Trang

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Nét Á Đông nơi Đức Giêsu

Nét Á Đông nơi Đức Giêsu


Người Á châu có thói quen suy nghĩ rằng Đức Giêsu là người Tây Phương trong khi chính Ngài lại đã giáng sinh và lớn lên nơi mảnh đất Á Đông. Ngộ nhận này khiến những người không phải là kitô hữu tại châu Á khó tiếp cận với Tin Mừng. Trong số 20 của Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập đến vấn nạn này và chỉ ra nguyên nhân dễ nhận thấy đó là Tin mừng của Đức Giêsu được các nhà thừa sai Tây Phương mang đến cho người bản địa châu Á nên phần nào cũng có sự ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương. Đồng thời, đấng kế vị thánh Phêrô cũng nêu ra một trong những khó khăn trong việc tiếp cận Tin Mừng là vì nơi đây vốn có nhiều nền văn hóa và tôn giáo lâu đời.

Từ những nhận định trên của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, tác giả bài viết này lưu tâm đến dung mạo Á Đông nơi Đức Giêsu với những nét làm nên con người Á Châu, chẳng hạn Ngài là một con người có tâm hồn tôn giáo thật sâu xa, con người chiêm niệm, tiên vàn là con người của tình thương, cảm thông, con người của mọi người đặc biệt của người nghèo và đau khổ. Cũng vậy, trong khi nói về thực tại Nước Trời cho dân chúng cùng thời, Đức Giêsu đã dùng những dụ ngôn và những hình ảnh rất gần gũi với đời thường và những giá trị truyền thống như một phương pháp thật bài bản giúp người nghe dễ dàng lãnh hội được những gì Ngài truyền đạt.

Trong số các đức tính nhân bản được đề cao, chúng ta dễ dàng nhận thấy đức tính nhẫn nhục là điểm son trong tư tưởng giáo dưỡng nhân cách của người Á Châu. Vào mọi thời, kinh nghiệm cuộc sống minh chứng một cách thuyết phục rằng người biết nhẫn nhục chính là người mạnh nhất. Có người còn nói, nhẫn nhục có khả năng vô hiệu hóa quả đấm của kẻ hung bạo. Những câu tục ngữ quý báu được ông cha ta đúc kết qua thao trường nhẫn nhục như: “Một sự nhịn là chín sự lành”; “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng/ Lùi một bước biển rộng trời cao”; “Mưa dầm thấm đất”.

Từ khi sinh ra cho đến khi chịu chết trên cây thập giá, cuộc đời tại thế của Đức Giêsu luôn toát lên sự nhẫn nhục tuyệt vời. Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta biết Người nhẫn nhục sống đời cần lao suốt 30 năm trường tại Nazareth, trong vâng phục cha mẹ và trong cảnh cơ bần; khi sống cùng các Tông Đồ, Ngài đã kiên trì uốn nắn các ông và cũng không hề nản chí vì những tiến bộ đôi khi rất chậm chạp của các môn đệ (x. Mc 8, 17-21); nhẫn nhục để chịu đựng cả những vô ơn hoặc dửng dưng của người đời đối với sự tận tâm của mình (x. Mc 5, 4-5; Lc 8, 36-37); nhẫn nhục để không tỏ ra bực bội và nhất là không bao giờ để lòng oán hận, thù ghét, không nổi giận lôi đình, cũng không nhiệt thành nóng nảy (x. Lc 9, 53-56); sau cùng nhẫn nhục để đón tiếp người khác bất cứ lúc nào (x. Mc 3, 20-21), và không bao giờ tỏ ra rằng người khác đã quấy rầy mình.

Trong cách xử sự của Đức Giêsu, chúng ta còn thấy được sự cảm thương và cảm thông nơi người đối với dân chúng nói chung. Cảm thương và thông cảm thì khác hẳn với thương hại. Ai có được đức tính này sẽ sẵn sàng chia sẻ tình thương với những con người đói khổ, yếu đuối, bệnh tật, già cả, cô đơn và luôn thấu hiểu được những nhu cầu cùng với những tâm tư và âu lo của họ. Đức Giêsu chính là bậc thầy trong việc thấu hiểu những nhu cầu thiết yếu của con người (x. Ga 6, 5). Đối với người đau yếu, đôi khi chỉ là những cuộc viếng thăm hay cử chỉ ân cần (x. Mt 8, 14-15). Đó lại là dịp để Ngài chinh phục quả tim của tha nhân hữu hiệu nhất. Theo gương vị Thầy chí thánh, chúng ta cũng phải kính trọng, cảm thương, thông cảm và săn sóc tha nhân. Vì chưng, trong cái nhìn đức tin, những con người ấy chính là hình ảnh Đức Kitô chịu đau khổ.

Là kitô hữu và cách đặc biệt lại được sinh ra tại mảnh đất Á Châu, chúng ta có bổn phận họa lại khuôn mặt của Đức Kitô một cách trung thực. Để trở nên chứng ta sống động cho Tin Mừng của ngài, không có một cách nào khác ngoài việc tìm về trường học của Thầy chí ái Giêsu ở đó những người trò được mời gọi sống như Thầy mình sống, yêu như Thầy mình đã yêu thương hết mọi người, kể cả những người tội lội và những người ghét thậm chí làm hại mình và phục vụ như người Thầy mẫu mực, Đấng đã đến đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ và dám hy sinh mạng sống mình với niềm xác tín: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dẫ hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
 http://gpbuichu.org/news/Dong-Daminh/Net-A-Dong-noi-Duc-Giesu-2178.html#sthash.bWTC4i2m.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét