Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần II, chương 4
Chương 4
Hướng về sự viên mãn gia đình theo nghĩa Giáo Hội
Dây liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hội và gia đình
Dây liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hội và gia đình
52. Ơn phúc và trách nhiệm của gia đình mới, được đóng ấn trong bí tích của Giáo Hội, bao hàm việc sẵn sàng, cùng với cộng đồng Kitô hữu, trở nên người ủng hộ và cổ vũ giao ước nền tảng giữa người đàn ông và người đàn bà này. Trong bối cảnh các liên hệ xã hội, tức việc sinh sản con cái, việc bảo vệ những người yếu đuối nhất và cuộc sống cộng đồng, sự sẵn sàng này mang theo nó một trách nhiệm; trách nhiệm này có quyền được nâng đỡ, thừa nhận và trân trọng. Nhờ bí tích hôn nhân, mỗi gia đình, trong mọi khía cạnh của nó, trở thành nguồn thiện ích cho Giáo Hội. Căn cứ vào viễn ảnh này, suy tư về tính hỗ tương giữa gia đình và Giáo Hội chắc chắn là một hồng phúc vô giá đối với Giáo Hội ngày nay: Giáo Hội là nguồn thiện ích của gia đình và gia đình là nguồn thiện ích của Giáo Hội. Duy trì hồng phúc bí tích của Chúa không chỉ liên hệ tới các gia đình cá thể, mà liên hệ tới toàn thể cộng đồng Kitô hữu, một cách rất chuyên biệt. Trước các khó khăn đang xuất hiện, có khi rất trầm trọng, đối với việc duy trì sự kết hợp hôn nhân, vợ chồng cần phải tìm cách biện phân các thành tựu cũng như các thất bại liên hệ, với sự giúp đỡ của các mục tử và cộng đồng.
Ơn hoán cải và các thực hiện của nó
53. Giáo Hội luôn gần gũi với các cặp vợ chồng mà mối liên hệ giữa họ đã trở nên yếu ớt đến độ có nguy cơ phải ly thân. Trong trường hợp mối liên hệ có cơ sở đi đến một kết thúc buồn thảm, Giáo Hội luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải đồng hành với họ trong thời khắc đau buồn này; đồng hành một cách không để các lập trường chống chọi đầy phá hoại bị căng phồng thêm. Cần phải đặc biệt chú ý đến con cái, là những người đầu tiên bị cuộc chia tay tác động, để chúng càng bớt đau khổ càng hay: “khi bất ổn xẩy ra với cha và mẹ, linh hồn mấy xấp nhỏ chịu khổ một cách đau đớn” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 24 tháng Sáu, 2015). Cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng soi sáng mọi con người (xem Ga 1:9; GS, 22), gợi hứng để Giáo Hội lo lắng về mục vụ cho các tín hữu chỉ đơn giản sống chung với nhau và kết hôn ngoài dân sự hay đã ly dị và tái hôn. Theo viễn ảnh sư phạm Thiên Chúa, Giáo Hội nhìn bằng con mắt yêu thương những người chỉ tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách không trọn vẹn: Giáo Hội khẩn cầu cho họ được ơn hoán cải, khích lệ họ làm điều tốt, yêu thương chăm sóc lẫn nhau và hiến thân phục vụ cộng đồng nơi họ sinh sống và làm việc. Điều đáng ước ao là các giáo phận nên cổ vũ các khóa học để những người này biện phân và dấn thân, như một trợ giúp và một khuyến khích để họ tiến tới việc trưởng thành hóa các lựa chọn có ý thức và nhất quán của họ. Nên giúp các cặp này để họ biết họ có thể sử dụng diễn trình tuyên bố vô hiệu cho cuộc hôn nhân của họ.
54. Bất cứ khi nào cuộc kết hợp đạt được một sự ổn định đáng kể nhờ sợi dây gắn bó công khai, và được nhận rõ qua việc âu yếm nhau thắm thiết, có trách nhiệm đối với con cái, có khả năng vượt qua các thử thách, thì đây đều có thể coi là cơ hội để đồng hành với họ nhằm tiến tới bí tích hôn nhân, khi có thể. Còn việc sống chung mà không có sự sắp xếp nào hướng tới một cuộc hôn nhân khả hữu trong tương lai và thiếu ý hướng ổn định hóa bất cứ liên hệ có tính định chế nào thì lại là một vấn đề khác. Thực tại hôn nhân dân sự giữa một người đàn ông và một người đàn bà, các cuộc hôn nhân truyền thống và các thực tại sống chung với nhau, tuy có khác nhau, vẫn là một hiện tượng đang xuất hiện ở nhiều quốc gia. Đàng khác, tình huống của các tín hữu đã thiết lập cuộc kết hợp mới đòi phải có một nền chăm sóc mục vụ đặc biệt: “Trong các thập niên này... càng ngày người ta càng ý thức rõ hơn sự cần thiết phải có thái độ chào đón có tính huynh đệ và thận trọng, trong yêu thương và chân lý, đối với những người đã rửa tội nhưng nay đã lập ra cuộc chung sống mới sau sự thất bại của cuộc hôn nhân bí tích; thực vậy, những người này trên thực tế không bị tuyệt thông” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 5 tháng Tám, 2015).
Lòng thương xót nằm ở trung tâm mạc khải
55. Giáo Hội khởi đi từ các tình huống đời thực của các gia đình ngày nay, tất cả đều cần lòng thương xót, bắt đầu là các gia đình chịu đau khổ hơn cả. Với trái tim hay thương xót của Chúa Giêsu, Giáo Hội phải đồng hành với những đứa con yếu ớt hơn, đầy thương tích và bối rối trong đường tình, bằng cách tái lập niềm tin và niềm hy vọng, giống như ánh sáng hải đăng tại hải cảng hay đuốc sáng giương cao để soi đường cho những người lạc lối giữa bão táp. Lòng thương xót là “trung tâm việc mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (MV, 25). Trong nó, sự tối cao của Thiên Chúa sáng ngời, với nó, Người mãi mãi trung thành với hữu thể của Người, tức tình yêu (xem 1Ga 4:8), và với lời đoan hứa của Người. “Trên hết, chính qua lòng thương xót, Thiên Chúa biểu lộ quyền lực tối cao của Người” (Thánh Tôma Aquinô, Summae Theologiae, II-II, q.30, art.4; xem Sách Lễ Rôma, Lời Nguyện Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên). Công bố sự thật bằng tình yêu, tự nó, là một hành vi thương xót. Trong Tự SắcMisericordia Vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố: “Lòng thương xót không bác bỏ công lý nhưng nói lên thái độ của Thiên Chúa đối với người có tội”. Và ngài nói tiếp: “Thiên Chúa không bác bỏ công lý. Nhưng Người phong phú hóa nó và vượt quá nó trong một biến cố cao hơn, nơi mà tình yêu được cảm nhận như nền tảng của công lý đích thực” (MV, 21). Chúa Giêsu là gương mặt thương xót của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thương thế gian rất nhiều... để thế gian nhờ Người (Chúa Con) mà được cứu rỗi” (xem Ga 3:16-17).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét