Thứ hai tuần 32 thường niên
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ.
Lễ kính.
* Thánh đường Latêranô là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm 320. Vì thế, đây là thánh đường đầu tiên và danh dự, được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”.
Ngày lễ này nhắc ta nhớ rằng thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.
Ngày 9 tháng 11
Lễ Cung Hiến Thánh Ðường Latêranô
Lễ Kính
Bài Ðọc I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12
"Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: "Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9
Ðáp: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao (c. 5).
Xướng: 1) Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. - Ðáp.
2) Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. - Ðáp.
3) Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17
"Anh em là đền thờ của Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô.
Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 2 Sb 7, 16
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 2, 13-22
"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".
Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Ðền Thờ Mẹ của tất cả các Nhà Thờ
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ cung hiến đền thờ Latêranô. Ðền thờ xây cất với tư cách là nhà thờ của giáo phận Rôma, trọng tâm hiệp thông và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội công giáo.
Ðền thờ Latêranô được xem như là đền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ của thành Rôma và của toàn thế giới. Toàn thể Giáo Hội công giáo mừng lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ này để nói lên sự hiệp thông Giáo Hội. Giáo Hội Chúa hiện diện khắp nơi trên thế giới được hiệp nhất và hiệp thông với nhau. Như thế, đền thờ Latêranô còn là dấu hiệu mời gọi hiệp thông và hiệp nhất. Sự hiệp thông và hiệp nhất này đã được bắt đầu trước hết nơi tâm hồn con người đón nhận Tin Mừng của Chúa và tôn thờ Ngài trong sự thật và trong tinh thần. Ðền thờ bằng đá không còn ý nghĩa nếu không có đền thờ tinh thần nơi tâm hồn con người, nếu con người không biến tâm hồn mình làm đền thờ sống động cho Thiên Chúa ngự trị.
Con người mọi thời đại đều bị cám dỗ trần tục hóa đền thờ, trần tục hóa niềm tin tôn giáo như những kẻ buôn bán đổi tiền được nhắc đến trong Phúc Âm hôm nay. Mỗi người Kitô chúng ta từng xác tín điều này và góp phần của mình để giúp anh chị em chung quanh cũng được soi sáng hiểu như vậy. Ðây là một trong những trách nhiệm của từng người Kitô đối với anh chị em mình. Ðó là chỉ cho anh chị em mình phải biết tôn thờ Thiên Chúa như thế nào cho phải đạo.
Chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội vượt ra bên ngoài cơ cấu hữu hình và đồng thời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về bổn phận phải làm sao, hay làm chứng cho anh chị em được hiểu và trở thành kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong Thánh Thần và trong sự thật. Ðây chính là ý nghĩa mà lễ mừng cung hiến đền thờ Latêranô nhắc lại cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa,
Xin biến đổi mỗi người chúng con trở thành đền thờ sống động của Chúa và trở thành những kẻ tôn thờ Chúa đích thực như lòng Chúa mong ước trong sự thật và trong Thánh Thần.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Cung Hiến Đền Thờ John-Laterano
Bài đọc: Eze 47:1-2, 8-9, 12; I Cor 3:9b-11, 16-17; Jn 2:13-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đền thờ cá nhân, gia đình, và Giáo Hội phải luôn được thanh tẩy.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính ngày xây dựng thánh-đường St. John Lateran, một trong bốn Đại Vương Cung Thánh Đường của Rôma, và là chỗ ở chính thức của Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma, hơn 1000 năm, từ khoảng 350 AD cho đến thời kỳ lưu đày bên Avignon (~ 1350). Giống như Đền Thờ Jerusalem, Vương Cung Thánh Đường Lateran cũng bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần vì tội lỗi và khuyết điểm của con người; nhưng vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải luôn thanh tẩy mọi đền thờ khỏi mọi nhơ bẩn của tội lỗi vì là nơi Thiên Chúa ngự. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel thấy một thị kiến về tương lai của Đền Thờ Jerusalem. Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra nhiều đến nỗi làm thành một con sông chảy ra sông Jordan, rồi đổ ra Biển Chết. Nước chảy đến đâu, chữa lành con người tới đó và mang lại sự sống cho con người. Thị kiến này muốn nói về sự bành trướng của Giáo Hội từ Jerusalem lan tràn ra khắp nơi trên thế giới để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người, qua nước Rửa Tội có sức thanh tẩy tội lỗi và mang lại sự sống cho con người.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô phải luôn xem xét đền thờ cá nhân là tâm hồn mọi người cho Thiên Chúa ngự. Sau khi ngài đã đặt nền móng chắc chắn cho họ trên nền tảng là Đức Kitô, họ phải xét xem cách thức họ xây nhà có xứng đáng với nền tảng là Đức Kitô hay không. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Jerusalem, Nhà Cha của Ngài; vì họ đã làm cho Đền Thờ trở nên ô uế bằng buôn bán và trao đổi tiền bạc. Khi được chất vấn lấy quyền gì để làm như thế, Ngài cho họ biết nếu họ phá "đền thờ này" đi, Ngài sẽ xây dựng lại trong ba ngày. Các môn đệ hiểu Ngài ám chỉ "đền thờ này" chính là thân thể của Ngài, sau khi nhìn thấy Chúa sống lại sau ba ngày từ cõi chết.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.
1.1/ Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra: Đền Thờ trong thị kiến của tiên-tri Ezekiel là Đền Thờ Jerusalem. Tiên tri thấy "có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ." Theo địa hình của thành Jerusalem, phía Đông Nam của Đền Thờ là thung lũng Kedron, thường khô cạn nên một người có thể từ Đền Thờ băng qua thung lũng để trèo lên Núi Olive, như Chúa Giêsu và các môn đệ có lẽ đã làm sau khi hoàn tất Bữa Tiệc Ly để leo lên Núi Olive cầu nguyện. Thị kiến hôm nay rất lạ vì khó có thể có nhiều nước đến nỗi làm đầy thung lũng sâu Kedron, cho có đủ nước để tạo lên một giòng sông để chảy ra phía Đông và nhập vào sông Jordan để chảy vào Biển Chết. Nhiều người cho thị kiến này là biểu tượng của việc phát triển Giáo Hội ra khỏi Jerusalem và lan tràn đến các Dân Ngoại.
1.2/ Hiệu quả của nước là chữa lành và ban sự sống: Điều lạ thứ hai là nước của Biển Chết mặn đến nỗi không một sinh vật nào có thể sống sót nổi vì có quá nhiều muối. Trong khi thị kiến hôm nay tiên-tri Ezekiel mô tả: "Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Arabah, rồi đổ ra Biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc." Nếu hiểu cách biểu tượng là nước Rửa Tội hay ơn thánh của Chúa Thánh Thần, Nước này quả thực có sức mạnh để rửa sạch, chữa lành, và thánh hóa những người tin vào Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.
Theo Phaolô, khi một người chịu phép Rửa Tội, người đó đã đổ nền cuộc đời mình trên nền tảng là Đức Kitô; vì thế người đó phải xây dựng căn nhà là cuộc đời mình sao cho xứng đáng với nền tảng là Đức Kitô, để biến thành ngôi đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Mọi tín hữu phải thường xuyên xem xét ngôi nhà của mình xây dựng để bảo đảm phẩm chất của đền thờ Thiên Chúa; nếu không, ngôi nhà sẽ không đứng vững nổi trước những phong ba bão táp của cuộc đời.
Trong Thư Ephêsô, thánh Phaolô ví tất cả các tín hữu là thành phần sống động của Đền Thờ Thiên Chúa, được xây dựng trên nền tảng là các tông-đồ và ngôn-sứ, với Đức Kitô là Tảng Đá góc tường. Giáo Hội, bao gồm tất cả các tín hữu, cũng phải thường xuyên xem xét để bảo vệ sự thánh thiện cho Đền Thờ của Thiên Chúa ngự.
3/ Phúc Âm: Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.
3.1/ Phản ứng của Chúa Giêsu khi thấy Nhà Cha của Ngài bị ô uế: Trình thuật thanh tẩy Đền Thờ Jerusalem được tường thuật cả bốn thánh-ký, nhưng trình thuật của Gioan được mang lên đầu giai đoạn rao giảng của Đức Kitô; trong khi trình thuật của Phúc Âm Nhất Lãm mang xuống cuối, và là một trong những lý do làm người Do-thái tức giận và tố cáo Chúa Giêsu với Thượng Hội Đồng. Tại sao có sự khác biệt này? Lý do chính có lẽ Gioan muốn trình bày quan điểm thần học của mình về Đức Kitô: Ngài ý thức rõ ràng vai trò của mình là Con Thiên Chúa, khi Ngài tự nhận Đền Thờ là Nhà Cha của Ngài khi nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." Hơn nữa, Ngài cũng muốn dạy cho dân chúng biết cách thờ phượng Thiên Chúa cách trong sạch và theo sự thật; không lệ thuộc vào tiền bạc cách bất chính.
3.2/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do-thái: Chứng kiến hành động của Chúa Giêsu, người Do-thái tức tối hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."
Chúa Giêsu muốn ám chỉ "Đền Thờ này" là chính thân thể của Ngài; nhưng người Do-thái nghĩ Ngài nói về Đền Thờ Jerusalem, nên họ tranh luận với Chúa Giêsu: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?"
Họ nghĩ Chúa Giêsu nói khuếch đại; các môn đệ của Chúa Giêsu chỉ hiểu điều Chúa Giêsu nói "khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã được xây dựng trên nền tảng là chính Đức Kitô. Chúng ta phải thường xuyên xem xét để bảo đảm chất lượng và xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị; nếu không, nó sẽ biến thành chỗ ở của quỉ thần.
- Gia đình, cộng đoàn giáo xứ, và toàn thể Giáo Hội cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa. Bổn phận của mỗi tín hữu là phải chăm sóc và thanh tẩy những gì có thể trong khả năng của chúng ta để Thiên Chúa ngự trị, và chúng ta được lãnh nhận muôn ơn phúc của các Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét