháp phê bình lịch sử là một hạn từ tổng quát để mô tả những phương pháp và chu trình phân tích mà các học giả sử dụng để giải thích những bản văn cổ, trong đó có bản văn Kinh Thánh. 

Cần lưu ý rằng Gadamer cũng thừa nhận khó có thể có một sự giải thích tuyệt đối hoàn hảo cũng như một lịch sử tuyệt đối chính xác. “Bao lâu chúng ta hiểu thì lại thường hiểu khác (với tác giả gốc)”.

Khoa giải thích vì vậy nhấn mạnh vai trò cần thiết của phương pháp phê bình lịch sử đối với thời đại có ý thức cao về lịch sử như hiện nay. Nhưng khoa giải thích cũng đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ áp dụng phương pháp này thôi thì người giải thích chưa làm xong nhiệm vụ. Phương pháp này phải dẫn đến bước thứ hai đó là cuộc đối thoại giữa người đọc với nội dung của bản văn Kinh Thánh, nghĩa là một chuỗi câu hỏi và trả lời giữa bản văn và người đọc như nói ở trên.

TRUYỀN THỐNG VÀ LÝ TRÍ PHÊ BÌNH

Mẫu “trò chơi đối thoại” của Gadamer có nhiều giá trị và rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ cho bối cảnh hôm nay khi con người đề cao ý thức lịch sử. Với ý thức lịch sử, Gadamer cho rằng mọi người đều chịu ảnh hưởng từ môi trường lịch sử văn hóa xã hội nơi mình sống. Những ảnh hưởng môi trường đó tạo nên một thứ “tiền hiểu biết” (preunderstanding) cho con người, và “tiền hiểu biết” (hoặc “chân trời”) này luôn tác động đến cách con người hiểu một bản văn nào đó. Gadamer nhấn mạnh không ai có thể giải thích một bản văn mà không nhờ vào những “tiền hiểu biết” vốn là sản phẩm của một dòng chảy lịch sử những hiệu quả (the history of the effects) của chính môi trường văn hóa của mình. Phủ nhận “tiền hiểu biết” là lừa dối chính mình. Như vậy, có một thứ “truyền thống” nằm trong mọi “tiền hiểu biết”, và “truyền thống”, cùng với “tiền hiểu biết”, trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong thuyết giải thích của Gadamer.

Tuy nhiên, khái niệm “truyền thống” của Gadamer cần phải được bổ sung bằng một lý trí phê bình hoặc những lý thuyết phê bình, để có thể thẩm định những gì do truyền thống sinh ra và truyền lại là đúng đắn hoặc sai lầm. Đó chính là lý do người giải thích Kinh Thánh cần đến sự đóng góp của phương pháp phê bình lịch sử. Lý trí phê bình cũng giúp loại trừ việc áp đặt tùy tiện những nghĩa xa lạ, thậm chí trái ngược với đức tin, vào bản văn Kinh Thánh, với lý do cho rằng một bản văn có thể có nhiều nghĩa tiềm ẩn. Lập trường của Gadamer thật ra không chủ trương cái gọi là “khoa giải thích hoài nghi” (hermeneutics of suspicion). Tuy nhiên dù sao thì một thái độ hoài nghi thích đáng cũng có thể có giá trị ở mức độ nào đó, nếu nó giúp cảnh báo người đọc tránh khỏi những sai lạc khi đọc một bản văn.

BẢN VĂN VÀ NỘI DUNG

Vấn nạn thứ hai đặt ra cho thuyết giải thích của Gadamer là bản văn và nội dung của nó. Vấn nạn đó là: nếu một khi nội dung của bản văn đã được người đọc đón nhận và trở thành tài sản chung giữa bản văn và người đọc, ngang qua tiến trình giải thích như “trò chơi đối thoại” nói trên, thì người đọc buộc phải chú ý đến nội dung như được diễn tả trong hình thức của bản văn, hạn như các văn thể. Đòi buộc tập trung vào cấu trúc bản văn dường như đi ngược lại điều Gadamer nói trên về nghĩa của một bản văn nằm ở “phía trước” bản văn. Dĩ nhiên, không phải là Gadamer không ý thức đến tương quan giữa hình thức và cấu trúc trong việc diễn tả nội dung. Nhưng nếu cần phải chú ý đến hình thức và cấu trúc của bản văn thì cũng cần phải sử dụng những phương pháp diễn giải (explanatory methods) để có thể giải thích bản văn đó. Paul Ricoeur đồng ý với Gadamer cho rằng sự hiểu biết (understanding) khai mở toàn bộ tiến trình giải thích, nhưng trái với Gadamer, Ricoeur cho rằng phương pháp diễn giải có thể giúp chúng ta hiểu bằng cách nào hình thức và cấu trúc của bản văn có thể trình bày ý nghĩa.

Vì vậy, một mẫu đầy đủ về “trò chơi đối thoại” có thể phát biểu như sau: toàn bộ tiến trình giải thích Kinh Thánh bao gồm một sự hiểu biết ban đầu nào đó, sinh ra sự diễn giải về cách mà “đối tượng đang nhắm đến” (the referent = thế giới hoặc thực tại ý nghĩa nằm “phía trước” bản văn) được sinh ra nhờ các-nghĩa-nằm-trong-hình-thức-và-cấu-trúc của bản văn. Sau khi diễn giải thì người đọc sẽ hiểu nội dung nằm trong bản văn rõ hơn những người khác không diễn giải. Như vậy, sự hiểu biết (understanding) và việc diễn giải (explanatory methods) không phải là kẻ thù của nhau mà là những đồng minh thân cận cho người giải thích, để có thể hiểu tốt hơn một bản văn.    

KẾT LUẬN

Đọc và giải thích Kinh Thánh như vậy là một tiến trình sống động của một mối tình tay ba, nhưng thuận hòa tốt đẹp, giữa người đọc Kinh Thánh, bản văn Kinh Thánh và thế giới thiêng liêng mầu nhiệm của Thiên Chúa mà bản văn Kinh Thánh đang phóng chiếu ra mời gọi các tín hữu bước vào. Nếu các tín hữu chấp nhận Lời Chúa và đón nhận thần lương sự sống đời đời thì thật là phúc cho họ.

LM. JM. Mười Một, CSsR

------------

LỜI CHÚA 

Nhưng Người đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11,28)

Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ (Hr 4,12-13)

Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành (2Tm 3,16-17)

Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA (Gr 23,29)

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105)








[1] Bài dựa trên A Short History of Interpretation of the Bible, Robert M. Grant và David Tracy, 153-66.

[2] Về khái niệm “ba thế giới” của bản văn Kinh Thánh, xin xem bài số 47 và 48.

[3] Về Gadamer và việc giải thích Kinh Thánh theo quan điểm triết học, xin xem các bài số 20 và 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét