BA GIAI ĐOẠN ĐỂ GIẢI THÍCH KINH THÁNH
Kinh Thánh là một tài liệu viết, ghi lại những lời mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta và những công trình Người đã thực hiện cho chúng ta trong lịch sử. Trong Kinh Thánh có những câu đơn giản dễ hiểu, không cần giải thích, hạn như: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” Nhưng Kinh Thánh cũng có những câu khó hiểu tối nghĩa và chính Kinh Thánh cũng làm chứng điều này (x. 2Pr 3,16). Nguyên nhân là vì giữa người thời xưa và chúng ta hôm nay có khoảng cách lịch sử văn hóa rất lớn. Chính vì vậy, để có thể hiểu đúng đoạn Kinh Thánh đó, chúng ta cần làm công việc gọi là giải thích. Vì Kinh Thánh là một bản văn thuộc phạm vi lịch sử, văn chương và mặc khải, nên việc giải thích Kinh Thánh có thể coi là một tiến trình gồm ba giai đoạn có liên hệ với nhau. Có thể nói đời sống thiêng liêng của các tín hữu tăng trưởng hoặc trì trệ đều hệ tại phần lớn vào khả năng nắm vững ba giai đoạn này khi đọc Kinh Thánh, cách riêng là giai đoạn sau cùng: chấp nhận để Lời Chúa biến đổi đời sống của mình.
1. Giai đoạn 1 – Chú giải: Đi tìm thế giới đằng sau bản văn
Kinh Thánh: Một tài liệu lịch sử như một cửa sổ
Vì Kinh Thánh là một tài liệu lịch sử nên chúng ta phải ứng dụng phương pháp phê bình sử học nhằm xác minh bản văn nói gì, tức là ý nghĩa của bản văn. Ý nghĩa này thường được gọi là "nghĩa đen” (hay nghĩa văn tự), (không phải nghĩa hiểu theo sát chữ, mà là nghĩa mà tác giả có ý truyền đạt bằng từ ngữ của mình) hay là "nghĩa hiển nhiên". Mục tiêu của giai đoạn này là giải nghĩa bản văn qua việc xác định "ý nghĩa lý tưởng" của nó. Ý nghĩa này được cấu tạo bởi cả hai yếu tố: ý nghĩa (điều mà từ ngữ nói lên trong câu, vd. "Triều Ðại Thiên Chúa") và điểm chung qui (điều mà câu nói cho là đúng sự thật, vd. "Triều Ðại Thiên Chúa đã đến").
Khi làm công việc chú giải này, người ta dùng nhiều phương pháp và kỹ thuật, trong đó có phê bình bản văn (để xác định tính xác thực và quá trình truyền đạt của bản văn); phê bình nguồn tư liệu (để nhận định ảnh hưởng mà bản văn này có thể có trên bản văn kia); phê bình thể loại (để truy tìm đàng sau Kinh Thánh ngọn nguồn và lai lịch của những tuyến truyền khẩu, những cộng đồng đã cho nó hình thành, những thể văn khác nhau đã được dùng để biên soạn); và phê bình soạn thảo (để nhận diện các tầng lớp biên soạn của các tác giả và vai trò sáng tác của các nhà biên soạn trong việc xuất bản, thu thập và định thức các truyền thống họ đã kế thừa). Trong giai đoạn này, Kinh Thánh được dùng làmmột cửa sổ, qua đó độc giả nhìn xem thế giới nằm đàng sau bản văn.
2. Giai đoạn 2 – Phê bình: Đi tìm thế giới ở trong bản văn
Kinh Thánh: Một tài liệu văn chương như một tấm gương
Vì Kinh Thánh cũng là một công trình thuộc phạm vi ngôn ngữ và văn chương, nên khoa phê bình văn học cũng phải được ứng dụng để tìm hiểu bản văn như một tác phẩm văn chương, xem nó muốn nói lên điều gì với độc giả, và đạt mục tiêu đến mức nào. Ðặc biệt hơn nữa, bởi vì Kinh Thánh là loại sách chứng từ, nên người ta cứu xét để xem nó chu toàn nhiệm vụ làm chứng của nó đến mức độ nào dưới mắt độc giả, qua bố cục, các thể loại văn chương và nội dung của nó.
Nhiều loại phương pháp và kỹ thuật đã được ứng dụng vào mục đích ấy. Một số học giả đã từng tra cứu Kinh Thánh như một cuốn sách truyện (phê bình trình thuật); một số khác tra cứu nghệ thuật thuyết phục của nó (phê bình tu từ học); một số khác nữa, cách dùng dụ ngôn (nghiên cứu về các dụ ngôn); một số khác, cách dùng thể loại thư tín (phân tích thư tín); còn một số khác nữa thì tra cứu tác động của nó trên độc giả (phê bình trên phần hồi của độc giả).
Trong giai đoạn này, Kinh Thánh được xem như một tấm gương soi, trong đó độc giả khám phá chính bản thân mình. Trọng tâm đặt ở thế giới của bản văn. Theo đúng nghĩa chữ, bản văn là một đồ mỹ nghệ, và nó sẽ mãi là thế trừ phi và cho đến khi được giải nghĩa; bấy giờ nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cũng như một đồ mỹ nghệ để nhìn (vd. tượng "Mẹ sầu bi" của Michelangelo) chỉ trở thành một tác phẩm nghệ thuật khi nó được chiêm ngắm; cũng như một bản nhạc phổ (vd. bản "Xô-na-ta Sáng Trăng" của Beethoven) chỉ trở thành một điệu nhạc khi được trình diễn; và cũng như một kịch bản (vd. "Hamlet" của Shakespeare) chỉ trở thành một vở kịch khi được diễn xuất, thì Kinh Thánh cũng vậy, chỉ trở thành Lời Chúa đối với độc giả một khi được độc giả giải được ý nghĩa của nó. Lúc bấy giờ, Kinh Thánh cho thấy một thế giới hay một thực tại khác, mà độc giả phải chấp nhận hoặc khước từ.
3. Giai đoạn 3 – “Thông thích”: Đi tìm thế giới ở phía trước bản văn
Kinh Thánh: Một quyển sách thánh thiêng đặc biệt
Vì Kinh Thánh là một quyển sách thánh thiêng, không phải viết chỉ để thông tin, mà còn là và nhất là để biến đổi độc giả, nên tiến trình giải thích phải đi xa hơn việc giải nghĩa và hiểu Kinh Thánh, đi đến chỗ tư hữu hóa cho mình ý nghĩa Kinh Thánh. Muốn hiểu cho trọn ý nghĩa của bản văn, phải đi vào cái thế giới mà nó phóng phát ra trước mắt, tức làthế giới ở phía trước bản văn, và tư hữu hóa ý nghĩa của nó, tức là đem nó vào đời tư của mình. Bằng cách này, độc giả đến với ý nghĩa lý tưởng của Kinh Thánh, bấy giờ biến thành ý nghĩa cốt yếu cho đời mình. Những cảnh giới nằm ở đàng sau và của Kinh Thánh, đó là một lối sống và hành động mới, mà độc giả được mời gọi bước vào và lấy đó làm lối sống của riêng mình. Giai đoạn ba của việc giải thích này, chúng ta có thể gọi nó là việc "thông thích" để phân biệt với việc chú giải (giai đoạn một) và việc phê bình (giai đoạn hai).
Kết luận
Như vậy, người đọc/giải thích Kinh Thánh phải chu toàn một nhiệm vụ gồm hai phần. Ở phần một, như một nhà phê bình nghệ thuật thị giác hoặc nhạc hoặc kịch phải đứng cách xa tác phẩm nghệ thuật để lượng giá màu sắc hoặc âm thanh hoặc hành động, thì người đọc cũng vậy, sẽ tiếp cận bản văn với cặp mắt phê bình, lấy khoảng cách sao cho mình có thể xác định ý nghĩa lý tưởng của nó, qua phê bình sử học, văn học, và thậm chí để vạch trần những ý thức hệ gây méo mó của nó nữa.
Ở phần hai, như nhà phê bình không thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của bức tranh hoặc một bài giao hưởng hoặc một vở kịch, trừ phi họ lấy tinh thần nghệ sĩ mà đầu hàng, khuất phục tác phẩm nghệ thuật, thì người đọc cũng vậy, muốn hiểu cho trọn ý nghĩa của bản văn, phải đi vào cái thế giới mà nó phóng phát ra trước mắt, tức là thế giới ở phía trước bản văn, và tư hữu hóa ý nghĩa của nó, tức là đem nó vào đời tư của mình. Lúc ấy, điều mong ước xảy ra về phần người đọc sẽ là một cuộc hoán cải mọi mặt, một sự giải thích biến đổi toàn bộ lối sống, một linh đạo mới. Họ sẽ đạt được không những một hiểu biết mới về kinh Thánh, mà còn một cung cách mới để nhìn thế giới, để sống và hành động trong thế giới nữa. Chỉ có như thế, công việc giải thích mới được trọn vẹn.
LM. JM. Mười Một, CSsR
(Ngoài tựa bài, phân chia tiểu mục và biên soạn đôi chỗ, bài này trích từ tác phẩm:
Giải Đáp 101 Câu Hỏi Về Cái Chết & Sự Sống Vĩnh Hằng
của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét