Trang

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

10*Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 2

10 * Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 2



Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương 2

Gia đình, sinh sản, dưỡng dục
Việc truyền sinh

62. Sự hiện diện của nhiều gia đình trong Giáo Hội là một ơn phúc đối với cộng đồng Kitô hữu và đối với xã hội, vì việc chào dón sự sống vốn là một đòi hỏi nội tại của tình yêu vợ chồng. Về phương diện này, Giáo Hội bầy tỏ lòng thành thực biết ơn các gia đình đã chào đón, nuôi dưỡng, âu yếm bảo bọc và truyền thụ đức tin cho con cái mình, nhất là các gia đình mỏng manh và có con cái khuyết tật. Các trẻ em này, sinh ra với các nhu cầu đặc biệt, khiến Chúa Kitô thương yêu và Giáo Hội buộc phải bảo vệ như một ơn phúc. Bất hạnh thay, hiện đang có não trạng phổ quát muốn giảm thiểu việc sinh ra sự sống mới, chỉ để thoả mãn bản thân của cặp vợ chồng. Các nhân tố kinh tế, văn hóa và giáo dục đang áp đặt một gánh nặng, đôi khi có tính quyết định, tạo nên một sa sút đáng kể về sinh suất, làm suy yếu cơ cấu xã hội, đặt thành nghi vấn mối liên hệ giữa các thế hệ và khiến người ta có cái nhìn không chắc chắn đối với tương lai. Về phương diện này, điều quan trọng là bắt đầu lắng nghe người ta và đưa ra các lý lẽ bênh vực vẻ đẹp và sự thật của việc chào đón sự sống vô điều kiện, vì điều này được tình yêu con người cần đến để có thể sống một cách viên mãn. Ở đây, ta thấy sự cần thiết phải quảng bá các tuyên bố có tính giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội nhằm cổ vũ nền văn hóa sự sống. Việc chăm sóc mục vụ cho gia đình mỗi ngày mỗi đòi các chuyên viên Công Giáo thuộc lãnh vực y sinh học phải can dự nhiều hơn vào các khóa tiền hôn nhân và vào việc đồng hành với các cặp vợ chồng.

Trách nhiệm sinh sản

63. Phù hợp với trật tự tạo dựng, tình yêu vợ chồng giữa một người đàn ông và một người đàn bà và việc truyền sinh đã được sắp đặt cho nhau (xem St 1:27-28). Nhờ cách này, Đấng Tạo Hóa đã biến người đàn ông và người đàn bà thành những người tham dự vào công trình sáng tạo của Người, và đồng thời biến họ thành dụng cụ tình yêu của Người, ủy thác cho họ trách nhiệm đối với tương lai nhân loại qua việc lưu truyền sự sống con người. Vợ chồng phải cởi mở đón chào sự sống, đào tạo lối suy luận đúng đắn “biết nhìn ra thiện ích riêng của mình và thiện ích của con cái, cả những đứa đã sinh ra và những đứa đang được dự trù, biết biện phân các điều kiện vật chất và tinh thần về thì giờ và hoàn cảnh sống của họ, và luôn lưu ý tới thiện ích của cộng đồng gia đình, của xã hội con người và của Giáo Hội” (GS 50; cf. VS, 54-66). Phù hợp với đặc điểm bản vị và hoàn toàn nhân bản của tình yêu vợ chồng, cách đúng đắn để kế hoạch hóa gia đình là đồng thuận đối thoại giữa vợ chồng, tôn trọng thì giờ và quan tâm tới phẩm giá người bạn đời. Trong bối cảnh này, người ta nên đọc lại Thông Điệp Humanae Vitae (xem các số 10-14) và Tông Huấn Familiaris Consortio (xem các số 14; 28-35) để đánh thức khuynh hướng biết sống ngược với não trạng phản sự sống hiện nay. Nhờ thế, việc cởi mở đón chào sự sống có thể lớn mạnh trong gia đình, trong Giáo Hội và trong xã hội. Qua nhiều định chế dành cho trẻ em, Giáo Hội có thể góp phần tạo ra một xã hội và cả một cộng đồng đức tin biết lấy đứa con làm thước đo. Lòng can đảm truyền sinh sẽ được tăng cường một cách đáng kể ở những nơi biết tạo ra bầu không khí thích đáng cho trẻ em, trong đó người ta sẵn sàng giúp đỡ và đồng hành với những người có trách nhiệm dưỡng nuôi con cái (sự hợp tác giữa các giáo xứ, các cha mẹ và các gia đình).

Quyết định sinh sản con cái có trách nhiệm giả thiết phải có việc đào tạo lương tâm, vốn là “tâm điểm thâm sâu nhất và là cung thánh của một con người, trong đó, họ một mình hiện diện với Thiên Chúa; tiếng của Người vang lên trong họ” (GS, 16). Vợ chồng càng cố gắng lắng nghe Lời Chúa và các giới răn của Người trong lương tâm (xem Rm 2:15), và được đồng hành về thiêng liêng, thì quyết định của họ càng thoát được tính chủ quan và khuynh hướng mốn chiều theo lối sống của những người chung quanh. Vì tình yêu đối với phẩm giá lương tâm, Giáo Hội mạnh mẽ bác bỏ các can thiệp cưỡng bức của Nhà Nước nhằm ủng hộ việc ngừa thai, triệt sản hay thẳng thừng phá thai. Cần phải khuyến khích việc sử dụng các phương pháp dựa trên “chu kỳ của khả năng sinh nở tự nhiên”. Việc khuyến khích này nên nhấn mạnh điều sau: “các phương pháp này tôn trọng thân xác vợ chồng, khích lệ tình âu yếm giữa họ và có lợi cho việc dưỡng dục đúng nghĩa” (CCC, 2370). Có bằng chứng lâu đời cho thấy: con cái là quà phúc kỳ diệu của Thiên Chúa, là niềm hân hoan của cha mẹ và của Giáo Hội. Qua chúng, Thiên Chúa canh tân bộ mặt thế giới.

Giá trị của sự sống trong mọi giai đoạn của nó

64. Sự sống là ơn phúc Chúa Ban và là một mầu nhiệm vượt quá chúng ta. Bởi thế, không thể có việc vứt bỏ những sự sống mới bắt đầu cũng như sự sống ở giai đoạn cuối đời. Trái lại, điều chủ yếu là phải dành cho những giai đoạn này một sự chăm sóc đặc biệt. Ngày nay, “Hữu thể nhân bản” rất đễ “bị coi như một món hàng tiêu thụ ngay trong nó, một món hàng có thể được sử dụng rồi quăng bỏ. Chúng ta đã để cho nền văn hóa ‘vứt bỏ’ phát triển, thậm chí còn được cổ vũ nữa” (EG, 53). Về phương diện này, được sự nâng đỡ của toàn bộ xã hội, gia đình có bổn phận chào đón sự sống sắp sửa sinh ra và chăm sóc sự sống này cho tới các giai đoạn sau cùng của nó. Còn về thảm kịch phá thai, trước nhất Giáo Hội quả quyết đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người và dấn thân nhất quyết hành động để bênh vực sự sống này (xem EV, 58). Nhờ các định chế của mình, Giáo Hội cung cấp huấn đạo cho những người mang thai, nâng đỡ các bà mẹ thiếu niên, giúp đỡ các hài nhi bị bỏ rơi, và gần gũi những người đã phá thai. Giáo Hội nhắc các nhân viên trong lãnh vực y tế nhớ nghĩa vụ luân lý của họ là phải phản đối lương tâm. Đồng thời, Giáo Hội không chỉ cảm thấy phải cấp thời khẳng định quyền được chết tự nhiên, tránh lối điều trị tàn nhẫn và an tử, mà còn săn sóc người cao niên, che chở những người có khuyết tật, trợ giúp những người bệnh sắp chết, an ủi những người đang hấp hối, và cương quyết bác bỏ án tử hình (xem CCC, 2258).

Nhận con nuôi và nuôi trẻ

65. Việc nhận con nuôi, nhận trẻ mồ côi và các trẻ em bị bỏ rơi, nhận chúng như con cái của chính mình, trong tinh thần Tin Mừng, quả đả mang lấy vai trò tông đồ gia đình đích thực (xem AA, 11), và vốn được Huấn Quyền kêu gọi và khuyến khích nhiều lần (xem FC, 41; EV, 93). Quyết định nhận con nuôi và nuôi trẻ (fostering) nói lên một loại sinh hoa trái đặc thù, vượt lên trên và vượt quá các trường hợp hiếm muộc đáng buồn. Một quyết định như thế biểu thị hùng hồn cho việc chào đón có tính sinh sản, cho chứng tá đức tin và cho việc nên trọn của tình yêu. Nó phục hồi phẩm giá hỗ tương cho sợi dây từng bị bẻ gẫy: cho các vợ chồng không có con và cho những đứa con không có cha mẹ. Bởi thế, cần phải hỗ trợ mọi sáng kiến nhằm làm cho thủ tục nhận con nuôi được dễ dàng hơn. Việc buôn bán trẻ em giữa các nước và lục địa có thể được ngăn chặn nhờ các biện pháp luật lệ và việc kiểm soát của các chính phủ. Tính liên tục trong mối liên hệ sinh sản và mối liên hệ dưỡng nuôi phải lấy sự dị biệt giới tính giữa đàn ông đàn bà làm nền tảng cần thiết, giống như trong việc sinh sản. Đứng trước hoàn cảnh trong đó, người ta muốn có con bằng bất cứ giá nào, coi việc này như một thứ quyền để được thỏa mãn bản thân, thì việc nhận con nuôi hay nuôi trẻ, hiểu cho đúng, nhấn mạnh khía cạnh quan trọng sau đây của việc làm cha mẹ và làm con cái: chúng giúp ta nhìn nhận con cái, bất luận con tự nhiên, con nuôi hay con nhận nuôi, đều là những con người khác, và do đó, ta phải chào đón, yêu thương, chăm sóc , chứ không phải chỉ đem vào đời. Quyền lợi ưu tiên của đứa trẻ luôn luôn phải là yếu tố quyết định điều hướng việc nhận con nuôi hay nhận nuôi trẻ. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhắc nhở: “con cái có quyền đươc lớn lên trong một gia đình với một người cha và một người mẹ” (Buổi Yết Kiến Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên của cuộc hội thoại về bản chất bổ túc của người đàn ông và người đàn bà, do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cổ vũ, 17 tháng Hai, 2014). Tuy nhiên, Giáo Hội có bổn phận buộc phải công bố rằng nếu có thể, con cái có quyền được lớn lên trong các gia đình nơi chúng sinh ra với sự trợ giúp lớn nhất có thể có.

Việc dưỡng dục con cái

66. Một trong các thánh đố nền tảng đang đặt ra cho các gia đình ngày nay chắc chắn là thách đố dưỡng dục; thách đố này càng trở nên cấp thiết và phức tạp hơn bởi thực tại văn hóa đương thời và ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Nên xem xét thích đáng các đòi hỏi và hoài bão của các gia đình: để trong cuộc sống hàng ngày, họ có khả năng trở thành nơi phát triển, nơi truyền thụ đức tin vững chắc và chủ yếu, nơi sống thiêng liêng và thực hành nhân đức giúp lên khuôn cho cuộc sống. Gia đình gốc thường là nơi ươm trồng ơn kêu gọi làm linh mục và tu dòng: vì thế, cha mẹ được thúc giục cầu xin Chúa ban ơn gọi vô giá này cho một trong những đứa con của họ. Trong lãnh vực giáo dục, quyền của các cha mẹ phải được bảo đảm trong việc tự do chọn lối giáo dục cho con cái phù hợp với các xác tín của họ, các khả thể sẵn có, và phẩm chất. Chúng phải được giúp đỡ để có thể sống cuộc sống cảm giới của chúng, ngay trong liên hệ hôn nhân, như một cách thế hướng tới trưởng thành, biết chấp nhận người khác mỗi lúc mỗi sâu sắc hơn và hiến mình mỗi lúc mỗi trọn vẹn hơn. Theo chiều hướng này, điều cần thiết là tái khẳng định việc cung cấp các phương tiện huấn luyện nhằm nuôi dưỡng đời sống hôn nhân và tầm quan trọng của một hàng ngũ giáo dân biết đồng hành bằng chính chứng tá sống của họ. Giúp ích rất nhiều là gương sáng của một tình yêu trung thành và sâu sắc, phát xuất từ tình âu yếm dịu dàng, biết kính trọng, và có khả năng phát triển với thời gian, và trong việc cương quyết cởi mở đón chào sự sống mới, ta sẽ cảm nghiệm được một mầu nhiệm vượt quá chính ta.

67. Trong các nền văn hóa khác nhau, các người lớn trong gia đình thường đóng một vai trò không thể thiếu trong việc dưỡng dục. Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh, ta đang chứng kiến cảnh các cha mẹ giảm dần phần đóng góp của mình vào việc dưỡng dục con cái, do sự hiện diện đầy áp đảo của các phương tiện truyền thông trong gia đình, cũng như khuynh hướng muốn chừa hay dành nhiệm vụ này cho người khác. Nhưng mặt khác, các phương tiện truyền thông (nhất là truyền thông xã hội), với thời gian, có thể giúp các thành viên trong gia đình hợp nhất với nhau. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông cũng là dịp để truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Giáo Hội đang được yêu cầu khuyến khích và nâng đỡ các gia đình trong nhiệm vụ phải lưu tâm và can dự một cách có trách nhiệm vào các chương trình có tính học thuật và giáo dục có lợi cho con cái họ. Hiện có sự nhất trí trong việc quả quyết rằng cơ sở giáo dục đầu tiên chính là gia đình và cộng đồng Kitô hữu có vị trí rất tốt trong việc hỗ trợ và tổng hợp vai trò huấn luyện không thể thay thế này. Điều cần thiết là phải dành không gian và thời gian hội họp để khuyến khích việc huấn luyện các cha mẹ và chia sẻ kinh nghiệm của các gia đình. Điều cũng quan trọng là việc các cha mẹ tham dự nhiều vào việc chuẩn bị cho con em lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô Giáo, vì họ chính là các thầy cô và các chứng tá đức tin đầu tiên của con cái họ.

68. Các trường Công Giáo đóng một vai trò chủ yếu trong việc giúp đỡ các cha mẹ chu toàn bổn phận giáo dục con cái họ. Giáo dục Công Giáo làm cho vai trò gia đình được dễ dàng: nó bảo đảm việc chuẩn bị vững vàng, giáo dục nhân đức và các giá trị, dạy dỗ theo giáo huấn của Giáo Hội. Nên khuyến khích các trường Công Giáo trong sứ mệnh giúp các cựu học sinh của họ lớn lên thành những người trưởng thành chín chắn, có khả năng nhìn thế giới qua cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, và hiểu cuộc sống như lời mời gọi phụng sự Thiên Chúa. Do đó, hệ luận là các trường Công Giáo rất quan trọng cho sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Tại nhiều vùng, các trường đều là Công Giáo, tạo cơ hội đích thực cho trẻ em các gia đình nghèo, nhất là giới trẻ, giúp chúng thoát được cảnh nghèo và có cơ hội đóng góp thực sự cho đời sống xã hội. Phải khuyến khích các trường Công Giáo tiến hành các sinh hoạt của họ tại các cộng đồng nghèo nàn nhất, để phục vụ những thành viên kém may mắn nhất và dễ bị thương tổn nhất của xã hội chúng ta.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét