TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
I. VÀI NÉT VỀ TÊRÊSA
Têrêsa sinh ngày 2.1.1973, nhập dòng kín Lisieux vào tháng 4. 1888, mặc áo dòng ngày 10. 1. 1889, khấn dòng 24.9.1890, qua đời ngày 30.9.1897.
Têrêsa là con út trong một gia đình đông con. Mồ côi mẹ lúc bốn tuổi. Chị đã phải trải qua những ngày tháng khốn cực của tuổi ấu thơ[1]. Têrêsa là một em bé “thần kinh dễ bị kích động, không hiền lành như Céline, tính nết rất ương bướng, khi nó nói không, thì không gì có thể làm nó nói có được, dù có bị giam dưới hầm cả ngày”[2]. Điểm nổi bật của Têrêsa khi ấy là hay khóc và khi hết khóc, lại khóc tiếp vì sự vô lý của mình[3]. Khi chị Pauline, người được Têrêsa coi như mẹ thứ hai vào dòng Cát minh, chị bị bệnh tâm thần, hay đập đầu vào tường và thấy những hình ảnh ma quái hiện ra đe dọa[4], ấu trĩ, và có vẻ như một trẻ chậm phát triển về tâm lý[5].
Mãi đến năm mười bốn tuổi, chị mới được chữa lành. Chị không còn khóc nữa và có thể hoàn toàn làm chủ bản thân. Chị vào dòng kín năm 15 tuổi, một biệt lệ. Từ đó, chị sống đời ẩn dật, nhưng lại được Hội thánh phong là bổn mạng các xứ truyền giáo. Vậy đâu là nền tảng của công cuộc loan báo Tin Mừng của chị? Chị đã làm được gì và làm bằng những phương thế nào?
II. NGUỒN GỐC CỦA SỨ MẠNG CỦA TÊRÊSA
1. Mầu nhiệm Nhâp thể
Mọi sự đều bắt nguồn từ khúc quanh quan trọng này, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật (Lc 1, 26 – 38; Mt 1, 18 – 25). Nơi Người:
- Thiên Chúa đã đi vào trong con người để con người cũng được đi vào trong Thiên Chúa
- Thiên Chúa đã nên một với con người để con người cũng được nên một với Thiên Chúa
- Thiên Chúa đã ở với con người để con người cũng được ở với Thiên Chúa
- Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, nên nơi Người, dòng máu Thiên Chúa đã lưu thông trong huyết quản con người và sự sống của con người đã được luân chuyển trong Thiên Chúa.
2. Hiệu quả của mầu nhiệm nhập thể
Thiên Chúa không sao có thể rút lại lòng thương xót dành cho con người được nữa: vì từ nay cứ thấy Con Người ở đâu thì Thiên Chúa lại thấy loài người ở đó và ngược lại
- Từ nay mãi mãi nơi ta có Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa có ta
- Chúa Giêsu là khởi đầu của một kỷ nguyên mới, của một nhân loại mới, kỷ nguyên Emmanuel.
- Thiên Chúa vẫn muốn thực hiện kế hoạch Emmanuel của Ngài nơi mỗi người trên trần gian này.
Chúa Giêsu đã trở thành hình ảnh hữu hình của lòng xót thương của Thiên Chúa. Khác hẳn với những con người đương thời, là những người chỉ biết tới một vị Thiên Chúa công bằng, Têrêsa cảm nhận và quảng bá một vị Thiên Chúa xót thương. Ngày 9.6.1895, chị cảm thấy bị thôi thúc làm lễ vật hy sinh cho tình yêu xót thương[6]. Việc hiến dâng này chính là chóp đỉnh của một cuộc đời liên lỉ hiến tế vì tình yêu.
III. NỀN TẢNG CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA TÊRÊSA
1. Mê say Lời Chúa
Ngay từ khi còn ở nhà, Têrêsa đã có thói quen đọc Kinh thánh, chị cùng với Céline, đã chép lại các đoạn Kinh thánh vào một số quyển tập[7]. Khi vào dòng, Têrêsa thấy được bổ dưỡng bằng lời Thiên Chúa hơn bất cứ của ăn nào khác[8]. Trong lời Chúa chị tìm được mọi thứ chị cần, chị hiểu được các mầu nhiệm. Mọi khúc rẽ trong đời chị đều được đánh dấu và soi dẫn bằng lời Thiên Chúa[9]. Chị viết: “Ở Kinh thánh, mọi sự xem ra thật rõ ràng, chỉ một Lời thôi đủ mở ra cho linh hồn em những chân trời vô tận, sự trọn lành trở nên dễ dàng”[10]
2. Thiên Chúa là tình yêu
Têrêsa thấy Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng xót thương của Thiên Chúa[11]. Đọc trong Tin Mừng, chị thấy Chúa Giêsu đã gọi Mathêu, một người thu thuế làm môn đệ (Mt 9, 9 – 13); đã vào nhà ông Zakêu (Lc 19, 1tt) [12]; đã để cho một phụ nữ khét tiếng ôm chân khóc, lấy tóc lau (Lc 7, 36 – 38); đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình (Lc 23, 34). Chúa lại còn khẳng định: “Tôi bảo thật các ông, giữa triều thần Thiên Chúa ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải ăn năn” (Lc 15, 10). Vì đã mặc khải cho chị điều quan trọng này, nên Thiên Chúa cũng từng bước đưa chị vào trong sứ vụ Ngài muốn.
3. Hiến mình cho tình yêu
3.1. Khát vọng được yêu mến Chúa mọi nơi, mọi lúc
Năm 1887, khi mới mười bốn tuổi, Têrêsa được cha Lepeletier cho phép được rước lễ một tuần bốn lần, có khi năm lần nếu có lễ trọng. Đây là điều khiến chị sung sướng đến điên dại, chị viết:
“Tôi cảm thấy trong tôi đang bừng cháy một khát vọng cho tới lúc này, tôi vẫn chưa thể hình dung ra được, thỉnh thoảng tôi thật sự ngây ngất vì yêu. Một buổi chiều nọ, chẳng biết phải nói thế nào với Chúa Giêsu rằng tôi yêu mến Ngài và tôi ao ước Ngài được yêu mến và tôn vinh khắp nơi. Ngay lúc ấy tôi nhận ra rằng trong hỏa ngục không một ai yêu mến Ngài cả. Thế là tôi thưa với Ngài, để làm vui lòng Ngài, tôi sẵn sàng chịu trầm luân đời đời trong hỏa ngục, để ngay cả trong nơi đáng nguyền rủa ấy, Ngài vẫn được yêu thương”[13]
3.2. Khát vọng cứu các linh hồn
Có lần, trước khi vào dòng, khi nhìn vào tấm hình kẹp trong sách lễ, chị bị đánh động khi thấy các giọt máu từ vết thương trên tay Chúa đang nhỏ xuống đất. Ngay lúc ấy, chị quyết định sẽ ở lại dưới chân đồi Calvê để hứng lấy những giọt máu của Chúa và đổ tràn ra cho các tội nhân. Và ý định này đã củng cố hơn nữa quyết định vào dòng kín của chị: vào đó để cầu nguyện cho các linh mục và các tội nhân[14]. Chị viết tiếp: “Tiếng Chúa Giêsu không ngừng vang vọng trong tâm hồn con: ‘ta khát’. Những lời này đốt lên trong con một ngọn lửa bừng cháy… Con muốn cho Đấng con yêu mến được uống và con cũng cảm thấy chính mình cũng đang bị dày vò bởi cơn khát các linh hồn… Con khát khao mong ước họ không phải sa hỏa ngục”[15]
3.3. Hiến mình cho tình yêu xót thương
Sau nhiều năm sống đời hy sinh và cầu nguyện cho các linh mục và các tội nhân, ngày 9.6.1895, chị Têrêsa đã bị thôi thúc mãnh liệt, phải hiến dâng mình làm lễ vật hy sinh không phải cho sự Công Bằng nhưng cho Tình Yêu Xót Thương[16]. Sau khi được bề trên cho phép, chị đã vui mừng báo tin cho chị Céline biết kế hoạch hiến dâng: “… Em xin Chúa kéo xuống nơi bản thân em những hình phạt dành cho những kẻ có tội”[17]. Và hai ngày sau, ngày 11.6. 1895, trước tượng Đức Mẹ Mỉm Cười[18], chị đã đọc kinh dâng hiến sau:
“Lạy Thiên Chúa, con ao ước yêu mến Chúa và làm cho mọi người yêu mến Chúa, con muốn hoạt động cho vinh quang Hội thánh Chúa qua việc cứu các linh hồn trên thế gian và giải thoát các linh hồn trong luyện ngục. Con ao ước thực hành ý Chúa cách hoàn hảo và đạt tới mức độ vinh quang Chúa dành sẵn cho con trong vương quốc Ngài trên trời… Xin Chúa tuôn đổ đầy hồn con những sóng tình yêu xót thương vô bờ bến đang ứ nghẹn trong Chúa, và như thế, con sẽ được tử đạo vì tình yêu Chúa. Ước gì cuộc tử đạo này làm cho con chết ngay để con được bay thẳng vào vòng tay đời đời ấp ủ con trong tình yêu thương”[19].
IV. SỨ VỤ YÊU THƯƠNG CỦA TÊRÊSA
1. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết (Ez 18)
Vì Chúa Giêsu đã tuyên bố, Nước Trời là của những ai giống như trẻ thơ (Mt 18, 1 – 4), nên Têrêsa rất khó chịu với một quan niệm rất thịnh hành thời ấy: trẻ em chết khi chưa lãnh bí tích Thánh Tẩy có thể sẽ không được vào nước trời[20].
2. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi
2.1. Cho Henry Pranzini
Đêm 19 rạng ngày 20 tháng ba năm 1887, hai phụ nữ và một bé gái 12 tuổi bị sát hại dã man tại căn nhà số 17 đường Montaigne Paris. Kẻ thủ ác là Henry Pranzini, 3o tuổi. Tuy bị bắt, nhưng Pranzini vẫn cương quyết không nhận tội. Ngày 13.7.1887, Pranzini bị kết án tử hình. Biết chuyện, Têrêsa ao ước cứu linh hồn anh ta. Trong khi báo chí nặng lời kết tội, nào là “tên đồi bại khủng khiếp”, “ác quỷ hiện hình”, “kẻ hung tàn chưa từng thấy”, thì Têrêsa vẫn cứ âm thầm cầu nguyện, lại còn xin cả chị mình dâng lễ cầu nguyện, điều mà thời của chị chưa hề có. Chị viết: “Tôi xác tín rằng lời cầu nguyện của chúng tôi sẽ được đoái nhìn… Chúa sẽ tha thứ cho Pranzini đáng thương này… tôi tin như thế, nhưng tôi vẫn xin Chúa Giêsu cho tôi một dấu để an ủi tôi”[21]
Ngày 31. 8. Pranzini đã cương quyết từ chối các bí tích sau hết của cha tuyên úy trại tù. Tuy nhiên, trước khi đưa đầu vào máy chém, Pranzini đã hôn kính thánh giá ba lần[22].
2.2. Cho linh mục Hyacinthe Loyson
Một người khác đã được Têrêsa suốt đời hy sinh cầu nguyện cho đó là cha Hyacinthe Loyson. Loyson là một nhà giảng thuyết tài ba của nhà thờ chính tòa Paris thuộc tu hội Xuân Bích. Sau đó gia nhập dòng Đaminh rồi thành Đan sĩ và làm giám tỉnh dòng Cát minh, nhưng vào năm 1869 đã rời bỏ Hội thánh, chuyển sang Tin Lành, lấy một góa phụ người Mỹ làm vợ. Năm 1879, ông thành lập một giáo hội theo Anh giáo, phủ nhận ơn vô ngộ của đức giáo hoàng. Ông kêu gọi linh mục và giáo dân tuyển chọn giám mục, ông ủng hộ hàng giáo sĩ có gia đình và đòi cử hành phụng vụ bằng tiếng Pháp. Ông bị vạ tuyệt thông, bị coi là “đan sĩ phản bội”. Trong lúc trong dòng kín không ai thèm nhắc tới tên ông, thì Têrêsa vẫn cứ âm thầm cầu nguyện, vì tin rằng Thiên Chúa đã cứu Pranzini, chả lẽ Ngài lại không cứu Loyson. Chị còn khẳng định: “Đừng bỏ cầu nguyện, sự tin tưởng sẽ tạo nên phép lạ”. Chị đã dành cả đời để cầu nguyện và nhất là đã dâng lần rước lễ cuối cùng trong vật vã, đau đớn để cầu cho vị linh mục này[23].
Năm 1891, qua người cậu là phóng viên báo chí, tuy không theo sát tình hình xã hội, chị vẫn biết rằng hiện đang có những phong trào chủ trương vô tín ngưỡng, chống lại hàng giáo sĩ. Chị đã cầu nguyện cho Pranzini và Loyson, bây giờ chị lại bắt đầu cầu nguyện cho những người duy vật và chủ trương vô chính phủ[24].
3. Cầu cho các linh mục
Trong cuộc hành hương Rôma để xin đức thánh cha cho phép được vào dòng kín lúc 15 tuổi, Têrêsa đã cùng đi tàu, cùng ở khách sạn và đồng bàn với 75 giáo sĩ. Chị đã chứng kiến những cảnh trái tai, gai mắt. Có những linh mục chỉ thích gần gũi gái đẹp khiến mọi người phải đàm tiếu. Nhưng đây cũng là một bài học cho Têrêsa. Chị tâm sự: “Tại nước Ý, tôi đã hiểu được ơn gọi của mình”. Ơn gọi của dòng kín là cầu nguyện cho các linh mục. “Nếu các linh mục thánh thiện mà còn rất cần đến lời cầu nguyện, thì các linh mục nguội lạnh lại còn cần hơn biết bao”[25]. Chị đã dâng những đau khổ của mình để cứu các linh hồn. Chị viết:
“Ta hãy cứu các linh hồn nhất là linh hồn các linh mục… Có biết bao linh mục xấu, chưa thánh thiện đủ. Ta hãy cầu nguyện, chịu đau khổ vì các ngài”[26].
4. Cầu nguyện cho các nhà truyền giáo
4.1. Cho thầy Maurice
Thầy Maurice Bellière, một đại chủng sinh đã viết thư xin mẹ bề trên cho một đan sĩ hiến mình cầu cho phần rỗi và cho công cuộc truyền giáo của mình. Ngày 17. 10. 1895, mẹ Agnès đã đề nghị Têrêsa nhận nhiệm vụ này. Chị rất hạnh phúc, đã tâm sự như sau:
“Trong nhiều năm qua, tôi đã không có được thứ hạnh phúc này. Lúc này, tôi thấy tâm hồn tôi được đổi mới. Thật giống như lần đầu tiên một ai đó gảy lên những nốt nhạc du dương từ cây đàn đã bị quên lãng từ lâu”[27]. Để niềm vui được trọn vẹn hơn, chị đã gia tăng gấp đôi nhiệt tình và lòng trung thành đối với các bổn phận hằng ngày, dâng mọi hy sinh như ngồi không dựa lưng vào ghế, không bắt chéo hai chân, không lau mặt vào những ngày trời nóng, không xoa tay khi trờ lạnh, giúp đỡ những ai cần đến chị, tự xóa mình khi ở phòng khách, không tọc mạch, không nói những lời vô ích, không nhìn đổng hồ khi cầu nguyện. Chị đã sống như thế suốt nhiều năm[28].
4.2. Cho cha Adolph Roulland
Tháng năm năm 1896, mẹ bề trên lại xin Têrêsa cầu nguyện cho thầy Adolphe Roulland, thuộc hội thừa sai Paris. Lúc đầu chị từ chối, nhưng sau được bề trên giải thích, chị đã nhận lời và cảm thấy rất hạnh phúc. Chị nói: “Lòng nhiệt thành của một đan sĩ Cát minh phải ôm trọn thế giới này”. Tân linh mục này đã dâng Thánh Lễ đầu tiên tại Dòng Kín Lisieux, trước khi lên đường sang Tứ Xuyên. Têrêsa viết cho cha Roulland: “Nếu về trời sớm, em sẽ xin Chúa Giêsu cho em đến Tứ Xuyên thăm anh và chúng ta sẽ tiếp tục công việc tông đồ với nhau”[29].
Lòng nhiệt thành tông đồ của vị nữ tiến sĩ Hội thánh này có thể được tóm tắt trong lời tâm sự sau: “Tôi muốn yêu mến Chúa Giêsu thật nhiều, yêu như chưa bao giờ Ngài được yêu … Tôi ao ước hoán cải tất cả những kẻ tội lỗi trên trần gian và cứu vớt tất cả các linh hồn trong luyện ngục”[30].
Để được chôn vùi đi, cho lúa trổ bông, chị đã ao ước sang Việt nam, sang dòng kín Sài gòn. Ở đó, chị sẽ bị quên lãng, bị lưu đầy vì tình yêu Thiên Chúa[31].
5. Chóp đỉnh của ơn gọi thừa sai của Têrêsa
5.1. Một khát vọng lạ thường
Tháng 9 năm 1896, một năm trước khi hoàn tất công cuộc loan báo Tin Mừng nơi dương thế, trong một cuộc tĩnh tâm riêng, Têrêsa cảm thấy không hài lòng với ơn gọi là một đan sĩ Cát minh, một hiền thê và một người mẹ của mình nữa. Một khát vọng khác đang trào tràn trong lòng. Chị khao khát được là một chiến sĩ, một linh mục, một phó tế, một tông đồ, một tiến sĩ Hội thánh và một vị tử đạo. Chị còn muốn sống mỗi ơn gọi ấy cách sung mãn nhất: rao giảng Tin Mừng trên toàn thế giới từ lúc tạo thiên lập địa cho đến tận thế, và sẵn sàng chịu tử đạo. Chị hỏi Chúa Giêsu: “Ôi, Giêsu của con, Chúa nghĩ gì về sự điên rồ này của con?”[32].
5.2. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ?
Chị có được giải đáp ngay, khi tình cờ đọc trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô:
Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì lợi ích chung. Người thì được ơn làm thầy dạy, người được ơn hiểu biết, kẻ thì được Thần Khí ban lòng tin, kẻ thì được ơn chữa bệnh, người thì được ơn làm phép lạ, người được ơn nói tiên tri, kẻ khác được ơn phân định thần khí…Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng cũng là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Mắt không thể bảo tay, tao không cần chúng mày, đầu không thể bảo chân tao không cần chúng mày. Vì nếu thân thể chỉ toàn là mắt thì lấy gì mà ăn, toàn là tai thì lấy gì mà ngửi? Vì thế trong Hội thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy rồi đến những người được ơn làm phép lạ… Chả lẽ ai cũng là tông đồ? Ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy? (x. 1 Cr 12, 12 – 30).
5.3. Đức mến cao trọng hơn cả
Câu trả lời đã rõ, nhưng không thối chí, chị đọc tiếp: “Trong những ơn huệ của Thiên Chúa anh em cứ thiết tha tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả:
“Đức mến không bao giờ mất. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các thứ tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi sẽ chẳng còn. Ơn hiểu biết chỉ có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn… hiện này đức tin, đức cậy, đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng đức mến là lớn hơn cả” (1 Cr 13, 1 – 13).
5.4. Ơn gọi tôi là tình yêu
Têrêsa nhảy cẫng lên, vì đã tìm được ơn gọi của mình. Chị viết: Đức mến chính là chìa khóa để tôi sống ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng Hội thánh có một thân thế gồm nhiều chi thể khác nhau, chi thể cần thiết và cao quí nhất, không thể thiếu được… đó là con tim bừng cháy tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Hội thánh hoạt động và khi tình yêu không còn nữa, thì sẽ không còn các tông đồ nữa, các vị tử đạo sẽ không còn đổ máu nữa. Tôi hiểu rằng tình yêu chứa đựng mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả… tình yêu là vĩnh cửu[33].
Cuối cùng chị đã ngây ngất thốt lên: “Ôi Giêsu, tình yêu của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con; ơn gọi của con là tình yêu… Vâng lạy Thiên Chúa của con, giữa lòng giáo hội, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả và như thế giấc mơ của con sẽ mỹ mãn”[34].
Cũng từ ngày ấy, tình yêu sẽ biến đổi chị. Tuy vẫn còn nhỏ bé, yếu đuối, như con chim non, ngủ gật hay lo ra trong giờ cầu nguyện, nhưng vì dám tin vào tình yêu, phó thác cho tình yêu, chị sẽ là một tông đồ, một chiến sĩ, một linh mục, một vị tử đạo[35].
5.5. Chị làm tất cả mọi sự vì tình yêu
Trước tiên Têrêsa nhận thấy một sự đối lập giữa những gì chị được soi sáng với môi trường chị đang sống, giữa những gì chị quyết tâm thực hiện với những gì những người chung quanh đang thực hiện. Họ ra trước mặt Chúa với biết bao công nghiệp, ân xá, chẳng khác gì người Biệt Phái trong Tin Mừng (Lc 18, 9 – 14). Còn chị chẳng có gì, chỉ có mỗi một điều là để Thiên Chúa yêu chị như Ngài muốn[36]. Chị viết:
“Chúa nhân lành có nhiều tình yêu để cho, nhưng Ngài không thể cho vì người ta khoe công đức của mình, dù đó chẳng là gì”. Vì thế, chị đã thưa: “Xin ban cho con tình yêu của Chúa, con vui lòng làm hy tế cho tình yêu, nghĩa là, nhận lấy tất cả tình yêu mà người khác không muốn lãnh nhận, bởi vì họ không để cho Chúa yêu họ theo cách Ngài muốn”[37].
Chị tự nguyện làm hiến lễ cho tình yêu và đồng ý để cho mình bị thiêu đốt bởi tình yêu, miễn sao Thiên Chúa hài lòng. Trước đây có lúc chị nhặt rác để cứu linh hồn mình, còn bây giờ chị nhặt rác vì lòng yêu mến Chúa[38].
5.6. Lòng yêu mến có sức xóa tan tội lỗi.
Từ khi hiến mình cho tình yêu xót thương, chị luôn cảm thấy bình an, không còn âu lo gì về tội lỗi của mình nữa. Chị khẳng định: Chắc chắn người ta có thể sa ngã, có thể phạm những bất trung, nhưng lòng yêu mến sẽ thiêu hủy tất cả những gì làm mất lòng Chúa Giêsu và chỉ để lại một sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn[39]. Rồi chị kết luận: “Bây giờ tôi chẳng còn ao ước gì ngoại trừ việc yêu mến Chúa Giêsu đến điên dại… hiện giờ công việc của tôi là yêu mến”[40]. Chị viết: “Em không có phương thế nào để chứng tỏ tình yêu của em … ngoài việc lợi dụng tất cả mọi chuyện nhỏ mọn nhất để thi hành với tình yêu,… vì tình yêu, em muốn chịu đau khổ… em không gặp một cánh hoa nào mà không ép lại để dâng cho Ngài”[41]
Trong một tấm ảnh giã biệt tặng cho các chị em, chị viết: “Em thấy điều em đã tin. Em chiếm được điều em hy vọng. Em kết hợp với Đấng em đã yêu mến với tất cả sức mạnh của tình yêu của em”[42]. Nhưng có lẽ điều đọc đáo nhất của Têrêsa là chết vẫn cứ làm cho người ta yêu mến Chúa.
6. Chết vẫn làm cho người ta yêu mến Thiên Chúa
Vào những ngày cuối đời, chị biết đã đến lúc chấm dứt cuộc sống trần gian, nhưng chị lại không thể chấp nhận thiên đàng là một chỗ nghỉ ngơi. Chết chị vẫn tiếp tục sứ mạng chị đã khởi sự, nên đã tâm sự với chị Marie du Sacré Coeur: “Chị có biết em đang ấp ủ những dự tính nào, sẽ làm gì với dự tính của em trên thiên đàng không? Em sẽ bắt đầu sứ mạng của em là làm cho người ta yêu mến Thiên Chúa như em hằng yêu mến, chỉ cho các linh hồn con đường nhỏ của em. Nếu Thiên Chúa chấp nhận thì thiên đàng của em sẽ được trải dài ở trần gian cho tới ngày tận thế. Em sẽ hưởng phúc thiên đàng của em để đem ơn lành cho trần gian… Tôi sẽ trở lại trần gian! Tôi sẽ xuống trần gian”[43].
Không chỉ hy sinh, cầu nguyện, làm mọi sự vì tình yêu và cho tình yêu, Têrêsa còn xây dựng nước trời tại thế trong cộng đoàn đan viện
(còn tiếp)
[1] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 19 - 20
[2] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 28.
[3] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 19.
[4] Ibid., 21.
[5] Ibid., 24.
[6] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 218; P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr 30.
[7] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 207.
[8] Ibid., 180.
[9] Xem Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 180 – 182; 207; 253; 273.
[10] Xem Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 273.
[11] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 31.
[12] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 180 – 182
[13] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 94.
[14] Ibid., 28; P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 95.
[15] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 127 – 128.
[16] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 219
[17] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 218 – 219.
[18] Đây là bức tượng đã cứu chị khỏi cơn bệnh thần kinh. Xem Ms. A, 30 r0.
[19] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 220 – 221.
[20] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 70.
[21] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 96 – 98.
[22] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 30 – 31.
[23] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 170 – 171.
[24] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 242.
[25] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 113.
[26] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 156.
[27] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, 223 – 24.
[28] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 224.
[29] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 244 – 245.
[30] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 142 – 143.
[31] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 172; P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 148.
[32] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 253.
[33] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 254.
[34] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 254 – 255.
[35] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 255.
[36] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 46.
[37] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 47.
[38] P. Marie Eugène de Enfant – Jésus, Tình Yêu Của Chúa Lớn Lên Cùng Với Con, tr. 48
[39] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr.227.
[40] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 227 – 228.
[41] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, trang 206.
[42] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 308.
[43] Guy Gaucher, OCD, Chuyện Một Cuộc Đời, Thánh Têrêsa Lisieux, tr. 296.
Tác giả: Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR.
Nguồn: http://www.giaolyductin.net
Nguồn: http://www.giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét