Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

KHI THIÊN CHÚA DƯỜNG NHƯ NHƯ TỰ MÂU THUẪN (St 22) (Thắc mắc 1)

KHI THIÊN CHÚA DƯỜNG NHƯ NHƯ TỰ MÂU THUẪN (St 22) (Thắc mắc 1)


Gilbert Aellig

Sau khi đã hứa ban cho Abraham và vợ ông đứa con trai cần để hoàn tất chương trình cứu độ thế giới, Thiên Chúa để cho đôi vợ chồng nầy phải trải qua một thử thách về kiên nhẫn lâu dài.
Trong khi hai ông bà đã qua lứa tuổi sinh nở thì cuối cùng người con trai chào đời. Vậy mà chỉ ít năm sau đó, Thiên Chúa nói với tôi tớ Người là Abraham một đòi hỏi khó hiểu.
Đó là trình thuật sách Sáng Thế 22, một trang nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh. Không phải là không có lý do, vì nó hết sức kịch tính. Hơn nữa tầm vóc tiên tri của nó thật đáng để ta quan tâm.
MỘT THÍ NGHIỆM ĐẦY KỊCH TÍNH
1. Một đòi buộc không thể giải thích được
“Hãy đi đến Morija, hãy dâng con trai một và yêu quý của ngươi làm lễ tế”. Xét về mặt con người, người ta có thể tìm ra nhiều tính từ để nói rõ tính chất mệnh lệnh này của Thiên Chúa: phi lý, độc ác, tàn bạo, quái đản,… Chẳng phải cũng chính Vị Thiên Chúa này lên án các quốc gia có tục lệ hiến tế các trẻ em để tôn vinh các thần thánh giả tạo đó sao?
Khi ban mệnh lệnh này cho Abraham, mục đích của Thiên Chúa là để  thử thách ông. Nếu vị tổ phụ vượt qua được cuộc trắc nghiệm, ông sẽ nhận được một phần thưởng lớn lao. Hãy nhận ra rằng đôi khi Thiên Chúa có sáng kiến thử thách chúng ta. Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi ấy có nguy cơ đâm ra hoảng sợ hoặc gay gắt buộc tội lại, trong khi lẽ ra phải giữ bình tĩnh và cầu xin Thiên Chúa ban cho lòng kiên nhẫn và sức mạnh vượt qua cơn khó khăn. Và khi cơn bỉ cực kéo dài, sẽ tốt lành nếu biết lo liệu trước kết cục của nó – đích vinh quang và lối ra sinh hoa trái ở mọi điểm.
Phản ứng của Abraham trước mệnh lệnh của Chúa thật đáng ca ngợi: ông không trì hoãn. Ông dậy sớm, buộc yên vào con lừa, chọn hai đầy tớ, chuẩn bị củi lửa, con dao, rồi ra đi, đem theo con trai mình. Một sự vâng lời dường nào! Thiên Chúa đã nói và Abraham chấp hành mệnh lệnh, mà không yêu cầu lời giải thích nào.
2. Hành trình
Từ Beershéba, toán người nhỏ nầy đi đến Morija, ngọn đồi ở Giêrusalem, nơi về sau Salomon sẽ xây dựng Đền Thờ. Ngày nay đó là khoảng đất trống giữa các đền Hồi giáo, nơi các nhà thờ Hồi giáo Dôme và El Aqsa được xây dựng. Quãng đường đó dài khoảng 75 cây số: ba chặng nhân 25 cây số. Do vậy phải là người giỏi đi bộ, vì con lừa đã chất nặng hẳn không thể cưỡi lên được nữa. Cuộc hành trình vì thế phải mất một thời gian và sẽ cho phép những người tham gia có giờ để suy tư lâu dài, nhất là khi mất ngủ trong hai đêm.
3. Bão tố trong đầu người cha?
Tôi có ý tưởng về câu hỏi nầy từ một chương trong cuốn Những Kẻ Cùng Khổ (Les Misérables) của Victor Hugo! Nếu Abraham qua được ba ngày trong bình tĩnh và an bình tâm hồn, thì quả là một quán quân. Nhưng tại sao lại không chứ? Nếu ông tự đặt cho mình nhiều câu hỏi, thì cũng là chuyện thường tình và nhân bản: “Thiên Chúa đã hứa rõ ràng sẽ làm cho tôi trở thành tổ phụ một dân đông như cát biển sao trời. Người đã ban cho tôi một đứa con trai trong lúc tuổi đã cao, khi mà vợ tôi lại son sẻ và quá tuổi để có con rồi. Và giờ đây, Thiên Chúa của tôi muốn rằng tôi hiến tế Isaac, đứa con của lời hứa… Nếu Isaac phải chết, thì lời hứa sẽ được thực hiện thế nào chứ? Thật là phi lý điều mà Thiên Chúa đòi hỏi ở tôi!” Chúng ta không biết là Abraham có lý luận như vậy chăng. Không hẳn thế!
Tuy nhiên, Sách Thánh soi sáng cho chúng ta một đôi chút về những suy nghĩ của Abraham trong tình huống nầy. Trong câu ông trả lời cho Isaac, ông nói: “Thiên Chúa sẽ lo liệu để có chiên”. Do vậy, trước khi hiến tế, Abraham hẳn đã hình dung tới khả năng sẽ có vật thay thế!
Lới của Abraham nói với hai người tôi tớ vốn phải dừng bước trước khi tới nơi định cho chúng ta thêm một chủ dẫn nữa: “Chúng ta sẽ trở lại với các anh”. Chữ “chúng ta” hàm ý rằng ông sẽ không trở lại một mình, nhưng có người đi theo. Như thế ông biết là Isaac sẽ còn sống cách nầy hay cách khác.
Nhưng còn hơn thế! Hãy đọc thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 11,17-19): “Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa quyền năng còn làm được cho kẻ chết sống lại. Ông nghĩ đến điều đó lúc nào? Chắc chắn là không ngơi nghỉ trong hành trình tiến về Morija.
Những chỉ dẫn nầy cho phép chúng ta giả định rằng đã không có sóng gió trong đầu Abraham và ông đã có thể tiến đến gần Morija mà lòng trọn vẹn cậy tin nơi Thiên Chúa của ông. Vị tổ phụ sẽ tìm thấy lại con trai mình, hoặc bằng vật thay thế, hoặc được cho sống lại. Chúng ta biết là đã xảy ra như dự đoán thứ nhất. Nhưng hãy thán phục lòng tin tưởng vô bờ bến của Abraham đối với Cha trên trời.
4. Bão tố trong đầu người con trai?
Lo âu khắc khoải của Isaac đươc gợi cho ta biết qua câu hỏi sáng suốt mà Isaac hỏi cha: “Củi lửa và dao đều sẵn rồi. Nhưng con chiên đâu, hả Cha?”. Việc không thấy con chiên gây bối rối. Rõ ràng là Isaac nghi ngờ về một điều gì đó. Cậu biết rõ để dâng một lễ hiến tế thì phải có một tế vật. Câu trả lời của người cha về vật thay thế có thể trấn an cậu. Một chút? Nhiều?
Nhưng câu 9 thật đáng sợ: Isaac thấy mình bị trói gô lại và đặt nằm trên đống củi ở bàn thờ. Abraham còn nắm lấy con dao nữa. Với Isaac, chẳng còn hồ nghi gì nữa: cậu chính là tế vật. Nhưng một sự kiện làm ta choáng váng: Isaac không phản đối cũng không dãy dụa. Sự tùng phục cha của cậu thật đáng nêu gương. Nhưng điều đó cũng không làm cho thời khắc ấy bớt nặng nề đối với chàng trai, trừ phi sự tin tưởng của cậu vào lời nói của cha cậu về vật thay thế vẫn không hề suy giảm và Thiên Chúa ban cho cậu sức mạnh để luôn được an bình. Điều đó cũng có thể lắm, song thật là lạ lùng diệu kỳ.
ABRAHAM VÀ ISAAC Ở MORIJA
Tình tiết này, ngoài việc chứng minh tuyệt vời cho thấy sự thể hiện đức tin, còn dùng làm khuôn khổ cho một mạc khải tiên tri tổng quát hơn. Thư gửi tín hữu Do Thái (11,17-19) tuyên bố: “Abraham đã nhận lại người con ấy như một biểu hiện trước”. Từ ngữ “biểu hiện trước” (prefiguration) cho phép chúng ta đề ra một lối giải thích tượng trưng cho tình tiết của chúng ta.
Abraham, người cha, biểu hiện trước Chúa Cha, Đấng đã không từ chối ban Con Một của Người cho thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Với Người, đã không có được một vật thay thế nào. Người Con Cha yêu dấu đã thật sự chịu cực hình nhục nhã.
Isaac, người con, biểu hiện trước Chúa Giêsu (x. Gl 3,16), Đấng phục tùng một cách trọn hảo Chúa Cha của Người. Chúng ta hẳn còn nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói trong Vườn Giệtsêmani: “Nếu được, xin cất chén này xa con, nhưng xin thánh ý Cha được thể hiện”. Isaac lên đường đi đến Morija không làm ta nghĩ tới Chúa Giêsu trên đường thương đau tới Golgotha sao?
Hai lần trong bản văn xác định: “Cả hai người cùng đi”. Đó chẳng phải là biểu hiện trước sự hiệp nhất rõ rệt giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đó sao? Bó củi mà Isaac vác loan báo gỗ thập tự giá mà Chúa chúng ta vác. Bàn thờ và con chiên (cùng vô số lễ tế Cựu Ước) biểu hiện hy lễ duy nhất và hoàn hảo của Chúa Con.
Như để nhấn mạnh rằng sự việc này diễn ra trong sự mật thiết của Chúa Cha và Chúa Con, bản văn sách Sáng Thế chương 22 chứa đựng những chi tiết chắc chắn không phải là do tình cờ: hai người tôi tớ và con lừa phải dừng bước vào ngày thứ ba, khi cả đoàn nhìn thấy ngọn đồi Morija từ xa. Chỉ có Abraham và Isaac thực hiện đầy đủ phần cuối hành trính nầy. Tại sao? Vì chỉ có Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô mới có thể thực hiện đầy đủ công trình cứu độ và đền tội chúng ta. Không có người nào đủ tầm cho công việc nầy, vì xác thịt (bản tính con người) thù nghịch với Thiên Chúa. Nhưng với hình ảnh những người tôi tớ, thì những kẻ được cứu chuộc được mời gọi nhìn xem con đường mà Chúa Giêsu trải qua. Lời được viết ra quả thật cho phép chúng ta đi theo lộ trình này, nắm bắt đầu đuôi cũng như giá trị độc nhất của nó. Và như hai người tôi tớ, sau khi hy lễ hoàn tất, tiếp tục nhìn về Morija, sau đó hân hoan thấy Abraham và Isaac trở lại, chúng ta tiếp tục nhớ đến Thánh Giá và vui mừng vì sự phục sinh của Chúa Giêsu.
ĐẤNG TỐI CAO HAY ĐÒI HỎI,
NHƯNG LẠI LO TOAN MỌI SỰ
Isaac thật ấn tượng trong sự phục tùng Abraham. Cậu đặc biệt thành công vượt qua cuộc trắc nghiệm. Cuối chương 22, Abraham nhận được tin báo về gia đình mình ở lại Charan. Tiếp theo một danh sách tên các con trai đến làm cho gia đình của vị tổ phụ này thêm phong phú, duy nhất một người con gái được nêu ra: Rebecca, người sẽ trở thành vợ của Isaac. Ngày nay Thiên Chúa vẫn chúc phúc dồi dào cho những ai vượt qua được trắc nghiệm do Thiên Chúa.
Abraham đã được ghi dấu mạnh mẽ bởi tình tiết ở Morija. Cảm xúc và những tâm tình khá thường đã khiến ông đặt tên cho nơi này là: Yahvé-Jiré hoặc Adonai-Jiré, “Nơi núi của Đấng Vĩnh Cửu, sẽ được lo liệu”. Chúng ta có thể hiểu điều nầy như sau: “Ở đồi Canvê, nhờ hy lễ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa lo toan mọi nhu cầu của chúng ta”, trong mọi nhu cầu khác, có nhu cầu được tha thứ, được cứu độ, được sống, được hy vọng, được chúc phúc…
Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô và là những môn đệ tín trung thì lời hứa này liên quan đến chúng ta.
Nó thật lớn lao hùng vĩ.
Hãy biết nắm bắt lấy! 
QUAND DIEU SEMBLE SE CONTREDIRE
Promesses Avril – Mai – Juin 2010
Số 172 (trg. 13 – 16)
Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ và giới thiệu
——————————————————————–
XIN NÓI RÕ :
“PROMESSES” LÀ TAM NGUYỆT-SAN CỦA MỘT NHÓM MỤC SƯ TIN LÀNH CHUYÊN NGHIÊN CỨU VỀ KINH THÁNH.
CÁC BÀI CHUYỂN NGỮ TỪ TẠP CHÍ NẦY ĐÃ ĐƯỢC CHỌN LỌC CẨN THẬN, ĐỂ KHÔNG CÓ NHỮNG MÂU THUẪN VỚI KHOA CHÚ GIẢI KINH THÁNH VÀ THẦN HỌC CÔNG GIÁO.
NẾU PHÁT HIỆN ĐIỀU GÌ, XIN VUI LÒNG GIÚP CHỈ DẪN. Đa tạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét