Cầu nguyện là kho báu của mọi tôn giáo
Đánh dấu kỷ niệm tuyên bố của Công đồng Vatican II về quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo không Kitô, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng thế giới nhìn về những người có đạo vì khả năng cầu nguyện của họ.
CNA – Ann Schneible – 28/10/2015
Trong buổi tiếp kiến chung 28-10, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng nói rằng, ‘Cầu nguyện là kho báu của chúng ta, rút ra từ truyền thống riêng của mình, để xin những ơn mà nhân loại đang mong mỏi.
Thế giới nhìn về những người có đức tin để tìm câu trả lời cho nhiều lĩnh vực, như hòa bình, hi vọng, khủng hoảng môi trường, bạo lực nhân danh tôn giáo, và các khủng hoảng trong gia đình và kinh tế.
Chúng ta, những người có đức tin, nhận lấy những vấn đề này, nhưng chúng ta có một kho tàng lớn lao, là cầu nguyện. Và chúng ta, những người có đức tin, thì cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Nostra aetate, tuyên bố của của Công đồng Vatican II về quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo không Kitô, và buổi tiếp kiến chung được dành riêng tập trung vào đối thoại liên tôn. Đức Giáo hoàng có lời chào đón đặc biệt đến các cá nhân và nhóm đại diện cho các tôn giáo khác, đang hiện diện ở Quảng trường thánh Phêrô.
Ngài nhắc lại Công đồng Vatican II là một ‘thời khắc đặc biệt của suy tư, đối thoại, và cầu nguyện, để đổi mới các nhìn của Giáo hội Công giáo về chính mình và về thế giới.’
‘Đọc các dấu chỉ của thời đại, dưới cái nhìn được cập nhận trong lòng trung thành, trung thành với truyền thống của Giáo hội, trung thành với truyền thống Hội thánh, và trung thành với lịch sử của con người nam nữ trong các thời đại của chúng ta.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại các khởi xướng và sự kiện liên tôn giáo đã nảy nở trong những năm tiếp sau văn kiện Nostra aetate.
Ngài nhắc lại cụ thể về cuộc gặp gỡ liên tôn giáo ở Assisi năm 1986, hoa trái của cuộc gặp giữa thánh Gioan Phaolô II và một nhóm thanh niên Hồi giáo ở Casablanca trước đó một năm.
‘Ngọn lửa, được thổi bùng ở Assisi, đã lan ra khắp thế giới, và là một dấu chỉ trường tồn cho hi vọng.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô đặc biệt nhắc đến sự biến chuyển quan hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo trong 50 năm qua. ‘Hờ hững và chống đối, đã biến thành cộng tác và thiện ý, từ địch thù và người lạ, chúng ta đã trở thành bạn bè và anh em.
Nostra etate dẫn dắt con đường để nói ‘có’ với tái khám phá các cội rễ Do Thái của Kitô giáo, và nói ‘không’ với mọi loại bài Do Thái, đồng thời lên án tất cả mọi xúc phạm, kỳ thị, và đàn áp bài Do Thái.’
Đức Giáo hoàng chỉ ra rằng, Nostra eatate thăng tiến các quan hệ đổi mới, không chỉ với người Do Thái, nhưng còn với những người thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo.
Ngài trích lại các đoạn văn trong văn kiện nhìn nhận những điểm chung giữa Kitô giáo và Hồi giáo, nói đến vai trò tổ phụ của Abraham, tôn kính Chúa Giêsu ngôn sứ, kính mến Đức Mẹ, cũng như việc bố thí và chay tịnh.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, mục tiêu và điều kiện của đối thoại liên tôn là sự ‘tôn trọng lẫn nhau.’ ‘Tôn trọng quyền được sống của người khác, tôn trọng sự toàn vẹn về thể lý, sự tự do căn bản, cụ thể là tự do lương tâm, tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về ‘nạn bạo lực và chủ nghĩa khủng bố’ đã khiến tôn giáo trở thành đối tượng bị nghi ngờ và lên án.
‘Trong khi vẫn luôn có các mối nguy của chủ nghĩa chính thống hay cực đoan trong bất kỳ tôn giáo nào, thì chúng ta vẫn phải nhìn về các giá trị tích cực mà các tôn giáo đó sống và đưa ra, là những nguồn của hi vọng.’
Đức Giáo hoàng suy tư về nhiều lĩnh vực cộng tác khác nhau có thể có giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, là phục vụ người nghèo, người già, di dân, chăm lo cho tạo vật ….
‘Tất cả mọi tín hữu thuộc mọi tôn giáo. Cùng với nhau, chúng ta có thể chúc tụng Đấng Tạo Hóa vì đã cho chúng ta khu vườn thế giới để vun trồng và bảo vệ như tài sản chung, và cũng chung tay làm việc với nhau để chiến đấu với nạn nghèo đói và bảo đảm các điều kiện để tất cả mọi người có được đời sống có phẩm giá.’
Đức Phanxicô tiếp tục nhắc những người hiện diện rằng Năm thánh Lòng Thương xót, mở ra vào tháng 12 này, sẽ đem lại một cơ hội cho những ai làm việc vì lòng nhân.
‘Lòng thương xót mà tất cả chúng ta được kêu gọi, chính là sự bao trùm vạn vật. Thiên Chúa đã trao phó vạn vật cho chúng ta, bởi chúng ta là người quản gia, chứ không phải người bóc lột, hay thậm chí tệ hơn nữa là người hủy hoại.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô kết buổi tiếp kiến bằng lời kêu gọi cầu cho các nạn nhân của trận động đất ở Pakistan và Afghanistan.
Đã có hơn 370 người thiệt mạng, và hàng ngàn người bị thương do trận động đất 7.5 độ. Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, càng tăng thêm lo lắng vì mùa đông đang đến gần.
‘Chúng ta cầu nguyện cho những người đã mất và gia đình họ, cho tất cả những ai đang bị thương và không có mái nhà trú ngụ, xin Chúa an ủi họ trong cơn đau khổ và củng cố họ trong nghịch cảnh.
Mong sao chúng ta đừng thiếu tình tương thân tương ái cụ thể với các anh chị em của mình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét